Tập quán truyền thống đối với người chết dường như ở quốc gia nào cũng giống nhau, như câu ngạn ngữ Việt Nam “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng có lẽ chỉ trong một xã hội dân chủ văn minh và cởi mở con người mới có thể cư xử với nhau bằng lòng bao dung, cao thượng, kể cả với kẻ đối nghịch chính trị.
1. Andrzej Lepper, chính trị gia Ba Lan
Cái chết của chính trị gia Ba Lan A. Lepper, khiến tôi có những suy nghĩ và hồi tưởng, liên hệ, vì rất ngẫu nhiên, đúng 9 năm ngày trung tướng Trần Độ qua đời, ngày 9/8/2002.
Ông A. Lepper chết hôm 5/8/2011, thọ 57 tuổi, theo những xác định ban đầu của Công tố viện là treo cổ tự tử.
Ông Lepper là nhà hoạt động công đoàn, doanh nhân, đã từng là đảng viên đảng cộng sản Ba Lan trong giai đoạn 1978-1980.
Năm 1991, Lepper nổi bật lên với sự kiện vận động nông dân dùng xe máy kéo chắn bất hợp pháp các tuyến đường giao thông, chống lại chính sách của chính phủ Ba Lan đối với khu vực nông thôn.
Sau sự kiện ầm ĩ này ông và đồng sự thành lập đảng Tự Vệ (Samoobrona) được xem là tổ chức chính trị bảo vệ quyền lợi cho nông dân và những người nghèo, nhưng cũng có nhiều người cho rằng, đây thực chất là một đảng theo chủ nghĩa dân tuý (populism).
Năm 2002, với khẩu hiệu bảo vệ sản xuất nội địa của nông dân Ba Lan, chống lại chính sách nhập khẩu lúa mì của chính phủ, Lepper đã cho các thành viên của đảng mình xả xuống đất toàn bộ lúa mạch từ bảy toa xe lửa nhập từ Đức về, và tuyên bố sẽ mang lúa mạch này rải tiếp tại trụ sở quốc hội hay giữa thủ đô Warszawa.
Đảng Tự Vệ của Lepper nói chung không nhận được sự ủng hộ nhiều ở Ba Lan, tuy nhiên ông rất bền bỉ trong các cuộc vận động tranh cử. Tại khu vực địa phương Lepper đã được bầu là đại biểu quốc hội của Ba Lan dân chủ hai nhiệm kỳ 4 và 5 (2001-2007). Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch quốc hội (2 tháng), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Phó Thủ tướng trong một chính phủ liên minh (gần 5 tháng) vào năm 2007. Ông cũng đã liên tiếp ra tranh cử Tổng thống Ba Lan vào các năm 1995, 2000, 2005 và 2010, nhưng đều nhận được kết quả thấp thảm hại, khoảng 1-2%.
Ông Lepper đối lập dường như với mọi Tổng thống Ba Lan và các đảng cầm quyền kể từ khi Ba Lan có dân chủ vào năm 1989, thậm chí đối kháng với cả người đứng đầu chính phủ mà ông là liên minh một thời gian ngắn, rồi bị bãi nhiệm. Ông gây không ít khó chịu, bực bội cho tất cả chính khách của các đảng khác, qua các phát biểu, nhiều lần sỉ nhục các nhà lãnh đạo của chính phủ, gọi họ là “quân ăn cắp”, gọi nội các của chính phủ là “nhà thổ”. Có lần ông và các thành viên của đảng phong toả micro, bao vây bục phát biểu trong phiên họp quốc hội, phản đối chính phủ cầm quyền hạn chế thời gian diễn thuyết của ông.
Vì các hành vi “nổi loạn” và vượt quá giới hạn, Lepper đã phải ra hầu toà nhiều lần với những bản án phạt tiền, và cao nhất có lần tới mức án tù 15 tháng được thực hiện bằng án treo 5 năm.
Đảng Tự Vệ (Samoobrona) chắn đường giao thông - Ảnh Tư liệu
Nói chung, đảng Tự Vệ của Lepper và bản thân ông không phải là khuôn mặt lớn trên sân khấu chính trị Ba Lan, nhưng được xã hội biết đến rộng rãi bởi những cá tính mạnh của ông, tốt thì không bao nhiêu, mà xấu và gây tranh cãi thì nhiều. Trước lúc chết ông còn bị tai tiếng về một số scandal vẫn chưa kết thúc. Khả năng lọt vào quốc hội của đảng ông trong cuộc bầu cử năm nay rất nhỏ, nếu không nói là vô vọng.
Thế nhưng, chính phủ cầm quyền hiện tại của Ba Lan, đối lập với đảng Tự Vệ của Lepper, sau khi gia đình đồng ý, đã quyết định tổ chức tang lễ của ông ở cấp nhà nước vào thứ Năm, ngày 11/8/2011.
Quyết định này của chính phủ Ba Lan được sự đồng tình cao của dư luận xã hội. Người ta nói rằng, có những khuôn mặt như ông Lepper sẽ làm sinh động thêm sân chơi dân chủ và càng khẳng định thêm giá trị tích cực của tính đa nguyên, đa đảng trong xã hội dân chủ.
Cựu Thủ lĩnh Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, Tổng thống dân cử đầu tiên của Ba Lan dân chủ Lech Walesa cũng tới dự tang lễ.
Đội quân danh dự chờ linh cữu của Lepper từ nhà thờ ra trong lễ tang ngày 11/8/2011
2. Trung tướng Trần Độ - CHXHCN Việt Nam
Với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trong rất nhiều trường hợp mức độ táng tận lương tâm với người nằm xuống thật khủng khiếp!
Như đã nói ở trên, tôi nhớ tới đám tang trung tướng Trần Độ (tức Tạ Ngọc Phách). Ông sinh ngày 23/9/1923, qua đời ngày 9/8/2002, tới khi tôi viết bài này tròn đúng 9 năm.
Cái chết và đám tang của ông đã làm cho tôi và nhiều người vừa thương tiếc, vừa cùng xúc động, nhưng cũng rất bất bình trước tâm địa tiểu nhân và ác bá của lãnh đạo ĐCSVN.
Trung tướng Trần Độ là công thần của chế độ. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, năm 17 tuổi ông đã bị bắt tù, trải qua nhiều nhà giam, rồi trốn thoát. Ông là người lính xông pha trên nhiều trận mạc trong Nam, ngoài Bắc, có công lao lớn đối với chế độ, từng giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước Việt Nam và ĐCSVN, trong đó có chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương Đảng.
Tướng Trần Độ được xem là cha đẻ của giai đoạn “cởi trói” cho lãnh vực văn hoá, nghệ thuật, tạo ra môi trường sáng tác thông thoáng, mở cửa cho những tác phẩm nổi tiếng lúc bấy giờ ra đời của các tác giả Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, v.v…
Cùng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, trung tướng Trần Độ đi tiên phong trong công cuộc “đổi mới” sau đại hội đảng VI, kéo Việt Nam ra khỏi bờ vực của tình trạng cả nước gần như kiệt quệ vì đói, xây dựng nền móng đầu tiên cho nền kinh tế nhiều thành phần hôm nay.
Sau khi ông Nguyễn Văn Linh vì sức ép nặng nề của phe bảo thủ, cương quyết rút lui khi kết thúc nhiệm kỳ 1986-1991, tư tưởng cải cách mạnh mẽ của tướng Trần Độ đã làm lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN là cặp Đỗ Mười – Lê Đức Anh lo ngại và nổi giận.
Ông kêu gọi: "Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng…".
Ông bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Việt Nam năm 1999.
Bốn câu thơ dưới đây của ông nói lên tâm trạng ngao ngán và cay đắng của thời thế:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
Tướng Trần Độ đã có rất nhiều bài viết, tiểu luận chính trị, văn học, nhưng được nhiều người chú ý đọc nhất là cuốn “Nhật ký Rồng – Rắn” viết về cuộc đời và hoạt động của ông từ trước 1945 đến 1975 và “chung quanh công cuộc đổi mới, những niềm vui và niềm vui chưa trọn”.
Trong buổi tang lễ ông có sự tham dự đông đảo của mọi tầng lớp quần chúng mến mộ, đặc biệt trí thức, văn nghệ sĩ và hơn 40 đoàn nhà báo trong nước và quốc tế.
An ninh chìm, nổi đông đúc, từ trong ra ngoài, đã thô bạo theo dõi, kiểm tra người tới dự lễ tang, ngang ngược bỏ dòng chữ “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ” trên băng rôn của các vòng hoa viếng, thay vào đó băng rôn khác được chuẩn bị sẵn với dòng chữ “Kính viếng ông Trần Độ”, trừ vòng hoa duy nhất của đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì đại tá Huyên, thư ký của tướng Giáp đã phản đối quyết liệt và gọi điện thoại cho thượng cấp can thiệp. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Sau lễ tang, có khoảng trên 200 vòng hoa thì chỉ 7 vòng của gia đình và của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An được để lại băng chữ, còn lại bao nhiêu của khách bị bóc ruột hết!
Bài điếu văn do một quan chức ở cấp bậc bất xứng, ông Vũ Mão, uỷ viên Ủy ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban lễ tang, đọc với một giọng vô cảm và kết thúc bằng câu "Chỉ tiếc rằng, trong những năm cuối đời, ông đã mắc một số sai lầm, khuyết điểm", đã bị ông Tạ Toàn Thắng, con trai cả của tướng Trần Độ đáp lại: "Gia đình chúng tôi không chấp nhận lời điếu".
Kết luận
Ông A. Lepper và trung tướng Trần Độ, cả hai người đều đã từng là đảng viên cộng sản, cùng là những nhà hoạt động chính trị, nhưng ở hai môi trường khác nhau, hai quốc gia khác nhau. Một ở Ba Lan, một thời là anh em cùng ý thức hệ của Việt Nam trong khối xã hội chủ nghĩa, nhưng nay là đất nước dân chủ, tự do. Một ở Việt Nam, nơi đang tồn tại một chế độ cộng sản cực đoan còn sót lại sau khi hệ thống cộng sản ở Đông Âu và thành trì của cách mạng Liên Xô sụp đổ.
Hai thể chế chính trị khác nhau, hai văn hoá cư xử hoàn toàn trái ngược nhau!
Không chỉ đối với những người bất đồng chính kiến, mà còn cả trong ý nghĩa của tình người “nghĩa tử là nghĩa tận”.■
© Lê Diễn Đức – RFA Blog
Ngày 9 -10/8/2011 – Nhân 9 năm ngày mất của Trung tướng Trần Độ.
-Nguồn: Blog Lê Diễn Đức/RFA