Thường có không ít người Trung Quốc thấy thế giới ca ngợi là trung tâm kinh tế thứ hai của Thế giới, thấy làm nhái giống một số vũ khí hiện đại của các nước khác thế là hoanh hoang, hiếu chiến. Thậm chí họ gào thét phê phán nhà cầm quyền thiếu cứng rắn, nhu nhược, sợ Mỹ. Rằng nếu như Mỹ chơi con bài Trung Quốc thì ngược lại Trung Quốc cũng chơi con bài Mỹ, cả hai bên đều có lợi thì cóc gì phải sợ... Nhưng vấn đề họ không hiểu ở đây là: Ai là người làm chủ cuộc chơi. Khi hiểu biết ai là người làm chủ cuộc chơi thì sẽ có cách cư xử đúng mực, tôn trọng đối thủ, học hỏi đối thủ để có ngày ta sẽ làm chủ cuộc chơi.
Tại sao là Nga mà chưa phải Trung Quốc?
Chiến tranh lạnh kết thúc. Liên Xô - Đứng đầu phe XHCN, đối thủ “ kẻ tám lạng, người nửa cân” với Mỹ, chưa từng sợ Mỹ, tan rã. Nước Nga tiếp quản. Lẽ ra với chế độ chính trị giống Mỹ và phương Tây như Nga thì Nga sẽ yên ổn làm ăn, không lo lắng gì về an ninh quốc phòng với Mỹ, nhưng không. Từ khi ông Putin làm Tổng thống, nước Nga đã hồi phục. Nước Mỹ từ đó đến nay vẫn là siêu cường số 1 thế giới về quân sự cũng như kinh tế. Mỹ có thể nói “Không” với bất kì quốc gia nào, chắc chắn giành phần thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào nhưng trừ Nga. Bởi lẽ nếu xảy ra chiến tranh Nga – Mỹ thì cuộc chiến đó không có kẻ thắng người thua. Vũ khí trang bị của Nga mà Liên Xô để lại không những đủ để hủy diệt nước Mỹ mà cả 5 lần thế giới, dù cho nền kinh tế Nga bị khủng hoảng… Nga là một đối thủ tiềm tàng cản trở, thách thức địa vị Bá chủ thế giới của Mỹ. Bởi thế kiềm chế Nga là mục tiêu chiến lược lâu dài của Mỹ. Hiệp ước Bắc đại tây dương (NATO) không bị bãi bỏ mà còn phát triển về hướng Đông để bao vây Nga. Các hệ thống lá chắn tên lửa cũng để chống Nga…Mỹ muốn Nga không còn “cựa quậy” giống như Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần 2 vậy. Hơn ai hết Mỹ thừa hiểu sức mạnh quân sự của Nga. Nếu tiếng gầm của con Sư tử Mỹ vang rền hùng tráng trên thế giới đầy khí phách, nội lực thì tiếng gầm của con Hổ Nga nghe có vẻ yếu vì đói mồi, thậm chí không rền vang bằng tiếng ngựa hý, nhưng xin lưu ý, đó là giống Hổ. Đừng thấy hổ đói mồi phải ăn cỏ mà tưởng là giống Dê rồi đến “Vuốt râu Hùm” thì “ăn tát vỡ mặt”. Ông Mikheil Saakashvili Tổng thống Georgia là một nạn nhân như vậy. Khi ông ta hiểu ra thì đã muộn.
Còn Trung Quốc thì sao? Là nước Cộng sản xếp thứ hai sau Liên Xô khi Liên Xô tan rã tại sao Mỹ không “làm gỏi” luôn? Chẳng lẽ 3 thập kỷ giấu mình chờ thời để trổi dậy mà Mỹ bỏ qua, không biết ư? Đơn giản là qua cuộc chiến tranh Việt Nam không ai hiểu ý đồ, ý chí, nội lực của Trung Quốc hơn Mỹ. Vì thế Mỹ rất tự tin, Trung Quốc chẳng là cái gì khi cạnh tranh, thách thức địa vị thống trị của Mỹ. Mỹ bắt đầu chơi con bài Trung Quốc.
Mỹ hay Trung Quốc làm chủ cuộc chơi?
Về kinh tế. Chúng ta không đi sâu chi tiết, điều dành cho các nhà chuyên môn mà chỉ quan tâm đến tổng thể. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một thị trường béo bở, rộng lớn. Mỹ tha hồ khai thác, bóc lột biến Trung Quốc thành “đại công trường thế giới”. Là nơi cho Mỹ vay tiền để làm giàu và quỵt nợ bất cứ lúc nào Mỹ muốn. Điều lưu ý là không có Trung Quốc, Mỹ vẫn tồn tại, vẫn siêu cường số 1 thế giới.
Đối với Trung Quốc, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng và lớn nhất của nền kinh tế xuất khẩu là chủ yếu của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc có được như bây giờ một phần là nhờ Mỹ. Nếu thị trường Mỹ biến động lập tức nền kinh tế Trung Quốc sẽ có vấn đề. Ít nhất có hàng chục triệu hoặc thậm chí là hàng trăm triệu lao động mất việc làm. Đây là một thảm họa cho ổn định chính trị, xã hội, điều mà Trung Quốc không muốn bằng mọi giá. Trung Quốc biết Mỹ sẽ quỵt nợ như từng làm với Nhật; biết Mỹ bóc lột, biết Mỹ là thằng đểu, biết hết. Nhưng vì mục tiêu tăng trưởng và ổn định xã hội vẫn phải “cố đấm ăn xôi”, không thể buông Mỹ ra được.
Vậy trong lĩnh vực kinh tế Mỹ hay Trung Quốc làm chủ cuộc chơi? Câu trả lời: Mỹ.
Về quân sự. Có thể nói Đài Loan-sự tồn tại của nó như là một biểu trưng sức mạnh của Trung Quốc. Đài Loan không chỉ là cái gai mà là một mũi tên trong mắt Trung Hoa đại lục, Mỹ sa lầy ở Việt Nam lẽ ra phải thống nhất cái Đài Loan đi thay vì hô hào ầm ĩ, nhưng không, Trung Quốc sợ Mỹ, không dám động đến Mỹ. Tiếng gầm rít ghê rợn của B52 Mỹ ở Việt Nam làm cho Trung Quốc run sợ thốt lên với Mỹ một câu không giống Đại Hán chút nào: “Người không động đến ta thì ta không động đến người…” Như thế thì cái Đài Loan biết bao giờ mới giải phóng. Đành rằng Mỹ lúc đó mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều, B52 Mỹ nó ngán bầu trời Hà Nội chứ đâu có ngán bầu trời Bắc Kinh, thì sợ cũng đúng thôi, nhưng sợ đến mức tê liệt ý chí trước Mỹ thì “làm gương” sao được cho “thằng em” Việt Nam lúc đó bị Mỹ quần cho tơi tả. Hãy xem Georgia, dù bị Nga “tát vỡ mặt” nhưng chúng ta vẫn khâm phục họ về ý chí. (Nói về ý chí phản kháng của dân tộc Trung Hoa xin quý vị tìm đọc bài viết của ông tướng Trung Quốc Lưu Á Châu)
Hiện nay Trung Quốc đã lớn mạnh, nhiều tiền. GDP xếp thứ 2 thế giới. Có tiền họ đầu tư cho quân đội và một thực tế là quân đội của Trung Quốc tiềm lực thuộc loại nhất nhì Châu Á. Trung Quốc ra sức cổ vũ và phô trương sức mạnh quân sự của mình, sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ “lợi ích cốt lõi”; “Quyết không khoanh tay ngồi nhìn”; “nói gì làm nấy”…và đồn đoán đến năm 2xxx nào đó sẽ soán ngôi Mỹ làm bá chủ thế giới vv … vv. Người Trung Quốc có câu: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đó là câu nói thể hiện ý chí hành động của bậc đại trượng phu. Vì thế có thể nói không ngoa rằng, Đài Loan là đáp số cuối cùng cho kết quả “trị quốc” của Trung Quốc. Khi chưa trị được Đài Loan thì việc “bình thiên hạ” chỉ là mơ mộng hão huyền. Bởi vì nếu chỉ có Đài Loan không thôi thì… ngay như Việt Nam 31 năm Pháp và Mỹ vẫn không thắng nổi mà người Trung Quốc vạch kế hoạch thắng VN có 31 ngày thôi thì Đài Loan, Trung Quốc sẽ đánh chiếm mấy ngày? Tại sao không vạch kế hoạch vĩ đại ấy, dù là trên giấy để có “thắng lợi tinh thần”? Câu trả lời hết sức đơn giản:
Thứ nhất: Đụng đến Đài Loan là đụng đến Mỹ. Mà đụng đến Mỹ thì ngay cả “con trời” hung hăng hiếu chiến nhất, hở một tý là đòi chém giết, dạy cho người này, người kia bài học cũng im hơi lặng tiếng, nói chi đến việc to gan soạn thảo kế hoạch giải phóng Đài Loan dù chỉ là tưởng tượng. “Một số học giả Trung Quốc có đầu óc lú lẫn” (Cách gọi của Đại tá Đới Húc và nhà báo Tôn Dũng-Trung Quốc) không tiếc lời dạy dỗ các nước láng giềng trong khu vực mà nói đến Mỹ cũng uốn lưỡi hàng chục lần nữa là.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thì họ tự ru ngủ mình bằng “phép thắng lợi tinh thần”, nghĩa là thế giới chỉ công nhận một nước Trung Hoa đấy thôi và Đài Loan cũng “không dám” tuyên bố độc lập cơ mà. Nhưng Đài Loan cần cóc gì tuyên bố độc lập hay không độc lập. Chỉ cần biết đó là một hòn đảo tự do có Tổng thống, chính phủ riêng không phụ thuộc bất cứ gì vô Đại Lục. Máy bay, tàu chiến của Trung Hoa Đại lục cứ đi vào không phận và hải phận của Đài Loan xem…
Thứ hai: Hiện tại Trung Quốc bằng thực lực hiện có không dám chắc là thu hồi được Đài Loan (dù không có Mỹ), huống chi có Mỹ. Thật vậy, dù Trung Quốc có hàng ngàn máy bay nhưng số máy bay có khả năng bay qua eo biển để tác chiến ở Đài Loan rồi quay về (vì hết nhiên liệu) thì chỉ chừng vài chục chiếc mà cũng chỉ tác chiến trong chừng vài phút thôi. Cho nên ưu thế về không quân Đài Loan hơn hẳn Đại Lục. Khi không có không quân hỗ trợ thì dùng phương án đổ bộ đánh chiếm là quá mạo hiểm cho hàng vạn tính mạng binh sỹ. Tuy Trung Quốc rất mạnh về tên lửa, họ đã triển khai hàng ngàn quả tên lửa nhằm vào Đài Loan nhưng nếu chỉ dùng bằng tên lửa cũng chẳng giải quyết được gì.
Như vậy, không cần so sánh chi li từng loại VKTB của Mỹ và Trung Quốc chỉ cần nhìn vào Đài Loan, thậm chí ngay cả Philipin cũng có thể hiểu ai mạnh. Chừng nào Nghị quyết của Đảng Cộng Sản Trung Quốc có đoạn: “… Chậm nhất tháng X năm Z phải thống nhất Đài Loan…” (như nghị quyết của Đảng Cợng Sản Việt Nam về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vậy) thì thế giới mới tin Trung Quốc mạnh bằng Mỹ, không sợ Mỹ.
Đến đây một câu hỏi đặt ra là khi nào thì Trung Quốc thực sự khiến Mỹ lo lắng, bất an như đã từng với Liên Xô trước đây? Không biết, nhưng hiện giờ thì chắc chắn rõ ràng là chưa. Trung Quốc không phải là Liên Xô. Về quân sự Trung Quốc đang sợ Mỹ.
Hệ quả khu vực
Mỹ xỏ lá thật. Dùng Đài Loan như một khúc xương chặn họng Trung Quốc khiến Trung Quốc khạc cũng không được mà nuốt cũng không trôi. Vị trí địa chính trị, quân sự của Đài Loan lại cực kỳ quan trọng nó án ngữ trước mặt Trung Quốc, vậy nên Trung Quốc phải tìm đường khác để ra biển là tất yếu. Thông cảm với Trung Quốc ư? Đạo đời là phải thế, nhưng tình cảm và thái độ của Trung Quốc với Đài Loan như nào thì Việt Nam đối với Hoàng Sa như thế ấy.
Tìm đường ra lối khác thì động đến các nước trong khu vực, vậy nên nếu Trung Quốc cậy thế nước lớn, bắt nạt, chèn ép, thậm chí đe dọa dùng vũ lực thì họ sẽ kết bạn với Mỹ. Logic là vậy. Nếu như Trung Quốc bán được Hồng Công và Macau cho nước ngoài thì Việt Nam cũng có thể cho nước ngoài thuê, thậm chí bán (kiểu như Hồng Công vậy) cái Cam Ranh hoặc bất cứ đâu vì lợi ích và an ninh quốc gia chứ sao. Còn cho ai thuê, bán cho ai thì dân đen cũng hiểu.
Điều đó xảy ra thì Trung Quốc được gì? Được thêm nhiều “cái Đài Loan” nữa là điều không tránh khỏi. Tính toán của Mỹ cao kiến thật. Bái phục, bái phục.
Trung Quốc phải tỉnh táo trước âm mưu của Mỹ.
Khi bạn đến nhà chơi, chủ nhà đều nói: “ Bạn hãy tự nhiên cứ coi nhà mình như nhà của bạn”. Hãy đối xử với các nước nhỏ láng giềng trong khu vực như người bạn chân chính, Trung Quốc sẽ có tất cả. Đối với Việt Nam chẳng hạn, Việt Nam luôn trọng ân nghĩa, uống nước nhớ nguồn, Việt Nam có được thống nhất hôm nay cũng nhờ rất lớn mồ hôi, công sức của người dân Trung Quốc. Biển Việt Nam hẹp nhưng tấm lòng Việt Nam luôn rộng với bạn bè.
Tiếc thay, tiếc thay…
Lê Ngọc Thống