Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Trung Quốc chủ trương phá sản các doanh nghiệp nhỏ?

(Tamnhin.net) - Báo chí Trung Quốc tháng 7 vừa qua đã đưa tin hàng loạt về làn sóng vỡ nợ mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực phía Nam và Đông Nam nước này.

Trung Quốc sẽ nhường lại cho các quốc gia trong khu vực ngành dệt và những lĩnh vực có lãi suất thấp
Các đài truyền hình Trung Quốc phát đi hàng loạt các phóng sự về cuộc chạy trốn của các ông chủ công ty nhỏ; về các cuộc bãi công của công nhân mà đôi khi cảnh sát phải can thiệp…

Hiệp hội Công thương Trung Quốc (đại diện chính thức của giới doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc) đã gửi tới Quốc vụ viện báo cáo nói rằng 7,5 triệu xí nghiệp vừa và nhỏ đang chịu sức ép kinh tế rất nặng nề và cần có sự hỗ trợ tức thời của nhà nước. Theo các đánh giá khác nhau, trong vòng 2 – 3 năm tới sẽ có từ 10 đến 20%, thậm chí là 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc bị phá sản.

Trước thập niên 90 của thế kỷ trước các công ty tư nhân của Trung Quốc không được phép giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài. Chỉ có các tập đoàn xuất nhập khẩu lớn có giấy phép đặc biệt mới được ký các hợp đồng ngoại thương. Về sau nhằm phát triển các tỉnh ven biển mà Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một số dự án thí điểm, cho phép công ty tư nhân tự do xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Chính sách này đã mở ra thời đại phồn vinh cho các tỉnh như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang.

Hiện nay tại ba tỉnh này tập trung đáng kể các cơ sở kinh doanh ngoại thương, cộng thêm mô hình kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Nhiều nhà sản xuất và nhập khẩu của nước ngoài đã đầu tư vốn liếng vào đây. Ba tỉnh này rất khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc, tại đây có luật lệ riêng, môi trường kinh doanh riêng và thậm chí là chính sách vận động hành lang riêng mà nhiều khi đối nghịch với Bắc Kinh.

Chính tại đây tình hình trở nên hết sức gay go khiến nhiều xí nghiệp đang ở ranh giới giữa cái sống và cái chết, đe dọa cướp đi công ăn việc làm của hàng triệu con người. Theo con số chính thức từ tháng 1 đến tháng 4/2011 chỉ riêng ở Phúc Kiến đã có hơn 7.300 nhà máy bị đóng cửa. Cứ cho rằng tất cả các cơ sở sản xuất nói trên đều có quy mô nhỏ với biên chế 100 – 200 công nhân thì cũng đã từ 73.000 đến 1,5 triệu người thất nghiệp.

Trước tiên, lâm vào vòng nguy hiểm là các nhà máy dệt, sản xuất đồ chơi, hàng lưu niệm, đồ gỗ và các cơ sở làm ra hàng hóa có lợi nhuận thấp nhưng lại cần nhiều nhân công. Nguyên nhân chủ yếu (rất dễ nhận ra) là do tỷ giá đồng nhân dân tệ dần dần được nâng cao so với các ngoại tệ mạnh, nguyên liệu tăng giá và tiền thuê nhân công cũng đắt đỏ hơn trước khiến ưu thế giá rẻ của hàng hóa Trung Quốc không còn. Giá thuê nhân công ở Việt Nam và Campuchia rẻ hơn nhiều – tại những quốc gia đó lương tháng của thợ chỉ vào khoảng 60 USD, còn ở Quảng Đông đã vượt mức 200 USD.

Các nhà sản xuất ở phía Nam Trung Quốc có thể trụ lại bằng khoản tín dụng ưu đãi. Song mọi chuyện không đơn giản. Nhằm hạn chế số dư thanh khoản quá lớn trên thị trường trong vòng 2 năm qua, Bắc Kinh đã nâng lãi suất tín dụng lên… 10 lần và bằng những biện pháp khác đã siết chặt kỷ luật tín dụng ngân hàng.

Hiện tại lãi suất tín dụng ở mức 6,56%/năm, tuy nhiên đối với doanh nghiệp tư nhân vấn đề không nằm ở mức lãi suất. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc xưa nay vẫn chỉ yêu quý các công ty lớn của Trung Quốc, đặc biệt là các cơ sở nhà nước, còn các doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc còn có truyền thống thích lấy ruộng đất, bất động sản làm vật thế chấp.

Những ai không có ruộng đất lẫn bất động sản thì làm thế nào? Họ đành tìm đến các ngân hàng nhỏ. Nếu công ty có mối quan hệ với ngân hàng thì có thể vay tiền với lãi suất 10 – 12%/năm. Còn nếu không thì phải vay tiền nóng của tư nhân với lãi suất 5 –  6%/tháng. Không có gì lạ là tại Trung Quốc “chợ tín dụng đen” bùng nổ.

Nếu một công ty lớn của nhà nước có thể vay tín dụng ngân hàng với lãi suất 6,5% rồi “bắn” sang cho công ty tư nhân với lãi suất 30 – 40% thì dại gì mà lao đầu vào việc kinh doanh, sản xuất nữa. Món bánh này ngon đến mức có những trường hợp dân cả một làng, một xóm đều làm nghề cho vay nặng lãi. Bây giờ mọi sự đã kết thúc một cách đáng buồn. Theo con số công bố chính thức, tới tháng 3/2010 chỉ gần 5,6% các khoản tín dụng ở Trung Quốc bị tuồn ra “chợ đen”, nhưng con số không chính thức thì cao hơn nhiều lần.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là “chợ tiền đen” bùng phát trong bối cảnh khoản tín dụng cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng chưa từng có trên quy mô toàn Trung Quốc. Theo con số thống kê, đến cuối năm 2010 các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được 1,12 tỷ USD, chiếm 24% tổng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước. Bắc Kinh dĩ nhiên là biết vì sao tín dụng ngân hàng không đến được các tỉnh miền Nam. Nhưng liệu Bắc Kinh có cứu 7,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trên bờ vực phá sản hay không thì chưa ai rõ.

Trước đây những người nông dân rời bỏ ruộng đồng ở các tỉnh Tứ Xuyên, An Huy và Hà Nam chấp nhận đồng lương rẻ mạt ở các xí nghiệp nhỏ, nhưng giờ đây họ không chịu như vậy nữa. Tại nhiều nơi việc tuyển thợ cực kỳ khó khăn. Đôi khi chủ các cơ sở sản xuất nhỏ phải thân chinh đến các nhà ga để “gạ gẫm” dân nhập cư về làm công cho mình. Bắc Kinh giờ đây lại khuyến khích người nhập cư đến làm việc tại các vùng miền Trung và miền Tây Trung Quốc. Có thể một số cơ sở sản xuất ở phía Nam cũng sẽ chuyển về đó.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ định hướng xuất khẩu những mặt hàng rẻ tiền giờ đây phải dọn đi để nhường mặt bằng cho các cơ sở sản xuất lớn mang tính công nghệ và có hàm lượng khoa học cao. Các doanh nghiệp lớn được nhà nước hỗ trợ để phát triển. Các khu vực ven biển của Trung Quốc vẫn sẽ là đầu tàu của nền kinh tế cả nước, song bản thân đầu tàu thì bị thay thế bằng một mô hình hiện đại hơn. Điều này không diễn ra trong một giờ nhưng quá trình này là không thể đảo ngược.

Dĩ nhiên, Chính phủ Trung Quốc không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc hàng triệu công ty phải phá sản. Có lẽ Bắc Kinh sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ ở mức độ “đủ để tuyên truyền” đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cố không để xảy ra sự căng thẳng xã hội ngoài tầm kiểm soát tại các điểm nóng.

Ngoài ra, các ngân hàng sẽ quan tâm hơn tới các doanh nghiệp nhỏ, đa dạng hóa các kênh và cơ hội vay tín dụng. Điều kiện chủ yếu để được vay tiền từ phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải là thế chấp tài sản mà là tính khả thi của đề án kinh tế và mức độ hiện đại của công ty.

Hiện tại nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang vội vàng xem lại chiến lược đổ vốn vào Trung Quốc mà họ đề ra trước đây. Các nhà nhập khẩu hết sức thận trọng trong việc lựa chọn các cơ sở cung cấp của Trung Quốc, lưu ý đến việc kiểm tra khả năng tài chính của đối tác. Nhiều doanh nhân nước ngoài đã kịp hiểu rằng sự phá sản ở Trung Quốc không phải bao giờ cũng thông qua lá đơn gửi tòa của ông chủ công ty hay chủ nợ. Trên thực tế thường xảy ra các trường hợp cơ sở sản xuất đột ngột đóng cửa, ông chủ bỏ trốn và đôi khi là tự tử.

Các nhà máy thuộc về những ông chủ ngoại quốc sẽ rất khó khăn trong việc tìm địa điểm mới để bố trí cơ sở sản xuất tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Thật khó dự đoán bao nhiêu phần trăm ở lại và bao nhiêu doanh nghiệp sẽ ra đi và nếu quyết “dứt áo” thì sẽ về đâu.

Rõ ràng là không chỉ các nước kém phát triển hơn như Việt Nam và Campuchia mà cả những quốc gia khác vốn bị hàng hóa rẻ tiền của Trung Quốc tràn ngập khiến cho giới doanh nhân của họ không ngóc đầu lên được, cũng tận dụng cơ hội này. Trung Quốc sẽ nhường lại cho các quốc gia trong khu vực ngành dệt và những lĩnh vực có lãi suất thấp để hướng tới các ngành sản xuất hiện đại và có hàm lượng công nghệ cao.

Trần Quang Vinh (theo Newsme.com.ua)
-Nguồn:

Tổng số lượt xem trang