;1. Chị Thạo ngượng ngập phân trần nhưng không phải riêng nhà chị mà cả làng, cả xã từ hồi giá thực phẩm tăng cao, việc bữa ăn có miếng thịt, khúc cá đối với nông dân trở thành xa xỉ chứ chưa nói đến chuyện nhiều đĩa, lắm bát. Đó là hộ nông dân ở đồng bằng, còn nông dân miền núi, như đợt khảo sát hai xã Lũng Pù, Khau Vai ở Mèo Vạc (Hà Giang) tận mắt tôi chứng kiến nhiều gia đình bữa ăn dọn ra chỉ một rá mèn mén (bột ngô hấp) chan với nước lã mới múc từ sông Nho Quế về. Đến bữa, mỗi người một cái môi, họ múc một môi bột ngô rồi chiêu hai ba môi nước lã để cho trôi thứ bột khô khốc đó xuống dạ dày. Mèn mén là món ăn truyền thống của đồng bào ở đây nhưng mèn mén “chay” không có canh rau cũng chẳng có thịt thà mà nhiều hộ thú nhận đã ăn thế cả vài tháng ròng thì quả là chuyện bất bình thường. Nhiều phụ nữ dân tộc chửa bụng đã lùm lùm rồi mà cả quá trình mang thai chỉ được ăn một hai lần thịt vào dịp nhà làm nương, phải thuê người đổi công nên làm cơm đãi họ.
Bữa ăn nghèo nàn ở quê |
Vợ anh Sùng Mí Pó, người mẹ của 2 con nhỏ, ở bản Pó Ngần đi chợ phiên về chỉ mua nổi gói mì chính 3.000 đồng là hết tiền. Nhà chị có vài con gà nuôi kiểu dông dài. Gà lớn, con nào ngon nhất chị đem ra chợ bán, đổi lấy lọ nước mắm hay gói muối. Họa hoằn một vài tháng cả nhà mới được ăn một bữa thịt gà công nghiệp, cá đông lạnh đã bở bùng bục, không mùi, không vị. Có người nói nông dân cũng giống như Việt Nam cái gì ngon nhất đem xuất khẩu, kém mới nội tiêu không phải không có lý.
Theo một chương trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước về chất lượng bữa ăn của người dân công bố hồi tháng 7. Người dân ở các tỉnh Quảng Nam, Hà Tây (cũ), sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn đã giảm xuống rõ nét. Không có gì lạ, sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn của những nông dân của các tỉnh miền núi phía Bắc lại càng thê thảm hơn bởi vùng đó quá nghèo.
Thức ăn bị giảm cả về chất lượng lẫn số lượng trong từng mâm cơm của mỗi gia đình nông thôn ngược lại với dân thành thị đang phải đau đầu vì tỉ lệ béo phì, thừa dinh dưỡng, mỡ máu, gút, tim mạch gia tăng một cách nhanh chóng.
2. Vợ anh Hà Văn Cần ở khu 3 xã Tuy Lộc (Cẩm Khê) ra chợ Ngô Xá mua cá đông lạnh. Sau khi ăn vài phút cả nhà bị ngứa phát ban với các triệu chứng ngực tức, khó thở, nôn mửa, đi ngoài. Những vết ngứa to bằng đồng xu nổi lên khắp người họ. Tưởng bị ngộ độc thông thường anh Cần lấy con cá đang ăn dở trong xoong, đem đốt thành tro, cho vào cốc, hòa tan, gạn lấy nước trong cho từng người trong nhà uống theo kiểu chữa mẹo dân gian.
Càng uống càng bị ngộ độc nặng hơn tí nữa thì nguy đến tính mạng. Đến bây giờ nhà anh Cần cạch ăn cá khô, cá đông lạnh bởi nhiều lần đi lấy hàng ở chợ thị xã Phú Thọ về anh vẫn thấy tiểu thương ở đây dùng thuốc diệt muỗi, diệt ruồi phun vào cá đông lạnh, cá khô như một phương thuốc thần kỳ để chống côn trùng đeo bám.
Một câu chuyện khác do chị Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tiên Lương kể, nhân dịp đi họp trên tỉnh, chị có mua hộp bánh về làm quà. Người thành phố, kể cả trẻ con, bánh kẹo đã là thứ không còn hấp dẫn nhưng với người nhà quê, nhất là ở vùng nghèo, nó vẫn là một món quà được chờ đón nhất mỗi dịp có người đi xa về. Hộp bánh rất đẹp được đưa lên bàn thờ cúng tiên tổ rồi trịnh trọng mang xuống, bóc mời người già, dúi cho lũ trẻ.
Những ánh mắt sáng rỡ, những cái miệng háo hức thèm thuồng nhưng miếng ăn đưa vào miệng phải vội vàng nhổ bỏ. Nhân bánh đã lên mốc xanh, meo đỏ tự lúc nào. Câu chuyện đó, ở đâu ta cũng có thể nghe quen đến mức trở nên bình thường. Nông thôn đang trở thành thiên đường của hàng rởm, hàng giả, hàng quá đát, thành cái túi rác khổng lồ của thành thị dồn về.
Dạo quanh các chợ quê ở Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang bầy ê hề những can nước mắm bên trong không biết hàm lượng mắm bao nhiêu chỉ thấy lờ lờ màu cánh gián, mùi khẳn, vị trơ bán đổ đồng 6.000đ/lít. Những bao tải tóp mỡ nâu xỉn, mủn bục để lâu bán 30.000đ/kg. Những chai nước khoáng toàn Lavia, Aquafie chứ tịnh không có hàng xịn, cầm vỏ chai lên đã thấy khét lẹt mùi nhựa tái chế. Những bình nước cam 3.000đ/loại ½ lít, 3.500đ chai 1,5 lít, nước ngọt có gas Việt Pháp không địa chỉ sản xuất 3.000đ/lon, bịch sữa đậu nành 199 một túi 1.100đ màu lờ lờ, đổ cả vốc đá vào mà vẫn còn ngọt sắc. Những que kem loại 500 đồng toàn đá với phẩm màu, đường hóa học được người bán dạo cất buôn ở phố huyện có 200đ/que…
Tóp mỡ được bán 30.000đ/kg và rất chạy hàng |
Một lãnh đạo cao cấp của Trung ương kể một chuyện làm ông ứa nước mắt rằng đến thăm một địa phương, được các cháu thiếu nhi đến tặng hoa. Ông hỏi có biết tặng hoa cho ai không, cháu nào cũng lắc đầu. Móc bao kẹo, ông đưa cho chúng, có đứa không biết bóc kẹo bỏ cả nguyên cả vỏ vào mồm nhai. |
Các loại đó, trừ bao bì, tiền vận chuyển còn lại bao nhiêu đồng giá trị thực chứa trong đó? Các quầy thuốc hay nói đúng hơn là mẹt thuốc tây bày thuốc còn hạn vài ngày hoặc đã hết hạn cho người nhà quê lớ ngớ mua.
3.
-Nguồn: NN: Teo tóp những bữa ăn-Trạm xá nhà quê bệnh nhân chờ chết (NN) -
Hiu hắt trạm xá xã
Anh Nguyễn Tấn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) thú thực rằng, tiếng là địa phương có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia nhưng chỉ chuẩn cơ sở vật chất mà chủ yếu là nhà cửa.
Bị tiền đình lại phán... có bầu
Cũng có đủ bác sĩ, y sĩ, y tá đấy nhưng chuyên môn kém. Dân không đến trạm y tế xã khám vì năng lực không có, vì cán bộ có người còn rượu chè. Ở xã đã thế, đội ngũ y tế thôn bản lại càng nản hơn. Thực tế y tế thôn bản toàn nông dân. Họ làm mỗi nhiệm vụ “mõ” đi thông báo tiêm chủng chứ không có tí gì hiệu quả.
Tôi đến Trạm xá Tiên Lương, phòng đông y trống trơn, vườn thuốc nam cỏ mọc hoang tàn. Cả cái trạm đường bệ, đầy đủ đội ngũ là thế mà chỉ có một người dân đến xin tiêm vắc - xin phòng dại. Bà ta cứ vừa lấy tay tháo chiếc bông băng đẫm máu vừa kể lể một cách không được thật người cho lắm. Anh Hùng, Phó chủ tịch xã bảo nhỏ với tôi, người dân ở đây hễ có bệnh đa số lại về huyện, tỉnh, thậm chí xuống thẳng Trung ương. Bệnh trọng càng không dám khám ở xã.
Vì sao? Chính anh Hùng đã có một bài học nhớ đời. Lần đó anh Phó chủ tịch xã chở một người nhà đi khám bệnh ở trạm xá xã. Bà này người vốn phốp pháp, bị tiền đình nên thấy chóng mặt, buồn nôn kéo dài. Cán bộ y tế xã uống rượu ngà ngà, mặt đỏ bừng bừng như cổ gà chọi ngồi gà gật ở cơ quan. Thấy bệnh nhân đến lại biết người nhà “sếp” cũng cố dướng đôi mắt đang trĩu nặng bởi cồn, bởi mực nướng, lăng xăng khám, rồi giục lia lịa: “Anh chở ngay lên tuyến trên gấp. Bà này chửa mà bị nôn thế thì nguy hiểm cho em bé lắm. Nhanh lên kẻo không kịp”. Anh Hùng cố ghìm nhưng vẫn phì cười. “Bà chửa” đó cả năm sau cũng không hề có biểu hiện lâm bồn, chuyển dạ.
Ở tuyến xã trên toàn quốc, các trạm y tế hiện nay chỉ thực hiện chức năng tiêm phòng vắc - xin, chữa các bệnh thông thường: nhức đầu, sổ mũi, đỡ đẻ... Trang bị ở trạm rất sơ sài. Ngoài các bộ khám sản, phụ khoa, đỡ đẻ, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt, cùng giường, tủ, bàn tiêm và một vài dụng cụ thô sơ như ống nghe, đo huyết áp chứ không hề có máy siêu âm, không có phòng điều trị. Hơn nữa, nhiều trạm y tế tiếng đã đạt chuẩn nhưng chất lượng kém bởi đội ngũ cán bộ toàn dạng “hàng ký gửi” của các vị lãnh đạo cấp huyện, xã, học hành lỗ mỗ. Do đó, hiện nay chỉ người dân ở những xã vùng cao, vùng sâu sản phụ mới tới trạm xá còn lại đều tới bệnh viện chứ chưa nói đến những bệnh trọng khác.
Y tế xã là tuyến đầu trong phát hiện bệnh cho người dân nông dân mà bị què cụt như thế, chẳng trách tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên ngày càng nặng thêm. Hệ lụy của nó là nhiều bệnh nhân chỉ được nhập viện khi cái chết đã cận kề.
Anh Nguyễn Quang Đại, một nông dân ở làng Hợp Lễ (xã Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) có đứa em bị dính ruột, phải mổ cấp cứu ở bệnh viện tỉnh bởi chậm một hai tiếng là hoại tử ruột, không sống nổi. Lên đến tỉnh, anh mới ngã người ra khi người ta bảo là vượt cấp, đáng nhẽ phải ở tuyến xã, tuyến huyện cơ, giá vượt cấp cũng đắt hơn hai lần đúng cấp. “Khi bệnh nặng, gần ở đâu thì đưa vào đấy cấp cứu chứ chẳng nhẽ lại chờ đúng tuyến có ngỏm củ tỏi lâu rồi”, anh Đại than. Ngay như bản thân anh Đại có 6 sào ruộng, vợ vẫn phải đi làm ngói, chồng đi xây mới đủ ăn. Sịt soạt, sốt nổi đến gai ốc trên giàn giáo vẫn không dám ngơi tay bay, tay vữa bởi ráo mồ hôi là hết tiền ngay.
Con anh Nguyễn Văn Hợp xóm 4 Ngô Xá (Cẩm Khê, Phú Thọ), 11 tuổi đi chăn bò, bị tai biến xuất huyết não. Người nhà vội mang cháu đến tuyến y tế cơ sở cấp cứu, nhân viên thấy cháu sùi bọt mép phán đoán là ngộ độc thực phẩm liền đem sục rửa độc. Đến khi biết phán đoán sai, tình trạng bệnh nhân mỗi lúc một nặng, người nhà khăng khăng yêu cầu chuyển tuyến, trình cả sổ hộ nghèo nhưng vẫn bị kỳ kèo đòi 700.000 đồng mới cho xe lên tuyến cao hơn. Cháu bé một đi không thể trở lại cuộc đời được nữa.
Chịu đớn đau mà chết
Khi tôi viết loạt phóng sự về làng ung thư ở Thạch Sơn, Phú Thọ dăm bảy năm trước, dư luận đã hết sức lạ. Giờ, "làng ung thư" đã lan rộng, vươn cánh tay chết chóc trên toàn quốc, thành chuyện của mọi làng dù nó có hẻo lánh, xa các khu công nghiệp, nhà máy đến đâu đi chăng nữa. Mười đám ma mà chúng ta tham dự, nhẩm tính trong đầu cũng ba bốn đám ung thư. Phổ biến nhất là ung thư liên quan đến hệ hô hấp và hệ tiêu hóa như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản…
Anh Hoàng Bá Thiện, anh họ ông Phó chủ tịch xã Tiên Lương Nguyễn Tấn Phúc mới chết vì ung thư. Anh Thiện bị ung thư gan nhưng không phát hiện triệu chứng kịp thời ở tuyến y tế cơ sở đến khi bụng trướng, không ăn nổi mới khám ở bệnh viện trên rồi bị trả về. Nhà anh Thiện ba bề gạch không trát, một bề vách đất, cửa liếp đóng cũng như không, lụp xụp như một cái chuồng trâu. Gia cảnh anh nghèo đến nỗi không có tiền mua moóc phin nên phải vật lộn với cơn đau nát gan, mục ruột hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng. Thời gian đầu anh còn kêu la dữ dội, sau sức lực cạn kiệt dần như một cái bình vỡ đáy, anh đi.
+ Ở làng quê bây giờ khoảng cách giữa cán bộ và nông dân càng ngày càng rộng ra. Cán bộ về hưu, thường lương 1,5-2 triệu đồng, ốm đau có bảo hiểm y tế, quy tiên có tiền mai táng phí. Nông dân bảo hiểm không, tiền nong chẳng có, ốm đau cũng chỉ tự chữa qua quýt bằng vài mớ lá leo, củ gừng nghiền lấy nước, có bị ung thư cũng không dám thuốc thang, chẳng mơ được truyền hoá chất. + Anh Nguyễn Tấn Phúc, Phó chủ tịch xã Tiên Lương, nơi có 43% nghèo, bảo: “Mức thu nhập của người dân chúng tôi xa cách vời vợi với thị trấn chứ chưa nói đến Việt Trì, càng không dám nghĩ đến Hà Nội. Giàu ở nông thôn mới chỉ đủ ăn, đủ mặc chứ chưa thể nó là giàu có thực sự được". |
Tôi đến thăm ông Hà Văn Thực ở khu 10. Ông Thực phát hiện ung thư được trên 2 tháng khi những biểu hiệu sốt liên miên, sờ gan đã to, bụng đã phình. Ông Thực nằm bệt nửa tháng nay, không ăn được chỉ uống chút nước cháo cầm hơi, người trơ xương, da vàng bủng, mắt chỉ là hai cái hố sâu hoắm. Ông chấp nhận cái chết đang đến với mình trong đau đớn đến khôn cùng nhưng gia cảnh nghèo, không mua thuốc cũng chẳng tiêm mooc phin (mỗi ống giá khoảng 20.000đ) vì sợ vay mượn khổ con, khổ cháu. Uống vài thứ lá leo hái trên đồi nhà, cũng như nhiều bệnh nhân ung thư ở nông thôn, ông chờ dân làng kéo nhau đi chôn là xong.
Giở sổ theo dõi tình hình ung thư ở Tiên Lương, một xã thuần nông, cách xa các khu công nghiệp, tôi giật mìn năm 2010 có 13 ca ung thư chết, 6 tháng đầu năm 5 ca chết không kể một số đang nằm nhà chờ chết như ông Thực. Không chỉ ung thư, căn bệnh AIDS cũng đang thò vòi, sục sạo vào Tiên Lương. Xã có 34 người mắc, chết gần hết, giờ còn 13 người. Trước đây thanh niên làng đi khai thác mỏ than thổ phỉ ở Quảng Ninh, chủ mỏ khuyến khích quân chích ma túy để tăng công suất nên tha bệnh về làng. Một thanh niên trong cơn vật vã trước khi chết vì AIDS đã nói với ông Phúc rằng: “Cháu nói thật với chú, nếu cháu chết thì cũng vài chục thằng ở xã này chết bởi một xi - lanh vài chục người chung”.