Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Ký giả Dan Southerland với ngày 30 tháng 4 và điệp viên Phạm Xuân Ẩn

-Tin liên quan: -The Spy who loved us pdf --Phạm Xuân Ẩn-Người Điệp Viên Yêu Mến Chúng Ta

Ký giả Dan Southerland hiện là Tổng Biên tập đài ACTD. Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông Southerland được biết đến như là một phóng viên kỳ cựu về tin tức ở Châu Á. Ông đến Sài Gòn làm việc hồi năm 1966 để đưa tin về chiến tranh VN trong suốt 9 năm cho đến ngày 30/4/1975. Ký giả Dan Southerland có cuộc trao đổi với Hòa Ái những ghi nhận của ông về VN sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm.

Ký ức buồn

Hòa Ái: Kính chào ông Dan Southerland, theo như Hòa Ái biết ông vẫn ở lại Sài Gòn cho đến những giờ phút cuối vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 như là một phóng viên Hoa Kỳ. Trong suốt 40 năm qua, điều gì khiến cho ông nhớ nhất về những ngày đó?
Ông Dan Southerland: Tôi nhớ đến những người bạn, những đồng nghiệp  mà tôi cố gắng giúp di tản ra khỏi Nam-VN. Bối cảnh lúc đó ở Sài Gòn thật hỗn loạn. Chính phủ Mỹ đã không có kế hoạch di tản tốt dành cho các đồng nghiệp và bạn bè người Việt của những nhân viên Hoa Kỳ. Điều này gây ra nỗi hoang mang sợ hãi cho nhiều người. Tôi nhớ đã cố gắng thuyết phục 2 người bạn nên ra đi và tôi sẽ giúp họ lên trực thăng để di tản. Tôi cảm thấy thất vọng khi 2 người này tôi nghĩ họ cần phải đi thì họ quyết định ở lại. Trong khi tôi lo ngại cho số phận của họ dưới một chính quyền mới thì một trong hai người họ lại nghe theo lời đồn đoán Cộng sản Bắc Việt sẽ hợp tác với chính quyền VNCH và họ tin sẽ có cuộc sống yên lành.
Còn có 1 vị giáo sư với đứa con nhỏ nữa, trong lúc tôi phụ giúp mang quần áo em bé ra khỏi phòng khách sạn đi di tản thì bất thình lình ông ấy thay đổi quyết định. Ông ấy nói rằng sẽ không sao và đề nghị tôi nên giúp những quân nhân trong Quân lực VNCH. Tôi rất buồn vì không có cách nào để giúp những người lính di tản trong lúc họ đang đánh trận cuối cùng trong tuyệt vọng ở mạn Đông Bắc Sài Gòn. Rồi sau đó, vị giáo sư lại đổi ý muốn ra đi nhưng tôi lại không thể giúp vì quá đông người, không còn chỗ cho ông ấy nữa.
Thật là những ký ức buồn. Những giây phút trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN thật sự khủng khiếp. Tôi vẫn rất xúc động khi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra.
- Ông Dan Southerland
Và tôi cũng nhớ đến 1 người bạn cũng là người thông dịch của tôi. Anh ta nói gia cảnh rất nghèo nên sẽ không gặp trở ngại nào với người Cộng sản. Anh ta tin mọi sự sẽ ổn, sẽ được sống trong hòa bình. Sự việc không như dự đoán, anh ta đã bị tra khảo, đánh đập. 2 năm sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh ta từ Pháp quốc. Anh cho biết buộc phải vượt biên và 1 năm sau nữa, con tàu vượt biên chở vợ và 2 con gái của anh ấy bị công an bắn nhưng may mắn họ sống sót.
Thật là những ký ức buồn. Những giây phút trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN thật sự khủng khiếp. Tôi vẫn rất xúc động khi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra.
Hòa Ái: Thưa ông, qua quyển sách “Perfect Spy” tạm dịch là “Điệp viên Hoàn hảo”,  được viết bởi tác giả Larry Berman. Trong quyển sách này nhắc đến ông Phạm Xuân Ẩn đã liên lạc và nhờ ông sắp xếp để giúp cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, lãnh đạo ngành tình báo thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, di tản ra khỏi VN. Vì sao ông Ẩn lại cố gắng hết sức mình để giúp ông Tuyến, ông có biết hay không?
Ông Dan Southerland: Ông Trần Kim Tuyến được ông Phạm Xuân Ẩn bảo vệ. Thời điểm đó, tôi không biết ông Ẩn là điệp viên. Ông ta từng làm việc cho Bác sĩ Tình báo Trần Kim Tuyến, không một ai có thể ngờ ông Ẩn làm điệp viên cả. Vào ngày 29/4, ông Ẩn gọi điện thoại cho tôi nhờ giúp cho ông Tuyến đi di tản. Tôi đã liên lạc với một quan chức cấp cao Hoa Kỳ nhờ sắp xếp cho ông Trần Kim Tuyến.
Viên chức này nói nếu ông Tuyến không thể vào được bên trong Đại Sứ quán Mỹ thì đến số 39-Đường Gia Long, tôi không còn nhớ chính xác có phải số này không nữa. Tôi đã gọi lại cho ông Ẩn và thông báo địa chỉ, trên nóc tòa nhà sẽ có trực thăng đưa đi di tản. Đích thân ông Ẩn lái xe chở ông Tuyến đi đến địa chỉ trên. Ông Tuyến đã từng rất tốt với ông Ẩn. Tôi nghĩ ông Ẩn làm điều này để giúp cho ông Tuyến thoát được sự trừng phạt của Việt Cộng. Theo tôi biết, ông Ẩn còn giúp những người khác di tản nữa. Tuy tôi không biết rõ hết mọi điều nhưng tôi có liên quan đến câu chuyện này.
Hòa Ái: Kể từ sau ngày 30/4/1975, có bao giờ trở lại VN hay không? Và bao nhiêu lần?
Ông Dan Southerland: Có, 3 lần.

Ngày trở lại

Hòa Ái: Ấn tượng đầu tiên ông cảm nhận khi vừa đặt chân đến Sài Gòn là gì?
dan1-400.jpg
Ông Dan Southerland gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn tại Việt Nam năm 2005.
Ông Dan Southerland: Lần đầu tiên vào năm 1982, tôi bị sốc. Nhiều người tôi gặp than phiền về tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm. Tôi cũng bị sốc khi biết một số bạn bè bị tù cải tạo, bị thiếu ăn mà phải lao động nặng nhọc. Có những người bị ở tù cải tạo đến 11, 12 năm và bị chết ở đó nữa. Tôi rất buồn khi nghe những tin tức này.
Có một điều khiến tôi vui là mọi người rất thân thiện và có óc khôi hài. Tôi đã đi đến chỗ tòa nhà Đại Sứ quán Mỹ, một vài người hỏi tôi từ đâu đến, tôi trả lời họ rằng tôi đến từ “Đế quốc Mỹ” khiến cho họ cười xòa. Tôi nói lại “Tôi là 1 người Mỹ”. Họ vỗ tay và chia sẻ mong muốn thấy người Mỹ trở lại. Thời gian đó ở VN có nhiều người Liên Xô nên tôi nói với họ “những người bạn mới Liên Xô thế nào?”. Họ trả lời là cũng giống người Mỹ nhưng không có đô la. Tôi nhận thấy có nhiều người nghèo. Người chạy xích lô chở tôi than rằng ông ta không có được tấm áo lành lặn. Tôi đã cởi ngay chiếc áo sơ mi đang mặc tặng cho ông ta. Có 1 phụ nữ nhờ tôi tìm giúp người chồng Mỹ ở Hoa Kỳ cho bà. Tất cả những gì tôi đang kể đã khiến tôi rất buồn.
Tôi nhận thấy có nhiều người nghèo. Người chạy xích lô chở tôi than rằng ông ta không có được tấm áo lành lặn. Tôi đã cởi ngay chiếc áo sơ mi đang mặc tặng cho ông ta.
- Ông Dan Southerland
Tôi cũng nhận được tin về ông Phạm Xuân Ẩn là Đại tá Tình báo Cộng sản. Khi đó tôi có 1 người “hộ tống” đi theo, Đại úy Phương Nam. Tôi yêu cầu được gặp gỡ với Đại tá Phạm Xuân Ẩn. Sau đó, Đại úy Phương Nam nói với tôi rằng ông Ẩn không muốn gặp mặt tôi.
Hòa Ái: Khi gặp lại ông Phạm Xuân Ẩn thì ông Ẩn có nói với ông rằng ông ta gặp trở ngại gì với chính quyền Hà Nội bởi vì ông ta đã cố gắng giúp ông Trần Kim Tuyến di tản ra khỏi VN hay không?
Ông Dan Southerland: Tôi gặp ông Ẩn trong chuyến trở lại VN lần thứ nhì, hồi năm 2005. Điều đầu tiên ông Ẩn nói với tôi là “Họ đã nói láo”. Ông cho biết rất vui gặp lại tôi. Chúng tôi trò chuyện với nhau và ông Ẩn xác nhận chưa bao giờ đưa thông tin sai lệch cho truyền thông Hoa Kỳ. Tôi tin là vậy. Tôi hỏi ông Ẩn những gì tôi nghe được từ dân chúng ở Sài Gòn nói về tệ nạn tham nhũng có đúng hay không. Ông Ẩn trả lời “Tệ hơn những gì ông được nghe”. Tôi nghĩ là ông Ẩn không còn tin tưởng vào chế độ mới nhưng ông nói chuyện rất thật trọng. Ông Ẩn cho biết không được phép đến Mỹ và không được đi ra khỏi VN. Sau 30/4/75, ông Ẩn phải đi học về thuyết Cộng sản.
Trả lời câu hỏi của cô, tôi nghĩ họ luôn nghi ngờ ông Ẩn vì ông ta đã giúp ông Tuyến và những người khác di tản khỏi Sài Gòn cũng như cố giúp cho 1 nhà báo ra khỏi tù. Họ thắc mắc về sự trung thành của ông Ẩn rằng ông ấy trung thành với Cộng sản hay trung thành với Mỹ?
Hòa Ái: Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Ẩn có chia sẻ gì với ông về suy nghĩ của ông ta khi VN được thống nhất?
Ông Dan Southerland: Ông Ẩn nói chuyện không giống như người Cộng sản. Ông ấy chỉ nói đến những vấn đề cụ thể như vấn nạn tham nhũng. Tôi chia sẻ ghi nhận của tôi rằng VN có vẻ như bắt chước mô hình của Trung Quốc, mở cửa cho kinh tế phát triển, bộ mặt của TP. HCM thay đổi với nhiều tòa nhà mọc lên. Thế nhưng, ông Ẩn lại cảnh báo với tôi phải thận trọng vì họ bắt chước cả hệ thống ngân hàng của Trung Quốc mà hệ thống ngân hàng này đầy yếu kém với những khoản nợ xấu khổng lồ. Ông Ẩn nói kinh tế VN bùng nổ không có gì là ấn tượng vì sự thay đổi này chỉ khiến người giàu càng giàu có và đẩy người nghèo đến chổ không còn gì. Có lẽ ông Ẩn mất niềm tin là vì vậy.

Bất bình

Hòa Ái: Thưa ông, qua các chuyến trở lại thăm VN sau năm 1975, điều gì đọng lại nhất trong lòng ông?
Ông Dan Southerland: Bên cạnh cảm giác bị sốc trước những gì diễn ra ở VN dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, trong chuyến đi lần thứ 3 vào năm 2013, tôi đến Hà Nội để tham dự hội thảo về truyền thanh. Tôi không đoán biết được người ta sẽ cư xử với tôi như thế nào nhưng họ thật ấn tượng và thân thiện. Và những người tôi gặp đều có trình độ. Những người trẻ bày tỏ mong muốn được đến Hoa Kỳ học thạc sĩ cũng như những kỹ thuật tiên tiến của Mỹ.
Tôi đã đến Phòng trưng bày Nhà tù Hỏa Lò. Tôi thấy bất bình về những lời nói xấu các phi công Mỹ. Những lời nói đó hoàn toàn là bịa đặt.
- Ông Dan Southerland
Tôi đã đến Phòng trưng bày Nhà tù Hỏa Lò. Tôi thấy bất bình về những lời nói xấu các phi công Mỹ. Những lời nói đó hoàn toàn là bịa đặt.
Những thông tin về các phi công Mỹ được đối xử tử tế là không đúng sự thật. Tôi cũng đến tham quan Bảo tàng Cách mạng. Tôi không thấy thích thú gì với những thông tin lịch sử được ghi lại.
Hồi năm 2005, tôi có đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM, ở đây mọi thứ được bảo quản rất chu đáo và đẹp đẽ. Sau đó, tôi cũng đến thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ở chỗ này thì có bảng ghi “Cấm chụp hình”.
nghiatrangquandoibienhoa.jpeg
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa
Tôi cảm thấy buồn và tôi đã vòng ra phía trước, định bước vào bên trong nghĩa trang nhưng có 2 người trên xe gắn máy áp sát tôi, nói là “Ông không thể vào được. Đây là khu vực cấm”. Tôi nhận thấy 2 nghĩa trang khác nhau quá xa.
Trong chuyến đi năm 2013, tôi có trở lại viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM và Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Lần này không có người canh gác bên ngoài, tôi đi vào bên trong nghĩa trang, bảo vệ yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu và tôi được phép viếng nghĩa trang. Tôi đi vòng quanh khoảng vài giờ đồng hồ. Tôi gặp một người đi mộ tìm anh của mình. Tôi đi cùng với người này nhưng đã không tìm ra được vì có cả hàng ngàn ngôi mộ ở đây. Tôi nghĩ người này sẽ trở lại tiếp tục tìm kiếm. Chính quyền có sự thay đổi tích cực đã cho phép gia đình của những tử sĩ VNCH đến viếng và sửa sang các ngôi mộ. Tôi đoán sự thay đổi này là do áp lực từ phía người Việt hải ngoại và từ phía Mỹ.
Và một điều đáng ghi nhận là tôi thấy có rất nhiều trường Anh ngữ mọc lên ở Sài Gòn, có rất nhiều người học tiếng Anh kể cả trẻ em. Tôi hỏi anh tài xế tại sao lại học tiếng Anh mà không học tiếng Hoa vì tôi thấy Trung Quốc đầu tư vô VN rất nhiều. Anh tài xế trả lời rằng “Chúng tôi ghét Trung Quốc”. Tôi hỏi lý do vì sao thì anh tài xế nói “Vì lịch sử gần 1000 năm Bắc thuộc”. Và anh ta nhắc đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979.
Qua 3 chuyến trở lại VN sau năm 1975, tôi thấy có những thay đổi mặc dù còn nhiều vấn đề bất cập.
Hòa Ái: Và người VN có chia sẻ với ông rằng họ cảm thấy vui mừng khi gặp lại những người Mỹ?
Ông Dan Southerland: Có. Khi người ta biết tôi là một phóng viên, họ nói chuyện rất cởi mở nhưng họ còn dè dặt. Năm 2013, mặc dù mọi người thân thiện nhưng vẫn còn nhiều người e ngại với công an vì sợ bị theo dõi. Tôi thấy buồn về điều này. Tôi rất cảm kích tinh thần người VN vượt qua những mất mát, tổn thương sau chiến tranh để xây dựng lại quê hương của mình. Tôi nghĩ họ cần phải cởi mở hơn nữa đối với nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũng như về quốc gia.
Hòa Ái: Cảm ơn ông Dan Southerland dành thời gian chia sẻ với quý khán thính giả của đài ACTD.
Ông Dan Southerland: Cảm ơn. Tôi rất xúc động khi chia sẻ những điều này.

-Chuyện Xưa Chuyện Nay (12): Cuộc gặp gỡ giữa Roxanna Brown và Phạm Xuân Ẩn Tại Saigon Tháng 4 Năm 1990

Đòan Thanh Liêm tường thuật
Roxanna Brown là một phụ nữ Mỹ, chị đã từng làm việc về báo chí tại miền Nam Việt nam hồi trước năm 1975. Sau đó chị về đi học lại và rồi đi dậy về môn sử học và khảo cổ tại Thái lan. Chị có quốc tịch Thái lan và hay lui tới Việt nam với passport Thái lan để làm việc trao đổi về sử học với Phân Viện Khoa học Xã hội tại Saigon từ các năm 1988 – 89.
 Anh Mike Morrow là một người bạn lâu năm đã giới thiệu Roxanna với anh chị em chúng tôi trong thời gian này. Do một tai nạn xe cộ ở Bangkok, Roxanna bị thương tật ở chân nên phải chống gậy mới có thể di chuyển được. Hồi đó, nhờ sự tổ chức của anh Võ Sĩ Khải chuyên viên về khảo cổ, tôi có dẫn Roxanna đến thăm khu di tích lịch sử của vương quốc Óc Eo Phù Nam ở miệt Đức Hòa Long An. Chị rất chú ý đến các hiện vật được khai quật tại đây, mà thuộc về một thời đại đã cách nay trên dưới 1500 năm lịch sử. Roxanna cho biết có nhiều sự tương đồng với các đồ gốm sứ ở Mã lai, Thái lan mà chị vẫn thường gặp trong các năm gần đây. Qua những chuyện nho nhỏ như vậy, mà Roxanna rất thân thiết gắn bó với công việc văn hóa xã hội của một số anh chị em chúng tôi.

*Mấy lần Roxanna có nhờ tôi dẫn chị đến gặp ông Phạm Xuân Ẩn là người vừa cộng tác với giới truyền thông báo chí ngọai quốc và vừa làm việc về tình báo cho Hanoi hồi trước năm 1975. Chị nói : Tôi chưa hề quen biết với ông Ẩn trước đây, nhưng do anh bạn là Nguyễn Ngọc Phách hiện ở Australia cứ nhắc chị là tìm cách gặp thăm ông Ẩn vốn là bạn đồng nghiệp thân thiết lâu năm với anh Phách, nên chị rất muốn được gặp ông Ẩn theo lời nhắn nhủ của anh Phách. Anh Phách chính là bào đệ của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh người có tên tuổi quen thuộc ở Saigon thuở trước. Thế là vào một buổi tối vào giữa tháng 4/1990, tôi đã dẫn Roxanna đến thăm ông Ẩn tại nhà riêng ở gần khu Yên Đổ - Lê Văn Duyệt Saigon.
Sau lời giới thiệu và chào hỏi giữa hai bên, Roxanna nói ngay : Hồi trước tôi làm cho thông tấn News Dispatch, nhưng chưa được có dịp gặp gỡ với ông. Nhưng anh Phách cứ hay căn dặn tôi là phải tìm cách gặp được ông để chuyển lời thăm hỏi về sức khỏe của anh ấy đến với ông. Nay nhờ có anh Liêm cũng là chỗ quen biết với ông dẫn đến đây, tôi thật hân hạnh được gặp ông và sẽ nói lại với anh Phách về buổi gặp gỡ này. Ông Ẩn trả lời đại khái là gần đây với chính sách mở cửa của nhà nước, thì tôi cũng đã có nhiều dịp tiếp các bạn bè quốc tế đến thăm ngay tại căn nhà này. Nói xong, ông Ân lấy trên giá sách mấy cuốn sách mà bạn bè của ông viết đề tặng cho ông thời gian gần đây. Cuộc nói chuyện càng trở nên tự nhiên thân mật, và tôi nhận thấy ông Ẩn vẫn rất khôn khéo trong cách trả lời với khách. Ông Ẩn nói với giọng triết lý, thóat tục nhiều hơn là đi vào chi tiết cụ thể liên quan đến tình trạng xã hội chính trị hiện thời ở Việt nam.
Cụ thể là khi Roxanna hỏi : Ông được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, đó là một vinh dự lớn lao đấy chứ, xin ông cho biết cảm tưởng về sự kiện này.” Ông Ẩn trả lời rất tự nhiên với những lời lẽ đày vẻ triết lý thanh thóat, đại khái như sau: “Trong thời chiến, tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người công dân yêu nước. Vậy thôi. Còn cái chuyện bây giờ nhà nước phong cho tôi cái danh hiệu như thế, đó là vì nhà nước muốn nhằm mục đích nêu cái tấm gương để động viên khích lệ cho giới thanh thiếu niên bây giờ hy sinh dấn thân phục vụ dân tộc mà thôi. Cô nghĩ xem, năm nay tôi đã quá 60 tuổi già yếu bệnh họan nhiều, đã về nghỉ hưu rồi, tôi đâu còn có tham vọng ham thích gì đến những chuyện về danh tiếng, về lợi lộc gì nữa trên cõi đời này?…”
Buổi gặp gỡ chuyện trò kéo dài chừng hơn một giờ, và chúng tôi chia tay vui vẻ lịch sự cả hai phía chủ và khách. Trên đường về, Roxanna tâm sự với tôi : “Tôi thật không thể ngờ được cái con người nhỏ nhoi ốm yếu như ông Ẩn mà lại có mưu mô, đảm lược trong suốt mấy chục năm làm được cái nghề tình báo cao cấp đến như thế, mà không bao giờ ông ấy để cho bị lộ mặt. Cả cái lối ông ấy trả lời các câu hỏi của tôi bữa nay cũng chứng tỏ ông ta thực sự có sự tự tin và biết giữ kẽ thủ thế đến mức tối đa. Tôi không thể nào mà lại có thể có được sự khôn khéo, mưu trí và can trường như người gián điệp này đâu!…Tôi sẽ tường thuật cho anh Phách biết rõ hơn về người bạn đồng nghiệp của anh ấy khi xưa.”
* Chuyên tiếp theo đáng nói hơn nữa, đó là chỉ chừng một tuần lễ sau đó, thì tôi bị bắt ở phi trường Đà nẵng khi máy bay vừa từ Saigon đáp xuống đây vào chiều ngày 23/4/1990. Và cả Mike Morrow cũng như Roxanna Brown cũng bị bắt giữ trong dịp này nữa. Roxanna được thả ra sau một tuần lễ.
Và khi điều tra, thì tôi lại bị Đại tá Quang Minh căn vặn, bắt tôi phải tường thuật về việc tôi dẫn Roxanna đến gặp gỡ với ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng của ông ấy. Ông Quang Minh còn hỏi lý do nào thúc đảy tôi làm việc này. Tôi đã phải trả lời bằng mấy trang giấy viết, đại khái rằng : Ông Ẩn nói chuyện với cô Roxanna một cách rất bình tĩnh ôn tồn, nhỏ nhẹ, và ông tòan nói với giọng triết lý chung chung, chứ không hề nói gì về chi tiết cụ thể với người trước đây ông chưa hề quen biết. Việc ông tiếp chỉ là do mối thân tình của ông với ông Phách là đồng nghiệp trong ngành báo chí với ông hồi trước năm 1975 mà thôi. Chủ yếu là chuyện thăm hỏi và trao đổi tin tức bình thường giữa hai người bạn năm xưa mà thôi. Còn riêng cá nhân tôi, thì tôi cũng có quen với ông Ẩn qua mấy người bạn như hai giáo sư Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, nhưng tôi chưa thể được coi như là bạn hữu thân thiết của ông Ẩn. Cô Roxanna có giúp tôi sửa một vài bức thư về business để gửi cho mấy thân chủ ngọai quốc của tôi, nên giữa chúng tôi có sự gắn bó thân tình với nhau. Nên tôi giúp đưa cô ấy đến gặp ông Ẩn, thì chỉ là chuyện bình thường bạn bè giúp đỡ nhau mà thôi.
Đến nay, thì cả hai người ông Phạm Xuân Ẩn và cô Roxanna Brown đều đã ra người thiên cổ mất rồi. Ông Ẩn thì mất năm 2006 ở tuổi 79 tại Saigon vì bệnh phổi. Còn Roxanna thì mất năm 2008 tại Mỹ ở tuổi 62, trong một hòan cảnh bi đát trớ trêu, mà báo chí Mỹ đã chỉ trích nặng nề đối với cơ quan tư pháp điều tra của nước Mỹ. Chi tiết này thật nhiêu khê dài dòng, vượt ra khỏi phạm vi của bài viết này, nên bạn đọc có thể tìm kiếm trên internet sẽ biết rõ hơn. Và cả chi tiết về cuộc đời họat động tình báo của ông Ẩn cũng đày rẫy trên internet nữa.
Nhân tiện, tôi cũng muốn ghi thêm một vài chi tiết về ông Phạm Xuân Ẩn như sau :  Vào năm 1997, sau khi qua định cư ở Mỹ, thì tôi có viết một lọat bài về “Những khuông mặt Tình Báo Chiến Lược của Hanoi”, điển hình là các ông Phạm Ngọc Thảo. Phạm Xuân Ẩn và bà Đinh Thị Vân. Trong bài viết về ông Ẩn, tôi có đặc biệt nhắc lại việc ông tận tình cứu giúp Bác sĩ Trần kim Tuyến đi thóat được vào ngày 30/4/1975.
Đến năm 2001, khi có dịp đến thăm bà con ở thành phố Kansas City, thì tôi được một chị bạn người Cần thơ cho tôi biết rằng : “Tôi có đọc bài anh viết về ông Phạm Xuân Ẩn, thế mà ông Ẩn có một người em làm luật sư ở Cần thơ tên là Phạm Xuân Định, anh cũng là luật sư, chắc anh phải biết ông Định đấy chứ?”. Tôi gật gù trả lời chị bạn : “Anh Định cùng tuổi với tôi và là bạn học chung với tôi ở trường Luật Saigon hồi giữa thập niên 1950, chúng tôi đều cùng tốt nghiệp cử nhân luật khoa năm 1958. Trước 1975, một vài lần tôi cũng gặp lại anh Định tại văn phòng luật sư của anh ấy tại Cần thơ. Mà sau 1975, có lần gặp anh Định ở Saigon, thì anh ấy cũng cho tôi biết là đang làm “bào chữa viên” ở Cần thơ. Nhưng xem ra anh Định cũng chẳng tỏ vẻ gì là phấn khởi, lạc quan với cái khí thế của một người được trọng dụng trong chế độ mới của người cộng sản cả. Anh ấy cũng rong ruổi đạp cái xe cũ kỹ, cà tàng y như tôi vậy thôi. Bây giờ chị cho biết anh Định là em của anh Ẩn, thì đó là điều mà trước đây ở Việt nam, tôi chưa hề được biết đến, mặc dù tôi lại quen biết cả hai người này…”
Bài viết đến đây kể cũng đã dài dòng rồi, tôi xin được tạm ngừng nơi đây và sẽ tiếp tục cống hiến tới quý bạn đọc những câu chuyện “Người thật, Việc thật” khác nữa trong mục “Chuyện xưa chuyện nay” vậy nhé./
California, Tháng Chín 2011
Đòan Thanh Liêm-Chuyện Xưa Chuyện Nay (12): Cuộc gặp gỡ giữa Roxanna Brown và Phạm Xuân Ẩn Tại Saigon Tháng 4 Năm 1990

Tổng số lượt xem trang