Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Bình Nhưỡng trong chiến lược của Nga ở Đông Bắc Á: Nga quyết định xóa nợ cho Triều Tiên gần 10 tỷ USD

Bình Nhưỡng đang muốn cải thiện quan hệ và nhích lại gần điện Kremlin hơn trong một nỗ lực thoát khỏi vòng ảnh hưởng càng ngày càng tăng của Bắc Kinh
-Nga quyết định xóa nợ cho Triều Tiên gần 10 tỷ USD (QĐND) -

Tờ Tin tức của Nga ngày 14-9 cho biết, Mát-xcơ-va đã quyết định sẽ xóa cho Triều Tiên 90% trong tổng số 11 tỷ USD mà Bình Nhưỡng nợ Liên Xô (trước đây) để góp phần thúc đẩy các dự án chung mới giữa hai nước. Theo nguồn tin thân cận với Bộ Tài chính Nga, nguyên nhân để Nga quyết định xóa nợ cho Triều Tiên là do Bình Nhưỡng hiện không có cả tiền lẫn hàng hóa để trả nợ, số nợ tồn đọng trên và quá trình đàm phán về vấn đề này trong suốt hai mươi năm qua vẫn không thu được kết quả, đang cản trở việc khôi phục và phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước.

10% số nợ còn lại sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án chung của hai nước trên lãnh thổ Triều Tiên, trong đó có công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt chạy từ Nga qua Triều Tiên để tới Hàn Quốc.
Theo TTXVN


-Bình Nhưỡng trong chiến lược của Nga ở Đông Bắc Á
Đó là câu chuyện mà nhiều người ở Hàn Quốc và ở nhiều nơi trên thế giới đã kể trước khi ông Kim Jong-il vào bàn đàm phán với Tổng thống Nga Dimitry Medvedev.
Thế nhưng, một loạt các thỏa thuận chiến lược được cam kết giữa những người đứng đầu hai nhà nước được công bố sau đó đã thể hiện mục đích của chuyến đi không chỉ đơn giản là xin viện trợ như người ta tưởng. Mà hơn thế, sau 9 năm nguội lạnh với Moscow, Bình Nhưỡng đang muốn cải thiện quan hệ và nhích lại gần điện Kremlin hơn trong một nỗ lực thoát khỏi vòng ảnh hưởng càng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Còn đối với Moscow mà nói, Bình Nhưỡng đang có một vai trò nhất định trong tham vọng chính trị, kinh tế của điện Kremlin ở vùng Đông Bắc Á.
Những cố gắng “cai sữa” Bắc Kinh của Bình Nhưỡng
Sau 9 năm tròn, kể từ khi có cuộc gặp thượng đỉnh với cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố miền Đông nước Nga Vladivostok vào năm 2002, đến ngày 20/8 vừa qua đoàn tàu bọc thép tàu đặc biêt của Chủ tịch CH CND Triều Tiên mới có dịp lăn bánh trở lại xứ sở bạch dương theo lời mời của đương kim Tổng thống Nga Dimitry Medvedev.
Ngay từ lúc ông Kim đặt chân xuống thành phố biên giới Khasan của Nga, người ta đã dễ dàng nhận ra chuyến thăm này khác hẳn với những chuyến thăm đầy bí mật, tiết kiệm thông tin và luôn được đặt trong tình trạng an ninh cao độ khi ông Kim đến Bắc Kinh dưới hình thức Đảng Cộng Sản Trung Quốc mời Tổng Bí thư Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên.
Lần này, ông Kim được mời tới Nga với tư cách là lãnh đạo cấp cao của một quốc gia, một chuyến thăm chính thức cấp chính phủ hẳn hoi. Và việc giới thông tấn báo chí Triều Tiên liên tục đưa tin hàng ngày, tích cực quảng bá chuyến thăm Nga của Kim Chủ tịch lần này có lẽ không nằm ngoài mục đích của Bình Nhưỡng là muốn tăng cường quan hệ CH DCND Triều Tiên – Nga và phô trương quan hệ này đối với Hàn Quốc và Mỹ, nhằm tăng áp lực mang tính chiến lược với các nước này.
Nhưng tăng cường quan hệ Triều – Nga sẽ có lợi gì cho Bình Nhưỡng ngoài cái việc phô trương cho Hàn Quốc và Mỹ thấy kia?
Từ tháng 5 năm 2010, Chủ tịch Kim Jong-il đã đến thăm Trung Quốc 3 lần và cũng đã diễn ra 3 cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước. Nhưng có thể thấy rõ sự thất vọng của Kim Chủ tịch khi Bắc Kinh chưa hỗ trợ Bình Nhưỡng như mức ông mong muốn, khi mà nền kinh tế CHDCND Triều Tiên ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Chưa kể, thỉnh thoảng, khi Bình Nhưỡng đang khí thế “ngông nghênh” thì lại bị “mất hứng” bởi những tiếng “hắt hơi, sổ mũi” nhắc nhở của ông bạn to lớn.
Vì vậy, Triều Tiên chuyển hướng sang Nga, một cường quốc có quan hệ đặc biệt với Bình Nhưỡng, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế của nước này vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng muốn thu hút hỗ trợ lương thực cũng như hỗ trợ kinh tế từ Nga, nhằm thoát khỏi nạn thiếu lương thực và khó khăn kinh tế trước mắt.
Trước khi khởi hành tới Nga, 50.000 tấn lương thực của Nga đã tới Bình Nhưỡng để trợ giúp cho người dân nước này đối phó với tình trạng thiếu lương thực sau khi mùa màng bị lũ lụt tàn phá. Đây là “gói viện trợ lớn nhất của Nga trong hai thập kỷ qua”, Zhu Feng – một chuyên gia an ninh tại Đại học Bắc Kinh nhận xét.
Còn sau khi từ Nga trở về, Bình Nhưỡng đã chắc chắn sẽ có được hàng trăm triệu USD từ những dự án hợp tác với Nga đã được hai nguyên thủ quốc gia cam kết.
Thứ nhất là dự án chuyển dẫn khí đốt của Nga sang Hàn Quốc qua đường ống xuyên bán đảo Triều Tiên. Một giai đoạn quan trọng trong dự án sắp được hoàn tất, đó là đường ống chuyển khí đốt từ khu vực Sakhalin, nơi có trữ lượng khí đốt thiên nhiên phong phú, đến thành phố Vladivostok.
Một khi dự án này hoàn tất, Bình Nhưỡng có thể thu được trên 100 triệu USD/năm bằng việc làm trung gian trong quá trình chuyển dẫn khí đốt từ Nga tới Hàn Quốc trong khi Seoul cũng có thể giảm đáng kể chi phí vận chuyển, đảm bảo được an ninh nguồn năng lượng trong tương lai.
Thứ hai là dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua khu vực Siberia và kết nối với tuyến đường sắt xuyên bán đảo Triều Tiên. Dự án này rất quan trọng trong việc các thành phố của Hàn Quốc và Nga sẽ trở thành các trung tâm phân phối hàng hóa trong khu vực. Nhờ vào tuyến đường sắt này, Hàn Quốc sẽ giảm bớt được đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu, và CHDCND Triều Tiên cũng có thể thu được trên 100 triệu USD/năm qua dự án này.
Bình Nhưỡng trong chiến lược tham vọng của Nga ở Đông Bắc Á
Chín năm về trước, sức ảnh hưởng của Nga trên bán đảo Triều Tiên là rất lớn, nhưng trong 9 năm qua, mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Nga đã bị nguội lạnh vì các vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như tình hình kinh tế của Moscow. Và bây giờ, không chỉ Bình Nhưỡng mà Nga cũng cần phải tái xác nhận giá trị chiến lược của nhau và tìm ra phương án tối ưu hóa lợi ích cho cả hai bên.
Trước hết, phải nhắc lại rằng, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, CHDCND Triều Tiên đã từng sử dụng chiêu bài “kích động Trung Quốc chống lại Nga” để tìm lợi cho mình. Và ông Kim Jong-il thì rất thành thạo chiêu bài đối ngoại đó của cha mình – cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Nhưng ngày nay, đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc không phải là Nga mà là Hoa Kỳ. Còn Nga, kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, luôn coi vấn đề hồi phục, phát triển kinh tế là cơ hội để đòi lại vị trí vinh quang như trước đây Liên Xô đã từng tạo dựng. Mà về điều này, trên bán đảo Triều Tiên, Nga cần hợp tác thương mại với Hàn Quốc chứ không phải là một CHDCND Triều Tiên nghèo khó và bảo thủ.
“Nga muốn đa dạng hóa xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt – hoạt động kinh tế trụ cột của Nga, không chỉ bán cho châu Âu, Trung Quốc mà còn bán cho cả Hàn Quốc. Để làm được đó, kinh tế nhất là thiết lập đường ống dẫn khí đi qua CHDCND Triều Tiên, cho nên Nga cần phải vui vẻ làm việc với cả hai miền liên Triều”, ông Leonid Petrov, một chuyên gia Nga về các vấn đề Hàn Quốc hiện đang giảng dạy tại Đại học Sydney, Australia nhận định.
Nga muốn đa dạng hóa xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - hoạt động kinh tế trụ cột của nước này.
Thị trường năng lượng Hàn Quốc có tiềm năng rất lớn với Nga. Moscow đã nhắm đến việc vận chuyển quá cảnh khí đốt, dầu mỏ, điện từ Siberia đến Hàn Quốc thông qua các đường ống dẫn và đường dây điện chạy qua CHDCND Triều Tiên từ lâu. Bởi Hàn Quốc là nước phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước: đứng thứ 5 thế giới về nhập khẩu dầu mỏ và đứng thứ 2 thế giới sau Nhật Bản về nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong khi đó, Hàn Quốc lại không có đường ống dẫn dầu hay khí đốt quốc tế nào và phụ thuộc hoàn toàn vào các lô hàng dầu mỏ và LNG được vận chuyển bằng tàu biển.
Ngoài ra, Nga cũng đề xuất truyền tải điện năng dư thừa sang Hàn Quốc thông qua CH DCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc kết nối tuyến đường sắt Trans-Siberia với hai miền Triều Tiên cũng sẽ hỗ trợ rất lớn cho mục tiêu thu hút đầu tư, phục hồi nền kinh tế ở khu vực Viễn Đông của Nga.
Đây là chính sách “Sunshine” (Ánh nắng) hỗ trợ cho cả hai miền Triều Tiên rất khôn ngoan của Nga, trong khi Hoa Kỳ chỉ hỗ trợ cho Hàn Quốc còn Trung Quốc lại nghiêng về Triều Tiên. Và xét cho cùng, sự hỗ trợ cho cả hai miền Triều Tiên là lựa chọn tốt nhất cho lợi ích quốc gia của Nga.
Ngoài mục tiêu kinh tế, việc kết nối Hàn Quốc, Triều Tiên thông qua các dự án chiến lược này cũng sẽ nâng cao vị thế ngoại giao của Moscow trên bàn hòa giải hai miền liên Triều và thúc đẩy ảnh hưởng quan trọng của Nga ở khu vực Đông Bắc Á.
Có thể nói sáng kiến dẫn chuyển khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc thông qua đường ống dẫn khí xuyên bán đảo Triều Tiên là điểm mấu chốt dẫn đến thành công trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bị đình trệ đã lâu, đồng thời thể hiện lập trường và vai trò then chốt của Nga đối với vấn đề này.
Nếu hợp tác kinh tế 3 bên Nga – Triều – Hàn sắp tới có tiến triển đáng kể thì ảnh hưởng của Nga đối với tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ ngày càng lớn mạnh lên.
Còn về phía Trung Quốc, liệu ông bạn lớn của Bình Nhưỡng có vui vẻ không khi thấy quan hệ Moscow – Bình Nhưỡng được cải thiện?
Hẳn Bắc Kinh phải thở phào nhẹ nhõm khi được Moscow chia sẻ “giảm tải” với “gánh nợ” Bình Nhưỡng chứ? Hãy chờ xem những thông tin mới từ chuyến ghé thăm Trung Quốc bất ngờ của Kim Chủ tịch ngày hôm 25/8 sau khi ở Nga về.
  Phương Anh


- Kim Jong-il 'nhờ Nga thoát khỏi' TQ 
Chuyên gia về quan hệ Trung – Triều Han Suk-hee nhận định, thắt chặt tình thân với Kremlin bằng các dự án kinh tế có thể giúp Bình Nhưỡng phần nào hạn chế sự lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Năm tháng bị lãng quên
Năm 2002, chính quyền Triều Tiên bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách kinh tế giống như Trung Quốc và Việt Nam làm. Cùng lúc, họ cũng nghiêm túc cân nhắc đến khả năng thống nhất với Hàn Quốc.
Hai miền khi đó bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt dọc biên giới tại khu phi quân sự và Nga đóng vai trò là bên thứ 3 trong nỗ lực này bởi dự án đường sắt trên cũng nối với tuyến đường sắt ở Siberia.


Sự tham gia của Nga trong dự án này là kết quả của cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il với Tổng thống Nga khi đó là ông Vladimir Putin tại Moscow năm 2001. Khi đó, hai nhà lãnh đạo cùng đặt rất nhiều hy vọng vào dự án này bởi nó hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho các bên và có thể trở thành tuyến đường hậu cần rất lớn phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng; đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nga lẫn Triều Tiên.
Trên tinh thần hợp tác tích cực đó, năm 2002, hai nhà lãnh đạo tiếp tục gặp mặt tại Vladivostok để thảo luận về dự án đường sắt này. Tưởng chừng Triều Tiên gần như đã có thể đạt được bước ngoặt lớn về kinh tế với sự trợ giúp của ba nước láng giềng Nga, Trung và Hàn Quốc.
Lãnh đạo hai nước Triều Tiên - Nga từng đứng trước ngưỡng cửa hợp tác đầy triển vọng.
Tuy nhiên, mọi chuyện bất ngờ đi chệch quỹ đạo khi Washington cáo buộc Bình Nhưỡng theo đuổi một chương trình bí mật nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm các thỏa thuận với Mỹ trước đó.
Trong khi Washington còn đang “ngắc ngứ” với việc đưa ra bằng chứng xác thực cho những cáo buộc của mình thì chính quyền Bình Nhưỡng tự công khai chương trình hạt nhân với thế giới và thậm chí giờ đây quốc gia này còn không ngần ngại tuyên bố về khả năng chế tạo vài vũ khí hạt nhân.
Từ đó đến nay, mọi nỗ lực gây dựng các mối quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác kinh tế của Triều Tiên với cộng đồng quốc tế đều bị gián đoạn, trong đó có cả với Nga.
Đường ống dầu đầy tiềm năng


Tuy nhiên, giờ đây, sau 9 năm, dường như Triều Tiên lại muốn tái khởi động những nỗ lực đầy tích cực của năm 2002 khi Chủ tịch Kim vượt qua chặng đường dài xuyên Siberia bằng xe lửa để có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại thành phố Ulan-Ude.
Theo giới truyền thông, cuộc họp sẽ tập trung vào một dự án xây dựng đường ống dẫn dầu ngang qua bán đảo Triều Tiên để Nga có thể bán khí đốt của Siberia cho Hàn Quốc.
Theo ước tính, 10 tỷ m3 khí đốt sẽ được vận chuyển từ Siberia qua Triều Tiên đến Hàn Quốc trong khoảng thời gian 30 năm. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ thu về 500 triệu USD mỗi năm tiền phí trung chuyển. Số tiền này có thể giúp Triều Tiên đáng kể trong công cuộc xây dựng "đất nước thịnh vượng".
Đường ống dẫn dầu có thể đem lại lợi ích kinh tế cho cả Nga và Triều Tiên. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, Nga cũng thu được lợi ích kinh tế không nhỏ từ dự án này. Nếu dự án đường ống dẫn dầu trên hoàn thiện, Moscow có thể thực hiện chính sách đa dạng hóa khách hàng.
Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, theo đó, là quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 5 và nhập khẩu khí đốt lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản.

Tuy nhiên, Seoul không có bất cứ đường ống dẫn dầu và khí tự nhiên nào mà hoàn toàn nhập khẩu qua những con tàu chở dầu và khí đốt hóa lỏng.
“Trong bối cảnh ưu tiên vực dậy nền kinh tế sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga cần có những dự án dẫn dầu như vậy để xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho nhiều quốc gia khác ngoài châu Âu và Trung Quốc. Ngoài ra, dự án này cũng có thể giúp Nga khôi phục kinh tế của vùng viễn Đông”, Leonid Petrov, chuyên gia người Nga về vấn đề Triều Tiên tại ĐH Sydney nhận định.
Ông Petrov cho biết thêm, Seoul thực sự là khách hàng rất tiềm năng đối với Moscow. Với mạng lưới đường dây điện cùng hệ thống đường ống này, Nga có thể vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và cả điện đến Hàn Quốc.
Kinh tế phục vụ mục đích chính trị
Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế đơn thuần chưa đủ sức hấp dẫn để hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau. Phía sau dự án trên còn ẩn chứa nhiều mục đích chính trị.
Thắt chặt tình thân với Kremlin bằng các dự án kinh tế có thể giúp Bình Nhưỡng phần nào hạn chế sự lệ thuộc vào Bắc Kinh.
“Nhìn vào thực tế sức khỏe của Chủ tịch Triều Tiên không còn tốt như xưa trong khi người kế nhiệm còn quá trẻ và đất nước thì rơi vào cảnh thiếu lương thực do lũ lụt, nhiều người sẽ nghĩ rằng, ông Kim đến thăm người bạn cũ để cầu viện lương thực. Tuy nhiên, thực tế không chỉ như vậy. Mục đích sâu xa của chuyến đi này là nhằm tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc về mặt kinh tế đối với Trung Quốc”, Han Suk-hee, chuyên gia về quan hệ Trung – Triều tại ĐH Yonsei của Hàn Quốc nhận định.
Ông này lý giải, quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không quá êm đẹp như mọi người nghĩ. Vì vậy, ông Kim Jong-il muốn thông qua chuyến đi này để tìm đối trọng cho sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Moscow và Bình Nhưỡng cũng sẽ có được những lợi thế chính trị nhất định sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Medvedev (trái) và Chủ tịch Kim.
Chia sẻ quan điểm này, ông Gordon Chang, chuyên gia người Mỹ về vấn đề Triều Tiên cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đang chơi bài ngoại giao theo kiểu của cha mình, lãnh tụ Kim Il-sung trong thời chiến tranh Lạnh, đó là lấy Nga “chọi” với Trung Quốc.
Theo ông Chang, ngay trước khi ông Kim khởi hành đi Nga, Moscow chuyển 50.000 tấn ngũ cốc cho Bình Nhưỡng để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do lũ lụt. “Đây là gói viện trợ lớn nhất Nga trao cho Triều Tiên trong vòng hai thập kỷ nay”, ông Chang nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, những cử chỉ thân thiện của Nga trước cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ còn nhiều gói viện trợ lớn hơn nữa được ký kết trong tuần này.
Chuyên gia Gordon Chang so sánh, dù chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim hồi tháng 5 vừa qua cũng nhận được nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng, trong đó có dự án phát triển hai đặc khu kinh tế gần khu vực biên giới nhưng dù sao việc thâm nhập quá sâu vào nền kinh tế Triều Tiên của giới chức Trung Quốc cũng khiến Bình Nhưỡng không thể thoải mái như với Moscow.
Thêm vào đó, giáo sư Yoo Ho-yeol tại ĐH Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên còn có thể thông qua cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Nga để chắc chắn và cũng là chứng minh cho thế giới thấy rằng, Moscow đứng về phía họ, chứ không phải Washington hay Seoul trong các bàn đàm phán hạt nhân sắp tới.
Đổi lại, dự án hợp tác với Bình Nhưỡng giúp nâng tầm Moscow lên vị thế của nhà hòa giải, giúp tháo gỡ những bế tắc trong nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
“Moscow có thể nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế ngay trước thời điểm các bên đang nỗ lực khôi phục vòng đàm phán 6 bên”, chuyên gia Yoo Ho-yeol tại ĐH Hàn Quốc cho hay.
Ông Yoo lý giải, lâu nay Trung Quốc được biết đến như là nhân tố quan trọng trong các nỗ lực giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Nga giờ cũng có thế sử dụng dự án này như một điều kiện để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Ngay cả khi nỗ lực thuyết phục chưa thành công thì vai trò của Moscow cũng được đề cao bởi giới quan sát sẽ nhìn nhận sự hợp tác kinh tế này như một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình an ninh trong khu vực, qua đó có thể thúc đẩy tiến trình khôi phục các bàn đàm phán 6 bên.
Hơn nữa, Leonid Petrov, chuyên gia người Nga về vấn đề Triều Tiên tại ĐH Sydney nhận định, vai trò nhà hòa giải của Nga đang ngày càng được thể hiện rõ rệt. Khác với Mỹ, quốc gia chỉ ủng hộ Hàn Quốc và cũng không giống Trung Quốc, nước hết lòng vì Triều Tiên; Nga lại chọn cho mình cách hợp tác với cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul. “Riêng chính sách này cũng đủ để thấy Moscow phần nào có lợi thế hơn Bắc Kinh và Washington”, ông Leonid Petrov nhấn mạnh.
Trà My (tổng hợp)
-Kim Jong-il 'nhờ Nga thoát khỏi' TQ

Tổng số lượt xem trang