-VTV1 – Thời sự 19h, 15/09/2011
Đã hơn một tháng kể từ khi nhiều qui định mới về tuyển dụng, quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Chính phủ ban hành có hiệu lực. Nhưng tại nhiều công trình ở nhiều địa phương lao động phổ thông nước ngoài vẫn đang tràn ngập trong đó có hàng ngàn công nhân lao động trái phép. Vì sao lại tồn tại tình trạng này trong khi theo quy định mới thì việc đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc chỉ được phép chấp thuận sau khi không thể tuyển được công nhân Việt Nam. Vì sao các cơ quan chức năng chính quyền địa phương và các chủ đầu tư trong nước biết rõ thực tế này nhưng vẫn làm ngơ. Phóng sự sau sẽ tìm hiểu căn nguyên của vấn đề này.
Công nhân: Họ tên, chức vụ, bên dưới chắc là nghề nghiệp nhưng mà nó viết tiếng Trung.
PV: Nhưng thẻ này là thẻ nội bộ đúng không ạ?
Công nhân: Đúng ạ.
(PV) Đây là những cách mà công nhân Trung Quốc trò chuyện với cấp trên người Việt Nam của họ trên một công trường tại Việt Nam. Thực tế ông Hà Quang Giới, Phó Tổng giám đốc dự án Nhà máy điện Hải Phòng cũng khó có thể biết được gần 800 công nhân Trung Quốc mà ông trả lương đang làm việc trên công trường này đến từ đâu, làm việc gì và thậm chí là đã có hoàn thành thủ tục lao động hợp pháp hay chưa?
Ông Hà Quang Giới – Phó TGĐ Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng: Cái dự án điện Hải Phòng là cái dự án theo hình thức hợp đồng … đấu thầu chìa khoá trao tay. Mà trúng thầu thì lại là nhà thầu Trung Quốc cho nên lực lượng xây lắp, quản lý kỹ thuật cũng như công nhân kỹ thuật một số khâu đoạn chính chủ yếu là anh em Trung Quốc.
(PV) Nhưng thực tế có rất nhiều công nhân Trung Quốc vượt hàng nghìn cây số sang Việt Nam để làm những công việc đơn giản như là khoan phá bê tông.
PV: Công khoan phá của người Trung Quốc như thế này một ngày họ trả là bao nhiêu tiền?
Anh Đồng Văn Quyết -Thợ khoan-Dự án nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng: Một ngày của họ ít nhất là hơn 300.000đ anh ạ.
PV: Hơn 300.000đ, nghĩa là gấp đôi, gấp 2,5 lần … Nhưng việc làm của họ có khác gì với em không?
Anh Đồng Văn Quyết: Không khác gì đâu ạ.
PV: Họ cũng khoan như thế này?
Anh Đồng Văn Quyết: Vâng ạ.
(PV) Các nhà quản lý cho rằng, việc số lao động nước ngoài tăng mạnh trong khi thủ tục pháp lý bị buông lỏng cho thấy khâu quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập.
Ông Đặng Như Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thế bây giờ nếu như cấp xã, cấp huyện làm một cách đầy đủ chặt chẽ theo đúng luật, luật cư trú luật cấp phép thì tất cả vấn đề lao động này chắc gì nó đã phát sinh. Chỉ còn có cách là mở về mặt pháp luật thì nó mới phát sinh thôi. Chứ nếu mà làm chặt chẽ thì không phải phát sinh vấn đề này.
“Trong 3 năm trở lại đây, lao động nước ngoài vào Việt nam làm việc tăng nhanh”.Thạc sỹ Phạm Ngọc Thành – Trưởng khoa Quản lý lao động Đại học Lao động xã hội: Một số nước trên thế giới người ta qui định anh chỉ được sử dụng là 3% lao động là người không thuộc sở tại của nước sở tại và đối tượng lao động là những đối tượng nào? Ví dụ anh chỉ được sử dụng đội ngũ là chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật chuyên môn cao mà nước sở tại không đáp ứng được còn đối với những lao động phổ thông, lao động kỹ thuật mà nước sở tại có thể đáp ứng được thì anh phải ưu tiên sử dụng đấy thì anh mới được phép thi công công trình đấy.
- Tháng 1/2011, số LĐNN tại Việt Nam là 56.929 người.
- Tháng 5/2011, số LĐNN tại Việt Nam tăng lên 74.000 người (Báo cáo của Bộ LĐTB&XH).
(PV) Đã không còn trong thời kỳ cao điểm nhưng Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình mỗi ngày vẫn có hàng nghìn công nhân lao động tại công trường và gần 800 trong số đó là công nhân Trung Quốc. Vị Giám đốc Trung Quốc thì cho rằng họ phải đưa công nhân sang vì chất lượng công nhân Việt Nam chưa đủ đáp ứng còn những công nhân Việt Nam thì nghĩ khác.
Ông Trương Quân – Giám đốc Ban QLDA nhà thầu EPC (Trung Quốc), qua lời dịch: Qua thực tế xét tuyển công nhân Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30% khối lượng công việc ở đây thôi.
Công nhân VN: Đây nói trình độ là không phải mà ở đây phải nói là khối lượng công việc, tức là người ta chỉ thiếu có khoảng 30% thì người ta tuyển thêm mình vào.
(PV) Nghịch lý ở đây là chủ đầu tư Việt Nam nhưng lại không quyết được số lao động thi công công trình, bỏ qua rất nhiều cơ hội việc làm cho lao động trong nước. Tuy nhiên khi mà hợp đồng bỏ thầu đã không qui định cụ thể thì các chủ đầu tư người nước ngoài vẫn có quyền đưa không hạn chế lao động sang theo hình thức có tên gọi là “thầu trọn gói”.
Ông Trương Quân-Giám đốc Ban QLDA nhà thầu EPC – Công ty công trình Hoàn Cầu (Trung Quốc), qua lời dịch: Theo luật pháp Việt Nam thì lao động dưới 3 tháng không cần phải xin giấy phép lao động. Một số trường hợp lao động cần ở lại lâu hơn chúng tôi còn chờ đợi hoàn thiện thủ tục cấp phép, chứng thực pháp lý, khai khám sức khoẻ. Mà các thủ tục này đều mất nhiều thời gian. Hơn nữa chúng tôi cũng không ngừng luân chuyển lao động từ trong nước sang thay thế.
(PV) Có thể đưa ra nhiều nguyên nhân để lý giải, nhưng thực tế là chứng thực các địa phương không làm hết trách nhiệm của mình khi mà chỉ cần căn cứ theo luật nhập cư thì những lao động nước ngoài thuộc diện phải có giấy phép lao động khi chưa hoàn thiện các thủ tục sẽ không được phép lao động tại Việt Nam. Nhà quản lý địa phương thì cho rằng họ không thể làm gì khác khi mà các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng được những điểm chưa kín kẽ của luật pháp.
Ông Lê Anh Tuấn – Phó BQL các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình: Về mặt đấu thầu thì theo tôi còn chưa chặt chẽ. Đúng là một số lao động mà nhiều lao động Việt Nam có thể đảm đương được công việc ở trong những công trình… (không nghe rõ). Thế nhưng mà do cái luật đấu thầu của mình, nhà thầu người ta vẫn trúng thầu khi mà người ta không cần phải liên doanh với các nhà thầu trong nước.
(PV) Chỉ từ năm 2008 tới nay, số lao động nước ngoài vào Việt Nam đã tăng thêm khoảng 22.000 người từ hơn 52.000 lên con số 74.000. Và theo thống kê của Bộ Thương binh lao động xã hội, gần 53% trong số đó là chưa được cấp phép.
Nguồn: Nội dung trích từ bản video của VTV1 – Thời sự 19h, 15/09/2011 (từ phút thứ 31’47″ đến 37’20″). Tựa do Ba Sàm đặt.
-Chính phủ VN ra nhiều quy định quản, lao động TQ trái phép vẫn tràn ngập
------------------
--– Nhiều lao động nước ngoài không phép tại miền Trung (TT). Lao động TQ bát nháo, khó trục xuất (24h). – Thợ ‘chui’ Trung Quốc xuất hiện ở Khánh Hòa, Ðà Nẵng – (NV). – Hơn năm chục lao động Trung Quốc không phép (Tiền Phong).
-- Trục xuất lao động nước ngoài nếu không có giấy phép (TN).
- Làm ăn với Trung Quốc: Có thể biến nguy thành cơ? (TBKTSG) Long An: Cây mì “chết đứng” (SGGP)
- Trung Quốc ‘Cướp’ thương hiệu Việt ở nước ngoài và toan tính sâu xa (VEF). - Vụ nguy cơ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột – Sai một li đi… ngàn dặm (SGGP). – Giải pháp để Trung Quốc trả nhãn Cà phê Buôn Ma Thuột – (RFA).
Hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam: Vietnam: Chinese “iPhones” for sale (FT 15-9-11)