Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Tiếng kêu cứu từ di sản - Biết, nhưng không làm gì được

TP - Trước thực trạng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng đang bị xâm hại trắng trợn, PV Tiền Phong tìm gặp các cơ quan chức năng, nhưng tất cả đều thoái thác trách nhiệm.
Khai thác đá làm nham nhở vùng đệm, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và cảnh quan của di sản
Khai thác đá làm nham nhở vùng đệm, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và cảnh quan của di sản.
Bí thư Đảng ủy xã: “Làm căng thì… tội dân”
Chúng tôi tìm đến UBND xã Phúc Trạch, phòng hội trường chật kín người, thậm chí còn ngồi tràn ra ngoài hành lang. Nghe đâu là xã tổ chức học nghị quyết. Thấy người lạ, một người đàn ông chừng 50 tuổi ngồi ở hành lang chủ động bắt chuyện. Ông này tự giới thiệu mình là một doanh nhân trong xã, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là xăng dầu. Chúng tôi nói là đi xin mỏ đá để khai thác. Ông này xua tay, khẳng định là không ai có thể xin được mỏ đá một cách đường đường, chính chính ở đây.
“Ở đây có ăn gan cóc tía cũng không ai dám cấp mỏ đá cho các anh. Vùng di sản mà, chỉ có mỏ lậu thôi! Các anh vào vùng Hà Lốt mà xem, người ta khai thác tràn lan nhưng chẳng ai có giấy tờ cấp mỏ đâu. Muốn làm được điều này thì phải gặp ông (…). Chỉ ông này gật là được, không gật thì đừng có bén mảng tới” - ông này ghé tai PV mách nước.
Buổi họp kết thúc muộn, ông Trương Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch miễn cưỡng tiếp nhà báo. Không hề quanh co, giấu giếm thực trạng khai thác đá ở Hà Lốt, thậm chí ông Hiền còn tường tận đến từng chi tiết diễn ra ở các mỏ đá. Ông Hiền liệt kê tên của hàng loạt chủ mỏ và nạn nhân trong các vụ tai nạn ở mỏ đá. Theo ông Hiền, nạn khai thác đá ở Hà Lốt diễn ra cách đây 10 năm. Trước có mấy Cty được cấp mỏ hẳn hoi và một số người dân “ăn theo” nhưng họ làm phía gần dường Hồ Chí Minh. Bị dư luận phản ứng mạnh, thời đó UBND huyện Bố Trạch đã đình chỉ và có kỷ luật một số cán bộ xã. Chiếc biển cấm khai thác và vận chuyển đá nằm ngay đầu đường vào Hà Lốt chính là sản phẩm ngay sau cuộc truy quét. Một thời gian sau, khi tình hình lắng xuống, người dân lại lén lút khai thác trộm và ngày càng có nhiều người dân tham gia…
Nói về sự biết mà không làm gì, ông Hiền nói do đời sống người dân quá khó khăn, không có nghề nghiệp để ổn định nên họ đã làm liều. Chính quyền không dám làm cương quyết, vì sợ ảnh hưởng đến đời sống của dân. “Nói thật với mấy chú, chúng tôi biết sai đó nhưng làm căng thì tội dân” - ông Hiền nói. Nói vậy, nhưng ngay sau đó ông Hiền lại đề nghị PV đừng viết và hứa ngay ngày mai sẽ “làm căng”, đình chỉ toàn bộ hoạt động của các mỏ đá.
Vườn chúng tôi… vô can
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng cho biết, ông biết rất rõ những thực trạng xâm phạm di sản trên, nhưng do cơ chế quy định nên Vườn… vô can. Theo ông Huyên, muốn bảo vệ tốt vùng lõi thì trước tiên phải bảo vệ được vùng đệm, nạn khai thác đá tràn lan ở vùng Hà Lốt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn và cảnh quan của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhưng ông Huyên kêu khó vì các quy định hiện hành không cho phép Vườn “đụng tay, đụng chân” vào những việc xảy ra ở vùng đệm.
Nhiều nhà hàng nằm dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Phong Nha đều treo biển có đặc sản rừng
Nhiều nhà hàng nằm dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Phong Nha đều treo biển có đặc sản rừng.
Ông Huyên luôn khẳng định, trách nhiệm của Vườn chỉ bảo vệ vùng lõi, còn vùng đệm thuộc chính quyền các địa phương. Cũng theo ông này, Nghị định 117 của Chính phủ mới ra cũng chỉ thấy nói đến việc Vườn phối hợp với chính quyền địa phương trong bảo vệ vùng đệm nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, nên Vườn không thể thực hiện. “Nói thật, ngày xưa chẳng qua “thấy nóng tay thì bạt tai” (ý nói vườn đã từng can thiệp vào các việc xảy ra ở vùng đệm) thôi, chứ bữa nay là không được đâu. Quy định như thế, bây giờ làm chi được họ? Chúng tôi mà đưa quân vào đó họ ném đá vỡ đầu ai chịu trách nhiệm?” - ông Huyên nói.
Liên quan đến các nhà hàng đặc sản rừng vây quanh di sản, ông Huyên tiếp tục đổ hết trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Cũng vì “quy định” nên lực lượng của vườn không thể can thiệp. Việc các nhà hàng trong vùng có bán đặc sản rừng hay không, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác. Lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia có muốn cấm hay bắt bớ cũng không được.
Nói về nguồn hàng cung cấp cho các nhà hàng đặc sản rừng, ông Huyên cho rằng không thể khẳng định là những thú rừng đó họ lấy từ Phong Nha - Kẻ Bàng hay nơi khác về, vì chưa có ai điều tra để mà biết. Tuy nhiên, ông Huyên thừa nhận số lượng thú rừng, đặc biệt là khỉ ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bị giảm sút một cách nghiêm trọng. “Ngày xưa ở đây được mệnh danh là vương quốc của linh trưởng. Khỉ vượn về ở mấy hòn lèn xung quanh đây thường xuyên, nhảy xuống bẻ bắp, bẻ ngô. Dân đi bắt, họ gánh về từng đoàn, nhập cho đầu nậu chở mỗi lần cả xe ô tô. Giờ thì khỉ vượn bị đẩy đuổi đi hết, vào trong sâu hết rồi” - ông Huyên nói.
Về thực trạng thịt khỉ ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng rẻ hơn thịt lợn, ông Huyên nói mình không được biết. Song khi PV ngỏ ý muốn mời đi ăn thịt khỉ, ông Phó giám đốc Vườn đồng ý ngay. “Chú mời thì anh đi ăn, chả ảnh hưởng chi!” - ông Huyên nói.
Sau 1 ngày làm việc với PV, chính quyền xã Phúc Trạch đã lập biên bản đình chỉ các mỏ đá. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây cho rằng, chẳng qua họ làm thế là để xoa dịu tình hình và tránh trách nhiệm. Trên thực tế đã có những cuộc đẩy đuổi dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện nhưng sau đó mọi việc đâu lại vào đấy.
Hoàng Nam
-Biết, nhưng không làm gì được 


> Tiếng kêu cứu từ di sản

Kỳ 1: 'Đá tặc' hoành hành
TP - Hàng chục mỏ khai thác đá hiện hữu trong vùng đệm. Hàng chục quán đặc sản rừng án ngữ cửa ngõ vào di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Chính quyền biết, nhưng bó tay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng biết nhưng không dám đụng đến.
Hơn 30 mỏ đá hoạt động ngày đêm bất chấp biển cấm. Bụi bao phủ khắp làng, người dân bị cấm đường vài giờ mỗi ngày vì họ nổ mìn phá đá.
Việc khai thác đá ở đây rất chuyên nghiệp, ngoài nổ mìn, các chủ mỏ còn đầu tư nhiều máy móc, thiết bị
Việc khai thác đá ở đây rất chuyên nghiệp, ngoài nổ mìn, các chủ mỏ còn đầu tư nhiều máy móc, thiết bị.
 
Đại công trường
Một nhân mối sống ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng khẳng định: “Đang có hơn ba chục mỏ khai thác đá ngày đêm hoành hành ngay vùng đệm, báo chí mà không vào cuộc thì di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nguy mất”.
Tôi đinh ninh là nhân mối này nhầm lẫn, bởi vùng Phong Nha - Kẻ Bàng không lạ lẫm gì với tôi. Để tìm thấy một mỏ đá ở đây còn khó, nói gì đến ba chục mỏ. Với lại, ai mà to gan đến mức dám xâm hại di sản. Nhưng trước sự cương quyết của nhân mối, tôi đành miễn cưỡng làm một chuyến lên Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nhân mối đón tôi ngay đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua xã Phúc Trạch. Anh ta bịt kín người bằng nhiều lớp áo quần và khẩu trang, lủng lẳng trên tay chiếc lồng chim. “Phải hóa trang kiểu này chứ không là nguy hiểm lắm, đụng đến miếng cơm manh áo của họ đấy. Vào mà ai có hỏi thì cứ nói anh em mình đi bẫy chim nhé”- nhân mối hướng dẫn cách thâm nhập các mỏ đá.
Khai thác đá ở đây diễn ra đã khá lâu, bằng chứng là nhiều ngọn núi đã bị cạo trọc đến tận ngọn. Ảnh: H.N
Khai thác đá ở đây diễn ra đã khá lâu, bằng chứng là nhiều ngọn núi đã bị cạo trọc đến tận ngọn. Ảnh: H.N.
 
Trên chiếc xe máy cà tàng của nhân mối, chúng tôi rẽ vào một con đường đất đỏ nằm ngay phía Nam trung tâm xã Phúc Trạch. Dù đã ngồi lên xe của nhân mối nhưng tôi vẫn không tin những điều anh ta nói là thật, bởi ngay đầu đường là những ngọn núi đá vôi sừng sững, nguyên sơ và được bao phủ một màu xanh mướt của cây rừng. Tôi thắc mắc, anh ta cười rồi nói: “Ông đúng là ngây thơ, khai thác đá ở đây, gần đường Hồ Chí Minh, quan khách qua lại nhìn thấy thì có mà chết à?”.
Đi qua hết dãy núi đá vôi nằm sát đường Hồ Chí Minh, tôi thực sự tá hỏa. Tiếng máy nghiền đá chạy rào rào, bụi bay mù mịt, một vùng núi đá vôi trắng xóa, nham nhở ngay trước mặt. Đi hết một vòng, chừng hơn cây số, tôi nhẩm đếm có hơn 30 mỏ đá nằm san sát nhau đang hoạt động ào ào, người xe tấp nập.
Nhân mối cho biết, nơi chúng tôi đi qua có các địa danh là Phoóc Mông, Hung Nến và Da lợn, thôn Hà Lốt, xã Phúc Trạch, thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. “Người ta ví vùng đệm như là phần da bao bọc vùng lõi của di sản. Họ khai thác đá ở đây là đang bóc da di sản đó”, nhân mối ví von.
Theo quan sát, các mỏ đá ở đây được chia ranh giới bằng cách mỗi chủ mỏ chiếm giữ một hòn núi đá vôi làm của riêng. Các mỏ đá đã được khai thác khá lâu, bằng chứng là hầu như ngọn núi nào cũng bị cạo trọc đến tận ngọn.
Người ta khai thác hết sức chuyên nghiệp, sau khi nổ mìn, đá được phân thành hai loại, dạng đá hộc, đá dăm và tất cả các công đoạn đều có sự hỗ trợ của máy móc. Nhân mối cho biết, sau lưng những mỏ đá này là sông Son và bên kia sông là khu hành chính của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.
Theo ông Lương, biển chỉ để cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía
Theo ông Lương, biển chỉ để cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía.
 
Cấm đường và biển cấm
Chúng tôi vào thôn Hà Lốt với hy vọng gặp lãnh đạo thôn để hỏi chuyện, nhưng cả bí thư chi bộ và trưởng thôn đều lên xã họp. Một người đàn ông chừng 50 tuổi ở sát nhà trưởng thôn khi biết lý do của chúng tôi về Hà Lốt, ông nói trong thất vọng: “Mấy chú gặp họ làm chi, không giải quyết được chi mô. Mấy ông ấy ngày nào mà chẳng đi qua, đi lại mấy mỏ đá đó, họ thừa biết, xã cũng biết nhưng tất cả đều làm ngơ”.
"Biển cấm là cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía. Tui hỏi ông, nếu họ cấm thật thì bọn tui khai thác ra bán cho ai?” - Chủ mỏ đá Lương.
Người đàn ông này cho biết thêm, thôn Hà Lốt có gần 90 hộ dân nhưng chỉ có 3 gia đình tham gia khai thác đá, số còn lại là do người ngoài trung tâm xã vào. Người dân thôn Hà Lốt rất bức xúc trước nạn đá tặc hoành hành nhưng việc gửi đơn thư cũng như phản ánh qua các kỳ tiếp xúc cử tri đều không hiệu quả.
“Nói thật, bọn tui cũng không quan tâm lắm đến việc xâm hại hay không xâm hại di sản, mà cái quan trọng là họ (mỏ đá) làm ảnh hưởng ghê gớm đến cuộc sống của dân bọn tui. Các chú coi, đường sá về thôn thì nát bét, bụi bặm bao phủ khắp làng. Đặc biệt, chiều nào dân chúng tôi cũng bị cấm cửa cả giờ đồng hồ không đi lại được vì họ nổ mìn phá đá. Đã có mấy vụ chết người ở mỏ đá rồi đó. Mấy chú mà không ra sớm, chậm một tí nữa là phải đợi cả tiếng đồng hồ luôn đó”, người đàn ông này cảnh báo.
Chúng tôi quyết định thâm nhập hỏi chuyện một chủ mỏ đá bằng cách hóa trang thành một doanh nhân xây dựng tìm mua đá. Người chủ mỏ tên là Lương, chừng 45 tuổi, ở thôn Phúc Đồng, xã Phúc Trạch hồ hởi giới thiệu: “Ở đây, các ông mua bao nhiêu cũng có, giá cả phải chăng, còn chất lượng thì khỏi phải chê, đá của di sản mà”, ông Lương tỏ ra lém lỉnh khi chào hàng.
Theo ông Lương, mỗi mét khối đá hộc có giá từ 90 đến 100 ngàn đồng, còn đá dăm dùng để đổ bê tông thì 160 ngàn đồng. Ông Lương luôn miệng ca ngợi đá ở đây chất lượng ở vào hàng đỉnh nhất, bằng chứng là ông đang chuẩn bị nổ nìn để phá đá. “Không có công lực của cái thằng ni (mìn) thì có khới cả ngày cũng chỉ được vài cục đá lẻ thôi”, ông nói.
Tôi giả vờ thắc mắc: Trên đường vào có thấy tấm biển “nghiêm cấm khai thác và vận chuyển đá”, nếu vận chuyển nhiều thì có gặp trắc trở gì không? Ông Lương cười khẩy nói: “Ông tưởng ai cũng có thể vào đây khai thác đá được à. Biển cấm là cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía. Tui hỏi ông, nếu họ cấm thật thì bọn tui khai thác ra bán cho ai, vận chuyển đi đâu? Ông yên tâm, nếu ai giữ xe ông lại tui chịu trách nhiệm”, ông ta quả quyết.
Chia tay ông Lương với một hợp đồng khủng bằng miệng, vừa ra khỏi mỏ đá, chúng tôi gặp một tốp học sinh bươn bả đạp xe trên đường nhầy nhụa đầy ổ gà, sống trâu. Một học sinh than: “Khổ lắm chú ơi, không đi nhanh là phải chờ đến tối khi mô họ nổ mìn xong mới đi được. Bị giam đói nhiều lần rồi nên kinh nghiệm cho thấy là phải vượt qua đoạn đường này thật nhanh thôi chú ạ”. Ngay cạnh đó, một phụ nữ dùng cây roi dài quất liên tiếp vào mông con bò mộng để xua nó đi nhanh hơn.
Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (phần lớn thuộc huyện Bố Trạch) nằm trong vùng lõi của vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng có diện tích 85.754 ha, còn lại vùng đệm được xác định khoảng 195.400 ha.
Phong Nha- Kẻ Bàng có các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái đất, là một trong những mẫu được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003. Phong Nha-Kẻ Bàng đang hướng tới mục tiêu được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học.
Kỳ 2: Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn
Hoàng Nam
---
 -> Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn
 
TP - Vùng lõi của Phong Nha- Kẻ Bàng cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng săn bắt thú rừng cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.
Khỉ thường xuyên bị giết làm món nhậu ven đường Hồ Chí Minh
Khỉ thường xuyên bị giết làm món nhậu ven đường Hồ Chí Minh.
Nhan nhản quán thịt khỉ
Thoát khỏi vùng mỏ đá đầy ẩn họa, ra đến đường Hồ Chí Minh, nhân mối gợi ý đi ăn đặc sản rừng: “Không phải tôi tham thanh, chuộng lạ mà tôi muốn cho nhà báo biết ở đây người ta đang ứng xử với di sản như thế nào thôi” - anh ta thanh minh.
Nhà hàng mà chúng tôi vào có cái biển khá to mang tên Hiền Trang, nằm dọc đường Hồ Chí Minh, ngay trung tâm xã Phúc Trạch. Quán khá rộng, trưng bày nhiều gốc cây to đã được đẽo gọt rất nghệ thuật. Cô nhân viên dẫn chúng tôi ngồi vào chiếc bàn được đặt ở góc tối vì quán đã chật kín thực khách. Bàn bên cạnh là nhóm khách du lịch nói giọng Bắc. Một người đàn ông trong đoàn gợi ý: “Ăn cháo khỉ nhé, tôi nghe nói cháo khỉ rất bổ nhưng ở đây lại rất rẻ”.
Thì ra đặc sản rừng ở đây nổi tiếng ra tận ngoài Bắc. Tôi giả vờ vào bếp gọi đồ ăn, ngay lập tức được bà chủ quán người thấp đậm, chừng 50 tuổi đon đả chào mời: “Bàn chú ăn cơm hay nhậu? Đặc sản nhé, ở đây rẻ lắm chứ không phải như những nơi khác đâu”. Không đợi tôi trả lời, bà chủ quán đến bên chiếc tủ lạnh chuyên dụng to đùng mở nắp, hơi lạnh bay lên nghi ngút. Bà chủ quán nhanh tay lần lượt xách lên mấy xâu thịt, giới thiệu: “Đây là thịt nai, đây là thịt heo rừng, còn đây là thịt khỉ... Những loại thịt này nấu kiểu gì cũng ngon, dùng để ăn cơm hay nhậu đều tốt”.
Tôi đến bên tủ lạnh, ghé mắt nhìn vào. Bên trong chất đầy ắp toàn những thớ thịt tươi rói. Giả vờ quan tâm đến món thịt khỉ, bà chủ liền xách lên chiếc đùi khỉ chừng 1kg, phần da được thui qua lửa vàng ươm đưa về phía tôi. Theo chủ quán, nếu muốn ăn thịt khỉ hầm thì đã có sẵn phía đằng kia, còn không bà sẽ dùng chiếc đùi này để làm món xào sả ớt, hoặc nướng lá lốt. Thấy khách có vẻ chần chừ, bà chủ nhanh nhảu: “Chú thấy rứa chứ không đắt đâu, cái đùi cả cân ni chỉ có 150 ngàn đồng thôi. Thịt khỉ ở đây là rẻ nhất trong các loại thịt đặc sản đó. Hắn rẻ hơn thịt lợn nhiều. Cân thịt lợn rừng giờ đã 350 ngàn đồng rồi đó”.
Công khai ghi những món đặc sản rừng vào hóa đơn thanh toán tiền
Công khai ghi những món đặc sản rừng vào hóa đơn thanh toán tiền.
Viết thì viết, làm chi được tui
Thấy tôi không đụng đũa mà ngồi nhìn đĩa thịt khỉ xào sả ớt thơm phức qua làn khói bốc lên nghi ngút, nhân mối động viên: “Sợ à, ăn đi một miếng cho biết. Nói là thịt khỉ chứ chưa chắc đã là khỉ đâu. Ở đây người ta không phân biệt giữa vượn hay khỉ, sách đỏ, sách đen bất biết, miễn có tiền là được. Nhiều loài vượn quý họ bắt về, còn sống thì bán cho người ta làm cảnh, còn chết rồi thì thành khỉ hết, giá bán
như nhau”.
Theo nhân mối, sở dĩ ở đây thịt khỉ rẻ hơn những thứ khác là vì họ bắt được quá nhiều. Những loại động vật khác thi thoảng mới có một con nên đắt hơn. Kể từ ngày cây huê (sưa) trong vùng Phong Nha - Kẻ Bàng bị đào tận gốc, trốc tận rễ, người dân trong vùng tập trung nhiều hơn vào việc săn bắt các loài thú rừng. Người ta thường đi thành từng nhóm, vào rừng tùy theo địa hình để có cách bắt thú khác nhau. Cách đây hơn một tháng, có 2 chú cháu ở thôn Na, xã Sơn Trạch đã bị chết ngạt khi bắt thú rừng. Nhóm này có ba người trong một gia đình. Khi đuổi được bầy vượn chui vào hang đá, họ liền lấy củi khô hun khói ngay cửa hang. Đến khi chắc chắn bầy vượn đã chết và khói bắt đầu tan, người chú chui vào hang. Mãi không thấy chú ra, đứa cháu tiếp tục chui vào... vẫn không ra. Ý thức được điều chẳng lành, người còn lại chạy về nhà gọi làng xóm. Khi vào hang, mọi người phát hiện cả hai chú cháu đều bị chết ngạt, nằm la liệt cùng với bầy vượn cũng đã bị chết ngạt.
Bữa cơm xong sớm nhưng chúng tôi cố tình nán lại để c ó cơ hội hỏi chuyện chủ quán. Mang hóa đơn tính tiền ra, với đầy đủ các danh mục, bà chủ cười toe toét: “Chú thấy rẻ mà ngon không? Cái đùi khỉ đó tui cắt một nửa xào cho chú đó, xem này, có trăm ngàn chứ mấy”. Nghe khách ngỏ ý muốn mua một con khỉ sống đưa về xuôi, bà chủ quán đồng ý ngay nhưng bảo phải đợi để sai người về nhà mang ra. “Chú đợi khoảng mươi phút thôi. Ngày xưa có phải khổ ri đâu chú, khỉ nhốt đầy quán mà có ai hỏi han chi mô. Mả cha cái thằng Hoàng Nam. Cái thằng nhà báo ấy, không biết hắn vô đây ăn khi mô, năm ngoái hắn viết một bài rứa là anh em kiểm lâm lên làm tui đến khổ”.
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, núi đang bị san, khỉ đang bị giết
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, núi đang bị san, khỉ đang bị giết.
Theo bà chủ quán, sau bài báo, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình vào cuộc, kiểm tra các nhà hàng trong vùng liên tục. Tuy nhiên, không có một nhà hàng nào ở đây bị phạt hay bị đình chỉ kinh doanh. “Nghe nói thằng Hoàng Nam ấy có mấy thằng bạn ở đây, hay lên chơi lắm, tui mà gặp thì hắn chết với tui. May mà anh em kiểm lâm ở đây quen biết cả, cứ có đoàn mô dưới tỉnh lên kiểm tra là anh em báo trước. Hắn viết thì viết chớ làm chi được tui... Chú thông cảm đợi tí thôi, anh em họ dặn là nên kín đáo một tí. Mả cha cái thằng nớ” - bà chủ bức xúc chửi ra rả.
Lợi dụng bà chủ quán quay vào bếp, chúng tôi lặng lẽ rút lui. Trên đường từ xã Phúc Trạch về đến Trung tâm du lịch Phong Nha, nhân mối chỉ cho tôi cả chục nhà hàng nằm hai bên đường Hồ Chí Minh, tất cả đều buôn bán đặc sản từ rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.
Tháng 12-2009, Tiền Phong có bài Lại hành quyết “hậu duệ Lão Tôn” giữa lòng di sản, phản ánh tình trạng săn bắt, buôn bán và sử dụng thịt khỉ ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, phía Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khẳng định không có chuyện săn bắt hay buôn bán khỉ, mà thi thoảng người dân ở đây mua khỉ từ huyện Minh Hóa về ăn trong gia đình.
Hoàng Nam
-------------------



TP - Từ loạt bài “Tiếng kêu cứu từ di sản” trên Tiền Phong (số ra các ngày 19, 20 và 21-9), phản ánh việc có hàng chục mỏ khai thác đá trong vùng đệm, hàng chục quán đặc sản rừng án ngữ cửa ngõ vào di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), trao đổi với Tiền Phong chiều 20-9, ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ yêu cầu báo cáo, làm rõ sự việc.
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, núi đang bị san, khỉ đang bị giết
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng, núi đang bị san, khỉ đang bị giết.
Ông Kim cho hay, nếu đúng có hàng chục mỏ khai thác đá, cũng như các quán thịt thú rừng mọc ngang nhiên ở vùng di sản như Tiền Phong phản ánh, thì đúng là một sự việc đau lòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ, bảo tồn, cũng như môi trường sinh thái ở một di sản thiên nhiên thế giới. Vấn đề này, cần phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm.
“Cục sẽ giao cho Đội kiểm lâm đặc nhiệm, cơ quan kiểm lâm vùng 2, Chi cục kiểm lâm của tỉnh, ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ sự việc trên. Yêu cầu Chi cục kiểm lâm Quảng Bình, Ban quản lý Vườn phải báo cáo, giải trình cụ thể về Cục và Tổng cục Lâm nghiệp chậm nhất ngày 30-9 tới”- ông Kim nói.
Cũng theo ông Kim, sự việc xảy ra ở Vườn Quốc gia Phong Nha –Kẻ Bàng như báo nêu, trước hết thuộc về trách nhiệm của chủ rừng, ở đây là Ban quản lý Vườn, rồi đến chính quyền, kiểm lâm và các ngành chức năng ở địa phương. Lãnh đạo cục Kiểm lâm yêu cầu, việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán, giết mổ thịt thú rừng cần phải ngăn chặn tận gốc. Cần kiểm tra ở các quán thịt thú rừng, nếu sai phạm phải rút giấy phép kinh doanh, hành nghề, thậm chí nếu tính chất nghiêm trọng cần phải truy tố hình sự để làm gương, vì đây là đối tượng tiếp tay cho nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.
Còn về việc khai thác đá trái phép, Ban quản lý Vườn, chính quyền địa phương phải làm rõ “ai cấp phép, cấp cho ai”. Ông Kim nói: “Theo quy định, ở các địa phương để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, các hoạt động làm ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt ở các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính chất nghiêm trọng, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.
Phạm Anh

Tổng số lượt xem trang