Từ một bộ máy chính quyền đang hoảng sợ vì thấy bốn bề thọ địch, sự quy kết như vậy và sức ép để buộc anh "nghỉ hưu" cũng là điều có thể hiểu được. Đáng buồn là những ứng xử đê tiện và hèn hạ ngay từ những người đã từng hoạt động với anh suốt mấy chục năm trời. Đó có lẽ là điều làm cho anh đau buồn nhất.
Tưởng niệm Huỳnh Trung Đồng: Anh Đồng (Diễn Đàn 18-9-11) -- Bài Nguyễn Ngọc Giao ◄◄Nguyễn Ngọc Giao
Thế là anh Huỳnh Trung Đồng đã ra đi. Với sức khỏe đã suy yếu từ sáu bảy năm nay, ra đi ở tuổi gần 90 cũng là chuyện bình thường, nếu không nói, trong một ý nghĩa nào đó, là một cuộc giải thoát, cho bản thân và người thân. Nhưng sự ra đi của anh vẫn là đột ngột, để lại những tiếc thương và đau buồn. Đối với riêng tôi cũng như với tất cả những anh chị em cách đây vài tuần, vài tháng, có dịp về nước và ghé thăm anh. Từ sáng hôm qua, khi được tin anh mất, các bạn đều viết trong thư: đến thăm anh là anh giữ lại hàng giờ để nói lên những bức xúc trước tình hình đất nước. 16 năm qua, từ khi hồi hương, tôi biết anh vẫn hàng ngày theo dõi tình hình. Những năm đầu, thỉnh thoảng anh còn gửi cho tôi mấy dòng ngắn, kèm theo là một hai bài báo cắt, gạch đỏ những chỗ anh muốn lưu ý. Anh tuổi cao, không quen dùng máy tính. Anh em ở nhà nói mãi, cuối cùng đi tới giải pháp là có một anh em ngày ngày gửi qua mạng địa chỉ URL những bài báo đáng đọc, và ở ngôi nhà dưới quận Bình Tân, một người cháu in ra mấy chục trang, để trên chiếc xe lăn, anh ngồi đọc. Tôi cũng vinh dự nhận được bản điểm tin ấy, ngày ngày "bấm chuột" vào tên bài báo, mở ra đọc. Hơn một lần, lại nghĩ tới anh, biết rằng đọc một bài báo như vậy, chắc anh buồn lắm. Nỗi buồn càng sâu và đau khi người ta cảm thấy bất lực.
Thế là năm nay tôi không về thăm anh và chị Rim, và mai này, không có mặt ở Thành phố để đưa anh về đất Củ Chi. Đã chắc mẩm sau hai ngày hội thảo ở Singapore, sẽ về nước, nên tôi đã suy nghĩ nên mua cuốn sách gì tặng anh. Sách hay thì không thiếu, nhưng phải chọn cuốn nào không dày và nặng quá, rốt cuộc tôi chọn Indignez-vous ! của ông già Stéphane Hessel. Hessel cùng lứa tuổi với Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo, hơn anh sáu tuổi, chắc sẽ chia sẻ với anh khả năng phẫn nộ để sống, sống trẻ và hữu ích. Giờ chót, phải hủy kế hoạch. Hội thảo Singapore chấm dứt, chúng tôi bay chệch sang phía tây, tới Bangkok, lên Vientiane, Luang Prabang mấy ngày rồi trở lại Pháp. Chỉ còn đợi tin anh Đồng qua email của những bạn đã ghé thăm anh tháng bảy, tháng tám...
*
Tôi tham gia phong trào Việt kiều ở Pháp vào đầu những năm 1960. Lúc ấy, phong trào hoạt động trong vòng bí mật (hội Liên hiệp Việt kiều bị chính quyền De Gaulle giải tán năm 1959, trong một cuộc đổi chác với chính quyền Ngô Đình Diệm). Mãi đến mùa xuân 1965, hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp mới công khai thành lập (mà cũng chỉ ở quy chế "đã nộp hồ sơ", nghĩa là có quyền hoạt động cho đến ngày được phép chính thức hoạt động đăng trên Công báo, hay đơn giản bị từ chối, thì phải ngừng), tiếp theo là hội Liên hiệp Trí thức. Phải đợi đến mùa xuân 1969, khi Hội nghị bốn bên bắt đầu họp, thì hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp mới họp đại hội thành lập (anh Huỳnh Trung Đồng được bầu làm chủ tịch).
Tôi cũng không nhớ gặp anh Đồng lần đầu vào dịp nào. Anh vốn kín đáo, không la cà quán cà phê, lại càng không chơi "đánh tin" (bida điện) ở quán cà phê mang cái tên "tiền định" là Etoile d'Or (Sao Vàng, ở góc Rue des Ecoles và Rue Cardinal Lemoine, nơi anh em phong trào thường vãng lai buổi trưa). Nhưng buổi làm việc đầu tiên, thì tôi nhớ. Tình cờ lại đúng vào dịp này, đầu tháng 9, chuẩn bị gian hàng Việt Nam ở Lễ hội báo L'Humanité. Đó là năm 1965, anh em trao cho tôi làm công việc soạn chú giải cho những tấm ảnh thời sự: đó là năm Mĩ đổ bộ vào miền Nam, ném bom miền Bắc, cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên đã diễn ra tại địa điểm Mĩ chọn, với niềm tin sắt đá vào ưu thế tuyệt đối của mình, đã không diễn ra như họ muốn (trận Vạn Tường - Chu Lai, tháng 8.1965). Anh Đồng đến "duyệt" những lời chú giải tôi soạn, và "góp ý kiến". Cuộc đối thoại thực sự đã trở thành... đối đầu. Tôi chỉ nhớ tôi cãi lại rất hăng, những hoàn toàn không nhớ bất đồng ở chỗ nào và kết cục ra sao (tôi sửa theo ý kiến của anh, hay vẫn "ngoan cố"). Nhưng tôi nhớ mãi một điều, là điều quan trọng nhất: anh chấp nhận sự khác biệt ý kiến, và không bao giờ dùng quyền lực để áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Có thể nói, cuộc "cãi nhau" này đã đánh dấu quan hệ giữa anh và tôi trong suốt bốn mươi năm: thẳng thắn, trung thực, anh em.Với hệ quả tất nhiên là sự quý mến, mà tôi cảm nhận là cả hai chiều.
Nếu phải dùng một danh từ để gọi anh Đồng, thì tôi nghĩ tới một tiếng Pháp: un militant. Tiếng Việt ngày nay không có từ tương đương. Từ điển in hay trực tuyến đều đưa những từ "chiến sĩ", "người tranh đấu". "Nhà hoạt động" cũng chỉ dùng cho "nhà hoạt động xã hội", "nhà hoạt động văn hóa", "nhà hoạt động chính trị", nghĩa là chính khách. Sự thiếu vắng trong ngôn ngữ của danh từ "militant", của động từ "militer" thực ra cũng phản ánh một thảm kịch của đời sống chính trị - xã hội ngày nay: dưới chế độ độc đảng, bộ máy chuyên quyền mệnh danh là cộng sản nhưng đã đánh mất lí tưởng, không thể có một xã hội công dân với đầy đủ ý nghĩa và dĩ nhiên không thể có những cá nhân tự chủ hoạt động cho những điều mình cho là chính nghĩa. Một xã hội như vậy chỉ có đa số là những người nhẫn nhục hay bất mãn, thờ ơ, militant không có, chỉ có những "phần tử phản kháng", "phần tử li khai", hay những "đảng viên" (có hay không có "vấn đề") ; "cán bộ" là một anh viên chức ăn lương, có trong tay một mẩu quyền hành... Anh Đồng mất rồi, chắc người ta sẽ xét tiêu chuẩn "cán bộ phong trào Việt kiều" để đưa an táng ở "nghĩa trang thành phố" (cách đây mấy năm, nhà văn Nguyễn Khải mất, anh thuộc "diện trung ương quản lí", nên không có chỗ chôn ở Thủ Đức, phải đến khi ông Võ Văn Kiệt nghe thấy chuyện quái gở ấy, tuyên bố nhường năm tấc đất "tiêu chuẩn" của ông cho Nguyễn Khải, thì lúc đó, người ta mới tìm ra giải pháp). Xin miễn bàn chuyện này, chỉ xin nói: cả đời người, anh Đồng chưa bao giờ sống "cán bộ". Cũng như anh chưa hề làm "chính khách", mặc dầu trong nhiều năm (nhất là trong giai đoạn cuối thập niên 60 cho đến 1975), anh thường xuyên tiếp xúc với những chính khách Sài Gòn cũ cũng như đại diện các tổ chức chính trị Việt Nam. Anh không phải là "chính khách" -- tôi vẫn đùa: ông không thể làm chính khách, vì những gì anh nghĩ trong đầu, người nào tinh ý một chút có thể "đọc" ngay trên nét mặt. Anh là một "militant", và người ta quý anh, cũng vì vậy.
Kỉ niệm với anh thì nhiều, nhưng nếu phải kể một vài kỉ niệm khó quên nhất, tôi chỉ xin hồi tưởng hai điều.
Trước hết là một buổi họp mặt với những thanh niên Mĩ phản chiến. Anh Đồng không trực tiếp làm công tác ngoại vụ, nhưng anh rất quan tâm tới hoạt động này. Khoảng 1966-67, thanh niên Mĩ bắt đầu phong trào chống quân dịch. Những người có điều kiện thì bỏ trốn sang châu Âu, đặc biệt ở Thụy Điển và Pháp. Ở Paris, với sự giúp đỡ của nhóm "Stop the War" của các bạn Mĩ, một số thanh niên Mĩ tổ chức một cuộc mít tinh ở hội trường 44 rue de Rennes (trước mặt nhà thờ St Germain des Prés) để công khai đốt thẻ quân dịch. Có ý nghĩa không kém là họ thiết tha mời một người Việt Nam tới chứng kiến và phát biểu. Tiếng Anh của tôi vốn ở mức dưới trung bình, nên cũng phải nhờ anh bạn Richard E. Ward dịch cho hay và cố tập phát âm rõ từng vần. Tôi còn thuộc câu thơ mà một anh bạn Mĩ khác đã "gà" cho tôi, khi chính anh cũng quyết định chống quân dịch:
After a final NO, there comes an YES
And on that YES, the future sun depends
And on that YES, the future sun depends
(Tạm dịch dở: Sau bao lần nói KHÔNG, rồi phải nói CÓ ; trên tiếng CÓ ấy, ánh lên mặt trời tương lai).
Hôm ấy, tôi nghĩ không phải chỗ để giải thích về chính nghĩa và quyết tâm của nhân dân Việt Nam, mà chỉ nên nói lên sự đồng cảm với những người bạn trẻ ở bên kia đại dương, sau bao lần trăn trở, dằn vặt, đã nói KHÔNG với chính quyền nước họ, KHÔNG mà chính là CÓ, một khẳng định làm nền tảng cho tương lại. Không ăn ý trước, tự nhiên anh bạn Mĩ và tôi ôm hôn nhau, trong sự chứng kiến của nhà văn Jean-Paul Sartre ngồi ở bàn chủ tọa. Tôi nhớ mãi buổi hôm ấy khi nghĩ tới anh Đồng vì cho đến hôm nay, tôi như còn thấy rõ đôi mắt nhòa lệ của anh. Những người bạn Mĩ đứng lên chống lại cuộc chiến tranh nước họ tiến hành ở Việt Nam đã phải đối chất với phương châm mà những người "Mỹ yêu nước" đã thuộc lòng: "Đúng hay Sai, đó là Tổ quốc tôi", và họ đã giải quyết thỏa đáng: "Đúng thì ủng hộ, Sai thì sửa cho Tổ quốc trở lại Đúng". Họ là những người yêu nước thực sự, và người yêu nước (có suy nghĩ, nghĩa là bớt hùng hục yêu nước) cũng dễ gặp nhau. Nhìn ngọn lửa cất lên từ mấy tấm thẻ quân dịch Hoa Kì, tất cả chúng tôi vô cùng xúc động.
Điều thứ hai, cũng là điều quan trọng nhất, là mối quan hệ của anh đối với anh em làm báo Đoàn Kết cho đến đầu năm 1991 và sau đó là báo Diễn Đàn.
Anh Đồng hầu như không viết báo, nhưng có thể nói anh là người của báo chí. Trước hết, anh đọc rất nhiều báo, và đọc rất kỹ, không chỉ quan tâm tới vấn đề Việt Nam mà còn chịu khó theo dõi nhiều vấn đề khác. Là người lãnh đạo phong trào tại Pháp, tất nhiên anh quan tâm tới Đoàn Kết, cho tới năm 1989, là "cơ quan" của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp và từ năm 1976 trở đi, của Hội người Việt Nam tại Pháp (tại sao tôi "ngừng" ở năm l989, xin nói ở dưới). Chữ "quan tâm" không chỉnh vì "nhà lãnh đạo" nào mà chẳng phải "quan tâm" tới tiếng nói chính thức, nhưng "quan" thì có, "tâm" thì hiếm hơn. Anh Đồng quan tâm theo nghĩa chân chính của từ này, và anh luôn luôn đối thoại với chúng tôi để tìm ra cách xử lí những vấn đề mà anh và chúng tôi phát hiện ra. Từ cuối những năm 1970, tình hình Việt Nam xấu đi nhiều. Những nguyên nhân ngoại lai, do liên minh ma quỷ giữa Trung Quốc và Mỹ, thì chẳng có gì phải thắc mắc, băn khoăn. Nhưng đáng lo là những sai lầm của Đảng cộng sản Việt Nam và những tai họa do chúng gây ra.Báo Đoàn Kết, mà chúng tôi vẫn nói đùa là "từ Nhân Dân (tức là tờ báo) mà ra" bắt đầu có những câu những bài bị xem là "có vấn đề". Tất nhiên là tờ báo bị "cấp trên" tìm cách uốn nắn, thậm chí qua biện pháp nhân sự. Tôi được trao thêm nhiều công tác khác, nên thôi làm tổng biên tập Đoàn Kết. Anh Hà Dương Tường thay thế, rồi một năm rưỡi sau là anh Trần Hải Hạc. Nhưng dường như chứng nào tật ấy, báo Đoàn Kết vẫn "có vấn đề", mặc dầu bây giờ nhìn lại, có thể thấy đó là những vấn đề chẳng mấy nghiêm trọng: không cần nói ra, chúng tôi đều hiểu rằng trong tình thế những năm đầu thập niên 1980, nếu phê phán một cách triệt để thì không thể làm thay đổi mà chỉ dẫn tới đoạn tuyệt. Một mặt, chúng tôi cố giữ bầu không khí thông tin và thảo luận thẳng thắn trong nội bộ ban biên tập, gìn giữ một "không gian tự do ngôn luận", mặt khác, chỉ cho phép mình nói dối bằng cách không nói hết sự thật, nhưng tuyệt đối không viết điều gì dối trá. Tất nhiên, một nửa sự thật, thậm chí 9/10 sự thật không phải là sự thật, và những năm đen tối ấy cũng là những năm tháng trăn trở. Riêng tôi càng đánh giá cao anh Đồng vì qua thái độ, hành xử, tôi hiểu anh cũng trăn trở không kém. Tôi càng hiểu rõ hơn vì từ mùa hè 1982, có "chỉ thị" của ông Lê Đức Thọ là phải gạt tôi ra khỏi những vị trí trách nhiệm trong phong trào: tôi đọc rất rõ sự đau khổ trên khuôn mặt anh Đồng khi phải thông báo cái "lệnh trên" ấy.
Khỏi phải nói nỗi vui của chúng tôi khi trong nước "đổi mới". Chúng tôi giao hẹn với anh Đồng: mấy năm qua, chúng tôi "tự nguyện" im miệng, nay đã "nhìn thẳng vào sự thật" thì... bước chân đi, cấm kỳ trở lại, sẽ không có sự "đằng sau quay" đấy nhé. Lúc ấy anh cười, trong cái cười ấy, không hiểu có cái lo không, nhưng có lẽ vui quá, nên có thì tôi cũng không "đọc" được trên nét mặt anh. Chỉ biết, từ mùa hè năm 1989, với vụ tàn sát ở Thiên An Môn, cuộc bầu cử dân chủ ở Ba Lan, những cuộc "tụ tập đông người" ở Leipzig, Đông Berlin... bản lĩnh của ông Nguyễn Văn Linh cạn kiệt, đa số ban lãnh đạo ĐCSVN co cụm, vội vã chấm dứt cuộc đổi mới về mặt tinh thần và bước đầu về chính trị. Mỗi lần về nước, là một lần anh bị sức ép "tại sao các anh để cho bọn Đoàn Kết nó viết thế ?". Trong một cuộc họp tháng 9.1989 tại hội trường Ba Đình, ông Nguyễn Văn Linh còn nêu nghi vấn "xem đằng sau tờ báo Đoàn Kết có CIA hay không ?". Để cho ban lãnh đạo hội và nhất là anh Đồng giữ được quan hệ tốt với chính quyền trong nước, với hi vọng từng bước cho họ thấy phải thực sự thay đổi, chúng tôi đưa ra đề nghị: báo Đoàn Kết là "một tiếng nói trong hội", chứ không nên để nó là "tiếng nói chính thức của hội". Giải pháp ấy được chấp thuận, nhưng không được bao lâu.
Cuối năm 1989, đầu năm 1990, một số anh em ở Pháp và các nước khác soạn Tâm thư. Lúc ấy anh Đồng ở trong nước. Tôi gửi bản thảo về Thành phố. Cùng với anh Bùi Văn Nam Sơn (chủ tịch hội Đức, ký tâm thư), anh trao đổi với vài anh em đại diện các hội khác có mặt ở trong nước. Cuộc trao đổi ý kiến được nghe trộm và ghi âm. Anh Đồng không ký Tâm thư -- tôi còn giữ lá thư viết tay, anh khuyên tôi bỏ để nghị đa nguyên đa đảng -- nhưng hình như người ta quy kết anh là "tình trong như đã", là "dung túng"...
Từ một bộ máy chính quyền đang hoảng sợ vì thấy bốn bề thọ địch, sự quy kết như vậy và sức ép để buộc anh "nghỉ hưu" cũng là điều có thể hiểu được. Đáng buồn là những ứng xử đê tiện và hèn hạ ngay từ những người đã từng hoạt động với anh suốt mấy chục năm trời. Đó có lẽ là điều làm cho anh đau buồn nhất. Nhưng theo dòng thời gian, điều đó cũng nguôi ngoai, hay đúng hơn, nó tan hòa trong những đau buồn và lo lắng rộng lớn hơn. Điều an ủi với anh có lẽ là tấm lòng của anh chị em, ở Pháp cũng như các nước khác, vẫn dành cho anh. Và quan trọng hơn cả, người bạn đời mà số phận run rủi, mãi sau năm 1975, mới đưa anh gặp. Chị Rim và gia đình đã chăm sóc anh hơn ba chục năm nay, nhất là từ khi anh lâm bệnh nặng. Cùng với vòng hoa viếng anh Huỳnh Trung Đồng, tôi xin gửi tới chị Rim một bông hồng đỏ của lòng biết ơn.