Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Wikileaks: Quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội tùy thuộc đấu đá nội bộ Việt Nam

Tướng Nguyễn Chí VịnhHoa Kỳ nói Tướng Nguyễn Chí Vịnh không phải là người "dễ nắn gân"

Ðỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Trái với nhiều phỏng đoán bấy lâu nay, Trung Quốc không điều khiển chính sách nội bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc không muốn tạo ảnh hưởng với quốc gia láng giềng phía Nam của mình. Trong một một số trường hợp, quan chức Việt Nam tham nhũng vì lợi ích cá nhân, chứ không phải do Trung Quốc chỉ đạo, mặc dù hành động đó có lợi cho Trung Quốc.

Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, bị coi là người thân Trung Quốc. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Ðó là những điểm chính trong một công điện mà Ðại Sứ Michael Michalak gởi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 27 tháng 1, 2010.
Bản báo cáo viết rằng tình trạng thù địch của Việt Nam với Trung Quốc làn tràn khắp nơi, và còn tăng hơn nữa, nhất là sau các cuộc thương lượng tế nhị về vấn đề biên giới, cộng với tình trạng khai thác bauxite kéo dài tại Tây Nguyên, cùng với việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh “cấm đánh cá” trên biển Ðông.
Qua tiếp xúc của tòa đại sứ với một số trí thức Việt Nam, ông Michalak cho biết “nhiều người nói rằng Trung Quốc ảnh hưởng trong quyết định của Việt Nam quá nhiều, và có thể thấy rõ qua các vấn đề như kiểm soát thông tin liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và chiến lược về tài nguyên, môi trường và năng lượng. Có người còn nói rằng Trung Quốc gây ảnh hưởng trong việc sắp xếp nhân sự trước đại hội đảng vào năm 2011”.
“Một số còn cho rằng thành phần ‘thân Trung Quốc’ trong lực lượng an ninh Việt Nam đứng đằng sau các vụ bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến gần đây và hành động theo lệnh của Bắc Kinh,” cũng theo bức công điện.
Nhưng ông Michalak khẳng định: “Thực tế thì tình hình rất bình thường. Dựa trên yếu tố địa lý, tầm cỡ và sức mạnh kinh tế, Trung Quốc luôn được giới lãnh đạo Việt Nam coi là có ưu thế hơn và không muốn khiêu khích. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể ảnh hưởng chính sách nội bộ của Việt Nam.”

‘Vuốt dài của gấu Panda’

Hình như đại sứ Hoa Kỳ ví ảnh hưởng của Trung Quốc như móng vuốt của con vật tiêu biểu của quốc gia này đối với Việt Nam.
Bí Thư Thành Ủy TP. HCM Lê Thanh Hải (giữa) bị cho là hành động có lợi cho Trung Quốc vì quyền lợi cá nhân. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Công điện viết, trong nhiều tháng, giới trí thức, báo chí và đấu tranh Việt Nam đồng loạt chỉ trích Trung Quốc, lo lắng Bắc Kinh ảnh hưởng quá nhiều vào chính sách nội bộ của đất nước. Sự việc bắt đầu bằng một chiến dịch chỉ trích công khai và trên Internet việc Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Những nhóm này còn bực mình hơn khi Trung Quốc đơn phương ra lệnh “cấm đánh bắt cá” vào Mùa Hè trên biển Ðông. Những người này cũng lo rằng Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trước đại hội đảng lần thứ 11 vào ngày 20 Tháng Giêng, 2011, nhất là đối với những ủy viên Bộ Chính Trị nghe nói có khuynh hướng thân Trung Quốc.
Có lúc, theo công điện, Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và ông trùm kiểm soát truyền thông, Tô Huy Rứa, đều bị cho, một cách này hay cách khác, là những nhân vật thân tín của Trung Quốc tại Hà Nội.
Những nhận định này không phải không có ảnh hưởng, và được nhiều người chú ý. Với tinh thần bài Trung Quốc của người Việt Nam, bị chụp mũ thân Trung Quốc không phải là một lợi thế, mà còn ngược lại, như mọi người thấy khi vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên được chú ý mạnh mẽ, theo đại sứ Mỹ nhận định.
“Trong số những nguồn thông tin mà chúng ta biết,” vẫn theo công điện, “Nhiều người tin rằng Trung Quốc tìm cách kiểm soát sự kế tục lãnh đạo Việt Nam năm 2011.”
Công điện dẫn lời một quan chức cao cấp của Việt Nam, viết rằng ông ta tin “Trung Quốc sẽ dùng cuộc họp của ASEAN tại Hà Nội năm nay để ảnh hưởng Ðại Hội Ðảng Cộng Sản Việt Nam, nhất là vấn đề nhân sự.” Những đồng sự cũ của quan chức này (ở Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng như các bộ khác) “nghĩ rằng Trung Quốc theo dõi những nhân vật đang lên, ủng hộ những người có khuynh hướng theo họ và gạt bỏ những người họ không thích”.
Công điện cũng nêu tên một nhân vật khác, có mối quen biết rộng rãi trong giới kinh doanh, nói rằng “mọi người” trong chính phủ đều nghi ngờ cơ sở tình báo của Trung Quốc, nay đang lan tràn khắp Việt Nam; và rằng (Trung Quốc) tìm cách ảnh hưởng việc đề bạt nhân sự tại Việt Nam.
Một thương gia nổi tiếng khác thì nói thẳng ra rằng Trung Quốc khai thác lòng tham của đảng viên Cộng Sản bằng cách giúp họ làm giàu (để qua đó tạo ảnh hưởng tại Việt Nam).
Tuy nhiên, tất cả những người nêu ra nghi ngờ này đều không thể đưa ra được ví dụ cụ thể.

Nanh sắc

“Ghê gớm hơn nữa, nhiều nguồn tin của chúng ta cho rằng Trung Quốc đứng đằng sau các vụ bắt bớ những nhà đấu tranh nhân quyền Việt Nam mới đây, cũng giống như bấy lâu nay họ thường cho rằng Trung Quốc ‘xuất cảng’ ô nhiễm môi trường sang Việt Nam,” theo công điện.
Công điện kể, tại một buổi tiệc do đại sứ Mỹ khoản đãi Thứ Trưởng Ngoại Giao James Steinberg, một số nhân vật Việt Nam, thuộc nhiều giới khác nhau, phàn nàn rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội muốn đuổi các nhà báo viết bài chỉ trích Trung Quốc.
Công điện cũng trích lời nhiều trang blog chính trị của Việt Nam, nói rằng chính Trung Quốc đứng đằng sau vụ bắt blogger Ðiếu Cày rồi gán tội trốn thuế cho blogger này, cũng như vụ bắt các blogger khác hồi tháng 8 năm 2010 vì họ phân phát áo thun tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
“Giả thuyết về âm mưu của Trung Quốc nhiều lắm,” đại sứ Mỹ nhận định. Và kể chuyện gây chú ý nhất là vụ Tổng Cục 2 thuộc Bộ Quốc Phòng, một cơ quan tình báo quân đội do Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đứng đầu. Ông là người rất có ảnh hưởng và thân Trung Quốc (theo lời những người chỉ trích ông). Một người đứng đầu cơ sở ở Bangkok của báo The Far Eastern Economic Review nối kết tất cả những giả thuyết này lại trong một bài báo đăng trên trang web báo Asia Times.
Trong bài báo này, tác giả trích lời một viên chức cao cấp của đảng Việt Tân, một đảng chính trị của người Việt hải ngoại, nói rằng Tổng Cục 2 là “một trong những nơi Trung Quốc dùng để bắt đầu sự ảnh hưởng đối với Việt Nam”. Tổng Cục 2 chắc chắn bị nghi ngờ, vì từng dính dáng vào một vụ nghe lén, kiểu Watergate, các đối thủ của cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu trong Bộ Chính Trị hồi thập niên 1990, và bố vợ của Tướng Vịnh, Tướng Ðặng Vũ Chinh, cũng từng nắm cơ quan tình báo quân đội, bị mang tiếng trong vụ vu khống Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, một anh hùng trong cuộc chiến Việt Nam, và cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt làm gián điệp cho CIA, theo công điện.
Công điện nhận định: “Một điều không rõ ràng - được đưa ra nhưng không cụ thể - là sự liên hệ của Trung Quốc.” Rồi công điện dẫn nguồn tin chuyên gia về Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Úc, Carlyle Thayer, trong việc diễn tả vụ nghe lén.
“Tuy nhiên, trong một ý kiến khác trên mạng, chính ông Thayer lại đánh giá thấp tin đồn Tổng Cục 2 là công cụ của Trung Quốc,” công điện viết.
Theo đại sứ Mỹ, Tướng Vịnh không phải là một người “dễ bảo”.
“Tại một cuộc họp báo công bố Bạch Thư Về Quốc Phòng Việt Nam năm 2009, ông Vịnh xác định ‘những hành động nguy hiểm trong việc sử dụng cái gọi là nhân quyền và dân chủ để khuyến khích chống đảng và nhà nước’ là một thách thức đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông Vịnh cũng đề cập thẳng thắn đến khả năng xung đột quân sự với Trung Quốc trong tranh chấp ở biển Ðông - một đề tài thường ít được nhắc công khai - mặc dù ông cố gắng dùng lời lẽ một cách rất ngoại giao,” công điện viết.
Tại một cuộc họp tuần sau đó với đại sứ Mỹ và phái đoàn của Ủy Ban Hợp Tác Mỹ-Trung Quốc Hội Hoa Kỳ, theo công điện, tướng Vịnh lại đưa ra một hình ảnh hiền hòa nhất về ảnh hưởng của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng thành công kinh tế của Trung Quốc tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam và có thể là một yếu tố làm ổn định khu vực.
Tuy nhiên, một lần nữa, ông không ngại nói ra những khía cạnh mang tính đe dọa của sự lớn mạnh về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, đại sứ Mỹ nhận định.
Theo công điện, Tướng Vịnh cũng công khai phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Ðông và, khi bị hỏi, lập đi lập lại rằng Việt Nam “biết chiến đấu và chiến thắng” và sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ lãnh thổ.
Ðây là những chính sách thực dụng mà Việt Nam luôn sử dụng đối với Trung Quốc và cũng được Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh nhắc đi nhắc lại khi viếng thăm Hoa Kỳ hồi Tháng Mười Hai, 2009. Như vậy, nếu Tướng Vịnh “thân Trung Quốc,” rõ ràng ông đã che giấu chuyện này một cách thành công, đại sứ Mỹ nhận xét.

Tương đồng Bắc Kinh-Hà Nội

Theo công điện, chắc chắn là có những sự tương tự trong cách mà đảng và nhà nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp cận thành phần bất đồng chính kiến (cũng có sự khác biệt, ví dụ như tôn giáo, Việt Nam thường dễ dãi hơn và không bị Hoa Kỳ đưa vào Danh Sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Ðặc Biệt-CPC).
Sự giống nhau này, tuy nhiên, chủ yếu là vì cả hai có cùng thể chế, cùng theo chủ nghĩa Cộng Sản và có cùng quan tâm về an ninh nội bộ của chế độ, công điện viết.
“Diễn biến hòa bình” có thể là một ý tưởng vay mượn từ cuộc vận động chính trị của Trung Quốc có từ thập niên 1990, nhưng thành phần cứng rắn của Việt Nam không cần Trung Quốc dạy bảo họ, theo công điện. Chỉ cần lướt sơ qua quyết định nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam mới đây, Nghị Quyết 34, là thấy ngay, công điện viết.
Ðại sứ Mỹ dẫn lời Giáo Sư Nguyễn Huy Quý, cựu khoa trưởng Khoa Trung Quốc tại Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, nói rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai thành viên của một nhóm rất nhỏ các quốc gia Cộng Sản có nền kinh tế thị trường, và chính điều này làm cho lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc có điểm tương đồng.
Nhưng đại sứ Mỹ cho rằng “nhiều vụ bắt bớ tại Việt Nam có liên quan đến việc chống Trung Quốc và quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam là một chủ đề nhạy cảm.”
“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam nhất thiết phải nghe lời Trung Quốc để đàn áp giới bất đồng chính kiến hoặc có một nhóm bí mật thân Trung Quốc,” theo công điện. “Có đủ lý do để nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam cũng cần để quần chúng khó kiểm soát ‘xả sú bắp,’ dù ban đầu trực tiếp vào Bắc Kinh, nhưng lại có thể lan thành phong trào rộng lớn.”
Theo đại sứ Hoa Kỳ, vấn đề ở đây là “làm sao kiểm soát được biểu tình”.
Và đại sử kể ra: “Ngay cả truyền thông nhà nước đăng bài chỉ trích Trung Quốc, như trường hợp tổng biên tập trang web của đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Ðào Duy Quát, cũng bị khiển trách công khai vào Tháng Chín vì cho đăng những ngôn ngữ ‘cứng rắn’ trong một bài liên quan đến tập trận của hải quân Trung Quốc (một lỗi lầm về kiểm duyệt mà ông ‘hào hiệp’ đổ lỗi cho cấp dưới).”
Ông Ðào Duy Quát (trái), tổng biên tập trang web của đảng Cộng Sản Việt Nam, nghe nói bị khiển trách công khai vì cho đăng những ngôn ngữ “cứng rắn” trong một bài báo liên quan đến tập trận của hải quân Trung Quốc. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Khẩu hiệu trên áo thun của Blogger Mẹ Nấm nhắc lại một cách đơn giản (nhưng thông minh) tuyên bố của giới chức chính quyền Việt Nam: Trung Quốc không lèo lái được lập trường của lãnh đạo Việt Nam, nhưng người dân Việt Nam cũng không ảnh hưởng được lập trường này luôn, công điện viết.
Theo công điện, có những blogger tố cáo rằng ông Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ khai thác bauxite ở Tây Nguyên để nhận nhiều tiền hối lộ của Trung Quốc.
Những phàn nàn khác của các giới tại Việt Nam, theo công điện, “có lẽ không sai lắm”. Chẳng hạn, phàn nàn về “những thương thảo bí mật,” và “có một mối quan hệ lớn giữa thành phần thủ cựu như ông Tô Huy Rứa và thành phần ‘không phe phái’ nhưng lại là trùm chính trị tham nhũng như bí thư Thành Ủy TP. HCM, Lê Thanh Hải, thường hành động có lợi cho Trung Quốc vì quyền lợi cá nhân, chứ không phải vì sự chỉ đạo của Trung Quốc.”
Ðại sứ Mỹ nhận định: “Tô Huy Rứa và phe nhóm của ông luôn muốn bảo vệ đảng Cộng Sản, một quan điểm giống với quan chức Cộng Sản Trung Quốc. Những người khác, có lẽ đa số, phản đối cải tổ chính trị bởi vì nó đe dọa quyền lợi của họ, lại một điểm nữa giống tính cách của Trung Quốc. Một lần nữa, phải nói rằng, những nhân vật này hành động dựa trên quyền lợi cá nhân của họ, chứ không phải theo lệnh của Trung Quốc.”

Nguyên ủy ảnh hưởng Trung Quốc

Ðại sứ Mỹ cho rằng tất cả những điều nêu trên không có nghĩa là lãnh đạo Việt Nam coi thường Bắc Kinh. Ngược lại, quan hệ không đồng đều giữa hai bên tiếp tục giới hạn Hà Nội. Có sức ép từ Trung Quốc với Việt Nam, và tiếp tục có nữa. (Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nói với đại sứ Mỹ rằng số lần quan chức Trung Quốc đi thăm các tỉnh Việt Nam nhiều đến nỗi ngay cả giới chức dưới cấp thứ trưởng cũng không có quan chức nào của tòa đại sứ Trung Quốc đi theo. Ngay cả những chuyến viếng thăm quan trọng của giới chức cấp tỉnh Trung Quốc sang Việt Nam cũng không có ai ở tòa đại sứ Trung Quốc đi cùng).
Khi được hỏi trực tiếp, công điện viết, giới chức Việt Nam thẳng thừng từ chối bị Trung Quốc ảnh hưởng, nhưng người ta có thể hiểu, ví dụ, chính những giới chức, những người ngăn chặn việc sử dụng Facebook tại Việt Nam, lại quan sát một cách hăm hở phản ứng của Trung Quốc đối với Google, giống như thế hệ các nhà làm chính sách kinh tế trước đây của Việt Nam bắt chước kinh nghiệm của Trung Quốc trong cải cách ruộng đất và tạo ra khu chế xuất kinh tế.
Ðại sứ Mỹ cho biết: “Nhiều giới chức Việt Nam thừa nhận quan hệ ‘em-anh’ với Trung Quốc. Vấn đề ở đây, thực ra, ảnh hưởng của Bắc Kinh ít trực tiếp hơn người ta nghĩ, và nó xảy ra thường xuyên tùy theo quyền lợi, ý đồ và niềm kiêu hãnh của mỗi bên. Làm sao để quan hệ một cách hiệu quả với Trung Quốc tùy thuộc vào sự chia rẽ nội bộ Việt Nam như thế nào, nhưng đây là một cuộc tranh luận nằm ngoài cuộc đấu đá giả định giữa hai phe theo và chống Trung Quốc.”
Công điện viết: “Rất dễ cho chúng ta - và cả những người chỉ trích ở Việt Nam - nêu ra Trung Quốc là nguyên nhân chính. Nhưng cuối cùng, Việt Nam vẫn cương quyết độc lập, và điều này cho thấy chính họ chịu trách nhiệm thành công hay thất bại trong quan hệ với Trung Quốc.”
––

Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com

-Wikileaks:  Quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội tùy thuộc đấu đá nội bộ Việt Nam – (NV).
 ---------------

 -TQ ảnh hưởng tới đâu? 
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có điện tín dài bốn trang đánh giá về ảnh hưởng của Trung Quốc tới chính trị nội bộ Việt Nam.
Điện tín đánh đi ngày 27/1/2010 được Wikileaks công bố cho thấy Đại sứ Michael Michalak dùng tới những từ như "móng dài" và "răng nhọn và sắc" của "gấu trúc", ám chỉ Trung Quốc.
BBC không có điều kiện để kiểm chứng toàn bộ các ý kiến nêu ra trong những điện tín ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ qua Wikileaks nên chỉ có thể trình bày lại các nét chính để giới thiệu.
Điểm chung của nội dung này là Hoa Kỳ theo dõi rất kỹ các cuộc tranh luận nội bộ và biết đến nhiều nhân vật tại Việt Nam, từ quan chức quốc phòng, Đảng, giới nghiên cứu và đại biểu quốc hội.
Nhưng kết luận của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ về mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh lại khác xa so với những người chỉ trích Trung Quốc ở Việt Nam.

Điện tín nhận định các chỉ trích Trung Quốc đã tăng lên trong những tháng trước Đại hội 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam do sự phản đối việc Trung Quốc tham gia vào dự án bauxite cũng như lệnh "cấm đánh cá" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra trên Biển Đông.
Đại sứ Michalak nói một số quan chức cao cấp của Việt Nam từng bị tố cáo thân Trung Quốc và đây là việc dán 'mác' nhiều khi có động cơ chính trị.
Phía Hoa Kỳ dẫn lời một nguồn tin khẳng định rằng Trung Quốc lợi dụng lòng tham của các đảng viên Đảng Cộng sản và tạo cơ hội để họ có thể thu lợi cá nhân.
Nguồn khác lại nói Trung Quốc lưu giữ hồ sơ của các "cán bộ đang lên" và ủng hộ những người có chung lý tưởng trong khi ngăn cản những ai làm mất lòng họ.
Trong khi đó đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, thành viên ủy ban hợp tác quốc hội Việt Nam - Trung Quốc, lại tỏ ra nghi ngờ ảnh hưởng của Bắc Kinh tới các vấn đề nhân sự.
Nhưng điện tín cũng nói ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng các quan chức Việt Nam có thể "tự kiểm duyệt" khi biết dư luận chung nói Việt Nam chịu sức ép của Trung Quốc.
'Chiến đấu và chiến thắng'
Đại sứ quán ở Hà Nội dẫn lời một tổng biên tập báo và một giáo sư luật than phiền rằng Việt Nam chấp nhận đề nghị của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội, những người muốn Việt Nam sa thải các nhà báo viết bài chống Trung Quốc.
Một số blogs chính trị của Việt Nam, theo bức điện tín, cũng đổ lỗi cho Trung Quốc khi Việt Nam kết án blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, về tội trốn thuế.
Các blogger nói vụ kết án ông Hải có động cơ chính trị và ông là người có quan điểm chống Trung Quốc và đã lập kế hoạch phân phát các áo phông khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Điện tín cũng dẫn nguồn tin nói với Thời báo Kinh tế Viễn đông rằng Tổng cục II, cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng và khi đó do Tướng Nguyễn Chí Vịnh điều hành, là "một trong những công cụ chính để Trung Quốc gây ảnh hưởng lên Việt Nam."
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói Tổng cục II có thể là nghi phạm vì cơ quan này từng dính tới vụ scandal "dạng Watergate" khi họ nghe lén các đối thủ trong Bộ Chính trị của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong thập niên 90 và bố vợ của ông Nguyễn Chí Vịnh, Tướng Đặng Vũ Chính, người cũng từng nắm Tổng cục II, bị cho là vu khống Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhưng Đại sứ Michalak cũng nói Tướng Vịnh không phải là người mà Trung Quốc "dễ nắn gân".
Ông Michalak nhắc lại Tướng Vịnh từng nói thẳng về khả năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc và trong một cuộc gặp với quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, tướng Vịnh đưa ra một bức tranh về các ảnh hưởng "lành" của Trung Quốc.
Ông Vịnh nhấn mạnh rằng thành công về kinh tế của Trung Quốc tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam và có thể đảm bảo ổn định trong khu vực.
Điện tín của Hoa Kỳ nói ông Vịnh không lảng tránh vấn đề Biển Đông. Ông tướng này bác bỏ tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc và nói Việt Nam "biết cách chiến đấu và chiến thắng".

Tướng Mã Hiểu Thiên của Trung Quốc từng phát biểu về quan hệ với Việt Nam
Lợi ích và mưu đồ
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói các cách tiếp cận giống nhau của Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề như bất đồng chính kiến phản ánh hệ thống chính trị, ý thức hệ giống nhau bên cạnh sự ám ảnh chung của hai bên về ổn định nội bộ và an toàn chế độ.
Điện tín trích lời Giáo sư Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nói rằng Việt Nam là Trung Quốc là hai nước Cộng sản theo hướng tư bản ít ỏi trên thế giới và các nhà lãnh đạo hai nước có nhiều điểm chung.
Nhưng nguồn của Sứ quán Mỹ không nói Bấm Giáo sư Nguyễn Huy Quý còn được biết đến nhiều qua một số vụ trả lời phỏng vấn và bài viết liên quan đến Trung Quốc gây xôn xao dư luận mạng Việt Nam.
Đại sứ Michalak cũng nhận định: "Trung Quốc không thể bắt Việt Nam phải theo và công chúng Việt Nam cũng không làm như vậy được."
Hoa Kỳ nói Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm theo Trung Quốc những gì có lợi cho họ, chẳng hạn như kìm hãm những tư tưởng chống chế độ được công chúng ủng hộ hay chỉ thay đổi tới mức mà quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng.
Điện tín viết: "Vấn đề là ảnh hưởng của Trung Quốc ít tính trực tiếp hơn nhiều so với những gì các nhà chỉ trích nói và nó thường xuyên phản ánh qua lợi ích, mưu đồ và niềm kiêu hãnh.
"Việt Nam làm sao để có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc là đề tài gây chia rẽ nội bộ đáng kể, nhưng đây là cuộc thảo luận không đơn thuần chỉ là giữa phe thân và chống Trung Quốc.
"Thật dễ dàng khi chúng ta và cả những tiếng nói chỉ trích từ bên trong Việt Nam chỉ tay về phía Trung Quốc.
"Cuối cùng thì Việt Nam vẫn nhất quyết độc lập và chính họ phải chịu trách nhiệm về những thành công hay thất bại của [chính sách này]."
Hiện hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang có vòng đàm phán về lãnh thổ do Ủy viên Quốc vụ Bấm Đới Bỉnh Quốc của Trung Quốc chủ trì tại Hà Nội.
-TQ ảnh hưởng tới đâu? 
----------

-

Tìm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông

Chiều 7/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hoan nghênh ông Đới Bình Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc sang dự Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc và đánh giá cao kết quả phiên họp lần này.

Gửi lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp đến các vị lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc tiếp tục đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, theo đúng phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng điều này phù hợp với lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hai bên đạt được trong việc thực hiện 3 văn kiện liên quan đến biên giới trên đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, qua trao đổi hai bên đã hiểu rõ lập trường của nhau, việc hai bên còn khác biệt là thực tế khách quan. Hai bên cần thông qua đối thoại chân thành, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) để tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Thủ tướng cho rằng hai bên cần đẩy nhanh đàm phán để sớm ký Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, tạo cơ sở để hai bên giải quyết các vấn đề cụ thể trên biển.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc chuyển lời chúc tốt đẹp và lời thăm hỏi thân thiết của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thông báo kết quả Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc cho biết, hai bên đã tổng kết, đánh giá tình hình hợp tác quan hệ hai nước trong thời gian qua, đồng thời đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng, biện pháp làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, làm cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển tích cực.

Ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định, Đảng, Chính phủ Trung Quốc trước sau như một kiên trì chính sách hữu nghị hợp tác với Việt Nam, tin tưởng quan hệ hai nước ngày càng tiến triển tốt đẹp hơn.

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Đới Bỉnh Quốc đề nghị, trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, hai bên khẩn trương cùng nhau đàm phán, thảo luận những vấn đề mà hai bên còn khác biệt trên Biển Đông để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được./.


Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

 

Tổng số lượt xem trang