Nhìn bề mặt, có thể dễ dàng giải đáp câu hỏi tại sao vàng tăng giá. Người ta trữ vàng bởi nỗi lo suy thoái kinh tế kéo dài và thậm chí nguy cơ lạm phát trước mắt, đặc biệt trong bối cảnh giá USD suy yếu. Điều đó càng kích thích vàng tăng giá. Trong thực tế, vàng đã tăng gần 50% trong 3 năm qua, từ khi kinh tế thế giới có dấu hiệu khựng lại. Nói cách khác, một phần nguyên do cơn sốt vàng là tâm lý lo sợ. Tuy nhiên, vàng tăng còn do Trung Quốc!
Bất luận chiến dịch quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc, gần như mọi giao dịch kinh tế thế giới đều được soạn trên những hợp đồng tiếng Anh với USD là đơn vị tiền tệ giao dịch là chủ yếu
Vàng và chỗ đứng của nhân dân tệ
Tính trung bình 5 năm cho đến quý I/2011, khoảng 59% vàng là được dùng cho công nghiệp nữ trang và 29% là cho đầu tư – theo Hội đồng Vàng thế giới. Từ đầu năm 2011 đến nay, vàng đã tăng 14% (liên tục trong 11 năm qua – thời gian tăng dài nhất kể từ năm 1920), thể hiện tâm lý bấn loạn của cuộc khủng hoảng nợ Mỹ và châu Âu. Phản ứng “phòng vệ” đã điều khiển cơn “lên đồng” của thị trường vàng toàn cầu (Credit Suisse Group AG dự báo giá vàng có thể vọt lên 1.700USD trong 12 tháng tới; trong khi nhà đầu tư Quỹ mạo hiểm Christian Baha tin rằng, giá vàng có thể phi nước đại lên 3.000USD…).
Khi thị trường và nền kinh tế nói chung, chưa kể chính sách chính phủ, không còn là chỗ dựa, vàng trở thành điểm tựa tâm lý chắc chắn. Điều này thật ra chẳng cần sự phân tích chuyên môn. Còn có một lý do khác, một yếu tố ít được đề cập. Đó là chiến lược trữ vàng của Trung Quốc (TQ). “China Daily” cho biết, TQ đã tăng trữ lượng vàng quốc gia lên 76% kể từ năm 2003 và hiện là nước thứ 5 thế giới về dự trữ vàng với 1.054,1 tấn. Tại sao TQ “thủ” vàng? Bắc Kinh chẳng giấu giếm mục đích khi nói lên tham vọng của họ.
Tháng 5/2009, theo “Shanghai Securities News”, Trịnh Lương Hào, Giám đốc quản trị phân nhánh Cận Đông của Hội đồng Vàng thế giới, đã nói tại một diễn đàn rằng, việc tăng dự trữ nguồn vàng quốc gia cho phép TQ có một công cụ hữu hiệu để chống lại sự thống trị đồng USD từ đó đưa nhân dân tệ (NDT) lên vị trí đơn vị tiền tệ quốc tế. Trong bài viết trên “contrarianprofits.com”, tác giả Bryon King cho biết, TQ đã âm thầm mua vàng thông qua Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE) từ năm 2003, khi TQ dự báo USD sẽ suy yếu do bước vào cuộc chiến Iraq. Gần đây, SAFE được chuyển cho Ngân hàng Trung ương TQ quản lý và đó chính là lúc TQ bắt đầu tiền tệ hóa sức mạnh dự trữ vàng của họ.
Bây giờ, khi vàng lên cơn sốt, TQ có thể tống vàng dự trữ ra thị trường với yêu cầu thực hiện giao dịch bằng đồng NDT. Thủ thuật đơn giản này có thể mang lại hiệu quả tức thời cho việc đưa vị trí NDT lên một bậc cao hơn, tức ảnh hưởng rộng hơn… Thử tưởng tượng TQ chỉ cần bán 1/2 hoặc 1/3 nguồn vàng dự trữ hiện thời của họ bằng NDT thì lượng giao dịch bằng NDT nhiều đến mức nào…
Lợi dụng sự suy yếu của Mỹ để ngoi lên vị trí dẫn đầu thế giới là mục tiêu không hề úp mở của TQ. Hạ tuần tháng 5/2009, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh AsianInvestor thường niên lần thứ 4 tổ chức tại Hongkong, Giáo sư kinh tế Vũ Kiều thuộc Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) đã nói thẳng rằng, cách tốt nhất để TQ “tự cứu khỏi cái bẫy USD” là chuyển dần NDT thành đơn vị tiền tệ giao dịch chính, không phải với thị trường nội địa TQ mà với khu vực và thậm chí thế giới! Về lâu dài, Vũ Kiều nói rằng, châu Á nên tập “cai bú” “bình USD” và thay bằng “bình NDT”.
Ít ra ở thời điểm này, theo họ Vũ, sự có mặt đồng NDT ở khu vực cũng tạo ra thế tam giác đối trọng giữa NDT với euro và USD, khi đó, “USD có thể duy trì vị trí hàng đầu nhưng euro và NDT cùng lúc sẽ trở thành những đơn vị tiền tệ toàn cầu quan trọng và đồng bảng Anh và đồng yen Nhật bị đưa tụt xuống vị trí phụ”. Trong thực tế, TQ đã từng bước “gài” NDT vào hệ thống tài chính thế giới. Ngân hàng Trung ương TQ đã ký ít nhất 6 thỏa thuận thay đổi đơn vị tiền tệ với giới điều hành ngân hàng một số nước (trong đó có Belarus và Malaysia), khuyến khích đưa NDT vào hệ thống mậu dịch cũng như trong những hợp đồng kinh tế – thương mại với các thành phố lớn TQ. Bắc Kinh thậm chí đang tăng nguồn vốn vay cho các chính phủ châu Phi bằng NDT. Hai năm qua, TQ và Brazil đã thực hiện nhiều cuộc giao dịch bằng NDT, tương tự với Argentina, Ấn Độ, Nga, Nam Phi… Trong quý I/2011, khoảng 7% mậu dịch nước ngoài của TQ là bằng NDT, tăng 20 lần so với 1 năm trước.
Khi nào có thể mục kích cuộc so găng giữa NDT và USD?Tháng 3/2009, người ta nghe Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đề nghị tạo ra “một đơn vị tiền tệ dự trữ siêu mạnh” và dù ông Chu “tế nhị” không nhắc đến sự xóa bỏ USD nhưng tất nhiên ai cũng biết cái đích “kẻ thù” trong tham vọng triệt tiêu của ông là gì. Động thái âm thầm trong chiến dịch lâu dài thay USD bằng NDT được thực hiện bằng việc mua trữ vàng – theo “Financial Times”, với mức tăng gấp đôi nguồn dự trữ chỉ trong 5 năm. Điều đó hẳn nhiên ít nhiều tạo nên cơn sốt vàng. Động tác điều chỉnh lại lưu lượng USD đang khiến nhiều ý kiến lo ngại.
Nicholas Lardy, chuyên gia kinh tế TQ thuộc Viện Kinh tế học quốc tế Peterson u ám kết luận rằng, Mỹ bây giờ chẳng còn đòn bẩy gì để vượt lên khi đánh mất giá trị đồng USD; và kinh tế gia Nouriel Roubini cảnh báo rằng, thế kỷ châu Á, “được thống trị với sự lớn mạnh TQ cùng đơn vị tiền tệ của nó”, có thể bắt đầu xuất hiện không đến một thập niên nữa nếu Mỹ không kịp “tái lập trật tự ngôi nhà tài chính”. Tuy nhiên, sự bao trùm USD trong hệ thống kinh tế toàn cầu khó có thể thay đổi một sớm, một chiều. Vai trò dự trữ của nó có được nhờ sức mạnh ổn định chính trị, tính gắn kết kinh tế, và cả sức hấp dẫn của thị trường Mỹ. NDT vẫn còn mất nhiều thời gian để đạt được điều này. Hơn nữa, GDP của Mỹ hiện vẫn hơn gấp đôi TQ và mức độ mậu dịch Mỹ vẫn cao hơn TQ 50%.
Chẳng ai biết khi nào và nếu có thể, TQ mới bắt kịp. Vài nhà phân tích đưa ra dự báo 5 năm; vài người khác tin rằng khoảng 30 năm; vài người nữa thì tin rằng, chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra. Hơn nữa, việc TQ giao dịch bằng NDT với một số nước thật ra chỉ ở mức rất khiêm tốn với khoảng 95 tỉ USD, chẳng bõ bèn gì trong một nền kinh tế toàn cầu chứng kiến khoản giao dịch khắp thế giới trị giá 19,5 ngàn tỉ USD vào năm 2008.
Thật ra việc TQ tăng gấp đôi dự trữ vàng (đồng thời kêu gọi sử dụng NDT) cũng cho thấy chính họ đã không đủ can đảm từ bỏ đồng USD trong kho dự trữ ngoại tệ quốc gia. Và chính bởi việc cất “tiền Mỹ” trong nhà nhiều như vậy (3 ngàn tỉ USD) nên TQ luôn lo ngại chính sách điều chỉnh kinh tế Mỹ có thể khiến USD mất giá và vô hình trung họ bị thiệt. Điều này cho thấy thêm rằng, việc Bắc Kinh kêu gọi thay thế đồng USD còn xuất phát từ tính toán lợi ích riêng của họ.
Cần biết, TQ hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, giữ đến 1,45 ngàn tỉ USD cổ phiếu Mỹ vào cuối năm 2008 trong tổng cộng 1,9 ngàn tỉ USD trong kho dự trữ quốc gia. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chương trình kích cầu 787 tỉ USD và tung thêm 1 ngàn tỉ USD giúp các ngân hàng khát vốn, Bắc Kinh bắt đầu lo rằng, Mỹ có thể làm yếu đồng USD (việc in tiền thường dẫn đến suy yếu đơn vị tiền tệ quốc gia và xảy ra lạm phát), từ đó làm giảm giá trị kho dự trữ USD (của Trung Quốc!).
Người ta còn nhớ trong cuộc họp báo truyền hình trực tiếp khắp TQ giữa tháng 3/2009, Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng kêu gọi Mỹ cố “duy trì lòng tin, giữ lời hứa và đảm bảo sự an toàn cho nguồn tài sản TQ”! Gần đây nhất, cuối tháng 7/2011, tờ “Nhân Dân nhật báo” của TQ còn nói rằng, cách Mỹ đang xử lý cuộc khủng hoảng nợ là thể hiện của một thái độ “vô trách nhiệm” và “thiếu đạo đức”. “Vô trách nhiệm” ở chỗ nó khiến mớ USD đang nằm trong kho bạc của Nhà nước Trung Quốc đang có nguy cơ biến thành mớ giấy lộn và “thiếu đạo đức” ở chỗ nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh kinh tế TQ!Đừng bỏ qua tính logic của thực tế!
Vấn đề bây giờ là liệu vàng có thể thay thế hẳn USD ở góc độ dự trữ quốc gia? Và trữ vàng có an toàn hơn USD? Trong quá khứ, cụ thể thế kỷ XIX, hầu hết ngân hàng đều trữ vàng bởi họ không tin vào các ngân hàng khác và cũng không tin giá trị đơn vị tiền tệ mà các ngân hàng khác phát hành. Trữ vàng còn an toàn bởi nó không lệ thuộc vào nợ nần người khác đối với mình. Tuy nhiên, từ hiện tượng trữ vàng hiện tại, việc cho rằng vàng là điểm tựa chắc ăn hơn so với USD có thể không chính xác.
Cần biết, tổng giá trị USD đang lưu hành toàn cầu hiện lên đến khoảng 8 ngàn tỉ USD; và tổng nguồn cung tiền toàn cầu lên đến 30 ngàn tỉ USD. Kích cỡ thị trường chứng khoán toàn cầu hiện trị giá chừng 40 ngàn tỉ USD; và trong ghi nhận gần đây nhất, tổng giá trị thị trường trái phiếu toàn cầu hiện ở mức chừng 80 ngàn tỉ USD, so với khoảng 800 ngàn tỉ USD của thị trường vốn phái sinh… Với sự gắn kết sâu USD như vậy trong hệ thống kinh tế – tài chính thế giới, số phận USD thật ra được nhiều người rất quan tâm. Như đã biết, kho dự trữ quốc gia TQ hiện giữ số tài sản tính bằng USD lớn nhất thế giới và đó là lý do tại sao dù bắt đầu tăng tỉ lệ dự trữ vàng nhưng chắc chắn Bắc Kinh rất thận trọng trong động thái mua vàng, sao cho không ảnh hưởng mạnh lên giá trị USD và làm biến động dẫn đến xáo trộn kinh tế thế giới mà chắc chắn TQ không thể không chịu hiệu ứng “hồi mã thương”.
Trung Quốc hẳn hiểu rằng, thị trường vàng nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường tiền tệ. Đây có thể được xem là một mâu thuẫn có logic trong chính sách (vĩ mô) cân bằng mọi đối trọng. Nói cách khác, trong cuộc so găng giành quyền lực với vàng, với sự chọn lựa mức độ khả tín đối với hệ thống dự trữ thế giới, USD vẫn duy trì vị thế của nó. Nói như Chris Mayer thuộc trang web tài chính – kinh tế “Capital & Crisis”, USD là một đơn vị tiền tệ “có thương hiệu”; hay “một Coca-Cola của các thương hiệu tiền tệ”, theo James Grant thuộc trang tin mạng “Grant’s Interest Rate Observer”. Khi so USD với vàng, có lẽ cần phân biệt rõ và tránh ngộ nhận giữa khái niệm liên quan đến loại tài sản để dành (vàng) với giá trị và đặc tính thanh khoản của một đơn vị tiền tệ (USD).
Điều gì sẽ xảy ra với hệ thống tài chính – mậu dịch – kinh tế thế giới nếu đột nhiên USD tắt thở, biến mất khỏi hàng tỉ giao dịch thương mại lớn nhỏ mỗi ngày và nó bỗng dưng trở thành một thứ giấy lộn? Toàn bộ hệ thống tài chính – kinh tế thế giới chắc chắn sụp đổ và hỗn loạn! Không cần là chuyên gia kinh tế, ai cũng có thể hình dung điều này. Đến nay, ngay cả euro, chứ đừng nói NDT, còn chưa so nổi với tính quốc tế của USD. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến cuối năm 2007, có đến 64% tất cả nguồn lưu giữ ngoại hối là USD. Và tính đến cuối năm 2008, khoảng 45% chứng khoán nợ (debt securities) quốc tế đều được quy bằng USD, so với 32% euro. Theo khảo sát thường kỳ 3 năm một lần (công bố năm 2007) của “Bank for International Settlements”, USD được sử dụng trong 86% giao dịch ngoại hối toàn cầu, so với 38% euro. Chưa hết, tính đến tháng 4/2008, theo IMF, có đến 66 quốc gia dùng USD làm tỉ giá hối đoái chủ lực, so với 27% euro.
Nói như Giáo sư Benjamin Cohen thuộc Đại học California – Santa Barbara, USD “vẫn là đơn vị tiền tệ dẫn đầu trong hầu hết lĩnh vực”. Kinh tế gia Richard Cooper thuộc Đại học Harvard cho biết, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) lâu nay vẫn có thói quen đánh giá lại USD và cố tìm đơn vị tiền tệ khác thay thế mỗi khi USD mất giá và cứ mỗi lần như thế họ lại kết luận chẳng có đồng tiền nào thay được USD. Cohen nói thêm, dù nhiều nước bắt đầu đưa thêm euro vào kho dự trữ từ khi đồng tiền này xuất hiện năm 1999, số USD trong kho dự trữ các quốc gia không những không giảm đi mà lại tăng 2,5 lần trong cùng thời gian và rằng, tỉ lệ USD trong kho dự trữ các nước thật ra nhiều hơn so với đầu thập niên 90 của thế kỷ trước!
Năm 1990, USD chiếm 45% tỉ lệ dự trữ thế giới và con số này hiện nay là 65% (tỉ lệ thế giới dự trữ USD vào năm 1999, thời điểm euro được phát hành, thậm chí vọt lên đến 71,5%). Phân tích Cohen cho thấy, người ta dường như nhầm lẫn hai yếu tố khi đánh giá vai trò USD: 1- Tính không ổn định của USD trong các thị trường ngoại hối (bị tác động trực tiếp và chịu ảnh hưởng ngắn hạn bởi những sự kiện thời sự); 2 – Vai trò cấu trúc USD về trung và dài hạn (với chỗ đứng cao nhất hiện nay) trong hệ thống kinh tế toàn cầu (tất cả diễn biến đang xảy ra với kinh tế thế giới và nhận định kèm theo về số phận USD chính là thể hiện của yếu tố thứ nhất). Nói cách khác, USD và giá trị của nó thường bị chi phối bởi những ảnh hưởng thời sự; và sự thay đổi ngắn hạn này (tăng – giảm giá trị) là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến vị trí (dài hạn) của nó như một đơn vị tiền tệ chủ lực trong nền kinh tế thế giới.
Như vậy, có thể thấy việc TQ muốn dùng vàng để đẩy NDT lên và đè USD xuống thật ra là một đòn nguy hiểm mà kẻ bị thiệt đầu tiên lại chính là họ. Điều đó “kém thông minh” chẳng khác gì so với việc TQ thực hiện chính sách mua công trái Mỹ cốt để lấy oai là chủ nợ lớn nhất của Mỹ khiến bây giờ họ như đang ngồi trên đống lửa bởi giá USD giảm từng ngày từng giờ!
Cao Minh
Bài 1: Tại sao vàng tăng giá?
(Petrotimes) - Thị trường vàng liên tục tăng giá. Vàng liên tiếp “làm mình làm mẩy”. Vì sao?
Miếng kim loại quý gọi là vàng vô tri, vô giác luôn trở nên “nhạy cảm” đặc biệt trước tất cả thông tin liên quan sức khỏe kinh tế. Vàng đã vọt lên 1.628,05USD/ounce vào ngày 27/7/2011, trước tin cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc. Giá vàng tăng còn do sự thay đổi chiến lược kinh tế của một số nước. Một số dự báo cho biết vàng thậm chí có thể lên đến 2.000-3.000USD/ounce…
Ai có thể quyết định giá vàng?Đầu tiên, thử tìm hiểu xem ai có thể định giá vàng? Tất nhiên, không phải bà chủ tiệm vàng niêm yết giá trên tấm bảng thường thấy trong hiệu kim hoàn mỗi sáng hàng ngày! Những người có thể ra quyền sinh sát cho giá vàng chỉ là một nhóm nhỏ tập đoàn tài chính hùng hậu hoạt động tại London (do vậy việc định giá vàng được gọi là “London Gold Fixing”), gồm 5 thành viên thuộc Hiệp hội Vàng London. Theo truyền thống, việc định giá vàng được tiến hành hai lần/ngày, lúc 10 giờ 30 phút (giờ GMT) và 15giờ (giờ GMT). Phiên định giá vàng đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội Vàng London được thực hiện vào thứ Sáu ngày 12/9/1919, với các thành viên N.M.Rothschild & Sons Ltd., Mocatta & Goldsmith, Pixley & Abell, Samuel Montagu & Co. và Sharps Wilkins; và giá vàng được ấn định lúc đó là 4,9375 bảng Anh/troy ounce (khoảng 7,5USD thời điểm hiện tại). Chỉ hai lần trong lịch sử, bởi ảnh hưởng chiến tranh, việc định giá vàng từ London mới bị hoãn (năm 1939 và 1954).
Tiến trình định giá vàng được thực hiện tại văn phòng thuộc trụ sở N.M.Rothschild & Sons (ở phố St.Swithin’s Lane, London), khi 5 đại diện gặp nhau và cùng thống nhất giá. Đơn vị chuẩn là thỏi vàng khoảng 400 oz (chừng 11,3kg; gọi là Good Delivery Bar). Đầu tiên, vị chủ tịch sẽ nêu giá khởi điểm (căn cứ theo báo cáo cập nhật thị trường được gửi về bởi đại diện từ các đại lý chính). Tiếp đó, vị chủ tịch hỏi ai muốn mua và ai muốn bán; đồng thời lượng vàng thỏi 400 oz có thể được giao dịch thời điểm đó là bao nhiêu. Nếu giá giao dịch không cân bằng với giá khởi điểm, vị chủ tịch đề nghị một giá mới cao hoặc thấp hơn. Nếu trong phiên họp không ai dựng lá cờ Vương quốc Anh lên tại vị trí mình ngồi để ra hiệu cần được thương lượng thêm, vị chủ tịch sẽ tuyên bố giá vàng chính thức được giao dịch toàn cầu thời điểm đó.
Trong lịch sử, phiên họp định giá lâu nhất diễn ra vào ngày 19/10/1987 với hơn 2 tiếng, khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ. Trước đó, ngày 21/1/1980, 5 “đại gia” vàng thế giới cũng lần đầu tiên định giá vàng lên đến 850USD/oz trong bối cảnh khủng hoảng chính trị nghiêm trọng Trung Đông, giá dầu leo thang và lạm phát tăng vù vù. Suốt nhiều thế kỷ, tiến trình định giá vàng diễn ra đều đặn; cho đến ngày 5/5/2004, việc họp định giá bắt đầu được thực hiện qua điện thoại sau khi N.M.Rothschild & Sons tuyên bố rút khỏi Hiệp hội Vàng London và được thay bằng Barclays Bank (cũng từ đó, vị trí chủ tịch – vốn được gia đình Rothschild giữ lâu nay – được thay luân phiên thường niên).
Khi họp qua điện thoại, truyền thống dựng cờ được thay thế bằng cách nêu chữ “lá cờ”; và chủ tịch kết thúc buổi “làm giá” bằng cách nói “Không có lá cờ nào và chúng ta đã thống nhất định giá”. Hiện thời, 5 thành viên Hiệp hội Vàng London gồm Scotia – Mocatta (“hậu duệ” Mocatta & Goldsmith và là chi nhánh thuộc Ngân hàng Nova Scotia); Barclays; Deutsche Bank (chủ sở hữu Sharps Pixley – tập đoàn được sáp nhập từ Pixley & Abell và Sharps Wilkins); HSBC (chủ sở hữu Samuel Montagu) và Société Générale. Dù thay tên đổi chủ như thế nào, thị trường vàng thế giới ngày nay cũng luôn hành xử theo lời phán hai lần mỗi ngày từ ngũ đại gia trên.
Vàng và sức khỏe kinh tếThị trường vàng liên tục tăng giá. Vàng liên tiếp “làm mình làm mẩy”. Vì sao? Năm 2001, giá vàng chỉ ở mức 270USD/oz với chi phí sản xuất chừng 160USD/oz. Năm 2007, chi phí sản xuất vọt lên gần 400USD/oz và giá vàng thẳng tiến qua ngưỡng 800USD/oz. Đó là một trong những lý do khiến vàng tăng giá. Cơn sốt vàng bùng nổ toàn cầu là lý do dễ thấy nhất của việc tăng giá vàng. Không chỉ vàng miếng, vàng nữ trang và thậm chí tiền vàng cũng đang được mua ào ạt. Với giới đầu tư cổ phiếu các công ty khai thác, kinh doanh vàng, tất nhiên, đây là thời điểm mua kỷ lục.
Lý do khiến vàng leo thang là điều nhiều người đã biết: đồng USD mất giá, trong bối cảnh chính sách kích cầu Mỹ mang lại hiệu quả khiêm tốn và thâm thủng ngân sách Mỹ lẫn châu Âu tiếp tục tăng, khiến ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục bơm hàng ngàn tỉ USD ra thị trường mà một trong những ảnh hưởng tiêu cực của nó là tác động lên khu vực bất động sản, khiến thị trường này có nguy cơ trở thành quả bong bóng vỡ bất cứ lúc nào, khiến suy thoái càng nghiêm trọng và lạm phát phi mã là điều khó tránh.
Trong nhiều yếu tố khiến vàng tăng giá, còn có vài lý do nữa. Việc xóa sổ các thiên đường trốn thuế khắp thế giới cũng như chính sách mới của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ về việc công bố danh tính khách hàng (trước yêu cầu từ Luật Chống rửa tiền) cũng khiến dân giàu có khuynh hướng sắm vàng (để “giữ của” bí mật hơn) thay vì dốc tiền vào két nhà băng. Ngoài ra, cầu vượt cung cũng khiến vàng tăng giá. Hội đồng vàng thế giới cho biết, tổng nguồn cầu vàng thế giới tăng khoảng 7% trong 3 năm từ 2005-2008; trong cùng thời gian, nguồn cung giảm khoảng 4%. Năm 2008, nguồn cầu vàng đã nhỉnh hơn nguồn cung (4.155 tấn so với 3.862 tấn)… Và vàng sẽ còn tăng nếu USD tiếp tục mất giá, cùng với việc các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục mua vàng dự trữ.
Cần chú ý, việc các ngân hàng trung ương trở thành người mua thay vì là người bán là một khuynh hướng xảy ra lần đầu tiên trong 21 năm qua. Liên tục từ quý III/2009 đến nay, nhiều ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục mua vàng. Chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 200 tấn vàng, so với 260 tấn của cả năm 2010. Nói cho đúng hơn, việc một số ngân hàng trung ương rục rịch mua vàng thật ra không là hiện tượng hoàn toàn mới mà là sự trở lại của khuynh hướng cất vàng từng phổ biến trong quá khứ. Sau giai đoạn đỉnh điểm với dự trữ khoảng 38.000 tấn giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, nguồn dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương thế giới bắt đầu giảm, từ khi Mỹ ngưng định giá USD bằng vàng vào đầu thập niên 70.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến giá vàng thăng thiên nữa là ảnh hưởng từ công nghiệp khai thác vàng. Đầu năm 2002, Newmont Mining (Mỹ) mua Normandy Mining (Australia) với giá 4,56 tỉ USD (tiền mặt lẫn cổ phiếu), trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Ngày 5/8/2003, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới AngloGold (tại Nam Phi) mua Ashanti Goldfields (tại Ghana) với giá 1,09 tỉ USD. Trước đó, năm 2001, Barrick Gold (Canada) mua Homestake Mining (Mỹ) để trở thành công ty khai thác vàng lớn thứ ba thế giới; rồi vào ngày 20-1-2006, Barrick lại mua phần lớn cổ đông trong Placer Dome (Canada; vốn là nhà sản xuất lớn thứ năm thế giới). Loạt thương vụ trên dẫn đến việc hình thành những quyết định sản xuất có trật tự hơn và từ đó dễ khống chế giá hơn, đặc biệt trong thời điểm tâm lý thị trường dễ hoang mang khi mà nền kinh tế Mỹ sụt giảm và USD mất giá dẫn theo nhiều biến động toàn cầu.
Đầu tư vàng lợi hay hại?Với dân đầu tư vàng chuyên nghiệp, họ xét đến các yếu tố kinh tế vĩ mô để quyết định gom vào hay nhả ra. Đó là các chỉ số kinh tế như tỉ lệ tăng trưởng GDP, lạm phát, tỉ lệ lãi suất, thang giá năng lượng… Họ cũng săm soi các số liệu liên quan nguồn cung và nguồn cầu của vàng. Đó là những thông số hữu ích giúp dự báo khí tượng của thời tiết thị trường vàng. Năm 2005, Hội đồng vàng thế giới dự báo tổng nguồn cung vàng toàn cầu là 3.859 tấn/năm trong khi nguồn cầu là 3.754 tấn (có nghĩa dôi ra được 105 tấn). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho rằng, tổng sản lượng khai thác vàng thế giới đạt khoảng 2.500 tấn/năm; thị trường bị hụt 1.300 tấn và phần này được bù vào bởi lượng vàng bán ra từ các ngân hàng trung ương cũng như tư nhân.
Tất cả cho thấy sản lượng vàng có thể xê dịch không đáng kể, ít nhất tương lai gần, trong khi lượng cung/cầu phụ thuộc tỉ lệ sở hữu, nhà nước lẫn tư nhân, lại rất không ổn định. Nó cho thấy vàng là loại hàng hóa không giống hầu hết các loại hàng hóa thông thường. Chẳng có hàng hóa nào thích õng ẹo theo tâm lý thị trường bằng vàng. Nhắm vào yếu tố tâm lý bất thường khi thận trọng đầu tư vàng trong bối cảnh nhiễu loạn để có thể kiếm chút tiền lãi là một chuyện nhưng liều lĩnh chọn giải pháp mạnh tay, chẳng hạn cầm nhà (với những người vốn chẳng có tài lực dồi dào nhưng muốn kiếm quả đậm) để dốc toàn lực chơi vàng xem chừng mất trắng là khả năng không phải không xảy ra. Trong thực tế, một khi kinh tế vốn đang chứa đầy yếu tố bất trắc, tính bất trắc đã nằm ngay trong gần như mọi hoạt động đầu tư, trong đó có đầu tư vàng!
Ky cóp thủ vàng (tâm lý chung của mọi thời đại khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn) chưa hẳn là giải pháp dành dụm tốt; và chơi vàng (đầu tư trục lợi) càng cho thấy rõ hơn… bộ mặt “đểu” của vàng! Một hũ vàng chắt mót được chôn ở gốc chuối sau vườn từ thời điểm giá vàng 850USD/oz vào thập niên 80 trong thực tế gần như chẳng mang lại đồng lời nào ở thời điểm hiện nay! Tại sao? Nếu xét đến yếu tố lạm phát và trượt giá, hũ vàng trên thật ra đã mất giá trị trong cùng thời gian. Trong khi đó, một vụ đầu tư vào cổ phiếu các công ty trong danh sách Standard & Poor’s 500 có thể tăng hơn 12%/năm trong cùng thời gian; tức 100USD nay đã biến thành 1.800USD – như phân tích từ Chuyên san Kinh tế “Forbes”. “Tôi không nghĩ vàng là thứ mua cất giữ tốt khi xét đến yếu tố đầu tư lâu dài” – nhận xét của Franklin Allen, Giáo sư Tài chính Trường Kinh Thương Wharton thuộc Viện đại học Pennsylvania.
Trong quyển “Stocks for the Long Run”, Giáo sư Jeremy Siegel (Trường Wharton) cho biết, 1USD đầu tư vào vàng năm 1801 chỉ tăng lên 1,95USD vào cuối năm 2006, trong khi 1USD bỏ vào rổ chứng khoán có thể tăng đến hơn 755.000USD; và 1USD đầu tư vào trái phiếu dài hạn cũng đã có thể tăng hơn 1.000USD! “Ở thời xảy ra khủng hoảng tài chính, căng thẳng lạm phát, khi xuất hiện nỗi sợ đồng tiền mất giá, vàng là một giải pháp; tuy nhiên, khi nỗi sợ qua đi, vàng luôn đi xuống” – Siegel nói thêm. Trên “New Yorker”, tác giả James Surowiecki cũng nói rằng, vàng là một chọn lựa không tốt đối với đầu tư. Thậm chí với cú sốc tăng giá hiện tại, giá vàng thật ra tăng gần như… 0% kể từ năm 1988 (khi xét kèm yếu tố trượt giá). Surowiecki viết: “Nếu đầu tư vào một công ty, bạn đang đầu tư vào máy móc, kỹ thuật và con người. Nếu mua thép, bạn đang đầu tư vào thứ gì đó mà người ta chắc chắn cần. Nhưng nếu đầu tư vàng, bạn – một cách cơ bản – đang đánh cược rằng, ngày nào đó có kẻ nào đó khờ hơn mình xuất hiện và nghĩ rằng vàng có giá hơn bạn nghĩ. Nói cách khác, đầu tư vàng chẳng khác gì bạn mua cho mình lọ thuốc ảo giác tổng hợp, theo cách giống hệt những nhà đầu tư dotcom (Công ty Internet) từng làm như thế cuối thập niên 90. Người ta có thể nói vàng là quả bong bóng to nhất và dai nhất lịch sử. Một ngày nào đó, quả bong bóng này cũng vỡ”.
15 nước – lãnh thổ có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới 1- Mỹ với 8.133,5 tấn; 2- Đức với 3.401 tấn; 3- Italia với 2.451,8 tấn; 4- Pháp với 2.435,4 tấn; 5- Trung Quốc với 1.054,1 tấn; 6- Thụy Sĩ với 1.040,1 tấn; 7- Nga với 792,3 tấn; 8- Nhật với 765,2 tấn; 9- Hà Lan với 612,5 tấn; 10- Ấn Độ với 557,7 tấn; 11- Đài Loan với 423,6 tấn; 12- Bồ Đào Nha với 382,5 tấn; 13- Venezuela với 365,8 tấn; 14- Arập Xêút với 322,9 tấn; 15- Anh với 310,3 tấn. |
Cao Minh