(Tamnhin.net) - Chúng ta sai lầm trong xác định mục tiêu, đó là nhà nước vừa muốn bình ổn giá, vừa muốn theo cơ chế thị trường nên rốt cục là không đạt được điều gì.
Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội Vương Đình Dung đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hiện nay” do Bộ Tài chính tổ chức sáng 20/9.
Tổng giám đốc Vương Đình Dung cho rằng tuy Thủ tướng chỉ đạo là phải chiến đấu đến cùng, cung cấp đủ hàng cho thị trường nhưng chết thì không ai thương, không cơ quan nào đứng ra giải quyết. Chính vì vậy, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho rằng, nhà nước chỉ cần đưa ra một mức trần về giá, còn trong giới hạn đó, doanh nghiệp sẽ được tự quyết.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, cách điều hành như hiện nay chỉ làm cho doanh nghiệp thua lỗ, mất đi tính cạnh tranh. Cho dù có làm công văn kiến nghị cũng chẳng được gì.
Theo các doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu, Nghị định 84/CP của Chính phủ về quản lý, kinh doanh xăng dầu đã có từ năm 2009 nhưng họ vẫn chưa thể áp dụng trọn vẹn được. Cụ thể, Nghị định 84/CP cho phép giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn…
Tuy nhiên, từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, họ vẫn phải thực hiện theo sự quản lý, điều hành của Nhà nước, giá cả cũng do Nhà nước quyết định. Thậm chí, có thời điểm doanh nghiệp đầu mối muốn giảm giá bán để cạnh tranh cũng không được cơ quan chức năng chấp thuận. Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc thực hiện Nghị định 84/CP cho đến thời điểm này chưa thật sự đầy đủ nên khó có thể có giá bán lẻ theo giá thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng chúng ta chưa xác định rõ mục tiêu điều hành giá xăng dầu, trong bối cảnh các mục tiêu này vừa khác nhau, thậm chí lại mâu thuẫn nhau.
Theo chỉ đạo của Chính phủ thì điều hành giá xăng dầu hiện nay trước hết phải nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chống lạm phát và có một phần bao cấp cho người tiêu dùng. Thực tế, chúng ta lại có phần năng về mục tiêu cuối cùng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, trong khi chưa rõ mục tiêu thì chúng ta lại điều hành giá xăng dầu (theo phản ánh của các chuyên gia) là rối loạn và theo nhiều cách khác nhau. Có khi thì điều hành theo kiểu “bịt mắt bắt dê”, tức là không biết mục tiêu là như thế nào. Có lúc lại điều hành theo kiểu “sống chết mặc bay, thích thì làm, nói rồi lờ đi....”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, có một thực tế là chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo kiểu “thích dùng tay chân hơn dùng đầu”. Tức là thích dùng biện pháp hành chính hơn là biện pháp thị trường, kinh tế.
Chính vì thế, thực tế của việc kinh doanh xăng dầu hiện nay là “trong thối ngoài thơm”, tức là doanh nghiệp ở ngoài thì cho rằng xăng dầu là siêu lợi nhuân, nhưng thực tế thì các doanh nghiệp đầu mối hiện nay đang sống dở chết dở với xăng dầu.
Không những thế, không ít người cho rằng do kinh doanh xăng dầu là lãi lớn nên nhà điều hành cũng được hưởng lợi, nên thích gì thì làm và mặt hàng xăng dầu luôn được xem là hàng hóa bí mật.
Theo Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng dầu hiện nay chưa hoàn toàn được vận hành theo cơ chế thị trường, còn mang nhiều dấu ấn can thiệp của nhà nước bằng cả biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để giữ ổn định giá.
Các chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng, cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay không rõ ràng, thiếu minh bạch, đặc biệt là việc kiểm soát giá cả của các doanh nghiệp đầu mối... thì đại diện các ông lớn trong kinh doanh xăng dầu lại đồng loạt khẳng định: xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng.
Theo TS Nguyễn Thị Lan (Học Viện tài chính), gần đây dư luận tỏ ra bất bình trước chuyện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục kêu lỗ, nhưng trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho việc IPO lại thông báo lãi trên 913 tỷ đồng năm 2008, năm 2009 lãi tiếp 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81 tỷ đồng...
Như vậy, cùng với sự thiếu tường minh trong cơ cấu giá xăng dầu cộng với những cơ chế điều hành giật cục của cơ quan quản lý đã khiến cho dư luận nghi ngờ hoạt động xăng dầu thiếu minh bạch.
Thực tế đó còn dẫn đến việc, dù giá lên hay xuống thì doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng thì luôn chịu cảnh “trên đe dưới búa”, ngân sách nhà nước thì thất thu và người tiêu dùng thì cắn răng chịu đựng vì không còn lựa chọn nào khác.
Minh Giang