-(Tamnhin.net) - Trải qua vòng xét tuyển và được quyền mua căn hộ, nhưng khi được thông báo nộp tiền, nhiều công chức "lắc đầu".
Mặc dù đã trải qua vòng xét tuyển và được quyền mua căn hộ, nhưng khi được thông báo nộp tiền, nhiều công chức lại "lắc đầu"; Chủ tịch UBND huyện sốt ruột ra "tối hậu thư" về thời hạn nộp tiền, một số người vẫn "nói không". Những sự lạ có thật trên đang diễn ra tại Dự án xây nhà để ở cho cán bộ, công chức, viên chức huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Huyện cho 6 ngày để nộp tiền!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân các đối tượng được hưởng quyền mua căn hộ trong dự án trên chưa nộp tiền vì họ cho rằng đây là những căn hộ diện chính sách nhưng giá quá cao và có nhiều điều không minh bạch.
Theo thông báo của Ban chỉ đạo xây dựng nhà chung cư liên cơ quan huyện Thanh Trì (ngày 10/7) về giá bán tạm tính là trên 14,2 triệu đồng/m², mức giá trên không bao gồm phí bảo trì, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất. Thông báo trên cũng đưa ra thời gian dự kiến nộp tiền lần thứ nhất là sau ngày 20/8. Tuy nhiên, sau lễ bốc thăm xác định quyền mua căn hộ, rất nhiều người đã không ký hợp đồng vì không nhất trí về giá bán do nhà đầu tư đưa ra và trong hợp đồng có rất nhiều điều khoản bất lợi và không minh bạch cho người mua. Chưa kể, dự án chưa đến thời điểm được huy động vốn đã bắt cán bộ bỏ tiền trước là vi phạm pháp luật.
Vậy nhưng, trong khi còn đang thắc mắc, các cán bộ thuộc diện được mua nhà mà chưa nộp tiền, ký hợp đồng nhận được "tối hậu thư" do ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo ký. Văn bản này yêu cầu hạn chót nộp tiền là ngày 31/8 (ký, ban hành ngày 25/8). "Tối hậu thư" nhấn mạnh, "nếu quá thời hạn trên, đồng chí nào không ký hợp đồng và đóng tiền thì coi như không có nhu cầu mua nhà". Để tăng sức nặng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì còn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan "tổng hợp danh sách cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị không có nhu cầu mua nhà" gửi về Ban chỉ đạo trước ngày 10/9. Sau "tối hậu thư" của Chủ tịch huyện, nhiều người vẫn không ký hợp đồng và tiếp tục có kiến nghị tới các cơ quan chức năng.
Huy động vốn trái luật
Ngày 15/9, có mặt tại công trình "Nhà ở bán cho cán bộ huyện Thanh Trì" ở xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì), chúng tôi ghi nhận toàn bộ khu đất đã được quây kín. Tuy nhiên, đơn vị thi công mới đang tiến hành khoan cọc nhồi, nghĩa là mới bắt đầu công đoạn đầu tiên của việc xử lý nền móng.
Với hiện trạng công trình như trên, việc ra thông báo thu tiền là yêu cầu không đúng với điều 9 về huy động vốn để xây dựng nhà ở tại Nghị định 71/CP (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở ra ngày 23/6/2010) đã quy định rõ: "Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật...". Cũng theo quy định tại Nghị định 71/CP, nhà đầu tư chỉ được huy động tối đa không quá 70% giá trị nhà ở. Nhưng theo hợp đồng mua bán căn hộ, cán bộ huyện Thanh Trì sẽ phải đóng tới 95% giá trị hợp đồng trước khi được giao nhà.
Một cán bộ thuộc diện được mua nhà (đề nghị giấu tên) cho biết, mục đích của dự án là để dành cho cán bộ, nhưng anh nghi ngờ không hẳn vậy. Theo danh sách, có 600 cán bộ huyện được mua, nhưng chủ đầu tư công bố dự án có hơn 700 căn hộ. Vậy các căn hộ "thừa" thì để làm gì? Mục đích "nhà ở cán bộ" có trong sáng không?.
Trước đó, ngày 29/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ra văn bản liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, ông Khôi yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì rà soát, kiểm tra các dự án có quyết định giao đất xây dựng nhà ở bán cho đối tượng trên sau ngày 30/6/2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành). Qua đó, xác định những trường hợp giao đất, bán nhà không đúng đối tượng, sử dụng đất không đúng mục đích, đề xuất xử lý, báo cáo thành phố trước ngày 30/10.
Với những điều không minh bạch của dự án, dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng dự án nhà ở chính sách đang bị biến thành nhà thương mại và ai mới là những người thực sự được hưởng lợi từ dự án với tên gọi đầy tính nhân văn "Nhà ở bán cho cán bộ"?
(Theo giadinh.net.vn)
“Việc nội bộ nên giải quyết nội bộ” Trao đổi với báo chí ngày 15/9, ông Vũ Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, huyện đã làm báo cáo gửi lên UBND thành phố về một số vấn đề cán bộ công chức phản ánh. Lý giải về việc Dự án đang trong quá trình khoan cọc nhồi mà đã tiến hành huy động vốn, ông Nhàn cho rằng: "Chúng tôi làm thế là muốn giảm giá cho anh em". Theo ông Nhàn, nếu để đơn vị thi công đi vay tiền ngân hàng chịu lãi suất thì giá bán sẽ tăng cao hơn nên lãnh đạo huyện thống nhất thông báo thu tiền của cán bộ công chức được mua nhà vì "đằng nào cũng phải đóng". Trong khi trao đổi, ông Nhàn luôn nhắc đi nhắc lại: "Đây là chuyện nội bộ nên chúng tôi giải quyết nội bộ, anh em báo chí không nên vào làm gì". |
------------
-Lương tối thiểu tăng lên, thu nhập giảm xuống (SGTT).
Cơm trắng hút khách Sài Gòn/vnexpress
-"Lấy cho em một gói 3 nghìn, gói 8 nghìn, gói 10 nghìn như hôm qua nhé!", chị Kim Thúy, nhân viên một công ty du lịch tại quận 3, TP HCM, đến mua cơm trắng trên đường Nguyễn Thông, gọi bà chủ quán.> 101 kiểu 'thắt lưng buộc bụng' thời bão giá/ Cơm nắm, món quê thành 'đặc sản' Sài Gòn