Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Độc tài sống được nhờ đâu?

Bruce Bueno De MesquitaAlastair Smith
Trần Quốc Việt (danlambao) dịch - Tại sao có những nhà độc tài trụ được trong khi những nhà độc tài khác sụp đổ? Suốt trong chiều dài lịch sử, những công dân bị chà đạp đều cố gắng hất tung ách nô lệ mà những kẻ áp bức áp tròng lên cổ họ, nhưng các cuộc cách mạng, giống như những cuộc cách mạng đang tràn qua thế giới Ả Rập, lại thường hiếm.
Các bạo chúa cai trị vẫn giữ vững quyền lực nhờ ban thưởng cho một nhóm nhỏ các kẻ trung thành, thường thường gồm có các viên chức quân đội quan trọng, các công chức cấp cao và những người thân trong gia đình hay thân tộc. Trách nhiệm chính của những kẻ trung thành này là đàn áp phong trào phản kháng chế độ. Nhưng họ chỉ thực hiện nhiệm vụ bẩn thỉu, xấu xa này nếu họ được thưởng công hậu hỉ. Do vậy các nhà độc tài cần bảo đảm các nguồn lợi chảy đều đặn liên tục vào túi riêng của những kẻ thân tín. 
Nếu những kẻ ủng hộ nhà độc tài từ chối đàn áp các cuộc nổi dậy tập thể hay nếu họ đào thoát sang phía đối thủ, thì nhà độc tài ấy thật nguy đến nơi. Vì thế các nhà độc tài thành công đều ban thưởng cho những kẻ thân tín trước rồi cuối cùng mới đến nhân dân. Chừng nào những kẻ thân tín của họ còn được bảo đảm về nguồn thu nhập béo bở chắc chắn, các cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp thẳng tay. Nhưng một khi quần chúng nghi ngờ lòng trung thành của đám thuộc hạ và thân tín ấy đang đến hồi lung lay, cuộc nổi dậy có cơ hội thành công. Ba loại kẻ cai trị đặc biệt dễ bị những kẻ ủng hộ họ bỏ rơi: đó là những kẻ cai trị mới, già yếu, và khánh kiệt. 
Những nhà độc tài mới an vị không biết lấy tiền ở đâu ra hay họ không biết có thể mua được lòng trung thành chắc chắn của ai với giá rẻ. Cho nên, trong những lúc chuyển tiếp quyền lực, những người khởi xướng cuộc cách mạng có thể nhân cơ hội đó lật đổ chế độ mới còn non yếu. 
Nguy cơ càng lớn hơn chờ chực sẵn nhà độc tài già nua khi các kẻ thân tín của y không còn trông mong y tiếp tục ban phát đặc quyền và tiền công để bảo đảm sự ủng hộ của họ. Họ biết người chết rồi hết trả. Cho nên già yếu làm vơi dần lòng trung thành, từ đấy có nhiều khả năng các lực lượng an ninh sẽ ngồi không hơn là chặn đứng cuộc nổi dậy, qua đó tạo cho quần chúng một cơ hội thật sự để nổi loạn. Đây chính là những gì đã gây ra sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở Philippines, Zaire và Iran. 
Ngoài các tin đồn đáng lo âu về sức khoẻ của Zine el-Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak, Tunisia và Ai Cập còn gánh chịu những vấn đề kinh tế nghiêm trọng mà làm nhen nhúm cuộc nổi dậy. Giá thóc và nhiên liệu ngày càng tăng, nạn thất nghiệp, đặc biệt trong tầng lớp có học, ngày càng cao và, riêng trường hợp Ai Cập, nguồn viện trợ từ Mỹ bị giảm sút đáng kể (sau này Tổng thống Obama tăng lại như cũ). Giới quân đội ủng hộ ông Mubarak, tức những kẻ hưởng lợi từ nguồn viện trợ ấy, lo sợ rằng ông ta không còn là nguồn thu nhập chắc chắn cho họ nữa. 
Khi tiền trở nên khan hiếm, lãnh đạo không thể trả cho những kẻ thân tín như trước, vì thế không có ai đứng ra ngăn cản nhân dân nếu họ nổi loạn. Đây chính là điều đã diễn ra trong các cuộc cách mạng Nga và Pháp và trong sự sụp đổ của ách cai trị cộng sản ở Đông Âu - và đây cũng chính là lý do chúng tôi đã tiên đoán sự sụp đổ của ông Mubarak trong một lần nói chuyện với các nhà đầu tư vào tháng Năm vừa qua. 
Mối đe doạ hiện nay đối với chế độ cai trị của Bashar al-Assad ở Syria có thể được xem xét trong cùng hoàn cảnh. Với mức thâm hụt năm 2011 dự đoán độ 7 phần trăm G. D. P., nguồn thu nhập từ dầu lửa giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ, ông Assad đang đối mặt với những điều kiện chín mùi cho cuộc cách mạng. Hôm nay ông có thể đánh vỡ đầu người dân, nhưng chúng tôi tin chắc rằng hoặc ông cuối cùng sẽ ban hành những cải cách khiêm nhường hay sẽ có người thay thế ông làm việc ấy. 
Bắt chước cũng đóng vai trò quan trọng trong thời cách mạng. Khi nhân dân biết các nhà lãnh đạo ở các nuớc lân cận không thể mua được lòng trung thành, họ liền hiểu rằng họ cũng có thể có một cơ hội. Song điều ấy không phải nhất thiết đưa đến các cuộc cách mạng tương tự. Tại nhiều nước, nhất là Các Nước Vùng Vịnh giàu nhờ dầu hoả thì từ xưa đến nay một là không có biểu tình hai là biểu tình bị trấn áp dữ dội. Chẳng hạn, tại Bahrain, 60 phần trăm thu nhập của chính quyền xuất phát từ khu vực kinh tế dầu khí; vì thế những nhà lãnh đạo của nước này đối mặt với ít rủi ro khi đối phó với các cuộc biểu tình bằng sự trấn áp khốc liệt. 
Điều này là vì các nhà độc tài ở các nước giàu tài nguyên đều có sẵn một nguồn thu nhập chắc chắn để ban thưởng cho những kẻ thân tín - và trấn áp không tổn hại đến nguồn tiền mặt có sẵn này. Của cải từ tài nguyên tự nhiên cắt nghĩa tại sao Robert Mugabe ở Zimbabwe tuy hơn tám mươi tuổi nhưng vẫn không tỏ dấu hiệu nào sẽ từ chức và đại tá Muammar el-Qaddafi ở Libya ngay từ đầu chẳng màng nói bóng gió gì đến sự thoả hiệp. Tuy nhiên, khi bom NATO rơi trên Tripoli đại tá Qaddafi chợt nhận ra ông cần thuyết phục những kẻ trung thành còn sót lại rằng ông có thể tái thiết lập sự kiểm soát các mỏ dầu của Libya nếu không họ rồi cũng sẽ bất ngờ đánh lại ông. Buồn thay, nếu phe nổi loạn thắng, họ cũng có thể bóp nghẹt tự do để dảm bảo sự kiểm soát của họ về tài nguyên dầu hoả. 
Các chế độ giàu tài nguyên tự nhiên hay nhận được rất nhiều viện trợ từ nước ngoài có thể sẵn sàng bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí và, quan trọng nhất, quyền hội họp. Ngược lại, các nhà lãnh đạo các nước nghèo tài nguyên không thể dễ dàng hạn chế sự vận động dân số nếu không đồng thời khiến cho công việc sản xuất khó khăn đến nổi họ tự cắt đứt nguồn thu nhập thuế mà họ cần để mua lòng trung thành. 
Những nhà lãnh đạo ở những nước như thế thấy mình lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan và nếu khôn ngoan thì họ nên nới lỏng hơn trước để tránh cái hoạ về sau. Đây là lý do chúng tôi kỳ vọng trong vài năm tới các nước như Morocco và Syria sẽ cải cách cho dù phản ứng ban đầu của họ trước cuộc biểu tình là đàn áp. Chúng ta cũng nên dành niềm cổ vũ tương tự cho quá trình dân chủ hoá ở nhiều nước không có dự trữ tài nguyên tự nhiên như Trung Quốc và Jordan - điềm gở cho các nhà cai trị chuyên chế nhưng tin vui cho tất cả quần chúng bị áp bức trên toàn thế giới. 
Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith là các giáo sư ở New York University và là đồng tác giả tác phẩm "Cẩm nang của nhà độc tài". 
Nguồn: New York Times 9/6/2011
-Độc tài sống được nhờ đâu?
------------------


-Thế nào là độc tài?
Độc tài như Adolf Hitler hoặc Moammar Gadhafi là độc tài trên cá nhân
Hình: AP
Độc tài như Adolf Hitler hoặc Moammar Gadhafi là độc tài trên cá nhân
Độc tài là hiện tượng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người. Cái gọi là quyền lực này bao gồm hai yếu tố chính: quyền và lực. Trong các thứ quyền, quan trọng và bao quát nhất là quyền quyết định: dưới một chế độ độc tài, nhà lãnh đạo có toàn quyền trong mọi quyết định, từ lớn đến nhỏ, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa và xã hội; bất chấp những suy nghĩ, ước vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người. Về lực, nhà độc tài không những nắm trong tay toàn bộ các cơ quan được trang bị đầy đủ súng ống như quân đội, công an, cảnh sát, mật vụ, v.v... mà còn kiểm soát tuyệt đối các cơ quan có khả năng tác động đến đời sống tinh thần của mọi người như truyền thông và giáo dục. Hai thứ quyền và lực này đi đôi và hỗ trợ cho nhau: với quyền, người ta có lực; và dùng lực, người ta kiểm soát quyền.
Các nhà chính trị học thường chia thành hai loại độc tài chính: độc tài dựa trên cá nhân và độc tài dựa trên hệ thống.
Độc tài như Adolf Hitler hoặc Moammar Gadhafi là độc tài trên cá nhân: Chỉ có một mình họ có quyền lực. Toàn bộ hệ thống chính quyền họ dựng lên là để phục vụ cho họ. Quyền lực của họ gần như tuyệt đối. Không có ai được chia sẻ cả. Ví dụ, thời phát xít, trên danh nghĩa Hermann Goering là phó của Hitler. Goering có quyền sinh sát trên cả hàng chục triệu người. Gặp Goering, ai cũng lấm lét sợ hãi. Thế nhưng, như Goering từng có lần thú nhận, đứng bên cạnh Hitler, ông biến thành môt con số không to tướng. Tự thâm tâm, ông cũng thấy mình không đứng cùng trên một mặt bằng với Hitler. Ông biến thành con ong cái kiến bên cạnh nhà độc tài, người nắm toàn bộ quyền lực của quốc gia. Ở Libya, dười thời Gadhafi cũng vậy. Gadhafi không những là nhà lãnh đạo mà còn là nhà tiên tri. Đất nước là của ông. Ông muốn làm gì thì làm.
Độc tài dựa trên hệ thống lại khác. Trước, đó là độc tài quân chủ: Nó được dựng trên một số luật lệ nhất định, chủ yếu căn cứ vào huyết thống. Sau này, hình thức độc tài này thể hiện trong các nước xã hội chủ nghĩa: không phải cá nhân trị mà là đảng trị. Dĩ nhiên đảng cũng là người: bao giờ cũng có một cá nhân nào đó nổi lên, thay mặt đảng, để cai trị dân chúng. Hình thức độc tài này cũng có thể tìm thấy ở một số quốc gia Hồi giáo (kiểu Iran hiện nay): cả hệ thống tôn giáo trở thành lực lượng thống trị đất nước. Có thể có một cá nhân nào đó có quyền lực nhất, thao túng cả hệ thống tôn giáo để trở thành một kẻ toàn trị. Tuy nhiên, dù vậy, họ cũng vẫn nhân danh hệ thống và sử dụng hệ thống ấy, ít nhất như một bình phong hoặc một cơ cấu quyền lực.
Cả độc tài dựa trên cá nhân lẫn độc tài dựa trên hệ thống đều sử dụng một thứ quyền lực khác để biện chính cho quyền lực tuyệt đối của mình. Ngày xưa, các chế độ quân chủ sử dụng tư tưởng thiên mệnh: quyền lực của họ đến từ thần linh, do Trời định. Các chế độ độc tài như phát xít thì dựa trên quy luật tiến hóa, theo đó, có một số dân tộc có nhiều ưu điểm và đặc quyền hơn các dân tộc khác; trong từng dân tộc, có một số cá nhân vượt trội hơn các cá nhân khác. Các chế độc độc tài xã hội chủ nghĩa thì sử dụng lý tưởng đại đồng thời cộng sản chủ nghĩa, nơi ai cũng bình đẳng, tự do và hạnh phúc. Ngoài ra, tất cả các hình thức độc tài đều sử dụng một biện pháp giống nhau: thần thánh hóa, hoặc ít nhất, thần tượng hóa lãnh tụ. Ở Liên Xô thì cả Lenin lẫn Stalin đều là những thiên tài vĩ đại. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông cũng là thiên tài vĩ đại. Ở Bắc Hàn thì cha là "Lãnh Tụ Vĩ Đại" (Great Leader), con là "Lãnh Tụ Kính Yêu" (Dear Leader). Ở Campuchia thì có "Anh Cả" (Brother Nume One). Ở Việt Nam thì, trước, có "Cha già Dân tộc"; sau này thì có Nguyễn Tấn Dũng "Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á!" Để đạt được mục tiêu thần thánh hóa hoặc thần tượng hóa như thế, các nhà độc tài đều sử dụng một biện pháp giống nhau: nói láo.
Độc tài dựa trên cá nhân và độc tài dựa trên hệ thống, dù có một số khác biệt, vẫn giống nhau trong bản chất. Và cả hai đều đối lập với dân chủ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chúng đối lập ít nhất ở mấy điểm chính:
Một, trong khi độc tài nhấn mạnh vào ý niệm quyền, độc tài nhấn mạnh vào bổn phận của từng cá nhân. Trên căn bản, chế độc dân chủ được xây dựng trên nguyên tắc tự do cá nhân, ở đó, mỗi người, bất kể nguồn gốc, đẳng cấp, tôn giáo, chính kiến, đều có những quyền căn bản giống nhau; chế độ độc tài, ngược lại, được xây dựng trên sự vâng phục; vâng phục càng mù quáng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Trong xã hội dân chủ, ở trên có bổn phận và ở dưới có quyền; trong xã hội độc tài, ngược lại, ở trên có quyền và ở dưới chỉ có bổn phận.
Hai, trong khi dân chủ tin tưởng vào sự bình đẳng, độc tài tin tưởng vào tính đẳng cấp. Khi một nhà độc tài nói về bình đẳng, bạn có thể khẳng định dứt khoát: "Hắn đang nói dối!" Chắc chắn là bạn sẽ không bao giờ sai cả: cả lịch sử và luận lý thông thường đều đứng về phía bạn. Nếu không muốn nhớ lịch sử và không muốn mệt óc lý luận, bạn cứ nhìn vào cái gọi là "Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ" (từ Trung ương xuống địa phương) ở Việt Nam thì biết. Đố bạn tìm ra ở các quốc gia dân chủ một ủy ban nào tương tự! Rõ ràng là sức khỏe của ai cũng quý cả, nhưng sức khỏe của cán bộ thì quý hơn nhiều. (Nhưng đây chỉ là một ví dụ nhỏ mà thôi!)
Ba, trong khi dân chủ vinh danh con người, độc tài lại vinh danh nhà nước: Dân chủ xem nhà nước chỉ là phương tiện để phục vụ con người; độc tài, ngược lại, xem con người là phương tiện để phục vụ nhà nước. Nhưng nhà nước chỉ là một guồng máy vô nhân tính: chế độc độc tài nào cũng vô nhân tính.
Bốn, trong khi dân chủ khuyến khích tự do tư tưởng, độc tài lại ra sức đàn áp tự do tư tưởng và cả tự do hành động. Với dân chủ, tự do là lý tưởng và là nguyên tắc. Với độc tài, tự do là kẻ thù. Nhà dân chủ tuyên bố: "Tôi không đồng ý với anh/chị, nhưng tôi sẵn sàng tranh đấu cho quyền phát biểu ý kiến của anh/chị"; nhà độc bài tuyên bố: "Không có ý kiến ý kiết gì cả. Tất cả đã có Tao lo!"
Năm, trong khi dân chủ đề cao tinh thần đa nguyên, chấp nhận những sự dị biệt và tôn trọng các khác của người khác, độc tài, ngược lại, chỉ thích sự đồng quy, đồng nhất và đồng dạng.
Sáu, trong khi dân chủ tiến hành công việc qua những sự đàm phán và thương thảo, trong đó, người ta sẵn sàng tương nhượng, độc tài, ngược lại, chỉ biết đề cao quyền lực, dùng quyền lực để giải quyết mọi xung đột, thậm chí, khác biệt.
Sáu sự đối lập trên là những đối lập căn bản. Chúng ảnh hưởng và tác động lên các khía cạnh khác trong đời sống chính trị, văn hóa và xã hội, từ đó, làm cho diện mạo của dân chủ và độc tài khác hẳn nhau.
Tất cả các nhà độc tài đều muốn mạo danh dân chủ. Nhưng trên thực tế, ranh giới giữa độc tài và dân chủ khác nhau đến độ không ai không thấy. Và không ai có thể lầm được.
Trừ những kẻ bị nhồi sọ.

Tổng số lượt xem trang