Trong thời gian ở Saudi Arabia, số lao động này bị công ty nước ngoài mua đi bán lại nhiều lần, phải ăn nhờ ở đậu tại Đại sứ quán VN.
Theo hợp đồng được ký kết giữa 42 lao động và bảy công ty môi giới Việt Nam (gồm: Công ty TNHH MTV Dịch vụ và thương mại VCCI-TSC, Công ty Nhân lực và thương mại quốc tế Intraco, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát, Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa - HAVICO (Hải Phòng), Công ty Nhân lực toàn cầu Gmas, Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng (GAET), Công ty CP Thương mại và tổng hợp BR-VT-GATRECO), trước khi đi xuất khẩu lao động, người lao động phải được đào tạo và kiểm định tay nghề theo quy định của công ty đối tác.
Bị bán sang tay
Các nghề mà số lao động này đăng ký gồm: lái xe, thợ hàn, thợ xây. Mỗi người phải đóng từ 2.000 USD đến 2.500 USD (40-45 triệu đồng) phí môi giới và các chi phí đi lại. Anh Đào Văn Hiếu cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua kỳ kiểm định tay nghề và làm thủ tục sang Saudi Arabia. Nhưng khi ra sân bay chúng tôi lại được phía công ty giao hộ chiếu du lịch với thời hạn 90 ngày”.
Số lao động trên được chia làm ba đợt đi (ngày 7-4, 13-4 và 3-5-2010). Sau khi nhập cảnh Saudi Arabia, các lao động được Công ty Nuzha tiếp nhận. Do công ty này không có chức năng sử dụng lao động mà chỉ mua bán lao động cho các cơ sở sản xuất khác nên người lao động phải làm công việc dọn dẹp vệ sinh công trường, phụ hồ, cọ sắt xỉ vụn… chờ việc. Sau đó, Công ty Nuzha lần lượt bán các lao động này cho các công ty khác. Anh Đào Trung Hiếu đi xuất khẩu lao động theo hộ chiếu du lịch (có thời hạn 90 ngày). Ảnh: TT
“Tôi đăng ký học lái xe với mức lương 500 USD/tháng nhưng chưa bao giờ được cầm vô lăng. Làm việc ở nhà xưởng được hơn hai tuần thì họ chuyển tôi sang một công ty chuyên sản xuất hạt nhựa để làm các việc lặt vặt do không có tay nghề. Sau đó, họ tiếp tục bán chúng tôi cho một công ty khác” - anh Nguyễn Văn Khánh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết. Ngoài anh Khánh còn bốn lao động cũng bị Công ty Nuzha “sang tay” qua nhiều công ty. Hơn hai tháng làm việc, anh Khánh và một số người đã nhiều lần đến công ty yêu cầu được trả lương nhưng bị công ty khất lần. “Họ nói chúng tôi không có tay nghề nên phải kéo dài thời gian thử việc, sau khi có đủ chứng chỉ hành nghề do nước sở tại cấp mới trả lương” - anh Khánh cho biết.
Được về nước nhờ ăn theo Philippines
Biết bị lừa, 42 lao động đến Công ty Nuzha yêu cầu trả lương và mua vé máy bay về nước nhưng Công ty Nuzha lấy cớ lao động chưa đáp ứng điều kiện theo đơn đặt hàng được ký kết giữa Nuzha và ông Nguyễn Văn Lợi (TSC) nên không chấp nhận. “Hợp đồng giữa ông Lợi và Nuzha khác hoàn toàn hợp đồng ông Lợi ký kết với 42 lao động. Trong đó có nhiều điều khoản quy định về tay nghề, cường độ làm việc… mà chúng tôi không thể đáp ứng” - một lao động bức xúc. Các lao động đã điện thoại về nước yêu cầu ông Lợi giải quyết để sớm được hồi hương nhưng ông làm ngơ.
Anh Lương Văn Đại (ngụ Tiên Lãng, Hải Phòng) cho hay: “Không có việc làm, không có thức ăn, nước uống, chúng tôi phải đến cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia. Đại diện đại sứ quán đã gửi công văn yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH triệu tập bảy công ty họp bàn cách giải quyết”. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng ăn nhờ ở đậu đại sứ quán, các lao động vẫn không được công ty môi giới Việt Nam cung cấp chi phí hồi hương. “phía Philippines cũng có tình trạng lao động bị quỵt lương nên họ yêu cầu Công ty Nuzha phải giải quyết cho số lao động này về nước. nhờ đó chúng tôi được Công ty Nuzha sắp xếp vé máy bay về nước” - anh Lê Khánh Quyền (ngụ Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết.
Đơn tố cáo của 42 lao động được Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia xác nhận. Ảnh: TT
Vẫn lơ trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Trực, nguyên đại diện Công ty Nhân lực và thương mại quốc tế Intraco (thuộc Công ty Vận tải thủy), thừa nhận các lao động phải về nước sớm là do công ty phía Saudi Arabia không bố trí được việc làm. Ông cho biết: “Sau khi các lao động về nước, chúng tôi đã thanh lý hợp đồng với họ theo quy định. Còn việc đưa lao động đi xuất khẩu theo hộ chiếu du lịch thì đó là quyết định của lãnh đạo công ty, hiện tôi đã chuyển công tác sang đơn vị khác nên không nắm rõ”. Ông Trực cũng khẳng định không có sai phạm nào trong việc xuất khẩu lao động của công ty.
Tuy nhiên, theo anh Phạm Văn Hùng (ngụ Hưng Hà, Thái Bình) thì Công ty Intraco đưa ra mức đền bù vi phạm hợp đồng quá thấp, không đủ trả cho số tiền đã vay để đóng cho công ty trước đó. “Họ chỉ chấp nhận trả cho chúng tôi chưa đến 600 USD và không đề cập đến tiền lương làm việc hơn bốn tháng tại Saudi Arabia. Sau nhiều lần được yêu cầu giải quyết chế độ, lãnh đạo công ty liên tục thoái thác và chối bỏ trách nhiệm” - anh Hùng nói. Theo anh Hùng, 42 lao động đã đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nhờ can thiệp nhưng Cục lấy lý do đơn hàng của Công ty TSC không qua thẩm định của Bộ LĐ-TB&XH nên không có trách nhiệm giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty TSC, cũng thừa nhận Công ty Nuzha không đủ năng lực thực hiện hợp đồng với người lao động, phải đưa lao động về nước sớm. Ông khẳng định đã thanh lý hợp đồng với 11 lao động do công ty đưa đi từ đầu năm 2011. Về khoản tiền lương của người lao động, ông cho rằng đó là trách nhiệm của Công ty Nuzha và họ đã trừ vào khoản tiền mua vé máy bay cho lao động về nước.
Ôm nợ Đến nay, sau gần tám tháng về nước, hầu hết các lao động vẫn chưa được hoàn lại số tiền đóng trước đó và tiền lương hơn bốn tháng do bị vi phạm hợp đồng. “Vay khắp nơi mới gom đủ 40 triệu đồng đóng cho công ty môi giới, nay tay trắng về nước còn phải gánh thêm khoản lãi gần 1 triệu đồng/tháng” - anh Mạc Văn Anh (ngụ Hải Dương) nói. Cùng cảnh ngộ, anh Trần Huy Sinh (ngụ Thanh Hóa) phải vào Sài Gòn làm thuê kiếm tiền trả nợ. Anh cho biết: “Tôi vay hơn 30 triệu đồng theo diện hỗ trợ gia đình khó khăn. Bây giờ toàn bộ tài sản trong gia đình đã bán để trả lãi, không biết đến bao giờ mới trả hết nợ”. Được biết hiện chỉ có vài lao động được công ty môi giới giải quyết chế độ nhưng phần lớn chỉ nhận được từ 600 đến 900 USD. |
TẤN TÀI
-Nguồn: PL: Xuất ngoại lao động, 42 người trắng tay về nước