Chuyện thường mà, ví dụ, trả thuế nhưng vẫn phải đi xin ... là ông chủ mà phải quỵ lụy đầy tớ thì kêu ca dzề
Là con đường huyết mạch của Tây Nguyên nhưng quốc lộ (QL) 14 đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khổ sở cho các phương tiện giao thông. Nghịch lý là trong khi đường xấu, rủi ro cao nhưng lại có quá nhiều trạm thu phí trên con đường này.
Xe cộ đánh vật với các ổ trâu, ổ voi đoạn qua cầu Duy Hòa, TP Buôn Ma Thuột - Ảnh: T.N.Q |
350 km - 7 trạm thu phí 1. Trạm thu phí Đắk Gằn (H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) 2. Trạm thu phí Kiến Đức (H.Đắk Rlấp, Đắk Nông) 3. Trạm thu phí số 2 (H.Đồng Phú, Bình Phước) 4. Trạm thu phí Tân Lập (H.Đồng Phú, Bình Phước) 5. Trạm thu phí Bố Lá (H.Phú Giáo, Bình Dương) 6. Trạm thu phí Suối Giữa (Thủ Dầu Một, Bình Dương) 7. Trạm thu phí Vĩnh Phú (Thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương). Ngoài ra, còn có trạm thu phí Bình Triệu 2 (TP.HCM). Khoảng cách từ trạm Suối Giữa đến trạm Vĩnh Phú là 16 km và từ trạm Vĩnh Phú đến trạm Bình Triệu chỉ có 8 km. |
Nhiều đoạn QL14 qua Đắk Nông cũng gây phiền toái cho các phương tiện giao thông bởi việc thi công kéo dài (đoạn qua thị trấn Đắk Mil), hàng loạt ổ gà nham nhở, lở lói (đoạn qua các xã Trúc Sơn, H.Cư Jút; xã Trường Xuân, H.Đắk Song)... Anh Lê Văn Dũng, một tài xế xe tải ở Đắk Lắk, cho rằng đoạn từ thị trấn Kiến Đức đi Cây Chanh (thuộc H.Đắk Rlấp, Đắk Nông) rất nguy hiểm do đang thi công dang dở thì bỏ lửng; mặt đường thu hẹp, hai bên bị ủi sâu nhưng chỉ cắm những cọc tre báo hiệu sơ sài, nếu tài xế không cẩn thận khi tránh nhau, xe sẽ bị tai nạn do rơi xuống rãnh bên đường…
Đường xấu nhưng phí nhiều
Xuống cấp trầm trọng, con đường này đang gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp vận tải. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Đắk Lắk, đơn vị có tuyến xe khách Buôn Ma Thuột - TP.HCM, nhận xét: “Đường quá xấu khiến thời gian lưu thông kéo dài, xe hao tốn nhiều nhiên liệu hơn, tài xế bị ảnh hưởng sức khỏe, chưa kể gây sự cố hỏng hóc cho phương tiện vận tải khiến chi phí sửa chữa nhiều hơn”. Theo ông Sơn, tuyến Buôn Ma Thuột - TP.HCM dài 350 km, trước đây xe khách chỉ chạy chưa đến 8 giờ đồng hồ, nhưng nay do đường xấu đã phải tăng hơn 9 tiếng, tiêu hao nhiên liệu, cùng chi phí sửa chữa hỏng hóc tăng hơn 10% so với trước. Đó là chưa kể, tuyến đường này có đến 7 trạm thu phí cũng khiến giá thành vận tải càng tăng cao.
Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk bức xúc: “Tuyến đường chỉ có 350 km nhưng có đến 7 trạm thu phí là quá nhiều, bình quân 50 km có 1 trạm. Có đoạn ở Bình Phước đang thi công, đường cực kỳ xấu nhưng vẫn mở trạm thu phí là bất hợp lý”.
Một trong những đơn vị vận tải hàng hóa nhiều nhất trên tuyến QL14 là Công ty cổ phần đầu tư - xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, mỗi năm vận chuyển hơn 150.000 tấn cà phê từ Tây Nguyên về TP.HCM. Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc công ty, cho biết: “QL14 hiện quá xấu, nhiều đoạn trơ đá khiến xe chở hàng nổ lốp liên tục, có đoạn đường trơn khiến xe container gặp nạn đổ kềnh. Đường xuống cấp, không được tu bổ kịp thời, trong khi các trạm vẫn thu phí đều đều là không công bằng đối với các phương tiện giao thông vận tải” - ông Tiến bày tỏ.
Dân khổ vì đường thi công chậm Nhiều tháng nay, người dân sống dọc QL14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh (Bình Phước) hết sức bức xúc vì dự án nâng cấp mở rộng đoạn đường này được thi công theo kiểu “tiến độ rùa”. Theo ghi nhận của Thanh Niên, một vài đoạn đã được thảm nhựa nóng nhưng qua vài tháng sử dụng, mặt đường xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà, nhiều đoạn phải cắt vá lại. Nhiều hộ dân ở xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú, than phiền vì phải sống chung với bụi do đường thi công kéo dài, có đoạn rải đá nhưng không lu lèn kỹ, không đặt biển thông báo, dễ gây tai nạn cho các phương tiện giao thông. Dự án nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh có tổng chiều dài 75 km, bề rộng mặt đường 21,6m, tổng mức đầu tư gần 1.482 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến đến năm 2012 hoàn thành. Dự án do Công ty CP Đức Phú - Gia Lai làm tổng thầu, chủ đầu tư là Công ty CP Đức Thành và Công ty CP Đức Phú. Theo đánh giá tại cuộc họp gần đây giữa UBND tỉnh Bình Phước và chủ đầu tư, sau 15 tháng thi công (kể từ 25.5.2010), đến nay tiến độ thi công các hạng mục của 2 gói thầu chỉ đạt từ 30 đến 66% khối lượng. Nguyên nhân thi công chậm là do lãi suất vay ngân hàng cao nên các công ty sợ lỗ, không dám vay vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Nhật Văn Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk, cho biết đoạn QL14 phía nam Buôn Ma Thuột đang được nâng cấp, mở rộng thuộc dự án đường Hồ Chí Minh nhưng do nhiều nguyên nhân nên tiến độ bị chậm. Cách đây vài tháng, một doanh nghiệp ở TP Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ 100 triệu đồng để đổ đất đá san lấp đoạn qua cầu Duy Hòa, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mặt đường lại bị phương tiện giao thông cày xới tan nát như trước. “UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị BQL dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu tiến hành công tác bảo đảm an toàn giao thông nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để các đoạn đường xấu này” - ông Biểu cho hay. Theo ông Đinh Việt Hùng, Phó trưởng Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng của BQL dự án đường Hồ Chí Minh, các đoạn hỏng nặng phía nam TP Buôn Ma Thuột đang tạm dừng thi công do hết thời hạn hợp đồng, có gói thầu bị thiếu vốn, có gói chưa được giải phóng mặt bằng để triển khai. Ông Hùng cho biết: “Hiện BQL dự án vẫn đang chờ Bộ GTVT phê duyệt phương án sửa chữa, bảo đảm giao thông đối với những đoạn hỏng nặng này”. |
Trần Ngọc Quyền
---------
- Giải quyết giao thông: nên có bài toán tổng thể (TT).
- Thanh Hoá: Báo động tình trạng mất trộm thiết bị đường sắt (TQ).