Sau nhiều lần “nâng lên, hạ xuống”, dự án xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ dân cư tại khu đất hồ Ba Giang và ao Hợp Tiến (quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn chưa được triển khai. Lợi dụng tình hình đó, một số cá nhân và doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng trái phép, đổ trộm phế thải, tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi... Những bức xúc, kiến nghị của rất nhiều người dân chưa được UBND quận Đống Đa và TP Hà Nội quan tâm, giải quyết triệt để…
Hồ Ba Giang nhìn từ trên cao (phía bên trái là nhà xưởng xây dựng trái
phép của Công ty TNHH In và Thương mại Thái Hà).
Rác thải bừa bãi, lấn chiếm tràn lan
Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Đống Đa nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực hồ Ba Giang theo hướng khôi phục hồ trên cơ sở hiện trạng và xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ dân cư. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành việc đo đạc, khảo sát, thiết kế, lên phương án, tuy nhiên không hiểu vì lí do gì mà dự án hồ Ba Giang vẫn chưa hoàn chỉnh các thủ tục và chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Trong khi dự án khu cây xanh, hồ nước, sân chơi, tiểu cảnh chưa thấy đâu thì từ nhiều năm qua, người dân sống xung quanh hồ Ba Giang, ao Hợp Tiến thuộc phường Quang Trung và phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối. Nơi đây trở thành tụ điểm tiêm chích ma túy “lí tưởng” khiến tình hình an ninh, trật tự rất phức tạp. Đất đá, phế thải sau xây dựng chẳng hiểu từ đâu cứ ùn ùn đổ về. Diện tích hồ trước đây đã bị rác thải, đất đá vùi lấp còn lại không đáng kể, nhiều gia đình bị nước ngập tràn vào nhà khi trời mưa to. Một số người ngang nhiên biến khu đất này thành bãi tập kết gạch, đá, cát để kinh doanh.
Bà P.D.A, một công dân ở phường Quang Trung cho biết: “Tôi chuyển về sống ở gần hồ Ba Giang đã gần 10 năm thì cũng từng ấy thời gian chứng kiến cảnh này. Thường thì bắt đầu từ khoảng 21 giờ, các chuyến xe đến đổ trộm phế thải hoặc vận chuyển vật liệu xây dựng gây ra tiếng ồn tới tận 3 - 4 giờ sáng”.
Trên diện tích đất thuộc dự án, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép ngày càng nghiêm trọng. Hiện tại có tới hàng chục cá nhân, tập thể vi phạm. Một số người là dân ngụ cư, lao động phổ thông không có chỗ ở cũng tìm đến bãi đất này làm lều để có nơi trú ngụ. Đã có lần, UBND phường Quang Trung ra quân cưỡng chế nhà xây dựng không phép, trái phép tại hồ Ba Giang và ao Hợp Tiến vào cuối tháng 8/2012, thu hồi 2.500m2 đất. Tuy nhiên, ngay sau đó tình trạng lấn chiếm lại tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Vi phạm nghiêm trọng nhất là trường hợp của Công ty TNHH In và Thương mại Thái Hà. Doanh nghiệp này có trụ sở tại 37 Trần Quang Diệu (quận Đống Đa), người đại diện trước pháp luật là Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hà. Công ty Thái Hà xây dựng nhà xưởng hoạt động trên đất của ao Hợp Tiến từ nhiều năm qua. Hiện nay, diện tích đã xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn m2, phần lớn là đất xây dựng không phép. Khi chúng tôi liên hệ làm việc thì được thông báo là Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hà đi công tác dài ngày. Người đàn ông tiếp chúng tôi tại trụ sở doanh nghiệp tự xưng là chồng bà Hà, tên là Hải. Theo các văn bản do ông Hải cung cấp, năm 2008, Công ty Thái Hà đã được UBND thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án Xây nhà tái định cư ô đất DD1A. Tuy nhiên, năm 2009, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản dừng dự án này. Tiếp đó, ngày 15/7/2011 UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 3327 về việc cho phép dừng triển khai các dự án tại địa bàn khu vực hồ Ba Giang. Ngoài việc lấn chiếm trái phép, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp này còn cho thuê mặt bằng để trục lợi.
Loay hoay chưa tìm được lời giải
Ông Ngô Kim An, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, chính quyền phường biết rõ thực trạng đổ rác thải, phế thải bừa bãi, xây dựng, lấn chiếm trái phép ngày càng nghiêm trọng. Ông An thừa nhận Công ty Thái Hà xây dựng nhà xưởng trên khu đất dự án không được cấp phép nhưng chưa xử lí vì đến tận bây giờ UBND phường Quang Trung vẫn chưa nhận được quyết định số 3327 ngày 15/7/2011 của UBND thành phố Hà Nội về việc dừng các dự án, trong đó có dự án của Công ty Thái Hà(?). Ông An cho biết thêm, chính quyền phường luôn giám sát các vi phạm trên nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để là vì phần lớn diện tích ao Hợp Tiến, hồ Ba Giang thuộc phường Quang Trung quản lí nhưng con đường nhựa dẫn vào khu vực trên lại thuộc địa bàn phường Ô Chợ Dừa. Vì vậy, các biện pháp như thu giữ phương tiện vi phạm, rào chắn đường vào khu dự án… là trách nhiệm của UBND phường Ô Chợ Dừa!
Còn ông Nguyễn Huy Hài, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa nhất định không thừa nhận điều này mà khẳng định đoạn đường trên thuộc sự quản lí của phường Quang Trung. Khi đối chiếu với bản đồ trích lục thì không hiển thị rõ vì đã được lập từ lâu và hiện trạng thay đổi quá nhiều. Như vậy trong khi chính quyền hai phường còn chưa thống nhất được trách nhiệm thuộc về ai, việc giải quyết dứt điểm những nhức nhối trên có lẽ cũng đành bỏ ngỏ?
Theo phản ánh của nhiều người dân, những vi phạm trên khu đất thuộc dự án hồ Ba Giang cho thấy dấu hiệu có một nhóm lợi ích đứng phía sau “đạo diễn” và hưởng lợi. Khi có người muốn đổ đất thải, phế thải tại hồ Ba Giang thì phải được sự chấp thuận và nộp tiền cho nhóm người bí mật. Trường hợp người dân nào “cả gan” lên tiếng bằng cách phản ánh với chính quyền hay cơ quan báo chí thì gần như ngay lập tức bị nhóm người đó dằn mặt âm thầm hoặc công khai như bị ném “bom bẩn”, bơm kim tiêm vào nhà hoặc bị người lạ mặt đến trước cổng chửi bới vô cớ. Cần làm rõ nhóm người này là ai và vì sao họ lại dám ngang nhiên lộng hành đến vậy?
Mong muốn của đông đảo người dân trên địa bàn là dự án xây dựng phục vụ cộng đồng dân cư cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Trường hợp dự án chưa thể triển khai vì lí do nào đó thì các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc kiên quyết nhằm bảo đảm môi trường trong lành, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bài, ảnh Hoàng Sơn
-Hà Nội dừng các dự án tại khu vực hồ Ba Giang, Đống Đa (DVT.vn) - Thành phố chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch theo hướng khôi phục hồ Ba Giang trên cơ sở hiện trạng và xây dựng điểm sinh hoạt công cộng.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định số 3327/QĐ-UBND, cho phép dừng triển khai các dự án tại địa bàn khu vực hồ Ba Giang, quận Đống Đa.
Các dự án dừng triển khai gồm có:
- Dự án đầu tư Xây dựng nhà ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại ô đất DD2 khu vực hồ Ba Giang, quận Đống Đa do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại ô đất DD1B hồ Ba Giang do CTCP Xây dựng Công nghiệp làm chủ đầu tư;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư ô đất DD1A khu vực hồ Ba Giang, quận Đống Đa trước đây do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư;
Thành phố chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực này theo hướng khôi phục hồ Ba Giang trên cơ sở hiện trạng và xây dựng điểm sinh hoạt công cộng, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2011.
Hà Lan
Theo Cổng TTĐT Hà Nội
-Hà Nội dừng các dự án tại khu vực hồ Ba Giang, Đống Đa----------
UBND TP. Hà Nội phát động cuộc chiến với giáo xứ Thái Hà?
VRNs (17.09.2011) – Khu đất của Giáo xứ Thái Hà, một khu đất có tổng số hơn 71.000 mét vuông đã bị chiếm cướp chỉ còn lại 2.700 m2 cho tất cả các công việc thờ tự và hoạt động tôn giáo tại đây.
Khu đất Hồ Ba Giang nằm trong số đất đai của Giáo xứ, chưa bao giờ được cho, tặng, nhượng cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Không chỉ Giáo xứ có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh khu đất của mình, mà ngay cả các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kết luận khu đất Hồ Ba Giang của Giáo xứ Thái Hà.
———————-
Khu đất này nằm sát ngay sau Gò Đống Đa, thuộc địa giới hành chính phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
Khu đất này rộng 18.230 m2, thuộc sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế từ năm 1928, ban đầu là khu ruộng cấy, sau vì lý do lấy đất san lấp nền tu viện và nhà thờ, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã đào lấy đất đắp nền và biến khu vực thành hồ cá.
Những năm 1970- 1980 của thế kỷ trước, linh mục Vũ Ngọc Bích cho ông Ba Giang thuê thả cá và trồng rau và từ đó, hồ được các cư dân quanh vùng đặt tên là “Hồ Ba Giang”.
Sau khi ông Ba Giang mất, giai đoạn từ 1980 – 1985, giáo xứ cho hợp tác xã Nam Đồng thuê để thả cá. Sau đó, vì không quản lý nổi, hợp tác xã Nam Đồng đã trao trả lại cho Dòng Chúa Cứu Thế quản lý.
Suốt từ năm 1928 cho tới nay – năm nhà dòng mua khu đất này, thì khu đất này vẫn do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý. Dòng Chúa Cứu Thế – giáo xứ Thái Hà, luôn đứng tên đăng ký trước bạ và trong các lần kê khai tài sản theo chính sách, chủ trương của chính phủ, thì giáo xứ và tu viện luôn kê khai đầy đủ khu vực hồ Ba Giang vào trong địa bạ.
Bên cạnh đó, các công văn của chính quyền các cấp, sở, ban, ngành từ thành phố tới quận luôn khẳng định khu đất hồ Ba Giang hiện do giáo xứ Thái Hà đang quản lý:
- Báo cáo của Sở Địa chính Hà Nội, số 387/BC- SĐCNĐ, ngày 11/5/1999, khẳng định: “Khu đất Hồ Ba Giang hiện do giáo xứ Thái Hà đang quản lý”.
- Công văn số 64/CV-UB- ĐĐ, ngày 30/1/1996 của UBND quận Đống Đa, về việc giải quyết hồ Ba giang, cũng khẳng định “Khu đất của giáo xứ Thái Hà đang quản lý và cho mượn”.
Lúc sinh thời, linh mục Vũ Ngọc Bích đã nhiều lần tuyên bố công khai trước hàng ngàn giáo dân về quyền sở hữu của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế – giáo xứ Thái Hà trên khu vực này và khẳng định ngài không hề ký cho hay chuyển nhượng bất cứ mét vuông đất nào của giáo xứ tại hồ Ba Giang.
Có thể nói cho tới giờ này, Dòng Chúa Cứu Thế vẫn đang là đơn vị quản lý và là chủ sử dụng hợp pháp toàn bộ khu đất hồ Ba giang này.
Tuy nhiên, trong thực tế, những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, chính sách mở cửa đã kéo dân cư các tỉnh thành về Hà Nội làm ăn sinh sống. Quỹ đất trở nên eo hẹp, các quan chức chính quyền địa phương và nhân dân thi nhau san lấp khu vực để lấy đất làm nhà và bán chác chia nhau.
Năm 1994, khi nhận thấy tình hình lấn đất của giáo xứ trở nên nghiêm trọng, linh mục Vũ Ngọc Bích đã làm đơn lên các cấp chính quyền yêu cầu can thiệp và đề nghị các cấp chính quyền giải quyết ổn định trật tự tại khu vực.
Khoảng năm 1998, chính quyền Hà Nội lập dự án qui hoạch khu vực thành khu nhà ở di dân, nhưng thực chất là để chia lô bán chác. Tình hình khu vực trở nên hỗn loạn, một số người đã lợi dụng tình hình mua qua bán lại khu đất này.
Cuối năm 2004, một vụ án hình sự đã được khởi tố và kết quả bị can Phạm Đình Bổng đã bị chết bất ưng trong tù.
Báo Công an Nhân dân viết về vụ án bán đất Hồ Ba Giang: Giả chữ ký cha xứ đã chết bán đất
Báo chí nhà nước viết về vụ án khẳng định: Đất của Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà
Vụ án bán đất Nhà thờ: Bị can Bổng đã chết bí ẩn trong tù, nếu không thì các quan chức chính quyền và Công an Hà Nội còn nhiều dính líu.
Thời điểm này, giáo xứ Thái Hà tiếp tục kiên trì gửi đơn lên các cấp chính quyền yêu cầu chính quyền giải quyết trao lại cho giáo xứ và Nhà Dòng khu đất để phục vụ cho mục đích tôn giáo và từ thiện.
Nhiều đơn từ, gặp gỡ, điều tra, đối thoại… đang diễn ra và nhà cầm quyền Hà Nội chưa bao giờ chứng tỏ được mình là chủ sở hữu, sử dụng khu đất đúng pháp luật.
Thế nhưng, để phục vụ âm mưu cướp đất tôn giáo, nhà cầm quyền Hà Nội đã âm thầm cho thực hiện hàng loạt dự án trên khu đất này. Đó là các dự án:
1- Dự án đầu tư Xây dựng nhà ở phục vụ công tác GPMB tại ô đất DD2 khu vực hồ Ba Giang, quận Đống Đa do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư theo Quyết định phê duyệt đầu tư số 2452/QĐ-UBND ngày 26/5/2006 và phê duyệt điều chỉnh số 1939/QĐ-UBND ngày 07/11/2008 của UBND Thành phố.
2- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại ô đất DD1B hồ Ba Giang do Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp làm chủ đầu tư theo các văn bản giao nhiệm vụ của UBND Thành phố: Văn bản số 3367/UBND-NNDC ngày 02/8/2006, Văn bản số 1250/VP-NNDC ngày 25/8/2006 và Văn bản số 3537/UBND-KH&ĐT ngày 05/6/2008.
3- Dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư ô đất DD1A khu vực hồ Ba Giang, quận Đống Đa trước đây do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư theo Quyết định số: 2227/QĐ-UB ngày 23/4/2003 của UBND Thành phố về việc phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án.
Việc thực hiện các dự án này đã gặp phải sự quyết liệt phản đối của giáo dân Thái Hà và khối giáo dân Công giáo Hà Nội và khắp nơi, vì thế nhà cầm quyền đã phải dừng lại từ đó đến nay.
Sau khi giở đầy những chiêu bài như Đối thoại, giải quyết ở các cấp Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội nhưng không hề đưa ra được bất cứ chứng cứ luật pháp nào cho việc chiếm cướp đất của Nhà thờ ở Hồ Ba Giang. Trái lại tại các buổi làm việc đó, nhà cầm đã muối mặt khi bị giáo dân chỉ rõ sự vô luật pháp của nhà cầm quyền khi cố tình cưỡng chiếm đất Hồ Ba Giang của Giáo xứ.
Báo chí bắt đầu loan tin việc chiếm cướp Hồ Ba Giang của Gx Thái Hà
Việc dừng lại các Dự án từ đó đến nay kiên quyết không thực thi luật pháp hiện hành đối với chủ sở hữu tài sản và có quyền Sử dụng đất là giáo xứ Thái Hà đã gây nhức nhối và bức xúc trong Giáo dân không chỉ ở Thái Hà, TGP Hà Nội mà cả trong ngoài nước.
Đến nay, với chiêu bài làm công trình công cộng xem ra có vẻ chắc ăn, nhà cầm quyền Hà Nội quyết định đi một nước cờ liều trong vụ việc này bằng cách thông báo cho báo chí: “Dừng các dự án tại khu vực hồ Ba Giang, Đống Đa”. Tuy nhiên, việc dừng các Dự án nói trên để nhằm mục đích: “Thành phố chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực này theo hướng khôi phục hồ Ba Giang trên cơ sở hiện trạng và xây dựng điểm sinh hoạt công cộng, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2011″.
Cuộc chiến mới bảo vệ Công lý – Sự thật của Giáo dân Thái Hà lại được UBND Thành phố Hà Nội phát động?
NVCL
Tựa do VRNs đặt