Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Kiểm nghiệm văn hoá

-
Sân Mỹ Đình ngập rác sau đại lễ. Ảnh: Nguyễn Hoàng
SGTT.VN - Có lần tôi đọc được tin này trên báo mà cứ phải suy nghĩ: trong giải bóng đá thế giới, hình như là ở Pháp, sau một trận đấu, những người dọn vệ sinh trên các khán đài kinh ngạc thấy ở chỗ cổ động viên người Nhật và người Hàn Quốc ngồi, không những không cần dọn bất cứ chút rác nào mà tại đó còn sạch hơn trước trận đấu!
Không thể không nghĩ ngay đến chuyện ở ta mới đây, mười ngày đại lễ Nghìn năm Thăng Long để lại cho Hà Nội tự hào và hứa hẹn phát triển chưa thấy đâu, chỉ thấy một bãi rác khổng lồ, bẩn thỉu, ê chề!

Quả thật đã đến lúc không thể không nghĩ rằng đối với Hà Nội những thói xấu như vậy đã thành hệ thống, thành bệnh kinh niên, hỡi ôi, thành nếp sống, nghĩa là đã đi vào tận tâm khảm mất rồi, và phải đặt câu hỏi vì sao mà nên nông nỗi này? Và phải tìm cách trả lời cho ra, nếu không thì chắc chắn không hy vọng gì có một Hà Nội phát triển như ta vẫn mong và lớn tiếng rêu rao. Sẽ không có bất cứ phát triển thật sự nào trên nền tảng một văn hoá đã tệ hại đến mức ấy. Đã đến lúc người Hà Nội, những người yêu và tin Hà Nội, từng tự hào về Hà Nội, những người lãnh đạo Hà Nội trước hết đương nhiên, cần nghiêm túc tự hỏi, và mọi người thử cùng nhau suy nghĩ và tìm cách trả lời.
Tôi cũng xin thử nói đôi điều về chuyện này.
Có phải có một điều gì đó không cách xa nhau lắm, không thật sự khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ĩ, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nữa (trước đại lũ miền Trung) của lễ hội… với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội. Cái này chỉ là tiếp tục lôgíc của cái kia. Theo cách nào đó thì cả hai thứ ấy là đồng bộ, là cùng một văn hoá, một xuống cấp văn hoá. Cũng là đồng bộ với văn hoá quyết chí trở thành thủ đô rộng lớn thứ nhì hay thứ ba thế giới – chỉ sau Tokyo (Tokyo đông đến thế là từ tác động của công nghiệp hoá một thời; nhân loại văn minh ngày nay đã biết rằng hạnh phúc nhất là được sống trong những thành phố nhỏ chứ không phải những thành phố khổng lồ), đồng bộ với các cuộc đua tranh kỷ lục Guiness nhố nhăng, những đường gốm sứ dài nhất thế giới, những nhà cao nhất, đại lộ rộng nhất và dài nhất, bánh chưng, bánh giầy cũng lớn nhất nước, lại có cả tượng Lý Thái Tổ đội mũ Tàu… Tốn kém, kỳ dị bao nhiêu, mà rồi để làm gì? Chẳng lẽ Thăng Long Hà Nội sau nghìn năm đã trở thành trẻ con đến mức ấy để lao vào các trò ganh đua vớ vẩn?
Tôi có một chị bạn hoạ sĩ đã bỏ ra suốt mười mấy năm ròng chỉ để làm mỗi một việc: chăm chú say mê đo tìm tỷ lệ các bộ phận trong những ngôi chùa Việt cổ, và chị bảo khi đã tìm ra được cái tỷ lệ ấy rồi thì vẽ bất cứ cái gì cũng đều ra Việt, không thoát đi đâu được. Một trong những bí quyết của cái đẹp, cũng là của văn hoá, là tỷ lệ. Đó là tỷ lệ trong không gian cư trú, trong nhà cửa của con người, trong trang trí, cả trong lối sống, trong cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói, trong tâm thức, trong tâm hồn… Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá có tỷ lệ vàng của riêng mình. Hà Nội có cái tỷ lệ vàng ấy, của sự nhỏ nhẹ, cân đối, thanh lịch, tinh tế, do bao nhiêu thế hệ cực kỳ giỏi giang tích tụ, gìn giữ, để lại, mà nay thế hệ chúng ta đang đánh mất, phá tan bằng sự huênh hoang thô lỗ. Mất đi cái tỷ lệ ấy, lao theo những tỷ lệ đua đòi thì sẽ không còn Hà Nội đâu. Ở đời có những cặp đôi rất lạ và rất thú vị: huênh hoang thì đi đôi với thô lỗ; khiêm nhường thì đi đôi với sang trọng. Hà Nội vốn ở trong cặp đôi thứ hai. Rất sang. Rất văn hoá.
Hà Nội có cái tỷ lệ vàng của sự nhỏ nhẹ, cân đối, thanh lịch, tinh tế, do bao nhiêu thế hệ cực kỳ giỏi giang tích tụ, gìn giữ, để lại mà nay thế hệ chúng ta đang đánh mất, phá tan bằng sự huênh hoang thô lỗ.
Chúng ta vẫn nói đi nói lại bao nhiêu lần rằng dân tộc đã tồn tại được qua tất cả các thách thức khốc liệt và uy hiếp nặng nề, thâm hiểm nhất là vì văn hoá, nhờ văn hoá; nhưng hình như lại không thật sự lo sợ trước sự xuống cấp văn hoá hiện nay, thể hiện chẳng hạn trong sự phô trương loè loẹt suốt mười ngày và trong cuộc tàn phá kỳ quặc, vô lý sau mười ngày ồn ào vừa rồi. Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long là một kiểm nghiệm, kiểm nghiệm trước hết về chính văn hoá ấy. Và kết quả kiểm nghiệm thì quả đáng buồn, thậm chí báo động.
Tôi nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi đi tìm mãi tháp Rùa ở hồ Gươm, cứ ngỡ nó to lớn lắm. Đến khi “tìm thấy” nó, và rồi ngày ngày được nhìn ngắm nó mới ngộ ra và phục Hà Nội quá: hãy thử hình dung nếu tháp Rùa lớn hơn chỉ cần hai hay ba lần thôi thì sẽ ra sao? Hà Nội có một hồ Gươm đẹp đến mê hồn, vì ở đấy có một tháp Rùa thật nhỏ, nhỏ một cách thật nghệ thuật, nhất là trong những ngày lãng đãng sương mù và phố xá thì vắng. Hà Nội đẹp vì nó nhỏ. Lớn nữa, lớn quá thì nó sẽ hỏng…
Một cái nhìn bi quan chăng? Cũng còn tuỳ. Tuỳ ở chỗ có dám nhìn thẳng và trung thực hay không.
Nguyên Ngọc
---

Photobucket
"... lại có cả tượng Lý Thái Tổ đội mũ Tàu… Tốn kém, kỳ dị bao nhiêu, mà rồi để làm gì? Chẳng lẽ Thăng Long Hà Nội sau nghìn năm đã trở thành trẻ con đến mức ấy để lao vào các trò ganh đua vớ vẩn?"

"Ngày nay, dựng tượng vua Lý Thái tổ ở nơi đây nhân dịp 1000 năm Thăng Long, là đắc địa. Nhưng lại cho ăn vận áo quần triều phục Trung Hoa, là ẩn chứa ý tứ gì? Trung Quốc lấn chiếm đất đai, lãnh hải, biển đảo của ta đang là vấn đề hết sức nhạy cảm hiện nay. Người Trung Hoa đang muốn bành trướng tinh thần Đại Hán ra khắp năm châu bốn biển. Vậy mà lù lù ở giữa thủ đô Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tượng vua Lý Thái tổ lại ăn vận triều phục Trung Hoa. Nó gây phản cảm nghệ thuật và phản cảm chính trị rất lớn."

"Không biết Cụ Lý Công Uẩn còn trụ được mấy bữa."
-------


Tổng số lượt xem trang