Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Nỗi lo hậu giải tỏa ở Đà Nẵng

Dù TP Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp nhưng đời sống của hàng trăm người thuộc diện giải tỏa, không còn đất sản xuất phải lâm vào cuộc sống hết sức tạm bợ, khó khăn
Hơn 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa của TP Đà Nẵng được đánh giá là nhanh nhất nước. Theo đó, rất nhiều nông dân trở thành thị dân.
Nợ to dần theo giá vàng
Gần đây, những hộ dân sống tại khu đô thị mới bên bờ phía Nam cầu Trần Thị Lý - TP Đà Nẵng thường xuyên phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân ở nơi khác đến trồng rau trên những khu đất trống đã quy hoạch trong khu đô thị này, làm phát sinh “dịch” ruồi, ô nhiễm môi trường.


Không còn đất sản xuất, nhiều người vùng giải tỏa tìm đến những khu đất trống để trồng rau kiếm sống qua ngày

Ông Lê Đức H. (50 tuổi, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết năm 1998, gia đình ông thuộc diện giải tỏa đền bù đi hẳn. Toàn bộ diện tích nhà đất của gia đình ông là 198 m2 được đền bù 155 triệu đồng. Ngoài ra, gần 1.500 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông được đền bù gần 30 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông được bố trí mua một lô đất tái định cư 100 m2 ở phường Mỹ An với giá 180 triệu đồng. 
Không đủ tiền mua đất và xây nhà nên gia đình ông phải nợ 50% tiền đất và tiền nợ được quy theo giá vàng. “Giá vàng lúc đó chưa tới 850.000 đồng/chỉ nhưng bây giờ giá vàng lên cao quá  nên khoản nợ của gia đình tôi to dần, khó có khả năng thanh toán” - ông H. tâm sự. Khi không còn đất sản xuất, ông H. chuyển sang nghề xe thồ nhưng vẫn không đủ sống. Không còn cách nào khác, ông H. lại vác cuốc đến những lô đất trống nằm trong khu dân cư mới để trồng rau, kiếm sống, nuôi 4 đứa con ăn học. Cứ vậy, khi nào chủ đất xây nhà thì ông H. cũng như hàng trăm hộ có cách kiếm sống như ông lại tìm đến những mảnh đất trống khác để trồng rau, mua gạo sống qua ngày.
Cùng cảnh ngộ với ông H., gia đình ông Phạm Ph. (56 tuổi, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cho biết sau khi không còn đất sản xuất, ông chạy xe thồ nhưng cũng bị ế khách đành phải chuyển qua làm phụ hồ. Nhưng công việc phụ hồ lại theo thời vụ, không ổn định nên ông phải tìm đất trống để trồng rau.
Chưa có giải pháp hữu hiệu
Theo những hộ dân đã giải tỏa đi hẳn, cái được với họ là chuyển đến nơi ở mới khang trang trên những con đường rộng lớn. Con em của họ được học hành, tiếp cận những dịch vụ tốt hơn và không còn nỗi lo ngập lụt, chạy lũ. Nhưng ngược lại, cái giá mà nhiều hộ phải trả là trở thành con nợ, không có công ăn việc làm nên cuộc sống hết sức long đong.
Ông H. cho biết vừa qua TP Đà Nẵng đã giảm mức giá quy ra vàng cho người dân xuống còn 1,6 triệu đồng/chỉ nhưng cũng cao hơn gấp đôi so với lúc mua đất nên nhiều người không thể trả nổi. Ông H. cho biết khi đến khu ở mới, phải lo đủ thứ, nào là tiền học cho con cũng đắt hơn trước, chi phí điện, nước, rồi phí môi trường… Trong khi hàng trăm hộ có lao động chính đã qua tuổi 50, lại không bằng cấp nên rất khó tìm được việc làm.  
Bà Trần Thị Bích Liên, Trưởng Phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho biết thực hiện chỉ đạo của TP về giải quyết việc làm cho người dân vùng giải tỏa, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp như thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm theo định kỳ. Ngoài ra, sở còn tổ chức phiên giao dịch việc làm di động tại các vùng có nhiều đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa.
Cùng với đó, sở còn mở nhiều lớp đào tạo nghề miễn phí cho con em vùng giải tỏa, tổ chức ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn, hộ nghèo. TP cũng hỗ trợ tiền đào tạo cho các doanh nghiệp để họ nhận lại người đã đào tạo vào làm việc. Ngoài ra, TP còn cho nông dân vay vốn ưu đãi để chuyển đổi ngành nghề. Người lớn tuổi được đào tạo nghề miễn phí... Trong khi đó, Hội Nông dân TP cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm trợ giúp nông dân thuộc diện giải tỏa chuyển đổi nghề.
Thực tế cho thấy Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp nhưng nhiều năm qua, hàng trăm lao động lớn tuổi vùng giải tỏa vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp, không tìm được việc làm, cuộc sống gia đình họ bị xáo trộn, lâm vào cảnh khó khăn. Vì vậy, cần có giải pháp hữu hiệu hơn để giải quyết thực trạng này.

Không thể quyết định thay
Ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, cho biết thực tế Đà Nẵng không thiếu việc làm cho người lao động trong vùng giải tỏa. Hàng loạt công ty, xí nghiệp may mặc, thủy sản… thiếu công nhân nhưng khổ nỗi, nhiều người dân vùng giải tỏa lại thích công việc tự do, không quen bị gò bó nên họ không chịu đi làm. “Nhà nước có chính sách và định hướng thị trường việc làm để người lao động quyết định tham gia học nghề, tìm việc làm, chứ không thể bốc người dân đặt vào việc làm đó. Mình giúp người thuộc diện giải tỏa hướng đi nhưng quyết định là ở họ” - ông Pháo nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG
- Nỗi lo hậu giải tỏa ở Đà Nẵng (NLĐ).

Tổng số lượt xem trang