Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Lao động TQ tại Nhân Cơ: Kiến nghị trục xuất nếu không đủ hồ sơ

-Kiến nghị trục xuất nếu không đủ hồ sơ (TT12/08)
 TT - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Nguyên, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội Đắk Nông,  sau bài viết “Lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ (Đắk Nông): phần lớn không có bằng cấp”. Ông Nguyên cho biết:
Ông Nguyễn Đức Nguyên - Ảnh: Trung Tân
- Thời hạn tối đa để cơ quan chức năng Đắk Nông “chờ đợi” số lao động không phép người Trung Quốc này hoàn chỉnh bằng cấp và lý lịch tư pháp là hai tháng kể từ ngày 5-8 (ngày phát hiện số lao động Trung Quốc không phép - PV). Sau đó nếu ai không đủ điều kiện cấp phép lao động, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công an trục xuất khỏi Việt Nam.
Khó kiểm soát chất lượng lao động
* Trực tiếp kiểm tra ở công trường Nhà máy alumin Nhân Cơ, ông có nhận định gì về những việc mà lao động Trung Quốc đang làm?
- Tôi không khẳng định họ là lao động giản đơn, vì tôi không cấp phép cho lao động giản đơn nào cả. Nhưng qua kiểm tra tại công trình, đúng là rất nhiều lao động Trung Quốc làm những việc rất đơn giản như cột dây thép, ráp giàn giáo, uốn sắt như Tuổi Trẻ nêu... Tôi đặt vấn đề với nhà thầu, họ xác nhận đó là việc giản đơn nhưng bố trí ai làm là việc của họ. Có một số việc lao động Việt Nam làm không được như lắp giàn giáo móng ở độ sâu hàng chục mét, làm việc liên tục 15, 16 tiếng/ngày, đồng thời tính kỷ luật của công nhân Việt Nam không cao bằng.
* Chủ trương của Nhà nước ta là không cho phép đưa lao động phổ thông người nước ngoài vào Việt Nam, vì sao lại có đến 193 lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhân Cơ?
- Cần phải nói dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ là dự án EPC (thầu trọn gói). Người ta coi nó giống như một gánh hát: có kép chính, kép phụ, kéo phông, bưng bê... Bởi thế nhà thầu Chalieco cũng có kỹ sư, công nhân, lái xe, tạp vụ...
Về nguyên tắc, đúng là không cấp phép cho lao động giản đơn ngoài nước nhưng luật lại có thêm hướng mở là cho phép lao động có thâm niên năm năm kinh nghiệm. Chữ “kinh nghiệm” này rất trừu tượng, kinh nghiệm lao động phổ thông hay kỹ thuật không thấy nói. Việc xác nhận lao động có kinh nghiệm lại hoàn toàn do nước mà lao động mang quốc tịch xác nhận, đơn vị cấp phép lao động chỉ biết căn cứ vào đấy để cấp phép. Nếu chỉ kinh nghiệm ba năm nhưng họ xác nhận năm năm thì cũng chịu. Mình đâu thể qua nước họ để kiểm tra được, “chết” là ở chỗ ấy! Ngay cả các kỹ sư, chuyên gia chúng tôi chỉ có bản công chứng của Trung Quốc, bản dịch của tư pháp. Còn bằng thật, chúng tôi không thấy.
Có lỗi của cơ quan quản lý
* Ban quản lý dự án alumin Nhân Cơ xác nhận số lao động Trung Quốc không có giấy phép luôn dưới 50%. Ông có thấy bất thường?
- Có hai nguyên nhân: do lao động Trung Quốc không có lý lịch tư pháp và chứng minh bằng cấp chuyên môn. Lao động Trung Quốc cứ lý giải là khi đi làm ở nước ngoài không khi nào mang theo chứng nhận bằng cấp. Nhưng chúng tôi kiên quyết, sau một tháng không bổ sung sẽ xử phạt, nếu không bổ sung được sẽ kiến nghị trục xuất. Còn lao động không phép cao là do ban quản lý dự án alumin không báo cáo sớm, theo quy định có lao động đến là ban quản lý phải báo.
* Vậy nếu ban quản lý dự án alumin không báo cáo thì mình cũng không biết?
- Có biết chứ, vì chúng tôi có kiểm tra.
* Vậy tại sao có tới 172 lao động Trung Quốc không có giấy phép tại Nhân Cơ, nhiều người đã đến Nhân Cơ 4-5 tháng mới phát hiện?
- Thật ra không phải lúc nào chúng tôi cũng bám theo các công trường, thanh tra lao động của sở chỉ có bốn người. Nhưng qua việc này chúng tôi thừa nhận là có sự chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình lao động Trung Quốc tại Nhân Cơ. Vừa rồi chúng tôi có chấn chỉnh rất nhiều, không chỉ riêng Sở Lao động - thương binh & xã hội, cả các sở, ban ngành khác cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt với những sai phạm của các lao động Trung Quốc.
V.SỰ - T.TÂN - Đ.PHƯƠNG
Kiên quyết xử lý
Đánh giá về tình hình lao động Trung Quốc tại công trình xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ, bà Bùi Thị Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - nói:
- Trong cuộc họp giao ban mới đây, UBND tỉnh có giao Sở Lao động - thương binh & xã hội kiểm tra, rà soát số lượng lao động chưa được cấp phép, có vi phạm gì không để có hướng xử lý. Nếu họ vi phạm, không thực hiện cam kết, quan điểm của UBND tỉnh là kiên quyết xử lý, nhưng trước mắt là xử lý hành chính...
* Với một dự án lớn như xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ nhưng lao động địa phương ít có cơ hội làm việc, bà đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi không bình luận về góc độ cá nhân. Cần nói thêm, khi các nhà thầu hợp đồng với mình đều có những cam kết, ràng buộc về mọi mặt, vì vậy trách nhiệm của địa phương là theo dõi họ làm có đúng cam kết hay không để nhắc nhở, điều chỉnh. Tuy phải làm chặt chẽ nhưng cần có tinh thần xử lý hài hòa.

- ‘Thiếu kiểm tra nên mới có nhiều lao động nước ngoài ở Tây Nguyên’ (VNE) -Trước lo ngại của cử tri về lao động Trung Quốc không có giấy phép tại 2 dự án xây dựng nhà máy alumin (Tây Nguyên), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đơn vị chức năng đã có lỗi khi giám sát, kiểm tra không tốt.> Tháng 9 sẽ có sản phẩm alumin đầu tiên
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam không có chủ trương cho người nước ngoài vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên. “Hiện nay, Trung Quốc trúng thầu cung cấp thiết bị lắp đặt nhà máy luyện alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), chứ không phải là khai thác alumin. Số lao động nước ngoài sau khi xây dựng xong, bàn giao nhà máy, chuyển giao công nghệ và quản lý vận hành cho phía Việt Nam, sẽ trở về nước"”. Theo Chủ tịch nước, đây là hai dự án thí điểm ban đầu gồm 100% là vốn của Việt Nam. Dự án phải đảm bảo được 3 yếu tố công nghệ hiện đại, môi trường môi sinh và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, vấn đề quốc phòng an ninh sẽ được đặc biệt chú ý khi đưa vào khai thác.


Thừa nhận chức năng giám sát của Quốc hội có nhiều hạn chế về hiệu quả, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, sẽ nghiên cứu xem xét lại luật giám sát để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Tá Lâm

Cần siết chặt lao động phổ thông nước ngoài (TT).

-   Lao động TQ tại Nhân Cơ: Phần lớn không có bằng cấp TT - Mặc dù đăng ký là công nhân kỹ thuật cao, nhưng hầu hết công nhân ở công trường này đều không có mảnh giấy lận lưng! Đáng lưu ý hơn, gần 60% lao động trong số này không có giấy phép.
A Trung (trái) - một công nhân Trung Quốc - với công việc khá đơn giản là ráp giàn giáo cùng với nhiều công nhân Việt Nam - Ảnh: VIỄN SỰ
190/312 lao động Trung Quốc đang xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ được nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đăng ký với danh nghĩa công nhân kỹ thuật cao. Thế nhưng thực tế cho thấy hầu hết không ai có “miếng giấy lận lưng” để chứng minh là công nhân kỹ thuật cao.
Chiều 10-8, ông Nhan Xương Lâm - quản đốc của Công ty Xây dựng số 6 (nhà thầu phụ của Chalieco) - dẫn chúng tôi vào khu vực thi công của công ty khi có hơn 20 công nhân Trung Quốc đang lao động với chung một công việc khá quen thuộc: uốn sắt, cưa ván ép và ráp giàn giáo.
Làm việc không khác công nhân Việt Nam
Ông Nhan Xương Lâm cho biết tất cả lao động của Công ty Xây dựng số 6 đều quê ở nhiều vùng nông thôn Hà Nam, một tỉnh miền bắc Trung Quốc, được công ty đưa sang Việt Nam hơn bốn tháng. Ông Lâm bảo: “Bên Trung Quốc lương không cao bằng Việt Nam nên họ đăng ký đi nhiều lắm”.
Trong một góc lán, hai công nhân Tống Đức Khắc và Lưu Tân Niên đang uốn sắt phục vụ việc đổ bêtông. Ông Khắc và ông Niên cho biết đây là công việc thường xuyên của họ. Khi chúng tôi hỏi ông Khắc việc uốn sắt này học từ trường nào, ông cười xuề xòa: “Việc cỏn con, làm nhiều thì quen, chẳng ai dạy. Tôi mới học hết lớp 10, chưa học qua trường nghề nào cả”. Tương tự, ông Niên cho biết chưa tốt nghiệp phổ thông, không có bằng cấp, rất khó kiếm việc lương cao tại Trung Quốc để nuôi gia đình bốn người gồm vợ chồng và hai con.
Tổng cộng trong khu vực lán có khoảng 15 công nhân Trung Quốc, trong đó khoảng 10 công nhân đang uốn sắt cùng với vài công nhân Việt Nam, số còn lại phụ nhau cưa những tấm ván ép. Cạnh đó là một công trường đang ráp giàn giáo có khá đông công nhân Việt Nam làm chung với công nhân Trung Quốc. Anh Toàn, công nhân gốc Thanh Hóa, cùng với A Trung (người Trung Quốc) ráp cốppha cho biết: “Họ cũng làm việc giống chúng tôi thôi, cả công trường này chỉ có một kỹ sư người Trung Quốc, còn lại là công nhân như chúng tôi cả”.
Ở khu vực sinh hoạt của Công ty Luyện kim số 12 - một nhà thầu phụ khác của Chalieco - có hai khu nhà dành riêng cho công nhân và cán bộ, kỹ sư riêng biệt. Khác hẳn với khu nhà dành cho kỹ sư và cán bộ tương đối vệ sinh, khu nhà dành cho công nhân Trung Quốc và Việt Nam ở chung gồm nhiều phòng nhưng rất bừa bộn.
Mỗi phòng diện tích hơn 10m2 có tới 12 người chen chúc nhau trên bốn chiếc giường ba tầng. Một số phòng khác rộng hơn nhưng cũng rất tạm bợ với chỗ ngủ là vài tấm ván đóng lại, dưới sàn lấm lem bùn đất. Trả lời thắc mắc của chúng tôi vì sao công nhân kỹ thuật bậc cao mà lại sinh hoạt tạm bợ như vậy, ông Vi Gia Nghiệp, đại diện nhà thầu Công ty Luyện kim số 12, cho biết gần 70 công nhân của công ty đều là lao động phổ thông, xuất thân từ vùng nông thôn, với họ việc ăn ở như vậy đã đáp ứng đủ nhu cầu.
Chỗ ở của công nhân Trung Quốc trên công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) - Ảnh: V.SỰ
Gần 60% lao động không có giấy phép
Theo số liệu của ban quản lý dự án alumin Nhân Cơ, đến ngày 7-8 tại công trình xây dựng nhà máy có 312 lao động Trung Quốc, trong đó có 190 người được đăng ký là thợ kỹ thuật cao. Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc công nhân Trung Quốc tại công trình Nhà máy alumin Nhân Cơ liệu có đúng là “kỹ thuật cao” như phía nhà thầu cam kết, ông Bùi Quang Tiến, giám đốc ban quản lý dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ - Vinacomin, cho rằng: “Nhà thầu Trung Quốc chẳng mang công nhân vớ vẩn sang làm gì cả”.
Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận tất cả số công nhân kỹ thuật này chưa xuất trình được bằng cấp, chỉ có xác nhận của nhà thầu Chalieco là đã có năm năm kinh nghiệm, việc xác nhận này có trung thực hay không chỉ có nhà thầu mới biết. Ngay cả gần 100 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia phía Trung Quốc cũng không có xác nhận bằng cấp kèm theo lý lịch tư pháp.
Đến ngày 10-8, vẫn còn có 178/310 (gần 60%) lao động Trung Quốc tại công trình Nhà máy alumin Nhân Cơ không có giấy phép lao động, đa số đã làm việc từ bốn tháng trở lên. Ông Nguyễn Kim Tuấn, phụ trách đăng ký quản lý lao động nước ngoài của dự án, cho biết trong số 10 nhà thầu phụ của Chalieco tại Nhân Cơ chỉ duy nhất Công ty Luyện kim số 6 có đầy đủ giấy phép lao động cho công nhân.
Còn lại, Công ty Trường Thành có 32/36 lao động, Công ty Sơn Đông có 21/36 lao động, Công ty xây dựng Sơn Tây cả 9/9 chuyên gia và kỹ sư đều không có giấy phép lao động. Ngay cả nhà thầu chính Chalieco cũng có 29/40 chuyên gia, kỹ sư không có giấy phép lao động.
Theo ông Bùi Quang Tiến - giám đốc ban quản lý dự án alumin Nhân Cơ, khi sang Việt Nam nhiều lao động, kỹ sư và chuyên gia Trung Quốc không mang theo bằng cấp, do đó không đủ điều kiện để được cấp giấy phép lao động. Ngay cả thời điểm cao nhất cũng chưa khi nào số lao động Trung Quốc có giấy phép tại Nhân Cơ đạt được 50%.
Đều là thợ bậc cao (?)
Ông Mạc Ức Bắc, phó tổng giám đốc hạng mục công trình Nhà máy alumin Nhân Cơ thuộc nhà thầu Chalieco, cho biết:
- Công nhân Việt Nam có trình độ thấp hơn công nhân Trung Quốc, một số máy móc của nhà thầu Chalieco công nhân Việt Nam không thành thạo sử dụng. Vì bất đồng ngôn ngữ nên việc chỉ dẫn khó khăn, do đó Chalieco đã đưa công nhân vào Nhân Cơ làm việc và đào tạo dần cho công nhân Việt Nam.
* Các công nhân làm trong công trường đều là những lao động bậc cao?
- Đúng vậy! Họ đều là những lao động bậc cao và thạo việc, được đưa đến Việt Nam để làm việc và hướng dẫn cho những công nhân Việt Nam.
* Chúng tôi có thể xem giấy chứng nhận hay bằng cấp của họ được chứ?
(Đưa ra một số bản photo khá mờ, theo quan sát thì đều là bằng của các kỹ sư chứ không phải của công nhân).
* Thưa ông, không có bằng nào của công nhân cả. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu không có bằng cấp, công nhân nước ngoài phải được xác nhận là đã có kinh nghiệm ít nhất năm năm.
- Chúng tôi biết vấn đề đó, do vậy chúng tôi luôn yêu cầu những công nhân của mình phải có kinh nghiệm trên năm năm.
* Làm sao có thể biết công nhân Trung Quốc đã có năm năm kinh nghiệm?
- À! Vấn đề đó chúng tôi cũng không thể nói chính xác được. Thông thường, chúng tôi chọn lựa những thợ có kinh nghiệm, có sức khỏe tốt để đem đến Việt Nam, họ đều là những thợ có kinh nghiệm và làm được những việc mà công nhân Việt Nam không thể làm. Thông thường, chúng tôi tiến hành thử việc hoặc có thể gọi điện thoại lại cho công ty mà các công nhân này đã làm trước đó để xác minh lại.
* Tức là các ông không có giấy tờ chứng minh các công nhân này là những công nhân bậc cao với kinh nghiệm năm năm, chỉ dựa vào phỏng đoán để xác nhận với cơ quan địa phương?
- Chúng tôi có thể xác nhận được nhưng thủ tục xác nhận rất phức tạp và phải qua nhiều công đoạn, nếu các bạn cần tôi có thể gọi điện thoại cho các công ty mà họ làm trước đó để xác nhận. Ở đây tôi tiến hành thử tay nghề và xác nhận được ngay là các công nhân này có kinh nghiệm năm năm.
V.SỰ - T.TÂN - Đ.PHƯƠNG

-Nguồn:TT  Lao động TQ tại Nhân Cơ: Phần lớn không có bằng cấp

Tổng số lượt xem trang