Bản báo cáo của của Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR) của Mỹ phân tích, đánh giá những rủi ro ở vùng Biển Đông, biển Hoa Đông và Vịnh Thái Lan; các xu hướng gần đây tại các vùng biển tranh chấp - bao gồm cả tích cực và tiêu cực; các rào cản và cơ hội để thúc đẩy hợp tác. Cuối cùng, báo cáo đề xuất một loạt các kiến nghị chính sách cho các bên liên quan. Bản báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực này.
LỜI MỞ ĐẦU
Những tranh chấp chủ quyền trên biển ở khu vực Đông và Đông Nam Á là những mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với nền an ninh và lợi ích kinh tế của các quốc gia trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Các tuyến giao thông lớn trên biển, đặc biệt là Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Vịnh Thái Lan, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự lưu thông tự do của thương mại và hàng hóa. Đồng thời, các vùng biển này này cũng chứa đựng trong nó những tài nguyên sinh vật và phi sinh vật để góp phần duy trì nền kinh tế và dân số của các quốc gia yêu sách cũng như các quốc gia sử dụng các nguồn tài nguyên đó. Cùng với sự phát triển của công nghệ cho phép khoan, đào, khai thác sâu dưới nước, giờ đây tiềm năng tài nguyên của khu vực lại càng lớn. Tuy nhiên, những yêu sách chồng lấn về quyền tài phán và những nỗ lực của các quốc gia nhằm khẳng định vị trí của mình đã gây cản trở cho mọi hoạt động, từ các hoạt động thăm dò cho đến việc khai thác các tài nguyên vốn có. Do tính phức tạp của các yếu tố chính trị, lịch sử, pháp lý, kinh tế trong nước có liên quan, cho đến nay các quốc gia yêu sách vẫn chưa đi đến được một giải pháp cho những tranh chấp này. Thậm chí vấn đề này còn trở nên phức tạp hơn do áp lực ngày càng tăng về việc phát triển nguồn năng lượng trong khu vực khi mà yêu cầu của thế giới ngày càng cao.
Những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp đã được thực hiện hàng thập kỷ nay, cả ở các cấp chính thức lẫn cấp Kênh II, kết quả chúng mang lại là những thỏa thuận nhằm gác xung đột chủ quyền sang một bên và cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên theo các hiệp định tạm thời – một phương pháp được ưu tiên để xây dựng lòng tin và hướng về phía trước. Một số hiệp định song phương ở Vịnh Thái Lan đã cho phép các dự án phát triển tài nguyên đã được triển khai. Các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông năm 2002 (DoC), cũng đã góp phần kiềm chế các căng thẳng, mặc dù không có cơ chế triển khai chính thức. Tuy nhiên các dàn xếp hiện hành cũng có những hạn chế của nó, thậm chí một vài dàn xếp đã bị trì hoãn một cách vô thời hạn.
Do đó căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang và thường xuyên trở thành tâm điểm thời sự, đặc biệt là giữa các quốc gia yêu sách ở Biển Đông. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có lẽ là nóng nhất trong khu vực này và nổi bật bởi hàng loạt các vụ việc xảy ra trong những năm gần đây. Những vụ việc liên quan đến các quốc gia yêu sách khác về vấn đề Trường Sa, cũng như về việc xây dựng các trạm quân sự trên các bãi và đảo san hô ở Biển Đông đã khiến cho căng thẳng đến nay vẫn tiếp diễn và có tính nghiêm trọng, đồng thời trở thành động lực cho các chương trình hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Hệ quả là, rất ít khả năng để những quốc gia này giải quyết các bất đồng trong tương lai gần.
Nhận thức được rằng, có lẽ là trong hàng thập kỷ tới các quốc gia vẫn khó có thể đi đến được các giải pháp cho những tranh chấp quyền tài phán trên biển trong khu vực, nhưng cũng nhận thức được tầm quan trọng của các vùng biển tranh chấp đối với thương mại và tài nguyên; do đó Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR) đã nghiên cứu về những tranh chấp này và tác động của chúng, để từ đó đưa ra những cách nhìn mới về cách thức quản lý những xung đột trên trước khi có được một giải pháp về chính trị. Để làm việc này, NBR đã tập hợp một đội ngũ gồm các chuyên gia quốc tế để thực hiện một dự án ba năm có tên là “Maritime Energy Resources in Aisa: Opportunities for Joint Development” [Tài nguyên Năng lượng Biển ở Châu Á: Cơ hội cho sự Phát triển Chung] (MERA) để phân tích các diễn biến gần đây trong khu vực và cung cấp những phân tích và các lựa chọn thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách nhằm góp phần cải thiện các tranh chấp.
Dự án này được hỗ trợ bởi Sáng kiến An ninh Châu Á thuộc Quỹ John D. Và Catherine T. MacArthur và được dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu trưởng là Tiến Sĩ Cliv Schofield (Trung tâm của Úc về Tài nguyên và An ninh Đại dương, Đại học Wollongong, Úc). Báo cáo này được tổng hợp từ những kết luận và quan điểm chính của đội ngũ các học giả của dự án cũng như kết hợp ý kiến chuyên môn và phân tích của nghiên cứu trưởng, các cố vấn cấp cao, và nhân viên của NBR, những người đã tham dự hội thảo kéo dài ba ngày vào tháng 5/2011 để dự thảo báo cáo này. Mục đích của báo cáo là để tóm tắt và tập trung vào các khía cạnh liên quan đến chính sách của dự án MERA mà không bị hạn chế bởi các chính sách quốc gia hay các đòi hỏi về chủ quyền.
Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích đối với các tác giả của bản báo cáo này vì thời gian và cống hiến mà họ đã dành ra, cũng như sự ủng hộ của họ đối với dự án MERA trong tất cả các giai đoạn. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Quỹ MacArthur vì sự ủng hộ hào phóng về mặt tài chính, mà nếu không có nó thì dự án này đã không thể thực hiện được.
Tim Cook, Giám đốc Dự án, Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á
CLIVE SCHOFIELD là Giáo sư và Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm của Úc về Tài nguyên và An ninh Đại dương (ANCORS), Đại học Wollongong, Úc. Hiện ông là Ủy viên giám đốc của Hội đồng Nghiên cứu Úc và là nghiên cứu trưởng của dự án “Tài nguyên Năng lượng Biển ở Châu Á: Cơ hội cho sự Phát triển Chung” của NBR. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ < Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. >.
IAN TOWNSEND-GAULT là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý Châu Á, Khoa Luật, Đại học British Columbia. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ < Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. >
HASJIM DJALAL là thành viên Hội đồng Biển Indonesia; Cố vấn Cấp cao của Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giao thông, và Trưởng Tham mưu Hải quân Indonesia; và là thành viên của Nhóm Chuyên gia Pháp lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ < Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. >.
IAN STOREY là Ủy viên giám đốc của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, và là Biên tập viên của tạp chí Contemporary Southeast Asia. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ < Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. >.
MEREDITH MILLER là Phó Chủ nhiệm Các vấn đề Thương mại, Kinh tế, và Năng lượng ở Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á. Có thể liên lạc với bà qua địa chỉ < Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. >.
TIM COOK là Giám đốc Cao cấp của Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á. Có thể liên lạc với ông qua địa chỉ Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
TÓM TẮT
Báo cáo này phân tích các kết luận từ dự án ba năm về “Tài nguyên Năng lượng Biển ở Châu Á: Cơ hội cho sự Phát triển Chung” của Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á, trong đó đánh giá các tranh chấp quyền tài phán trên biển và các cơ hội hợp tác ở Đông và Đông Nam Á.
NHỮNG KÉT LUẬN CHÍNH
Những tranh chấp lâu năm về các yêu sách quyền tài phán trên biển ở Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Vịnh Thái Lan đe dọa sự ổn định và thịnh vượng lâu dài của các quốc gia trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đa phương trong những thập kỷ gần đây cùng với các thể chế pháp lý quốc tế như Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng căng thẳng giữa các quốc gia yêu sách và các quốc gia sử dụng vẫn cao. Các quốc gia yêu sách vẫn chưa đi đến được một giải pháp cho những tranh chấp này do tính phức tạp của các yếu tố chính trị, lịch sử, pháp lý, kinh tế trong nước có liên quan và áp lực cần phải phát triển các nguồn năng lượng trong khu vực tranh chấp. Những mối quan ngại về quyền tiếp cận tài nguyên, cùng với việc các quốc gia yêu sách đã không thực thi được các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) để xoa dịu căng thẳng, đã cho thấy rằng một giải pháp chính trị khó có thể đạt được trong ngắn hạn. Ngay cả khi không có một thỏa thuận dài hạn, thì các quốc gia yêu sách vẫn cần phải có những hành động phối hợp tạm thời để xoa dịu căng thẳng, tăng cường hợp tác và lòng tin, cũng như duy trì cương vị quản lý đối với môi trường và tài nguyên biển.
Ý NGHĨA CHÍNH TRỊ
+ Các quốc gia có thể quản lý tốt hơn những căng thẳng hiện tại bằng cách thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm cả các biện pháp được liệt kê trong Tuyên bố về Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DoC). Những biện pháp này có thể bao gồm những việc như sử dụng các đường dây nóng, thông báo trước về việc tập trận quân sự, tìm kiếm và cứu nạn chung, hợp tác về phòng, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, các quy định về ứng xử khi đụng độ trên biển cả, và tăng cường minh bạch về quân sự.
+ Bất kể hạn chế trong việc thực thi DoC, Trung Quốc và các nước ASEAN cần phải bắt đầu đàm phán để về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để chính thức hóa các biện pháp xây dựng lòng tin và hạn chế những hành động gây mất ổn định.
+Việc quản lý tạm thời nhiều tranh chấp lãnh thổ và trên biển có liên kết với nhau ở Châu Á là cách tốt nhất để đảm bảo quyền tự do hàng hải và sự lưu thông tự do của thương mại, vốn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Những dàn xếp này sẽ không phương hại tới các yêu sách trên biển của các quốc gia trong thời gian ngắn.
Không gian biển nửa kín của Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Vịnh Thái Lan là nơi chứa đựng các tuyến giao thông trên biển (SLOC) có giá trị vô cùng quan trọng không chỉ với các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á mà còn với thương mại toàn cầu. Hơn nữa những vùng biển này còn chứa một môi trường biển vô cùng đa dạng về sinh học, có giá trị lớn với ngành đánh cá, và do đó nó duy trì được sự sống của hàng trăm triệu người. Thêm vào đó, từ lâu đã có những dự đoán rằng những khu vực này chứa đựng trữ lượng dồi dào các nguồn năng lượng đáy biển – một tiềm năng có sức hấp dẫn vô cùng lớn trong một thời đại mà mối lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng gia tăng. Tuy các nguồn trữ lượng năng lượng dưới đáy biển đã được phát hiện và đang trong quá trình được phát triển trong khu vực Biển Hoa Đông, Biển Đông, và Vịnh Thái Lan, nhưng tiềm năng thực sự của những khu vực này vẫn chưa được làm sáng tỏ và cũng chưa thể hiện thực hóa do các tranh chấp về quyền tài phán lãnh thổ và trên biển vẫn là những đặc tính cố hữu của những vùng biển này. Thực tế là những không gian biển này đã được định hình bởi nhiều tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo, đảo đá, bãi đá ngầm có diện tích nhỏ và cách xa bờ cùng với những yêu sách chồng chéo và không phải lúc nào cũng rõ ràng về quyền tài phán.
Những tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán trên biển ở Đông và Đông Nam Á là những điểm nóng có nguy cơ trở thành mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh, và cùng với nó là thịnh vượng về kinh tế trong những khu vực này. Những yêu sách xung đột nhau về chủ quyền đối với các hòn đảo và các đảo nhỏ cùng với những yêu sách chồng lấn trên biển liên quan đến chúng là nguồn gốc của sự căng thẳng trong suốt hàng thập kỷ qua. Những tranh chấp này đã dẫn đến hàng loạt các vụ việc và thậm chí là đụng độ quân sự giữa các quốc gia yêu sách trong quá khứ. Với sự dai dẳng của các tranh chấp, rất có khả năng những vụ việc đó sẽ lại tiếp diễn và có nguy cơ phát triển thành những xung đột lớn hơn.
Việc không có một giải pháp giải quyết tranh chấp đã là một cản trở lớn đối với các lợi ích tích cực mà những không gian biển và các tài nguyên của nó có thể mang lại cho các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là khi nhìn từ góc độ năng lượng, các tuyến biển của Châu Á là những điểm quá cảnh quan trọng – và cũng có thể là những nguồn trữ lượng dồi dào – của năng lượng hidrocacbon mà các nền kinh tế trong khu vực phải dựa vào để duy trì quỹ đạo phát triển của mình. Nhiều quốc gia trong khu vực đang bị thâm hụt nguồn năng lượng trong nước một cách nghiêm trọng và đang ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô để đáp ứng các yêu cầu. Chẳng hạn, ở Đông Á Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước phụ thuộc rất nhiều vào dầu thô để đáp ứng hầu hết các yêu cầu của mình, và trong năm 2009 Trung Quốc đã phải dựa vào dầu thô nhập khẩu để giải quyết 53% các nhu cầu. Sự lệ thuộc vào dầu thô và khí của hầu hết các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á (ngoại trừ Brunei) được dự đoán là sẽ còn tăng mạnh trong tương lai.
Hầu hết các nguồn năng lượng nhập khẩu này đến từ Châu Phi và Trung Đông và được vận chuyển bằng đường biển qua các điểm kiểm tra ở Đông Nam Á như Eo biển Malacca, Singapore, Sunda, Lombok, Makassar, và Balabac rồi mới đi tiếp qua Biển Đông và Biển Hoa Đông đến bến cảng cuối cùng. Bất kỳ cuộc đụng độ hay biểu dương lực lượng nào ở một trong những điểm này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh năng lượng trong khu vực do tàu thuyền phải điều chỉnh lại tuyến hàng hải. Do trữ lượng dầu chủ yếu của thế giới tập trung ở những nơi như Trung Đông nên các nguồn cung cấp thay thế mà không đòi hỏi việc quá cảnh qua khu vực bị ảnh hưởng là tương đối thấp (xem Hình 1-3).
Hình 1
Hình 2
Hình 3
Tranh chấp trong khu vực trải rộng từ những yêu sách chủ quyền đối với đảo và vùng biển liên kết cho đến những bất đồng về năng lực của những hòn đảo nhỏ, xa bờ, và không có người sinh sống để bổ trợ cho những yêu sách mở rộng đối với không gian biển. Những bất đồng về vai trò của các hòn đảo trong việc phân định biên giới trên biển, cũng như những bất đồng về cách thức tiếp cận hay phương pháp của việc phân định biên giới đã làm trầm trọng thêm sự phức tạp của các tranh chấp và dẫn đến sự trì hoãn của một biện pháp giải quyết cuối cùng. Những nỗ lực để giải quyết các tranh chấp này đã tiếp diễn hàng thập kỷ nay tại các cấp độ chính phủ và cấp độ Kênh II mà hầu như không đạt được mấy thành công. Trong đó, những nỗ lực trong cách tiếp cận về pháp luật quốc tế dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), các cuộc đàm phán phân định biên giới song phương, và các hiệp định phát triển tài nguyên chung đã đóng vai trò kiềm chế hành vi của các quốc gia, đưa ra các lựa chọn thay thế, và nhìn chung đã nhấn mạnh vai trò của ngoại giao và đàm thoại thay vì sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu đáng báo động về căng thẳng đang gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực Đông và Đông Nam Á về những yêu sách chồng chéo của họ. Chẳng hạn, trong nửa đầu năm 2011 đã có ít nhất là hai lần tàu hải giám của Trung Quốc quấy rầy tàu thăm dò địa chấn do chính phủ Philippin và Việt Nam làm chủ quản và buộc những con tàu này phải ngừng các hoạt động khai thác của mình. Sự kiện đầu tiên xảy ra vào tháng 3 ở Bãi Cỏ rong, một khu vực mà Philippin cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài 200 hải lý của mình. Sự kiện thứ hai xảy ra vào tháng 5 ở vùng biển gần tỉnh Phú Yên của miền trung Việt Nam. Cả Manila và Hà Nội đều đã phản đối những hành động của tàu tuần tra Trung Quốc. Một vụ việc khác đã xảy ra vào tháng 9/2010 khi lực lượng Biên phòng Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng của một con tàu đánh cá của Trung Quốc sau một cuộc đụng dộ ở vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Sự kiện này, cùng với căng thẳng ngoại giao về sau, đã làm dấy lên căng thẳng giữa các thành phần chủ nghĩa dân tộc của hai nước và làm lu mờ hơn khả năng thực thi hiệp định năm 2008 về vùng phát triển chung và dự án dầu khí. Trong khi đó, ở Vịnh Thái Lan tình trạng xấu đi của quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan, chủ yếu do những tranh chấp trên biên giới đất liền, vẫn có khả năng lan ra biển. Những vụ việc nêu trên và một loạt các tranh cãi tương tự đã thường xuyên xảy ra trong các năm gần đây. Trong mọi vụ việc thì căng thẳng và sự mất lòng tin đều gia tăng giữa các chủ thể chính, và từ đó đặt ra nghi vấn về khả năng giải quyết những tranh chấp này trong tương lai.
Ở những nơi có những yêu sách chồng lấn về biển, những bất trắc về quyền tài phán rõ ràng đã gây phức tạp cho công tác quản lý tài nguyên đại dương. Những chính sách không được điều phối dẫn đến tranh chấp về tài nguyên mang tính hủy hoại và không bền vững, đặc biệt là đối với các tài nguyên sinh vật biển. Sự đối đầu, va chạm giữa các đoàn tàu đánh cá có thể nhanh chóng kéo các cơ quan chức năng của các quốc gia ven biển vào cuộc, đặc biệt là khi các lực lượng an ninh của quốc gia chỉ đơn thuần cho là mình đang tuần tra ở không gian biển “của mình”. Sự cạnh tranh về tài nguyên cũng có xu hướng kích động các thành phần chủ nghĩa dân tộc - tương tự những gì đã xảy ra trong các cuộc biểu tình ở Trung Quốc về việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng thuyền đánh cá của Trung Quốc. Những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc như vậy càng làm gia tăng rủi ro cho các nhà lãnh đạo chính trị do họ có thể vì lí do nhượng bộ mà thể hiện sự yếu đuối với công dân của mình. Trong trường hợp xấu nhất, nếu căng thẳng leo thang và trở thành xung đột vũ trang thì quyền tự do hàng hải và thương mại tren biển, bao gồm việc quá cảnh các nguồn tài nguyên năng lượng quan trọng, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây
Clive Schofield, Ian Townsend-Gault, Hasjim Djalal, Ian Storey, Meredith Miller, và Tim Cook
Bá Việt (dịch)
Quang Hưng (hiệu đính)
Báo cáo của Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (National Bureau of Asian Research) về hợp tác trên biển ở Đông và Đông Nam Á, bản gốc tiếng Anh “From Disputed Waters to Seas of Opportunity: Overcoming Barriers to Maritime Cooperation in East and Southeast Asia”
-Báo cáo đặc biệt của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông