Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Tự do hàng hải Biển Đông, siêu hạm TQ trong cảnh "thập diện mai phục"

(GDVN) – Mỹ khẳng định tự do hàng hải ở biển Đông, tàu sân bay Trung Quốc và những nguy cơ phải đối mặt, tuyên bố của thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền quốc gia,…là những tin tức mới nhất cập nhật trong ngày.

TT Nguyễn Tấn Dũng: Dùng sức mạnh của cả dân tộc để bảo vệ chủ quyền

Tờ Thanh niên đưa tin, tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng ngày hôm qua 17- 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng ta sẽ làm hết sức mình, bằng mọi giải pháp, bằng xương, bằng máu và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; kết hợp với sức mạnh của quốc tế và thời đại để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!”.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề, phải làm sao vừa bảo vệ được chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ cao nhất, vừa giữ được hòa bình, tránh xung đột, tránh chiến tranh để ổn định xây dựng đất nước. Thủ tướng nói: “Chúng ta luôn luôn khẳng định Hoàng Sa là của VN nhưng chúng ta chủ trương dùng hòa bình và pháp lý để đấu tranh giữ vững chủ quyền chứ không chủ trương dùng vũ lực. Vì thông lệ quốc tế không cho phép”. Theo Thủ tướng: “Ta đang khẩn trương thu thập và tập hợp những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền của ta ở các khu vực này. Để đến lúc nào đó cần thiết, chúng ta có thể sẽ đưa ra Tòa án quốc tế”.

Phó Tổng thống Mỹ khẳng định tự do hàng hải ở biển Đông

Theo thông tin từ PL TPHCM, tối 17-8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình.

a
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến sân bay quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: Getty images _
 

Trả lời câu hỏi tại sao Mỹ cứ kêu gọi quyền tự do hàng hải ở biển Đông dù Trung Quốc đã cam kết điều này, ông giải thích với tư cách một nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có quyền lợi quốc gia lâu dài trong việc bảo đảm tự do hàng hải, duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng pháp luật quốc tế ở biển Đông. Ông nói Mỹ phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của bất cứ bên nào để giành chủ quyền ở khu vực này.

Trong khi đó, ngày 16-8, người phát ngôn tổng thống Philippines cho biết Tổng thống Benigno Aquino III sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 30-8, vấn đề tranh chấp trên biển Đông sẽ được tổng thống nêu ra.

Tàu sân bay Trung Quốc: “Vỏ quít dày, móng tay nhọn"

Báo điện tử Tầm nhìn dẫn lời chuyên gia phân tích hải quân Phil Radford ở Sydney, tàu sân bay Shi Lang (Varyag) không giúp gì nhiều cho việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

a
Tàu sân bay Thi Lang cập cảng Đại Liên, Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 14/8 sau khi chạy thử nghiệm trên biển - Ảnh: China.org.cn
 

Theo đó, tờ báo đi sâu phân tích những nhược điểm cần phải khắc phục của tàu sân bay TQ.

Thứ nhất: Không có thiết bị phóng và hãm máy bay, tàu sân bay Shi Lang không thể mang theo máy bay cảnh báo sớm từ xa vốn rất cần thiết cho việc bảo vệ tàu sân bay và các tàu hộ tống. Điều này có nghĩa là tàu sân bay Shi Lang phải dựa vào chính hệ thống radar trên tàu để tự bảo vệ và đối phó với những hiểm họa đang rình rập.  

Thứ hai: Cung ứng hậu cần cũng là một nhược điểm lớn của đội tàu sân bay Shi Lang. Cho tới nay, Hải quân Trung Quốc mới có 5 tàu hậu cần viễn dương và không có chiếc nào trong đó có trọng tải trên 22.000 tấn.

Thứ ba: Nhược điểm lớn nhất của tàu sân bay Shi Lang là nó không được bảo vệ một cách thỏa đáng. Trung Quốc hiện có hai tàu khu trục Type 52C có khả năng phát hiện từ xa tên lửa và máy bay đang bay tới, trong khi việc kết nối hệ thống radar này với tên lửa phòng không tự chế tạo HHQ-9 vẫn còn khá trục trặc trong việc bắn hạ các tên lửa có tốc độ siêu thanh. Với hệ thống thông tin liên lạc khá lạc hậu, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc khó có khả năng ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công của tàu ngầm đối phương nhắm vào tàu sân bay.

Thêm vào đó, ngay cả khi việc đưa tàu sân bay Shi Lang vào hoạt động không vấp phải những hạn chế trên, các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác cũng không chịu bó tay và sẽ biến những vùng đang tranh chấp ở Biển Đông thành vùng biển nguy hiểm đối với tàu sân bay Trung Quốc.  

Việt Nam có ý định mua các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển BrahMos để bảo vệ các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình. Với tốc độc Mach 2,8 (nhanh gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và nhanh gấp 4 lần tốc độ của tên lửa Tomahawk của Mỹ) và tầm bắn 300km, tên lửa BrahMos quả là một mối đe dọa nghiêm trọng. Ngay cả hải quân được trang bị cực kỳ hiện đại của các nước thành viên NATO cũng tỏ ra e ngại và tránh xa các khu vực nằm trong tầm hoạt động của tên lửa BrahMos. Không những thế, Việt Nam còn đặt mua 6 tàu ngầm Kilo-636 của Nga. Loại tàu ngầm có trọng tải 2.300 tấn này nổi tiếng khó bị phát hiện và có phạm vi hoạt động tới 5.000 hải lý quả là một sự răn đe hữu hiệu đối với mọi loại tàu nổi hoạt động ở Biển Đông.

Hải quân Malaysia cũng đã có trong tay 2 tàu ngầm hiện đại Scorpene class mua từ Pháp.

Cả Indonesia lẫn Philippines đều có thể nhanh chóng triển khai tên lửa đất đối hạm ở các hòn đảo tiền tiêu, với chi phí không nhiều. Indonesia đã tiến hành thảo luận mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ, trong khi Philippines có thể mua tên lửa chống hạm cũ của Mỹ  hoặc thương lượng mua tên lửa chống hạm Hùng Phong III mà Đài Loan từng khoe là “sát thủ của tàu sân bay Shi Lang”.

Có một  thực tế là Biển Đông sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với tàu sân bay và điều này sẽ khiến cho Trung Quốc lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trung Quốc đã đầu tư các nguồn tài lực khổng lồ cho chương trình tàu sân bay và coi đó là biểu tượng của qui chế cường quốc.

Chỉ có điều, tàu sân bay Shi Lang sẽ mất thiêng, nếu các vị đô đốc Trung Quốc không dám đem nó ra thử lửa.

Tàu sân bay Trung Quốc bị "thập diện mai phục"
 
Chỉ vài hôm sau khi tàu sân bay đầu tiên Thi Lang của Trung Quốc chạy thử, nhiều nước trong khu vực tuyên bố đẩy mạnh phát triển hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm. Tờ Đất Việt đưa tin.

Nhật báo Chosunilbo hôm qua dẫn nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết, Cơ quan phát triển quốc phòng nước này (ADD) đang phát triển một loại tên lửa hành trình siêu thanh được sử dụng để tấn công các tàu sân bay và các tàu khu trục.

“Các nghiên cứu hoàn chỉnh về việc phát triển loại tên lửa đối hạm siêu thanh được ADD thực hiện từ nhiều năm qua và có thể sẽ hoàn tất trong vòng 3 - 4 năm tới”, Chosun Ilbo tiết lộ, “Loại tên lửa đối hạm siêu thanh này được chế tạo nhằm mục đích bảo vệ Hàn Quốc trước những hiểm họa trên biển”. Theo tiết lộ của Chosun Ilbo loại tên lửa này được thiết kế theo mẫu tên lửa hành trình Yakhont của Nga và có khả năng bay ở tầm thấp trên mặt nước, với tốc độ nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh, tầm hoạt động lên tới 300km.

Các tên lửa siêu thanh sẽ khó bị đánh chặn vì chúng có tốc độ lớn và có thể bay cách mặt biển vài m. “Việc phát hiện và theo dấu loại tên lửa đối hạm siêu thanh mà Hàn Quốc đang phát triển là một việc không dễ dàng”, chuyên gia Viện nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc Park Chang-kwon cho biết.

Trước đó, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng lên tiếng xác nhận đang nghiên cứu phát triển một phiên bản di động mới của tên lửa siêu thanh Hùng Phong III - được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” trưng bày trong cuộc Triển lãm Công nghệ quốc phòng và Hàng không vũ trụ Đài Loan tuần trước. Hiện Hùng Phong III với tốc độ lý thuyết Mach 2, gấp hai lần vận tốc âm thanh được Đài Loan trang bị cho các tàu khu trục và tàu tên lửa.

a
Trung Quốc chạy thử tàu sân bay Shi Lang, Đài Loan khoe tên lửa Hùng Phong III
 

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc chạy thử tàu sâu bay khơi lại “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc” của nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tờ Mingpao (Hongkong) hôm qua đưa tin, “Tiểu ban Trung Quốc” của hải quân Mỹ đang nghiên cứu bố trí lại lực lượng quân sự ở châu Á, thúc đẩy chiến lược “chiến tranh nhất thể hải - không quân” mới (AirSea Battle) tại khu vực đối phó “xung đột tiềm tàng với Trung Quốc”.

Khi Trung Quốc nhấn mạnh chủ quyền biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, Nhà Trắng khẳng định tự do hàng hải cũng là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Do vậy, Mỹ đang điều động lực lượng quân sự ở châu Á, phối hợp với kế hoạch Châu Á 2025 của Bộ Quốc phòng, coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh lâu dài “ ở khu vực này.

Ngay sau khi Phó TT Mỹ Biden đặt chân đến Bắc Kinh, Nhân dân Nhật báo hôm qua tuyên bố, “Trung Quốc, với tư cách là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ và nước nắm giữ khối tài sản bằng USD lớn nhất, hoàn toàn có lý khi lo ngại về những chính sách của Mỹ” và đe dọa “nếu Washington tiếp tục gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì quan hệ song phương chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng băng giá mới”. Ngay trước thềm chuyến thăm của Phó TT Mỹ máy bay tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc hôm 15/8 tái xuất với lần bay thử thứ 27 sau một thời gian im lặng.

Cảm ơn Mafiovi:

-Nguồn:-Tự do hàng hải Biển Đông, siêu hạm TQ trong cảnh "thập diện mai phục"

 

Tổng số lượt xem trang