Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Tập đoàn Cao su VN bị tước chứng chỉ ở Campuchia vì hoạt động bất hợp pháp

-Tập đoàn Cao su VN bị tước chứng chỉ ở Campuchia vì hoạt động bất hợp pháp


Theo thông báo đưa ra hôm thứ Ba, FSC cho biết ban giám đốc của tổ chức đã biểu quyết quyết định tước chứng chỉ của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) vào tháng 8, sau 5 tháng điều tra về những khiếu nại từ tổ chức chuyên hoạt động về môi trường có trụ sở tại Anh Global Witness về các hoạt động của tập đoàn này tại Campuchia.

FSC cáo buộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đã dính líu tới các ‘hoạt động bất hợp pháp’, bao gồm chuyển đổi khoảng 50.000 ha rừng thành đồn điền cao su mà không có sự tham khảo ý kiến từ công chúng, làm ngơ những khiếu nại đất đai của người dân địa phương, cho phép khai thác gỗ lậu và phá hủy các khu bảo tồn động vật hoang dã.

Trong lúc chuyển đổi rừng thành đồn điền cao su, VRG đã phá hủy hàng chục ngàn cây lấy nhựa, vốn là nguồn sinh kế quan trọng của người dân địa phương, mà không đền bù thỏa đáng cho họ. Tập đoàn này còn cho phép lâm tặc trú ngụ trong khu vực rừng thuộc phạm vi kiểm soát của mình để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép.

Thông báo của FSC cho biết Tập đoàn Cao su Việt Nam còn liên quan đến các hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, với sự thông đồng của chính quyền Campuchia. "Trong quá trình bảo vệ đất, đã có các cáo buộc rằng các lực lượng vũ trang của chính quyền đã đe dọa và sử dụng vũ lực để chống lại những người biểu tình", thông báo cho biết.

FSC nói họ đã thu thập được những chứng cứ liên quan đến rất nhiều vụ vi phạm nhân quyền của tập đoàn này qua việc sử dụng bàn tay của giới hữu trách địa phương ở Campuchia. Thông báo đưa ra vụ một ngôi làng ở tỉnh Kompong Thom đã bị bao vây trong 2 tháng và không một nguồn lương thực hay thuốc men nào tiếp cận được với ngôi làng.

Thông báo của FSC nói Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ chính thức bị tước chứng chỉ đối với các đồn điền tại Việt Nam trong 3 tháng, và sẽ vĩnh viễn không được cấp chứng chỉ cho các hoạt động của tập đoàn tại Campuchia.

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định chính quyền luôn đảm bảo các công ty phải tuân thủ các quy định, và nói rằng chính người dân địa phương là một phần nguyên nhân.

“Trước khi giao đất, chúng tôi luôn đảm bảo không có người sinh sống ở đó”, ông Phay Siphan được Phnom Penh Post trích lời nói, “nhưng người dân đôi khi đến khai hoang và chiếm đất đã được giao cho các công ty”.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền ra lệnh cho các công ty cho họ một số đất, bao gồm cả giấy chủ quyền, cho dù đó là đất bị chiếm dụng hợp pháp hay không.

Nhưng nhà lập pháp đối lập CNRP Son Chhay nói với Phnom Penh Post,
“Gần như mỗi vụ chuyển nhượng đất đều vi phạm đến quyền của người sở hữu lúc đầu và người dân bản địa, và chúng tôi chắc chắn không hưởng lợi gì từ những vụ sang nhượng này. Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại nhắm mắt làm ngơ đối với doanh nghiệp này”.

Nhan Mao, một nông dân địa phương, nói với Cambodia Daily rằng tập đoàn cao su đã cướp hơn 1.000 ha đất của khoảng 200 hộ dân địa phương, những người đã canh tác ở đây qua nhiều thế hệ.

“Chúng tôi chẳng bao giờ được giải quyết gì kể từ khi mất đất vào năm 2012, vì nhà cầm quyền luôn bảo vệ công ty”, ông Mao cho tờ Cambodia Daily biết. “Khoảng một tháng trước, nhà cầm quyền đến gặp các dân làng và cảnh cáo họ là họ sẽ bị bắt nếu dám biểu tình chống công ty”.

Việc tước chứng chỉ tuy không làm cho VRG bị phạt gì nhưng tổ chức Global Witness nói nó sẽ ảnh hưởng đến tài chính của tập đoàn này vì FSC là tổ chức cấp chứng chỉ về công nghiệp rừng hàng đầu thế giới. Một khi đạt được chứng chỉ của FSC, công ty có được sự đảm bảo đối với các khách hàng lẫn nhà đầu tư.

Tập đoàn Cao su Việt Nam chưa đưa ra thông báo hay bình luận gì về vụ việc. Hiện VRG có khoảng 100.000 ha đồn điền trên nhiều tỉnh ở Campuchia.

Theo Phnom Penh Post, Cambodia Daily.



-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng
(PetroTimes) - Ngày 27/12/2014, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo “Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)”. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề xuất xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc VRG liên quan những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản.
Năng lượng Mới số 393
Làm trái quy định
Năm 2010 và 2011, Hội đồng Thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm cho VRG và các đơn vị thành viên, trái với quy định, trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. VRG tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam 500 tỉ đồng; tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu 507 tỉ đồng; khoản đầu tư tài chính dài hạn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính 133 tỉ đồng.

Công ty Mẹ VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa vượt 113 tỉ đồng; chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa…

Việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam


VRG phê duyệt đơn giá tối đa 520USD/ha làm cơ sở cho các đơn vị thành viên căn cứ thực hiện sang nhượng đất cho các dự án phát triển cao su thiếu căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế, dẫn đến nhiều đơn vị, dự án ký hợp đồng sang nhượng với nhiều đơn giá khác nhau, làm tăng chi phí đầu tư.


Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (LRC) nhận chuyển nhượng đất dự án và tính toán, thanh toán cho Công ty VKETI.,Ltd 20 tỉ đồng không đúng quy định của hợp đồng và không đầy đủ chứng từ hợp lệ; quy định, phê duyệt suất đầu tư thiếu thống nhất và chưa phù hợp với thực tế. Bốn dự án chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài nhưng đã thực hiện đầu tư 652 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay của các dự án khác sai quy định và 2 dự án chưa được ký hợp đồng giao đất nhưng đã đầu tư 147 tỉ đồng.


Một số công ty thanh toán vượt chi phí sang nhượng đất so với diện tích thực tế được giao, thanh toán tiền tư vấn vượt khối lượng thực hiện 2,09 triệu USD. Hầu hết khi ký hợp đồng kinh tế, các đơn vị không yêu cầu đối tác phải bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng theo quy định.


Đáng chú ý, việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie (viết tắt: PRK) để đầu tư trồng mới cao su đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án cho đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự.


Kết quả khảo sát để lập dự án không đúng thực tế, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại lên đến 483 tỉ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn sai mục đích 1,89 triệu USD chưa thu hồi dẫn đến mất khả năng trả nợ.


VRG đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy hải sản Đồng Tháp (viết tắt: DSEC) có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của công ty liên tục lỗ, đến nay đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỉ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253 tỉ đồng.


VRG góp vốn vào Công ty Cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Cao su (RUTRATOCO) chủ yếu để đầu tư khách sạn tại Móng Cái, Quảng Ninh. Quá trình đầu tư VRG và RUTRATOCO đã có nhiều thiếu sót và vi phạm dẫn đến hậu quả là, công ty hoạt động liên tục lỗ, mất vốn hàng trăm tỉ đồng và không còn khả năng trả nợ vay.


Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (RFC) kinh doanh mua, bán kỳ hạn chứng khoán (Repo) không được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà chỉ thông qua hội đồng quản trị. Tuy nhiên, vẫn có 43 hợp đồng thực hiện trước khi Hội đồng Quản trị RFC cho phép. Hiện nay, tổng dư nợ chưa được thu hơn 356 tỉ đồng và đây là các khoản khó xử lý, tính thanh khoản thấp.
Nguy cơ mất trắng cả ngàn tỉ đồng


Trong quá trình Thanh tra, VRG còn bị phát hiện hỗ trợ quỹ lương cho Công đoàn Cao su Việt Nam vượt quy định được phép. Lợi nhuận của VRG chưa được phân phối đến ngày 31-12-2011 tại 4 công ty cổ phần là 935 tỉ đồng.


Các đơn vị thành viên thực hiện việc thanh lý vườn cây cao su có một số thiếu sót, vi phạm như: Bán trực tiếp không qua đấu giá, Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng thực hiện xác định giá trị vườn cây chưa đầy đủ khi thanh lý tại các công ty cổ phần 179 tỉ đồng.


VRG hướng dẫn các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng vay vốn của RFC nhưng thực tế không có nhu cầu sử dụng vốn vay, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giảm lợi nhuận. Lợi nhuận phân phối trên tỷ lệ vốn huy động và vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp thiếu chính xác như: Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai.


Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đúng quy định 15 tỉ đồng, chuyển khoản nợ của DONAR 54 tỉ đồng không đúng do việc tính thiếu vốn điều lệ và chưa tính giá trị bồi thường thiệt hại cao su do thanh lý để tính giá trị bàn giao cho DONAR 5 tỉ đồng.


VRG và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã xác định và phê duyệt giá trị lợi thế kinh doanh trước khi cổ phần hóa tại 2 Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa và Tây Ninh không đúng quy định làm giảm giá trị vốn Nhà nước gần 52 tỉ đồng.


Đối với dự án “Nhà máy Sản xuất thùng phuy” do Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh làm chủ đầu tư đã để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm dẫn đến dự án không hoạt động được, gây thiệt hại vốn đầu tư khoảng 16 tỉ đồng.


VRG được quản lý, sử dụng với số lượng diện tích rất lớn nhưng diện tích đất cao su mới chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ 56%; đất có tranh chấp và bị người dân lấn chiếm lớn khoảng 3.430ha. VRG thể hiện sự quản lý không chặt chẽ, không thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất của các đơn vị thành viên, chưa có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ngắn và dài hạn.


Tại Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, VRG cho thuê lại đất khi chưa có hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Bình Dương và chưa thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định.


Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam chuyển nhượng 109,8ha cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Thành Đông với giá 222 tỉ đồng, được VRG chấp thuận khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp, vi phạm Luật Đất đai năm 2003. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa.


Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi về tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra Chính phủ tại Kho bạc Nhà nước tổng số tiền hơn 8.366 tỉ đồng. Các khoản về thuế, chi phí do VRG và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định trị giá 42 tỉ đồng. Bộ Tài chính chủ trì đề xuất báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý số tiền 2.634 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ giao VRG chủ trì đề xuất giải pháp và xử lý theo thẩm quyền số tiền 5.689 tỉ đồng và nghiên cứu giải pháp xử lý nợ khó đòi do hoạt động tín dụng và Repo theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương thực hiện thu hồi vốn gốc, giảm, miễn lãi theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và các đơn vị thành viên trong VRG.-

- 'Vàng trắng' khoắng rừng Tây Nguyên 
Kỳ 1: Bất ổn tiêu chí rừng nghèo
TP - Năm 2006 toàn vùng Tây Nguyên có hơn 117.400 ha cao su, tập trung chủ yếu ở Gia Lai (61.936ha) thì đến cuối năm 2011 diện tích cao su ở Tây Nguyên tăng lên 174.700ha. Hai năm lại đây giá mủ cao su liên tục tăng cao, giá hiện nay gần 100 triệu đồng/tấn mủ khô, khiến việc ồ ạt trồng cao su trở nên nóng bỏng ở Tây Nguyên. Nhiều cánh rừng nhanh chóng biến thành vườn cao su.
Khai hoang đất rừng nghèo trồng cao su ở Gia Lai.

 
Từ chủ trương đúng
Trước năm 1985 cây cao su chỉ trồng thử nghiệm rải rác ở một số khu vực, chưa để lại dấu ấn nào với tư cách là một loại cây hàng hoá giá trị kinh tế cao trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những năm 1985-1990 cây trồng này bắt đầu được Tổng công ty cao su Việt Nam (nay là tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) quan tâm phát triển ở Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum.
Các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 đứng chân trên Tây Nguyên đi tiên phong trồng cao su gắn với xây dựng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hoang hoá trở thành vùng quê trù phú, sung túc ngày nay.
Tháng 7-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên. Thủ tướng chỉ đạo: Giao Tổng Công ty Cao su chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc cụ thể với từng tỉnh để 5 năm tới phát triển được khoảng 90-100 ngàn hecta cao su tại Tây Nguyên.
Về quỹ đất, quy hoạch chuyển diện tích đất từ dự án trồng cây nguyên liệu kém hiệu quả, diện tích đất giảm từ trồng cây cà phê và giao một số lâm trường có đất rừng nghèo kiệt để trồng cây cao su.
Cục Lâm nghiệp Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương tiến hành quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn theo nguyên tắc sử dụng triệt để diện tích đất lâm nghiệp không có rừng, đất nông nghiệp có khả năng chuyển đổi trồng cao su, đất từ các hộ dân có thể phát triển cao su tiểu điền... nếu thiếu thì mới được quy hoạch, trồng cao su vào diện tích rừng tự nhiên nếu có đủ điều kiện.
Kết luận tại Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập nhiều định hướng, giải pháp: Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc tại chỗ; bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư và huy động các nguồn lực...
Sau 5 năm triển khai chỉ đạo này, nhiều nơi ít quan tâm lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng mà chỉ quan tâm việc giao rừng cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng cao su.
Đến ồ ạt chuyển rừng sang trồng cao su
Tháng 9-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai họp phiên thường kỳ có xem xét tờ trình số 14 ngày 20-9 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về nâng cao diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 từ 70.000 lên 100.000-120.000 ha, Ban Thường vụ (BTV) tỉnh nhận thấy rằng: Để khai thác có hiệu quả diện tích đất trống hoặc diện tích rừng nghèo kiệt, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, BTV nhất trí với chủ trương nâng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh.
Giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai theo nguyên tắc: Không làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của dân; Không ảnh hưởng hoặc thu hẹp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích rừng có khả năng tái sinh phục hồi; Giải quyết tốt việc làm và đời sống đồng bào thiểu số tại chỗ.
Chưa có hồ sơ đánh giá của cơ quan chuyên ngành kết luận điều tra về thổ nhưỡng đất trồng được cây cao su hay không và đạt hiệu quả cao về kinh tế vào môi trường hơn cây trồng hiện tại khi chuyển rừng và đất hiện tại sang trồng cao su. 
Sau khi có quyết định của BTV Tỉnh ủy, cũng như sự thống nhất về nguyên tắc chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng mới 50.000 ha cao su của Thủ tướng trong buổi làm việc với tỉnh Gia Lai tháng 4-2007, UBND tỉnh Gia Lai đã phân bổ hơn 73.000ha rừng cho nhiều doanh nghiệp tiến hành khảo sát lập hồ sơ đề nghị chuyển từ đất rừng sang đất nông nghiệp trồng cao su.
Tỉnh Kon Tum từ năm 2007 đến nay cũng đã giao gần 47.400ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho 7 doanh nghiệp, tổ chức để khảo sát chuyển sang trồng cao su.
Sở NN&PTNT thôn Đăk Lăk cho biết sau khi tiến hành quy hoạch lại 3 loại rừng, trên cơ sở quy hoạch, Đăk Lăk đặt mục tiêu chuyển 35.000 ha đất lâm nghiệp là rừng sản xuất gồm rừng tự nhiên nghèo, đất trống lâm nghiệp, rừng tre nứa, rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cao su tập trung ở các huyện Ea H’Leo, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Ea Súp, Krông Năng.
Trong báo cáo giám sát tình hình triển khai thực hiện chủ trương phát triển diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 từ 70.000 ha lên khoảng 120.000 ha ngày 10-7-2008, HĐND tỉnh Gia Lai đã chỉ ra nhiều tồn tại của việc thực hiện chủ trương này: Việc triển khai chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh còn nhiều lúng túng, chủ quan. Công tác khảo sát chưa chặt chẽ, diện tích giao đất chưa nhiều so với quỹ đất có thể trồng cao su.
Việc UBND tỉnh giao đất cho các DN không có tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong việc phân bổ đất. Nhiều DN không có năng lực chuyên canh cao su lại được giao đất ở những vùng thuận lợi. Trái lại các DN chuyên canh cao su như các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Binh đoàn 15 lại giao đất ở những vùng khó khăn, có tranh chấp với dân…
Các cơ quan tham mưu có dấu liệu lách luật khi xé lẻ dự án, phân chia tiểu khu để giao đất cho các DN. Chưa có hồ sơ đánh giá của cơ quan chuyên ngành kết luận điều tra về thổ nhưỡng đất trồng được cây cao su hay không và đạt hiệu quả cao về kinh tế vào môi trường hơn cây trồng hiện tại khi chuyển rừng và đất hiện tại sang trồng cao su.
Việc giao đất cho nhiều doanh nghiệp trên một xã hoặc giao nhiều diện tích tại một xã chưa lường tính được khả năng lao động tại chỗ, buộc các DN phải tìm lao động nơi khác đến sẽ làm cho an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội khó lường.
Thế nào là rừng nghèo?
Từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009, Bộ NN&PTNT đã ban hành hàng loạt thông tư định lượng và định tính thế nào là rừng nghèo để các tỉnh làm công cụ pháp lý chuyển đổi sang trồng cao su. Ngày 21-8-2007, bộ này ban hành thông tư (76/2007/TT-BNN) hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên, sau đó lại có thông tư 07 sửa đổi thông tư 76.
Ngày 3-3-2008 bộ này có thông tư số 39/2008, sửa đổi bổ sung thông tư số 76 và thông tư 07, quy định: Rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất đối với rừng gỗ lá rộng thường xanh có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 130 m3/ha; Đối với rừng khộp có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 100 m3/ha; Đối với rừng hỗn giao gỗ, tre nứa có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 70 m3/ha.
Đến ngày 31-12 -2008 lại ban hành thông tư số 127/2008/TT-BNN, nêu: Đối với các tỉnh Tây Nguyên: Rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá có trữ lượng gỗ bình quân theo lô nhỏ hơn 110 m3 trên một ha; Rừng hỗn giao gỗ, tre nứa có trữ lượng gỗ bình quân theo lô nhỏ hơn 65 m3/ha; Rừng khộp (rừng rụng lá) có trữ lượng gỗ bình quân theo lô nhỏ hơn 50 m3/ha.
Ngày 04-03- 2009, Bộ NN&PTNT lại ra đời thông tư (số 10/2009/TT-BNN) bổ sung: Đối với các tỉnh Tây Nguyên: Riêng những dự án trồng cao su đã trình các ngành chức năng hoặc UBND cấp tỉnh trước ngày 31-12-2008 nhưng chưa phê duyệt, có trữ lượng gỗ bình quân theo lô lớn hơn hoặc bằng 50 m3/ha và nhỏ hơn 100 m3/ha thì được thực hiện theo dự án đã lập.
Theo Sở NN&PTNT Gia Lai do Bộ NN&PTNT quy định có tiêu chí định lượng thấp và định tính không rõ ràng, nên thực hiện theo Thông tư 127 thì hầu hết rừng ở Gia Lai thuộc rừng nghèo, bởi năm 2008 các đối tượng rừng đã khai hoang nơi cao nhất mới đạt 76,2 m3 gỗ/ha song có nhiều ý kiến ngược chiều nhau cho rằng đây là rừng cần bảo vệ, không nên chuyển đổi.
Sở NN&PTNT Gia Lai cũng cho rằng, về định tính Thông tư 127 nêu ra những tiêu chí không có cơ sở để xác định. Đa số diện tích rừng nghèo đi ở Gia Lai bị nghèo do khai thác, sử dụng của con người, không phải do quá trình thoái hoá kém phát triển của tự nhiên, nếu quản lý bảo vệ tốt (chưa kể việc áp dụng những biện pháp lâm sinh) thì khả năng phục hồi và phát triển rất cao.
Đến ngày 9-9-2009, Bộ NN&PTNT lại cho ban hành Thông tư số 58/2009 hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp đã bỏ quy định về định tính, chỉ còn định lượng: Rừng gỗ nghèo có trữ lượng cây đứng bình quân theo lô từ 10-100 m3 trên héc ta. Thông tư này cũng nêu tiêu chuẩn đo đếm trữ lượng gỗ tổng diện tích các ô tiêu chuẩn chỉ cần 2% diện tích rừng chuyển sang trồng cao su.
Việc liên tục ban hành các tiêu chí về định lượng và định tính thế nào là rừng nghèo có vẻ như cơ sở khoa học cho tiêu chí này rất bất ổn.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển cao su của các tỉnh, tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 750 quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Khu vực Tây Nguyên được quy hoạch từ 124.900 ha cao su vào năm 2007 sẽ tăng lên 190.000 ha vào năm 2010 và 290.000 ha vào năm 2015.
Tuy nhiên diện tích trồng cao su đã không thể đạt được như Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ đạo tại Hội nghị phát triển Vùng Tây Nguyên tháng 7-2006 của Thủ tướng.

Huỳnh Kiên


TP - Các tỉnh Tây Nguyên quá chú tâm chuyển đổi những vùng rừng rộng lớn, liền ô liền thửa giao cho các doanh nghiệp trồng cao su đã gây nên nhiều bất ổn. Doanh nghiệp có kinh nghiệm trồng cao su thì không có đất; dân thiếu đất sản xuất nhưng lại giao rừng cho doanh nghiệp; tình trạng tranh chấp đất nhiều chỗ bị phần tử xấu lợi dụng kích động…
Dân lợi dụng việc chuyển rừng nghèo khai thác gỗ trái phép.
 
Khốn khổ tìm đất
Ngày 12-10-2007 UBND tỉnh Gia Lai ra thông báo phân bổ hơn 73.000 ha đất rừng nghèo cho nhiều doanh nghiệp (DN) khảo sát trồng cao su. Đa số rừng do các Ban quản lý rừng phòng hộ như Đức Cơ, Nam Phú Nhơn, Ia Puch, Chư Sê, Ia Mơr, Ia Grai ở huyện Đức Cơ, Chư Sê , Chư Prông… quản lý. Diện tích rừng và đất rừng giao cho Tập đoàn CN cao su VN đơn vị có kinh nghiệm trồng cao su nhất ở Tây Nguyên khảo sát là hơn 17.400 ha .
Cty Cao su Mang Yang nay là Cty TNHH MTV cao su Mang Yang-trực thuộc Tập đoàn CN cao su VN được giao rừng khảo sát trồng cao su tại huyện Đăk Đoa và Mang Yang. Tại Đăk Đoa rừng giao khảo sát là 2.888 ha song trên thực tế doanh nghiệp này chỉ trồng được 75,4 ha, còn lại đất bị dân tranh chấp.
Tại huyện Mang Yang, DN được giao khảo sát gần 1.700 ha đều vướng rừng giàu. Năm 2008, Cty CS Mang Yang tiếp tục được giao gần 5.700 ha ở xã Ia Phang- huyện Chư Pưh và xã Ia Puch-Chư Prông. Tại xã Ia Phang không thể triển khai dự án bởi rừng đã bị dân xâm lấn còn tại xã Ia Puch sau khảo sát được 1.500 ha đất có thể trồng cao su DN đã thuê tư vấn lập bản đồ hiện trạng rừng, phân tích đất lập bản đồ phân hạng đất, lập dự án đầu tư phát triển cao su và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Hồ sơ đã hoàn thiện và gửi sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Số tiền đã đầu tư cho các công đoạn này là 2,25 tỷ đồng. Thế nhưng rừng này sau đó bị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi giao cho Cty Bình Dương – Binh đoàn 15, nên toàn bộ chi phí của Cty CS Mang Yang mất trắng.
Năm 2009, UBND tỉnh Gia Lai lại thông báo địa điểm rừng nghèo cho Cty CS Mang Yang khảo sát. Tại huyện Kbang, Cty này được giao khảo sát 15.000 ha ở 4 xã nhằm tìm ra hơn 5.000 ha rừng để chuyển sang trồng cao su như quy hoạch của UBND tỉnh Gia Lai.
Qua khảo sát 25 tiểu khu Cty CS Mang Yang tìm được 275 ha tại 2 xã . Do diện tích đất quá nhỏ lẻ nên không thể triển khai dự án. Như vậy sau 4 năm khảo sát gần 25.000 ha đất lâm nghiệp do UBND tỉnh Gia Lai giao, Cty cao su Mang Yang chỉ trồng được 75,4 ha cao su.
Hàng chục ngàn hec ta rừng đã được san ủi để trồng cao su.
 
Dân thiếu đất canh tác, doanh nghiệp được chuyển rừng
Ngày 8-12-2009, UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành văn bản “Đồng ý chủ trương cho công ty TNHH TM&XD Lộc Phát được khảo sát lập dự án đầu tư trồng cao su với diện tích 357 ha tại tiểu khu 342 (xã Ea Đăh) tiểu khu 332, 340 (xã Ea Puk) huyện Krông Năng…” Toàn bộ khu vực này do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý. Cty Lộc Phát đã thuê tư vấn tổ chức khảo sát lập dự án.
Đến ngày 15-1-2010, UBND tỉnh Đăk Lăk có công văn tạm dừng chủ trương khảo sát, lập dự án trồng cao su trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, rà soát tiến độ triển khai thực hiện của từng dự án. Thế nhưng tháng 2-2010, Chi cục Lâm nghiệp Đăk Lăk vẫn làm công văn đề nghị xã Ea Đăk và Ea Puk tạo điều kiện cho Cty Lộc Phát triển khai dự án, tháng 8-2010, sở Nông nghiệp và PTNT lại cho Cty Lộc Phát lập vườn cao su, chuẩn bị trồng mới.
Tuy chưa có quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt dự án, chưa được giao đất nhưng Cty Lộc Phát đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng, san ủi trên 20.000m2 lập vườn ươm giống, chặt phá cây rừng làm nhà kiên cố, đưa máy móc thiết bị chuẩn bị triển khai trồng cao su. Thấy vậy, cuối tháng 8 đến tháng 11-2010, một số cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Krông Năng, xã Ea Hồ đã vào tiểu khu 340a phát cây cỏ dây leo cây bụi để giữ đất làm rẫy, gây tranh chấp với Cty Lộc Phát.
Cao điểm là ngày 12 và 13-11-2010, khoảng 1.300 người của xã Ea Hồ, thị trấn Krông Năng, thị xã Buôn Hồ vào tiểu khu 340a mang theo lương thực, thực phẩm, lều bạt nhằm ở lại lâu ngày chặt phá dây leo, bụi rậm và những cây gỗ nhỏ tổng diện tích hơn 45 ha. Đoàn công tác vận động quần chúng của tỉnh Đăk Lăk đến đối thoại, làm rõ đúng sai nên đồng bào đã tự dỡ lán trại rút ra khỏi rừng.
Trước đó, UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân liên quan việc bật đèn xanh cho Cty Lộc Phát lập vườn ươm khi chưa được giao đất và chấm dứt chủ trương cho khảo sát đất của Cty Lộc Phát.
Huyện Krông Năng nắm lại tình hình thiếu đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số, khảo sát tìm vị trí để bố trí đất cho các hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Có 867 hộ thuộc xã Ea Hồ và thị trấn Krông Năng diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha/hộ, trong đó thật sự không có đất ở và đất sản xuất 215 hộ.
Đầu năm 2011 UBND tỉnh Đăk Lăk đã đồng ý chủ trương UBND huyện Krông Năng lập dự án đầu tư cho 150-200 hộ này định canh định cư tại xã Cư Klông huyện Krông Năng trên diện tích vùng dự án khoảng 220-300 ha.
Tranh chấp đất đai giữa dân với doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương chuyển rừng trồng cao su, ngay từ đầu tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các doanh nghiệp không được lấy đất dân đang sản xuất và đất lâm nghiệp đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho dân. Chủ trương này có mặt tích cực là tôn trọng vùng sản xuất của đồng bào song mặt trái của nó khiến không ít hộ dân lợi dụng nhảy vào vùng dự án xâm lấn với doanh nghiệp. Hầu hết các huyện có giao đất cho DN chuyển sang trồng cao su ở Gia Lai đều bị dân tranh chấp.
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết hàng ngàn ha rừng giao cho DN ở xã Ia Phang- Chư Pưh năm 2008 song chẳng thể triển khai được bởi dân đã phát nương làm rẫy. Ông Pháp cho rằng do quyết định của tỉnh tạm giao nên công ty chưa có chức năng giữ đất, từ đó nhân dân ở tại chỗ kể cả dân ở xã khác, huyện khác, tỉnh khác về xâm canh trồng sắn, trồng đậu hết.
Tại xã Ia Blưh doanh nghiệp được giao 3.000 ha thì bị xâm canh hơn 400 ha. Ngày 1-8-2011, Phó Công an xã Ia Blưh ông Nguyễn Văn Loan cho chúng tôi biết một số hộ ở làng Búi A và Búi B xã Ia Le - Chư Pưh ngay trưa hôm đó đã nhổ gần 400 cây cao su do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khai hoang vừa trồng mới. Dân đến nhổ cao su giành đất vì cho rằng khu vực này là rẫy cũ của họ.
Tại huyện Ea Hleo - Đăk Lăk, trong năm 2008 và 2009 UBND tỉnh giao cho 4 doanh nghiệp tổng diện tích gần 4.000 ha để trồng rừng kinh tế bằng cây cao su. Tại vùng dự án của các doanh nghiệp này có gần 200 hộ dân đang canh tác tổng diện tích khoảng 450 ha.
Đầu năm 2010 khi các doanh nghiệp triển khai dự án đã dẫn đến tranh chấp quyết liệt của một số hộ dân tộc tại chỗ. Vấn đề này đã bị bọn xấu lợi dụng kích động, lôi kéo đồng bào chống lại chủ trương trồng cao su, đe dọa nếu bị lấy đất sẽ khiếu kiện đông người.
Theo ông Nguyễn Thế Đạt - Trưởng đoàn Công tác Vụ Kinh tế - Xã hội Ban chỉ đạo Tây Nguyên, qua tìm hiểu một số hộ gia đình và cán bộ người dân tộc thiểu số địa phương, sự phản đối của đồng bào có những nguyên nhân lịch sử và văn hóa cần quan tâm. Những năm 1980 các hộ thuộc 4 buôn xã Ea H’Leo đã góp rẫy ven quốc lộ 14 trồng rừng thông, sau đó cuộc sống không đảm bảo nên bỏ đi phát rừng làm rẫy ở nơi khác.
Những năm 1990 Cty cao su Ea H’Leo vận động họ góp đất rẫy vào trồng cao su đến khi cao su vào kinh doanh đồng bào không thích nghi điều kiện kỹ thuật cạo mủ nên tiếp tục bỏ công ty đi phát rừng làm rẫy.
Do đó khi triển khai dự án này đồng bào lo ngại một lần nữa mất đất, trong khi rừng thì không còn để làm rẫy nữa. Về văn hóa, do đồng bào quen tập quán sống với rừng nên lo ngại chặt phá rừng hàng loạt sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, phá hủy không gian văn hoá truyền thống.
Thông tư số 76/2007/TT-BNN Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu: Đối với những dự án trồng cao su có sử dụng rừng và đất lâm nghiệp quy mô từ 1.000 ha trở lên thuộc loại dự án trọng điểm Quốc gia. Theo quy định tại Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 của Quốc hội, phải có dự án trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Để lách quy định này, nhiều cánh rừng rộng lớn được chia nhỏ cho các doanh nghiệp, hoặc cùng một doanh nghiệp chia tiểu khu liền kề ra nhiều dự án.

(Còn nữa)
Huỳnh Kiên


- Vàng trắng ‘khoắng’ rừng Tây Nguyên: Ai hưởng lợi ? (TP).

TP - Chưa bao giờ Tây Nguyên lại có một lượng rừng lớn cùng lúc bị khai hoang thành đất trống như năm 2007 đến nay. Mỗi năm có vài chục ngàn ha rừng bị khai hoang chuyển sang đất nông nghiệp; hàng trăm ngàn mét khối gỗ được khai thác. Ai hưởng lợi từ chính sách này khi mục tiêu giải quyết việc làm cho đồng bào tại chỗ, phát triển hạ tầng vùng dự án đến nay chưa triển khai được…
Nhiều con đường bị cày nát khi các DN vào vùng dự án trồng cao su.
 
Chỉ định thầu hàng trăm ngàn mét khối gỗ
Từ năm 2007-2008, tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su, trong số hơn 73.000 ha giao cho các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, có 14.900 ha đất đã tạm giao cho thuê. Năm 2008 trong số gần 6.400 ha rừng nghèo bị khai hoang, tổng khối lượng gỗ, củi tận thu, tận dụng được là 37.786 m3 gỗ và hơn 22.680 ster củi.
Việc khai thác gỗ, củi trong năm này thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khai hoang đến đâu tận thu gỗ củi đến đó và chủ rừng bán đấu giá gỗ. Tổng số tiền qua bán đấu giá gỗ là 48,378 tỷ đồng, bình quân mỗi khối gỗ bán hơn 1,28 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã cho một số DN trúng đấu giá được nợ tiền mua gỗ, đến nay nhiều doanh nghiệp chây ỳ không trả hơn 9 tỷ đồng.
Mặc dù UBND tỉnh Gia Lai có văn bản cho các doanh nghiệp mua gỗ nợ tiền, song khi không đòi nợ được lại yêu cầu các ban quản lý rừng phòng hộ, những chủ nợ bất đắc dĩ đi đòi và khởi kiện hầu toà, mong thu lại gần chục tỷ đồng này.
Năm 2010 và 2011, tỉnh Gia Lai không bán đấu giá lượng gỗ được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang trồng cao su nữa mà bán trực tiếp cho chủ dự án, những người được cấp rừng nghèo chuyển sang đất trồng cao su.
Năm 2010, trong số 11.877 ha rừng chuyển đổi, khối lượng gỗ củi thu được theo thiết kế là 280.288m3 bao gồm gỗ lớn 141.503 m3, gỗ nhỏ: 118.071m3. Tất cả số gỗ, củi này được bán chỉ định cho các doanh nghiệp nhận đất khai hoang trồng cao su. Tính bình quân mỗi khối gỗ chỉ được bán với giá 313.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Năm 2011, Gia Lai chuyển đổi 8.119 ha rừng nghèo sang trồng cao su cho các doanh nghiệp, khối lượng gỗ theo thiết kế là 190.321m3 và 29.700 ster củi. Giá bán gỗ bình quân chỉ có 390.000đồng/m3, trong số này không ít gỗ chủng loại cao từ nhóm 1 đến nhóm 5, giá thị trường lên đến hàng chục triệu đồng mỗi mét khối.
Đem câu hỏi “Vì sao kiểm lâm bắt vài chục khối gỗ thì buộc phải bán đấu giá còn tỉnh bán hàng chục, hàng trăm ngàn mét khối gỗ lại chỉ định thầu?”.
Ông Nguyễn Tấn Đức-Phó Giám đốc Sở Tài Chính Gia Lai cho rằng: Do áp lực phải chuyển nhanh rừng cho doanh nghiệp trồng cao su kịp tiến độ. Nếu bán đấu giá sẽ có nhiều người vào tranh mua, khai thác gỗ không kịp, doanh nghiệp sẽ trễ thời vụ. Còn việc giá gỗ quá thấp so với thị trường, vị lãnh đạo này cho rằng, đã tham khảo các chủ rừng và tăng giá trong đấu giá qua các thời kỳ.

Bán gỗ rừng chuyển đổi sang trồng cao su như thế này nhưng hàng trăm ngàn mét khối không qua đấu giá.


Nhiều mục tiêu chưa đạt
Trồng mới hàng trăm ngàn ha cao su ở Tây Nguyên đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng giao một lượng lớn tài nguyên đất của quốc gia thành tài sản của các doanh nghiệp. Mỗi ha đất trồng cao su ở Gia Lai có giá chuyển nhượng từ 60 triệu đến vài trăm triệu đồng, song khi giao cho doanh nghiệp các sở ngành không thu đồng nào.
Một số chủ trương của tỉnh gắn liền việc phát triển dự án cao su của các doanh nghiệp như phải tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm công nhân, xây dựng hạ tầng vùng dự án… cho đến nay, qua khảo sát của chúng tôi, nhiều nơi không đạt được.
Ông Phan Văn Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blưh - Chư Pưh, nơi có đến 7 doanh nghiệp được giao đất trồng cao su, cho biết đến nay các DN mới chỉ tuyển được 5 người vào làm công nhân, số còn lại đều là hợp đồng thời vụ. Nguyên nhân là người dân chưa mặn mà với công việc này chứ chẳng phải DN không thông báo tuyển lao động.
Trong khi nhiều địa phương không thu tiền khi chuyển hàng ngàn ha rừng cho doanh nghiệp trồng cao su thì ở Kon Tum, tỉnh thống nhất thu tiền mỗi ha rừng giao doanh nghiệp. Trước đây mỗi ha thu 12 triệu đồng, đến nay HĐND tỉnh biểu quyết thu 16 triệu đồng/ha.
Tại xã Ia Puch huyện Chư Prông, Công ty Cao su Quang Đức đã trồng 3.500 ha có gần 900 công nhân, song số đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vận động trở thành công nhân chỉ được hơn 50 người. Lý do đồng bào không muốn vào làm công nhân trồng cao su.
Ông Rơmah Bếp - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Puch cho biết, bà con còn nặng nề tập tục lạc hậu. Đồng bào không quen sống tập thể, người này so bì người kia, ngại đi làm xa… Về phía doanh nghiệp, dù phải đối phó với chủ trương của tỉnh trong tuyển dụng đồng bào tại chỗ tạo công ăn việc làm, song việc nhận họ vào làm công nhân, phần lớn doanh nghiệp ghi tên trên giấy, thực tế họ thuê lao động tự do bên ngoài để đảm bảo tiến độ và chất lượng sản xuất.
Những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp trồng cao su hạ tầng giao thông bị xuống cấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông - Nguyễn Anh Dũng cho biết, nhiều tuyến đường mới được xây dựng, tải trọng đường cho phép chỉ 10 tấn song các doanh nghiệp khai thác vận chuyển gỗ, phân bón cho xe có tải trọng 30-40 tấn ùn ùn đi lại ngày đêm.
Nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện kể cả một số tỉnh lộ trên địa bàn bị xe cày nát đường mùa mưa này không đi lại được. Trong khi đó DN vẫn không đóng góp đồng nào để địa phương sửa chữa.
Các dự án triển khai trong những năm 2010-2011 đều có đánh giá tác động môi trường, song trên tổng thể nhiều dự án liền vùng nhau như ở các xã Ia Mơr, Ia Púch, Ia Blưh… (Gia Lai) bằng mắt thường, người dân có thể thấy những khu rừng ngút ngàn tầm mắt, giờ đã không còn.
Mỗi lần mưa to là nước tràn ngập khắp nơi, tràn ngập bất thường. Những lo ngại về tác động của nó đến môi trường sống xung quanh không phải lo âu thiếu cơ sở.
Sau gần 5 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mục tiêu tăng thêm 90-100 ngàn ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên đến năm 2010 đã không đạt. Chỉ một số doanh nghiệp được giao rừng, chuyển rừng sang trồng cao su là có được nguồn tài nguyên hời bởi không phải bỏ tiền ra mua đất.
Việc chuyển hàng trăm ngàn ha rừng sang trồng cao su về tương lai sẽ tạo ra một vùng chuyên canh rộng lớn, tận dụng được nguồn tài nguyên đất, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở những vùng sâu vùng xa Tây Nguyên. Đặc biệt nếu làm tốt công tác giãn dân, phân bố lại dân cư sẽ là cơ hội cho các tỉnh xây dựng thành những vùng nông thôn mới điển hình trong tương lai.
Cùng với phát triển hàng trăm ngàn ha cao su các cấp chính quyền ở Tây Nguyên sẽ giải quyết việc làm cho gần trăm ngàn lao động, đồng thời với đó là hạ tầng xã hội: Nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ búa, đường, điện… Nếu không có chế tài ngay từ bây giờ ràng buộc các doanh nghiệp, thì vì lợi nhuận, chắc chắn tương lai vùng dự án cao su sẽ tạo gánh nặng cho xã hội.
Huỳnh Kiên


TP - Báo Tiền Phong ngày 13 đến 15-8 có đăng loạt bài: 'Vàng trắng khoắng rừng Tây Nguyên'. Phóng viên Tiền Phong trao đổi với những người trong cuộc về một số vấn đề mà báo đề cập.
Đồng bào dân tộc thiểu số đang làm thuê cho Cty 194.
 
Khan hiếm lao động
Huyện Chư Prông trọng điểm cao su của tỉnh Gia Lai với diện tích đất lâm nghiệp được giao chuyển đổi trồng cao su hơn 16.000 ha. Lao động tương ứng với diện tích này trong giai đoạn kiến thiết cơ bản khoảng 4.000 người.
Một số xã trọng điểm cao su như xã Ia Puch có diện tích trồng cao su gần chục ngàn hécta, nhưng có chưa đến 400 hộ dân. Doanh nghiệp đến trồng cao su không tìm đâu ra lao động.
Ông Thái Hồng Nhân, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Quang Đức Gia Lai trồng cao su ở Ia Puch nói: “Chủ trương của huyện và tỉnh là tuyển dụng người đồng bào tại chỗ để tạo công ăn việc làm. Nhưng cái khó là người dân không mặn mà với làm cao su. Chúng tôi đã xây dựng nhà ở đất vườn nhưng bà con không chịu vào”.
Cùng chia sẻ khó khăn về vấn đề lao động, ông Phạm Đình Luyến, Phó TGĐ Cty TNHH Một thành viên cao su Chư Păh cho biết: “Huyện Chư Prông có giới thiệu chúng tôi đi tuyển lao động tại thị trấn Chư Prông và xã Ia Phìn nhưng thực tế tuyển dụng cũng hết sức khó khăn. Ở xã Ia Phìn, xã bảo là không còn công nhân để vào làm trong công ty chúng tôi vì lao động của xã đã đi làm cà phê hết rồi”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Prông cũng thừa nhận, việc quy hoạch và chuẩn bị lao động chưa theo kịp với quá trình chuyển đổi rừng và phát triển cao su đang được 10 doanh nghiệp triển khai rầm rộ trên địa bàn huyện.
Bỏ lửng hạ tầng?
Trình tự trồng cao su trên đất lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai quy định: dự án đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp phải thể hiện rõ nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án. Gần 5 năm qua, các doanh nghiệp đã trồng mới khoảng 20.000 ha cao su trên diện tích rừng nghèo chuyển đổi của Gia Lai. Diện tích cao su lớn, địa bàn rộng nhưng các doanh nghiệp hầu như chưa đầu tư được gì cho cơ sở hạ tầng chung của địa phương.
Ông Phan Văn Linh, Phó chủ tịch xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết: “Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên là UBND huyện về việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cam kết thực hiện các dự án hạ tầng đó, nhưng đến nay vẫn chưa có gì cả”.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Tư Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh chia sẻ: “Trước mắt công việc trồng mới còn nhiều ngổn ngang, doanh nghiệp cũng có nhiều khó khăn riêng của họ. Cho nên, địa phương cũng phần nào chia sẻ với doanh nghiệp trong cái khó khăn về vốn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự cho biết: “DN làm hạ tầng phục vụ chính cho anh, điều đó chắc chắn phải làm, còn hạ tầng chung anh này bao nhiêu cây số, anh kia mấy trăm mét cái đó tỉnh đang có định hướng. Các DN đều có cam kết, song tổ chức triển khai thực hiện, chế tài thế nào đấy là vấn đề.
Tôi tin rằng khi cao su thu hoạch, các DN có điều kiện hơn, có nguồn thu nhập, lợi nhuận thì bắt buộc phải đầu tư hạ tầng hết. Những nông trường trồng cao su cách đây vài ba chục năm đã khai thác giờ, anh không bảo, người ta cũng phải đầu tư”.
Thu tiền giao đất hay không?
Một vấn đề khác, từ năm 2007 đến nay, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông chuyển đổi khoảng 50.000 ha rừng cho các doanh nghiệp trồng cao su. Trong khi tỉnh Kon Tum thu 12 triệu rồi 16 triệu đồng mỗi ha đất rừng khi giao cho các doanh nghiệp trồng cao su, các tỉnh còn lại không thu khoản tiền này. Việc thu hay không thu tiền dựa trên quy định pháp luật nào?
Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum, nói: “Trên cơ sở kết quả tính toán của chúng tôi, đối với rừng Tây Nguyên, lượng tăng trưởng bình quân của rừng từ 2-3%/năm. Chu kỳ chúng ta cho thuê rừng trồng cao su 30 năm, nếu không chuyển mục đích từ rừng nghèo sang trồng cao su thì lượng rừng tăng trưởng đến 30 năm sau bằng giá trị mà chúng tôi đang tính khoảng 16 triệu đồng. Đây là tính toán hoàn toàn có cơ sở dựa vào đề án định giá rừng.
Mặt khác, Kon Tum là tỉnh nghèo, trong khi các doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư, còn quỹ đất ngày càng ít đi thì việc kêu gọi để đóng góp thêm, trả thêm tiền này thì tôi cho rằng cũng là cách kêu gọi đóng góp cho tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định phát triển”.
Còn ông Hoàng Công Lự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lại cho rằng: “Tỉnh cũng đã tính đến chuyện đó, song sau đó xem lại thấy T.Ư không có quy định nào cho giao đất, thuê đất thu tiền. Chúng tôi chỉ có giao đất, yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, giải quyết việc làm cho đồng bào tại chỗ…Doanh nghiệp giải quyết tốt thì coi như góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Đạt, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nói: “Về mặt hạch toán đảm bảo các quyền lợi cho Nhà nước và cho doanh nghiệp tôi nghĩ rằng cái này phải lập lại trật tự. Chúng ta biết, trên thực tế hiện nay một ha đất của Tây Nguyên có khả năng trồng cà phê, trồng cao su trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Chưa kể nó là đất rừng thì giá trị lâm sản trên mỗi ha đó phải năm bảy chục triệu nữa. Trong khi giá trị kinh tế lớn như vậy mà chúng ta lại có cơ chế “cho không” nên tạo ra sự chạy đua để xin-cho. Dân có người nói họ ở đây từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đã tham gia giữ rừng từ thời kháng chiến, đến bây giờ họ vẫn giữ rừng, nhưng họ chặt một vài cây gỗ thì lập tức bị bắt bị phạt, nếu là cán bộ đảng viên thì bị phê bình kiểm điểm.
Vậy mà khi đứng danh doanh nghiệp thì lập tức xin được năm bảy trăm ha, thậm chí cả nghìn ha đất rừng. Tôi cho rằng, rõ ràng nó tạo ra bất cập trong quản lý tài sản. Nhà nước mất đi tài nguyên rất lớn. Dân không được gì, chính quyền địa phương thì vất vả giải quyết tranh chấp. Dân cần có đất.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy tỷ lệ thiếu đất trong đồng bào Tây Nguyên không phải ít, có nơi không dưới 30% thiếu đất so với quy định. Trong khi DNTN xin 5-7 trăm ha, có DN lanh tay lẹ mắt được vài ba dự án, thu hái lâm sản trên đó rồi đặt cây cao su xuống sẽ có giá trị rất cao.
Về chủ trương này Thủ tướng chỉ đạo đặt ra mốc đến năm 2010, song lâu nay chưa có sơ kết tổng kết đánh giá thế nào là mặt tích cực, thế nào là mặt hạn chế, các giải pháp tiếp theo như thế nào. Riêng cá nhân tôi đề xuất, nên sơ kết đánh giá việc thực hiện chủ trương này để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp hiệu quả nếu tiếp tục triển khai”.
Huỳnh Kiên

Tổng số lượt xem trang