Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Bốn Mùa Thay Lá... Uá

   "Cách mạng xanh" tại Iran, 2009 - Còn ai nhớ không?-Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune 20110909

Sau Libya đến Syria, một sự yên ắng đến đinh tai....
Trong hai tuần liền, truyền thông inh ỏi làm nhiều người chờ đợi giây phút huy hoàng của dân chủ tại Libya khi chế độ Moammar Gaddafi bỗng tắt ngúm tại thủ đô Tripoli. Sau đó, mọi sự bỗng... tắt ngúm. Không thấy ai nói gì về trận thư hùng cuối giữa tàn dư của Gaddafi với lực lượng nổi dậy tại vùng đất "thang mộc" – thành trì - của Gaddafi ở thành phố Syrte. Hay là một màn dứt điểm ngoạn mục tại Babi Walid....


Trong khi ấy, và đây mới là (những) chuyện chính: các nước Tây phương thảo luận và cãi cọ về tương lai dầu khí của Libya giữa các đại tổ hợp của Âu Châu; Hoa Kỳ ráo riết truy tìm hỏa tiễn trong kho võ khí bị thổ phỉ của Gaddafi - để thu hồi trước khi quá chậm; nội bộ Hội đồng Chuyển giao Quốc gia của lực lượng nổi dậy càng thêm rạn nứt; và Minh ước NATO loan báo sẽ chấm dứt nhiệm vụ, v.v.... Vả lại, nước Mỹ đầu đàn của NATO nay đang lo cắt giảm ngân sách quốc phòng để tiến tới quân bình ngân sách sau ba năm tăng chi như người say rượu.

Ít được quan tâm trong chuỗi biến động ấy là thái độ khó chịu của các nước Phi Châu da đen về những gì xảy ra tại Libya - và Côte d'Ivoire trước đó. Tổ chức Liên hiệp Phi châu African Union và một loạt quốc gia miền Nam và miền Tây Phi Châu từ chối tham dự hội nghị tái thiết Libya tại Paris (do Tây phương triệu tập hôm mùng một dưới tên gọi "Friends of Libya"), nhiều nước chưa thèm công nhận "Hội đồng Chuyển giao Quốc gia" như đại diện chân chính của Libya.  

Với các quốc gia này, Libya là một phần của Phi Châu, và các nước Âu Châu cùng Hoa Kỳ đã trở lại chủ nghĩa thực dân dưới lý cớ nhân quyền và vì lý do dầu hỏa. Rất oan cho nước Mỹ...

Nhất là cho Tổng thống Barack Obama, được coi như có huyết thống Phi Châu!


***


Dư luận Hoa Kỳ và thế giới đều nhắc nhở đến vụ khủng bố 9-11 khiến 3.000 người thiệt mạng, xảy ra đúng 10 năm trước. Nhiều người lại quên mất vài sự kiện nổi bật:

Từ gần hai chục năm nay, Hoa Kỳ - và Minh ước NATO - liên tiếp ra quân và can thiệp ở nhiều nơi chính là để bênh vực hoặc giải phóng người Hồi giáo: tại Kuweit năm 1991, Bosnia năm 1995, Kosovo năm 1999, A Phú Hãn năm 2001, Iraq năm 2003...

Trên thế giới, người Mỹ gốc Hồi giáo có toàn quyền bình đẳng và không hề bị dân Mỹ kỳ thị, trước và sau vụ 9-11. Hãy so sánh sức nặng của thành phần thiểu số này tại Mỹ với dân Hồi giáo hay Bắc Phi ở nhiều xứ Âu Châu thì rõ. Tại Hoa Kỳ, họ được hội nhập, tại Âu Châu, họ là công dân hạng hai và tiếp tục bị xu hướng cực đoan lung lạc để chơi trò khủng bố.

Nhìn rộng ra ngoài, hãy xem những người Hồi giáo muốn tự trị hay ly khai tại Liên bang Nga và Trung Quốc được đối xử thế nào, thì ta thấy rằng các quốc gia đó có vấn đề với dân Hồi giáo ở bên trong. Hoa Kỳ thì không.

Nhưng Hoa Kỳ lại có vấn đề với Hồi giáo ở bên ngoài!

Sau vụ khủng bố 9-11, không một chế độ Hồi giáo nào sụp đổ và bị thay thế bởi xu hướng quá khích của lực lượng al-Qaeda, như Osama bin Laden kêu gọi và trông đợi. Hoa Kỳ có góp phần cho việc đó khi đứng trên tuyến đầu để truy lùng khủng bố và hợp tác với lãnh đạo các nước Hồi giáo, từ Bắc Phi qua Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á, trong cuộc chiến gọi là "chống khủng bố toàn cầu".

Nhưng cũng chính là hai chiến dịch A Phú Hãn và Iraq, của chính quyền Bush 43, lại gây hậu quả ngược: các quốc gia Hồi giáo đều nghi ngờ Hoa Kỳ, dân Hồi giáo thì có ác cảm ra mặt. Nước nào có chủ trương ôn hòa hay thân Mỹ thì bị dân chúng oán hận vì tinh thần ghét Mỹ của họ. Ngược lại, dân Hồi giáo tại các nước độc tài chống Mỹ lại có thiện cảm và trông đợi rất nhiều – quá nhiều – vào Hoa Kỳ.

Thật chẳng khác gì.... Việt Nam.

Dân Mỹ không hiểu vì sao mà mình không kỳ thị đạo Hồi, chính quyền còn xả thân và xả thuế cứu dân Hồi giáo, binh lính hy sinh để bảo vệ trường học hay phòng phiếu Hồi giáo tại những nơi đang học tập dân chủ, v.v.... Vậy mà lại bị các nước Hồi giáo thù ghét!

Lỗi tại ông Bush?

Quái dị nhất trong hài kịch này là Chính quyền Bush đã làm được một phép lạ. Đó là tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước Phi Châu. Ông Bush được họ coi là một ân nhân nhờ các dự án y tế, xã hội và kinh tế. Thiện cảm ấy tan thành mây khói sau sáu tháng dội bom cho "nhân quyền" tại Libya!

Nghịch lý kia là khối Hồi giáo tại Bắc Phi và Trung Đông thường đồng hành với độc tài. Nhưng nạn độc tài tại các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh hoặc trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan lại được coi là xuất phát từ chính Hoa Kỳ, hay là do thế liên minh với Hoa Kỳ. Trực tiếp hay gián tiếp, nước Mỹ có tội về ách độc tài tại Tunisie, Algérie, Ai Cập, Yemen, Jordan, Saudi Arabia, v.v... Và phải có trách nhiệm giải quyết!

Còn các chế độ Hồi giáo chống Mỹ thì vẫn vô tội, vô can và là nơi mà Mỹ không được phép xen lấn, can thiệp!

Chẳng lẽ "mùa Xuân Á Rập" hay "Hoa nhài Dân chủ" phải có phân bón Mỹ, còn chuyện dân chủ tại Syria hay Iran là vấn đề nội bộ - y hệt như lý luận của Hà Nội?


***


Ngẫm cho cùng, người ta là nạn nhân của một hệ thống truyền thông ngớ ngẩn và cận thị chuyên nghiệp: truyền thông Tây phương! Truyền thông này – và các học giả hay bình luận gia thiên tả - tin vào cách giải trình của họ về một làn sóng dân chủ tất yếu. Nhiều người bèn tưởng thật, vì báo Mỹ đã nói mà!

Ngày nào truyền thông ấy loan tin về chiến sự tại Lybia hay biến động tại Syria thì người ta kết luận là "có đấu tranh dân chủ" và hoa nhài đang tỏa hương. Nếu không thấy nói gì thì coi như "mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh"? Sáu tháng hồ hởi với tin tức về ngày tàn của chế độ Gaddafi vẫn chưa làm người ta tỉnh ngủ. 

Qua đến chuyện Syria cũng thế, dù dân chúng nơi đây bị chế độ Bashar al-Assad đàn áp và tàn sát còn dữ dội hơn là tại Libya: truyền thông mà nói đến thì có đấu tranh, không thì thôi!

Vấn đề cần tìm hiểu tại Syria là 1) sau 41 năm cai trị, chế độ al-Assad trong tay hệ phái thiểu số Alawite và đảng Baath độc quyền có thể sẽ tàn lụi dần - sau nhiều năm khủng hoảng sắp tới; hay 2) chế độ sẽ bị phân hoá bên trong và sụp đổ bất ngờ, để lại một xứ Syria khủng hoảng trong nhiều năm sắp tới; hay là 3) các nước bên ngoài yểm trợ phe nổi dậy để sớm kết thúc chế độ? (Xin xem bài tuần trước trên cột báo này).

Cho đến nay, người ta chưa thấy có dữ kiện gì về kịch bản thứ ba đầy lý tưởng ấy -  trên bề mặt. Mà sau đó là gì, vì các nước bên ngoài đó là những ai, muốn gì?... Lại là câu hỏi khác

Nó dẫn đến Iran và lực lượng Hezbollah tại Lebanon, nguồn yểm trợ cho chế độ al-Assad; hay đến nước Pháp, Turkey, Saudi Arabia, và Mỹ là những nước muốn Bashar al-Assad "phải đi". Trong mọi trường hợp, kể cả có sự can thiệp hay yểm trợ của nước ngoài – như tại Libya – tình hình những năm tới vẫn khó ổn định.

Vì vậy, "Mùa Xuân Á Rập" sẽ có 12 tháng mùa hè đỏ lửa. Là mùa gặt hái của mấy tờ lá cải cứ loan tin hồ hởi về cách mạng dân chủ.

Sự thật ở đây là: Cuộc cách mạng ấy phải xuất phát từ người dân Á Rập, từ đạo Hồi, chứ không thể là sản phẩm của truyền thông và loại "lãnh tụ đối lập" biết nói Anh ngữ trước ống kính quốc tế. Ở tại chỗ, các ký giả có thể bị xúc động thật về một vài hình ảnh tiêu biểu của đấu tranh và đàn áp, rồi gây xúc động cho người tiêu thụ tin tức, là khán thính giả và độc giả, là cử tri và người đại diện dân cử.

Nếu ta cũng xúc động và hưng phấn theo nhịp đập của con tim mà kết luận là cách mạng sắp thành công, thế giới Á Rập đang bừng tỉnh, v.v... thì sẽ lại thất vọng.

Xin hãy nhắc đến một tiền lệ, là "Cách mạng màu xanh lục" của Iran, Tháng Sáu năm 2009.


***


Năm đó, Iran có bầu cử Tổng thống và Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong điều kiện khả nghi - kết quả thông báo quá sớm từ những vùng núi non xa xôi hiểm trở.... Khi ấy, đối lập nêu vấn đề, kêu gọi biểu tình và bị đàn áp dữ dội.

Mà đối lập không là một lực lượng xuống đường kiểu tự phát của quần chúng xúc động. Họ là những lãnh tụ có uy tín của chế độ từ cuộc Cách mạng 1979 với Giáo chủ Khomeini, họ là các nhân vật đương quyền có ảnh hưởng về tôn giáo, chính trị, an ninh và quân sự. Phong trào đấu tranh bị đàn áp và có những khuôn mặt tuẫn nạng sáng giá, thí dụ mà người ta đã quên là một thiếu nữ khả ái và tử tế bị bắn gục trước ống kính.

Nhắc lại cho rõ: Iran có những điều kiện gần với lý tưởng về cách mạng dân chủ vì có lãnh đạo, đường lối và quần chúng, kể cả thiện cảm của nhiều người cầm súng trong quân đội!

Vậy mà sự ồn ào của truyền thông chỉ kéo được một mùa, vài tháng. Iran vẫn "ổn định" sau một vụ Thiên an môn kiểu Ba Tư.

Tổng thống Barack Obama rón rén bước qua một bên mà không dám phát biểu gì về... chuyện nội bộ của Iran. Người đấu tranh cho dân chủ vào tù, các lãnh tụ nín thinh. Màu lá mạ của Cách mạng Hồi giáo Iran ngả màu cỏ úa, và tàn lụi trong thiên nhiên bốn mùa. Không thấy ai nhắc đến nữa, trong khi Ahmaninejad tiếp tục khiêu khích nước Mỹ, với sự cho phép của lãnh tụ tối cao là Giáo chủ Ali Khamenei, và sự hà hơi tiếp sức của Liên bang Nga và Trung Quốc.

Trong dịp khác, chúng ta sẽ phải trở lại chuyện Iran. Nhưng đáng lẽ cuộc cách mạng hụt tại một cường quốc trụ cột trong thế giới Hồi giáo có 70 triệu dân trên một lãnh thổ bằng cả Tây Âu - dưới một chế độ Hồi giáo chống Mỹ - phải giúp người ta tỉnh táo hơn.

Ngược lại, 10 năm sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ tự gánh lấy trách nhiệm xây dựng dân chủ tại A Phú Hãn và Iraq, gây hứng khởi về dân chủ tại Bắc Phi và Trung Đông trong sự hoài nghi của đa số dân chúng Hồi giáo và trở tay không kịp trước sự quật khởi của Liên bang Nga vào năm 2008. Chưa nói gì đến một đối thủ đang lên là Trung Quốc.

Từ vụ 9/11, đầu não al-Qaeda bị tiêu diệt lần mòn tại A Phú Hãn, nhưng nhiều nhóm khủng bố xưng danh al-Qaeda - địa phương, nội hóa hay tự phát – lại xuất hiện ở nơi khác và tiếp tục đe dọa quyền lợi Hoa Kỳ, trong khi kỳ vọng dân chủ mà thiếu tổ chức lại tạo cơ hội bành trướng cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông....

Quả là những hậu quả bất lường cho cả al-Qaeda và Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ có dịp tổng hợp lại chuyện này, từ vụ 9-11 năm 2001 đến "Mùa Xuân Á Rập" năm 2011 và những chiếc lá úa trong trí nhớ quá mỏng.
-Bốn Mùa Thay Lá... Uá

Tổng số lượt xem trang