Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Siêu hạm TQ "dậy sóng" Biển Đông, Việt - Ấn đối thoại chiến lược

(GDVN) –  Ngày hôm nay, trên hàng loạt các trang báo đều đăng tải thông tin: Trung Quốc chính thức thử nghiệm trên biển tàu sân bay đầu tiên của mình.

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay

Ngày hôm nay, trên hàng loạt các trang báo như Vnexpress, Dân trí, Đất Việt,…đều đăng tải thông tin: Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc chính thức thử nghiệm trên biển tàu sân bay đầu tiên của mình.
a
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vừa rời xưởng tại cảng Đại Liên ở vùng Đông Bắc sáng nay để thực hiện hành trình trên biển. Ảnh: Xinhua
Theo Vnexpress: Xinhua dẫn nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cho biết chuyến hành trình đầu tiên này diễn ra đúng theo tiến trình của dự án cải tạo tàu và sẽ không kéo dài lâu. Sau khi kết thúc chuyến đi, tàu sẽ tiếp tục được cải tạo và thử nghiệm.

Con tàu này có nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại Ukraina năm 1985. Khi hoàn thành được 70% với phần khung sườn hoàn chỉnh nhưng chưa gắn động cơ và các thiết bị khác thì Liên Xô sụp đổ. Do đó tàu Varyag được chuyển giao cho Ukraina sở hữu.

Nhưng do không có kinh phí hoàn thiện, năm 1998 Ukraika bán thanh lý vỏ tàu Varyag và một khách hàng Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu giá. Sau đó vỏ tàu được kéo về cảng Đại Liên của Trung Quốc và thay vì biến thành một khách sạn nổi, nó được hoàn thiện thành chiếc tàu sân bay như thiết kế ban đầu.

Bắc Kinh tháng trước cho biết tàu sân bay này sẽ chỉ được dùng cho các mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Các nước láng giềng gần đây tỏ ra quan ngại về sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc cũng như thái độ của nước này về chủ quyền biển đảo, AFP nhận định.

Trên thực tế, tàu sân bay này là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay, không thể so sánh với các tàu sân bay truyền thống của hải quân Mỹ, Anh hay Pháp hiện nay. Tàu sân bay của Mỹ có trọng tải trên 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi tàu của Trung Quốc có thiết kế 67.500 tấn chạy bằng năng lượng thường.
Mỹ, Trung có thể bàn vấn đề biển Đông

Đó là nhận định của giáo sư Tôn Triết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc về chuyến thăm sắp tới của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, theo tờ China Daily ngày 9.8. Thông tin được đăng tải trên Thanh niên.
Tờ báo này đưa tin: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho hay ông Biden sẽ thăm nước này trong 6 ngày, bắt đầu từ ngày 17.8 và sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Phó chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Theo thông báo của Nhà Trắng, hai bên sẽ bàn hàng loạt vấn đề song phương, đa phương và toàn cầu. Giáo sư Tôn cho rằng ngoài vấn đề biển Đông, hai bên có thể sẽ trao đổi về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, nợ công của Mỹ...
Trong khi đó, Hãng tin CNA dẫn lời người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm cho hay Washington bảo đảm Phó tổng thống Biden sẽ không đề cập với Bắc Kinh bất cứ vấn đề nào liên quan tới các thỏa thuận bán vũ khí cho đảo này. Sau khi rời Trung Quốc, ông Biden sẽ đến Mông Cổ và Nhật Bản.
Biển Đông xuất hiện trong đối thoại chiến lược Việt - Ấn
Theo thông tin từ Tuổi trẻ, Việt Nam và Ấn Độ đã đề cập vấn đề biển Đông trong cuộc họp Đối thoại chiến lược lần 2 và Tham khảo chính trị lần 5 giữa Việt Nam và Ấn Độ trong hai ngày 8 và 9-8 tại Hà Nội.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hai bên đã nhất trí về quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông bằng những biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982, các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DOC).
Bên cạnh đó, tờ Đất Việt cung cấp thêm thông tin: Ấn Độ giúp VN xây dựng hạm đội tàu ngầm, góp phần hiện đại hóa Hải Quân Việt Nam.
Một quan chức của Hải quân Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đang giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng hạm đội tàu ngầm của họ. Kinh nghiệm của chúng tôi trong vận hành tàungầm Kilo sẽ được chia sẻ với họ”.
a
Với kinh nghiệm phong phú của mình Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam xây dựng hạm đội tàu ngầm. Trong ảnh, một sĩ quan hải quân Ấn Độ quan sát bên ngoài tàu ngầm Kilo bằng kính tiềm vọng.Ảnh: Đất Việt
Malaysia muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông qua kênh ngoại giao
Theo báo điện tử Chính phủ:  Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết nước này muốn những tuyên bố “chồng chéo” trên Biển Đông được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.

Trả lời báo giới hôm 8/8, Bộ trưởng Zahid Hamidi nói rằng Malaysia luôn theo dõi sát mọi hoạt động của các nước có liên quan. Theo ông, vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ được nêu trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Bali (Indonesia) vào tháng 10 tới.
Bộ trưởng Zahid Hamidi khẳng định Malaysia chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông qua kênh ngoại giao, tránh các cuộc xung đột quân sự, đồng thời cũng đề xuất tổ chức một cuộc họp đa phương, thay vì một cuộc họp song phương, với hy vọng đạt được một giải pháp thân thiện và thỏa đáng hơn.
Góp tình yêu cho đảo
Tờ Tiền Phong đưa tin:  Khi biển Đông dậy sóng, ngay lập tức có cuộc vận động trên cộng đồng mạng với khẩu hiệu “Vì Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam” lấy hình ảnh người lính hải quân đứng bồng súng hiên ngang canh giữ biển trời Tổ quốc làm hình đại diện.
Nữ sinh Nguyễn Phan Hà Châu (Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TPHCM) lấy một nắm đất ở trường học cất vào hành lý để mang ra Trường Sa. Châu nói các đảo rất nhỏ nên mỗi người có cơ hội ra Trường Sa nếu đem ra một nắm đất sẽ giúp đảo rộng và vững chãi hơn.
Một gói đất không lớn nhưng nếu nhiều người cùng chung sức, Châu tin đảo sẽ ngày càng gần với đất liền hơn. Từ khối óc tới con tim, hàng triệu thanh niên chung sức với hành động thiết thực hướng về biển đảo.
Cũng trên Tiền phong, theo khảo sát do PGS-TS Phạm Hồng Tung và cộng sự tại ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện, có tới 73,9% số thanh niên được hỏi cho biết họ quan tâm đến tình hình đất nước, chỉ có 6,4% không quan tâm.
Người trẻ mong muốn được yêu nước không chỉ đơn thuần là cảm tình cá nhân mà với thái độ của người làm chủ đất nước, với tư cách của công dân hiện đại - tức là phải có đủ thông tin và năng lực để đánh giá tình hình đất nước - thể hiện vai trò chủ nhân với trách nhiệm đầy đủ.
Tư duy yêu nước và lối sống hiện đại cộng hưởng cùng bầu nhiệt huyết nóng bỏng từ trái tim của thế hệ trẻ hiện nay là một ưu điểm, thế mạnh, phù hợp với đòi hỏi của thời đại hội nhập, cạnh tranh toàn cầu.
Một cụ già muốn được chôn cất ở Trường Sa
Tờ Tuổi trẻ đưa tin: Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận 5 và quận 10 Tp.HCM ngày 9.8, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - cùng hai đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Đạt - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và Nguyễn Phước Lộc - chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN đã khẳng định sẽ thông tin đầy đủ tình hình biển Đông và chủ trương xử lý của ta tới đông đảo người dân.
Trong buổi tiếp xúc, cử tri hai quận cũng bộc lộ mối quan tâm sâu sắc tới vấn đề này. Ông Huỳnh Văn Ngãi - cử tri P.14, Q.10 - cho biết năm nay đã 81 tuổi, khi trăm tuổi già, ông có nguyện ước muốn được chôn cất ở Trường Sa.
Ông Ngãi khẳng định ông biết rõ nguyện ước này khó thực hiện, nhưng ông muốn nói rằng tất cả con dân VN bao giờ cũng phải ý thức chủ quyền của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, luôn phải gìn giữ và bảo vệ.
Hải Hà (tổng hợp)
-Nguồn: GDVN: Siêu hạm TQ "dậy sóng" Biển Đông, Việt - Ấn đối thoại chiến lược

Tổng số lượt xem trang