Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

"Bạn" như thế thì ai cần thêm kẻ thù

-VN làm gì khi Mỹ đơn phương tuyên bố đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo ở TS ?
-Báo chí đăng tải, ngày 13-10, « Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tiến hành tuần tra gần các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng tại Biển Đông. » « Các nước đồng minh » của Mỹ (được thông báo) ở đây có lẽ (ít nhứt) là các nước Úc, Nhật, Phi và Mã Lai. Bởi vì ta thấy sau đó viên chức hữu trách các nước này đều lên tiếng cho biết lập trường của quốc gia mình (về hành vi « tuần tra » của hải quân Hoa Kỳ). Danh sách « đồng minh » này không có Việt Nam.


Ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng, cho biết điều này :


« đây mới là tuyên bố đơn phương từ phía Mỹ, tới nay Chính phủ Việt Nam chưa nhận được bất cứ một thông báo nào của nước này về hành động đưa tàu áp sát các khu vực đảo nhân tạo nói trên. » (báo Đất Việt, 16-10)


Không biết đến nay (18-10) VN có nhận được tín hiệu gì từ Hoa Kỳ hay chưa ?


Sự việc Mỹ thông báo cho các đồng minh (thân cận) của mình kế hoạch tuần tra ở khu vực các đảo nhân tạo (mà TQ xây trên các cấu trúc địa lý thuộc chủ quyền của VN) mà không (hay chưa) thông báo cho VN cho thấy một thực tế là quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ vẫn tồn tại nhiều nghi kỵ. Trên phương diện luật pháp (Luật quốc tế và Luật Biển VN), qua ý kiến của ông Lê Việt Thường trong bài báo đã dẫn, cho thấy quan điểm của VN và Hoa Kỳ có nhiều điều đối chọi.


Về quan hệ quốc phòng, sự nghi kỵ hai bên Việt-Mỹ là dĩ nhiên. Nó đến từ quan hệ nặng phần trình diễn hơn là thực chất của hai bên cựu thù địch. Quá trình hòa giải, 20 năm qua, xem chừng không đạt được bao nhiêu kết quả.


Về vấn đề pháp lý, có hai phương diện cần nói : về chủ quyền và cách diễn giải luật quốc tế.


Về chủ quyền, quan điểm của Mỹ, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ sau thế chiến Thứ II đến đầu thập niên 70. HK mặc nhiên nhìn nhận VNCH có chủ quyền tại HS và TS. Giai đoạn hai, cụ thể qua Tuyên bố năm 1995, nhân các biến cố TQ chiếm đá Vành Khăn, (đến nay chưa thay đổi), là HK không ủng hộ phía nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ (tại hai quần đảo HS và TS).


Về « quyền tự do hàng hải », Hoa Kỳ diễn giải Luật Biển 1982 như sau :


Tàu bè (kể cả tàu chiến) của HK có quyền qua lại ở hai khu vực biển ZEE (kinh tế độc quyền 200 hải lý) và lãnh hải (12 hải lý).


Trong vùng 200 hải lý (của ZEE), Hoa Kỳ chủ trương chiến hạm của họ có quyền thao diễn mọi hoạt động, kể các các hoạt động dò thám.


Trong vùng lãnh hải 12 hải lý, tàu bè của Mỹ, kể cả tàu chiến, có quyền « qua lại không gây hại » mà không cần thông báo (hay xin phép) quốc gia cận biển.


Quan niệm « tự do hàng hải » của Hoa Kỳ được phần lớn các nước trên thế giới chia sẻ.


Trong khi Luật Biển VN (và TQ) thì quan niệm :


Trong vòng 200 hải lý của vùng Kinh tế độc quyền, tàu bè qua lại phải tôn trọng nguyên tắc « qua lại không gây hại – passage inoffensif ».


Trong vùng lãnh hải 12 hải lý, tàu bè dân sự được quyền qua lại « không gây hại », nhưng các loại tàu chiến thì phải xin phép trước.


Kế hoạch « tiến hành tuần tra » vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo của hải quân (và không quân) Mỹ (nếu) thực thi (thì sẽ) đúng như Tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter :


« Quân đội Mỹ có quyền đi lại trên biển và bay qua không phận những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả Biển Đông ».


Trên lý thuyết, quan điểm trái ngược cách diễn giải Luật Biển 1982, mặc dầu việc tuần tra của Mỹ sẽ mang lại lợi ích về an ninh quốc phòng cho VN, hành vi của Hoa Kỳ trong chừng mực có thể làm thuơng tổn đến chủ quyền của VN.


(Trong bài báo đã dẫn, ông Lê Việt Thường có vịn đến các nội dung của Luật Biển của VN, nhưng điều này không cần thiết. VN là thành viên của Công ước 1982, Luật Biển của VN phải ở dưới, đồng thời tuân thủ theo nội dung của luật quốc tế về Biển 1982.)


Trước tuyên bố của Hoa Kỳ (về kế hoạch tuần tra ở các đảo), VN vẫn chưa có một thái độ dứt khoát, cho biết lập trường chính thức của VN ra sao. Ngoại trừ ý kiến của ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng.


Ý kiến của ông Trường có phù hợp với lợi ích của VN hay không ?


Một số điều cần bàn lại.


Thứ nhứt : HK có cần phải « xin phép » VN để đi vào khu vực biển này hay không ?


Dẫn lại nguyên văn lời ông Lê Việt Trường :


Dẫn : « Việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tôn tạo, bối đắp các đảo, bãi đá ngầm, rạn san hô tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) không được phép của Nhà nước Việt Nam là hành động phi lý và hoàn toàn không có giá trị, không thể hy vọng có được chế độ pháp lý theo Công ước của LHQ 1982 về luật biển, vì lịch sử của vấn đề là Trung Quốc đã thực hiện hành động chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.


Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam ». Hết dẫn.


Thứ nhứt, ý kiến của ông Trường (về việc tàu bè đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo) là thể hiện quan điểm của Luật Biển VN. Như đã nói, cách diễn giải về « tự do hàng hải » theo Luật quốc tế về Biển 1982 giữa VN và HK có sự trái ngược.


Theo thông lệ, nếu có sự trái ngược về cách diễn giải một điều luật trong bộ Luật Biển 1982, thì chỉ có Tòa CIJ, hay một Tòa có thẩm quyền về luật biển mới có thể giải thích nội dung của điều luật này.


Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm lợi ích dân tộc, ta thấy nếu kế hoạch tuần tra của HK trở thành hiện thực thì VN có lợi nhiều hơn. VN không có gì để mất, ngay cả khi HK cho tuần tra vùng biển thuộc các đảo hiện do VN kiểm soát. Đây là một dịp may hiếm có để hóa giải tham vọng bành trướng của TQ ở Biển Đông, nhứt là khu vực Trường Sa.


Điểm thứ hai, vấn đề đến từ sự suy diễn « logique » của quan điểm công pháp quốc tế về chủ quyền. Ý kiến của ông Lê Việt Thường :


Dẫn : « Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông. » Hết dẫn.


Đối với các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng trên lãnh thổ của VN, nhà nước VN hiện tại mất hoàn toàn mọi kiểm soát trên thực tế (thẩm quyền về lãnh thổ). VN chỉ còn lại chủ quyền « trên danh nghĩa » (mà điều này Mỹ không có ý kiến). Tức là luật pháp VN không còn thực thi trên các vùng lãnh thổ đó (nếu có thể gọi các thực thể địa lý đó là các vùng lãnh thổ). Sẽ là phi lý (và hết sức là bất lợi) khi VN lên tiếng đòi hỏi HK phải « thông báo và thực hiện theo đúng luật pháp của VN » khi hải quân (hay không quân) Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của các thực thể này.


Thứ ba, về chế độ các bãi đá, bãi cạn, chìm, nổi… thuộc khu vực Trường Sa (mà TQ đã chiếm của VN và xây dựng thành các đảo nhân tạo), Hoa Kỳ có quan điểm như sau :1/ Những cấu trúc địa lý chìm dưới mặt biển lúc thủy triều cao (trước khi được xây dựng thành đảo nhân tạo) không có lãnh hải 12 hải lý. 2/ Các « đảo nhân tạo » không có lãnh hải 12 hải lý (mà chỉ có một vùng 500m gọi là vùng an toàn). 3/ Việc xây dựng không tạo nên « chủ quyền ».


Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tập quán quốc tế và nội dung Luật Quốc tế về Biển 1982.
VN không có lý do nào để phản đối kế hoạch tuần tra của TQ.


Theo tôi, nếu kế hoạch HK không được thực hiện, khó khăn cho VN ngày thêm chồng chất. TQ một cường quốc đang lên, đang thể hiện cơ bắp để thực hiện tham vọng lãnh thổ của đế quốc. Việc để càng lâu càng khó.


Nếu kế hoạch của HK được thực hiện, một vụ « chạm trán » có thể diễn ra giữa TQ và HK. Thì đây là một dịp tốt để các nước liên quan yêu cầu giải quyết những tranh chấp, những mâu thuẩn về cách diễn giải Luật… trước một trọng tài quốc tế. Trường hợp này TQ vô phương từ chối tham gia.


Không biết chừng, kế hoạch của Mỹ là bước đầu để các nhà chiến lược nước này đưa TQ vào thế trận pháp lý.


Ý kiến của ông Lê Việt Trường trong bài báo cho ta thấy sự lúng túng của VN trước quyết định (đơn phương) của các đại cường. Nó thể hiện một sự « hờn dỗi » không đáng có của nhà nước CSVN. Bởi vì quyền lợi của quốc gia và dân tộc lớn hơn bất kỳ thể diện nào, cho dầu thể diện đó vĩ đại đến đâu.



Hợp lý là VN phải tức thì lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Mỹ. Việc này sẽ xóa lấp tư thế « bẽ bàng » của VN, là « kẻ đứng ngoài » (khi không được HK thông báo). Lên tiếng ủng hộ, bằng một tuyên bố đơn phương, đồng thời khẳng định lợi ích của VN trong các khu vực biển đó.


-Mỹ-Biển Đông: Tuần tra sát đảo nhân tạo không phải là khiêu khích

Một chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ, ngày hôm qua, 15/10/2015, tuyên bố, việc đưa tàu chiến Mỹ tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây là một hoạt động bình thường, theo thông lệ và không nên coi đây là một hành động khiêu khích.
Theo tuần báo Navy Times, trong chặng dừng chân ở Nhật Bản, nhân chuyến công du nhiều nước trên thế giới, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố : Hải quân Mỹ coi tự do lưu thông hàng hải là một hoạt động duy trì tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đô đốc Richardson nói : « Hoa Kỳ là một cuờng quốc và có lực lượng hải quân trên toàn thế giới. Và không ai nên ngạc nhiên về việc chúng tôi sẽ thực hiện quyền tự do lưu thông ở bất kể nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ». Chỉ huy Hải quân Mỹ nói tiếp : « Chúng tôi vẫn làm việc này như thông lệ trên khắp thế giới. Chúng tôi có mặt tại Biển Đông như thông lệ. Và chúng tôi coi đây là một phần trong việc thực hiện các quyền quốc tế tại các vùng biển quốc tế ».
Tuần báo Navy Times nhận định, trong thời gian qua, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp, xây đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa và coi đây là phương cách để thực hiện các đòi hỏi chủ quyền nhằm tiến tới kiểm soát toàn khu vực Biển Đông.
Khi được đề nghị bình luận về việc báo chí Trung Quốc tố cáo Bộ Quốc phòng Mỹ khiêu khích Bắc Kinh và có kế hoạch gia tăng sự hiện diện tại vùng biển được coi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đô đốc Richardson nhấn mạnh : « Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần tiếp tục các hoạt động phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đây là một phần trong các hoạt động thông thường, theo thông lệ tại các vùng biển quốc tế, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp, tôi không thấy làm thế nào lại diễn giải đó là một hành động mang tính khiêu khích ».
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho Navy Times biết, việc tiến hành tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, còn phải đợi được chính quyền Washington cho phép.
Từ năm 2012, máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ không xâm nhập vào không phận và lãnh hải 12 hải lý xung quanh các hòn đảo, bãi đá mà sau này Trung Quốc bồi đắp, xây dựng thành các đảo nhân tạo.

-Thứ Sáu, 16/10/2015 07:50
Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo: Vai trò Việt Nam

Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông.

Trước thông tin, cho rằng Mỹ sẽ điều tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, trao đổi với báo Đất Việt ngày 13/10, ông Lê Việt Trường – Phó chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc phòng cho biết, theo quy định của Luật biển Việt Nam mọi hoạt động của tàu quân sự của nước ngoài trong lãnh hải của Việt Nam đều phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Mỹ thông báo điều tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc


Luật Biển Việt Nam đã quy định rất cụ thể về chế độ pháp lý về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Theo đó, tàu thuyền, máy bay nước ngoài trước khi có hoạt động trong vùng biển của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để thực hiện đúng quy định của Công ước 1982 của LHQ về Luật biển và Luật biển CHXHCN Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ngày 25/7/1994 và tôn trọng quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo đúng quy định của Công ước.

Luật Biển Việt Nam quy định, “việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển”.

Theo đánh giá của ông Trường, ý đồ của Mỹ tuy chưa rõ ràng nhưng nhiều khả năng Mỹ muốn chứng tỏ tầm ảnh hưởng cũng như khả năng kiểm soát khu vực này. Đây cũng là tín hiệu mà Mỹ muốn nhắn gửi cho đồng minh ngoài NATO của Mỹ trong khu vực để củng cố lòng tin ở Mỹ. Thực chất, động thái này không nằm ngoài chiến lược xoay trục sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Chính phủ Brack Obama.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban ANQP khẳng định dù với tính toán, mục đích gì, Mỹ cũng cần phải góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của khu vực, không làm phức tạp thêm tình hình.

“Việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tôn tạo, bối đắp các đảo, bãi đá ngầm, rạn san hô tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) không được phép của Nhà nước Việt Nam là hành động phi lý và hoàn toàn không có giá trị, không thể hy vọng có được chế độ pháp lý theo Công ước của LHQ 1982 về luật biển, vì lịch sử của vấn đề là Trung Quốc đã thực hiện hành động chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Trường nói.

Về phía Việt Nam, ông Trường khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh tất cả các nước có sự quan tâm, chia sẻ, có tiếng nói và việc làm ủng hộ, góp phần việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông nhưng phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông.

Ông cũng cho biết, đây mới là tuyên bố đơn phương từ phía Mỹ, tới nay Chính phủ Việt Nam chưa nhận được bất cứ một thông báo nào của nước này về hành động đưa tàu áp sát các khu vực đảo nhân tạo nói trên.

Ngày 13/10, báo chí nước ngoài dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, quân đội Mỹ có quyền đi lại trên biển và bay qua không phận những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phản đối các hành vi cưỡng chế, vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, có thể làm gia tăng căng thẳng ở các vùng biển, bao gồm cả Biển Đông.

Theo Reuters, thông điệp ông Carter đưa ra là sự phủ nhận rõ ràng đối với các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.


-Việt Nam lên tiếng về tin Mỹ sắp điều tàu áp sát đảo nhân tạo
Các nước có lợi ích ở Biển Đông cần đóng góp vào việc duy trì hòa bình ở khu vực, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

"Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do  hàng hải và hàng không trong khu vực này", ông Bình hôm nay trả lời câu hỏi của VnExpress về thông tin Mỹ sắp điều tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo người phát ngôn, những đóng góp của các nước phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).
Báo chí Mỹ hôm 8/10 cho hay Washington đang xem xét triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry đã lên lịch thảo luận về việc tuần tra với phía Australia tại Boston, Mỹ từ đầu tuần.
Các quan chức ở Philippines cũng cho biết họ đã được thông báo về kế hoạch tuần tra trong vài ngày qua. 
trung-quoc-tuc-gian-vi-my-australia-tinh-viec-tuan-tra-bien-dong-1
Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành
Trung Quốc hơn một năm nay đẩy mạnh việc cải tạo và xây dựng các đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Mỹ và các nước nhận định Trung Quốc sẽ thiết lập các căn cứ quân sự và đường băng ở đây. Việt Nam cũng nhiều lần phản đối hành động phi pháp này. Tại Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước thuộc ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunie.
Đề cập tới việc Phillippines lo ngại Trung Quốc đã lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, ông Bình nói mọi hoạt động của các bên ở khu vực này cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan.
"Các hoạt động này cũng cần tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần của Tuyên bố DOC, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng không và tự do hàng hải ở khu vực này", ông cho hay.



Mỹ thông báo kế hoạch điều tàu vào sát đảo nhân tạo Trung Quốc / Trung Quốc tức giận vì Mỹ, Australia tính việc tuần tra Biển Đông

-Đại tướng Phùng Quang Thanh: Trung Quốc nói không xâm lược láng giềng
16/10/2015 -VOV.VN - "Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nêu ra vấn đề là dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng".

Sáng 16/10, cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.


Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự cuộc gặp.

Đây là cuộc gặp không chính thức lần thứ 5 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và là cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN.

Cuộc gặp không chính thức lần thứ 5 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.


Phát biểu tại Cuộc gặp, Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN hợp tác để duy trì an ninh và ổn định ở khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN ghi nhận đối với một số đề xuất của Trung Quốc về tăng cường xây dựng các cơ chế an ninh để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhằm tăng cường lòng tin chiến lược.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước chụp ảnh lưu niệm.


Liên quan đến vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng của 10 nước ASEAN khẳng định hòa bình và ổn định tại Biển Đông có ý nghĩa sống còn với an ninh khu vực, mong muốn Trung Quốc và ASEAN lấy chuẩn mực là luật pháp quốc tế, đặc biệt coi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là nền tảng để xử lý tranh chấp ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: “Tại cuộc gặp, các Bộ trưởng Quốc phòng không chỉ đưa ra những ý tưởng, quan điểm, chủ trương, giải pháp, mà quan trọng lần này đã bàn biện pháp để biến thành hành động hợp tác trên thực tế giữa ASEAN và Trung Quốc, ngoài ra còn bàn bạc tìm ra những cơ chế để hợp tác cụ thể giữa hai bên”.


Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tham dự cuộc gặp.


“Đặc biệt trong Cuộc gặp lần này Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng nêu ra vấn đề là dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực", Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết

"Điều đó thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Tối 16/10, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dự khai mạc và tiệc chiêu đãi chào mừng của Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6./.


-Nguyen Tuan-"Bạn" xấc xược
Mới tuần qua, ngài Bộ trưởng Quốc phòng đề cập đến những đối tác bên Tàu là "bạn". Một cách gọi ngọt ngào. Tôi đang ngạc nhiên, không biết ông Bộ trưởng Quốc phòng Tàu cộng có gọi đối tác của ông bên VN là bạn. Nhưng hôm nay, thấy báo Giáo dục Việt Nam có bài "Báo TQ xuyên tạc: Đoàn Tướng Việt Nam sang TQ để cầu hòa" (1), với giọng văn tức tối và hằn học.
Bài báo trên GDVN đề cập đến một bài báo trên trang mạng sina của Tàu cộng với tựa đề "Vì sao Quân đội Việt Nam bất ngờ thăm Trung Quốc cầu hòa, Mỹ có hỗ trợ lớn hơn". Rất khó đọc bài báo vì khó biết đoạn nào là nguyên văn của sina, và đoạn nào là ý kiến của GDVN. Theo như bài báo trên sina thì đoàn quân đội VN và Tàu đồng ý 3 điều: (1) tiếp tục bám vào nguyên lí 16 chữ vàng và 4 tốt; (2) hai quân đội đoàn kết để đảm bảo địa vị cầm quyền của đảng cộng sản; và (3) xử lí thoả đáng các xung đột trên biển, đảo.

Bài báo của Tàu tiết lộ vài thông tin thú vị nhưng có lẽ không mới. Rằng thời Hồ Chí Minh thì hai nước có quan hệ "đồng chí, anh em", rằng đảng cộng sản VN trỗi dậy là nhờ đảng cộng sản Tàu nâng đỡ; và rằng thời chiến, Tàu đã viện trợ cho VN 20 tỉ nhân dân tệ và chi viện "mấy trăm nghìn quân". Tóm lại, những thông tin này có lẽ muốn nhắc nhở rằng VN đã từng lệ thuộc vào Tàu và nhờ Tàu mà có được như ngày nay, đừng có phản trắc. Bài báo của Tàu khuyên Chính phủ Tàu nên tiếp tục xây dựng hạ tầng và triển khai quân sự ở Biển Đông. Chẳng những thế, họ còn đe doạ VN là nếu biết điều thì đàm phán, còn không biết điều thì Tàu sẽ đáp trả.
Có một chi tiết thú vị là bài báo cho rằng người Việt có phong trào chống Tàu. Họ còn cho rằng người dân miền Nam chống Tàu mạnh hơn người dân miền Bắc.
Nói tóm lại, cũng như các bài báo của Tàu trước đây viết về VN và lãnh đạo VN, giọng điệu vẫn muốn tỏ ra mình là kẻ cả. Đóng vai kẻ cả, giới báo chí và quan chức Tàu tỏ ra trịch thượng, xấc láo, và khinh thường VN. Xem ra, thái độ thân mật xem Tàu cộng là "bạn" không có một chút hiệu quả nào trong việc giảm cường độ xấc xược của họ. Do đó, tôi vẫn nghĩ câu "Với bạn bè như Tàu cộng, thì Việt Nam không cần thêm kẻ thù" là rất hợp lí và chính xác.
----
(1) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-TQ-xuyen-tac-Doan-Viet-Nam-sang-TQ-de-cau-hoa-post151429.gd---
Một ông liên tục nhận TQ là bạn, và một ông khẳng định 'bạn' kia muốn chiếm biển của ta ! Dân Việt còn khổ dài dài khi vẫn còn bị nhiễu tin thế này !
-Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ: “Trung Quốc không thay đổi âm mưu độc chiếm biển Đông”
(Dân trí) - “Âm mưu thực hiện hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Chỉ có điều chuyển sang giai đoạn đấu tranh khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn”, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói.
Nêu ý kiến tại buổi họp tổ Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về vấn đề kinh tế - xã hội sáng ngày 21/10, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho rằng, điều tiên quyết tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho kinh tế - xã hội là lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng an ninh phải làm thật tốt.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - phát biểu tại buổi họp tổ
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - phát biểu tại buổi họp tổ
Theo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, âm mưu thực hiện hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Chỉ có điều chuyển sang giai đoạn đấu tranh khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải lường trước để chuẩn bị thật tốt ở tất cả các mặt, kể cả vấn đề pháp lý, ngoại giao, an ninh quốc phòng và kinh tế.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đưa ra ví dụ cụ thể như Triều Tiên, dù là nước bé nhưng không ai bảo họ là nước yếu. “Họ sở hữu khối lượng vũ khí lớn, hiện đại. Nói ra như thế không phải để so sánh với người ta mà cho thấy lĩnh vực quốc phòng an ninh mạnh là vấn đề nhất thiết. Nếu không mạnh sẽ không còn yếu tố răn đe các nước khác. Vì trước khi tấn công mình họ phải đánh giá khả năng quân sự, an ninh quốc phòng đến đâu”, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ phân tích rõ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, vấn đề đối ngoại rất quan trọng vì nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ công tác này. Việt Nam có thế mạnh trong công tác đối ngoại vì có quan hệ với nhiều nước. Tuy nhiên, chúng ta phải đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không đi với bên nào, nước thứ ba nào để chống lại nước khác. Chúng ta là bạn với tất cả các nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, chế độ chính trị, nội bộ của nhau.
Từ khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với nhau rất quyết liệt. Việt Nam có một vị trí địa lý - chính trị rất quan trọng, được nhiều nước để ý, trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… Vì vậy, theo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, trong lúc này chúng ta phải giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị, trước hết là với các nước láng giếng.
Nói thêm về vấn đề biển Đông, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đây là vấn đề lâu dài chứ không phải là vấn đề ngày một ngày hai. “Quyết liệt nên phải hết sức bình tĩnh. Kiên trì, mềm dẻo, nhưng đằng sau đó phải chuẩn bị điều kiện thật tốt để nếu có xung đột quân sự là sẵn sàng chủ động”, Thượng tướng nhấn mạnh.
Các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình huống xấu nhất.
“Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các tiền nhân đã nói: Nếu không muốn chiến tranh thì phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Khi chúng ta chuẩn bị thật tốt, đó sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói thêm.
Quang Phong



Phùng Quang Thanh: kẻ thù của Tổ Quốc phải là bạn của "đảng ta"
Vũ Đông Hà (Danlambao) - Phùng Quang Thanh đã chính thức hùa theo Bắc Kinh để xem những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông không còn là của Việt Nam nữa mà là khu vực chung của các quốc gia cùng khai thác. Ông ta "mượn" Đài Loan, Philippines, Malaysia để biện hộ cho những hành vi xâm lược của Bắc Kinh trên biển Đông. Phùng Quang Thanh đã trở thành người phát ngôn Việt Nam tích cực nhất cho chủ trương tằm ăn dâu của Bắc Kinh: "biến vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng tranh chấp, biến vùng tranh chấp thành vùng khai thác của Trung Quốc, và sau cùng biến vùng khai thác chính thức thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc."

*
Cho đến bây giờ không ai không thấy rõ và không phẫn nộ trước những hành vi xâm lược ngang ngược của Tàu cộng đối với Việt Nam. Cũng chưa ai quên được các cuộc tấn công của Tàu cộng trong những năm 1979 và 1984 đã tàn sát hàng ngàn người dân Việt Nam vô tội. Bóng dáng của giàn khoan HD981 vẫn còn đậm nét trong tâm tư của mỗi người như là một nỗi nhục quốc thể và hình ảnh đường băng quân sự ở Hoàng Sa do Tàu cộng xây dựng vẫn còn đầy trên mặt báo. Thế nhưng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, người chỉ huy quân đội, chỉ huy những người lính đã, đang và sẽ phải hy sinh cho Tổ quốc vẫn một mực gọi quân xâm lược là bạn.

Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị... (*)

Ông ta không muốn nhớ, chẳng cần biết mới đây mấy tháng bạn của ông đã ngang nhiên kéo giàn khoan vào biển Đông và đào khoan đất mẹ Việt Nam như chốn không người. Ông cố tình quên đi những chiếc vòi rồng phun của bạn phun vào tàu cảnh sát biển Việt Nam một cách miệt thị. Ông chẳng cần biết đến ngư dân Việt Nam bị bạn ông xua đuổi, đánh đập, cướp bóc, đâm chìm và phải trốn chui trốn nhủi trên chính vùng biển của tổ tiên mình. Đơn giản: Kẻ thù của Tổ quốc ta, ngư dân ta, chiến sĩ ta là bạn của ông.

Hứa thì bạn không hứa nhưng nói chung 2 bên đều thống nhất phải thực hiện DOC...

Ông ta không cần biết bạn của ông có hứa hay không. Hứa hay không hứa vẫn là bạn. Có thống nhất bằng miệng và rượu hồng đào rằng phải thực hiện DOC nhưng sau đó vẫn tiếp tục xây đường băng quân sự, vẫn ngang nhiên xua đuổi, bắt bớ, đâm chìm ngư dân Việt Nam, vẫn kéo giàn khoan vào khai thác và vẫn chĩa súng nước vào những người lính của Tổ quốc Việt Nam thì ông mặc kệ. Những tên Tàu cộng ở Bắc Kinh, nơi tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị đời đời vẫn là bạn của ông.

Đọc kỹ thêm những gì Phùng Quang Thanh trả lời phóng viên còn thấy: Ông ta không những chỉ xem Bắc Kinh xâm lược là bạn, ông còn là một tên tay sai ngoan ngoãn và trung thành nhất của chúng.

Phóng viên hỏi ông: "Thưa Bộ trưởng, 2 bên có bàn về việc phía Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như chuyện giàn khoan đã xảy ra ít tháng trước?"

Phóng viên này đã cẩn thận kèm trong câu hỏi những hành động xâm lược mới đây nhất của Tàu cộng qua hình thức chiếm đóng và xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhưng ông Thanh đã trả lời như thế nào?:

"Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC - tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam."

Có nghĩa rằng ông ta chấp nhận những hành vi xâm lấn bởi những người bạn Bắc Kinh của ông đối với Tổ quốc Việt Nam. Phát biểu của ông chẳng khác gì - "Bạn ta xâm lấn xong rồi, thôi cứ xem là nguyên trạng".

Nếu phối hợp câu ông nói "hứa thì bạn không hứa" với "phải giữ nguyên hiện trạng" và nhìn lại những cái gọi là "giữ nguyên hiện trạng" đã từng được cam kết cho... vui trong quá khứ và sau đó Tàu cộng vẫn xóa bỏ cam kết, vẫn xâm lấn, nhà nước CSVN vẫn phản đối bằng miệng... thì chúng ta biết chắc rằng Tàu cộng sẽ tiếp tục xâm lấn tiếp.

Và nếu chúng ta nhìn ngược quá khứ lẫn lấy hiện tại để đoán tương lai, thì sau mỗi lần Tàu cộng lấn biển, chiếm đất, củng cố thêm sự có mặt chính thức của chúng ở những nơi thuộc chủ quyền Việt Nam, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi những người cộng sản bán nước như Phùng Quang Thanh sẽ tiếp tục xác nhận tiếphãy giữ nguyên hiện trạng... mới này. Rõ ràng Phùng Quang Thanh, trong chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cũng là ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN đã đồng ý và chấp nhận với Bắc Kinh những hệ quả mất mát chủ quyền của Việt Nam và xem đó là "nguyên trạng" đương nhiên.

Chưa hết!!!

Ông Thanh phát biểu:
"Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc."

Chúng ta rút ra được gì từ phát biểu này?

Phùng Quang Thanh đã chính thức hùa theo Bắc Kinh để xem những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông không còn là của Việt Nam nữa mà là khu vực chung của các quốc gia cùng khai thác. Ông ta "mượn" Đài Loan, Philippines, Malaysia để biện hộ cho những hành vi xâm lược của Bắc Kinh trên biển Đông. Ông ta đã xác nhận việc Tàu cộng khai thác, xây dựng căn cứ trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bình thường, ai cũng xây dựng và chấp nhận việc Tàu cộng xây dựng quy mô hơn Việt Nam. Phùng Quang Thanh đã trở thành người phát ngôn Việt Nam tích cực nhất cho chủ trương tằm ăn dâu của Bắc Kinh: biến vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng tranh chấp, biến vùng tranh chấp thành vùng khai thác của Trung Quốc, và sau cùng biến vùng khai thác chính thức thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc.

Một lần nữa, nếu kết hợp chính sách tằm ăn dâu trên, cộng với chiêu bài chiếm xong thì đồng ý với nhau là giữ nguyên trạng (với những gì đã chiếm) thì Phùng Quang Thanh đang tiếp tay lẫn bắt tay với ngoại bang để xâm lược Việt Nam.

Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng, người đứng đầu của một tập thể trong đó có những người lính đã ngã xuống ở Vị Xuyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hoàng Sa, và sẽ có những người con của Tổ quốc trong tương lai bị tống ra tuyến đầu theo lệnh của ông ta, chính là một tên tay sai bán nước tích cực nhất của quân xâm lược Bắc Kinh.

Kẻ thù của Tổ Quốc PHẢI là bạn của đảng ta! Đó chính là Phùng Quang Thanh, kẻ đang cầm đầu quân đội Việt Nam.

Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspot.com
_____________________________________
(*) thanhnien.com.vn/pages/20141020/bo-truong-phung-quang-thanh-quan-doi-phai-kiem-soat-duoc-tinh-hinh-tren-bien.aspx





***************
-Nguyen Tuan "Bạn" như thế thì ai cần thêm kẻ thù
Đọc báo Thanh Niên thấy ông Phùng Quang Thanh dùng chữ "bạn" để đề cập đến cái "nước lạ" đó hơi nhiều. Bài phỏng vấn ngắn (chỉ có 592 chữ) nhưng ông dùng chữ "bạn" đến 4 lần! Đáng ngạc nhiên là vì phóng viên dùng chữ "họ" để đề cập đến Tàu thì ông PQT nhất quyết dùng "bạn" để chỉ cùng đối tượng. Chẳng hạn như trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả chuyến thăm và làm việc của ông với đối tác Tàu, ông cho biết "Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị. […]". Đọc mà cảm động tấm thịnh tình của bạn quá!

Từ điển tiếng Việt định nghĩa "bạn" là "Người quen biết và có quan hệ gần gũi, coi nhau ngang hàng, do hợp tính, hợp ý hoặc cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, cùng hoạt động, v.v."
Tôi nghĩ Tàu chắc chắn chẳng xem VN ngang hàng với họ. Tàu là nước lớn, VN là nước nhỏ. Tàu từng đứng giật dây cho miền Bắc VN gây chiến tranh và làm Cải cách ruộng đất. Trên báo chí, Tàu chẳng xem VN ra gì. Đặng Tiểu Bình được rất nhiều người VN ngưỡng mộ, nhưng chính y từng nói VN là "côn đồ". Do đó, tôi nghĩ Tàu chẳng bao giờ xem VN ngang hàng với họ. Như vậy khi dùng chữ bạn, có lẽ ngài bộ trưởng đề cập đến nghĩa cùng chí hướng (tức cùng thờ Mao, Mác, Lê) và cùng chí hướng (xã hội chủ nghĩa), chứ không phải ngang hàng.
Kể cũng lạ. Một nước mà lãnh đạo của nó đem quân đánh nước mình, giết hàng trăm ngàn người của mình, lấn chiếm đất đai và hải đảo của mình, vậy mà trong cộng đồng dân tộc mình có người ngọt ngào gọi lãnh đạo của cái nước đó là "bạn". Đành rằng vì ngoại giao, mình không thể gọi họ là "bọn", "thằng", "tên", "chúng nó", nhưng tiếng Việt còn có những cách gọi trung dung hơn như "họ", mà chẳng hiểu tại sao ngài bộ trưởng không dùng.
Khi phóng viên hỏi về tình hình Tàu xây dựng trên các đảo mà họ đã đánh chiếm từ Việt Nam, thì ngài bộ trưởng nói "[…] Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc."
Tôi thấy câu trả lời trên nó có cái gì đó mang tính bao biện và … nguỵ biện. Cách trả lời giống như nói rằng "họ xây, nhưng mình cũng xây, nên không trách họ được". Nhưng có lẽ ông quên một điều quan trọng rằng mình xây trên đảo của mình [có chủ quyền], còn họ xây trên đảo họ chiếm từ mình. Một đằng là chủ nhà xây, còn đằng kia là kẻ cướp xây, không thể đánh đồng như nhau được. Vả lại, phóng viên hỏi cụ thể về Tàu đang xây dựng qui mô trên đảo trong khi ngoài miệng thì họ nói là giữ nguyên trạng, đáng lẽ ông nên tập trung cung cấp thông tin liên quan đến câu hỏi đó, chứ phóng viên đâu có hỏi các nước khác có hay không có xây. Thật vậy, không thể và không nên đánh đồng kiểu họ làm thì mình cũng làm, vì họ vào nhà mình.
Người phương Tây có câu "With friends like that, who needs enemies" (với bạn bè kiểu đó ai mà cần thêm kẻ thù). Câu đó rất thích hợp cho người dân Việt Nam để nói về những kẻ đang cầm trịch ở cái nước chúng ta quen gọi là Tàu.
====

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: ‘Quân đội phải kiểm soát được tình hình trên biển’


(TNO) Hôm nay, 20.10, bên lề phiên họp khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trả lời phỏng vấn báo chí về buổi làm việc của ông với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn ở Bắc Kinh.

* Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết kết quả chuyến thăm và làm việc của đoàn cán bộ do Bộ trưởng dẫn đầu tại Trung Quốc vừa qua?
Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị. Mục đích của chuyến đi là 2 bên bàn bạc với nhau để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của 2 nước cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước. Chúng tôi thống nhất với nhau là tranh chấp thì phải giải quyết bằng biện pháp hoà bình còn quân đội thì phải kiểm soát được tình hình trên biển, hết sức tránh việc sử dụng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực và tránh không để xảy ra xung đột, va chạm vũ trang trên biển. Hai bên thống nhất với nhau ký 1 bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng để khi có tình huống, va chạm, vụ việc xảy ra trên biển thì 2 bên có thể gọi nhau để trao đổi được với nhau, kiểm soát cho được những diễn biến trên biển, tránh xung đột. Hai bên thống nhất với nhau là phải kiểm soát tốt biên giới để xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài, tạo điều kiện tối đa cho nhân dân 2 nước đi lại, giao thương, làm ăn hợp pháp.
 Phung-Quang-Thanh
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh - Ảnh: L.Dũng
Tôi cũng đề nghị phía Trung Quốc sớm dỡ bỏ cảnh báo về du lịch để nhân dân 2 nước đi lại giao lưu. Hoạt động du lịch phát triển thì hoạt động hàng không cũng phát triển, như thế thì tăng cường hữu nghị và mới tăng cường sự tin cậy giữa 2 bên.
* Thưa Bộ trưởng, 2 bên có bàn về việc phía Trung Quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sacủa Việt Nam cũng như chuyện giàn khoan đã xảy ra ít tháng trước?
Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC - tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam.
* Họ có đưa ra một cam kết, lời hứa nào về việc giữ nguyên hiện trạng như này?
Hứa thì bạn không hứa nhưng nói chung 2 bên đều thống nhất phải thực hiện DOC - nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp. Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng. Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng, đó là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.
* Nhiều chuyên gia nêu ý kiến lo ngại hướng xây dựng của Trung Quốc là để hình thành một căn cứ quân sự tấn công. Điều đó đe doạ mối an ninh hàng hải trong khu vực. Cảnh báo đó có đáng suy nghĩ, lo ngại không, thưa Bộ trưởng?
Đó là các nhà nghiên cứu dự báo thôi chứ còn đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả. Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực.
* Ghi nhận nào quan trọng nhất giữa các Bộ trưởng trong lần gặp này?
Quan trọng nhất là thoả thuận 2 bên phải hợp tác theo tinh thần hữu nghị của lãnh đạo 2 Đảng, Nhà nước, giữ gìn môi trường ổn định, hoà bình và kiểm soát cho được hoạt động của lực lượng vũ trang 2 nước trên biển, không dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển.




Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
-QĐND Online - Nhân chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng đoàn đến Trung Quốc, là thành viên chính thức của đoàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có cuộc gặp với Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.


Phát biểu tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ sự hài lòng trước mối quan hệ giữa quân đội hai nước đang ngày càng trở nên tốt đẹp và trở thành một trong những trụ cột của việc xây dựng đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước.


Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định hơn 60 năm qua, quan hệ quốc phòng và giữa quân đội hai nước là tốt đẹp. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: “Lần này tôi tháp tùng đồng chí Tổng bí thư sang thăm Trung Quốc với mục đích là tiếp tục phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị tốt đẹp, đưa quan hệ đó lên tầm cao mới, trong đó quan tâm phát triển quan hệ quốc phòng”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh thông báo với Thượng tướng Lương Quang Liệt việc Việt Nam đang hoạt động tích cực và tuyên truyền rộng rãi kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào Nam thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhắc đến sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc với “con đường huyền thoại” này, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Nhiều con tàu không số có lúc xuất phát từ cảng Phòng Thành, có lúc từ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc giúp sửa chữa tàu Việt Nam, trợ giúp về vật chất. Sự giúp đỡ đó đã góp một phần vào việc vận chuyển thành công hơn 8 vạn lượt người và hàng chục vạn tấn vũ khí vào miền Nam. Chúng tôi mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu đó”.


Về quan hệ giữa hai quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh điểm lại từ năm 2003 đến nay, hai bên đã ký kết 5 văn bản làm cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc phòng. Quan hệ giữa hải quân hai nước, giữa các quân khu giáp đường biên, rồi hợp tác biên phòng, trao đổi đào tạo, kinh nghiệm công tác đảng - công tác chính trị cũng được tăng cường. Bộ trưởng cho rằng 183 cán bộ được Trung Quốc giúp đào tạo trong thời gian gần đây sẽ là cầu nối, là hạt nhân trong phát triển quan hệ giữa hai quân đội.


Về hoạt động giao lưu, Đại tướng Phùng Quang Thanh vui mừng cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, phía Việt Nam đã đón tiếp hầu hết các đồng chí lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc sang thăm. Hai quân đội cũng tăng cường giao lưu sĩ quan trẻ, các đoàn văn công Việt Nam sang tập huấn ở Trung Quốc, các đoàn văn công của Trung Quốc sang biểu diễn ở Việt Nam, nhiều chuyến thăm lại Việt Nam của các đồng chí cựu chuyên gia cố vấn Trung Quốc đã được tổ chức. Tất cả những hoạt động đó đã góp phần củng cố quan hệ, giúp các thế hệ nối tiếp truyền thống đoàn kết hữu nghị, góp phần tăng sự tin cậy giữa hai nước, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực. Bộ trưởng đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện để các đồng chí cựu chuyên gia Trung Quốc, gia đình các đồng chí Nguyễn Sơn, Vi Quốc Thanh, Trần Canh sang thăm Việt Nam.


Về hợp tác trên các diễn đàn quốc phòng đa phương, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhắc lại sự kiện năm ngoái Thượng tướng Lương Quang Liệt sang Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất, góp phần vào sự thành công của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.


Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, trong quan hệ hai nước còn tồn tại bất đồng trên Biển Đông và “đây là vấn đề lịch sử để lại, chúng ta không né tránh”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, vì thế, quân đội hai nước cần tích cực thực hiện, góp phần vào duy trì hòa bình ổn định trong quan hệ hai nước, đóng góp vào hòa bình phát triển chung ở khu vực. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Trong quá trình xử lí các tình huống phức tạp phát sinh, chúng ta chỉ đạo quân đội hai nước kiềm chế, tuyệt đối không để xảy ra xung đột trên biển”.


Để thực hiện việc này, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu lên nhiều biện pháp. Bộ trưởng cho rằng cần giáo dục cán bộ, chiến sĩ quân đội hai nước tuân thủ những thỏa thuận đã đạt được, duy trì hòa bình ổn định, giải quyết vướng mắc bằng biện pháp hòa bình, công bằng, tôn trọng lợi ích của mỗi bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế mà cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng của quân đội tuyên truyền về tinh thần đoàn kết, truyền thống hữu nghị, thành tựu của hai nước trên tinh thần tin cậy để tăng nhận thức chung giữa hai nước, không nói và làm gì làm tổn hại đến quan hệ hai nước.


Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị hai bên cùng nhau cảnh giác trước những thông tin chia rẽ quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước và hai quân đội. Nhắc lại đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định: “Tuy mở rộng quan hệ với các nước nhưng Việt Nam không chủ trương liên minh với bất cứ nước nào để làm đối trọng với Trung Quốc”.


Phát biểu tại cuộc gặp, Thượng tướng Lương Quang Liệt bày tỏ sự tán thành với ý kiến đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh về quan hệ giữa hai nước, hai quân đội thời gian qua. Thượng tướng Lương Quang Liệt cho rằng trong quan hệ Việt – Trung hơn 60 năm qua, hữu nghị hợp tác luôn là dòng chảy chính; sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau luôn là cơ sở quan trọng để phát triển quan hệ.


Liên quan đến xử lý vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Lương Quang Liệt thống nhất quân đội cần phát huy vai trò tích cực, kiềm chế, thận trọng trong lời nói và hành động, không để vấn đề nóng lên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc mong muốn quân đội hai nước phát huy vai trò và vị trí của mình trong việc duy trì tình hữu nghị trong quan hệ giữa hai nước.


Tin, ảnh: Tường Linh

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Tổng số lượt xem trang