Giá xăng dầu tăng liên tục, cao hơn cả giá xăng dầu thế giới
Ảnh: HOÀNG LONG
Nhiều năm nay, dư luận xã hội rất bức xúc về rất nhiều vấn đề của các doanh nghiệp xăng dầu (DNXD): giá xăng dầu tăng liên tục, cao hơn cả giá xăng dầu thế giới; về sự độc quyền của mấy DNXD nhà nước; về sự thường xuyên "kêu lỗ” của các DNXD; về sự chiều chuộng, "ưu ái” và "ưu đãi” quá mức Bộ Công thương (BCT) và trước đây của Bộ Tài chính (BTC) đối với các DNXD; về sự buông lỏng việc kinh doanh và giá cả xăng dầu, cho nên các DNXD càng làm mưa làm gió, luôn luôn đòi tăng giá, bất chấp mặt bằng giá cả và đời sống khó khăn của người tiêu dùng.Mới đây, trong cuộc họp bàn về giá xăng dầu do BTC và BCT tổ chức tại Hà Nội, đã xảy ra tranh luận gay gắt về vấn đề này giữa BTC và các đại diện DNXD. Nhìn trên tổng thể, dư luận nhận thấy các DNXD vẫn tiếp tục "chiêu” kêu "lỗ”, đòi tăng giá; và lãnh đạo BCT thì vô cùng ... "cảm thông” và thiết tha ủng hộ (?!) các yêu cầu của các DNXD. Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ, tân Bộ trưởng BTC thì khẳng định: Hiện nay, chưa thể để giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và chưa tăng giá xăng dầu. Ông Huệ nói rõ quan điểm: Ông đứng về phía quyền lợi của hơn 80 triệu người dân, chứ không vì quyền lợi của các DNXD; không thể để giá xăng dầu tăng tùy tiện, gây khó khăn cho đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến việc tăng giá các mặt hàng, dịch vụ khác. Ông Huệ còn nói rất ý nhị mà thâm thúy: Hơn 10 năm ông làm Kiểm toán Nhà nước, ông hiểu rất rõ về các DNXD. Và ông cho biết: sẽ cho kiểm tra việc kinh doanh của các DNXD và sau khi có kết quả kiểm tra, sẽ công khai số liệu lỗ- lãi của các DN này. Dư luận báo chí rất đồng tình với thái độ rõ ràng, đúng đắn và nghiêm túc của tân Bộ trưởng BTC.
Vì vậy, công việc cực kỳ cấp thiết hiện nay, và cả lâu dài về sau, là phải thường xuyên kiểm tra để minh bạch, công khai về sự kinh doanh và lỗ- lãi của các DNXD! Thật là "kiêu binh” nhưng cũng thật là trớ trêu, khi các DNXD cứ thường xuyên ra rả kêu "lỗ” và "lỗ nặng”(?!), đồng thời một ông Thứ trưởng BCT thì luôn luôn đồng tình, ủng hộ các DNXD. Năm 2009, chính ông Thứ trưởng này còn đưa cả cái ghế thứ trưởng của mình để "thế chấp” cho lời khẳng định của ông là các DNXD đang "lỗ”; nếu ai chứng minh được các DNXD không lỗ (tức có lãi), thì ông xin nhường cái ghế thứ trưởng! Nhiều người dân và nhiều nhà báo đều chờ xem thực hư của lời cam kết và bênh vực cho các DNXD của ông! Báo chí vừa qua, từ những nguồn thông tin riêng và sơ bộ điều tra, đã phản ánh: DNXD lãi mỗi lít xăng là trên 800 đồng.
Nhưng nói gì, tranh luận gì thì về cơ bản, BTC cần mở chiến dịch kiểm tra tổng thể, kỹ càng, ráo riết về việc kinh doanh của các DNXD. Công việc này, cần có sự giám sát của Quốc hội, sự phối, kết hợp của Bộ Công an (các cơ quan cảnh sát điều tra), Thanh tra Chính phủ, Viện KSNDTC và thậm chí cả đại diện của các đoàn thể quần chúng, để làm rõ trắng đen về sự kinh doanh xăng dầu, về cái gọi là "lỗ nặng” của các DNXD!
Công việc kiểm tra nêu trên, cần tập trung làm rõ việc kiểm tra giá mua vào, giá bán ra theo từng thời điểm, có sự so sánh cụ thể với giá xăng dầu thế giới (giá mua và giá bán); và số lượng nhập hàng của các doanh nghiệp bán lẻ (các điểm bán xăng dầu). Việc này rất quan trọng, vì từ vài chục năm nay, báo chí và người dân đã chứng kiến, phanh phui nhiều chiếc xe chở xăng dầu bán chui dọc đường trước khi chở đến giao cho các điểm bán xăng dầu. Chẳng có cơ quan chức năng nào đứng kiểm tra số lượng xăng dầu được nhập. Vì thế, người lái xe chở bồn xăng và người nhận nhập xăng ở các địa điểm có thể thỏa thuận với nhau về số lượng giao và ghi biên nhận mờ ám, để kiếm tiền chia nhau. Nghĩa là giao xăng với số lượng ít, nhưng ghi biên nhận thì ghi số lượng nhiều! Hao tổn xăng như thế này rất phổ biến. Thật là một sự buông lỏng đến rợn người! Trong khi việc gian lận đang lan tràn, đặc biệt là các nhà buôn bán to nhỏ, tức là các nhà buôn, các DN và các chủ DN. (Vừa rồi, báo chí có đăng bài viết về một GS nổi tiếng, người Nhật, có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam. Vị GS Nhật đã thẳng thắn nói rằng: "Người Việt Nam cần (phải) trong sạch”!). Cùng với các công việc đó, cần kiểm tra kỹ các hóa đơn, chứng từ, công tác kế toán, các loại sổ sách thu chi và các ngành kinh doanh khác (kinh doanh ngoài chức năng) của các DNXD; đồng thời kiểm tra cụ thể tiền lương và thu nhập thực tế của các quan chức ngành xăng dầu!
Sự "kiêu binh” và mập mờ trong kinh doanh và việc đòi tăng giá liên tục, không hợp lý của các DNXD cũng còn do Nhà nước buông lỏng quản lý. Bởi vậy, các DNXD càng làm điên đảo giá cả thị trường, chỉ cốt đạt lợi ích cho một bộ phận, chưa coi trọng lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân! Điều đó nhất định không thể chấp nhận được! Sau hội thảo về kinh doanh xăng dầu vừa mới rồi, ông Trần Xuân Giá- nguyên Bộ trưởng Kế hoạch &Đầu tư đã phát biểu: "Qua các thông tin được công bố công khai, tôi giật mình về sự buông lỏng (hoặc chủ động buông lỏng để mưu cầu lợi ích cục bộ) trong quản lý kinh doanh xăng dầu....Tôi kiến nghị Bộ TC cho kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời cách quản lý của cả hệ thống DNNN”. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp thì nói: "Nếu thị trường xăng dầu lập lại trật tự, sẽ là bước đột phá để tiến tới mục tiêu minh bạch thị trường điện” (Nhà báo & Công luận, số 40, từ 30-9 đến 6-10-2011, tr. 10).
Một khi ra tay kiểm tra cụ thể, chi tiết, nghiêm túc, rốt ráo, thì sẽ rõ thực hư! Không thể để nạn "kiêu binh” trong các loại DN Việt Nam, đặc biệt là các DNXD và DN điện. Không thể buông lỏng quản lý kinh doanh đối với các loại DN. Nhà nước cần phải kiểm tra, quản lý nghiêm túc và thường xuyên việc sản xuất, kinh doanh, chất lượng và giá cả hàng hóa đối với các DN và quản lý nghiêm ngặt quỹ bình ổn giá.
Người Việt Nam có câu tục ngữ chí lý: "Cháy nhà, mới ra mặt chuột”. Một khi kiểm tra nghiêm túc về kinh doanh và sự lỗ- lãi của các DN nói chung, các DNXD nói riêng, rồi công khai các số liệu kiểm tra, đánh giá, thì hơn 80 triệu người dân nước ta sẽ thấy thực hư trong lĩnh vực này!
ĐÀO NGỌC ĐÊ
---------------
- Thủ tướng kết luận về kinh doanh xăng dầu (chinhphu.vn). – Thủ tướng yêu cầu công khai giá xăng, dầu (ND). - Thủ tướng yêu cầu công khai yếu tố hình thành giá xăng dầu (DVT).
- Nợ tư cao cũng đáng ngại không kém — (Nguyễn Vạn Phú).
- Cảng biển Việt Nam: Xây 10 xài được 2, 3 (PLTP).
- Dùng văn bản 20 năm trước để giải phóng mặt bằng (TP).
- 32 triệu USD đầu tư bổ sung tại lọc dầu Dung Quất (TTXVN).
- Kê khai tài sản: Còn kẽ hở (NLĐ).