Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Tướng Võ Nguyên Giáp

Tác giả: Nguyễn Văn Lục Trước khi viết về tướng Giáp, tôi đã nhiều lần nhìn lại cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, tôi có những ưu tư thắc mắc nặng trĩu trong lòng là phải chi Việt Nam mình tránh được cuộc chiến tranh huynh đệ, kéo dài gần nửa thế kỷ? Điều khó nhất là việc đánh nhau thì ta lại làm được, điều dễ là không đánh nhau thì ta lại làm không được. Ta hãnh diện, tự hào và gọi đó là những hy sinh cao cả. Mà thực ra bóc trần nó chỉ là thứ nghề đi giết người. Thế giới này làm nghề gì cũng được, nhưng không thể có cái nghề đi giết người!!


Thật vậy, đôi khi cần can đảm hỏi: Tại sao các nước láng giềng như Singapore, như Thai Lan, như Nhật, như Phi Luật Tân chung quanh ta họ tránh được cái kiếp nạn chiến tranh? Và nhìn toàn diện thế giới từ Âu sang Á Châu đến Phi Châu rồi Nam Mỹ, có hằng trăm nước cũng bị đô hộ, bị thuộc địa, vậy mà họ có bao nhiêu nước cần một cuộc chiến tranh giải phóng như thế không?
Phong trào giải thực trên toàn thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai, do sự suy sụp của các đế quốc, các thuộc địa đã biết khai thác kẽ hở yếu kém đó và đã giành lại được Độc Lập với một giá rẻ? Nhiều khi không tốn đến một viên đạn?
Nhưng khi tôi đọc một trích đoạn về tướng Giáp trong cuốn Patriots, tôi hiểu rõ được con người của ông hơn. Mặc dầu ông nhìn nhận cuộc chiến tranh này là: The most atrocious conflict in human history. Trong cuộc Hội thảo tại Hà Nội có sự tham dự của ông Mc Namara với hy vọng xem xét lại thởi gian chiến tranh để tìm ra những cơ hội bỏ lỡ (missed opportunities). Cuộc trao đổi giữa hai bên cho thấy sự khác biệt nền tảng giữa hai người về cách nhìn về chiến tranh.
Mc Namare khiêm tốn đưa ra nhận xét:”Chúng ta cần rút ra bài học từ đó cho phép chúng ta tránh được một thảm kịch như thế trong tương lai”.
Ông Giáp đáp lại một cách một cách thẳng thừng: ” Những bài học thì quan trọng thật Tôi đồng ý. Tuy nhiên, ông đã sai lầm khi gọi cuộc chiến tranh là một thảm kịch! Có thể nó là một thảm kịch đối với ông, nhưng đói với chúng tôi, chiến tranh là một sự hy sinh cao cả. Chúng tôi không muốn đánh nhau với người Mỹ, nhưng các ông đã không cho chúng tôi một chọn lựa nào khác”.
Christian G. Appy, Patriots, The Viet Nam war, trang 43
Câu trả lời của tướng Giáp, nó bắt buộc người viết biên khảo về ông cần nắm vững hai điều: Cần tìm hiểu kỹ gốc gác miền và cá tính con người tướng Giáp. Thời gian đi dạy học tiết lộ khá đầy đủ con người và tham vọng của ông sau này . Hai là sự tôn thờ chủ nghĩa cộng sản đến độ trong thâm sâu con người của ông chỉ có sự hận thù, chỉ có sự muốn thủ tiêu tất cả những ai không cùng chính kiến. Đây là điều mà những người viết về tiểu sử trướng Giáp hầu như không chú trọng tới đủ.
Từ bản chất con người như thế, cái nhìn về chiến tranh, về chiến thắng trở thành nỗi ám ảnh suốt đời ông! Trong khi cái nhìn đại cuộc, cái nhìn về viễn ãnh các mối tương giao quốc tế giữa nhiều thế lực chính trị, giữa nhiều xu hướng chính trị, giữa nhiều ý hệ đối nghịch, giữa nhiều giải pháp cứu nước dành độc lập, ông không có dịp học hỏi và không có một quan điểm vững vàng.
Kiến thức lúc trẻ của ông vùi đầu vào một số sách sử Pháp- đặc biệt cuộc Cách mạng 1798 của Pháp và những chiến công của Napoléon và từ đó ông dệt lên những ước mộng sau này của ông.
Thật vậy ngay khi còn ẩn dật dạy tư tại trường Thăng Long cũng là nơi ông nuôi dưỡng ý chí, đọc sách để sau này làm chuyện lớn. Ông học sử, dạy sử và dùng sử học cho những mục tiêu chính trị của ông và tin rằng có thể truyền thụ những điều ấy nơi học trò của ông. Vì thề, một số học trò của ông sau có thể do ảnh hưởng của ông cũng đi theo con đường ấy như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thành Lê, tướng Lê Quang Đạo hay Nguyễn Lâm. Trong số ấy, kẻ thù muốn tiêu diệt hạ nhục ông không ai khác là học trò Lê Đức Thọ!!

Ngoài ra, còn có hai học trò mà sau này di cư vào miền Nam là Trung tướng Nguyễn Vĩnh Lộc, và ông Bùi Diễm, lúc ấy ông Bùi Diễm 13 tuổi. Ông Bùi Diễm tác giả In the Jaws of History, 1987.

Cả hai ông đều ghi lại những hồi ức về ông thày dạy sử. Những nhận xét về ông Giáp như là một người chiến đấu cực đoan, không bao giờ nở một nụ cười và không chịu khuất phục trước đối phuong. Giảng sử say mê đi từ đầu lớp xuống cuối lớp, mô tả lại những trận đánh của Napoleon, từng câu nói, cử chỉ của vị tướng như thể vị tướng đang có mặt.

Gần như ông nhập vào vị tướng và diễn xuất sử thay vì dạy sử. Và đã có lần, ông nói rằng, ông sẽ trở thành một Napoleon.

Dạy về Cách mạng Pháp, ông lôi trường hợp hoàng hậu Marie Antoinette ra, nói về sự chi phí xa xỉ quá đáng của bà hoàng hậu và kết luận là xứng đáng phải tử hình.

Và đi đâu ông cũng kè kẻ cuốn Tư Bản luận, ân bản tiếng Pháp và khuyến khích những người như Bùi Diễm nên đọc cuốn đó.

Con người ông- những điều ông đọc, điều ông xác tín, những điều ông mơ ước thực hiện- đều nuôi mầm từ những năm tháng này!!

Muốn hiểu tướng Giáp, hiểu tâm trạng, ước mơ tuổi trẻ của ông thoi72b đi dạy trường Thăng Long. Cho nên, cho dù ông nhận những ân huệ của Louis Marty đi nữa thì đó không có nghĩa là ông đi theo Tây. Một ngày nào đó- như cuộc đời ông cho thấy-ông đã cùng Phạm Văn Đồng đi tìm lãnh tụ của họ là Hồ Chí Minh ở bên Tầu .

Một quyết định không dễ, bỏ lại vợ con sau này chết trong tù và quyết tâm xây dựng sự nghiệp của mình cho thấy con người của ông –ý chí sắt đá- ra sao!!

Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Viet Nam’s Vo Nguyen Giap, trang 33-34


Nhưng đọc và tìm hiểu về tướng Giáp, chúng tôi có một lối tiếp cận liên hệ tư tưởng gần như tự phát giửa ông Võ Nguyên Giáp, một viên tướng ở miền Bắc và ông Ngô Dình Nhu, một nhà chính trị và trí thức miền Nam-.


Phải nhìn nhận, họ có một số điểm chung là là sự say mê và một xác tín vào một số vấn đề đất nước. Họ đểu thông minh, lý luận sắc bén. Họ đều ham học hỏi. Họ đều có thể ít bạn bè và cô đơn trong những nhận thức của họ.

Nhưng theo tôi việc học và đọc của VNG và NĐN khác nhau nhiều. Ông Giáp đọc tập trung vào một số vấn đề ông thiết thân như cách mạng và hoạt động cách mạng. Và chú trong vào hai phạm trù: Bạo lực và cách mạng.

Ông Nhu học và đọc chính quy, hiểu biết rộng về văn hóa, lịch sử và tầm nhìn chiến lược tương quan thế giới, ông Nhu vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của ý thức hệ cộng sản. Nếu thế giới quan của Võ Nguyên Giáp là ý thức hệ Mác Xít, làm cách mạng bằng đổ máu để đạt mục đích. Đánh Pháp là con đường duy nhất không thể tránh được bằng mọi giá.

Ông NĐN đã có một quan điểm chính trị khác hẳn, đối ngược như một chiến lược khác với chủ trương của người cộng sản và ông khẳng định rằng: Độc lập không phải là mục đích, Phát triển dân tộc mới là mục đích.


Ngô Dình Nhu, Chính Đề, trang 279.

Sự phân biệt này rất quan trọng bởi vì do sự chọn lựa khác nhau đã đã dẫn đưa đến những hậu quả như ngày hôm nay. Ông đã nêu ra một vài lần gương của nước Nhật giữ được tự chủ nhờ giáo dục, nhờ học hỏi nước ngoài, nhờ tự lực tự cường và nhờ phát triển kinh tế, mở mang dân trí. Nói theo bây giờ là biết dùng sức mạnh mềm ( soft power) để giữ được tự chủ, biết xử dụng Smart power(Thông Minh). Con dường dùng bạo lực (hard power) như vũ khí, chiến tranh là con đường mà Võ Nguyên Giáp đã coi như con đường duy nhất- cũng là con đường mà Napoléon đã đề cao trong lời tyên bố thời danh của ông?:
“God is on the side of the big batailions”
Xem Joseph S. Nye, Jr, The Future of power, chương II, trang 25
Ông Ngô Đình Nhu cũng cho rằng cần phân biệt hai chính sách thuộc địa: Chính sách thuộc địa di dân và chính sách thuộc địa khai thác. Nếu người Pháp sang đây chỉ có mục đích khai thác thì sớm muộn gì họ cũng biết con đường phải rút lui. Phải chăng họ bướng bỉnh tham lam, đó là sự thiển cận của người Pháp?

Phần những người cộng sản coi độc lập là cứu cánh, mục dích nên mọi tiềm lực của chúng ta phải đổ vào cuộc kháng chiến bằng mọi giá để đạt chiến thắng.(Đó là quan điểm Victory with any cost). Thay vì chúng ta dành cho sự giáo dục, dào luyện và phát triển như trường hợp nước Nhật?

Và ông Ngô Đình Nhu giả định rằng người Pháp có thực tâm trao trả Độc Lập như người Anh đối với Việt Nam thì ”Các nhà lãnh đạo miền Bắc đã du nhập chủ nghĩa cộng sản cũng chưa chắc đã đưa chúng ta ra được ngoài vòng chi phối trục tiếp của hai khối để khai thác mâu thuẫn mà phát triển dân tộc!!Bởi vì các nhà lãnh đạo miền Bắc đã coi lý thuyết ấy như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Xô và Trung Cộng chỉ dùng làm phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải sau khi mục đích phát triển đã đạt được!!

Và rồi muốn giành được độc lập, do sức lực còn yếu, người cộng sản đã dựa vào Tàu. Và theo ông Ngô Đình Nhu, đó là sai lầm lớn nhất của Hồ Chí Minh. Sự lệ thuộc vào Tàu thỏa mãn tham vong đất đai của Trung Cộng. Viện trợ cho Bắc Việt cũng là một công tác phòng thủ cho Trung Hoa, vì con đường tháo ra biển củng là con đường xâm nhập vào trung Hoa của các đạo quân chính phủ”.
Và ông kết luận: Trong tinh thần này, Trung Cộng đã viện trợ cho Bắc Việt
Ngô Đình Nhu, Ibid, trang 290- 291
Và sau đây, ông đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm trọng về sự lệ thuộc vào Tàu mà ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang sử và trong mỗi tế bào thân thể của chúng ta. Ông viết:
“Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ khủng khiếp. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc. Và sau đây là lời tiên đoán để đời của ông Ngô Đình Nhu, với một tâm nhìn chính trị sáng suốt như một lời tiên tri cách đây trên nửa thế kỷ:

“Sở dĩ tới ngày nay (năm 1962), sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây Phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử Nam Việt Nam bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian”.
Ngô Đình Nhu, Ibid, trang 301
Chính trong những suy nghĩ trăn trở trên mà tôi viết về những chiến trận làm nên tên tuổi Võ Nguyên Giáp và tôi cũng cảm thấy sự sự tê tái và chua xót cho những vinh danh quá độ về hãnh tiến chiến thắng đã qua được lập đi lặp lại mỗi ngày để xoa dịu nỗi bất hạnh nghèo đói, lạc hậu và suy đồi về mọi mặt.

Bước mở đầu sự nghiệp của một vị tướng lãnh có tài
Vào ngày 24 tháng 12, 1944, 32 người chiến sĩ đầu tiên ở vùng rừng núi bưng biền Thiện Thuật, gần Cao Bằng dự nghi thức “uống máu ăn thề”. 48 giờ sau, họ xâm chiếm hai bốt do quân đội Pháp chiếm đóng. Đây là những bước đầu tiên, mặc dầu nhỏ và không đáng kể.. Nhưng lại là bước mở đầu cho một cuộc trường chinh dài với nhiều trận chiến dẫn tới Điện Biên Phủ.

Georges Boudarel, Giap, trang 29

Nhưng theo tác giả Thiếu tá Robert J. O’Neill thì đơn vị tướng Giáp lập ra là 34 người thay vì 32, dưới danh hiệu Đơn vị tuyên truyền và Giải Phóng. Họ đã lập công đầu bằng cách tấn công hai bót nhỏ Khai Phát và Na Ngàn vào ngày 24 tháng 12, 1944 .. Hiện nay ngày sinh nhật cửa đon vị đầu tiên này trở thành ngày sinh nhật chính thức của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Robert J. O,Neill, General Giap, Politician & Strategist, trang 31

Đó cũng là bước mở đầu cho sự nghiệp quân sự của tướng Giáp mà sau này đã có nhiều người không ngần ngại gọi là một thiên tài quân sự của Việt Nam.

Chúng ta sẽ không lạ gì những tác giả như Georges Boudarel cũng như nhiều tác giả Pháp khác. Ông là người cộng sản Pháp nên toàn bộ cuốn sách của ông viết về tướng Giáp mà tôi đọc- ông đã không hề nhắc nhở xa gần về vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Viết về những trận đánh của tướng Giáp thì đã nhiều người viêt . Tôi tập trung vào 3 trận: Chiến dịch Biên giới, trận Vĩnh Phúc Yên Và cuối cùng trận Điện Biên Phủ ..

Trong ba chiến dịch này, tôi nhấn mạnh đến vai trò yểm trợ của Trung Quốc và nếu không có sự yểm trợ đó, không thể thắng Pháp được.

Chiến thắng biên giới

Trong trận chiến biên giới, đối với dòng sử chính thống, Võ Nguyên Giáp được coi như tác giả chính của những chiến công này và đã được ghi lại một cách chính thức trong quân sử Việt Nam.

Theo tài liệu chính thức của QĐND do Hữu Mai ghi:

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi trinh sát thực địa, nơi sẽ nổ súng tấn công đầu tiên. Trở về, Đại tướng triệu tập toàn bộ cán bộ cơ quan tham mưu, tác chiến và ban chỉ huy các trung đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu. Đại tướng nêu câu hỏi: Ngoài Cao Bằng, còn nơi nào nữa không? Tại sao lại chọn Cao Bằng? Sau một phút yên lặng, Đại tướng nói: Chiến dịch này là Chiến dịch Biên giới. Mục tiêu là giải phóng toàn bộ các nơi bị chiếm đóng trên biên giới, trong đó có hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cao Bằng là tỉnh biên giới không có cửa khẩu. Giải phóng Cao Bằng sau lại đánh tiếp Lạng Sơn? Thế có khác gì ta thông báo cho địch biết, để chúng chuẩn bị đối phó. Đại tướng quyết định đánh Đông Khê, Thất Khê và nói: “Đánh Đông Khê, Thất Khê là đánh một nơi, nơi đó bị tiêu diệt thì hai nơi khác không đánh cũng thắng. Mất Đông Khê, Thất Khê thì tại Cao Bằng và Lạng Sơn địch đều phải bỏ chạy vì không còn đường tiếp tế”.
Đúng như nhận định của Đại tướng. Sau khi Đông Khê, Thất Khê thất thủ, quân Pháp chiếm đóng ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đều bỏ doanh trại, đồn, bốt rút chạy.

Nhận định tình hình đúng và chính xác, biết trước, nên sau khi đánh chiếm được Đông Khê, Thất Khê, ta chỉ để lại một lực lượng đủ để bảo vệ, còn toàn bộ tổ chức đi đón đánh quân địch tiếp viện và rút chạy. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống hai tiểu đoàn lính lê dương do hai Đại úy tiểu đoàn trưởng tên là Sác-tông và Lơ-pa-dơ chỉ huy. Nếu nói về số tù binh bị bắt sống thì Chiến dịch Biên giới chỉ đứng thứ hai sau Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Thế nhưng tài liệu Trung Quốc lại cho rằng Chen Geng(Trần Canh) cùng với 281 cán bộ cố vấn quân sự của Trung Quốc mới là những người có công trong chiến dịch biên giới và đã bắt được Marcel Le Page và Pierre Charton và nhiều tù binh Pháp.

Cũng theo Trần Canh, Việt Minh sử dụng gần 10.000 người tung vào chiến dịch Biên giới đê”tấn công Đông Khê vốn chỉ có vỏn vẹn 260 binh sĩ, tỉ lệ là 500:13= 38%, (tức hơn 38 lần).


Trong Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam ghi lại như sau:

Phạm Văn Đồng phấn khởi nói:” Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc viện trợ chúng tôi một cách vô tư, lại cử cố vấn giúp chúng tôi , năm 1950 giúp chúng tôi giành thắng lợi trong quan trọng trong chiến dịch biên giới, làm thay đổi tình hình kháng chiến của Việt Nam khai thông đường giao thông biên giới Việt- Trung hiện nay .( 1951).


Hạ tuần tháng 7, đồng chí Trần Canh đã đến Thái Nguyên, nơi đóng trụ sở của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc giao nhiệm vụ cho Trần Canh là giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch biên giới.


Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam, trang 35

Trong Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam ghi lại như sau:


Phạm Văn Đồng phấn khởi nói:” Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc viện trợ chúng tôi một cách vô tư, lại cử cố vấn giúp chung’ tôi , năm 1950 giúp chúng tôi giành thắng lợi trong quan trọng trong chiến dịch biên giới, làm thay đổi tình hình kháng chiến của Việt Nam khai thông đường giao thông biên giới Việt- Trung hiện nay .( 1951).


Hạ tuần tháng 7, đồng chí Trần Canh đã đến Thái Nguyên, nơi đóng trụ sở của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc giao nhiệm vụ cho Trần Canh là giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch biên giới.


Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam, trang 35


Qiang Zhai cũng có viêt về vấn đề này một cách chi tiết và rõ rệt như sau:
 Tướng Hoàng Văn Thái đã thuyết trình cho Trần Canh về những hoạt động của quân đội Pháp dọc theo đường số 4. Trần Canh sau đó có nói với tướng Giáp, tổng tư lệnh quân đội Việt Minh về kế hoạch biên giới .. Tướng Giáp chấp nhận kế hoạch của trướng Trần Canh, sau đó tướng Giáp mời các cố vấn Trung Quốc thuyết trình cho các sĩ quan lãnh đạo chiến dịch cấp trung đoàn .. Trần Canh đã thuyết trình khoảng 4 tiếng đồng hồ, tập trung vào những điểm yếu của quân đội Việt Minh .. Những người dự buổi thuyết trình chăm chú nghe bài nói chuyện .. Đôi lần, tướng Giáp chen vào cho hay rằng những điều trình bầy của trướng Trần Canh rất có ích lợi .. Trong chiến dịch biên giới, ông Hồ đi thị sát bộ tham mưu bộ đội và nhắn nhủ họ tuân thủ theo những chỉ đạo của tướng Trần Canh “.
Trích Qiang Zhai, China & The Viet Nam wars, 1950-1974, trang 29


Nếu đúng như những gì Qiang Zhai vừa viết, sự có mặt của Trần Canh với kinh nghiệm dầy dặn chiến trường đã hẳn đóng góp không nhỏ vào chiến thắng chiến dịch Biên giới, đồng thời cho thấy sự viện trợ không điều kiện về quân nhu, quân cụ và lương thực của Trung Quốc.


Theo chính tướng Giáp trong chiến dịch biên giới đã viết:
Cơ quan hậu cần đã cung cấp 1.886 tấn gạo, thực phẩm, 41 tấn đạn .(…) Các địa phương ở Việt Bắc, đặc biệt là hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đã đóng góp rất lớn.
Tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc cũng đã đóng góp lương thực cho chiến dịch. Những đoàn xe vận tải của quân giải phóng Trung Quốc chạy thâu đêm cả tháng ròng trên những con đường cửa khẩu Việt Nam- Trung Quốc .
Cũng theo tướng Giáp cho đến năm 1950, ta tiếp nhận của Trung Quốc: 1020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2634 tấn gạo, 200 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hàng quân giới, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô . Viện trợ của Trung Quốc là nguồn cung cấp quan trọng và hiệu quả cho chiến dịch “.


Trích Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 102


Trong số 1886 tấn gạo do hậu cần cung cấp, có bao nhiêu là tấn gạo đến từ Quảng Tây?


Nhưng ai là người thực sự quyết định đánh Đông Khê? Theo tài liệu quân sử chính thức ở trên thì quyết định ấy do tướng Giáp.


Nhưng theo Quang Zhai thì khi Trần Canh đi gặp ông Hồ ở Thái Nguyên, Trần Canh đã ở đó 4 ngày và trình bày kế hoạch chiến dịch biên giới. Tướng Trần Canh khuyến cáo bộ đội Việt Minh không nên đánh tỉnh Cao Bằng mà khuyến cáo đánh những địa điểm nhỏ như Đông Khê. Sau đó vây hãm Đông Khê và chờ lực lượng đến giải vây thì tiêu diệt lực lượng giải vây. Đó là công đồn, đả viện.


Và ngày 16 tháng chín, quân đội Việt Minh đánh Đông Khê sau hai ngày chiến dịch. Cũng theo tướng Trần Canh quyết định đánh quân Pháp ở Đông Khê với chỉ 260 quân đội đồn trú thay vì đánh Cao Bằng


Chiến thắng Đông Khê mang một ý nghĩa quan trọng. Quân đội Pháp điều động Le Page vào ngày 30 tháng chín, rời Thất Khê tiến về Đông Khê, nhưng đã bị phục kích ở phía Nam Đông Khê. Ngày 3 tháng 10, đại tá Charton rời bỏ Cao Bằng và mang binh đội tiến về phía Nam tính liên kết với Le Page .. Khi Charton bỏ Cao Bằng, cũng chính tướng Trần Canh đề nghị điều động sư đoàn 308, (Sư đoàn 308 đươc huấn luyện và trang bị đầy đủ bởi Trung Quốc) và đoàn 209 và những tiểu đoàn độc lập bao vây và tiêu diệt trước tiên đội quân của Le Page trước khi tấn công binh đội của Charton.


Hai ngày sau đến lượt Charton bị tiêu diệt. Cả hai Le Page và Charton đều bị bắt làm tù binh


Sau chiến dịch này, quân đội Pháp rút quân khỏi Lào Cay, Lang Sơn và Hòa Bình để lại 11.000 tấn đạn dược và bỏ trống tất cả vùng Lao Cay, Lạng Sơn, Hòa Bình ..


Chiến dịch biên giới mang nhiều ý nghĩa chiến lược vì kể từ nay hàng hóa, người cũng như quân cụ chuyển vận từ Trung Quốc cho chiến trường Việt Nam mà không gặp bất cứ trở ngại nào.


Qiang Zhai, Ibid, trang 31


Được biết rằng, trong chiến dịch này, Hồ Chí Minh đã tự ký thông tri tự mình làm Tổng Tư Lệnh, Võ Nguyên Giáp xuống làm phó tổng tư lệnh kiêm Tổng tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm TC/CT và Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm TC/Hậu Cần.


Trích Thông Tri ngày 28/ 6/1950 VKDTDTT .. Trích lại trong Võ Nguyên Giáp, Chính Đạo, Hợp Lưu, số tháng 8&9, 2010


Vì lý do gì chính Hồ Chí Minh phải đảm nhận chức Tổng tư lệnh quân đội ?


Nhưng sau buổi họp Hội Đồng chính phủ ngày 10/7/1950, ông Hồ tạm hoãn kiêm chức TTL/QĐ và để tướng Giáp tiếp tục làm TTL.


Còn theo Võ Nguyên Giáp, trong chiến dịch có mặt Trần Canh từ Vân Nam sang đây đã tới Tả Phày Từ. Nhưng Võ Nguyên Giáp xác định rõ: “Trần Canh chỉ là khách của Bác ” Trong khi thảo luận với Võ Nguyên Giáp, Trần Canh khuyên nên áp dụng chiến thuật “đánh điểm diệt viện” thường được áp dụng trong chiến tranh với quân Tưởng. Sau đó, Võ Nguyên Giáp cho biết sẽ dùng 9 tiểu đoàn trong một trận công kiên. 4 giờ 30 sáng ngày 18/9/1950, trận Đông Khê đã toàn thắng; Địch chết và bị bắt 300 tên Một số chạy thoát về Thất Khê.


Võ Nguyên Giáp viết tiếp:


“Số thương vong của ta lớn hơn dự kiến. Trận đánh phải kéo dài tới 52 giờ”.


Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, trang 39—44


Tướng Giáp cho rằng Trần Canh chỉ là khách của Bác là không đúng . Chính ông Hồ yêu cầu đích danh mời Trần Canh sang Việt Nam.


Số binh lính trong đốn Đông Khê là tổng cộng 260 người thì không thể vừa chết vừa bị bắt là 300 tên, chưa kể một số chạy thoát về Thất Khê !!


Số thương vong của ta là lớn. Lớn bao nhiêu thì không rõ !! Nhưng theo Trần Canh thì Việt Minh đã xử dụng 10.000 binh đội trong trận đánh Đông Khê so với 260 binh sĩ Pháp trấn thủ đồn Đông Khê. Cũng theo Trần Canh, Việt Minh thiệt hại khoảng 500 người trong chiến dịch này.


Sau chiến dịch, ông Hồ cũng chỉ ban thưởng cho ông Giáp huy chương quân công hạng ba. Phần các cố vấn Trung Quốc đã đươc ông Hồ gửi công điện tạ ơn từ Trần Canh đến Vi Quốc Thanh, La Quí Ba, Tống Nhiệm Cùng, Lý Thiên Hữu, Trương Quân Dật, Diệp Kiếm Anh, Phương phương “.


Võ Nguyên Giáp, Chính Đạo, Ibid, trang 127.


Kết thúc chiến dịch biên giới thì Trần Canh trở về Trung Quốc để tham gia chiến đấu ở Triều Tiên với cương vị phó tư lệnh chí nguyện quân Trung Quốc.


Phần tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải nhìn nhận rằng:
“Vấn đề nổi bật trong chiến dịch là chiến thuật đánh điểm diệt viện. Các bạn Trung Quốc đặc biệt coi trọng chiến thuật này.( …) Ở Tây Bắc, nhờ địa hình thuận lợi, anh Lê Trọng Tấn đã vận dụng đánh điểm diệt viện. Các bạn Trung Quốc đặc biệt coi trọng chiến thuật này “
Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 101
Phần Hồ Chí Minh đã viết thư cho Mao Trạch Đông với những lời lẽ như sau:
“Chúng tôi đã thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Thất Khê-Cao Bằng (chỉ chiến dịch biên giới). Nguyên nhân lớn nhất của thắng lợi này là sự viện trợ tận tình của Đảng cộng sản Trung Quốc, Đảng cộng sản Liên Xô, sự nhiệt tình cảm động của các đồng chí Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông không nề hà gian khổ chấp hành chỉ thị của các đồng chí trực tiếp để giúp đỡ chúng tôi. Tôi cần nêu lên công lao đặc biệt của Trần Canh, Nhiệm Cùng, Vân Dật, Thiên Hựu , Qui Ba, Kiếm Anh, Phương Phương, Quốc Thanh và các đồng chí cố vấn trong chiến dịch.
Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trach Đông Cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo: ” Cám ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em”.


Nhớ lại Mao Trạch Đông và viện trợ Việt Nam chống Pháp. La Quy Ba, Những năm chống Pháp.


Cho dù lá thư của Hồ Chí Minh mang thứ ngôn ngữ ngoại giao khách sáo, nhưng chắc rằng hơn phân nửa nội dung lá thư là sự thật!!


Chiến thắng biên giới mang một ý nghĩa rất quan trọng vì nó khai thông biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc và kể từ nay không còn gặp những khó khăn trong việc chuyển vận người và quân dụng từ Trung Quốc sang VN.


Trong những Hồi ký chiến tranh của tướng Giáp, người đọc kỷ cảm nhận ra được rằng, ông cố gắng làm nhẹ giảm vai trò cố vấn của các cố vấn Trung Quốc. Nếu bắt buộc phải nói, ông chỉ nói lướt qua hoặc đưa ra những nhận xét tổng quát, không nêu rõ con số cụ thể.


Người ta có cảm tưởng, ông nhận sự giúp đở cả về quân trang, quân dụng và sách lược. Nhưng vì tự ái cá nhân .. Ông không muốn đặt nặng vai trò cố vấn này.


Sự che giấu vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng tại chiến dịch biên giới khéo đến nỗi Rober J. O’Neill viết cuốn sách của ông đã hầu như không nha71c nhở một chút síu nào về sự trợ giúp của Trung Quốc cho Việt Nam.


Và như thế cho đến mãi năm 1969, khi Robert J. Neill cho xuất bản cuốn sách của ông, ông cũng hoàn toàn không đề câp đến sự giúp đỡ của Trung Quốc . Ông có thể đưa ra những con số đầy đủ và chi tiết số lượng vũ khí tịch thâu được của Pháp như sau:


- Kho lớn võ khí gồm 13 súng Field gun , 125 súng cối, 450 xe cộ đủ loại, ba xe tăng, 940 machines gun, 1200 sub-machine guns, hơn 8000 riffles và 1100 tấn đạn dược ..


Robert J. O’Neill, General Giap, trang 79


Nhưng, có lẽ chúng ta không thể nào gắn trọn vẹn chiến thắng biên giới cho một mình tướng Giáp được.

Chiến thắng của cộng sản Trung Quốc với Mao Trạch Đông vào mùa thu 1949 đã mở ra một tiềm năng và một hy vọng mới cho đảng cộng sản Việt Nam. Trước đó, sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam thật hạn hẹp. Nó thu gọn vào một vài việc huấn luyện quân sự cho một số nhỏ đơn vị chiến đấu của cộng sản VN tại biên giới giữa hai bên.

Vì thế phải đợi đến năm 1950, khi đảng cộng sản Việt Nam gửi Võ Nguyên Giáp sang gặp các lãnh đạo Trung Quốc với yêu cầu được giúp đõ về quân sự, trang bị và huấn luyện cũng như sự nhìn nhận chính thức đảng cộng sản Việt Nam. Mọi chuyện bế tắc tronbg chiến tranh Dông Dương lần thứ hai được triển khai và khai thông.

Kết quả ông Hồ Chí Minh đã đạt được một thoả thuận vào tháng ba, năm 1950.

Trả lời một bài phỏng vấn của ký gỉ MỹAndrew Roth vào tháng 8, ông Hồ cũng nhìn nhận cho rằng phong trào Việt Minh đã thay đổi chiến thuật và nay phỏng theo mô hình của Trung Quốc. Chẳng bao lâu sau đó, Việt Minh đã mở những lớp huấn luyện để cho các bộ lãnh đạo học theo mô hình Trung Quốc.

William J. Duiker, The Communist Road to Power in Viet Nam, trang 140 .

Chẳng những bắt chước theo mô hình Trung Quốc mà còn bắt chước cả lối ăn mặc của Mao Trạch Đông. Trong một bức hình chụp ông Hồ Chí Minh sabng thăm Trung Quốc vào năm 1955, tại phi trường Bắc Kinh, người ta nhan65n thấ ong? Hồ Chí Minh mặc bộ quần ao đại cán giống y hệt Mao Trạch Đông. Kiểu áo cùng một mầu, cùng một loại cổ áo, cùng 4 túi, cùng có năm nút cài. Xem Qiang Dhai, China& the Viet Nam Wars, 1950-1975 trang 71.

Trong chuyến đi này nhằm mục đích chính là tỏ lòng biết ơn Mao Trạch Đông và say đó nhận được một khoản tiềng cho vay khoảng 200 triệu Đô la để xây dựng nhà máy xi măng Hải Phòng, tu bổ nhà máy dệt Nam đinh đã bị Pháo tháo gỡ hết cũng như nhà máy phát điện ở Hà Nội.

Sự bắt chước này cho thấy ong HCM có những tiểu xảo khó ai bắt chước được.

Tài liệu Trung Quốc lại cho rằng Chen Geng(Trần Canh) cùng với 281 cán bộ cố vấn quân sự của Trung Quốc mới là những người có công trong chiến dịch biên giới và đã bắt được Marcel Le Page và Pierre Charton và nhiều tù binh Pháp.

Cũng theo Trần Canh, Việt Minh sử dụng gần 10.000 người tung vào chiến dịch Biên giới đê”tấn công Đông Khê vốn chỉ có vỏn vẹn 260 binh sĩ, tỉ lệ là 500:13= 38%, (tức hơn 38 lần)QĐND
Vấn đề viện trợ của Trung Quốc


Charles de Gaulle đã nhận xét như sau về nước Tầu: “Không có một cuộc chiến tranh hoặc hòa bình nào ở Á châu mà không có sự dính líu của nước Tầu. (Il n’y a ni guerre ni paix en Asie sans que la Chine soit impliquée).

De Gaulle quả thực đã nhìn không sai về Á châu và nước Tầu.

Riêng Á châu với gần 3 tỉ người, với 50 thế kỷ lịch sử kể từ khi có lịch sử được gọi là lịch sử, với mảnh đất không gian trải dài như vô tận từ Sinai đến Kamtchatka.

Trong đó nước Tầu với dân số đông nhất thế giới với hơn một tỷ người, với một miền địa lý chạy dài tử Tiểu Á đến bờ Thái Bình Dương, từ miền bắc cực Sibéri đến biên giới nhiệt đới Ấn Độ và cuối cùng dừng lại ở xứ Bắc Kỳ.

Sức nặng lịch sử đã đè nặng trên dân Việt với không biết bao nhiêu trải nghiệm với lòng tự quyết và ý chí sinh tồn. Lịch sử Việt Nam tóm lại trong mấy nghìn năm chỉ là lịch sử sinh tồn để không bị đồng hóa. Sự xác nhận trên cho thấy rõ ràng có sư thay đổi sau chuyến đi Bắc Kinh của ông Hồ Chí Minh. Vì truớc đó, tướng Giáp đã cho thấy rõ thực trạng quân đội Việt Minh như thế nào? Lực lượng bộ đội đã lên đến con số 166.542 người cộng với 2 triệu dân quân du kích so với lực lượng của binh đội Pháp là 180.000 người Sê xích thua kém không bao nhiêu.Tuy nhiên, như tướng Giáp viết:
“Tuy nhiên quân đội ta vẫn đơn thuần là bộ binh, trang bị còn rất yếu kém, phương tiện di chuyển vẫn là đôi chân, mọi thứ vũ khí, kể cả sơn pháo, đều nằm trên vai chiến sị “ Về mặt lương thực thì như tướng Giáp giải thích: “Điều gây căng thẳng lúc này lại là khó khăn gay gắt về mặt lương thực. Ông giải thích thêm: Những tỉnh miền núi ít đất trồng trọt, dân cư thưa thớt. Bộ đội tập trung về Việt Bắc mỗi ngày mồi đông. Cư dân miền núi vốn không đông lại phải tham gia mọi công tác chính quyền, đi bộ đội, đi dân công, làm đường, phục vụ chiến dịch. Số người không sản xuất nông nghiệp quá nhiều. Lương thực gạo muối đều trông vào miền xuôi. Địch biết rõ điều này. Chúng đẩy mạnh bao vây chặt chẽ ta về kinh tế, lương thực, đặc biệt là gạo và muối. Chúng thực hhiện chính sách đốt sạch trong những cuộc càn, dùng máy bay đánh phá các đập nước. Giá gạo tăng vọt, từ 4.3/ một Kí lô lên đến 14.2/một kí lô. Đến mùa hè này thì có tiền cũng không mua được gạo. Các cán bộ từ tỉnh lên phải tự túc mang theo gạo hoặc mang thuốc men, vải vóc đổi lấy gao..Đồng tiền VN mất giá rất nhanh” 


Và tướng Giáp kết luận: Nhìn bữa ăn của bộ đội, cán bộ, thật đau lòng

Trích Đương tới Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, trang 7-8

Vì thế phải trông chờ vào sự giúp đỡ của Trung Quốc thôi. Không có Trung Quốc là bộ đội đói ăn.

Trong bài Mẫu Mực sáng ngời của chủ nghĩa Quốc Tế Vô sản của Lã Quý Ba

Lã Quỳ Ba là người được cử sang VN đầu tiên sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông vào mùa đông năm 1949, xin cung cấp viện trợ. Lã Quý Ba viết: Tháng 1/1950, tôi từ Bắc Kinh lên đường, bí mật xa tổ quốc. Trước khi lên đường, đồng chí Thiếu Kỳ giao cho ba tháng làm xong việc về nước.Thế nhưng, tình hình thay đổi, tôi đã đi một mạch gần 8 năm..

Trích bài Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa Quốc tế vô sản, Lã Quý Ba, trang 2


Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men ..vv


Sự viện trợ không điều kiện ấy:
” Chính phủ Trung Quốc không lấy tiền, đòi nợ Việt Nam, không ký bất cứ thỏa thuận nào hoặc hiệp đinh bất bình đẳng nào với Việt Nam, không xây dựng bất cứ căn cứ quân sự và đóng một người lính nào ở Việt Nam, hoàn toàn không phải trả giá, vô tư, điều đó nói lên đầy đủ ý nghĩa quốc tế vĩ đại của Mao chủ tịch “


Trích ý kiến của Lã Quý Ba, Ibid..


Trong tám chiến dịch quan trọng nhất là: Thắng lợi biên giới, Chiến thắng Tây Bắc và Điện Biên Phủ thì đều có vai trò quyết định của cố vấn Trung Quốc.


Và Vị Quốc Thanh đã kết luận:


“Tôi cảm thấy thấm thía rằng, không có viện trợ số lớn, vô tư của Trung Quốc thì thắng lợi của chiến tranh Việt Nanm chống Pháp sẽ không đến nhanh như thế “.


Trích Ghi chép thực về đoàn cố vấn Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Ibid


Nhưng người nào viết về cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất thì không thể quên được hai biến cố xảy ra ở Trung Quốc có tầm quan trọng ảnh hưởng như một khúc quanh của cuộc chiến Đông Dương.


Đó là sự thống nhất nước Tàu vào năm 1949 và sự chấm dứt chiến tranh Cao Ly giữa Nam và Bắc Hàn năm 1953. Nhờ hai biến cố đó, Mao Trạch Đông mới rảnh tay giúp đỡ và viện trợ cho chiến tranh ở Việt Nam.


Các sự trợ giúp ấy đã được các tướng lãnh Pháp như R. Salan, Henri Eugène Navarre, P. Ély nhắc đến trong hồi ký của họ.


Tướng Salan, tác giả Indochine rouge, le message de Ho Chi Minh và nhất là Le Viet-Minh, mon adversaire, ông tiết lộ cho hay đã chỉ định thiếu tá Charles Latapy bay trên vùng biên giới Trung Quốc giáp giới với Lạng Sơn và chụp được những tấm không ảnh về những kho hàng và xe vận tải chạy về hướng Bắc Việt.


Và sau này, 1959 có cuốn La Chine et le règlement du première conflit d’Indochine, Genève 1954 của Francois Joyaux. Cuốn sách đã được trong nước dịch ra tiếng Việt


Trong cuốn sách của F. Joyaux cho thấy tháng 12/1949, một phái đoàn quân sự Việt Nam đã đến Bắc Kinh để xin viện trợ quân sự. 20.000 binh đội Việt Minh đã được đưa sang Trung Quốc huấn luyện và được trang bị đầy đủ khi về lại Việt Nam.


Và kết quả cụ thể là kể từ 1950, cuộc viện trợ đã đem lại những chiến thắng cho Viet Minh tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Kay, Đông Khê Thất khê. Trước đây, việc viện trợ chỉ đạt tới con số 1000 tấn/ một tháng. Sau tăng đến 4000 tấn/ tháng trong đó có 2000 tấn lương thực .. Từ 1952, Trung Quốc gửi sang hàng vạn kỹ thuật viên nhiều ngành khác nhau như: truyền tin, bộc phá, bảo quản vật tư, pháo binh …


Tuy nhiên, tài liệu còn trích dẫn trong cuốn Hồi Ký của Kruschev kể lại một chi tiết rất quan trọng và tiết lộ một thực tế chiến tranh không mấy sáng sủa về phía quân đội của tướng Giáp. Theo Krustchev cho thấy rằng Phong trào kháng chiến của Việt Nam sắp tan rã vì Chu Ân Lai đã tuyên bố với ông ta:
“Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói với tôi (tức với Chu Ân Lai) rằng tình hình Việt Nam là tuyệt vọng và nếu chúng ta không có được một cuộc ngừng bắn thì người Việt Nam sẽ không kháng cự được lâu hơn nữa với Pháp . Cho nên, việc họ quyết định lui đến biên giới Trung Quốc và nếu việc đó là cần thiết, thì họ muốn Trung Quốc sẵn sàng đưa quân vào Việt Nam như Trung Quốc đã làm với Bắc Triều Tiên. Nói một cách khác, người Việt Nam muốn chúng tôi giúp họ đuổi người Pháp “


Trích tóm lược cuốn Trung Quốc và việc giải quyết chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, bản dịch, trên Diễn Đàn Thế kỷ ..


Hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội để đọc các tài liệu từ phía Trung Quốc như các tác giả Shi Zhe, Tong Xiaopeng, Zeng Sheng Qiang Zhai vv. Đó là một kho tư liệu quý báu đã mở ra cho người đọc.


Mới đây, Qiang Zhai, giáo sư sử học tại đại học Auburn University trong cuốn China& The Viet Nam wars, 1950-1975 cho thấy sự hỗ trợ ” không điều kiện” của Mao Trạch Đông trong hai cuộc chiến như thế nào.


Đây là những tiết lộ dựa trên tài liệu không chối cãi được. Đọc để nhìn ra được bản chất cuộc chiến tranh ấy mang dấu ấn gì và tầm ảnh hưởng trên những quyết địch sinh tử về cán cân quyền lực đưa đến thắng lợi chung cuộc. Trung Quốc đã tài trợ vũ khí, lương thực. Cạnh đó còn giúp đỡ nào là huấn luyện, nào là trau dồi ý thức hệ, nào là sách lược chiến tranh, nào là cách đánh, nào là kinh nghiệm chiến trường rút tỉa được từ cuộc chiến tranh Triều Tiên.


Vậy mà có sách vở tài liệu chiến tranh nào của Việt Nam nói đầy đủ về sự “trợ giúp quốc tế ” này không? Theo tôi được biết chính thức là không có tài liệu nào cả. Việt Nam sau cuộc chiến tranh đã tránh né viết đầy đủ công cuộc việc viện trợ cũng như vai trò của Trung Quốc.


Nhưng có ai ngờ rằng, từ một sợi chỉ, cây kim cũng phải nhờ vào Trung Quốc? Không có sự trợ giúp của Trung Quốc, cộng sản Việt Nam không thể tiến hành hai cuộc chiến được. Có ai biết rằng một “đôi dép râu”, một chiếc mũ cối đều do Trung Quốc chế tạo và cung cấp cho Việt Nam? Một đôi dép cao su có đáng giá là bao nhiêu mà cũng không sản xuất nổi? Giả dụ không có Trung Quốc giúp hàng triệu đôi dép râu thì chắc hẳn binh lính cộng sản sẽ đi chân đất vào đánh miền Nam. Những đôi dép râu vừa nhẹ về tổn phí sản xuất, nhẹ nhàng, bền bỉ, lội bùn sình lầy, sông ngòi, trên rừng, đạp lên chông gai hơn hẳn mọi mặt về đôi bốt của phía địch. Không có sự giúp đỡ hàng 10 ngàn xe vận tải thì binh đội Bắc Việt sẽ phải để ra 6 tháng trời đi bộ vào miền Nam đánh trận? Và lấy gì để ăn nếu không có những khẩu phần lương khô đầy đủ chất dinh dưỡng của Trung Quốc? Không có xe tăng của Liên Xô thì lấy gì húc đổ Dinh Độc Lập?


Những món nợ ấy ngày này đến lượt chúng ta phải trả !!! Ông Hồ Chí Minh hơn ai hết biết rõ điều đó, lo sợ về điều đó. Chẳng phải bây giờ chúng ta mới mất đất, mất biển mà mất ngay từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất .


Chúng ta không biết gì chỉ vì Đảng ngậm tăm dấu kín.


Theo Vũ Thư Hiên:


” Tại vùng mỏ Quảng Ninh, quân Trung Quốc ngang nhiên ngăn cấm người Việt Nam đi vào khu vực đóng quân của chúng, thậm chí bắt giữ các chuyên gia địa chất Liên Xô đi lại. Chỉ đến khi chính quyền Việt Nam can thiệp, những chuyên gia này mới được thả . Trở về Hà Nội, họ nói thẳng với thủ tướng Phạm Văn Đồng: ” nếu đến Việt đồng chí báo trước để về sau những việc tương tự không xảy ra nữa” . Nghe những lời mỉa mai cay đắng ấy, ông thủ tướng im như thóc “.


Trích Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, trang 402


Cũng theo Vũ Thư Hiên thì:
Việc đảng cộng sản mời quân đội Trung Quốc vào nước mình là chuyện mọi người đều biết. (.. ) Trong việc viết báo, tôi thường có mặt ở các địa phương quân đội Trung Quốc đóng Quân đội Trung Quốc đóng trên toàn bộ khu mỏ Quảng Ninh, tự trị Việt bắc, một phần khu Tây Bắc và dọc quốc lộ 1 tới tận Yên Sở, phía Nam Hà Nội) được nghe lời phàn nàn của dân chúng về chuyện Đảng và nhà nước để quân Trung Quốc vào. Người ta hỏi tôi như hỏi một cán bộ hiểu biêt, hi vọng tôi giaqi? đáp câu hỏi nhức nhối đó . Khốn nạn, tôi có thể nói được gì cho họ trong khi chính tôi cũng không hiểu nổi, và đôi khi còn không được những quyết định tự quyền của Duẩn-Thọ trước khi chúng lộ ra, những quyết định cực kỳ ngu xuẩn mà, theo chúng tôi, chỉ có những thằng điên mới hành động như thế “.


Trích Vũ Thư Hiên, Ibid, trang 405


Một cuốn sách cũng cần được lưu ý là cuốn Vietnamese Communists’ Relations with China and the Second Indochina Conflict, 1956-1962 của Ang Cheng Guan. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu sắc mối liên hệ phức tạp giữa đôi bên. Và một lần nữa, ở các trang từ 143-147 nói về cuộc viếng thăm của Thủ tướng Chu Ân Lai vào năm 1960 chi tiết hóa thêm những sự trợ giúp từ phía Trung Quốc như các chương trình dẫn thủy nhập điền, kỹ nghệ luyện kim, kỹ nghệ hóa học, xây dựng cầu đường giúp đỡ chẳng những về mặt quân sự mà còn kinh tế như xây dựng 72 cơ sở kỹ nghệvv.


Các món nợ ấy cứ thế mà chồng chất lên. Thời điểm Hồ Chí Minh- Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai còn sống thì Hồ Chí Minh có thể cười trừ “xóa nợ”. Nhưng đến lượt gặp Đặng Tiểu Bình thì cười trừ, giã lả không được nữa. Đã có lần Hồ Chí Minh gặp Đặng Tiểu Bình, ông này ngồi yên, không thèm nhúc nhich. Hồ Chí Minh đành nhẫn nhục, ép bụng đến bắt tay họ Đặng!






Thời xưa đã vậy, thời nay cũng thế mà thôi. Và hy vọng chính quyền cộng sản nay theo được gương của tiền nhân để lại !!

Từ năm 1966 có một tác giả là tiến sĩ Stephen C.Ỵ Pan đã cùng với một linh mục dòng tên là Daniel Lyons, S.J. viết chung một cuốn sách nhan đề: Viet Nam crisis ..Phần đầu cuốn sách đã dành tiết lộ những sự trợ giúp của Trung Quốc cho Viet Minh như thế nào ..


Về phương diện cá nhân, ngay từ thời sinh viên, tác giả tiến sĩ Stephen Pan đã có dịp quen biết với Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Và đặc biệt có mối quan hệ quen biết gần gũi với Tưởng Giới Thạch trong suốt cuộc đời của TT. họ Tưởng. Cuốn sách tuy mỏng, nhưng nội dung lại chứa đựng nhiều thông tin quý giá vì tác giả quen biết nhiều người trong cuộc. Cuốn sách cũng đã được sự khuyến khích xuất bản của tổng giám mục Nam Kinh Paul Yu-Pin. Cuốn sách này cũng được dịch ra tiếng Trung Hoa, tiếng Đức, tiếng Ý và Tây Ban Nha.


Theo Stephan Pan, dựa vào nhiều nguồn tài liệu, ông tiết lộ cho biết :


- Từ 20 tháng 8, 1950, có 150.000 lính Trung Hoa chuyển đến Côn Minh và Hồ Nam để hỗ trợ Viet Nam. Nguôn tin này được đưa ra từ Chinese United News Agency ở Hồng Kông.


- Ngày 28 /6/ 1950, tờ China Tribunes of New York city cho hay có hai tàu thủy mang tên S.S Kwo Tai và S.S Kuo Young từ một cảng ở gần Quảng Đông đã di chuyển vê phía Bắc Việt Nam với những kiện hàng vũ khí.


- Cơ quan Kwong Wah News Agency ở Hồng Kông cũng thuật lại cho biết có hai tàu thủy rời Quảng Châu đi Hải Phòng, phía Bắc Việt Nam với các trang bị quân sự. Không rõ số lượng.


- Theo tờ Chinese United New Agency ở Hồng Không tường thuật cho biết tướng Lâm Bưu đã cho thiết lập một bộ Tham mưu hỗn hợp Sino-Viet Minh Joint staff group cùng với 6 cố vấn quân sự của Liên Xô. Nhiệm vụ của đoàn cố vấn này là điều hợp những công tác tham mưu giữa Trung Quốc và Việt Minh .


- Và tháng 9/1951, nhiều báo chí ở Trung Quốc lọt ra ngoài đã kêu gọi quân tình nguyện Trung Quốc để gửi sang giúp các đồng chí Việt Minh, để tiêu diệt bọn tư bản đế quốc cùng một lúc trên hai mặt trận Hàn Quốc và Việt Nam.


- Ngày 29 tháng5, 1951 tờ China Daily News thuật lại Hồ Chí Minh trước đây đã gặp Lưu Thiếu Kỳ và ra một thông báo chung, trong đó Hồ Chí Minh nhìn nhận có sự giúp đỡm của Trung Quốc cho bộ đội Việt Minh .”


Vietnam Crisis, Stephen Pan và Daniel Lyons, trang 24-26, nxb East Asian Research Institute, N.Y


Trên đây là những tin tức tình báo mà tác giả cuốn sách thu tập được, nó chứng tỏ sự trợ giúp của Trung Quốc là sự kiện có thật và nó góp phần không nhỏ vào chiến thắng quân sự ở Việt Nam ..






De Lattre De Tassigny- Võ Nguyên Giáp tại trận đánh ở đồng bằng: trận Vĩnh Phúc Yên


Sau chiến thắng biên giới, tướng Võ Nguyên Giáp chắc là lên tinh thần và ông chuẩn bị cho một trận đánh dứt điểm giải quyết xong vùng trung du, vùng Duyên Hải Đông Bắc và Liên khu ba.


Trong chiến dịch này, mục tiêu cuối cùng của tướng Giáp là bằng mọi giá chiếm được Hà Nôi. Chiếm được Hà Nội là giải quyết xong chiến tranh giữa đôi bên !


Trong những tờ truyền đơn mà người Pháp và binh sĩ Quốc Gia nhặt được trong thời gian này có ghi một khẩu hiệu tuyên truyền vớ ý đồ rất rõ ràng như sau: Bác Hồ về ăn tết ở Hà Nội. Mục tiêu chiến thắng này cũng tương tự như chiến dịch Tổng tấn công và Tổng nổi dậy của Lê Duẩn trong dịp Tết Mậu Thân !!


Kiểm điểm tình hình quân sự lúc bấy giờ cho thấy quân số của hai bên Pháp và tướng Giáp gần như bằng nhau: Tướng Giáp có quân số là 238.884 người. Quân đội Pháp là 239.000.


Theo tướng Giáp, “việc trang bị vũ khí còn gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đã đưa chí nguyện quân sang chiến đấu ở Triều Tiên .. Để trang bị cho 6 đại đoàn bộ binh, nhu cầu của vũ khí của ta lên tới 1200 tấn. Trong năm 1950, bạn chỉ giao được 30% .. Nguồn vũ khí của ta lúc này một phần dựa vào bạn, nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và do ta tự sản xuất “.


Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 128-129


Tướng Giáp đã chuyển hai đại đoàn chủ lực từ Cao Bằng, Lạng Sơn di chuyển về phía Nam .. Họ mất nửa tháng cho cuộc di chuyển bí mật này.


Đêm 26 tháng 12/1950, tướng Giáp ra lệnh tấn công nhiều nơi ở vùng Trung Du và Đông Bắc và áp dụng lối đánh bôn tập của giải phóng quân Trung Quốc (Lối đánh bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết chiến trường trong vài giờ, rồi rút nhanh để hạn chế hỏa lực máy bay và đại bác của địch).


Và đây cũng là lần đầu tiên quân đội Pháp phải đối diên với lối đánh biển người. (Human sea). Hết đợt người này đến đợt người khác tiến lên tấn công các đồn bót do binh sĩ Pháp đồn trú . Các ngọn đồi 101, 210 lần lượt bị tràn ngập.


Trong những ngày đầu kể như quân đội Pháp thua vì các đồn bót bị tràn ngập bởi binh đội Bắc Việt.


Trong khi đó thì tướng De Lattre De Tassigny mới tới Sài Gòn ngày 17/12/1950 đem theo các cộng sự viên thân tín của ông như tướng Salan, đại tá Allard, Cogny, Gracieuxvv..


De Lattre De Tassigny là nguời dám làm những điều mà người tiền nhiệm của ông không dám làm như:


- Yêu cầu các công chức hành chánh thay phiên nhau canh gác trại để các quân nhân thuần túy rảnh tay ra mặt trận.


- Vợ con các binh lính, sĩ quan của Pháp được lênh rời Việt Nam để những binh lính yên tâm đánh giặc.


Bernard B. Fall, Street without joy, trang 36


Ngày 19/12/1950, De Lattre bay ra Hà Nội. Sự có mặt của De Lattre đã nâng cao tinh thần binh sĩ Pháp. Chính ông dùng máy bay Morane quan sát mặt trân và khuyến khích tinh thần binh sĩ.


Về Hà Nôi, De Lattre cho lập cầu không vận đưa binh đội từ Nam Bộ và Trung bộ tung vào chiến trường Vĩnh Yên. Cuối cùng ông phải tung vào chiến trường những đơn vị lưu động(Mobile Group No 2) mới được thành lập.


Tướng De Lattre còn ra lệnh cho đại tá không quân Maricourt xử dụng loại bom Napalm lần đầu tiên được xử dụng ném xuống Vĩnh yên.


Xin trích dẫn tóm tắt, sơ lược Hồi ký của một sĩ quan Việt Minh, ông Ngô Văn Chiếu về trận đánh thảm khốc này:


“Chúng tôi là một trong 10 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất và chúng tôi hăng hái chiến đấu vì được tham dự trận đánh có tính quyết định số phận của Hà Nội. Hôm nay đã là ngày 13 tháng giêng và chỉ còn vài tuần nữa là Tết. Chúng tôi muốn được ăn tết ở Hà Nội .


Mỗi đơn vị chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất được giao phó .

Nhưng bất ngờ có tiếng những ì ầm trên trời và những máy bay xuất hiện mỗi ngày một lớn hơn .. Tôi ra lệnh cho đơn vị tôi tìm chỗ trú ẩn tránh bom và đạn ..Những quả bom hình quả trứng lần lượt hết chiếc máy bay này đến chiếc khác thả trên đầu chúng tôi. Những ngọn lửa lớn lan ra cả trăm mét gây kinh hoàng trong hàng ngũ binh đội chúng tôi. Đó la bom Napalm.


Những ngọn lửa gần đến nỗi làm tôi khó thở . Binh lính lúc này chạy toán loạn không cách nào giữ họ lại được .. Không có cách gì có thể núp hoặc né tránh lửa thổi ra mọi hướng và đốt cháy tất cả những gì trên đường đi của nó.


Binh lính tiếp tục chạy trốn. Tôi nhìn thấy một sĩ quan chính trị viên cầm súng lục đang cố gắng một cách tuyệt vọng để tụ họp họ lại”.


Trong trận này, tướng Giáp thiệt hại 6000 người chết và 500 bị bắt làm tù binh.


Ngô Van Chieu, Journal d’un combattant Viet Minh, Paris, 1954. Trích trong Street without Joy, Bernard B. Fall, trang 39-40


Và sau 23 ngày đêm, chiến dịch Trần Hưng Đạo đã kết thúc. Sáng ngày 17/1/1951, tướng Giáp quyết định kết thúc chiến dịch Trung Du.


Không một ai trong binh đội tướng Giáp nghĩ đến việc ăn cái tết này ở Thủ Đô Hà Nội nữa !!


Phần tướng Giáp đã tổng kết chiến dịch đánh Vĩnh Phúc Yên như sau:


Ta loại khỏi vòng chiến 5.000 quân địch, trong đó có 2000 tên bị bắt sống, tiêu diệt 30 vị trí, trong đó có 10 vị trí đại đội, tịch thu hơn 1000 súng đủ loại đủ trang bị cho một trung đoàn ..


Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 153.


Trong khi đó, Qiang Zhai thì lại nhận định trái ngược với tướng Giáp về kết quả trận đánh như sau:


” Tháng giêng 1951, tướng Giáp cho tấn công Vĩnh Yên, cách Hà Nội 37 dặm, áp dụng chiến thuật biển người đang được Trung Quốc dùng tại Triều Tiên. Tướng Jean De Lattre De Tassigny, tổng tư lênh Pháp tại Đông Dương, đưa quân phản kích, dùng cả bom Napalm. Việt Minh tổn thất ít nhất 6000 chiến sĩ “.


Phỏng Vấn Qiang Zhai của đài BBC, Ibid ..


Trong một bài nghiên cứu của Pháp có tường thuật khác hẳn như sau:


“Tại Vĩnh Phúc Yên có khoảng 3000 binh đội Pháp, chưa kể quân tiếp viện. Ngày 10.1 Võ Nguyên Giáp tấn công bằng hai đại đoàn 308 và 312 ..Nhiều đợt tấn công biển người đã buộc binh đội Pháp phải rút lui. Mất bốt Bao Chuc. Ngày 14, tướng De Lattre De Tassigny trực tiếp cầm quân bên cạnh có các đại tá Redon và Vanuxen, De Castries vv. Tướng De Lattre đã cho gởi quân tăng viện từ phía Nam ra gấp bằng máy bay và quân Pháp đã phản công và đẩy lui quân đội Việt Minh về phía núi, buộc binh đội Việt Minh phải rút lui.


Nhưng cái quyết định quan trọng nhất đưa đến chiến thắng này là tương De Lattre đã yêu cầu Maricourt, chỉ huy không quân có trang bị những bình xăng đặc biệt của bom Napalm. Ngay từ tảng sáng, tướng De Latre De Tassigny đã cho thả bom napalm tưới trên đầu các chiến binh đang tháo chạy. Họ trở thành những cây đuốc sống di động.


Indochine 1951, La bataille de Vinh Yen, Première victoire du Général De Latttre De Tassigny en Indochine.


Đây là chiến thắng vinh dự, chiến thắng đầu tiên của tướng De Lattre tại chiến trường Việt Nam .. Nhưng nỗi bất hạnh đã xảy đến cho ông vài tháng sau, trung úy Bernard de Lattre đã hy sinh tại mặt trận Ninh Bình vào 30/5/1951. Đây cũng là chiến thắng thứ hai của tướng De Lattre. Để đáp lễ lời phân ưu của Bảo Đại cho rằng Bernard là tiêu biểu cho giới trẻ ưu tú của nước Pháp.


Tướng De Lattre đã thưa với Bảo Đại: Thưa Hoàng thượng, con trai tôi đã chết không phải cho nước Pháp, mặc dầu điều đó được ghi trên mộ bia của nó. Nhưng điều đó không đúng. Ở tại Ninh Bình, Bernard đã chết cho Việt Nam”..


19 tháng 12, De Lattre phải nhập viện vì ung thư và qua đời vào 12 tháng giêng.


Cái chết của De Lattre là một mất mát lớn lao không ai bù đắp hoặc thay thế được . Chỉ chưa đầy tám tháng ở Việt Nam, ông đã kích hoạt toàn thể Đông Dương (Électriser l’Indochine) .


Cái chết cũng làm Bảo Đại rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Ông viết:


” Sau cái chết của đại tướng De Lattre, tôi có cảm giác rằng hòa bình chỉ còn là một niềm hy vọng hão huyền “.


Bao Đai, Le Dragon d’Annam, 290-293


Theo kết quả từ phía Pháp thì Binh đội Việt Minh có1300 bị giết, 3000 người bị thương, 450 bị bắt làm tù binh. Phía quân đội Liên Hiệp Pháp có 56 bị giết, 390 người bị thất lạc và 190 bị thương trong đó có đại tá De Castries bị trúng mìn – người sĩ quan mà sau này được giao phó chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.


Con sô gần 5000 binh đội Việt Minh vừa chết, vừa bị thương so với con số gần 700 binh đội phía người Pháp cho thấy rõ rệt ai là kẻ thắng trận này. Kẻ làm tướng ngoài mặt trân, lẽ thắng thua là chuyện bình thường .. Tướng Giáp trong trận chiến này cũng như trận Ninh Bình đã cố tình che giấu sự thật !


Con số 56 binh đội Pháp bị giết và 390 người bị thất lạc và 190 bị thương so với con số của đại tướng Giáp là 5000 binh đội Pháp bị giết trong đó có 2000 bị bắt phải chăng là một điều bịa đặt lố bịch!!


Vây mà chiến công này sau đó đã được ghi lại trong quân sử Việt Nam.


© Nguyễn Văn Lục


© Đàn Chim Việt

-Tướng Võ Nguyên GiápCó hai nhân vật lãnh đạo cộng sản được biết đến nhiều nhất là Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp. Họ là những người đưa ra những quyết định hàng đầu (decision-makers) vốn làm nên lịch sử chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài ông Hồ, tướng Giáp là người được người ngoại quốc biết tới nhiều nhất trên thế giới. Tầm vóc ấy chỉ đứng sau Hồ Chí Minh và trên mọi người – ngay cả Lê Duẩn sau này.

Những người Pháp như Jean Sainteny, Paul Mus, Jean Lacouture, ngay cả các tướng lãnh Pháp như Raoul Salan hay Marcel Bigeard và ngay cả tướng Mỹ Westmoreland sau này thì đều có những nhận xét đầy cảm tình và trân trọng đối với Võ Nguyên Giáp.  Bên cạnh đó là vô số các tác giả như  Robert Fox, Tay Mallin, Cecil B. Currey.
Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng cả hai đều đã được huyền thoại đến độ thực hư không kiểm chứng hết được. Huyền thoại về Hồ Chí Minh một phần mở đầu bởi một số nhà báo và trí thức Pháp, một phần thì do chính ông Hồ dựng lên và phần lớn còn lại do nhu cầu tuyên truyền do đám cán bộ dưới quyền dựng lên.
Sự ca tụng ấy hết mực đến độ trở thành lố bịch.
Phần Võ Nguyên Giáp có thể được thế giới bên ngoài biết đến lần đầu do đi duyệt binh chung với tướng Leclerc của Pháp tại Hà Nội. Bức ảnh gây ấn tượng với tôi không ít. Ông Gíap thì nhỏ thó, trịnh trọng quá mức, thụng thịnh trong áo quân so với khổ người và lúc chào thì giơ nắm đấm vào mang tai mình. Đại diện Pháp và Mỹ (ông Patty) thì xòe bàn tay nghiêng nghiêng để chào cờ. Nhưng có thể kể từ giờ phút lịch sử đó, tên tuổi ông cứ thế mà nổi lên như cồn. Nhất là sau chiến thắng Điện Biên thì tên tuổi ông có thể qua mặt cả Hồ Chí Minh..
Những chiến công của ông chỉ xét riêng về mặt quân sự thôi có lẽ cũng cần được đánh giá lại cho công bằng qua các chiến dịch do ông chỉ huy và điều động.
Bởi vì, tôi đọc ông thì hầu như trận nào ông cũng thắng cả- mà thắng lớn –với những con số rất chính xác, nhưng thua thì không thấy nói tới và không bao giờ có con số rõ ràng cả.
Hình như thua thì nhân dân chịu, còn thắng thì mình ông hưởng hết !! Nhận xét như thế có bất công với ông không hay sự thật nó là như thế.
Về các mặt khác như tiểu sử của ông lúc thiếu thời còn lắm điểm tồn nghi. Điều mà chính bản thân ông cũng cương quyết dấu kín nhẹm. Việc diệt trừ một cách tàn bạo các người  của đảng phái đối lập trước chiến tranh để củng cố quyền lực Đảng cộng sản phải được coi là vết nhơ trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông .
Có thể nào chỉ viện cớ các đảng phái dựa vào thế lực của quân đội Tưởng Giới Thạch để tiêu diệt họ không? Rồi sự tiêu diệt các nhóm cộng sản đệ tứ một cách có hệ thống thì dựa trên lý do gì ? Và chẳng lẽ họ quên là chính Việt Minh đã thủ tiêu các lãnh đạo tôn giáo hoặc bắt giam tù ở trại Lý Bá Sơ từ một ông Trùm nhà xứ, một ông Chánh Trương. Hàng vạn người đã chết dưới tay họ phải chăng đều là Việt gian ? Và kẻ chủ xướng những cuộc thanh toán ấy do lệnh của Võ Nguyên Giáp ?
Và sau cùng cũng cần xem xét lại ai là người đã khởi động cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất cũng như cần rà xét lại việc sử dụng thanh niên tự vệ trong việc bảo vệ Thủ Đô Hà Nội – một điều ít ai nói tới- nhưng lại chính là điều khiến người viết bài này thấy được tính chất “sát quân” của vị tướng tài của thế kỷ 20 !! Nay đã trên trăm tuổi, ông vẫn tự hãnh diện về những chiến thắng lịch sử ấy và chưa một lần thấy xót xa thương cảm cho số phận những thanh niên trẻ tuổi đã nằm xuống- không phải vài trăm ngàn người mà cả triệu người.
Đứng về mặt con người nhân bản, tôi thấy không thể chấp nhận được !! Không có thứ chiến thắng nào- dù lẫy lừng- có thể cân bằng được những mất mát lớn lao như thế. Chỉ nghĩ tới chiến thắng (theo tinh thần Victory with any cost như tựa đề một cuốn sách) là một điều bất nhẫn.
Không có chiến thắng nào hay lý tưởng nào ở trên giá trị và sự sống con người.
Nhưng hiện nay có một xu hướng muốn giải trừ chẳng những huyền thoại cá nhân mà cả những huyền thoại chiến thắng-(Như huyền thoại cứu nước, giải phóng) nơi một số các nhà nghiên cứu, các nhà sử học. Về nhân vật Hồ Chí Minh thì có nhiều đầu sách đã cào xới quá khứ của ông HCM một cách trung thực để tìm ra những sự thật chung quanh nhân vật này.
Đặc biệt đáng chú ý nhất là ba tác giả ngoại quốc theo thứ tự quan trọng là William J. Duiker, Pierre Brocheux và bà Sophie Quinn-Judge.
Về phía các tác giả Việt Nam thì không thể bỏ qua công trình nhận định tổng hợp của tác giả Minh Võ đã giới thiệu, nhận định tóm lược về các tác giả trong cũng như ngoài nước viết về Hồ Chí Minh. Đây là một trong những tư liệu giúp người đọc hiểu được một phần nào con người, cuộc đời cũng như sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã có một ảnh hưởng không chối cãi được đến lịch sử Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20.
Phần ông Bùi Tín- người quyết định can đảm đầy cam go đi ra từ trong nước- nhìn nhận tuổi trẻ của ông đã bị tuyên truyền, nhồi sọ quá nhiều về Hồ Chí Minh và nay tuổi đã xế chiều, ông rắp tâm một lần nữa nhìn và đánh giá lại tất cả!!
Đó là những dấu hiệu đáng mừng cho mọi phía.
Nhưng riêng trường hợp tướng Võ Nguyên Giáp thì ít có một công trình nào viết thực sự đầy đủ về ông. Rải rác thì có nhiều như trong các sách của Jean Sainteny, J. Lacouture, Bernard B. Fall.  Georges Fleury, Lucien Bodard,  Stein Tonnesson, Erwan Bergot, Jean Pierre Bernier, Jules Roy, Philippe Devilliers và nhiều người khác ..
Có một vài tác giả như Peter Macdonnald, Georges Boudarel, R. Stetler, R.J. O’Neill và nhất là Cecil B. Currey mà tôi sẽ sử dụng một số tài liệu của họ để viết bài này. Riêng cá nhân tôi  đánh giá cao cuốn sách của Cecil B. Currey: Victory at any cost, The Genius of Viet Nam’s Gen Vo Nguyen Giap.
Phần nhà báo Bùi Tín cũng gửi cho tôi 7 bài viết liên quan đến tướng Giáp mà ông đã biên soạn và chưa đăng báo. Tôi trân trọng những đóng góp của tác giả Bùi Tín vì ông có cái lợi thế là có quan hệ quen biết hàng ngang, hàng dọc với các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Lợi thế mà ít ai có được vì tác giả Bùi Tín đã có nhiều dịp trò chuyện trao đổi riêng với tướng VNG. Tuy nhiên cái lợi thế ấy chỉ xảy ra ở giai đoạn chót của cuộc chiến. Còn một số điều ông Bùi Tín lúc đầu còn trẻ, chưa có cơ hội tiếp xúc quen biết nên có giới hạn.
Ngoài ra, ở Hải ngoại có hai bài biên khảo giá trị của nhà bình luận chính trị Trần Bình Nam và của giáo sư sử học Phạm Cao Dương, bước đầu có những đóng góp gợi ý về một số điểm liên quan đến VNG mà tôi xin được tiếp tục khai triển thêm dựa trên tài liệu.
Phần người viết bài này để công đọc và tìm hiểu qua nhiều nguồn tài liệu và thấy rằng còn nhiều điều về tướng Võ Nguyên Giáp đã bị bỏ quên, bỏ qua hoặc cố tình không được đề cập tới ..
Chẳng hạn, tôi tìm đọc những sách vở do chính ông VNG biên soạn, tôi nhận thấy có nhiều điều ông đã không viết lại- và một trong những nguyên tắc làm việc của tôi là những gì không được nói tới thì quan trọng hơn những gì đã được viết ra .. Và đó là những công việc khó khăn nhất khi muốn tìm hiểu về tướng Giáp.
Tướng Giáp- một tiểu sử cần được làm sáng tỏ
Hiện nay, tiểu sử của tướng Võ Nguyên Giáp thường quá vắn tắt, chưa được giải mật đầy đủ. Càng không đầy đủ thì hẳn có những điều được che dấu, không tiện nói ra?
Tôi mở đầu bài viết bằng cách trưng dẫn một tài liệu mà cho đến nay tôi không biết đích xác là thực hư, hay chỉ là trò đấm đá nhau trong Đảng?
Theo ông Trần Quỳnh- một chức sắc lãnh đạo có thẩm quyền, có uy tín cá nhân- viết lại về việc ông Trường Chinh đến thăm ông Đặng Thái Mai như sau:
“Sau khi kết thúc vụ điều tra chống Đảng và âm mưu lật đổ, Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đề nghị kỷ luật những người cầm đầu. Khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức, quản thúc một số, nhưng cho hưởng nguyên tắc các chế độ đãi ngộ. Trường Chinh bổ xung thêm một chi tiết về Võ Nguyên Giáp.
Thời kỳ trước Cách mạng tháng tám, một lần Trường Chinh đến nhà Đặng Thái Mai có việc. Thấy Mai đang cầm đọc một lá thư, Đăng Thái Mai bị bất ngờ, Trường Chinh lướt qua bức thư mới kịp thấy tiêu đề của thư là chánh mật thám, chữ ký là Mạc-Ti  và câu đầu: “Các con thân ái Mai và Giáp” (Mes chers enfants Mai et Giap). Mai ngước lên nhìn thấy Trường Chinh vội vàng nhét thư vào túi áo .. Bộ chính trị nhất trí với mức độ kỷ luật đề nghị : Riêng về Giáp kỷ luật được đề nghị là khai trừ khỏi Bộ chính trị, Lê Duẩn không đồng ý. Lê Duẩn nói rằng chúng ta đang cần đến sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng lại miền Bắc và nhất là trong sự nghiệp giải phóng miền Nam. Giáp là người của Liên Xô, nếu kỷ luật Giáp sẽ đụng đến Liên Xô ảnh hưởng không nhỏ đến sự viện trợ của liên Xô. Tôi đề nghị cứ để lại Giáp trong Bộ chính trị. Ta sẽ có cách làm việc với Giáp làm cho sự ở lại và có mặt của Giáp không gây ra những hậu quả có hại.
Chúng ta nhớ rằng vào thời bấy giờ, Bộ chính trị đối với Đảng toàn dân là một tổ chức thiêng liêng được hình thành qua sự sàng lọc của lịch sử bao gồm những con người ưu tú nhất và đáng kính nhất của dân tộc. Kỷ luật đối với một ủy viên Bộ chính trị là một chuyện tầy trời, không phải như ngày nay khai trừ một ủy viên Bộ chính trị như Nguyễn Hà Phan, đối với đảng viên và nhân dân chả là cái gì.
Giáp là con người xảo trá- khi tôi từ miền Nam, khi nói chuyện riêng, Giáp hay nói xấu Bác, nhưng trước mặt Bác, Giáp hay nịnh Bác”.
[1] Hồi ký Trần Quỳnh: Những kỷ niệm về Lê Duẩn, 30-07-1986
Đây là những tiết lộ quan trọng liên quan đến sinh mệnh chính trị của tướng Võ Nguyên Giáp.  Và thái độ của tướng Giáp là giữ im lặng tuyệt đối. Ông thừa cơ hội sau này để chối bỏ những cáo buộc công khai ấy trong đảng. Nhưng ông chọn không hành động.
Lúc ông được 90 tuổi, tác giả C.B Currey cho hay tướng Giáp từ chối một cách cương quyết đến bướng bỉnh không chịu đề cập đến vấn đề này. Và cho rằng tất cả những câu hỏi và những thắc mắc về những năm tháng ấy là thiếu chuyên nghiệp và động cơ thúc đẩy chỉ là những  động cơ chính trị. Cho nên việc giúp đỡ của Louis Marty cho đến nay không thể cắt nghĩa và hiểu được do động lực nào?
Vì thế, theo tôi sự cáo buộc ấy có chứa một phần sự thật. Tôi cũng tìm đọc Hồi Ký Đặng Thái Mai, một người bạn cố tri, một người cha vợ, một người đồng chí, một đàn anh và sau này cùng chịu chung số phận bị tố giác là con nuôi mật thám Pháp.
Tôi thất vọng đến chán nản vì đó là một cuốn Hồi ký vô tích sự, che dấu đến tận cùng chỉ nói về con đường học hành- không một chữ nào liên quan đến những năm hoạt động chính trị-không một chữ nói đến đảng cộng sản- không một chữ nói đến Võ Nguyên Giáp !!
Gớm thay cho những lời tố cáo ở trên. Nhưng cũng sợ thay cho sự im lặng của VNG và ĐTM. Phải chăng đấy là hai bộ mặt thật của guồng máy cộng sản !!
Việc Trường Chinh tố giác tướng Võ Nguyên Giáp ở trên cùng với Đặng Thái Mai là con nuôi trùm mật thám Pháp có vẻ úp mở, nửa là thực, nửa là hư. Người đọc có thể bán tin, bán nghi cho là họ “chơi nhau”. Chữ con nuôi có vẻ là chế thêm vào. Đặng Thái Mai vốn đã là một giáo sư, hơn Võ Nguyên Giáp gần 10 tuổi, nhận được sự giúp đỡ gì để trở thành con nuôi Louis Marty?
Nhưng ông Hoàng Văn Chí trong cuốn Từ thực dân đến cộng sản viết đầy đủ và rõ ràng hơn như sau:
“Mai (Đặng Thái Mai) và Giáp đều là “con  nuôi” của Louis Marty, giám đốc phòng chính trị của Phủ Toàn Quyền. Marty kiếm việc cho Mai dạy học ở trường Gia Long mà giám đốc là Bailey, một người Pháp, và giao Giáp, hãy còn là sinh viên, cho Mai trông coi. Trong khi những đảng viên Tân Việt khác bị tù đầy hoặc cầm cố thì hai người ung dung sống ở Hà Nội cho đến ngày Giáp được Pháp đưa sang Tàu theo Việt Minh chống Nhật. Giáp có theo học lớp “chiến tranh du kích” do Mỹ mở ở Tỉnh Tây, nhưng không bao giờ lên Diên An. Giáp và Mai coi nhau như “anh em kết nghĩa”, nhưng sau khi vợ Giáp chết trong tù, Giáp lấy cô Hà, con gái Mai kém Giáp gần 20 tuổi mà trước kia Giáp vẫn bế trong tay hồi còn là chú cháu”.
[2]Hoàng Văn Chí, Từ Thực Dân đến Cộng Sản, 1962, chú thích trang 83.
Một chi tiết khác nữa là khi còn sinh viên, Võ Nguyên Giáp có đi dậy tư gia mà người học trò không ai khác là bà Thụy An- nhà văn phụ nữ duy nhất cũng là người bị kết án tù 15 năm về vụ án Nhân Văn Giai phẩm.
Giữa Giáp và Thụy An đã nẩy nở một mối tình thầm lặng. Mối tình ấy thấm đậm tinh thần cách mạng qua mấy câu thơ của bà Thụy An được trích dẫn sau đây:
Tóc anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn dân tộc
..Rồi anh bắt đầu dẫn dắt
Dạy em khui lửa bất bình
Oán hận réo sôi lòng đất..
[3]Trích bài thơ Sao lại mùa thu của bà Thụy An, trích lại trong Nhân Văn Giai Phẩm, Thụy Khuê, trang 181
Vậy mà khi bà Thụy An bị nạn trong vụ NVGP với cái án 15 năm tù, người tình cũ đã không một lời lên tiếng!! Im lặng. Im lặng như cái im lặng của Hồ Chí Minh với vụ án Nguyễn Hữu Đang.
Khi Giáp được Pháp cho sang Tàu năm 1933, ông đã có ý định rủ Thụy An đi theo.
Và sau đây là lời giải thích của bà Bùi Thụy Băng, con gái bà Thụy An giải thích:
“Người thày giáo đề cập ở đây là tướng Võ Nguyên Giáp. Khoảng 1930, ông ngoại của tôi đã mướn người thày giáo sử địa Võ Nguyên Giáp về kèm má tôi học. Năm 1933, má tôi theo thầy vô Nam. Ông Võ Nguyên Giáp muốn đưa bà cụ tôi sang Trung Hoa. Nhưng má tôi lại gặp ba tôi ở Sài Gòn và hai người lấy nhau, sanh ra anh cả tôi là Bùi An Dương, năm 1934. Lúc đó ba má tôi đã xuất bản tuần báo Đàn Bà Mới nên má tôi trở về Hà Nội cho anh tôi làm con nuôi ông bà Trần Trọng Kim, để vô Nam tiếp tục lo tờ tuần báo. Năm 1937, ba má tôi trở ra Hà Nội sanh ra tôi là Bùi Thụy Băng”.
[4]Bùi Thụy Băng, điện thư ngày 15/9/2004. Trích lại Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, trang 182.
Theo tài liệu chính thức, ông Võ Nguyên Giáp đỗ cử nhân luật .. Chương trình ba năm. Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Vỹ cho hay :
“VNG là Sinh viên Cao đẳng luật khoa, Hà Nội vừa thi đỗ chứng chỉ hai, cấp bằng cử nhân luật, tháng sáu năm 1937. Nhưng năm sau 1938, anh lại thi rớt cấp bằng cử nhân Luật pháp hành chánh. Số đông sinh viên luật Hà Nội thi đậu chứng chỉ cử nhân luật liền học một năm về “Droit administratif” (Hành chánh luật), thi đậu cấp bằng này được bổ ra làm tri huyện, theo Hành chánh Nam triều, hoặc Commis làm tại phủ toàn quyền, hoặc tại các tòa thống sứ, khâm sứ, thống đốc, nếu phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ có ước vọng làm commis, nhưng thi rớt nên bỏ học luôn và tiếp tục làm giáo sư Sử địa trường trung học Thăng Long”.
[5]Nguyễn Vỹ, Tuấn chàng trai nước Việt, trang 381-382
Tên Võ Nguyên Giáp thật ra là bí danh của Võ Giáp hay bí danh khác là Dương Hoài Nam hoặc người ta còn quen gọi ông là Văn. Ông có học luật, sau làm giáo sư trường Thăng Long dạy môn sử.
Ông cũng là người thuyết giảng cho những người trẻ như Bùi Tín những khái niệm sơ khởi về kỹ thuật chiến tranh. Và theo ông Bùi Tín, ông Giáp là người đã đào tạo nên cả một thế hệ những sĩ quan trẻ tuổi.
Về cuộc đời niên thiếu của tướng Giáp, có một cuốn sách do Georges Boudarel- một người Pháp theo cộng sản viết- nhan đề gọi một cách thân mật vỏn vẹn có một chữ: Giáp. Cuốn sách đã được Hà Nội cho dịch ra tiếng Việt.
[6]  Georges Boudare – Biographhie, Wikipedia. Ông theo Việt Minh từ năm 1950, làm cho đài phát thanh bí mật đặt ở tỉnh Sông Bé. Đó là đài La voix de Saigon-cho lon libre. Sau đó, ông được điều động ra Bắc vào năm 1952. Ông phải đi bộ suốt 9 tháng để đi từ Nam ra Bắc. Cộng sản Hà nội đã chỉ định ông làm ủy viên chính trị trại tù 113 . Sau này, do nhiều tù binh Pháp ra làm chứng và tố giác ông trách nhiệm tra tấn các tù binh Pháp. Chính G. Boudarel củng phải nhìn nhận là tỉ lệ tù binh Pháp chết trong trại giam là rất cao, 50%. Ngay những tù binh Pháp còn sống sót cũng cho biết trong số 320 tù binh Pháp bị giam tại trại tù 113 thì có 278 tù binh đã bị chết trên tổng số 320 tù binh bị giam giữ . Cuốn sách của Boudarel vì thế cần phải dè dặt lắm khi đọc ông.
Trong cuốn  sách của Boudarel  khi đề cập đến người bố của tướng Giáp đã viết như sau:
“Sinh ở An Xá tỉnh Quảng Bình năm 1910, (Chỗ khác ghi năm sinh là 25 tháng 8, năm 1911) Giáp lúc nhỏ sống ở một vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung phía Bắc vĩ tuyến 17. Cụ bà thân sinh những hôm không bận việc đồng áng thì cặm cụi bên khung cửi. Còn cụ ông là một nông dân có học thức tự cầy cấy ruộng nhà.
[7] Tài liệu từ Wikipedia ghi: Bố là Võ Quang Nghiêm, (Võ Nguyên Thân), Võ Quang Nghiêm là một nhà nho, thi cử bất thành về làm hương sư và thầy thuốc Đông y, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù, truyền đạt lại cho cậu bé Giáp chữ nghĩa thánh hiền và vốn trí thức truyền thống theo Khổng giáo cùng với lòng yêu tha thiết quê hương đất nước.
(Cuốn sách được chú thích thêm là: Học giả người Pháp Georges Bouidarel đã viết như vậy về vị đại tướng đầu tiên của Quân Đội nhân dân trong tập sách “Võ Nguyên Giáp”, nguyên bản tiếng Pháp là “Giáp”).
[8] Trích bài Học giả Pháp viết gì về tướng Giáp, trong Viet Nam. Net, 22-12-2012
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt


 Trần Quỳnh
[6]  Georges Boudarel, theo Viêt Minh từ năm 1950, làm cho dài phát thanh bí mật đặt ở tỉnh Sông Bé. Đó là đài La voix de Saigon-cho lon libre. Sau đó, ông được điều động ra Bắc vào năm 1952 . Ông phải đi bộ suốt 9 tháng để đi từ Nam ra Bắc . Cộng sản Hà nội đã chỉ đinh ông làm ủy viên chính trị trại tù 113 . Sau này, do nhiều tù binh Pháp ra làm chứng và tố giác ông trách nhiệm tra tấn các tù binh Pháp. Chính G. Boudarel củng phải nhìn nhận là tỉ lệ tù binh Pháp chết trong trại giam là rất cao, 50% .. Ngay những tù binh Pháp còn sống sót cũng cho biết trong số 320 tù bình Pháp bị giam tại trại tù 113 thì có 278 tù binh đã bị chết trên tổng số 320 tù binh bị giam giữ . Cuốn sách của Boudarel vì thế cần phải dè dặt lám khi đọc ông.

vo-nguyen-giap1
Chỉ cần căn cứ vào nội dung bài viết cho thấy tự thân, đây là một tài liệu thiếu trung thực !! Nông dân mà có học thức, lại có thể truyền đạt chữ nghĩa cho con trai thì hẳn có đỗ đạt!! Có ruộng nương, nhưng lại tự cầy cấy lấy cho đúng gốc nông dân !!
Nhưng còn những chi tiết có tính cách gỡ tội cho tướng Giáp, viết nửa kín nửa hở cho tướng Giáp đến ấu trĩ:
“Cuốn sách có những chi tiết rất thú vị về năm sinh của đại tướng, những đoạn viết nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp nhằm mua chuộc cậu học trò trung học Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, kết quả ngược lại, ông đã trở thành người học trò suất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh”
[1]Ibid
Viết rõ về năm sinh thì có gì là chi tiết lý thú? Âm mưu thâm độc của Pháp mua chuộc là gì sao không nói rõ ra? Thật ra nội dung cuốn sách được viết như sau:
(Trong một vụ ẩu đả với người Pháp, Võ nguyên Giáp bị bắt, kết án ba năm tù giam tại nhà tù Lao Bảo.
Khi đó quan cai trị Marty cho rằng không nên để Giáp bị giam lâu trong tù, vì ở trong tù chàng thanh niên sôi sục ý chí cách mạng này chắc chắn sẽ trưởng thành hơn do được tiếp xúc với các chính trị phạm khác, sau này có thể trở thành kẻ thù không đội trời chung của chính quyền thực dân, cho nên tốt hơn hết là tạo điều kiện cho anh ta học thành tài và anh ta sẽ khôn ngoan, dễ bảo hơn.
Sau đó, từ thân phận tù khổ sai. (Ở trên viết là ba năm tù giam, nay đổi ra tù khổ sai!!!), Giáp trở thành học sinh trường Trung Học Albert Sarraut, một trường học tốt nhất ở thuộc địa, thực tế là dành riêng cho con em người Pháp, và số ít quan lại hay công chức cao cấp người Việt được ưu đãi đặc biệt.
Marty đã mắc sai lầm lớn nhất trong cuộc đời hành nghề mật thám của mình. Georges Boudarel. “ Giáp”, 1977).
Chia sẻ với người đọc cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho là một cuốn sách: Sự quan sát và phân tích của Boudarel vô cùng sắc sảo và thuyết phục dựa trên nguồn tư liệu phong phú xác thực, thể hiện cái nhìn của một người trong cuộc”.
Và chúng ta còn biết nói gì khi chính con trai vị đại tướng, ông Võ Hồng Nam, Hiện là Giám đốc công ty CP Máy tính truyền thông Hồng Nam) phát biểu trong buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách:
“Cha tôi vẫn dạy, đã biết lịch sử thì phải biết cho đúng. Tác giả thể hiện góc nhìn của một người bạn từng chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam về cuộc kháng chiến của dân tộc ta”.
[2] Ibid…
Nhưng theo tôi, cuốn sách của Cecil B. Currey, nhan đề: Victory at any cost: The Genius Of Viet Nam’s Gen. Vo Nguyên Giáp ghi lại đầy đủ chi tiết và trung thực hơn cả. Xin được tóm tắt như sau:
“Võ Nguyên Giáp trở thành một học sinh năng động tham dự vào cuộc để tang  Phan Châu Trinh và tham dự vào cuộc bãi khóa tại trường Quốc Học cùng với một người bạn là Nguyen Chi Dieu. Cha ông là Vo Quang Nghiem từng là một quan chức triều đình thuộc loại thấp nhất thường được gọi là cụ Cửu Nghiêm (Cửu là hàng thứ chín, bậc thấp trong hàng quan lại). Cha ông cũng làm thêm nghề Đông y và làm ruộng. Một phần nhỏ đất đai được cho cấy thuê. Dieu đã rủ Giáp vào đảng Tân Việt Cách Mạng đảng. Sau TVCMĐ bị tách làm đôi, VNG tham gia vào phía đảng cộng sản.
Trùm mật thám Louis Marty lúc đó ở Vinh dĩ nhiên có hồ sơ cá nhân về Giáp, biết Giáp thường gặp Phan Bội Châu.
Vào năm 1930, mật thám Pháp đã bắt một số người tình nghi hoạt động chống Pháp cùng với một số người khác trong đó có anh của Võ Nguyên Giáp là Võ Thuần Nho, Đặng Thái Mai, một giáo sư văn chương tại Quốc Học và một nữ sinh 15 tuổi tên Nguyễn Thị Quang Thái, nữ sinh Đồng Khánh. Người mà sau này là vợ của Võ Nguyên Giáp.
Đặng Thái Mai bị kết án 4 năm tù, Nguyễn Thị Quang Thái, hai năm tù. Riêng Võ Nguyên Giáp vì chứng cớ hoạt động không rõ ràng, nhưng quan tòa cũng xin xử phạt 2 năm tù khổ sai.
Sau 13 tháng bị giam tù ở Lao Bảo, một nơi gần với biên giới Lào Việt, chính quyền ra lệnh giảm án cho bất cứ án tù nào dưới 4 năm tù . Và tù nhân phải về quê nơi gốc gác để tiếp tục án tù còn lại. Giáp trở về Huế, nơi ông bị bắt giữ. Nhưng nhà cầm quyền ơ đây đòi trục xuất ông về lại làng An Xa. Giáp phản đối không tuân lệnh và về Vinh, nơi ở của giáo sư Đặng Thái Mai. Vinh cũng là nới bố của bà Thái- Nguyễn Huy Bình- làm ở sở Hỏa xa.  Về ở Vinh với Đặng Thái Mai mà con gái của ông Mai là Đặng Bích Hà, nhỏ hơn Giáp 19 tuổi thường gọi Giáp bằng chú. Và sau này trở thành vợ tướng Giáp và có với ông 4 người con.
Năm 1933, Đặng Thái Mai ra Hà Nội nhận dạy học ở trường Thăng Long, VNG ra Bắc theo.
Cũng theo tác giả, với một án tù chính trị như thế, con đường học của Võ Nguyên Giáp là không thể có được nếu không có sự giúp đỡ của Louis Marty.
Trong việc tiếp xúc giữa Marty và VNG, Marty đã khuyên giáp quay trở lại việc học và chuẩn bị cho việc thi tú tài 1 và 2. Chắc hẳn Marty đã ngầm giúp đỡ để Giáp có thể vào học ở trường Albert Sarraut.
Từ đó Giáp chỉ còn chuyên chú vào việc học và đọc sách. Giáo sư Đặng Thái Mai cho VNG ở nhờ đỡ tốn kém về tiền ăn ở, yên tâm học hành. Không có sự bảo trợ của Louis Marty, VNG không thể vào học được trường Albert Sarraut.
Sau khi đỗ xong hai bằng tú tài, Giáp ghi tên học luật khoa. Năm 1937, ông tốt nghiệp cử nhân luật. Nhưng để ra làm luật sư, ông phải hoàn tất một chứng chỉ hành chánh luật. Ông đã không hoàn tất.
50 năm sau được hỏi tại sao không học nốt luật để trở thành luật sư, VNG đã trả lời, ông đã không bao giờ mong muốn trở thành luật sư.
Và từ sau đó, người ta không còn hay biết gì về bóng dáng của Marty bao phủ trên cuộc đời của VNG nữa. Phải chăng việc giúp đỡ của con người bí mật Louis chỉ thuần túy có tính cách nhân đạo, hoàn toàn trong sáng vô tội hay ngược lại đòi hỏi cung cấp những thông tin như về đảng Tân Việt, về đảng cộng sản mới được thành hình, về những tên tuổi, về những kế hoạch đảng và những hoạt động bí mật vv..
Cho đến hiện nay, không có bằng cớ gì cụ thể về những nghi ngờ trên. Bao lâu chưa có đủ bằng cớ thì vẫn chỉ là những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Những dư luận chung quanh tướng Võ Nguyên Giáp
Trước hết, ông Bùi Tín có nhận xét là VNG có thói quen ham đọc sách và tìm hiểu của một người trí thức.
[3] Bùi Tín, Viet Nam, la face cachée du régime , trang 40.
Có một điều ông Bùi Tín không nói tới một cách đầy đủ là kể từ khi được ông Hồ phong làm bộ trưởng bộ nội vụ, ông Giáp đã đặt ra ngoài vòng pháp luật những đảng phái Quốc Gia. Nói chung những ai không phải Việt Minh thì đều bị coi là “việt gian”, tay sai cho Pháp và bị tàn sát thẳng tay.
Tháng 8,1948, ông Hồ phong ông Giáp lên chức đại tướng.
Và đặc biệt Peter Macdonal, có thể là người duy nhất được dành cho phỏng vấn tướng Giáp đã viết như sau trong cuốn sách của ông, The victor in Viet Nam:
“It is difficult to compare him with other generals because his combination of guerrilla and conventional action on such a scale has not been seen before. In the main aspects of war, Giap was oustanding.”
[4] Giap, The victor in Viet Nam, Peter Mc Donald, trang 341
Sự kính nể ấy có phần đúng. Nhưng tất cả các tướng lãnh Mỹ hay Pháp cũng như các tác giả viết về tướng Giáp, không một ai có chút hiểu biết sâu xa, đầy đủ về mối quan hệ Việt – Trung trong trận chiến ấy. Nếu họ được đọc những tài liệu về phía Trung Quốc thì họ có còn giữ được sự kính nể nữa hay không?
Không nói đầy đủ về mối quan hệ Việt-Trung cũng như Việt-Xô trong vai trò nhiệm vụ Quốc tế cộng sản thì đánh giá về hai cuộc chiến ấy hoàn toàn thiếu cơ sở. Thật vậy, không có sự thống nhất nước Tàu năm 1949, không có Mao Trạch Đông thì diện mạo cuộc chiến tranh Đông Dương đã không diễn ra thuận lợi như vậy. Không phải chỉ một mình tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt đánh bại 7 tướng lãnh Pháp. Mà còn Trần Canh, Lã Quý Ba và Mao Trạch Đông.
Người ta biết cả đấy, nhưng cứ tảng lờ đi như thể không biết.
Có lẽ Jean Sainteny là người hiểu rõ tướng Giáp hơn ai hết có nhận xét do trực tiếp quen biết về con người tướng Giáp là: Người nhỏ thó, nhưng rắn rỏi. Võ Nguyên Giáp kết hợp óc thông minh hơn người với một ý chí sắt đá và cá tính can trường.
Phải nói rõ thêm là lúc chưa là đại tướng thì lúc nào ông cũng ăn mặc chỉnh tề, quần tây áo vét, cà vạt, mũ phớt như một ông Tây thuộc địa con. Hình ảnh ông đi bên cạnh tướng Leclerc mà tôi nói ở trên và đoàn quân Pháp thật ấn tượng và đầy kịch tính.
Không biết có ai đó tìm được một bức ảnh tài liệu nào cho thấy tướng Giáp đứng bên cạnh những chiến sĩ kéo pháo trên mặt trận Điện Biên Phủ hay giữa những giao thông hào, tại Mặt trận Vĩnh Phúc Yên hay Chiến dịch biên giới? Theo như tác giả Bùi Tín, ông Giáp thường không có thói quen ra thị sát Mặt trận? Đã có lần nào ông đi thị sát chiến trường miền Nam sau 1955?
Ở trận chiến Điện Biên Phủ, người ta chỉ thấy vài bức hình chụp ông với Hồ Chí Minh, tại Bộ Chỉ huy chiến dịch- bao giờ cũng trải vài tấm bản đồ, tay thì chỉ chỏ- đóng kịch- như thể đánh nhau chỉ cần chỉ chỏ bằng bản đồ- và ông trú ẩn an toàn tại Bộ chỉ huy ĐBP tại hang Thẩm Púa, thuộc  Mường Phăng. Hang Thẩm Púa cách Điện Biên Phủ bao nhiêu cây số, thưa đại tướng?
Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đi thị sát mặt trận, quần áo chỉnh tề, chân đi giầy ủng cao đến đầu gối!
Tôi chưa thấy vị tướng tài giỏi nào nhàn hơn tướng Giáp!!
De Lattre De Tassigny trong trận Vĩnh Phúc Yên dùng phi cơ quan sát trận địa và hạ cánh ngay tại nơi khói lửa mịt mù để trấn an binh sĩ !! De Lattre quả là tướng tồi chăng!!
Nhưng quan trọng hơn cả là tên tuổi ông được gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Những tác giả ngoại quốc sau này như Peter Mac Donald đều không thiếu những lời ca tụng và trân trọng. Nhiều tác giả không ngại xếp ông vào thành phần những danh tướng lớn của thế giới.
Ông cũng là tác giả nhiều đầu sách liên quan đến cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất như: Từ Nhân dân mà ra – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử – Đường tới Điện Biên Phủ. Nhiều tác giả không ngại xếp ông vào thành phần những danh tướng lớn của thế giới. Điều đó nay đã đến lúc cần được nhìn lại một cách công bằng.
Ông cũng là người đứng đầu trong số những tác giả viết về Hồ Chí Minh như: Bác Hồ về Tân Trào – Tư Tưởng Hồ Chí Minh – Quá trình hình thành và phát triển – Hồ Chủ tịch, nhà chiến lược đại tài – Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi – Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách Mệnh Việt Nam.
Nhưng cuốn được coi là quan trọng là cuốn hồi ức Những năm tháng không thể nào quên.
Có thể không còn lời lẽ nào mà ông không dùng để xưng tụng Hồ Chí Minh trong cuốn sách này. Đây có thể là cuốn sách để lại cho đời như một chúc thư về những năm tháng “không thể nào quên” của một người lính, một vị đại tướng và nhất là người học trò của Hồ Chí Minh như ông.
Ông viết như thể một nhà văn với những phẩm tính đẹp mà ít nội dung, đậm đà tình cảm mà ít dẫn chứng, ít lý luận mà nặng tuyên truyền:
“Bác đã đi giữa những ngày đông ảm đạm, vòm trời Châu Âu, Châu Á bị những đám mây đen chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc che phủ”.
“Từ năm mươi năm trước đây, người yêu nước Việt Nam vĩ đại đã tìm ở chủ nghĩa Mác -Lênin cho đồng bào ta và những người cùng hội cùng thuyền-những dân tộc bị đọa đầy vì chủ nghĩa đế quốc một con đường giải phóng duy nhất: Đường Cách Mệnh (…)
Đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi:
- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?
Một triệu con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm:
- Co.o.ó!!
Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một !!
[5] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên trong vnthuquan.net/truyen.
Nói chung cuốn sách có pha chế nhiều phẩm tính xa sự thực. Nó tóm gọn vào bốn chữ : Hận thù và hy sinh. Hận thù chất ngất đế quốc thực dân Pháp và bè lũ tay sai.  Hy sinh vô bờ bến với nhiều mỹ từ ưu ái dành cho Hồ Chí Minh- chỉ riêng Hồ Chí Minh- và chỉ một mình Hồ Chí Minh mà thôi- mà không một ai khác.
Mặc dầu vậy, tôi vẫn có cảm tưởng ông không được sự tin tưởng của HCM đáp lại một cách tương xứng !! Mặc dầu ông được giao phó nhiệm vụ lớn lao trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Ở đây, chỉ xin thưa với vị đại tướng nay đã 101 tuổi là câu chuyện : Đồng bào nghe rõ không ? chỉ là một câu chuyện giả tưởng đã được nhiều người truyền tụng.
Chẳng dám nói là một câu chuyện có tính  bịa đặt. Nhưng cũng xin để người trong cuộc- Ông Nguyễn Hữu Đang- người tổ chức lễ đài nói lại cho rõ.
Nếu cho rằng câu chuyện chỉ nhằm mục đích tuyên truyền thì không nói làm gì. Nhưng viết sách thì lại là chuyện khác.Theo tiết lộ của ông Nguyễn Hữu Đang với Bùi Tín sau này thì câu chuyện đơn giản chỉ là : Ông Hồ trước khi đọc bản Tuyên Ngôn, theo thói quen gõ vào máy mi-crô và hỏi nhỏ anh thợ điện phụ trách âm thanh: Nghe rõ không ? Nếu anh thợ điện trả lời nghe rõ thì ông Hồ sẽ đọc bản tuyên ngôn.
Câu chuyện chỉ có thế- giữa anh thợ điện và người đọc tuyên ngôn !! Bỗng chốc trở thành câu truyện của hàng triệu người hò vang như sấm dậy, cả biển người đã hòa làm một !
Mà thành phố Hà Nôi, lúc bấy giờ lấy đâu ra một triệu người nhỉ !!
Thành phố Hà Nội vào năm 1921 có khoảng 4000 người Âu Châu và dân chúng địa phương có 100.000 ngàn dân.
Giả dụ vào năm 1946, dân số có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba thì cũng chỉ có khoảng 500.000 người là cùng.
Mark Philip Bradley trong cuốn sách Viet Nam at war, không biết lấy số liệu ở đâu cho rằng có  khoảng 400.000 tham dự buổi mít tinh.
[6] Mark Philip Bradley Viet Nam at war, trang 09
Nhưng cuộc đi biểu tình ngày hôm đó phần đông là giới công chức và dân thị thành. Con số hẳn là không nhiều.
Cho là 10.000 đến 30.000 người cũng là đông lắm rồi. Đại tướng lấy con số tròn một triệu người là quá đáng !!
[7] Xem thêm Indochina của Pierre Brocheux và Daniel Héméry, phần nói về Geographic distribution of the French in Indochina, 1913-1940, trang 183.
Vì thế, thử hỏi chúng ta đọc được bao nhiêu là sự thật về các trận đánh trong các hồi ký của ông Võ Nguyên Giáp? Biết được sự thật gì về việc thanh trừng, ám sát các cán bộ của các đảng phái Quốc Gia mà ông vốn căm thù?
Chúng ta biết được gì về những lãnh tụ hàng đầu của cộng sản thời kỳ sơ khởi như Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai.
Đối với ông chỉ có một lãnh tụ- một con người, đó là chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bài trả lời cuộc phỏng vấn của Neil Sheehan,  ký giả Mỹ đã hỏi ông: có phải sự thật là ông đã không qua một trường huấn luyện quân sự nào? Ông Võ Nguyên Giáp đã nói quanh co là ông đã vào thư viện Hà Nội, tìm Bách Khoa tự điển để học hỏi những tài liệu quân sự ở trong đó. Một lần khác, tướng Jacques Philippe Leclerc- người đã giải phóng nước Pháp khỏi quân Phát xít Đức- cũng đã hỏi một câu tương tự – tướng Giáp chỉ cười và đã trả lời: Ông chỉ học quân sự trong rừng rậm.
Câu trả lời nửa sự thật này làm tăng giá trị cho cá nhân tướng Giáp.
[8] Neil Sheehan, After the war, Ha Noi and Saigon, trang 13
Ông Giáp vốn ít nói, ngược hẳn với ông Hồ mềm dẻo, khéo léo. Cứ tin vào sách vở ông viết thì ông là học trò số một của ông Hồ? Nhưng khi ông Hồ chọn Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất thì rõ ràng trong mắt ông Hồ không có ông Giáp!!
Nhưng câu hỏi quan trọng nhất khi viết về tướng Giáp là hiện nay với rất nhiều tài liệu của Trung Quốc được tiết lộ và những tranh chấp giữa ông Giáp một bên, Lê Duẩn-Trưởng Chinh, Lê Đức Thọ một bên thì liệu những chiến công hiển hách có còn giữ được không?
Có thể nói tướng Giáp sống còn sau những tranh chấp trên chỉ nhờ một chữ mà thôi: Chữ Nhẫn.
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt


[8]

-Tướng Võ Nguyên Giáp [3] »


Vo Nguyen Giap, Muammar Gaddafi, Raul Castro in Algeria in 1979. Photo: AP
Vo Nguyen Giap, Muammar Gaddafi, Raul Castro in Algeria in 1979. Photo: AP
Tướng Võ Nguyên Giáp [1]
Tướng Võ Nguyên Giáp [2]
Vết nhơ diệt trừ các đảng phái đối lập
Trong chính sách và đường lối của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, việc thỏa hiệp hay hợp tác với các đảng phái Quốc gia chỉ là giải pháp giai đoạn hay nói như Philippe Franchini chỉ là một trò lừa bịp mà tác giả viết là: Ambiguités et mensonges du Viet Minh. (Sự hàm hồ và dối trá của Việt Minh).
[1] Philippe Franchini, Les mensonges de la guerre D’Indochine, trang 79 . Philippe Franchini là một người Pháp lai Việt, bố Pháp, mẹ Việt
Thực chất ông Giáp dành những hậm hực, thù hận đối với những người đảng phái quốc gia mà ông gọi là: Bọn đầu trâu mặt ngựa, bọn tay sai, bọn phản động. Và không lạ gì ông là người chỉ huy trực tiếp đánh phá và sát hại những người của các đảng phái quốc gia:
“Bọn quân Phiệt Quốc Dân Đảng Trung Hoa sắp sẵn những con bài gồm những tên tay sai người Việt ở Trung Hoa như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam … Chúng tự nhận là người Việt nam theo chủ nghĩa Quốc gia, nhưng thực ra là một bọn phản động mưu toan dựa vào mũi súng quân Tưởng để kiếm sống”.
[2] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không quên, Ibid
Những lời thóa mạ những lãnh đạo đảng phái một cách cay nghiệt còn hơn đối với kẻ thù đặt lại từ căn bản tất cả mọi vấn đề: vấn đề bản chất cộng sản là gì, dân tộc và chủ nghĩa, con người với con người, vấn đề toàn trị và độc tài…
Ngay trong Hội Nghị Đà Lạt, 1946 với tư cách phó trưởng đoàn mà thực sự Võ Nguyên Giáp nắm trọn vẹn quyền điều hành bằng bàn tay sắt và biến Nguyễn Tường Tam thành một thứ bù nhìn không hơn không kém.
Giáp có những thành kiến đối với giới trí thức khoa bảng cũng như các đảng phái như Nguyễn Tường Tam (NTT). Nhận chức bộ trưởng ngoại giao nói cho cùng Nguyễn Tường Tam  nhận vai trò bù nhìn.  Luật sư Trần Văn Tuyên gọi đây là 3 tháng “quyền rơm vạ đá” của cuộc đời làm chính trị của NTT . Như nhận xét của cụ Trần Trọng Kim. Chỉ cần 3 người  cộng sản trong chính phủ đủ nắm trọn vẹn toàn thể chính phủ:
“Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy, kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là năm đảng nhưng chỉ có đảng Việt Minh cộng sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh. Xã hội đảng và Dân chủ đảng là những đảng phụ thuộc của Việt Minh và không có thế lực gì. Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tính cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng sản chỉ có ba người trong chính phủ nhưng quyền bính vẫn ở cả Cộng sản”.(24)
[3]Trọng  Kim Một cơn gió bụi, Ibid
Trong hồi ký: Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, xin ghi lại một vài chi tiết quan trọng sau đây cho thấy ai là người chủ trì và quyết định mọi vấn đề của phái đoàn Việt Nam. Võ Nguyên Giáp hay Nguyễn Tường Tam?
- Phái đoàn gồm 12  đại biểu và 12 cố vấn, phần chủ chốt là người của Việt Minh cộng sản do Việt Minh tuyển lựa.
- Phái đoàn được Pháp chở từ Hà Nội lên Đà Lạt bằng máy bay Junker, 3 động cơ mà Pháp tịch thu được của Đức. Tốc độ 200 km/giờ và độ cao ở 3000 mét.
-Trên máy bay cạnh Võ Nguyên Giáp là một sĩ quan”ngồi kèm” Võ Nguyên Giáp, mặc binh phục màu vàng, mang nhãn hiệu sao vàng ở mũ và khẩu tiểu liên làm phồng to các bao da áp đùi. Mỗi người chỉ đem đi một cái vali nhỏ. Võ Nguyên Giáp có cái cặp da căng bởi giấy tờ. Đặc biệt  nữa là có cái hòm to dài nặng; đó là cái máy vô tuyến điện thu phát tin tức mà kỹ sư Tình phụ trách mang theo.
-Trong anh em phái bộ, bây giờ Nguyễn Tường Tam đứng địa vị rất khó. Danh là Bộ trưởng Ngoại giao cầm đầu phái bộ điều đình. Nếu phải nhượng bộ những điều mà từ trước trong đảng mình đã gọi là việc bán nước của Việt Minh thì đồ đảng không theo, nếu phải dùng cản lực để che chở độc lập thì đảng mình lẻ loi; mà nếu  muốn bám vào sức quần chúng thì phải tranh thủ với Mặt trận Việt Minh, như thế cũng không làm được. Vì thế, tuy ra Hội trường, ảnh làm trọn phận sự, nhưng ảnh ít dự vào những sự soạn bàn. Có hôm tôi sang thăm ảnh đang bị ốm. Tôi nói đến chuyện chính trị, thì anh nói:
“Những việc chính trị, thôi để các anh làm. Còn tôi thì về Văn hóa mà thôi”.
- Trong chuyến về, ông Hoàng Xuân Hãn viết như sau: “Rồi các hành nhân ngủ gà ngủ gật. Tiếng chong chóng tầu như sấm bão, làm cho không nghe người ngồi bên cạnh nói. Cửa sổ gương mờ, chỉ có một lỗ nhỏ ở giữa. Phải ghé gần sát mới thấy mây, đất, núi, sông. Gió lọt qua khe hở thổi lạnh cả lưng.
Đây là nhận xét có ý nghĩa nhất có thể dành cho Nguyễn Tường Tam, trưởng đoàn đàm phán tại Đà Lạt.
“Trong lúc tai không bưng mà điếc, mắt không bịt mà mù, tôi chỉ còn cách nhìn quanh trong tàu mà ngắm các anh em: anh ngủ ngon lành, anh đọc nhật trình, anh ra vẻ mơ màng, anh ra dáng mệt mỏi. Lại có bốn anh quây quần đánh bài ở phía sau tàu”.
[4]Hồi ký Hoàng Xuân Hãn đăng trên Tân Văn số 10, tháng 5/2008
Trong hồi ký của giáo sư Hoàng Xuân Hãn ghi tiếp:
“Giáp tỉ tê nói chuyện rất thân mật; ngỏ ý tiếc đã không biết chúng tôi sớm hơn. Tuy anh không nói ra, nhưng cũng đoán rằng những thành kiến đối với giới trí thức không đúng. Tôi nhân đó nhắc lại câu chuyện tâm sự của Nguyễn Tường Tam hôm trước và tỏ ý ngạc nhiên trước sự anh em cách mệnh Mác Xít hiềm khích với đảng Quốc Dân . Tôi đã nói: “Cả hai đảng hi sinh xương máu như nhau từ hồi 1930, 1931”.
Giáp trả lời: “Nếu các anh em Quốc Dân đảng như Nguyễn Thái Học còn thì sao chúng tôi lại không bái phục. Nay thì khác, có người chỉ dựa tên Đảng, mà làm tay sai cho tụi Đế Quốc để diệt Mác Xít mà thôi. Với những phần tử Quốc Dân đảng ái quốc, chúng tôi vui lòng hợp tác. Rồi Giáp nói thêm: Quốc Gia như các anh thì chúng tôi rất quý trọng. Chúng ta hợp tác dễ dàng.
Qua câu trả lời trên, VNG gián tiếp coi những người như Nguyễn Tường Tam là thuộc Việt gian và sẵn sàng trừ khử. Và điều đó đã xảy ra đúng như vậy sau khi Hội Nghị Đà lạt chấm dứt.
Phùng Thế Tài, một cận vệ của Hồ Chí Minh những năm 40-45 có viết lại Hội Nghị Đà lạt như sau :
“Nguyễn Tường Tam lúc bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại Giao làm trưởng đoàn. Nhưng thực chất mọi công việc đều do đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm..” Có lần Bác kéo tôi lại gần và nói nhỏ: “Lần này bác cử chú đi theo đoàn với 2 nhiệm vụ là bảo vệ anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp). Kẻ địch nham hiểm lắm, không được coi thường. Nhiệm vụ thứ hai là chú tìm mọi cách để Bác và anh Văn thường xuyên liên lạc kịp thời. Mọi diễn biến hội nghị Bác phải nắm được ngay trong ngày và chuyển gấp những ý kiến của Bác đến tận anh Văn và chỉ riêng anh Văn thôi”.
[5] Phùng Thế Tài, Bác Hồ, những kỷ niệm không quên, trang 22 và 67
Đối với  Trung Hoa Quốc Gia thì HCM đã dùng vàng bạc quyên góp trong “Tuần lễ vàng” để mua vũ khí lậu trang bị cho bộ đội Việt Minh.
Vì lòng tham lam của tướng Tầu, Việt Minh đã mua đứt được họ …
Đoàn Thêm viết :
“Tướng Tiêu Văn muốn giúp, nhưng tướng Lư Hán bị mua nên để mặc cho Việt Minh rộng tay đối phó với các nhóm Quốc Gia.
Những nhóm này lại chia rẽ và không lôi cuốn nổi quần chúng. Họ Tưởng thấy có can thiệp cũng vô ích, nhưng không lẽ để VN rơi vào tay cộng sản, thà để cho Pháp trở lại như thế thì miền Hoa Nam cũng sẽ được yên như suốt trong thời kỳ Pháp bảo hộ Bắc Kỳ ”
[6]Trích Đoàn Thêm, Ibid, trang 72
Sau Hội nghị Đà Lạt thì tình hình tỏ ra rất bất lợi cho các đảng phái. Nhiều vụ ám sát các đảng phái xảy ra sau khi quân đội Trung Hoa rút đi vào hạ tuần tháng sáu 1946.
Thoạt tiên HCM mời khéo cố vấn Bảo Đại đi Côn Minh cho khuất mắt.
Đến tháng 7 thì đến lượt các lãnh tụ đảng phái quốc gia, lục tục rời bỏ VN thoát thân. Nguyễn Tường Tam sang Nam Kinh, Vũ Hồng Khanh trở lại Vân Nam, cụ Nguyễn Hải Thần đi Quảng Châu, cụ Trần Trọng Kim đi theo đoàn xe Quốc Dân đảng sang Trung Hoa quốc gia đến Lạng Sơn. Trong Hồi ký một cơn gió bụi, cụ viết:
“Lạng Sơn bấy giờ thuộc quyền đội quân phục quốc đóng giữ mà chung quanh thì bị quân Việt Minh bao vây. Ðội quân phục quốc do một người thổ hào tên là Nông Quốc Long cai quản. Cả đội quân ấy độ vài trăm người có đủ súng ống, nhưng không hòa hợp với các đội quân khác của Quốc dân đảng.
Chúng tôi lên đến Lạng Sơn, nghe nói ông Nguyễn Hải Thần ở Nam Kinh đã trở về đấy. Tôi tìm cách gặp ông ấy. Từ trước tôi chưa gặp ông ấy bao giờ, chỉ biết ông và những người Quốc dân đảng khác theo quân Tàu về nước, tuyên truyền huyên thuyên mà không thấy làm được việc gì ra trò. Những người trong đám Phục quốc quân ở Lạng Sơn vì không có lương thực cũng tìm cách lấy tiền chi dụng cho qua ngày. Tôi biết những người ấy không làm nổi việc gì, nhưng có những người đi theo ông Nguyễn Hải Thần ở bên Tàu đã lâu quen biết nhiều người Tàu, tôi muốn gặp ông và rủ ông đi lên Nam Kinh để gặp ông Bảo Ðại, vì lúc ấy mọi người đều yên chí ông Bảo Ðại đã ở Nam Kinh rồi. Trước là để tụ họp hết các đảng phái làm một cho có tính cách duy nhất trong việc hành động, sau là để khi làm việc gì, có tổ chức chắc chắn, không đến nỗi rời rạc như mọi người đã trông thấy.
[7] Hồi ký  Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim, trên Talawas.org
Tiêu biểu là vụ án Ôn Như Hầu.
Trong thời giam Hồ Chí Minh vắng mặt còn ở bên Pháp. Đây là thời điểm cho thấy Võ Nguyên Giáp phô diễn quyền lực và củng cố lực lượng. Như nhận định của Stein Tonesson như sau:
“Trong khi ông Ho vắng mặt, Viet Minh đã củng cố lực lượng và vị trí của họ một cách đáng kể. Trong khi đó thì các nhà lãnh đạo chính của Đồng Minh Hội đã biến mất trên sân khấu chính trị, và đám VNQDĐ cũng ngày một yếu đi”.
[8]  Stein Tonnesson, Viet nam, 1946, trang 87.
Sở dĩ có tình trạng đó vì các nhà lãnh đạo các đảng phái đã phải rút lui vào bí mật để tránh bị Việt Minh khủng bố trắng. Nhưng trước hết cần ghi lại một số hoạt động của các đảng phái Quốc gia lúc bấy giờ một cách công bằng khiến cho hai bên tranh chấp, giết hại nhau. Xin ghi lại nhận định của Nghiêm Kế Tổ:
“Từ ngày 9 tháng 9 năm 1945, quân đội Tưởng Gới Thạch do tướng Lư Hán đổ bộ lên Bắc Việt để tước khí giới quân đội Nhật, nhiều nhà Cách Mạng Quốc Gia như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh cùng đi theo về … Trên đường hành quân của quân đội Trung Hoa, lực lượng cách mạng quốc gia, nhờ sự giúp đỡ, thiết lập luôn các căn cứ suốt dọc Lào Kay và Vĩnh Yên. Đến Hà Nội, phong trào Quốc Gia mạnh bạo lên tiếng phản tuyên truyền Việt Minh, tố giác hành động cộng sản của Việt Minh và thành lập các trụ sở, xuất bản báo chí tạo thành một mối nguy hại lớn cho phe Việt Minh”.
[9] Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ, trang 51-52
“Đoàn quân Trung Hoa với hơn 150.000  đã là lá chắn bảo vệ sinh mệnh cho cán bộ Đại Việt và VNQDĐ bớt khỏi cái cảnh bị Việt Minh thủ tiêu ám sát. Nhờ cái thế của Trung Hoa Quốc Gia mà Việt Nam Quốc Dân Đảng mới có thế đối đầu với Việt Minh”.
Nói về việc quân đội Trung Hoa Quốc Gia vào VN, trong hồi ký,  Bao Đai gọi đây là một cuộc “xâm lăng” của Trung Hoa Quốc Gia (Invasion Chinoise), ông viết:
“Các lãnh tụ VNQDD và Đồng Minh Hội đã lợi dụng uy thế được bao che bởi quân đội Trung Hoa Quốc Gia, tìm cách giải giới và thay thế các cán bộ Việt Minh tại các vùng quê. Tại Hà Nội nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra giữa các nhóm Viet Minh và VNQDĐ.
[10] Le Dragon D’annam, S.M.  Bao Dai, trang  138
Võ Nguyên Giáp đã lợi dụng cơ hội việc NTT theo đoàn quân Trung Hoa này để đẩy tất cả trách nhiệm theo Tàu” tay sai của quân Tưởng” cho các lãnh tụ đảng phái Quốc gia như sau trong cuốn: Về Những năm tháng không thể nào quên:
“Bọn quân Phiệt Quốc Dân Đảng Trung Hoa sắp sẵn những con bài gồm những tên tay sai người Việt ở Trung Hoa như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam … Chúng tự nhận là người Việt Nam theo chủ nghĩa Quốc Gia, nhưng thực ra là một bọn phản động mưu toan dựa vào mũi súng quân Tưởng để  kiếm sống”.
[11] Những năm tháng không thể nào quên, Võ Nguyên Giáp, trang 31
Chửi bới nặng nề những  bọn quân Phiệt Quốc Dân đảng là phản động..vv. Nhưng Việt Minh thì lại cho thấy gió chiều nào theo chiều nấy. Đầu tiên, Hồ Chí Minh đã mượn tay sĩ quan Mỹ thuộc lực Lượng OSS mở một trường quân sự huấn luyện mang tên : Trường Quân Chính kháng Nhật. Có nhiều khi còn tuyên truyền và ám sát những người theo Nhật được gọi là tay sai cho bọn theo Phát Xít Nhật.
Vậy mà theo một tài liệu của Nhật có khoảng 800 hàng binh Nhật đào ngũ và trà trộn vào trong binh đội tướng Giáp. Một tài liệu của Pháp nâng con số đó lên 4000.
Chúng tôi xin trích dẫn và đưa ra một cách dè dặt tài liệu trên. Trong một tài liệu do Christopher E. Gosha nhan đề Ailiés tardifs (Những đồng minh nuộn)- Les apports techiniques des déserteurs au Viet Minh durant les premières années de la guerre Franco-Vietnamines có tiết lộ cho hay, sau khi quân Nhật đầu hàng và bị giải giới, có một số đào binh gia nhập quân đội Việt Minh. Họ là những binh sĩ chuyên nghiệp, giỏi và giúp Việt Minh trong vai trò cố vấn.
[12] Theo tác giả Christopher, quân  đội Nhật ở Đông Dương có khoảng 97.000 người. Trong đó có 20.000 ở Tuyên Quang, 5.000 ở Đà Nẵng, 3.000 ở Nam bộ, 3.500 ở Hà Nội. 3.000 ở Nam Định … Những binh lính Nhật đào ngũ  thường được bộ đội Việt Minh của tướng Giáp che dấu, không tiết lộ và một số lớn sau đó đã bỏ về Nhật.
Quan điểm của Võ Nguyên Giáp thì kẻ thù chưa hẳn là người Pháp, mà chính là quân Tưởng và các đảng phái Quốc gia. Ông viết:
“Hơn một vạn quân Pháp vào thì gần hai chục vạn quân Tưởng phải ra đi- Đẩy ra khỏi đất nước mười tám vạn tên chống Cộng khét tiếng… Cách mạng đã gạt đi một kẻ thù hết sức nguy hiểm, trút đi một gánh nặng cả vật chất lẫn tinh thần.
[13] Vo Nguyên Giáp, Ibid, các trang 175, 216
Cũng chính vì vậy, Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy các lực lượng võ trang khám xét, thanh toán các lực lượng đảng phái như trong vụ Ôn Như Hầu :
“7 giờ sáng. Công An Bắc Bộ cùng một lúc khám xét nhiều trụ sở của VNQDĐ ở Hà Nội … Tại căn nhà số 7 phố, Ôn Như Hầu, ta tìm thấy một nơi làm giấy bạc giả và một căn buồng có nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm, búa cùng với những vết máu trên tường. Công an ta đào ở vườn sau lên bảy xác chết. Có những xác bị chặt thành nhiều khúc … Tại trụ sở Trung Ương của VNQDĐ ở phố Đỗ Hữu Vị (nay là phố Cửa Bắc) ta còn tìm thêm được nhiều xác đàn ông, đàn bà và cả tử thi của binh lính Pháp … Trong sổ kế hoạch tịch thu, chúng ta tìm được một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc “.
[14]Vo Nguyen Giap, Ibid, trang 255-258
Điển hình nhất là vụ nhà Văn Khái Hưng bị bọn Việt Minh thủ tiêu một các tàn bạo. Xin ghi lại ít dòng của anh Trần Khánh Triệu, con  ruột của NTT và là con nuôi của Khái Hưng trong bài: Papa tòa báo như sau :
“Các trụ sở Việt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác Hể, bác Đóa, Trí, Dị .. bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Nam đình bản. Tòa báo ngoài Papa chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: Anh Bảng, anh Kính, anh Cống, bác Thắng (…). Thấy tình thế không thể ở lại Hà Nội, Papa quyết định tản cư về quê ngoại. Ngay chiều hôm sau chúng tôi xuống phà đen lên tàu thủy xuôi Nam Định. Hôm ấy là ngày 19-12-1946 (…) Vài hôm sau, một chiều hai thanh niên mặt lạ tới “mời” papa lên huyện. Cả nhà thất sắc, nhưng papa chỉ vào cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn gắn ở ve áo, bình tĩnh nói: “Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao, bây giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có chuyện bắt bớ bậy bạ” (…) Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo sau.  Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia.
Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm: “Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không ?” .
Từ cái ngày đó về sau, tôi không còn được gặp lại papa tòa báo” nữa
[15] Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ,  trang 161-172
Cái chết của Khái Hưng là một cái chết oan nghiệt, một bài học dành cho những người Quốc gia ngây thơ tin tưởng vào sự tử tế của cộng sản. Nó cũng cho thấy một sự thực đau lòng là: thực lực của các đảng phái Quốc Gia là không có gì.
Một bằng cớ giết hại người của các đảng phái do chính Võ Nguyên Giáp thuật lại như sau:
“Ngày 11 tháng bảy, Thường vụ được các đồng chí ở Nha Công An Báo cáo: Bọn phản động Việt Nam Quốc Dân đảng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích rất nghiêm trọng dự định cho tay chân phục sẵn, bắn súng ném lựu đạn vào binh lính Pháp (…). Mờ sáng 12 tháng bảy, một đơn vị công an xung phong bất thần vào khám trụ sở Việt nam Quốc Dân Đảng tại số 132 phố Minh Khai. Bọn phản động bị bắt tại chỗ cùng với tang vật: một chiếc máy in và những đống truyền đơn còn chưa ráo mực.
7 giờ sáng, Công An Bắc Bộ cùng một lúc khám xét nhiều trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội … Tại căn nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, ta tìm thấy một nơi làm giấy bạc giả và một căn buồng có nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm, búa, cùng với những vết máu trên tường. Công An ta đào ở vườn sau lên bảy xác chết. Có những xác chết bị chặt thành nhiều khúc. Tại trụ sở Trung Ương của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở phố Đỗ Hữu Vị (nay là phố cửa Bắc), ta còn tìm được thêm nhiều xác đàn ông, đàn bà và cả tử thi của binh lính Pháp. Trong số kế hoạch tịch thu, chúng ta tìm được một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc”
[16]Trích sách Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 255-258
Đoàn Thêm cũng mô tả lại vụ này như sau:
“Một cảnh của thực trạng xứ sở đã được phơi bày ra ánh sáng, ánh sáng rùng rợn trên những vết máu, những đồ kìm kẹp tra tấn mà công chúng được xem trước mặt Võ Nguyên Giáp cùng các nhà báo, tại hai căn nhà đường Bonifacy và bên hồ Halais, hai trụ sở bí mật của hai nhóm “phản động”: Theo nhân viên công an, thì các nhóm này bắt cóc nhiều cán bộ VM về đây hành hạ và thủ tiêu”.
“Tuy nhiên một số người đã mục kích vẫn không tin, cho là nhà đương cuộc dàn cảnh hãi hùng đó để hạ uy tín các nhóm quốc gia, vu cho những hành động tàn bạo để rộng tay đàn áp, không còn lo những công luận nghiêm khắc.
Và những người dân bình thường như Đoàn Thêm thì không còn biết tin ai. Ông viết:
“Qua nhiều đồng bào cũng như tôi, biết thế nào mà tin nữa “.
[17] Đoàn Thêm, Những ngày chưa quên, ký sự 1939-1945, trang 90
Theo Nghiêm Kế Tổ thì Quốc Dân Đảng cũng bí mật ám sát người của Việt Minh không kém:
“Trong bí mật, Việt nam Quốc Dân Đảng tổ chức trinh sát đối đầu với các bộ phận do thám Việt Minh. Rồi các vụ bắt cóc lẫn nhau bắt đầu một cách kinh khủng. Những vụ ám sát giữa người quốc gia và người quốc tế thi nhau tiếp diễn trong bóng tối. Khủng bố đối với khủng bố ”
[18]Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ, trang 102
Chỉ biết sau đó, súng đã nổ ở Vĩnh Yên, Việt Trì, Lạng Sơn, giữa vệ quốc quân và bộ đội Việt Quốc, Việt Cách.
Theo tác giả Minh Võ trong sách Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp thì:
“khi có vụ Ôn Như Hầu xảy ra” VNQDĐ đã lên tiếng phủ nhận và tố cáo chính Việt Minh cộng sản đã dàn dựng lên vụ này để có cớ “thanh toán” VNQDĐ. Theo đại tá VNCH Nguyễn Văn Phúc, một người đã thoát được cảnh thanh toán của Việt Minh và trốn vào miền Nam thì lúc bấy giờ có hàng trăm đảng viên VNQDĐ đã bị Việt Minh sát hại.
[19]Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp, Minh Võ, trang 374.
Hà Nội sau này đã tìm cách chạy tội qua lời kể của viên Đại tá Trần Tấn Nghĩa, trong Công An Nhân Dân ngày 28-8-2005.
Tuy nhiên một số nhà báo ngoại quốc đã phản bác lại quan điểm của Hà Nội.
Arthur J. Dommen trong một chương với nhan đề The first liquidation cho rằng nhiều vụ sát hại cho đến nay chưa có câu trả lời (remained unanswered) chừng nào những hồ sơ của Việt Minh chưa được công khai mở ra. Nhưng ông cho rằng ngay trước khi nắm được chính quyền thì họ đã nổi tiếng là sử dụng khủng bố để sát hại đồng bào của họ. Họ sử dụng khủng bố một cách có hệ thống chứ không phải một cách tùy tiện. Họ khai trừ những thành phần mà họ gọi là Việt gian. Và họ thiết lập những danh sách những thành phần mà họ sẽ khai trừ. Thành phần chính là những cựu viên chứ chính quyền, thành phần hơp tác với Nhật hay Phục Quốc, Trốt kít, Quốc Dân Đảng, chưa kể thành phần các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo.
Currey thì cho rằng sau vụ án Ôn Như Hầu đã mở mắt cho nhiều người đã từng không tin vào màu đỏ của Việt Minh.
[20] Currey, Ibid, trang 9
Đại Việt là một trong những mục tiêu chính bị VNG khai trừ. Danh sách những thành phần bị thủ tiêu thì nhiều ở trong Nam cũng như ngoài Bắc.
Và ông kết luận : Ho cannot escape responsibility for those deeds. Không. Phải nói rõ thêm, ông Hồ và Giáp phải trách nhiệm vệ những việc họ đã làm trước lịch sử dân tộc.
Họ là những kẻ đáng bị lên án vì đã giết những người yêu nước khác, chỉ vì họ không đồng chính kiến với cộng sản.
oôồ vaà
[21] The Indochinese Experience of the French and the Americans.. Arthur J. Dommen, trang 120-121
Nếu trong Nam kẻ chủ động trong việc sát hại các lãnh tụ đảng phái và các thành viên của Đảng đệ tứ là Trần Văn Giàu thì ngoài Bắc, công việc chủ động ấy nằm trong tay của Võ Nguyên Giáp.
Để kết thúc phần này, xin trích dẫn nhận xét của Chính Đạo viết về Võ Nguyên Giáp dựa trên bản Lý lịch tự khai của ông như sau:
Một trong những việc làm đầu tiên của Giáp là đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả những đảng phái chống Cộng, nhất là các nhóm Đại Việt và Thanh niên do Nhật bảo trợ. Những cuộc tàn sát Việt gian, tay sai cho Pháp diễn ra khốc liệt. Ngay đến các bậc tu hành- từ Thượng Tọa Đại Hải (sư phụ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ) tới các linh mục, thày tế, trùm họ đạo Kitô cũng bị thảm sát hay tập trung cải tạo. Chính sách tiêu diệt đối thủ chính trị này lan nhanh xuống Trung và Nam Kỳ, Phạm Quỳnh, cha con Ngô Đình Khôi, dòng dõi Nguyễn Thân, Tạ Thu Thâu, Vũ Đình Di, bị giết ở Thừa Thiên và Quảng Ngãi (…).  Được Huỳnh Thúc Kháng và Vũ Trọng Khánh tiếp tay, Giáp và thuộc hạ phát động hàng loạt những cuộc thanh trừng mới, mở những phiên tòa hình sự, xét xử các đối thủ chính trị qua những tội danh tưởng tượng như trộm cắp, hiếp dâm. Ngay tại Hà Nội, số phận cán bộ VNQDĐ không kịp thoát thân ra hải ngoại cực kỳ bi thảm thường được biết như vụ án Ôn Như Hầu…
[22] Chính Đạo, Võ Nguyên Giáp 1912(1911)- ?. Nhìn lại bản Lý lịch tự khai,  Hộp Lưu 111, 2010
Cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất đã bắt đầu như thế nào? Vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp
Chiến tranh là điều bất đắc dĩ. Người Việt Nam dù ở phía nào hiển nhiên là không muốn điều ấy. Vậy mà người Pháp vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, tại sao lại tiếp tục cuộc chiến tranh khác? Nước Pháp phải chăng muốn tái lập lại chế độ thuộc địa bằng mọi giá? Cơ hội hòa bình dang dở rơi vào cái mà người ta gọi sau này là nền Cộng Hòa đã chết. Thật ra, không có bất cứ một người Pháp nào muốn bỏ Đông Dương. Nhưng nếu phải trả giá bằng một cuộc chiến tranh lâu dài thì họ không đồng ý với nhau.
D’Argenlieu không đồng ý với đại tướng Leclerc, Leclerc không đồng ý với Valluy hay đại tá Debès. Debès là người rất hiếu chiến và cứng rắn, chính ông này gửi tối hậu thư cho chính quyền đương cuộc ở Hải Phòng buộc rút quân trước 9 giờ tối. Rồi sau đó ra lệnh tấn công bộ đội Việt Minh.
Việc bỏ bom bến cảng Hải Phòng và giết hại nhiều thường dân vô tội do người Pháp gây ra đã báo hiệu cho thấy cuộc chiến tranh sắp tới là khó tránh được.
Đó là phát súng mở màn cuộc chiến tranh ở phía Bắc do người Pháp gây ra. 15.000 quân Pháp có mặt ở miền Bắc cho thấy rõ ý đồ cũa người Pháp là gì?
Ngay cả đảng Cộng sản hay đảng Xã hội Pháp lúc bấy giờ cũng chủ trương chiếm giữ Đông Dương và vì thế đã chấp nhận ngân sách chiến tranh đầu tiên do Quốc Hội bỏ phiếu ngày 19.03.1947. Trên tờ L’Humanité, số ngày 13-4-1945 cũng viết lại lời tuyên bố của De Gaulle:
Đông Dương trong một sớm một chiều trở thành trong tầm tay của chúng ta..
Theo Jean Lacouture, Charles de Gaulle muốn khôi phục lại chế độ thuộc địa và những lợi nhuận từ chế độ đó mà ra. Đó là những ảo tưởng lớn về chính trị nơi de Gaulle.
Ngày 15 tháng 8, 1945, Nhật Hoàng Hiro Hito tuyên bố đầu hàng. Cùng ngày hôm đó De Gaulle tuyên bố: Kẻ thù đã đầu hàng, Đông Dương sẽ được tự do. Và vị trí của nước Pháp ở Đông Dương thật giản dị. Nước Pháp sẽ khôi phục lại chủ quyền của mình ở nơi này.
[23] Les mensonges de la guerre d’Indochine, Philippe Franchini, trang 23
Một con người được mô tả bề ngoài là tự cao đến phách lối, ích kỷ, tự coi mình như  trung tâm của vũ trụ, mặc dầu de Gaulle vẫn được coi là một nhân vật vĩ đại, nhưng dưới mắt Churchill, trong chuyến viếng thăm Paris về, ông đã viết thư cho Tổng thống (TT) Mỹ coi de Gaulle như một người đầy mặc cảm tự ty, mặc cảm yếu thế cần được nâng đỡ.
Không lạ gì, chỉ hai ngày sau khi mặt trận Điện Biên Phủ bị mất, de Gaulle dự trù một cách vụng về là sẽ xuất hiện trước dân chúng Paris với khoảng từ 100.000 người tham dự trở lên.
Kết quả số người tham dự ít ỏi như một thảm bại cá nhân của De Gaulle mà sau này Léon Noel đã thuật lại trong Sa Traversée du désert: Cuộc hành trình qua sa mạc mà de Gaulle và nhiều người khác đã trải nghiệm sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cái thất bại trải qua một sa mạc đó 4 năm sau vào năm 1958, de Gaulle lại chạm trán với vấn đề Algérie mà tự ông không tìm được lối ra. Một bước quan trọng đưa tới sự thất bại ở Phi Châu.
Nhưng điều chính yếu là người Pháp không muốn Mỹ dính líu vào  nội tình Việt Nam (VN). Vì thế mà D’Argenlieu, người của Charles de Gaulle được cử sang là để thi hành sứ mệnh ấy. Ông là người rất cứng rắn và bảo thủ nên không nhượng bộ Việt Nam bất cứ điều gì.
D’Argenlieu được cử sang Việt Nam là để khôi phục lại chủ quyền chính trị.
Phần tướng H. Leclerc được gửi sang Việt Nam là để ổn định trật tự bằng quân sự.
Vào năm 1942, với mục đích nâng đỡ những người Pháp tự do của Charles de Gaulle trong việc chống lại chế độ Đức Quốc Xã, TT Roosevelt có hứa để người Pháp duy trì những quyền lợi của họ ở hải ngoại. Nhưng năm sau, ông lại nói với con trai ông là Elliott, ông sẽ làm tất  cả mọi cách để chống lại tham vọng đế quốc của nước Pháp. Năm sau, ông đã đề nghị đặt Đông Dương dưới quyền bảo hộ quốc tế và yêu cầu nước Pháp trao trả nền độc lập cho nước này.”
Ba tháng trước khi chết, ông TT đã nói với ngoại trưởng Edward R. Stettinius: Bất cứ một  quyết định nào về Đông Dương lúc này đều quá sớm.”
Bối cảnh chính trị sau  chiến tranh thế chiến thứ hai cho thấy bài học của cuộc chiến tranh ấy đã không giúp ích gì cho người Pháp. Tất cả  những nhà lãnh đạo của cựu thuộc địa đều có trách nhiệm trong việc tái chiếm Đông Dương.  Thật vậy, bởi vì mọi người đều muốn lợi dụng cuộc chiến tranh này. Kể từ 1952 đến 1954, cuộc chiến tranh đã đem vào cho ngân quỹ của  chính phủ Pháp hằng  tỷ Mỹ kim của viện trợ Hoa Kỳ. Đã có lúc, hàng xuất khẩu lớn nhất của người Pháp không phải là những xe hơi Dauphine của hãng Renault hay nước hoa của vùng Grasse, mà là chiến tranh Đông Dương.
Đó là một cuộc buôn bán mà cả nước Pháp đã tham dự.
Cơ hội hòa bình và độc lập cho VN  bị  dang dở. Vì có rất nhiều người Pháp sợ hoà bình, sợ mất quyền lợi của họ ở Đông Dương. Họ không lý gì đến nội dung hội nghị Postdam đã giao quyền giải giới và kiểm soát quân đội Nhật ở phía Nam cho Anh. Từ vĩ tuyến 16 trở ra, Hội nghị đã giao cho Trung Hoa Tưởng Giới Thạch kiểm soát.
Đến người kế vị TT Roosevelt, TT Truman với phe nhóm của ông đã ủng hộ và bảo vệ quyền lợi nước Pháp về những đòi hỏi quyền lợi của Pháp đối với Đông Dương. Một lần nữa, hòa bình bị bỏ rơi và chẳng lạ gì sau này, nước Mỹ đã phải bỏ ra 2 tỷ 500 triệu cho Pháp trong cuộc chiến này. Số tiền còn lớn hơn cả số tiền mà người Pháp nhận được trong khuôn khổ kế hoạch Marshall.
Phần ông Hồ, biết mình còn yếu thế, phải ép mình đi giây lúc với Pháp,  lúc với các đảng phái Quốc gia và với cả CIA của Mỹ ở Côn Minh. Qua việc cứu một phi công Mỹ bị rớt máy bay ở Sài Gòn, ông Hồ được tiếp xúc với tướng Claire Chennault và đã xin ông này chụp chung một tấm ảnh để làm bằng cớ, để có thể tiếp xúc với Mỹ. Và qua đó cơ quan OSS của Mỹ có giúp đỡ ông Hồ vào đầu năm 1945 trong một cuộc nhảy dù có bí hiệu Deer ở căn cứ của ông Hồ. Sự giúp đỡ bao gồm súng cá nhân, súng cối và lựu đạn.
Theo Vũ Ngự Chiêu, Charles Fenn, một nhân viên OSS tại đội Yểm Trợ Không Lực Dưới Đất (AGAS) được lệnh tiếp xúc với Hồ Chí Minh, nhờ đó ông Hồ đã nhận được vũ khí Mỹ, thuốc men và trang cụ .
[24] Vũ Ngự Chiêu: Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8/ 1945,  Hợp Lưu số 113, trang 8
Mặc dầu vậy, sau này ông Hồ trong một dịp nói chuyện với Bảo Đại đã chán nản cho rằng, Mỹ chỉ là bọn con buôn tư bản mà thôi.
Ông Hồ Chí Minh thì muốn thương lượng, người Pháp thì không. Ông đã hạ bút ký Hiệp định Sơ bộ 6.3, tạm ước 14.9.  Người Pháp còn muốn gì nữa? Vì thế, chẳng lạ gì khi ông HCM vừa lên đường sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau vào ngày 12 tháng 6 năm 1946, ông dừng chân ở Biarritz thì một ngày sau đó ở Sài Gòn, Cao Ủy D’Argenlieu lập chính phủ Nam Kỳ tự trị, đưa ông Nguyễn Văn Thinh lên làm Thủ tướng. Và sau này là một số những người thân Pháp đã hợp tác với Pháp  như Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Xuân, Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Tâm.
Ông Hồ Chí Minh đã phải nằm chờ ở bên Pháp cho đến khi lập xong chính phủ do Bidault làm Thủ tướng, Moutet giữ bộ Pháp Hải ngoại. Theo lời thuật lại của Sainteny trong Histoire d’une paix manquée rằng, vừa tới phi trường Bourget, HCM bước ra ngoài cửa phi cơ thì có hàng ngàn thợ thuyền và chính khách đón tiếp: Ông Hồ hai tay run nói nhỏ bên tai tôi: Anh đừng rời tôi, thiên hạ đông quá.
Sau thất bại ở Hội nghị, phái đoàn Việt Nam đã lên đường về nước.
Riêng Hồ Chí Minh ở lại để cố gỡ gạc được cái gì mang về Việt Nam. Đêm 14 tháng 9, Hồ Chí Minh đến gõ cửa nhà Moutet ở số 19 đường Courcelles để ký tạm ước tay đôi giữa Moutet và  Hồ Chí Minh. Ký xong, Hồ Chí Minh nói với viên thanh tra đi theo hộ tống:
“Tôi vừa ký bản án tử hình tôi”.
Sau đó, ông Hồ đã chọn đi tầu thủy để về Việt Nam thay vì đi bằng máy bay, ông đã bị phản đối khi đi qua các ga Marseille, Toulon.
Hồ Chí Minh chỉ muốn tránh một cuộc chiến tranh không đồng sức nên phải thương thuyết, thương thuyết không được thì phải nhượng bộ để kéo dài thời gian. Ông đã làm hết cách những gì mà ông có thể làm, ngay cả cái nhục ký các các hiệp định sơ bộ cũng như tạm ước.
Việc ông Hồ Chí Minh chọn về Việt Nam bằng đường thủy thay vì dùng máy bay đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.  Ông rời Việt Nam 31/5 và chỉ có mặt ở Hải Phòng vào 20/10 trên tàu Dumont D’Urville. Về tới Hải Phòng, ông dùng xe lửa về Hà Nội và có khoảng 80.000 người đã đón tiếp ông trong chuyến trở về này …
CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT- PHÁP BẮT ĐẦU
Trong thời gian ông Hồ vắng mặt thì theo Stein Tonnesson, ông Giáp đã củng cố lực lượng Việt Minh bằng cách loại trừ các nhóm đảng phái như Quốc Dân Đảng, thanh toán đám lãnh đạo Đồng Minh Hội.
[25]Viet Nam 1946,  Stein Tonnesson, trang 87
Việc Pháp gây hấn ở Hải Phòng đưa tình hình chiến sự giữa hai bên nóng hẳn lên. Để đáp lại sự gây hấn này, Ông Võ Nguyên Giáp biết thế còn yếu nên tìm cách để xoa dịu tình hình …
Có thể nói, đây là giai đoạn mở đầu cuộc chiến mà phía Việt Nam là chống trả tự vệ.
Phải chăng tướng Võ Nguyên Giáp thuộc thành phần chọn lựa gây chiến tranh với người Pháp vì không có đường chọn lựa nào khác ? Vì thế, tối 19 tháng 12 năm 1946, tiếng mìn nổ đầu tiên ở nhà máy điện phát nổ như lệnh cho khắp nơi bắt đầu tấn công. Thành phố tối om. Tiếng tắc bọp chen lẫn tiếng liên thanh tạch tạch, tè.  Cứ thế, khắp nơi đều có tiếng nổ. Cho đến nay, nhiều người còn đặt câu hỏi: Pháp hay Việt Minh là người nổ súng đầu tiên? Bên nào khai phá mở màn cuộc chiến?
Tiếng mìn nổ ở nhà máy đèn là lịnh tấn công mở đầu cuộc chiến tranh Việt Pháp của đại tướng Giáp.
Đi tìm hiểu tại sao tướng Giáp đã có quyết định tối hậu là tấn công quân đội Pháp, mở đầu cuộc chiến tranh? Thật ra chung quanh Hồ Chí Minh, lúc bấy giờ các Tự Vệ ở tình trạng khủng hoảng, khích động đến không kềm giữ được nữa.
Theo ông Nghiêm Kế Tổ, chính tướng Giáp là người khai mào cho cuộc chiến tranh tàn khốc này. Ông viết:
-Biết rằng trước sau rồi chiến  tranh cũng xảy ra, ngày 19 tháng 12, Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công. Hà Nội bùng lên trong khói lửa, toàn quốc bắt đầu chuyển mình theo, bước luôn vào chinh chiến.
[26] Nghiêm Kế Tổ,  Việt Nam máu lửa, trang 79
Bao nhiêu nỗ lực thương thuyết của đôi bên đi tìm một giải pháp hòa bình nay được thay thế bằng súng đạn và máu lửa. Và những thây người thanh niên ưu tú ngã gục cho lý tưởng độc lập còn mỉm cười mãn nguyện trước khi sang bên kia thế giới!!
Cạnh ông Hồ còn có rất nhiều thành phần quá khích, muốn có chiến tranh và không thiếu cả những viên chức Nhật Bản thừa dịp này muốn chơi lại Pháp nữa. Nỗi lo lắng với ý muốn thoát ra khỏi tình trạng căng thẳng bằng cách đánh Pháp đến không kiềm chế và chủ động được gì nữa. Sự thù hận chống Pháp dâng cao. Việc đánh Pháp hầu như không tránh được .
Xin để một nhân chứng trong cuộc mô tả lại tình trạng căng thẳng này của không khí Hà Nội chuẩn bị chiến tranh:
“Tại nội thành, người dân chuẩn bị chiến tranh, ụ đất mọc  lên như nấm, xẻ đường, đào hố, cây cối bị chặt gẫy tứ tung với cành lá xùm xòe hòng cản đường chắn lối xe cơ giới địch. Đối với dân chúng, chiến tranh trong trạng thái tâm lý, từng đoàn từng đoàn tiến ra Cửa Ô, từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn xao, sợ sệt nhưng khoan khoái. Bà già con trẻ đã đi nhiều, thanh niên trai tráng kiểm lại súng đạn, lau chùi lại dao găm, dao phay, mã tấu, soát lại lựu đạn nội hóa, lựu đạn chầy, vẻ mặt điềm tĩnh quả quyết. Hà nội chuẩn bị gấp rút mọi phương diện, mọi vấn đề, chẳng ai bảo ai, chờ ngày, chờ giờ, từng phút, từng giây. Những việc khiêu khích, khủng bố xung đột, ăn miếng trả miếng giữa binh gia Pháp và Tự vệ xẩy ra hằng ngày. Bầu khí ngày càng nặng nề, càng căng thẳng, càng hằn học, càng bực bội.
[27]Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu lửa, trang 79
Tất cả đều là những yếu tố góp phần trong quyết định nổ súng đánh Pháp.
Tiếng mìn đó đáp ứng lại tất cả những nhẫn nại, những nhượng bộ, những chèn ép của Pháp trong Hiệp định sơ bộ, trong việc lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị,  trong việc mang tầu chiến chiếm Hải Phòng.
Lúc đó, người viết bài này vừa tròn 8 tuổi, ở ngay khu nhà thờ Cửa Bắc đối diện với sở Hành Chánh Tài Chánh của Tây. Sáng hôm sau ngày bùng nổ kháng chiến, gần ngay cửa ra vào Sở Hành Chánh, hai chiếc thiết giáp trấn ngự ở cửa ra vào … Gần đó, khoảng vài trăm mét, có những khẩu súng làm bằng gỗ vứt ngổn ngang bên kia đường. Xe thiết giáp với đại liên đối đầu với những khẩu súng gỗ, dao găm, dao phay, lựu đạn chầy!!  Không biết bao nhiêu thanh niên tự vệ thành đã gục ngã trong những ngày đầu kháng chiến một cách oan nghiệt? Phần tướng Giáp và bộ đội Việt Minh đã rút về Hà Đông để “Bảo toàn lực lượng”.
Nhưng về mặt ngoại giao, về bề ngoài, ngày 30 tháng 11, Quốc hội Việt Nam còn gửi một thông điệp sang Ba Lê, yêu cầu Quốc hội Pháp làm trọng tài để giải quyết dùm mà nội dung như sau: Dân tộc Việt Nam chúng tôi cương quyết muốn hợp tác với dân tộc Pháp, nên yêu cầu Quốc hội Pháp nên can thiệp và gửi một Ủy ban tận chỗ mở cuộc điều tra.
Ngày 15 tháng 12, ông Hồ Chí Minh còn gửi cho ông Léon Blum đề nghị hai bên rút về vị trí trước ngày 20 tháng 11.
Pháp khẩn cấp gửi Sainteny có đủ quyền hành dân sự và quân sự sang Việt Nam. Ngày 02 tháng 12, Sainteny tới phi trường Gia Lâm đến gặp ông HCM. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt tiếp Sainteny và nói ông HCM cáo lỗi bệnh không tiếp được.
Cái bệnh của người làm chính trị trong lúc này thật hay giả khó biết được. Cuối cùng thì ông HCM cũng tiếp Sainteny trên giường bệnh. Câu chuyện của hai người có thể tóm tắt như sau:
Sainteny nói với ông Hồ:
- Ông thấy không, lúc còn ở Ba Lê, tôi đã nói, ông ở đây lâu là có hại lắm.
- Phải, nhưng ông qua đây cũng chậm quá.
Cho đến trưa ngày 18 tháng 12, Sainteny còn nhận được bức thư sau đây của ông Hồ Chí Minh:
“Kính gửi ông Sainteny. Bầu không khí càng ngày càng căng thẳng trong những ngày gần đây. Thật là đáng lấy làm tiếc. Trong khi chờ quyết định của Paris, tôi tin tưởng vào ông và ông Hoàng Minh Giám tìm ra một giải pháp ngõ hầu cải thiện được bầu không khí hiện nay. Xin ông nhận tình bạn  của tôi và lời chào trân trọng đến bà Sainteny”.”
Hồ Chí Minh.
Cùng giờ đó, ông Giáp còn yêu cầu đại tướng Morlière giảm bớt tình trạng căng thẳng bằng cách giải giới sự tập trung quân lính Pháp.
Và xin nhường lời cho ông Sainteny ghi lại biến cố như sau:
“Vào lúc 8 giờ, thành phố chìm trong một sự  im lặng nghẹt thở. Đồng hồ ở nhà thương Yersin, bên cạnh nhà của đại diện Pháp, thong thả đổ 8 tiếng, tôi nói với các người cộng tác của tôi:
Hình như chưa phải là chiều nay, vậy tôi về nhà xem sao.  Tôi vừa bước vào xe thì một tiếng nổ đinh tai và lập tức cả thành phố chìm trong bóng tối.  Trung tâm nhà đèn vừa bị phát nổ. Lúc đó là đúng 8 giờ 5 phút. Những  tiếng nổ lộp bộp phá màn đêm đang bao phủ thành phố và đồng thời chôn vùi luôn những cố gắng và hy vọng của chúng tôi.
Sau đó, Sainteny nhảy lên một xe có trang bị súng đại liên chạy về hướng sở Hành chánh Tài chánh, nhưng xe của ông bị trúng mìn, ông bị thương nặng với 20 vết thương trên đường Paul Bert”.
[28] Jean Sainteny vốn là một trong những người kháng chiến chống Phát Xít Đức nổi tiếng. Ông từng bị Gestapo Đức bắt làm tù binh vào ngày 7 tháng sáu 1944 và bị kết án tử hình. Ông đã vượt ngục thành công và liên lạc được với Bộ chỉ huy của tướng Mỹ Patton. Sau đó ông được chỉ định liên lạc với đại đoàn III của quân đội Hoa Kỳ và giúp họ những thông tin tình báo trong việc đổ bộ vào giải phóng Paris. Ông cũng là một trong những người Pháp đầu tiên đến Hà Nội đánh dấu sự có mặt của Người Pháp trở lại Đông Dương. Ông cũng là người ký thỏa hiệp mồng 6 tháng ba giữa Việt Minh và Pháp. Ông cũng từng tháp tùng Hồ Chí Minh khi ông này sang Pháp. Ông trở lại Hà Nội vào những ngày cuối cùng trước khi chiến tranh để đi tìm một giải pháp cứu gỡ cả hai bên ra khỏi cuộc chiến tranh. Ngay tối hôm 19 tháng 12, 1946, ông bị thương nặng như vừa trình bày ở trên.
Kết quả có 200 thường dân Pháp thiệt mạng và 40 lính Pháp tử thương.  Phía Việt Nam không rõ con số tử vong là bao nhiêu?  Ông Giáp ra lệnh tổng tấn công trên toàn diện lãnh thổ. Huế, Phủ Lạng Thương, Nam Định… Hải Phòng.
Trong Nam, ngày hôm sau, tự vệ mới bắt đầu nổ súng khắp nơi.
Phần chính phủ Việt Minh, họ đã chuẩn bị cuộc chiến tranh là di chuyển súng đạn, các cơ quan, giấy tờ vật liệu đưa lên chiến khu. Bộ độ chính quy được lệnh di chuyển ra đóng bao vây thành phố, thành lập An Toàn Khu tại vùng Hà Đông để sửa soạn đường thoát lui đã dự tính trước.
Và họ để lại Hà Nội cho các Thanh niên tự vệ thành- không được huấn luyện, không được trang bị vũ khí- chỉ có lòng nhiệt huyết- đối đầu với thực dân Pháp trong suốt hai tháng trời trước khi tan rã.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời thế nào về sự nướng quân này?
Sau này, nhiều nhà quân sự Pháp cứ tiếc hùi hụi là tại sao không cho quân Nhảy Dù trực tiếp nhảy xuống Hà Đông bao vây và bắt sống ông Hồ Chí Minh cùng toàn bộ bộ tham mưu của tướng Giáp.
Giả dụ điều đó xảy ra thì cuộc chiến Đông Dương đã ngã ngũ ra thế nào?
Chính D’Argenlieu cũng biết rất rõ nơi ẩn náu của ông Hồ Chí Minh và bộ tham mưu trong một cái động ở Hà Đông. Ông đề nghị một cuộc đổ bộ bằng Nhảy dù xuống Hà Đông, chặn nút hai đầu vị trí ẩn náu của ông HCM và chắc chắn là có thể bắt trọn gói toàn bộ cấp lãnh đạo của HCM.
Nhưng  Bộ trưởng Hải ngoại Moutet đã từ chối giải pháp này viện cớ rằng: Nước Pháp không hành xử như những bọn cướp.
Phần Cao ủy D’Argenlieu chỉ muốn cắt đứt liên lạc với chính phủ Việt Minh, quét sạch quân đội Việt Minh ra ngoại ô rồi sẽ tìm cách liên lạc với một bất cứ một nhân vật quốc gia nào khác như Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn, Ngô Đình Diệm và xa hơn nữa với lá bài Bảo Đại. Bollaert được chỉ thị thay thế D’Argenlieu, ông này nghĩ đến việc qua Hương Cảng rước cựu hoàng Bảo Đại về.
Tướng Leclerc, sau khi đi thị sát tình hình khắp nơi về đã thất vọng phúc trình như sau: Cái lỗi lớn nhất của chúng ta là đẩy Việt Minh ra ngoài cho họ lập chiến khu, rồi đánh du kích. Nay Việt Minh đã ra chiến khu, lực lượng sẽ càng tiêu hao, phải đeo đuổi chiến tranh làm cho tài chánh, quân sự, kinh tế của Pháp phải kiệt quệ. Đây là một trận giặc hao mòn mà Pháp phải chịu đựng lâu dài. Leclerc kết luận: Muốn bình định, phải có hằng trăm ngàn quân lính và phải hai, ba năm.  Muốn thế, phải rút quân  lính ở Pháp qua đây tăng cường cho lực lượng viễn chinh. Phải cho họ độc lập chứ đừng hứa xuông.
[29] Tướng Philipp Leclerc là một trong những danh tướng của Pháp trong thế chiến hai, từng chỉ huy chiến đoàn thiết giáp của Pháp ở Phi Châu. De Gaulle khi phái Leclerc sang Việt Nam đã ra chỉ thị là sang Nam Việt là để ổn định tình hình ở đó. Còn đối với Bắc Việt, Leclerc chỉ được phép đưa lực lượng đến đó khi nào nhận được lệnh trực tiếp từ De Gaulle. Nhưng chính phủ của De Gaulle đã rút lui và Leclerc rảnh tay đổ bộ lên bờ biển Hải Phòng. Có sự bất đồng giữa Leclerc và D’Argenlieu trong việc lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị . Phần Leclerc, mặc dầu là một tướng quân sự, ông nhìn thấy trước một giải pháp quân sự sẽ chỉ đưa đến thất bại và không tránh khỏi sa lầy ở Việt Nam. Ông đệ đơn xin thuyên chuyển và Valluy lên thay thế ông
Quả thật, đúng như những lo ngại của Leclerc, cuộc chiến sau này ở Điện Biên Phủ đã chấm dứt mọi tham vọng của người Pháp ở Đông Dương. Và họ để lại Hà Nội cho các Thanh niên tự vệ thành- không được huấn luyện, không được trang bị vũ khí- chỉ có lòng nhiệt huyết- đối đầu với thực dân Pháp trong suốt hai tháng trời trước khi rút lui.
Ai là người đã tấn công trước mở màn cho cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất?
Theo ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông Hồ kể lại rằng sáng ngày 19, ông Hồ còn viết hai thư, một gửi cho tổng thống Vincent Auriol và một gửi cho thủ tướng  Blum kêu gọi hai người ngưng mọi sự khiêu khích và đổ máu đồng bào Việt Nam. Ông Vũ Kỳ có nhiệm vụ mang hai thư đó và một thư ngắn gửi cho ông Sainteny – người đại diện chính phủ Pháp ở Việt Nam. Sau đó ông đi gặp Hoàng Minh Giám và 12 giờ 30, ông trở lại Văn Phục. Ông Vũ Kỳ đã báo cáo công việc và cho biết Sainteny đã từ chối gặp Hoàng Minh Giám.
Vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 19 Tháng 12, có bốn nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Việt Minh gồm ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp đã họp bàn với nhau tại Văn Phục. Ông Vũ Kỳ sau đó ghi lại từng chữ phản ứng của ông Hồ ghi lại rõ ràng như sau: Hừ, Thì đánh.
Cũng theo người viết tiểu sử về ông Giáp, ông Trần Trọng Trung trong sách Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có viết là trước sự từ chối của Sainteny, ông Giáp đã ra một lệnh thứ hai là tấn công vào lúc 8 giờ.
[30] Trần Trọng Trung, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trang 216-217. Ghi lai tóm tăt trong Stein Tonnesson từ các trang 255-259
Theo sử gia Stein Stennesson đã 4 lần gặp gỡ trao đổi với tướng Võ Nguyên Giáp và trong lần cuối cùng, họ đã đề cập đến ngày 19 tháng 12, 1946.  Và trong dịp này, tướng Giáp đã khẳng định chiến tranh là không tránh khỏi được. (Unavoidable). Mặc dầu quyết định là do lãnh đạo đảng đi đến quyết định chung, nhưng nếu không có quyết định của tướng Giáp phát động chiến tranh vào lúc 8 giờ tối ngày 19 tháng 12 thì sự thế Điện Biên Phủ không biết sẽ như thế nào.
Quyết định sinh tử ấy đã lôi kéo toàn thể cuộc đời tướng Giáp vào cuộc chinh chiến như sợi giây định mệnh mà cuối cùng kẻ còn lại bao giờ cũng là kẻ chiến thắng.
Và ngày hôm nay, ông ngồi lại kể những chiến tích mà ông đã đạt được dù bằng giá máu của hằng triệu sinh linh đã chảy ra.
Nhưng có lẽ chỉ mình tướng Giáp dùng cụm từ, chiến tranh là điều không thể tránh được để biện minh cho quyết định của ông và đối với những ai muốn mưu tìm Độc Lập thì chiến tranh là điều cần thiết phải xảy ra.
Chỉ còn lại ông Hồ Chí Minh, dù chiến tranh đã xảy ra, ông không để mất bất cứ cơ hội nào để khôi phục được Hòa Bình.

Thật kỳ lạ thay cho lịch sử, hai con người ấy khác nhau về nhiều mặt lại trở thành những kẻ hợp tác sống chết với nhau trong lịch sử chiến tranh VN hậu bán thế kỷ 20.
Vấn đề các Thanh niên tự vệ
Theo William J. Duiker, ông Giáp khi được ông Hồ Chí Minh hỏi liệu nếu có chiến tranh với Pháp thì ta cầm cự được bao lâu ở Thủ Đô? Ông Giáp trả lời là không quá một tháng, còn ở thôn quê thì khác, có thể kéo dài không biết đến chừng nào. Vì thế, quyết định đánh Pháp đồng thời cũng là quyết định rút quân về Tân Trào.
[31]William J. Duiker, The Communist Road to Power in Viet Nam, trang 124
Stein Tonnesson cũng khẳng định trong cuốn sách của ông rằng “quân đội chính quy của tướng Giáp đóng ở ngoại ô thành phố Hà Nội đã không bao giờ vào Hà Nội để tham gia cuộc chiến đấu. Có thể nhiệm vụ của họ là bảo vệ các cấp lãnh đạo và bảo toàn lực lượng”( Giap’s regular army, positioned at the ourskirts of the capital, never entered Hanoi to join the fighting. Its mission was, it seems to protect the leadership and hold itself in reserve).
[32] Stein Tonnesson, Viet Nam 1946 trang 202
Điều đó cho thấy cuộc tấn công này biết không thắng được Pháp, ông Giáp làm như thế như một cách thí quân? Danh xưng thường để gọi họ là Tự vệ Thủ Đô. Nhưng để thổi phồng họ lên, người ta đã gọi họ là Đội Cảm Tử. (Volontaires de la mort).
Dân quân tự vệ thay vì tấn công các đơn vị đóng quân của Pháp, họ đã tấn công các tư gia người Pháp và bắt làm con tin 200 người. Chưa kể 120 người khác đã bị giết hại một cách tàn bạo vv.
Trong khi đó, thiệt hại về phía quân đội Pháp hầu như không đáng kể. Con số chính thức là 40 người. Mở đầu cuộc chiến tranh chống Pháp với 40 lính Pháp tử thương và chỉ trong một ngày, quân Pháp đã cắm cờ tam tài trên Dinh chủ tịch thì điều đó cho thấy chiến tranh mang ý nghĩa gì?
Dinh chủ tịch mặc dầu bỏ trống vẫn do Tự vệ canh giữ và đến 4 giờ chiều hôm sau, người Pháp đã chiếm toàn bộ dinh này và được biết tất cả những dân quân tự vệ đã không một người nào sống sót. Người Pháp đã làm chủ tình hình thủ đô và ra lệnh phản công ngay từ 9 giờ 30 tối hôm trước. Và toàn bộ các khu Phố Tây đã dưới quyền kiểm soát của họ.
Cuộc tấn công này chỉ nhằm mục đích giết thường dân Pháp như một trả thù và hy sinh một cách không cần thiết những người thanh niên Thủ Đô.
Trách nhiệm tính chất cuộc tấn công này là tướng Giáp !! Trớ trêu thay  hơn 8 năm sau, khi vào Hà Nội ngày 9 tháng 10, 1954 thì ông Giáp đã để cái vinh dự ấy cho đơn vị gọi là Thủ Đô gồm một số ít người còn sống sót đã từng chiến đấu chống người Pháp những ngày đầu cuộc kháng chiến.
Trớ trêu nữa là không một tài liệu nào của tướng Giáp trình bày rõ ràng về giai đoạn này.
Nhân nhìn lại những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi đều thấy chua xót là họ đã hy sinh tuổi trẻ VN một cách không thương tiếc.
Người ta gọi cái đó là vinh dự và vinh quang, tôi gọi cái đó sự bẩn thỉu của chiến tranh trong đó người trẻ chết thay cho người già, người nghèo chết thay cho người giàu, người dân quê ít học chết thay cho người thành thị, dân quân chết thay cho bọn lãnh đạo. Đã có bao nhiêu tướng lãnh quân đội nhân dân chết ngoài mặt trận, đã có bao nhiêu con cái  các vị lãnh đạo và con cái tướng lãnh gia nhập quân đội!
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất cũng như lần thứ hai và cuộc chiến đánh sang Campuchia, tôi đều thấy một điều đau lòng là một số thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết đã trở thành những kẻ hy sinh một cách oan uổng trong cuộc chiến.
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, mặc dù số lượng thanh thiếu niên không nhiều, nhưng một cách nào đó họ trở thành vật tế thần ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến. Họ là những thanh niên thành thị thuộc đủ mọi tầng lớp- nhưng đặc biệt là các thanh niên thuộc các đảng phái quốc gia không cộng sản.
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai thì hằng trăm ngàn thanh niên trong lực lượng TNXP trở thành những kẻ chịu đựng nhiều gian lao khổ cực nhất, trong đó không nhỏ là những  người đi tập kết- những thành phần được coi là indesirable đã phải lên đường đi Nam. Tác giả Hứa Hoành cũng như Kim Nhật nói rõ về vấn đề như sau. Theo Kim Nhật:
“Giai đoạn này, những cán bộ miền Nam tập kết đưa ra Bắc trước kia đều có bổn phận phải trở về Nam, không về cũng không được, ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng về sức khỏe và nhu cầu công tác ở miền Bắc. Ngay cả những cán bộ không phải là miền Nam tập kết, hoàn toàn lớn lên và sống ở miền Bắc, cả những đơn vị chiến đấu hàng Trung Đoàn cũng được đưa nối tiếp theo. Như vậy, cho đến cuối 1965, xem như chính quyền Hà nội đã vét hết dân Nam Bộ tống khứ về Nam”.
[33]Kim Nhật, Về R.. trrang 244
Ông Hoàng Hữu Quýnh, sau 25 năm tập kết ra Bắc  đã viết cuốn sách: Tôi bỏ Đảng đã viết:
Hồi ấy, người ta rất ghét người miền Nam tập kết. Nên hầu hết họ bị đưa vào miền Nam. Hàng vạn bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã hy sinh, số bị thương nặng chết dần chết mòn, số còn lại được đưa ra điều dưỡng ở các tỉnh Hả Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa…
[34] Vy Thanh, Lớn lên với đất nước, trang 630
Trong cuộc chiến đánh sang Campuchia, nay đến lượt  phần đông là các thanh niên sinh sống ở miền Nam trước 1975 phải lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Theo nhà báo Bùi Tín, trên một chuyến phi cơ từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh, có khoảng 20 thương binh thì cả 20 người đều là thanh niên ở các tỉnh phía Nam. Không có một thương bệnh binh nào gốc phía Bắc cả. Phải chăng có một chính sách quân dịch nướng thanh niên các tỉnh phía Nam tại chiến trường Campuchia?
Trở lại các câu chuyện chính của bài viết này là các tự vệ của thành phố Hà nội. Người ta được biết có khoảng 3.500 thanh niên Tự vệ thành tại các khu phố Hà Nội.
Nhưng theo tướng Vương Thừa Vũ- một người được Võ Nguyên Giáp trao trọng trách nhiệm vụ chỉ huy Tự vệ lúc bấy giờ- cho biết chỉ có khoảng 2.500 người mà thôi.  Và chia ra thành năm tiểu đoàn. Tướng Trần Độ lúc ấy mới 23 tuổi được giữ nhiệm vụ Chính ủy khu 11, ông Trần Quốc Hoàn làm đặc phái viên, ông Nguyễn Văn Trân làm Bí thư đảng ủy.
Cho đến bây giờ, tôi còn đặt nhiều câu hỏi nghi vấn là trong những giờ phút các Tự vệ giao tranh với binh đội Pháp, tất cả những vị chỉ huy ở đâu, vai trò họ là gì và làm gì? Không một chi tiết cụ thể nào được trình bày.
Nhưng đặc biệt ghi nhận là có một cựu sĩ quan Nhật đào tẩu có lấy tên Việt Nam là Ái Việt làm cố vấn cho ông Vương Thừa Vũ.
[35] Một chi tiết cần lưu ý là trong hàng ngũ các sĩ quan cao cấp của Việt Minh-không phải chỉ có minh tướng Võ Nguyên Giáp- Bên cạnh đó có nhiều sĩ quan giỏi, được huấn luyện đầy đủ, có kinh nghiệm chiến trận. Nhưng đã không được trọng dụng như tướng Giáp. Đó là các tướng Nguyễn Sơn, Nguyễn Bình, Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng và Vương Thừa Vũ. Cách này cách khác họ đã không được trọng dụng hoặc bị loại tùy theo trường hợp.
Họ thường không được huấn luyện, hoặc chỉ được huấn luyện sơ sài trong vài ngày về cơ bản quân sự. Và nhất là không được trang bị vũ khí đầy đủ. Có khi chỉ được trang bị một quả lựu đạn chầy hay một quả lựu đạn nội hóa, hoặc chỉ có gươm giáo, ngay cả chỉ có gậy gộc. Nói chung là có gì xử dụng nấy một cách tùy tiện và xô bồ lại không có tổ chức cũng như kỷ luật.
Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ khu phố bằng cách đặt những chướng ngại vật  như nệm giường, tủ bàn ghế, hay các ụ đất như tuyến phòng thủ.
Sự trang bị và phòng thủ như thế thật quá sơ sài như trò chơi và trở thành mục tiêu bắn phá của đại liên trên xe thiết giáp của Pháp. Để liên lạc  hoặc di chuyển đi chỗ khác hoặc với khu phố khác thì họ đục tường các nhà để chui qua các lỗ hổng. Đằng khác, nhiều gia đình đã theo lệnh  tiêu thổ kháng chiến nên đã bồng bế nhau ra khỏi thành phố bằng cách gồng gánh, thồ bằng xe đạp hoặc bất cứ phương tiện nào.
Chỉ còn lại cảnh vườn không nhà trống và những người tự vệ có bổn phận bảo vệ khu phố.
Xin ghi lại quang cảnh bấy giờ một cách sống động và trung thực của một người trong cuộc:
Mười giờ sáng, trời u ám và gió lạnh ùn mây. Những ngả đường đông đúc nhất, bây giờ vắng lặng như canh khuya. Tàu điện đâu cả? Nghe nói dồn hết về phía ngoại ô. Dăm bảy bóng người loáng thoáng trông như lạc lõng. Mọi nhà đều đóng kín, dọc Hàng Khay, Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Ngang…, đầu Hàng Buồm vài cánh cửa hé mở, lấp ló vài chú Hoa Kiều. Rác phơi đầy ngã tư, không ai hốt nữa. Thủ đô chết dần trong hiu quạnh.
Trên đường ra khỏi thành phố, tôi thấy buồn về thời cuộc, không biết rồi đây mọi sự sẽ diễn biến ra sao?
Suốt dọc sông Nhuệ, từ tỉnh lỵ Cầu Đơ đến Tó, Hữu, Cự Đà, Khúc Thủy, dân thành phố về tạm trú rất đông, ngày ngày lũ lượt rong chơi hai bên bờ, chờ thuyền, chờ xe qua lại để hỏi tin tức hay đón mua tờ báo duy nhất là tờ Cứu Quốc. Và rau, gạo, thịt, cá được dịp lên giá đắt hơn tôm tươi. Giấy bạc cụ mới in, được tung ra khá nhiều (…) Nhưng đến gần tết Đinh Hợi, nhiều người đã lo lắng, bộ đội và tự vệ đã rút hết, Pháp làm chủ Hà Nội và tỏa ra các làng phụ cận. Chánh phủ đã lùi xa hơn về phía Trúc Sơn, chùa Trầm, Sơn Tây, Phú Thọ. Lịnh rời khỏi Hà Đông 30 cây số được truyền đi và nhắc đi nhắc lại …gắt gao. Càng ngày càng nhiều tin đồn dữ dội: thanh niên ở tại Thủ Đô bị Pháp sát hại hằng trăm và đem chôn vùi bên cạnh tòa án.
Ông đốc học NQO, mấy con trai ông giáo D, bác sĩ NVL, cùng gia đình đều bị lính Pháp vô cớ bắn chết. Moutet đã bay về Ba Lê, sau khi đổ lỗi gây hấn cho Việt Minh và ra lệnh đánh dẹp.
Một số người cho là tình thế đã ngã ngũ, Pháp thắng thì Hà Nội yên, ai không chiến đấu có thể trở lại làm ăn. Nên họ nhất định không đi xa, bị giục rời khỏi làng này thì họ sang làng bên cạnh, và lấn sát tới ngoại ô, Quang, Lũ, Chèm Vẽ, Nghi Tàm, Gia Lâm rồi chờ lúc thuận tiện, họ liều kéo vào thành phố …
[36] Những ngày chưa quên, Ký sự 1939-1954, Đoàn Thêm, trang 106-108
Phần người viết bài này vào lúc đó bơ vơ, không gia đình và quá nhỏ để chạy theo người lớn. Tôi nhìn Hà Nội tản cư trên bờ đê sông Hồng Hà với bóng những người dân Hà Nội chạy trên đê hiện trên nền trời nổi bật như một cảnh của đèn kéo quân. Sáng hôm sau  rón rén lảng vảng gần sở Hành Chánh Tài chánh, tôi nhìn thấy hai chiếc xe thiết giáp chắn ngang cổng sở Hành chánh và chĩa súng sang hai bên như thị uy.
Gần đó, có một số súng gỗ vứt rơi lại. Chắc là súng do Tự vệ bỏ lại. Tiếng súng tắc bọp bắt đầu nổ vào khoảng  8 giờ tối- cũng là giờ ăn cơm tối của lính Tây. Sau một hai tiếng nổ lớn thì điện nhà đèn tắt phụt. Cả Thành phố tối đen.
Tiếng súng thưa dần và tôi đi ngủ ở gầm cầu thang lúc nào không hay. Kể từ đó, tôi sống thân phận loài chuột chui rúc qua các khu phố cổ để kiếm đồ ăn, gạo người dân còn để lại. Càng về sau thì phải liều lĩnh ra đến ngoại ô để kiếm rau tươi ở các vườn rau bỏ hoang.
Chẳng còn nhớ lúc nào thì Tây bắt đầu phân phối gạo và muối theo đầu người. Vậy là sống được.
Nhưng vấn đề tôi muốn đưa ra ở đây là ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp nghĩ gì mà lại giao trách nhiệm  bảo vệ thủ đô Hà Nội cho một đám thanh niên chưa hề bao giờ cầm súng? Trong số 3.500 thanh niên tự vệ, tôi xin nói rõ thêm là có 200 phụ nữ và khoảng 100 trẻ con !!
Tôi thâm tín rằng họ đã hy sinh một cách oan uổng !!
Nhiệm vụ bảo vệ Thủ Đô là trách nhiệm của những người lãnh đạo và bộ đội, nào phải họ? Được biết bộ đội của tướng Giáp thu gom được khoảng 40.000 người, chia thành 35 tiểu đoàn và 3 đơn vị pháo binh. Súng ống thì ngoài một số tước được hoặc được chuyển giao từ quân đội Nhật hoặc dùng tiền để hối lộ quân đội Trung Hoa để mua vũ khí?
Nhưng một điều khá quan trọng như một tiết lộ bí mật là qua một số tài liệu sưu tầm của các tác giả Mỹ, tôi được biết một số không nhỏ thành phần tự vệ cứu quốc đội là VNQDĐ và một số Đồng Minh Hội. Những thành phần này hăng say và chống Pháp đến cùng. Chưa kể còn một số Dân quân tự vệ là người Thiên Chúa giáo vốn là những thành phần cực đoan không tương nhượng người Pháp !!
[37]Arthur J. Dommen, The Indochinese Experience of the French and the Americans, trang 176-178
Tất cả những thanh niên tự vệ này để lòng yêu nước lên trên hết và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Thủ đô ngay cả biết chắc chắn cái chết cầm trong tay. Chúng ta không có con số chính xác về số người này cũng như số tổn thất của họ.

Trong số những người thanh niên bạc mệnh đó có bố của nhà sử học Dương Trung Quốc – ông Dương Trung Hậu, tại nhà số 23 Ngõ Gạch, lúc đó vợ ông đang mang bầu được 3 tháng và mong muốn đặt tên con  sau này là Dương Trung Quốc trước khi xông ra trận. Và ông đã hy sinh ngay từ những ngày đầu tại Khu Đồng Xuân!
Tài liệu chính thức từ các dồng chí của ông Dương Trung Hậu (DTH) đã ca tụng là “ông DTH sau khi diệt hơn chục tên địch cũng bị đạn pháo trúng vào đầu. Tiếp theo lại thêm đồng chí Thắng, công an xung phong ngã xuống”.
[38] Trích Vũ Tâm
Con liệt sĩ Dương Trung Hậu nay là nhà sử học, đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc có thể nào lên tiếng minh xác về việc bố ông đã diệt được hơn 10 giặc Pháp trong tổng số 40 lính Pháp bị tử thương  hay không?
[39] Tên Dương Trung Quốc theo sự giải thích của chính ông DTQ sau này cho tác giả Stein Tonnesson không có nghĩa là người Trung Quốc, mà có nghĩa là Trung với nước. Ông DTQ được sinh ra ngày mồng 3 tháng sáu, 1947 khi cha ông đã mất .. Đọc thêm  Stein Tonnesson, Ibid, trang 234
Ngày hôm nay, trước lịch sử, tôi muốn đặt trách nhiệm tàn sát những người thanh niên tự vệ trên vai vị tướng  trên 100 tuổi và của đảng cộng sản VN. Đây là một  món nợ máu mà họ phải trả cho sự hy sinh vô ích của tuổi trẻ VN cho những tham vọng của đảng cộng sản.
(Bài còn tiếp phần hai và phần ba)
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt


[1] Philippe Franchini, Les mensonges de la guerre D’Indochine
[8]  Stein Tonnesson, Viet nam, 1946, trang 87
[20]  urrey
[21]  The Indochinese Experience of the French and the Americans.. Arthur J. Dommen, trang 120-121
[22]  Chính Đạo, Võ Nguyên Giáp 1912(1911)- ?. Nhìn lại bản Lý lịch tự khai,  Hộp Lưu 111, 2010
[23]  Les mensonges de la guerre d’Indochine, Philippe Franchini, trangh 23
[24] Vũ Ngự Chiêu, : Phía bên kia cuộc cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam ( 3-8/ 1945,  Hợp Lưu số 113, trang 8
[30]  Trần Trọng Trung, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trang 216-217
[34] Vy  Thanh, Lớn lên với đất nước, trang 630
[36] Những ngày chưa quên, Ký sự 1939-1954, Đoàn Them, trang 106=-108
[37] Tên Dương Trung Quốc theo sự giải thích của chính ông DTQ sau này cho tác giả Stein Tonnesson không có nghĩa là người Trung Quốc, mà có nghĩa là Trung với nước. Ông DTQ được sinh ra ngày mồng 3 tháng sáu, 1947 khi cha ông đã mất .. Đọc thêm  Stein Tonnesson, Ibid, trang 234
[38]  Trích Vũ Tâm
- See more at: http://www.danchimviet.info/archives/73484/tuong-vo-nguyen-giap-3/2013/02#sthash.ID8wzrTX.dpuf

Khi tướng Giáp thở dài ngay giữa Trung Nam Hải
Bùi Tín

Hôm nay, 25-8-2010, là sinh nhật lần thứ 99, bước vào tuổi 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong nước, nhiều bài báo, luận văn, hồi ký được in ra, cùng tin tức về những cuộc thăm viếng, gửi lẵng hoa để chúc mừng đại thọ của ông.
Tôi gặp tướng Giáp từ rất lâu - hơn nửa thế kỷ trước, khi ông còn dạy sử ở trường Thăng Long Hà Nội, rồi hồi 1945 – 1946 khi ông làm Bộ trưởng Nội vụ, về sau gặp không biết bao lần trong các cuộc họp tổng kết, giao ban, nghe nói chuyện, lên lớp ở các trường quân sự… trên danh nghĩa là Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh suốt 30 năm. Gần gũi, thân mật, nhất là khi ông vào Sài Gòn sau ngày 30-4-75, chọn tôi là người lên chương trình, hướng dẫn ông thăm thú thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vừa im tiếng súng, trong suốt 2 ngày đầu tháng 5-1975. Ông hài lòng về cuộc quan sát, nhưng còn tiếc rẻ, là không được đứng ở vỉa hè uống nước sinh tố, không được vào chợ Bình Tây la cà xem hàng họ, hỏi thăm dân tình, vì luôn có cậu thiếu tá ban bảo vệ đi theo ngăn chặn, «để giữ an ninh tuyệt đối cho Đại tướng». Khi chia tay tôi, ông nói vui: « Cậu là nhà báo, sướng nhất đó, cậu tự do, mình thì bị cấm cản đủ thứ!».
Có một kỷ niệm nhỏ nhỏ, ít ai biết, có chút ý nghĩa thời sự, xin kể nhân dịp này. Ngày 8-5-1977 đoàn Quân sự cấp cao Việt Nam đang ở Bắc Kinh, tại nhà khách số 1, trong khu Trung Nam Hải, là khu vực lớn nhất, sang nhất của trung ương đảng CS Trung Quốc.
Đoàn quân sự VN hơn 20 người vừa đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hungary… để cám ơn các nước, phát hàng ngàn Huân chương chiến công cho các cố vấn, chuyên gia, sỹ quan các nước từng giúp Việt Nam. Tôi được phân công làm tùy viên báo chí – thông tin cho tướng Giáp, giúp ông theo dõi thời cuộc, trả lời phỏng vấn, làm tin hoạt động của đoàn gửi về nước. Cứ sáng sớm, tôi là người đầu tiên đến phòng ông, báo cáo tin tức thu được trong đêm và ăn sáng riêng với ông.
Qua Berlin, cả đoàn vui đón Fidel Castro khi ông vừa đi một chuyến cực kỳ bí mật, sang Ethiopia và một số căn cứ mật trong rừng châu Phi, thăm hàng vạn binh sỹ Cuba tại đó. Ông ghé tai tướng Giáp, mắt nhấp nháy cười, kể cách nào đưa được quân Cuba sang châu Phi, trên các tàu chuyên chở dầu của Liên Xô, khi về ghé cảng châu Phi lấy nước ngọt… Cuộc gặp Fidel rất lạ, vui, tôi sẽ có dịp kể sau.
Ngày 1-5, đoàn ở Moscow, đúng ngày Quốc tế Lao động, có tuần hành lớn ở Hồng trường.
Tướng Giáp là khách nước ngoài duy nhất được mời lên đứng cạnh ông Leonid Brezhnev trên lăng Lenin. Tướng Giáp vui ở Moscow bao nhiêu thì ỉu xìu ở Bắc Kinh bấy nhiêu.
Đến Bắc Kinh, sát ngày 8-5 là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp cùng các tướng Lê Trọng Tấn, Đoàn Văn Cống, Lê Quang Hòa… đều nghĩ rằng Bộ Quốc phòng TQ ắt sẽ như mọi năm mở tiệc khoản đãi, chí ít cũng có đoàn đến chúc mừng hay đến tặng hoa kỷ niệm… Vậy mà không. Đến quá trưa, vẫn không có động tĩnh gì hết. Thế là đành ăn bữa cơm thường lệ rất muộn, tướng Giáp nâng cốc bia Thanh Đảo nhắc một câu đến chiến thắng Điện Biên cho có lệ, rồi ai nấy lặng lẽ về phòng riêng, băn khoăn ngẫm nghĩ. Mọi người còn như giữ lại tiếng thở dài thườn thượt của tướng Giáp cùng những cái lắc đầu trong yên lặng, sau lời nhắc đến Điện Biên Phủ không chút thích thú.
Sáng hôm sau, cuộc gặp chính thức giữa 2 đoàn diễn rất nhạt nhẽo và cuối cùng là thất vọng. Người đại diện Bộ quốc phòng Trung Quốc là tướng Trần Tích Liên lặng lẽ lắc đầu trước cả 3 đề nghị của phía Việt Nam:
- Viện trợ tiếp về vũ khí cho bộ binh, không quân, hải quân, những phụ tùng thay thế, đạn dược cho máy bay, tàu chiến, pháo binh, xe tải quân sự;
-Nhận đào tạo giúp cho hơn 600 sỹ quan các loại tại các trường quân sự Trung Quốc như thời gian qua;
-Và cuối cùng là giúp cho việc vận tải quá cảnh hàng viện trợ quân sự từ Liên Xô sang Việt Nam được nhanh chóng an toàn.
Tướng Trần Tích Liên mặt sắt đen sì chỉ có một câu trả lới: «Chúng tôi không thể đáp ứng vì không còn điều kiện giúp đỡ và chi viện ai, vì cơ sở vật chất của nền quốc phòng Trung Quốc bị lũ 4 tên (Tứ nhân bang) phá hoài nặng nề, phải có thời gian để hồi phục».
Ngay sau đó biên giới phía Tây Nam từ Tây Ninh xuống Long An, Châu Đốc, Hà Tiên bị bọn Khơ me đỏ tấn công dữ dội bằng đại bác, súng cối, đại liên do Trung Quốc sản xuất và chúng chôn hàng triệu quả mìn cá nhân cũng do Trung Quốc sản xuất. Cố vấn quân sự Trung Quốc chỉ huy đến cấp tiểu đoàn…
Nhân mừng đại thọ của tướng Giáp, tôi nhắc đến một chuyện cũ về mối quan hệ Việt–Trung cho đến nay trở thành một vấn đề lớn phân hóa cả đảng Cộng sản và xã hội ta.
Tôi từng công khai tỏ ra thất vọng về tướng Giáp, ông đã không mảy may lên tiếng khi các sỹ quan thuộc cấp bị hãm hại: từ Thượng tướng Chu Văn Tấn, Trung tướng Đặng Kim Giang, Lê Liêm, đến các Đại tá Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Phạm Quế Dương, hay ông Hoàng Minh Chính bị lâm nạn. Vậy mà là một vị tướng có lòng nhân ái ư? Biết bao gia đình anh hùng, liệt sỹ, cựu chiến binh bị đối xử tàn tệ, ông lẳng lặng nhìn đi chỗ khác, ý thức công bằng xã hội có vẻ như rất mờ nhạt trong nhận thức của ông.
Tôi cũng hiểu cơ chế độc đảng đã là nguồn gốc của mọi bất công, và chính ông cũng từng là nạn nhân, từng bị nghi ngờ và hãm hại, nên ông cần giữ mình, theo phản ứng tự vệ của bản năng mọi sinh vật. Ông đã không tự vượt qua được chính mình.
Cuối đời, tướng Giáp đã có những việc làm đáng ghi nhận. Ông đã nhiều lần nêu rõ «Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng Cục II, T4», mới đây ông lên tiếng ca ngợi và bênh vực Trung tá Vũ Minh Ngọc «đã dũng cảm, ngay thẳng nói lên sự thật», ông cũng từng 3 lần lên tiếng phản đối và đòi chấm dứt ngay việc khai thác bauxite ở địa bàn chiến lược Tây nguyên.
Những lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là «chúng tôi sẽ thực hiện những ý kiến quý báu của Đại tướng» và lời của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: «Xin Đại tướng yên tâm, chúng tôi đang kiếm chỗ để đưa cậu ta (Nguyễn Chí Vịnh) đi rèn luyện» chẳng qua chỉ là những lời hứa cuội của những người nói đó, rồi quên đó, rồi làm những việc trái ngược.
Thành ra lời chúc của Thủ tướng, của ông Tổng bí thư ngày 25-8 này xét cho cùng chỉ là vuốt đuôi, là giả tạo, là một màn kịch vậy. Các vị hãy nghe tiếng thở dài ngày nào của tướng Giáp ở ngay giữa sào huyệt bành trướng ở Trung Nam Hải và ngẫm nghĩ…
**************

Thủ tướng chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp (VNN 7-5-09) -- Đại tướng dặn dò: "Rất mong các đồng chí lưu tâm đến chuyện khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng của đất nước, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt Nam mà cả với Đông Dương". Đại tướng cũng bày tỏ quan ngại về việc lao động nước ngoài vào theo các dự án này.
Ân cần nắm tay Đại tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng".

"Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thay mặt Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng chúc Đại tướng giữ gìn sức khỏe, trí tuệ minh mẫn, trường thọ để tiếp tục có những ý kiến đóng góp quý giá cho Đảng và Nhà nước.


Đánh giá Điện Biên Phủ 'khách quan hơn'

Tuần này, Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khoảnh khắc chấm dứt sự thống trị của chế độ thực dân Pháp.
Nếu còn vấn đề gì gây tranh cãi, có lẽ đó là mức độ trợ giúp và vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng này.
Những năm gần đây, Trung Quốc công bố tư liệu nói rằng nhiều cố vấn của họ đã đóng vai trò không kém Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ.
Trả lời đài BBC hôm 7.5, GS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học ở Hà Nội, thừa nhận thông tin đó đã làm nhiều người Việt Nam lúng túng.
Nhưng ông cho rằng hiện tại, giới nghiên cứu Việt Nam cũng đã có nhiều bằng chứng để phản ứng lại cách đưa tin của Trung Quốc.
GS. Nguyễn Quang Ngọc: Hồi kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, có nhiều ý kiến lắm. Có những ý nói vai trò quyết định thuộc về chuyên gia Trung Quốc. Nó cũng làm người ta hoang mang. Nhưng gần đây đã có khá nhiều nghiên cứu giúp thấy rõ vấn đề. Nhận diện về chiến thắng này ngày càng đầy đủ và rõ ràng hơn.
Trước đây, phần nào các nhà nghiên cứu không quan tâm tài liệu Trung Quốc. Nhưng sau việc Trung Quốc công bố, đã có nhiều hội thảo ở Bắc Kinh, nhiều nơi khác. Tài liệu của các bên đã được khai thác, để nhìn nhận khách quan hơn. Chứ bây giờ nếu thảo luận, mà anh nào cũng chỉ biết tài liệu của mình, khai thác có lợi cho mình thì như vậy là phi khoa học.
BBC: Theo giáo sư, vì sao Trung Quốc quan tâm vấn đề Điện Biên Phủ?
Sau việc Trung Quốc công bố, đã có nhiều hội thảo. Tài liệu của các bên đã được khai thác, để nhìn nhận khách quan hơn.
Nguyễn Quang Ngọc
Đóng góp của họ cho chiến thắng Điện Biên Phủ là có thật. Thời kháng chiến chống Pháp, nhiều bộ đội của mình đã sang bên đó rèn luyện, sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên. Có vai trò của các sĩ quan và cố vấn Trung Quốc. Nhưng trong một số sách, cách trình bày của Việt Nam có khi không bàn tới, nên người ta có ý kiến, cũng phải thôi. Tuy vậy, sau khi đã có trao đổi, ít nhất trên cơ bản có sự thống nhất, thì rất tốt.
Gần đây, tôi đọc bài Mã Viện Nam chinh Giao chỉ của sử gia Trung Quốc Hoàng Tranh. Hóa ra ông ấy "sám hối" hoàn toàn. Trước đây ông ấy phê phán khởi nghĩa Hai Bà Trưng là nổi loạn. Gần đây ông ấy lại viết thẳng ra là: Tôi viết bài này, đây là tiếng nói từ đáy lòng tôi, biểu lộ sau khi đã thay đổi quan điểm. Đấy, có nhiều yếu tố: không khí học thuật, khả năng tiếp cận tư liệu, thậm chí quan điểm chính trị, để rồi đi đến khách quan hơn. Theo tôi, đó là bước tiến.
BBC: Khi xảy ra chiến tranh 1979, Trung Quốc nói Việt Nam đã vô ơn. Theo giáo sư, đánh giá như thế ở Trung Quốc có còn như vậy không?
Chuyện năm 1979 họ đánh Việt Nam, không thể lấp liếm được. Với tôi, đây là cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi không bao giờ quên ơn, dù chỉ một cân gạo. Trung Quốc giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất lớn, Việt Nam phải đời đời mang ơn. Còn chuyện đi đánh nước ta, không thể lấy việc giúp đỡ ra mà nói, rất khác nhau.
Hiện nay, trong vấn đề biển đảo, theo tôi, Việt Nam có lịch sử chủ quyền rất thực và rõ ràng. Ít nhất từ thế kỷ 17 đến mãi cuối thế kỷ 19, không có nước nào trong khu vực tranh chấp với Việt Nam. Vì thế Việt Nam phải bảo vệ đến cùng. Lịch sử chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa được ghi bằng cả biển máu, núi xương ngoài đó.
---------
[Thực ra có rất nhiều điều cần phải đánh giá . Lịch sử cần chân thực, nhưng khi lịch sử có điều không thực thì việc học sử còn bị thờ ơ...]

*****************



Thiếu tướng Lê Mã Lương nói về chuyện tôn trọng lịch sử
07/05/2009 06:51 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Theo thiếu tướng Lê Mã Lương, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ có lá cờ trên đồi Him Lam là lá cờ duy nhất được cắm. Lá cờ đã thấm máu của chiến đấu viên Nguyễn Hữu Oanh, ngoài ra không còn một lá cờ nào khác.



Lá cờ cắm trên nóc hầm Đờ Cát chỉ là biểu tượng, xuất hiện lần đầu trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của nhà quay phim Liên Xô Roman Karmen.

Chùm bài: Những kỷ vật thời chiến
Những bức thư "hôn" và thư "để đời" sau ngày thống nhất

Những bức thư "đi xuyên" lửa đạn

Những bức ảnh “Chúng tôi tiến vào dinh Độc Lập”
Thiếu tướng Lê Mã Lương, giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, đã bắt đầu câu chuyện với Tuần Việt Nam như thế.

"Những điều chưa chính xác từ trước, chúng tôi đã bằng các phương pháp tiếp cận với nhân chứng, với tài liệu, bằng phương pháp khoa học và thái độ khách quan, trả lại cho lịch sử những điều vốn có của nó.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu. Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề làm suy giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này”, Thiếu tướng khẳng định.

Biểu tượng chiến thắng…
Thiếu tướng Lê Mã Lương kể: Lịch sử ghi nhận rằng, khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao 5 lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho 5 đại đoàn (Đại đoàn công pháo 351, Đại đoàn 304, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Đặc biệt, trong đó có một lá cờ liên quan đến Đại đoàn 312, trung đoàn 209, tiểu đoàn 130, đại đội 366 và tiểu đội Thọc sâu (tiểu đội trưởng Trần Can).
Ngày 10/3/1954 tại Sở chỉ huy Đại đoàn ở km 70 có một cuộc họp gồm chỉ huy và chính ủy các trung đoàn, trong đó có trung đoàn 209 (trung đoàn trưởng là Hoàng Cầm, chính ủy là Trần Quân Lập).
Trong cuộc họp đó, chính ủy Đại đoàn 312 Trần Độ đã trao cho chính ủy trung đoàn 209 Trần Quân Lập lá cờ Quyết chiến quyết thắng. Sau đó, vì lý do một trận đánh có thể cần rất nhiều lá cờ, ông cũng giao cho một nhóm văn công của đại đoàn tìm vải đỏ là lập tức may một lá cờ khác, cũng thêu chữ Quyết chiến quyết thắng để giao cho trung đoàn 209.
Sau khi chính ủy trung đoàn Trần Quân Lập xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của đại đội 366, chính ủy đã trực tiếp trao lá cờ này cho tiểu đội Thọc sâu.
Ngày 12/3/1954, thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, trung đoàn 209 cùng với một trung đoàn bạn và các lực lượng khác có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Him Lam. Đây là căn cứ tiền tiêu đầu cầu và giữ một vị trí rất quan trọng, bằng mọi giá quân ta phải đột phá căn cứ này để làm bàn đạp tấn công trên các hướng, trong đó có đồi Độc Lập.

Chiều ngày 12/3/1954, các đơn vị bước vào trận địa xuất phát tấn công, triển khai hầm hào công sự chờ lệnh nổ súng xung phong. Đến chiều ngày 13/3, trung đoàn 209 đã tiếp cận vị trí xuất phát tấn công rất thuận lợi, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị, trong đó có trung đoàn 209 nổ súng.

Và suốt từ 17h5’ đến 22h30’ ngày 13/3, trận đánh đã diễn ra, sau khi được lệnh của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 130 ra lệnh cho đại đội 366 tổ chức đột phá. Trận đánh kết thúc giòn giã chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, quân ta đã làm chủ căn cứ Him Lam.

Tiểu đội trưởng Trần Can tổ chức cho tiểu đội Thọc sâu tấn công các mục tiêu, yểm trợ cho chiến đấu viên Nguyễn Hữu Oanh cầm lá cờ Quyết chiến quyết thắng cắm trên nóc hầm chỉ huy của tên thiếu tá chỉ huy căn cứ Him Lam.

Khoảnh khắc lịch sử

Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định: “Bằng những tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng (trong đó có một nhân chứng rất quan trọng là trung tướng Trần Linh, nguyên là chính trị viên tiểu đoàn đánh đồi Him Lam), chúng tôi đã trả lại đúng lịch sử vốn có của lá cờ.
Trước đây, một số nhân chứng lịch sử, một số tài liệu, cuốn sách đã in nói rằng người cầm cờ là Tiểu đội trưởng Trần Can, nhưng điều đó không chính xác. Tiểu đội trưởng Trần Can chỉ được cầm lá cờ ấy với tư cách là tiểu đội trưởng Thọc sâu, và đã giao lá cờ đó cho chiến đấu viên của mình là Nguyễn Hữu Oanh”.
Theo thiếu tướng Lê Mã Lương, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ có lá cờ trên đồi Him Lam là lá cờ duy nhất được cắm, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN. Lá cờ đã thấm máu của chiến đấu viên Nguyễn Hữu Oanh, ngoài ra không còn một lá cờ nào khác.

Ông cũng nói, nhiều tài liệu trước đây đã nhầm lẫn về việc này. (Ngay trong cuốn sách "Những kỷ vật kháng chiến (Sự im lặng lên tiếng)", NXB Công an nhân dân, trang 41, có bài viết "Lá cờ quyết chiến quyết thắng" của Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng từng khẳng định tiểu đội trưởng Trần Can là người cắm cờ).

Như vậy, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói, lá cờ cắm trên nóc hầm Đờ Cát chỉ là biểu tượng, xuất hiện lần đầu trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của nhà quay phim Liên Xô Roman Karmen.
Trong lịch sử, ngày 7/5/1954, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu một lực lượng của đại đội mình, trong đó có chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh vào hầm Đờ Cát ra lệnh cho Bộ tham mưu và tướng Đờ Cát ra hàng.
Sau này, khi Karmen dựng lại những hình ảnh đó cho bộ phim, ông đã giao lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho một chiến đấu viên của đại đội cầm lá cờ xông lên. Từ đó, trong tâm tưởng của mọi người đều nghĩ rằng có lá cờ cắm trên nóc hầm của tướng Đờ Cát.

“Tất nhiên, suy cho đến cùng, sau một trận đánh, một chiến dịch, hoặc khi chúng ta có cả một chiến thắng vĩ đại, thì máu xương của dân tộc Việt Nam đã đổ, xương đã chất thành núi, máu đã chảy thành sông, đó là chiến công của cả dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu.

Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề làm giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của chiến thắng này”.


Thiếu tướng Lê Mã Lương quả quyết: Sau khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ghi nhận chính xác điều đó, chúng tôi đã cất lá cờ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trước đây có trưng bày ở bảo tàng. Đó chỉ là một biểu tượng của chiến thắng. Phải tôn trọng sự thật. Ngay cả khi làm tư vấn lịch sử cho một dự án ở di tích Điện Biên Phủ, tôi cũng góp ý rằng không nên có hình ảnh chiến sĩ ta cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát, vì lịch sử không có chuyện đó”.
>> Bài tiếp theo: Người vẽ hơn 200 ký họa thời chiến
Thiếu tướng Lê Mã Lương nói: “Mỗi tác phẩm ký họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu là một kỉ niệm, một ký ức chiến trường, một khoảnh khắc đã qua đi và không bao giờ gặp lại”
--------------------------------------

Tướng Giáp

Ô Sin // May 07 2009 //
Những đoạn (…) là tự ý đục bỏ
Tiếng vỗ tay như vỡ tung Cung Hữu Nghị Việt Xô khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn giọng: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”. Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng Tướng Giáp, từ lâu ông đã có một gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng, những giọt nước mắt của những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh trên má họ; lăn khi, tiếng vỗ tay vẫn cứ kéo dài. Hôm ấy là ngày 6-5-1994, tại Hà Nội, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài diễn văn dài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ vỏn vẹn có 59 từ nói về Tướng Giáp, lại được viết rất công thức, “rào đón” bằng cả “Bộ Chính Trị” và “Bác Hồ”. Sở dĩ, chúng có thể tạo ra sự rung động đặc biệt đến vậy, là vì đó là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, cái tên Võ Nguyên Giáp lại được nhắc đến trong một buổi lễ chính thức. Điện Biên Phủ là một chiến thắng “chấn động”, một chiến thắng đưa Võ Nguyễn Giáp trở thành một bậc tướng huyền thoại. Nhưng, năm 1984, khi chuẩn bị số đặc biệt mừng 30 năm Điện Biên, vào giờ chót, một tờ báo lớn đã phải “bóc” hình Tướng Giáp.

Trước lễ 7-5-1994, khi gặp phỏng vấn ông, tôi đã đặt một câu hỏi mà sau đó, báo Tuổi Trẻ “tự ý đục bỏ”: Thưa Đại tướng, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bộ trưởng Quốc Phòng, Bí thư Quân ủy, Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, nhưng tại sao vai trò của Đại tướng rất ít được nhắc tới trong hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân của tướng Văn Tiến Dũng? Tướng Giáp đáp: “Nhật ký Tổng Hành Dinh ghi rõ, trong những ngày ấy, tôi lệnh gì, anh Ba (Lê Duẩn) lệnh gì. Tôi nghĩ, các nhà sử học muốn tìm hiểu sự thật nên tiếp cận với các tài liệu chính thức ở Tổng Hành Dinh thay vì thông qua lời tuyên bố của một ai đó”. Khi nói tới “Nhật ký Tổng Hành Dinh” ông quay qua nói với thiếu tướng Lê Phi Long, người cùng có mặt trong buổi phỏng vấn: “Cậu biết rõ điều này, Phi Long”.
Thiếu tướng Lê Phi Long nguyên Cục phó Cục Tác chiến, là người từng có nhiều năm làm việc trong Tổng Hành dinh. Có những giai đoạn như Mậu Thân, tướng Long được giao nhiệm vụ theo dõi chiến trường, mỗi ngày làm 3 báo cáo, sáng (6g), trưa (12g), chiều (6g) cho một số ủy viên Bộ Chính trị. Ông, có thể nói, vừa là một chứng nhân, vừa là một người tạo ra lịch sử. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Lê Phi Long là Chủ nhiệm “Hướng Tây Nguyên”, ở bên cạnh Tướng Giáp cho đến giai đoạn quyết định, được giao làm Trưởng phòng Tác chiến “Cánh quân Duyên Hải” do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, “thần tốc” đánh từ Trị Thiên vào thẳng Dinh Độc Lập.

Tướng Giáp kể lại rằng, trong cái ngày 30-4 ấy, sau khi nhận được tin báo Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Ông đã rời Tổng Hành Dinh, một mình bước ra phố. Khi đó ông có cái cảm giác của một tướng quân đã đánh xong thành lũy cuối cùng, đã hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ trong giờ phút hạnh phúc đó, Tướng Giáp không thể ngờ những gì sắp xảy ra với mình.
… Tháng 3 năm 1985, Tướng Giáp, lúc này đã không còn chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vào Huế dự lễ mừng “10 năm giải phóng”. Cùng đi với ông có Tướng Lê Trọng Tấn, lúc bấy giờ là Tổng Tham mưu Trưởng và Tướng Lê Phi Long. Họ được đón tiếp khá nồng hậu và được bố trí nghỉ tại khu nhà nghỉ xưa kia của Ngô Đình Cẩn ở Huế. Tướng Lê Phi Long kể: “Anh Văn gọi tôi tới cùng đi dạo chơi quanh vườn và nói: “Lâu nay các cậu có nghe người ta nói gì về mình không?” Tôi trả lời. Anh bảo: “Sao không thấy nói lại! Trong tình hình phức tạp hiện nay, con người ta có thể bị phân hóa thành 3 thái độ: một là thẳng thắn đấu tranh bảo vệ sự thật, chân lý; hai là trong khi chưa có điều kiện nói ra sự thật thì ngồi yên kiên trì chờ đợi; ba là cơ hội, xuyên tạc, sẵn sàng đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật. Các cậu có đủ dũng khí thì theo cách một, chưa có điều kiện thì chọn cách 2, còn cách 3, thì phải tuyệt đối tránh”.
Hôm sau, đoàn của Tướng Giáp vào Đà Nẵng bằng đường bộ. Trên đèo Hải Vân, khác với không khí nồng hậu mà Huế giành cho Đại tướng, Đà Nẵng chỉ cử một tỉnh ủy viên trẻ măng, vô danh ra đón, không có đại diện Quân khu, Tỉnh đội. Tướng Lê Phi Long nhớ lại: “Chúng tôi rất bực mình, nhưng anh Văn vẫn bình thản”. Đêm ấy, Đoàn nghỉ ở nhà khách Mỹ Khê, sáng hôm sau, theo chương trình, đoàn sẽ đến đặt vòng hoa tại đài liệt sỹ trước khi dự lễ mừng chiến thắng. Nhưng đợi mãi, không thấy ai phát thư mời và phù hiệu cho đoàn của “anh Văn”. Các sỹ quan đi cùng hỏi thì được trả lời: “Mời ai đã có chủ định, kế hoạch cả. Ai không có giấy thì coi như không được mời”.
Lễ mừng Chiến thắng Đà Nẵng năm ấy được tổ chức trọng thể vì có Tổng Bí thư Lê Duẩn tới dự. Tướng Lê Phi Long kể, “chúng tôi rất băn khoăn, liền xin ý kiến của anh Tấn và anh Văn”. Trong đoàn có ý kiến, thôi không dự lễ nữa. Tướng Giáp suy nghĩ rất lâu rồi nhẹ nhàng nói: “Chúng ta vào đây không phải vì lễ lạt mà còn để viếng những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đã tổ chức viếng thì phải tổ chức trang trọng, chu đáo theo đúng nghi thức quân đội”. Lập tức, Tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 tổ chức một lễ viếng riêng có đủ tiêu binh, quân nhạc và đích thân một vị trong Bộ Tư lệnh phải tháp tùng. Quân Khu 5, đương nhiên phải tuân lệnh. Sáng hôm sau, xung quanh đài liệt sỹ, dân chúng kéo đến rất đông, họ đến không phải được triệu tập. Họ đến để xem mặt vị tướng lừng danh mà họ vô cùng yêu mến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tướng Giáp kể: “Ông ngoại tôi vốn là một lãnh binh theo nghĩa quân Cần Vương, mỗi khi Tây về làng bà ngoại lại phải bỏ mẹ tôi vào quang thúng gánh chạy”.
Những năm học ở Trường Quốc học Huế, cậu Giáp học rất xuất sắc, thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ Phan cho mặc sức sử dụng kho sách của mình. Giáp cũng chơi thân với thầy giáo Đặng Thai Mai. Con gái cụ Mai, bà Đặng Bích Hà, sau này là phu nhân đại tướng, kể: “Ba tôi lớn hơn nhà tôi một giáp, nhưng hai người là bạn vong niên, rất thân nhau”.
Năm 1929, 18 tuổi, lần đầu tiên tướng Giáp ra Hà Nội. Một người đồng chí của ông ở Tân Việt, ông Nguyễn Văn Tạo, dẫn ông ra Cửa Bắc, thành Hà Nội để nhìn hai vết đạn đại bác của Pháp đánh dấu thành Hà Nội thất thủ. Tướng giữ thành Hoàng Diệu tự sát. Lúc dạy học ở Thăng Long, ông Giáp thường nói về tinh thần yêu nước và quá khứ anh hùng. Ông vẫn thường dẫn học trò ra đê Giảng Võ coi mộ Francis Garnier; ra Cầu Giấy chỉ cho học sinh mộ Henri Rivière để nung nấu họ tinh thần chống Pháp.
Một trong những học trò của Tướng Giáp, ông Bùi Diễm, một người đã từng là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1965, nhớ lại: Khi tôi vào trường Thăng Long, nơi đây đã sôi sục ý chí chống Pháp và những cuộc tranh luận về tương lai cho xã hội Việt Nam. Ban giáo sư gồm những người như ông Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giam, Trần Văn tuyên… Nhưng trong tất cả những nhân vật đáng nhớ, đặc biệt có một người tôi khó quên: đó là ông Võ Nguyên Giáp, người dạy tôi về môn Sử. Dáng người nhỏ nhắn song nhìn vào ông thì thấy cả một bầu nhiệt huyết. Những gì về ông Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân (Napoléon) rất ly kỳ. Ông trình bày tường tận chiến thuật và chiến lược của Nã Phá Luân bằng cách tả rõ từng trận đánh nhỏ một. Hình như ông đã in tất cả trong đầu và Sử trở thành một phần trong con người ông. Ông như chìm đắm vào thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới đó. Trong giờ ông giảng, học sinh thường im lặng như tờ… (Bùi Diễm- Gọng Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai, 2000, tr. 21,22,23).
Lần ra Hà Nội năm 1929 để bàn với chi bộ Vinh và Hà Nội tổ chức cho Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát ly, theo lời kể của chị Hồng Anh, con gái Tướng Giáp: “Cha tôi lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái (cô em gái trẻ, thông minh và rất xinh đẹp của Nguyễn Thị Minh Khai-HĐ). Trong chuyến tàu cha tôi trở lại Huế, tới Vinh thì gặp mẹ tôi (Quang Thái) lên tàu, cùng với một nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó mẹ tôi mặc áo dài, tóc để xõa, da trắng, gương mặt sáng. Nhưng điểm gây ấn tượng với cha tôi nhất là đôi mắt”. Năm 1935, họ cưới nhau.
Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được tổ chức đưa sang Vân Nam. Giáp chia tay với người vợ trẻ Nguyễn Thị Quang Thái khi họ vừa có Hồng Anh, con gái đầu lòng. Đó là lần chia tay cuối. Sau khi Giáp ra đi, Nguyễn Thị Quang Thái bị Pháp bắt và năm 1944 chết trong nhà tù.
Năm 1946, Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình ông Đặng Thai Mai khi gia đình giáo sư vừa rời Sầm Sơn ra Hà Nội sau khi từ chối một chức bộ trưởng trong chính phủ Trần Trong Kim. Năm ấy, bà Đặng Bích Hà bước sang tuổi 19, đẹp và là “tiểu thư” trong một gia đình danh giá. Mối tình của họ đã đưa bà Đặng Bích Hà lên chiến khu, sinh cho ông thêm hai cô gái, và đúng năm 1954 sinh hạ người con trai thứ nhất, đặt tên là Võ Điện Biên.
Khi phân công trong Đảng, Hồ Chí Minh nói: “Việc quân sự giao cho chú Giáp”. Cụ Hồ cũng đã từng cử Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc học quân sự. Nhưng trên đường đi, Chiến tranh Thế giới thứ hai đưa người Pháp ở chính quốc vào thế thua, Hồ Chí Minh thấy thời cơ tới nên gọi ông trở lại. Từ đó ông không có thêm cơ hội để học qua bất cứ một trường lớp nào. Có lẽ, chính những năm dạy sử ở Trường Thăng Long đã hình thành nên tư duy quân sự ấy.
Thiếu tướng Lê Phi Long cho rằng: “Ngoài tài năng còn có một yếu tố quan trọng khác, ông là một người có đầu óc thực tiễn ghê gớm, luôn tổng kết trong thắng, trong bại để tìm ra cách đánh mới”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã quyết định thay đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chậm, thắng chắc”. Một quyết định mà theo GS Phan Huy Lê, trở thành nhân tố làm nên Điện Biên Phủ. Một quyết định mà theo thượng tướng Lê Trọng Tấn, tránh cho toàn bộ lực lượng của ta bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên. Nhưng quyết định đó không chỉ là kết quả của “11 ngày đêm trăn trở”. Theo thiếu tướng Lê Phi Long, từ tháng 5-1953 sau trận Nà Sản, Đại tướng đã quyết định thành lập một tổ nghiên cứu 24 người nằm trong rừng lim khu căn cứ Định Hóa để “chuẩn bị lý luận đánh tập đoàn cứ điểm”. Tướng Lê Phi Long là một trong 24 sỹ quan nằm trong “Tổ Nhiên cứu” ấy.
Năm 1975, kết thúc chiến tranh. Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cho thôi chức Bí thư Quân ủy trung ương, thôi bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946. Năm 1982, ông không còn là ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1983, ông được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch. Năm 1983, dân gian làm thơ: “Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”. Cũng trong năm 1983 ấy, ông về quê, thảnh thơi đi bộ ra chợ Tréo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chợt hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe “bún chấm ruốc” từ miệng vị tướng lẫy lừng, không hiểu sao, òa khóc.
(Phần cuối bài này có sử dụng một số chi tiết tôi đã viết trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tháng 5-2004)
*************

Mafiovi: Câu hỏi dành cho tướng Giáp ?-Today, He Is 100...
..Ergo, I'll say some words, guys.


Có bao nhiêu Danh hiệu nhân dân ta và bạn bè tặng Gen. Giáp?
Nhiều.
Nhưng cái ta nói đây - trong những ngày này - là chuyện khác.
1/ Bài học của cuộc đời Ông
Bài học lớn nhất của cuộc đời Tướng Giáp (cho Ông và cho mỗi chúng ta)  là gì?
Là:
Tận Trung với Nước
Tận Hiếu với Dân.
Khi đó, dù ở cương vị nào, dù ở đâu, dù khó khăn đến mấy ta cũng có được đủ sức sáng tạo để giải những bài toán của mình
Tám chữ đó mới là phần thưởng Cao Cả nhất mà Nhân Dân dành cho Tướng Giáp.
2/ Vai trò của Ông trong thời đại Hồ Chí Minh 
Để nói đến vai trò của Ông, vị trí của Ông, ta xét đến mọt con người khác.
Sau khúc ca khải hoàn Điện Biên, Đất nước ta vẫn bị chia làm hai. Hãy nhớ lại: sau khi về Hà Nội, không ít người trong Cha Anh ta vẫn tưởng rằng: sau 2 năm nữa, Tổng tuyển cử 2 miền, rồi việc còn lại chỉ là ...nhảy đầm và ca hát.....
Bác Hồ không nghĩ thế. Và - phúc thay cho Dân tộc - những đứa con Nam Bộ Thành Đồng, đi trước về sau, không nghĩ thế, nói đúng hơn, họ là những  người đầu tiên không nghĩ thế.
Ảnh:  Đà Nẵng tưng bừng đón dàn xế ‘khủng’ nhất Vietnam ....
Ferrari 458 Italia

...và là câu hỏi cho Tướng Giáp.
Cụ thể hơn: 
Gen. Giap!
Nếu Ngài là Thiên tài, là Anh Hùng Dân Tộc, thì Vì sao Nhân Dân của Ngài vẫn khốn nạn "dzậy" , như khi Ngài chưa là "Thiên tài"? 
    In other words:
    cái "Thiên tài" và cái "Anh hùng Dân tộc" của Ngài - after all - để làm cái gì, Sir?
    Nếu Ngài khiêm tốn không nhận mình là "Anh hùng Dân tộc", là "Thiên tài", chỉ nhận mình là "Anh bộ đội Cụ Hồ số Một" thì the deal is the same.
    Why?
    Vì đã là đứa con của Bác (Hồ Chí Minh) thì - bất cứ ở đâu, bất cứ ở cương vị nào -  hễ còn sống thì phải còn chiến đấu:
    - cho Nhân dân của mình,
    - cho Cuộc sống của họ,
    - cho bát cơm tấm áo của họ,
    - cho mái trường của con họ,
    - cho nụ cười trên mỗi đôi môi con trẻ.
    Ta không là Thiên tài,

ta không là Anh hùng Dân tộc,
ta chỉ là "a Hochiminh's Boy", nhưng ta sống vậy đó, thưa Ngài?

Hay Ngài muốn nói với Ta rằng  
- nhứng khổ đau này, 
- những ước mơ mộc mạc nhỏ nhoi này, 
- những cơn đói này, 
- những lưng còng này, 
- những đôi chân trần này  v.v...
không phải là cái lo của  bậc "Thiên tài" và của "Anh hùng Dân tộc"?
Và....
....Hình như báo chí nói là Ngài đang viết Lịch sử Đảng?
Dandy!
Nhưng ta ko hiểu là với "thiên tài" thì Lịch sử Đảng là gì, còn với ta - kẻ hèn này - Lịch sử Đảng đơn giản lắm:
- Nó là đôi tất , đôi giày cho con trẻ
- là mảnh ruộng cho chị Nông dân
- là đồng lương cho anh Công nhân, Sir.
- là nụ cười rạng rỡ trên đôi môi của bất cứ đứa trẻ nào (cả trên cháu Ngài, đã hay đang học ở Mỹ gì đó..., cả trên những đứa trẻ khác đang mơ được đến trường với cái bụng no) 
Bởi ta vẫn nhớ lời Cha ta dạy:
"Đảng ta muôn vạn Công - Nông
Đảng ta muôn vạn Tấm lòng, Niềm tin...".
Ta ko phải là "Thiên tài", cũng ko là "Anh hùng Dân tộc" nên - dĩ nhiên - ta ko viết Lịch sử Đảng từ "chủ nghĩa", từ "triết lý", ta viết nó, nhìn nó từ
- gót chân mẹ ta,
- từ bàn tay em ta,
- từ ánh mắt Cha ta,
- từ bát cơm con ta
- từ nước của những Dòng sông đang chảy
- từ hình hài đồi núi , rừng cây của Tổ tiên ta 4000 năm để lại. 
...Sử Đảng ư?
Với ta , có khi , đó là :
- có ai nữa bị Công An đánh gãy cổ ko?
- có ai nữa bị Công An đạp vào mặt ko?
- và có CA nào đánh CA nữa ko? Ha ha...
...Sử Đảng ư?
- Đơn giản lắm: I wonder đến khi nào thì Ước Mơ Giản Dị của Bác Hồ ta mới thành sự thật: " Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"?
Dzậy đó, Sir!
Đôi khi, làm "Thiên tài" hay "Anh hùng Dân tộc" dễ hơn là làm Một-Con-Người.
Isn't it, Sir?  
So, Sir, đừng bắt ta phải khóc.
Ta muốn cười lắm chứ.
Muốn cười trên mỗi góc phố ta qua, mỗi làng quê ta ghé...
nhưng ta ko cười được, ta khóc, "Anh hùng Dân tộc' ạ!
Vì sao?
Vì trong ta vẫn còn Một-Trái-Tim.
Ngày mai, ta sẽ viết về Một-Con-Người...
..ko ai gọi Ông ấy là "Thiên tài"
cũng ko ai kêu ông là "anh hùng Dân tộc"
Đồng bào, đồng đội, đồng chí gọi ông ấy là "Người Chiến sĩ ấy, ai đã gặp Anh, không thể nào quên, ko thể nào quên".
Dzậy thôi.
Và ko hiểu là Tình cờ hay Cố ý, mà THD lại đặt tên cho con trai lớn là Trần Hữu Minh Duẩn?

....còn ........
Photo: VnEx
From baodatviet & gdvn
ttngbt Blog

Tổng số lượt xem trang