Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Trung Quốc và chiến lược vũ khí “bất chiến tự nhiên thành”

-Kế hoạch phát triển vũ khí chiến lược

Tàu sân bay ShiLang (Thi Lang), máy bay tàng hình J20 và tên lửa Dong Feng (Đông Phong – DF21D) của Trung Quốc là những cái tên đang được nhắc đến thường xuyên gần đây trên những diễn đàn quân sự thế giới. Trong 3 loại vũ khí trên thì tên lửa Đông Phong đã sẵn sàng chiến đấu. Tàu sân bay ShiLang và máy bay tàng hình J20 đang trong quá trình thử nghiệm.
Trong khi vấn đề biển đảo giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, có tới 2/3 loại vũ khí mang tính cột mốc trong chiến lược phát triển vũ khí của Bắc Kinh khiến “các hàng xóm” không khỏi giật mình, bởi chúng liên quan đến sức mạnh hải quân.
Tàu sân bay Thi Lang
Tàu sân bay Thi Lang.
Ngay từ Thế chiến thứ II, tàu sân bay đã là phương tiện mang tính quyết định đến sức mạnh hải quân của các cường quốc. Và người khổng lồ Trung Hoa cũng mang một giấc mộng đó suốt nhiều thập kỷ qua…
Mặc dù cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới vượt qua “đại gia” Mỹ trên lĩnh vực tàu sân bay, nhưng với mục tiêu “bằng mọi giá” có được thứ mình muốn như cá tính vốn có, cuối cùng người Trung Hoa đã hiện thực hóa được giấc mơ tàu sân bay đầu tiên, bằng cách kết hợp giữa công nghệ nước ngoài và địa phương hóa khâu chế tạo.
Tên lửa Đông Phong DF21D
Tên lửa Đông Phong DF21D
Nằm trong kế hoạch triển khai một lực lượng hùng hậu các tên lửa và các vũ khí tầm xa nhằm mở rộng khả năng tác chiến ngoài bở, tên lửa Đông Phong DF21D trở thành tên lửa nổi bật nhất với tính năng được “quảng cáo” là đặt trên bờ mà vẫn có thể tấn công được các tàu sân bay của Mỹ , vốn từ lâu đã là trụ cột trong sức mạnh hải quân của Washington.
Sở dĩ DF-21D đã sẵn sàng chiến đấu vì dự án chế tạo hoả tiễn này được khởi động từ cuối những năm 60. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Trung Quốc đang có từ 60 đến 80 quả tên lửa loại này cùng 60 bệ phóng tự hành. DF-21D là phiên bản mới nhất trong dự án chế tạo hoả tiễn trong nhiều năm của Bắc Kinh và là tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) đầu tiên trên thế giới. Một người anh em của loại tên lửa này cũng được phát triển để có khả năng phá huỷ vệ tinh.
Máy bay tàng hình J20
Máy bay tàng hình J20
Mẫu máy bay tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc đang gây xôn xao với hàng loạt chuyến bay thử vừa qua. Việc công bố hình ảnh Chengdu J-20 có tác động rất lớn vì mẫu máy bay này được cho là đã đưa Trung Quốc gia nhập nhóm các nước rất ít trên thế giới có thể sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm có khả năng tàng hình trước radar. Chuyến bay đầu tiên của Chengdu J-20 được thực hiện hồi tháng 1, chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh.
Không phủ nhận tầm ảnh hưởng của mình, song mẫu máy bay đời mới có khả năng tàng hình của Trung Quốc cũng phải mất hàng thập kỷ thử nghiệm mới có thể tham chiến thực sự.
Và những vũ khí “made in China” ấy mạnh đến đâu?…
Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất một quan điểm cho rằng, những vũ khí quân sự mà Trung Quốc đưa ra thời gian gần đây mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tiễn.
Nói cách khác, Trung Quốc đã và đang thành công với kiểu phô trương thanh thế bằng những thứ vũ khí mang tầm “đại gia” quân sự này. Tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia về Trung Quốc của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ (Naval War College) nói: “Trung Quốc không muốn phát động một cuộc chiến tranh mà thay vào đó tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự đang lên của mình để thực hiện chiến thuật ‘không đánh cũng thắng’, bằng việc răn đe những hành động mà họ cho là làm phương hại đến các lợi ích cốt lõi của họ”.
Trang tin Asia Times ngày 17/8 trích đăng bài phân tích của nhà chiến lược hải quân Australia Phil Radford. Ông cho rằng, việc sở hữu tàu sân bay không giúp Trung Quốc duy trì lợi thế trong các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Vấn đề biển Đông đang là vấn đề đau đầu nhất đối với Trung Quốc nhưng tàu sân bay này không phải là công cụ để giải quyết các tranh chấp hiện nay, nó có ý nghĩa ngoại giao nhiều hơn là một cỗ máy quân sự.
Trung Quốc hy vọng rằng, việc sở hữu tàu sân bay và hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay có thể làm thay đổi mạnh mẽ cán cân quyền lực trên biển Đông. Tàu sân bay Thi Lang sẽ giải quyết được các vấn đề chiến lược nhất định, cho phép Trung Quốc vươn xa hơn trong chiến lược hướng ra biển lớn, bảo vệ “lợi ích cốt lõi” tại biển Đông. Tuy nhiên, lợi thế  này không thấm vào đâu so với các khó khăn mà tàu sân bay này phải đối mặt. Và khó khăn đó là gì? Sự tinh nhuệ của hệ thống tên lửa siêu thanh và tầu ngầm của các nước trong khu vực sẽ là điều lo ngại  nhất với Trung Quốc.
Theo ông Phil Radford, việc Trung Quốc sở hữu tàu sân bay đã vô tình tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ngầm tại khu vực ASEAN. Ngay từ khi Trung Quốc tiến hành cải tạo tàu sân bay Varyag các nước trong khu vực đã rục rịch chuẩn bị các phương án để đối phó.
Tàu sân bay của Trung Quốc chưa thể có hệ thống bảo vệ tiên tiến như tàu sân bay của Mĩ, một chuyên gia quân sự Hàn Quốc nói: “Khả năng chống tàu ngầm của tàu sân bay Trung Quốc vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp”.
Chuyên gia tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, ông Ni Lexiong thì cho rằng: Một chiếc tàu sân bay đơn độc trên biển mà không được bất kỳ lực lượng quân sự nào hỗ trợ, thì chỉ là “một con vịt què” nếu cố sử dụng”.
Nhà báo Đức sống tại Đài Loan là Jens Kastner đánh giá trên trang Asia Times là tàu sân bay Trung Quốc hiện chưa hiện hữu khả năng tác chiến. Trong thực tế, tàu sân bay Trung Quốc là một biểu tượng không hơn không kém vì cần nhiều thời gian để hoàn thiện đội hộ tống, hỗ trợ, theo nhà báo Kastner. Ngoài ra, thiết kế tàu sân bay Trung Quốc cũng không thể mang theo các loại máy bay do thám tầm xa để thiết lập “hàng rào an ninh”, nên khó phát hiện tấn công từ xa. Gần đây, nhiều chuyên gia cũng có đánh giá tương tự về tàu sân bay Trung Quốc.
Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân của Hiệp hội Khoa học gia Mỹ Hans M. Kristensen nhận định rằng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc “có thể chỉ là những con vịt ngồi”, ý nói chúng rất dễ bị tấn công.
Ngoài ra, lính tàu ngầm của Trung Quốc chưa được huấn luyện nhiều. Ông Kristensen dẫn một tài liệu từ hải quân Mỹ cho hay trong năm 2009, 63 tàu ngầm của Trung Quốc chỉ thực hiện hơn 10 cuộc tuần tra, chỉ bằng 1/10 của Mỹ.
“Thông qua các cuộc tuần tra, binh sĩ sẽ làm quen và thành thục cách điều khiển cũng như sử dụng tàu trong thực chiến. Không tuần tra sẽ không thể chiến đấu”, Washington Post dẫn lời ông Kristensen.
Giáo sư chính trị quốc tế Thái Minh Yến của Đại học Trung Hưng (Đài Loan) thì cho rằng Trung Quốc giới thiệu tàu sân bay vào thời điểm vừa qua nhằm tạo dấu ấn thành tựu nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7) và ngày thành lập PLA (1/8).
Đấy là chưa kể, sau nhiều năm nghiên cứu, Trung Quốc vẫn chưa chế tạo được động cơ “xịn” cho máy bay quân sự. Nước này phải nhập các động cơ từ 2 nhà máy của Nga là Salyut và Chernyshev cho các loại chiến đấu cơ J-11B, J-10 và FC1. Trong đó, J-11B là bản sao từ chiếc S-27 của Nga, J-10 được cho là có sự hỗ trợ của Israel, và FC1 được chế tạo dựa trên một thiết kế từ thời Liên Xô.
Trung Quốc còn muốn mua động cơ dùng cho máy bay Su-35. Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích công nghệ chiến lược và là cố vấn của Bộ Quốc phòng Nga, dự đoán rằng Trung Quốc cần một thập niên nữa mới có thể chế tạo động cơ máy bay tác chiến. “Trung Quốc vẫn phụ thuộc chúng tôi và tình trạng này sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa”, Washington Post dẫn lời ông Pukhov nhận định.
Ngoài ra, dư luận cũng rất quan tâm tới máy bay J-20. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc còn phải mất nhiều năm mới có thể đưa loại máy bay tàng hình này vào sử dụng. Richard Aboulafia, chuyên gia hàng không thuộc Tập đoàn tư vấn quốc phòng và không gian vũ trụ Teal Group của Mỹ, nhận định với tờ Wall Street Journal rằng chiếc J-20 được thử nghiệm hồi tháng 1, giữa lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang thăm Bắc Kinh, “chỉ trông giống máy bay tàng hình” và được lắp ráp khá vội vã.
“Phải mất ít nhất 10 năm, chiếc J-20 mới có tính năng tương đương với chiếc F-22 của Mỹ, nhưng đến khi đó, phương Tây đã có máy bay mới hiện đại hơn”, ông Aboulafia nói.
Trong buổi trình bày trước Quốc hội Mỹ hôm 17.2, Bộ trưởng Gates ước tính vào năm 2020, Trung Quốc sẽ có 50 chiếc J-20, trong khi đó vào cuối năm 2016, Mỹ đã sở hữu 325 chiếc F-35, với những tính năng vượt trội hơn cả F-22.
Cũng theo Washington Post, tên lửa đạn đạo chống tàu rất khó chế tạo. Nga mất một thập niên nghiên cứu nhưng chưa thành công còn Mỹ thì chưa bao giờ thử.
Hôm 28/12/2010, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ là ông Robert Willard nói với tờ Asahi Shimbun rằng hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc vừa đạt được khả năng vận hành ban đầu nhưng vẫn phải mất nhiều năm nữa mới có thể đưa vào thực chiến.
Mới đây, AP dẫn lời Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Scott van Buskirk tuyên bố DF-21D không thể đe dọa hàng không mẫu hạm của nước này cũng như khiến Washington thay đổi chiến lược hoạt động trên Thái Bình Dương.
Cũng bàn về vấn đề này, The New York Times dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Chu Phong nói: “Có nhiều dòng tít đao to búa lớn về việc trang bị vũ khí của Trung Quốc, nhưng theo tôi đó chỉ là một sự thổi phồng”.
Còn nhà phân tích người Nga Vasily Kashin, đang làm việc tại Bắc Kinh, thì nhận định với Washington Post: “Họ (Trung Quốc) đã tiến bộ đáng kể trong việc phát triển công nghiệp vũ khí nhưng không nên nói quá vấn đề lên. Họ có truyền thống tự đánh giá quá cao khả năng của mình”.
Hương Mai (Tổng hợp) Trung Quốc và chiến lược vũ khí “bất chiến tự nhiên thành”

Tổng số lượt xem trang