-Son Tran
Huong Hoa Lai-
-Hòa bình của nấm mồ
Tuesday, 28 April 2015 16:11-Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979 - Phạm Thị Hoài dịch
Nguyễn Văn Thiệu và Henry Kissinger
Spiegel: Thưa ông Thiệu, từ 1968 đến 1973 Hoa Kỳ đã nỗ lực thương lượng hòa bình cho Việt Nam. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Henry Kissinger, trưởng phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ đã dùng nhiều trang để miêu tả việc ông, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đã chống lại những nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho một cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm, với hàng triệu nạn nhân và dường như là một cuộc chiến để "bóp nát trái tim Hoa Kỳ". Vì sao ông lại cản trở như vậy?
Nguyễn Văn Thiệu: Nói thế là tuyệt đối vô nghĩa. Nếu tôi cản trở thì đã không có Hiệp định Hòa bình năm 1973 – mặc dù, như ai cũng biết, đó không phải là một nền hòa bình tốt đẹp; hậu quả của nó ở Việt Nam là chứng chỉ rõ ràng nhất. Kissinger đại diện cho chính sách và lợi ích của chính phủ Mỹ. Là Tổng thống Nam Việt Nam, bổn phận của tôi là bảo vệ những lợi ích sống còn của đất nước tôi.
Tôi đã nhiều lần chỉ ra cho Tổng thống Nixon và TS Kissinger rằng, đối với một cường quốc như Hoa Kỳ thì việc từ bỏ một số vị trí không mấy quan trọng ở một quốc gia bé nhỏ như Nam Việt Nam không có gì đáng kể. Nhưng với chúng tôi, đó là vấn đề sinh tử của cả một dân tộc.
Spiegel: Kissinger không phủ nhận rằng cuối cùng ông cũng đồng ý. Nhưng ông ấy cũng nói rằng phải đàm phán lâu như vậy vì ông cản trở nhiều, rằng ông đồng ý với các đề xuất của Mỹ chỉ vì ông chắc mẩm rằng đằng nào thì Hà Nội cũng sẽ bác bỏ.
Nguyễn Văn Thiệu: Không đúng như vậy. Để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 30 năm, người ta cần nhiều thời gian hơn là hai, ba ngày hay hai, ba tháng. Tôi hiểu rõ rằng đối với người Mỹ đã đến giúp chúng tôi, đây là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của họ. Có lẽ vì thế mà họ vội vã như vậy. Nhưng điều chúng tôi cần là một nền hòa bình lâu dài.
Spiegel: Kissinger có ý cho rằng ông không thực sự muốn ký kết một thỏa thuận về hòa bình, đúng ra ông ngầm mong phía miền Bắc cũng sẽ cứng đầu như ông. Kissinger viết rằng ông đồng ý với nhiều đề xuất từ phía Mỹ - trong tinh thần sẵn sàng không tuân thủ, chỉ vì trong thâm tâm ông không tin rằng hòa bình sẽ được ký kết. Có phải là trong khi đàm phán, ông đã bịp, với hy vọng là sẽ không bao giờ phải ngửa bài lên?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Sao lại có thể nói là một dân tộc đã chịu đựng bao nhiêu đau khổ suốt 30 năm lại muốn kéo dài cuộc chiến? Kissinger muốn xúc tiến thật nhanh mọi việc để Mỹ có thể rút quân và tù binh Mỹ được thả. Mà có lẽ mục đích của chính phủ Mỹ cũng là cao chạy xa bay. Họ thì có thể bỏ chạy. Nhưng chúng tôi thì phải ở lại Nam Việt Nam.
Chúng tôi có quyền chính đáng để đòi hỏi một hiệp định hòa bình toàn diện. Không phải là vài ba năm hòa bình, rồi sau đó lại 30 năm chiến tranh.
Nguyễn Văn Thiệu và Richard Nixon tại cuộc họp ở Midway 1969
Spiegel: Vậy tại sao ông lại đi trước cả người Mỹ và tự đề nghị Hoa Kỳ rút quân trong cuộc họp tại đảo Midway ở Thái Bình Dương tháng Sáu 1969, theo tường thuật của Kissinger?
Nguyễn Văn Thiệu: Trước khi họp ở Midway, việc chính phủ Mỹ dự định rút quân đã không còn là điều bí mật. Cho phép tôi nhắc để các ông nhớ lại, tin tức về việc Mỹ sẽ rút một số quân đã loan khắp thế giới, trước cuộc họp ở Midway. Vì sao? Theo tôi, chính phủ Mỹ muốn thả bóng thăm dò, tiết lộ thông tin trước cho báo chí và đẩy chúng tôi vào sự đã rồi.
Spiegel: Tức là ông đã nắm được tình hình?
Nguyễn Văn Thiệu: Đúng thế. Cuộc họp ở Midway nhằm hai mục đích. Thứ nhất, cho hai vị tân tổng thống cơ hội làm quen và bàn về đề tài Việt Nam. Điểm thứ hai đã vạch rất rõ là bàn về việc rút những toán quân Mỹ đầu tiên. Tôi đã không hình dung sai điều gì và đã làm chủ tình thế. Không có gì phải lo lắng, và tôi đã rất vững tâm.
Spiegel: Khi đề xuất Mỹ rút quân, ông có thật sự tin rằng Nam Việt Nam có thể chiến đấu một mình và cuối cùng sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến mà hơn 540.000 lính Mỹ cùng toàn bộ guồng máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ không thắng nổi không? Chuyện đó khó tin lắm.
Nguyễn Văn Thiệu: Không, đề xuất đó không phải của tôi. Tôi chỉ chấp thuận. Tôi chấp thuận đợt rút quân đầu tiên của Mỹ, vì Tổng thống Nixon bảo tôi là ông ấy gặp khó khăn trong đối nội và việc rút quân chỉ mang tính tượng trưng. Ông ấy cần sự ủng hộ của dư luận và của Quốc hội. Nhưng tôi cũng bảo ông ấy rằng: Ông phải chắc chắn rằng Hà Nội không coi việc bắt đầu rút quân đó là dấu hiệu suy yếu của Hoa Kỳ.
Spiegel: Và ông không nghĩ đó là khởi đầu của việc rút quân toàn bộ?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi đã hình dung được rằng, đó là bước đầu tiên để cắt giảm quân số. Nhưng không bao giờ tôi có thể nghĩ Mỹ sẽ rút hẳn và bỏ rơi Nam Việt Nam. Tôi đã trình bày với Tổng thống Nixon rằng việc cắt giảm quân số sẽ phải tiến hành từng bước, như khả năng chiến đấu và việc tiếp tục củng cố Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho phép – tương ứng với những viện trợ quân sự và kinh tế có thể giúp Nam Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình.
Quan trọng hơn, tôi đã bảo ông ấy phải yêu cầu Hà Nội có một hành động tương ứng đáp lại. Phía Mỹ đồng ý với tôi ở mọi điểm; về một sự rút quân từng bước và của cả hai phía...
Spiegel: ... và mang tính tượng trưng?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi hiểu rõ rằng cuộc chiến ở Việt Nam cũng là một vấn đề đối nội của Hoa Kỳ. Và Tổng thống Nixon giải thích rằng ông ấy cần một cử chỉ tượng trưng để giải quyết vấn đề đó. Trước đó một tuần tôi đến Seoul và Đài Loan, tôi đã nói với Tổng thống Park Chung Hee và Tổng thống Tưởng Giới Thạch rằng tôi hy vọng việc rút quân sắp bàn với Tổng thống Nixon ở Midway chỉ là một sự cắt giảm quân số mang tính tượng trưng. Song tôi cũng lưu ý rằng nếu Hoa Kỳ muốn rút hẳn thì chúng tôi cũng không thể ngăn cản. Vậy thì đề nghị họ rút quân từng bước, đồng thời viện trợ để củng cố một quân đội Nam Việt Nam hùng mạnh và hiện đại, có thể thay thế người Mỹ, sẽ là hợp lý hơn. Không bao giờ tôi đặt giả thiết là lính Mỹ sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn.
Spiegel: Mỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc và Tây Đức mà.
Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng chúng tôi là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chúng tôi bảo họ rằng, chúng tôi cần vũ khí và viện trợ, nhưng nhiệt huyết và tính mạng thì chúng tôi không thiếu.
Spiegel: Ông đánh giá thế nào về tình thế của ông khi ấy? Vài tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird vừa đưa ra một khái niệm mới: "Việt Nam hóa chiến tranh". Trước đây người Mỹ chỉ nói đến việc "phi Mỹ hóa" cuộc chiến. Cái khái niệm mới ấy đã thể hiện rõ dự định rút khá nhanh của người Mỹ rồi, đúng không?
Nguyễn Văn Thiệu: Khi đến Sài Gòn vào tháng Bảy 1969, ông Nixon đã nhắc lại rằng ông ấy cần được sự hậu thuẫn của dư luận trong nước Mỹ. Tôi hiểu ông ấy. Nhưng ông ấy không hề tuyên bố rằng việc rút quân là một lịch trình mang tính hệ thống do sáng kiến của Mỹ. Ông ấy chỉ nói với tôi về những khó khăn trong nước, ở Mỹ, và đề nghị tôi giúp. Ông ấy bảo: "Hãy giúp chúng tôi giúp ông." Tôi đáp: "Tôi giúp ông giúp chúng tôi." Trong lần họp mặt đó, chúng tôi lại tiếp tục bàn về việc rút quân từng bước.
Spiegel: Nhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Và ông Nixon lại hứa rằng việc rút quân của Mỹ sẽ phải đi đôi với những hành động tương ứng của Bắc Việt và phải phù hợp với khả năng phòng thủ của Nam Việt Nam cũng như phải phù hợp với việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam.
Spiegel: Ở thời điểm đó ông có nhận ra rằng nếu thấy cần thì Mỹ cũng sẽ sẵn sàng đơn phương rút quân không?
Nguyễn Văn Thiệu: Có, tôi đã ngờ. Nhưng lúc đó tôi vẫn rất vững tâm và tin tưởng vào đồng minh lớn của chúng tôi.
Spiegel: Có lẽ ông tin thế là phải. Cuốn hồi ký của Kissinger cho thấy khá rõ rằng chính phủ Nixon không thể dễ dàng "đình chỉ một dự án liên quan đến hai chính phủ, năm quốc gia đồng minh và đã khiến 31,000 người Mỹ phải bỏ mạng, như thể ta đơn giản chuyển sang một kênh TV khác."
Rõ ràng là người Mỹ muốn thoát khỏi Việt Nam bằng con đường đàm phán. Chỉ trong trường hợp cần thiết họ mới muốn đơn phương rút quân. Ông có đưa ra yêu sách nào liên quan đến những cuộc thương lượng giữa Washington và Hà Nội không?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh và quyết tâm chấm dứt nó qua đàm phán. Chúng tôi yêu cầu những kẻ xâm lăng đã tràn vào đất nước của chúng tôi phải rút đi. Tất cả chỉ có vậy.
Spiegel: Ông đã oán trách rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975 chủ yếu là do sau Hiệp định Paris, miền Bắc vẫn được phép đóng quân tại miền Nam. Ông khẳng định rằng mình chỉ chấp nhận sự hiện diện đó của miền Bắc trong quá trình đàm phán, còn sau khi ký kết thì Hà Nội phải rút quân. Nhưng Kissinger lại khẳng định trong hồi ký rằng ông thừa biết việc Hà Nội sẽ tiếp tục trụ lại ở miền Nam, và cho đến tận tháng Mười 1972 ông cũng không hề phản đối những đề xuất của phía Mỹ liên quan đến điểm này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đó là một lời nói dối hết sức vô giáo dục của Kissinger, rằng tôi chấp thuận cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam. Nếu ngay từ đầu tôi đã chấp thuận như Kissinger nói thì lúc ông ấy cho tôi xem bản dự thảo, trong đó không có điều khoản nào về việc rút quân của Bắc Việt, tôi đã chẳng phản đối quyết liệt như thế.
Điểm then chốt nhất mà tôi dốc sức bảo vệ, từ đầu cho đến khi kết thúc đàm phán, chính là yêu cầu Hà Nội phải rút quân. Tôi đã tuyên bố rõ với Kissinger là nếu không đạt được điều đó thì không có ký kết.
Sau nhiều ngày tranh luận gay gắt, cuối cùng ông ta bảo: "Thưa Tổng thống, điều đó là không thể được. Nếu được thì tôi đã làm rồi. Vấn đề này đã đặt ra ba năm trước, nhưng phía Liên Xô không chấp nhận." Tôi hiểu ra rằng chính phủ Mỹ đã nhượng bộ trước yêu sách của Liên Xô, và đó là nỗi thất vọng lớn nhất của tôi.
Spiegel: Có lẽ Liên Xô không thể làm khác, vì Hà Nội không chấp nhận coi Nam Việt Nam là một quốc gia khác, và một thời gian dài họ còn phủ nhận việc họ đã đưa quân đội chính quy vào miền Nam.
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã chiến đấu hơn 20 năm và học được rằng, đừng bao giờ tin lời Nga Xô và Hà Nội. Bắc Việt đóng quân ở cả Lào, Campuchia và Nam Việt Nam, tôi tin rằng một người mù cũng nhìn ra điều đó. Muốn chấm dứt chiến tranh thì chúng ta phải nhìn vào hiện thực chứ không thể chỉ nghe lời kẻ địch.
Spiegel: Ông có lập luận như thế với Kissinger không?
Nguyễn Văn Thiệu: Tất nhiên, và với cả Tướng Haig nữa. Tôi bảo ông ấy thế này: "Ông Haig, ông là tướng, tôi là tướng. Ông có biết một hiệp định hòa bình nào trong lịch sử lại cho phép kẻ xâm lăng tiếp tục đóng quân tại lãnh thổ mà nó xâm lược không? Ông có cho phép Liên Xô vào Hoa Kỳ đóng quân rồi tuyên bố rằng ông đã ký kết thành công một hiệp định hòa bình với Liên Xô không?"
Spiegel: Ông ấy trả lời sao?
Nguyễn Văn Thiệu: Ông ấy không trả lời được. Mà trả lời thế nào cơ chứ, chuyện đó hoàn toàn vô lý. Còn gì mà nói nữa.
Spiegel: Nhưng Kissinger thì có câu trả lời trong hồi ký. Ông ấy viết rằng khó mà bắt Hà Nội rút quân, vì họ hoàn toàn không sẵn sàng từ bỏ trên bàn đàm phán những thứ mà họ không mất trên chiến trường. Nhưng ông ấy cũng nói rằng trong Hiệp định Paris có một điều khoản không cho phép xâm lấn. Ông ấy đi đến kết luận rằng "lực lượng miền Bắc sẽ tự nhiên tiêu hao sinh lực và dần dần biến mất."
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi thấy chính phủ Mỹ và đặc biệt là TS Kissinger không hề rút ra được bài học nào khi phải đàm phán với cộng sản, sau những kinh nghiệm đau thương năm 1954 giữa Pháp và cộng sản Việt Nam và từ Chiến tranh Triều Tiên. Họ cũng không học được gì từ những cuộc đàm phán về Lào và Campuchia và cũng không nắm bắt được là nên xử sự thế nào với cộng sản và cần phải hiểu chiến lược và chiến thuật của cộng sản ra sao.
Tức là ta lại phải trở về với vấn đề rằng, vì sao TS Kissinger, người đại diện cho một quốc gia lớn và tự cho mình là nhà thương thuyết giỏi giang nhất, lại có thể tin rằng quân Bắc Việt đóng tại miền Nam sẽ không xâm lấn. Sao ông ấy có thể tin như vậy cơ chứ?
Ông ấy đủ sức kiểm soát từng tấc đất trên biên giới của Campuchia, và của Lào, và của Nam Việt Nam à? Dù có cả triệu nhân viên quốc tế giám sát, chúng tôi cũng không bao giờ có thể khẳng định là đã có đủ bằng chứng rằng không có xâm lấn. Sao ông ấy lại có thể tin những gì Bắc Việt nói. Ông ấy có thể tin lời cộng sản, nhưng chúng tôi thì không. Vì thế mà tôi đã cương quyết đòi Bắc Việt phải rút quân. Nếu họ thực sự muốn hòa bình thì họ ở lại miền Nam làm gì?
Spiegel: Vậy Kissinger nói sao?
Nguyễn Văn Thiệu: Còn nói gì được nữa? Ông ấy và chính phủ Mỹ chỉ muốn chính xác có một điều: rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt và đảm bảo việc trao trả tù binh Mỹ. Họ bảo chúng tôi là họ mong muốn một giải pháp trong danh dự, nhưng sự thực thì họ chỉ muốn bỏ của chạy lấy người. Nhưng họ lại không muốn bị người Việt và cả thế giới kết tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là thế kẹt của họ.
Spiegel: Kissinger viết rằng, ngay sau Chiến dịch Xuân-Hè 1972 của Hà Nội, các bên dường như đã đổi vai. Hà Nội đột nhiên muốn đàm phán trở lại, còn Sài Gòn thì muốn đánh cho đến khi giành toàn thắng.
Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn vô nghĩa! Ông TS Kissinger hiểu thế nào là chiến thắng? Bắc Việt đã đem chiến tranh vào miền Nam. Chúng tôi yêu cầu họ phải rút quân. Thế là chiến thắng hay sao? Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt tự coi mình là tù binh của miền Nam. Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt bồi thường cho tổn thất chiến tranh. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi Bắc Việt giao nộp lãnh thổ. Tôi chưa bao giờ đòi có chân trong chính phủ ở Hà Nội. Vậy ông Kissinger hiểu thế nào về chiến thắng và toàn thắng?
Spiegel: Về vấn đề rút quân của miền Bắc, 31 tháng Năm 1971 là một ngày quan trọng. Kissinger cho biết là khi đó, trong các cuộc họp kín, Mỹ đã đưa ra yêu cầu hai bên cùng rút quân. Trong hồi ký, ít nhất ba lần TS Kissinger viết rằng không những ông được thông báo trước, mà ông còn chấp thuận.
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không bao giờ chấp thuận việc rút quân đơn phương. Từ cuộc họp ở Midway, tôi luôn luôn yêu cầu rút quân từng bước và cả hai bên cùng rút. Hoa Kỳ đã thay đổi lập trường và tìm cách ép chúng tôi, với những chiến thuật mà họ thường sử dụng, bằng cách huơ thanh gươm Damocles trên đầu tôi, chẳng hạn họ đem công luận Mỹ ra đe tôi, họ bảo: "Hình ảnh của ông tại Hoa Kỳ hiện nay rất tồi tệ!" Hoặc: "Quốc hội muốn cắt giảm viện trợ." Vân vân. Họ áp dụng đúng những chiến thuật đã biết, tiết lộ thông tin cho báo giới và đặt tôi trước sự đã rồi.
Nếu tôi từ chối, công luận sẽ quay ra chống tôi: "Ông ta đòi quá nhiều, ông ta sẽ không bao giờ cho Mỹ được rút, ông ta sẽ không bao giờ cho tù binh Mỹ được trở về." Thế là tôi luôn phải chấp thuận. Không phải tự nguyện, mà miễn cưỡng. Tôi phản đối làm sao được, khi lần nào họ cũng bảo rằng: "Ông mà chống thì sẽ bị cắt viện trợ."
Spiegel: Kissinger viết rằng trước bất kỳ một quyết định dù dưới hình thức nào, phía Mỹ cũng hỏi ý kiến ông trước.
Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, họ hỏi ý kiến tôi, nhưng chắc chắn không phải là để nghe tôi nói "Không", nếu đó là những quyết định phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Họ ưa gây sức ép hơn, và đạt được gần như mọi thứ bằng cách đó.
Spiegel: Bây giờ Kissinger cay đắng chỉ trích về Chiến dịch Hạ Lào năm 1971. Ông ấy viết rằng, ông đã đồng ý rằng chiến dịch này nhất định phải thực hiện trong mùa khô. Vậy ý tưởng đó ban đầu là của ai?
Nguyễn Văn Thiệu: Của người Mỹ. Trước đó khá lâu, chúng tôi từng có ý định thực hiện, nhưng không đủ khả năng tiến hành một mình. Đến khi phía Mỹ đề xuất thì chúng tôi sẵn sàng đồng ý, để sớm chấm dứt chiến tranh. Chiến dịch đó do liên quân Việt-Mỹ thực hiện và được vạch ra rất rõ ràng: Chúng tôi tác chiến tại Lào, còn phía Mỹ thì hỗ trợ tiếp vận từ Việt Nam và từ biên giới.
Spiegel: Vì sao? Vì Quốc hội Mỹ có luật cấm quân đội Mỹ xâm nhập lãnh thổ Lào?
Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, tôi tin là vậy. Nhưng cũng vì chúng tôi không có đủ phương tiện để tiếp tế cho binh lính, và nhất là để cứu thương binh ra ngoài. Việc đó chỉ có thề thực hiện bằng trực thăng, và chỉ phía Mỹ mới có đủ trực thăng. Không có họ thì không đời nào chúng tôi đồng ý thực hiện chiến dịch tại Lào.
Spiegel: Kissinger viết rằng quân của ông gặp khó khăn khi yêu cầu không quân hỗ trợ, vì gần như không có báo vụ viên nói được tiếng Anh.
Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn không có vấn đề gì với việc hỗ trợ của không quân. Đôi khi không có thì chúng tôi cũng không lo lắng; chúng tôi có thể dùng pháo binh. Vấn đề là: trong ba ngày mở đầu chiến dịch, phía Mỹ đã mất rất nhiều phi công trực thăng. Vì thế mà họ chần chừ, không bay đúng thời điểm và ở quy mô cần thiết. Điều đó thành ra một vấn đề lớn với quân lực Nam Việt Nam.
Spiegel: Tinh thần binh lính bị suy sụp?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi không đem được binh lính tử trận và thương binh ra ngoài. Không phải chỉ tinh thần binh lính, mà cả tiến độ của chiến dịch cũng bị ảnh hưởng.
Spiegel: Kissinger nêu ra một lý do khác. Rằng ông đã lệnh cho các sĩ quan chỉ huy phải thận trọng khi tiến về hướng Tây và ngừng chiến dịch nếu quân số tổn thất lên tới 3000. Kissinger viết rằng nếu phía Mỹ biết trước điều đó thì không đời nào họ đồng ý tham gia chiến dịch này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đối với một quân nhân, định trước một tổn thất về quân số là điều phi lý. Nếu TS Kissinger nói thế thì ông ấy thật giàu trí tưởng tượng. Chúng tôi chỉ có thể tiến về phía Tây trong giới hạn mà trực thăng cứu viện có thể bay đến. Kissinger bảo là chúng tôi đã rút quân mà không báo cho phía Mỹ. Làm sao chúng tôi có thể triệt thoái trên 10,000 quân mà họ không hay biết gì?
Spiegel: Tức là ông đã thông báo cho họ?
Nguyễn Văn Thiệu: Ồ, tất nhiên. Để tôi kể cho ông nghe một câu chuyện. Hồi đó tờ Time hay tờ Newsweek có đăng bức hình một người lính Nam Việt Nam đang bám vào càng một chiếc trực thăng cứu viện. Bên dưới đề: "Nhát như cáy". Tôi chỉ cười. Tôi thấy nó tệ. Không thể ngăn một người lính lẻ loi hành động như vậy được. Nhưng báo chí lại kết tội lính Nam Việt Nam là hèn nhát và đồng thời giấu biến sự thật về tinh thần chiến đấu sút kém của phi công trực thăng Mỹ trong chiến dịch này.
Spiegel: Một điểm gây rất nhiều tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam là vấn đề ngưng bắn. Theo cuốn hồi ký của Kissinger thì ngay từ mùa Hè 1970 chính phủ Mỹ đã thống nhất về việc sẽ đề xuất một thỏa thuận ngưng bắn tại các chiến tuyến hiện có. Kissinger khẳng định rằng ông không chỉ chấp thuận mà còn ủng hộ đề xuất này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đúng như vậy, tôi cũng cho rằng ngưng bắn phải là bước đầu tiên để đáp ứng một hiệp định hòa bình. Nhưng ngưng bắn ngay lập tức – và tôi xin nhắc lại: ngay lập tức – thì tôi không bao giờ đồng ý với Kissinger. Tôi bảo, chúng ta phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc này. Không thể thực hiện ngưng bắn trước khi tính kỹ việc ai sẽ giám sát việc ngưng bắn, nếu ai vi phạm thì hậu quả sẽ thế nào, hai bên sẽ đóng quân ở đâu, vân vân.
Spiegel: Kissinger viết: "Khi đó chúng tôi vẫn tưởng rằng chúng tôi và Thiệu cùng đồng hành hợp tác." Phía Mỹ đã không hiểu rằng ông đem những "chiến thuật né tránh" mà "người Việt thường áp dụng với người ngoại quốc" ra dùng.
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi là một nước nhỏ, gần như mọi thứ đều nhờ ở một đồng minh lớn và vẫn tiếp tục phải xin viện trợ dài hạn của đồng minh đó, không bao giờ chúng tôi lại cho phép mình dùng những thủ đoạn nào đó.
Spiegel: Khi Mỹ đã rút, còn Hà Nội thì được phép tiếp tục đóng quân ở miền Nam, chắc ông phải thấy là ông đã thua trong cuộc chiến này?
Nguyễn Văn Thiệu: Không hẳn, nếu chúng tôi tiếp tục được sự trợ giúp cần thiết từ phía Mỹ, như chính phủ Mỹ đã hứa khi chúng tôi đặt bút ký hiệp định. Ngay cả khi ký, tôi đã coi đó là một nền hòa bình tráo trở.
Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể chống lại bất kỳ sự xâm lăng nào của Bắc Việt. Vì hai lý do: Chúng tôi có lời hứa chắc chắn bằng văn bản của Tổng thống Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng quyết liệt, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Spiegel: Mặc dù ông ấy không hề cho biết sẽ phản ứng bằng cách nào.
Nguyễn Văn Thiệu: Thứ hai, chúng tôi được đảm bảo là sẽ có đủ viện trợ quân sự và kinh tế cần thiết để chống Bắc Việt xâm lược. Nếu chính phủ Mỹ thực lòng giữ lời hứa thì chiến tranh có thể kéo dài, nhưng miền Nam sẽ không bị Bắc Việt thôn tính.
Spiegel: Về điều này thì ông và Kissinger ít nhiều đồng quan điểm. Ông ấy viết rằng chiến lược toàn cục có thể sẽ thành công, nếu Mỹ đủ khả năng hành động trước bất kỳ một vi phạm nào của Hà Nội và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho miền Nam. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Kissinger quy lỗi cho vụ Watergate, vì sau đó Tổng thống Mỹ không còn đủ uy tín. Ông có nghĩ rằng vụ Watergate thực sự chịu trách nhiệm, khiến tất cả sụp đổ không?
Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không phải là người Mỹ. Tôi không muốn quét rác trước cửa nhà người Mỹ. Nhưng nếu người Mỹ giữ lời hứa thì đó là sự cảnh báo tốt nhất, khiến Bắc Việt không tiếp tục xâm lăng, và chiến tranh có thể sẽ dần chấm dứt.
Spiegel: Nếu Hoa Kỳ giữ lời thì theo ông, hiệp định hoàn toàn có thể thành công?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi cho là như vậy.
Spiegel: Như vậy về tổng thể, Hiệp định Paris không đến nỗi tồi?
Nguyễn Văn Thiệu: Đó chắc chắn không phải là một hiệp định có lợi cho chúng tôi. Nó tráo trở. Nhưng đó là lối thoát cuối cùng. Ông phải hiểu rằng chúng tôi đã ký kết, vì chúng tôi không chỉ có lời hứa của chính phủ Mỹ như tôi đã nói, mà hiệp định đó còn được mười hai quốc gia và Liên Hiệp Quốc đảm bảo.
Spiegel: Trong cuốn hồi ký, TS Kissinger có những bình luận rát mặt về khá nhiều chính khách đầu đàn. Nhưng riêng ông thì bị ông ấy dành cho những lời hạ nhục nhất. Tuy đánh giá cao "trí tuệ", "sự can đảm", "nền tảng văn hóa" của ông, nhưng ông ấy vẫn chú tâm vào "thái độ vô liêm sỉ", "xấc xược", "tính vị kỷ chà đạp" và "chiến thuật khủng khiếp, gần như bị ám ảnh điên cuồng" trong cách ứng xử với người Mỹ của ông. Vì thế, cuối cùng Kissinger nhận ra "sự phẫn nộ bất lực mà người Việt thường dùng để hành hạ những đối thủ mạnh hơn về thể lực". Ý kiến của ông về những khắc họa đó thế nào?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không muốn đáp lại ông ấy. Tôi không muốn nhận xét gì về ông ấy. Ông ấy có thể đánh giá tôi, tốt hay xấu, thế nào cũng được. Tôi muốn nói về những điều đã xảy ra giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hơn.
Spiegel: Hay ông đã làm gì khiến ông ấy có cái cớ để viết về ông với giọng coi thường như thế?
Nguyễn Văn Thiệu: Có thể ông ấy đã ngạc nhiên vì gặp những người quá thông minh và mẫn cán. Có thể cũng do cái phức cảm tự tôn của một người đàn ông hết sức huênh hoang. Có thể ông ấy không tin nổi là người Việt đối thoại với ông ta lại địch được một người tự coi mình là vô cùng quan trọng.
Để tôi kể thêm một câu chuyện nữa: Ở đảo Midway tôi thấy buồn cười, vì thật chẳng bao giờ tôi có thể hình dung là những người như vậy lại tệ đến thế. Chúng tôi, gồm ông Nixon, ông Kissinger, phụ tá của tôi và tôi, gặp nhau ở nhà một sĩ quan chỉ huy hải quân ở Midway. Ở đó có ba chiếc ghế thấp và một chiếc ghế cao. Ông Nixon ngồi trên chiếc ghế cao.
Spiegel: Như trong phim Nhà độc tài vĩ đại của Chaplin? Hitler cũng ngồi trên một chiếc ghế cao để có thể nhìn xuống Mussolini, ngồi trên một chiếc ghế thấp hơn.
Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng tôi vào góc phòng lấy một chiếc ghế cao khác, nên tôi ngồi ngang tầm với Nixon. Sau buổi gặp đó ở Midway, tôi nghe bạn bè người Mỹ kể lại rằng Kissinger đã rất bất ngờ vì Tổng thống Thiệu là một người như vốn dĩ vẫn vậy.
Spiegel: Trong hồi ký, Kissinger phàn nàn là đã bị cá nhân ông đối xử rất tệ; ông bỏ hẹn để đi chơi trượt nước. Nixon còn quá lời hơn. Theo Kissinger thì Nixon đã gọi ông là "đồ chó đẻ" (son of a bitch) mà Nixon sẽ dạy cho biết "thế nào là tàn bạo".
Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không thể cho phép mình đáp lại những lời khiếm nhã, thô tục đó của Nixon, vì tôi xuất thân từ một gia đình có nề nếp.
Nếu tôi không tiếp TS Kissinger và Đại sứ Bunker thì đơn giản chỉ vì chúng tôi chưa chuẩn bị xong để tiếp tục đàm thoại. Họ đã cần đến 4 năm, vậy vì sao lại bắt tôi trả lời ngay lập tức trong vòng một tiếng đồng hồ? Có lẽ họ sẽ hài lòng, nếu chúng tôi chỉ biết vâng dạ. Nhưng tôi không phải là một người chỉ biết vâng dạ, và nhân dân Nam Việt Nam không phải là một dân tộc chỉ biết vâng dạ, và Quốc hội của chúng tôi không phải là một Quốc hội chỉ biết vâng dạ. Mà tôi phải hỏi ý kiến Quốc hội.
Spiegel: TS Kissinger viết rằng thái độ của ông với ông ấy chủ yếu xuất phát từ "lòng oán hận độc địa".
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi chỉ bảo vệ lợi ích của đất nước tôi. Dĩ nhiên là đã có những cuộc tranh luận nảy lửa, nhưng thái độ của tôi xuất phát từ tinh thần yêu nước của tôi.
Spiegel: Kissinger viết rằng ông ấy hoàn toàn "thông cảm với hoàn cảnh bất khả kháng" của ông. Ông có thấy dấu hiệu nào của sự thông cảm đó không?
Nguyễn Văn Thiệu: Không, tôi không thấy. Tôi chỉ thấy duy nhất một điều, đó là áp lực từ phía chính phủ Mỹ.
Spiegel: Kissinger viết rằng ông không bao giờ tham gia vào các buổi thảo luận về chủ trương chung. Ông ấy bảo rằng ông chiến đấu "theo kiểu Việt Nam: gián tiếp, đi đường vòng và dùng những phương pháp khiến người ta mệt mỏi hơn là làm sáng tỏ vấn đề", rằng ông "chê bai mọi thứ, nhưng không bao giờ nói đúng vào trọng tâm câu chuyện".
Nguyễn Văn Thiệu: Hãy thử đặt mình vào tình thế của tôi: Ngay từ đầu tôi đã chấp nhận để chính phủ Mỹ họp kín với Hà Nội. Kissinger bảo là đã thường xuyên thông báo cho tôi. Vâng, tôi được thông báo thật – nhưng chỉ về những gì mà ông ấy muốn thông báo. Nhưng tôi đã tin tưởng rằng đồng minh của mình sẽ không bao giờ lừa mình, không bao giờ qua mặt tôi để đàm phán và bí mật bán đứng đất nước tôi.
Các ông có hình dung được không: vỏn vẹn bốn ngày trước khi lên đường đến Hà Nội vào tháng Mười 1972, ông ấy mới trao cho tôi bản dự thảo mà sau này sẽ được chuyển thành văn bản hiệp định ở Paris, bằng tiếng Anh? Chúng tôi phải làm việc với bản dự thảo tiếng Anh này, từng điểm một.
Và bản dự thảo đó không phải do Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ soạn ra, mà do Hà Nội cùng Hoa Kỳ soạn ra. Các ông có thể tưởng tượng được điều đó không? Lẽ ra, trước hết phía Mỹ nên cùng chúng tôi thống nhất quan điểm về những điều kiện đặt ra cho hiệp định, và sau đó, nếu Bắc Việt có đề nghị gì khác thì Kissinger phải trở lại hội ý với chúng tôi. Nhưng ông ấy không hề làm như vậy.
Thay vào đó, ông ấy cùng Bắc Việt soạn ra các thỏa thuận rồi trình ra cho tôi bằng tiếng Anh. Các ông có thể hiểu cảm giác của tôi khi cầm văn bản của hiệp định hòa bình sẽ quyết định số phận của dân tộc tôi mà thậm chí không buồn được viết bằng ngôn ngữ của chúng tôi không?
Spiegel: Nhưng cuối cùng ông cũng có bản tiếng Việt?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi cương quyết đòi bản tiếng Việt, đòi bằng được. Mãi đến phút cuối cùng ông ấy mới miễn cưỡng chấp nhận. Sau đó chúng tôi phát hiện ra rất nhiều cái bẫy. Tôi hỏi Đại sứ Bunker và Kissinger, ai đã soạn bản tiếng Việt. Họ bảo: một người Mỹ rất có năng lực thuộc International Linguistics College tại Hoa Kỳ cùng với phía Hà Nội. Nhưng làm sao một người Mỹ có thể hiểu và viết tiếng Việt thành thạo hơn người Việt. Và làm sao một người Mỹ có thể ứng đối bằng tiếng Việt với cộng sản Bắc Việt giỏi hơn chính chúng tôi? Đồng minh mà như thế thì có chân thành và trung thực không?
Spiegel: Một số quan chức cao cấp ở Hoa Kỳ từng nhận định rằng thực ra Kissinger chỉ cố gắng đạt được một khoảng thời gian khả dĩ giữa việc Mỹ rút quân và sự sụp đổ tất yếu của Nam Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Kissinger bác bỏ quan niệm đó. Ý kiến của ông thì thế nào?
Nguyễn Văn Thiệu: Bất kể người Mỹ nói gì, tôi tin rằng mục đích cuối cùng của chính phủ Mỹ là một chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam.
Spiegel: Nhưng Kissinger đưa ra cả một loạt điểm để chứng minh rằng không phải như vậy.
Nguyễn Văn Thiệu: Chính phủ Mỹ tìm cách ép chúng tôi phải đồng ý. Để họ có thể hãnh diện là đã thoát ra được bằng một "thỏa thuận danh dự". Để họ có thề tuyên bố ở Hoa Kỳ rằng: "Chúng ta rút quân về nước, chúng ta đảm bảo việc phóng thích tù binh Mỹ." Và ở ngoài nước Mỹ thì họ nói rằng: "Chúng tôi đã đạt được hòa bình cho Nam Việt Nam. Bây giờ mọi chuyện do người dân Nam Việt Nam định đoạt. Nếu chính phủ liên hiệp biến thành một chính phủ do cộng sản chi phối thì đó là vấn đề của họ. Chúng tôi đã đạt được một giải pháp danh dự."
Spiegel: Kissinger viết như sau: "Nguyên tắc mà chúng tôi tuân thủ trong các cuộc đàm phán là: Hoa Kỳ không phản bội đồng minh."
Nguyễn Văn Thiệu: Ông cứ nhìn miền Nam Việt Nam, Campuchia và toàn bộ Đông Dương hiện nay thì biết. Khi tranh luận với các đại diện chính phủ Mỹ về hiệp định hòa bình, chúng tôi thường có ấn tượng rằng họ không chỉ đóng vai, mà thực tế là đã biện hộ cho ác quỷ.
Spiegel: Có bao giờ ông thấy một chút gì như là biết ơn đối với những điều mà người Mỹ đã làm để giúp nước ông không? Trong cuốn sách của mình, Kissinger viết rằng: "Biết công nhận những cống hiến của người khác không phải là đặc tính của người Việt."
Nguyễn Văn Thiệu (cười): Về những điều mà Kissinger viết trong cuốn sách của ông ấy thì tôi cho rằng chỉ một người có đầu óc lộn bậy, chỉ một người có tính khí tởm lợm mới nghĩ ra được những thứ như vậy. Trong cuốn sách đó ông ấy còn tỏ ý sợ người Việt sẽ đem những người Mỹ còn sót lại ra trả thù, sau khi Washington bỏ rơi chúng tôi. Không bao giờ chúng tôi làm những điều như thế, không bây giờ và không bao giờ.
Spiegel: Cá nhân ông có cảm thấy một chút hàm ơn nào với họ không?
Nguyễn Văn Thiệu: Hết sức thực lòng: Nếu chính phủ Mỹ không phản bội, không đâm dao sau lưng chúng tôi thì nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn họ. Có lần, sau khi chúng tôi tranh luận rất kịch liệt về một văn bản trong hiệp định, một số thành viên trong chính phủ của tôi bảo rằng, nếu Kissinger lập công với miền Nam như ông ta đã lập công với miền Bắc thì may mắn biết bao. Tôi bảo họ: nếu ông ấy thương lượng được một nền hòa bình thực sự với Hà Nội thì miền Nam sẽ dựng tượng ông ấy, như MacAthur ở Nam Hàn. Nhưng đáng tiếc là đã không như vậy. Nhìn vào những hậu quả của nền hòa bình ấy: trại tập trung cải tạo, nạn đói, nhục hình tra tấn, hàng ngàn thuyền nhân bỏ mạng trên biển, và một cuộc diệt chủng tàn bạo hơn, hệ thống hơn và hoạch định hơn cả ở Campuchia, tôi nghĩ tốt nhất là người Mỹ nên tự đánh giá những điều mà ông Nixon và ông Kissinger đã gây ra cho miền Nam Việt Nam. Kissinger không có gì để tự hào về nền hòa bình mà ông ấy đã đạt được. Đó là hòa bình của nấm mồ.
Spiegel: Xin cảm ơn ông Thiệu đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
(Nguồn: "Die Amerikaner haben uns verraten", tạp chí Spiegel số 50/1979. Những người thực hiện: Engel, Johannes K., Lohfeldt, Heinz P.)-
-Một Bí Ẩn Cần Tiết Lộ Trong Chuyện Bức Tử Miền Nam Năm 1975
27/04/2015 Tác giả :Trần Viết Đại Hưng (Cập nhật hóa 03/04/2005)
Miền nam Việt Nam đã mất vào tay cộng sản đến nay cũng đã hơn 25 năm. Biết bao nhiêu cuốn sách đã viết để nói lên sự thất trận của miền nam. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại làm sao một quân đội gồm một triệu quân binh hùng tướng mạnh như thế lại có thể sụp đổ chỉ trong vòng có 55 ngày. Có phải quân cộng sản miền Bắc quá tài giỏi chăng? Chắc chắn là không phải như vậy, quân miền Nam đã đương đầu ngang ngửa với miền Bắc trong suốt bao nhiêu năm trời. Quân đội miền Nam đã từng tái chiếm tỉnh Quảng Trị từ tay Bắc quân, từng giữ vững An Lộc trong khi bị mỗi ngày từ 8000 đến 10000 trái đạn pháo, thế thì tại sao miền Nam lại sụp đổ quá mau chóng trong trận chiến năm 1975. Phải chăng có một âm mưu bức tử miền Nam? Câu hỏi này đã có nhiều người nói đến nhưng chưa ai trưng ra được bằng chứng cụ thể về chuyện bức tử miền nam. Bài viết này nhằm tiết lộ một bí mật lịch sử nhằm trả lời cho câu hỏi đó.
Tôi đến Mỹ năm 1980 . Tình cờ đi thuê phòng ở gia đình một người Việt Nam trong vùng Los Angeles thì gặp được người chủ nhà người Nam tên HTH. Ở chung nhà với nhau anh có kể cho tôi nghe chuyện anh ra khỏi Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975 như thế nào và những lời anh kể đúng là chứng liệu lịch sử giúp người Việt nhìn lại biến cố 1975 với tất cả những sự thật trần trụi, phũ phàng của nó.
Anh H kể rằng lúc Đà Nẵng bị tràn ngập thì anh tìm cách đi xà lan ra khơi để cặp vào tàu lớn.(Anh vốn là một thanh tra hành chánh, đang làm công việc thanh tra tại Đà nẵng vào những ngày chiến trận sôi động tại Đà Nẵng.) Lúc lên tàu thì anh gặp được Trung tướng Ngô quang Trưởng đang ở trên tàu. Theo như anh nghe lại những người trên tàu kể lại là lúc tướng Trưởng lên tàu, ông bị ngất xỉu. Ông được một bác sĩ quân y tên Ngô quang Nghiêm chích cho một mũi thuốc khỏe và tướng Trưởng tỉnh lại. Lúc gặp anh H bạn tôi trên tàu, tướng Trưởng có nói một câu như thế này " Tôi không ngờ tình tình chính trị đi nhanh hơn tình hình quân sự." Có thể giải thích câu nói này một cách đầy đủ là " Sự sụp đổ quá nhanh chóng của vùng 1 là do sự dàn xếp chính trị chứ tình hình quân sự không thể nào diễn tiến tồi tệ đến như vậy". Tướng Trưởng hiện nay định cư tại Virginia và Bác sĩ Ngô quang Nghiêm hiện đang ở tiểu bang Texas. Ai muốn tìm hiểu sự trung thực của câu chuyện kể trên, xin liên lạc để kiểm chứng với tướng Trưởng và Bác sĩ Nghiêm.
Trung tướng Ngô quang Trưởng là một trong những tướng lãnh giỏi và xuất sắc nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tài nghệ dụng binh của ông đã để lại những câu chuyện trở thành huyền thoại. Năm 1968, cộng sản chiếm thành phố Huế trong vòng 25 ngày. Ông Trưởng lúc ấy đóng tại đồn Mang Cá tại Huế. Những cuốn sách của Cộng sản xuất bản sau 1975 nói về trận đánh Huế cho biết Cộng sản đã nhiều lần cho quân xung phong để chiếm cho được đồn Mang cá do Ngô quang Trưởng chỉ huy nhưng lần nào cũng thất bại và bị thiệt hại nhân mạng khá nhiều. Ông Trưởng giữ vững đồn Mang Cá cho đến khi thành phố Huế được quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm trở lại.
Đại tướng Mỹ Norman Schwarzkopf, một anh hùng của Mỹ trong trận chiến vùng vịnh với Saddam Hussein, sau khi về hưu có viết một cuốn hồi ký tên " It does not take a hero " ( Không cần có một anh hùng) kể lại cuộc đời binh nghiệp của ông từ nhỏ cho đến khi ông về hưu. Ông không quên nhắc đến tướng Ngô quang Trưởng với sự thán phục về tài điều khiển hành quân của tướng Trưởng . ( Lúc qua Việt Nam, tướng Schwarzkopf là thiếu tá, làm cố vấn cho Đại tá Ngô quang Trưởng). Trong cuốn hồi ký có những đoạn đề cập đến Tướng Trưởng như sau:
" ...Colonel Ngo Quang Truong was General Dong's chief of staff. He did not look like my ideas of a military genius: only five feet seven, in his midforties, very skinny, with hunched shoulders and a head that seemed too big for his body. His face was pinched and intense, not at all handsome, and there was always a cigarette hanging from his lips. Yet he was revered by his officers and troops- and feared by those North Vietnamese commanders who knew his ability. Any time a particular tricky operation came up, Dong put him in commamnd. ( Trang 122)
" Tạm dịch : Đại tá Ngô Quang Trưởng là tham mưu trưởng của tướng Đống ( Dư quốc Đống). Ông ta không giống hình ảnh một thiên tài quân sự mà tôi thường nghĩ đến : cao chỉ 5 bộ 7 ( chừng 1m70), ở lứa tuổi giữa bốn mươi, rất ốm, với lưng gù và có cái đầu dường như quá to so với thân hình của ông. Gương mặt ông nhăn nhúm và rắn rỏi, không đẹp trai tí nào cả, và trên miệng ông luôn có điếu thuốc lá nằm ở đó. Thế mà ông được những viên chức và binh lính của ông kính nể - và làm kinh sợ những cấp chỉ huy của miền Bắc, những người biết khả năng của ông. Bất cứ khi nào có một chuyện hành quân mưu mẹo đặc biệt nào đó xảy ra, Đống đặt ông vào nhiệm vụ chỉ huy).
" ....Simply by visualizing the terrain and drawêing on his experience fighting the enemy for fifteen years, Truong showed an uncanny ability to predict what they were going to do."
( Trang 123)
" ... Chỉ đơn giản hình dung ra địa thế và moi lại kinh nghiệm chiến đấu chống kẻ thù trong mười lăm năm, Trưởng đã chứng tỏ khả năng kỳ lạ của ông trong chuyện tiên đoán chúng sẽ làm gì."
" I'd never heard anything like this at West Point. I was thinking, " What's all this about eight o'clock and eleven o'clock? How can he schedule a battle that way?" But i also recognized the outline of his plan: Truong had reinvented the tactics Hannibal had used in 217 B.C when he enveloped and annihilated the Roman legions on the banks of Lake Trasimene."
( Trang 123)
" Tôi chưa từng nghe thấy điều gì như thế này tại trường võ bị West Point. Tôi nghĩ " Cái gì mà 8 giờ và 11 giờ thế này ? Ông ta sắp xếp trận đánh kiểu gì đây? " Nhưng tôi cũng nhận ra được nét đại cương của kế hoạch của ông : Trưởng đã tái sáng chế ra cái chiến thuật mà Hannibal đã dùng vào năm 217 trước Công Nguyên khi ông bao vây và tiêu diệt quân đoàn La Mã trên những bờ hồ Trasimene."
Những lời ca ngợi của đại tướng Schwarzkopf về tướng Trưởng nói trên đủû để xác định tướng Trưởng là một thiên tài quân sự. Tướng Ngô Quang Trưởng cũng chính là người chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm lại thành phố Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thế thì vùng 1 sao lại mất quá dễ dàng vào tay cộng sản trong tháng 3 năm 1975. Nhìn lại tình tình lúc đó thì rõ ràng tướng Trưởng đã lọt vào một " mê hồn trận " do Saigòn đề ra khiến ông không còn chủ động để điều binh khiển tướng được nữa. Những lệnh bất nhất từ Sài gòn đưa ra như bảo giữ Huế rồi lại ra lệnh bỏ Huế, bảo giữ Đà Nẵng rồi lại ra lệnh bỏ Đà Nẵng. Những lệnh quái gỡ như thế đã trói tay thiên tài quân sự Ngô Quang Trưởng và kết quả là vùng 1 đã mất vào tay Cộng Sản mà quân đội miền Nam tại vùng 1 chưa có dịp để đánh trận nào cả. Với con mắt của người chỉ huy quân sự chuyên nghiệp, tướng Trưởng đã nhìn thấy rất rõ âm mưu giật sập miền Trung của Sàigòn cho nên ông mới thốt ra câu nói " Tôi không ngờ tình hình chính trị đi nhanh hơn tình hình quân sự"với anh bạn tôi.
Mấy năm trước đây, báo chí Việt ngữ hải ngoại có tìm gặp Trung tướng Ngô quang Trưởng để tìm hiểu về chuyện tan rã của quân đoàn 1 vào tháng 3 năm 1975, tướng Trưởng đã thẳng thắn kể lại những chuyện xảy ra đối với quân đoàn 1 do ông chỉ huy. Những lời kể của ông được nghệ sĩ Lê bá Chư ghi lại trong bài viết mang tên " Vì sao tôi bỏ quân đoàn 1" có nội dung như sau:
" Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp, tôi vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp tổng thống và thủ tướng ( Trần thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra, không có ai khác. Thường lệ, khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầy đủ mặt các vị tư lệnh quân đoàn và tư lệnh các quân binh chủng khác. Lần này, thì chỉ có một mình tôi thôi. Tôi thắc mắc lo lắng. Nhưng khi Tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông là phải rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi. Thật ra, lúc đó tình hình tại Huế, Quảng Ngãi, và Đà nẵng tuy có hơi nặng nề vì địch tấn công liên tiếp, tuy nhiên tôi đủ sức chống giữ và sẽ tăng cường Sư đoàn Dù cùng với Thủy Quân Lục Chiến ra những vùng đó để lấy lại ưu thế. Tôi trình bày cặn kẽ những ý kiến cũng như dự định của tôi lên tổng thống và thủ tướng nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di bất dịch là: Phải rút Quân đoàn 1 càng sớm càng hay.
Trở ra quân đoàn 1, tôi cho triệu tập tất cả các vị tư lệnh sư đoàn, tỉnh trưởng, tiểu khu trưởng, và các sĩ quan tham mưu quân đoàn để họp. Thái độ khác thường của tôi làm các sĩ quan trong buổi họp hôm đó có vẻ nghi ngờ, thắc mắc. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ hỏi sơ qua tình hình và nói vu vơ quanh quẩn. Chứ làm sao tôi có thể ra lệnh thẳng khi chỉ với một mình tôi là tư lệnh quân đoàn mà thôi. Vì vậy cuộc họp hôm đó cũng chẳng mang lại kết quả nào như ý tôi mong muốn. Lệnh của Tổng thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân đoàn 1 vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân đoàn 2 vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc lộ 22 làm ranh giới. Việt Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên.
Cái sai lầm của Trung ương là không cho các thuộc cấp biết ý định của mình. Nghĩa là các vị tư lệnh các quân binh chủng, tổng bộ trưởng, tư lệnh sư đoàn v..v đã không biết gì về lệnh rút quân của Quân đoàn 1 và 2 cả. Lệnh này chỉ có tổng thống, thủ tướng, Đại tướng Cao văn Viên, tôi ( tư lệnh Quân doàn 1), và tư lệnh Quân đoàn 2 ( tướng Phạm văn Phú) biết mà thôi. Do đó thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa tham mưu và các cấp, không có kế hoạch rút quân đàng hoàng, lệnh đột ngột không có cả thì giờ để xếp đặt kế hoạch, gây hoang mang cho binh sĩ, nhất là khi gia đình họ cũng không được bảo vệ đúng mức thì làm sao tránh khỏi hoang mang? Ai cũng lắng nghe tin tức thân nhân ở bên ngoài doanh trại. Thêm vào đó, tin tức Ban mê Thuộc, Pleiku, Kontum bị chiếm, Huế bỏ ngỏ, dân chúng Huế chạy vào Đà Nẵng ngày một đông gây cảnh xáo trộn kinh hoàng cho dân Đà Nẵng. Rồi sau đó là Chu Lai bị áp lực nặng. Tôi ra lệnh cho tướng Trần văn Nhựt rút Sư đoàn 2 từ Chu Lai ra trấn tại Lý Sơn ( Cù Lao Ré) để kiểm soát đường biển, sợ địch ra chiếm đóng thì đường biển sẽ bị khó khăn. Trong khi đó, cảnh hỗn loạn đã xảy ra phần lớn do dân chúng hốt hoảng từ chỗ này sang chỗ khác làm cho binh sĩ nao núng và cũng chạy theo thân nhân. Mở miệng ra lệnh cho họ rút quân, trong khi mới hôm qua, tuyên bố với lòng dạ sắt đá, nói cứng rắn với anh em là quyết giữ để không mất một tấc đất ở vùng 1 là một chuyện thật khó làm.
Sau đó tôi suy nghĩ kỹ hơn và quyết định gọi Đại tướng Cao văn Viên nhờ xin tổng thống Thiệu cho tôi được dùng mọi cách để giữ Huế và vùng 1. Làm sao tôi có thể bỏ Huế và vùng 1 ? Làm sao tôi bỏ được vùng đất sỏi đá này khi bao nhiêu chiến hữu của tôi đã đổ máu để gìn giữ ? Nhất là trong vụ Mậu Thân, máu anh em đã đổ nhiều.
Tổng thống Thiệu rung động, chấp thuận cho tôi giữ Huế. Sáng 18 tháng 3 năm 1975, tôi ra Huế gặp tướng Lâm quang Thi ( tư lệnh phó Quân đoàn 1) vốn là người đang chỉ huy tại Huế. Tôi chỉ thị: Giữ Huế cho thật vững. Chiều hôm đó về đến Đà Nẵng, tôi nhận được một lệnh do Đại tướng Cao văn Viên thừa lệnh tổng thống yêu cầu tôi " bỏ Huế". Lệnh đó làm cho tôi chết lặng người. Vì mới buổi sáng nay ở Huế, tôi đã ra lệnh cho tướng Thi giữ Huế. Bây giờ đột nhiên được lệnh bỏ thì tôi biết ăn nói làm sao với tướng Thi và anh em binh sĩ đây. Nhưng tôi vẫn phải đành thi hành theo lệnh trên. Tôi gọi điện thoại thông báo lệnh bỏ Huế cho tướng Thi. Tướng Thi trả lời ngay, " Ở Huế bây giờ xã ấp phường khóm tốt quá, đâu đâu tình hình cũng tốt cả, mà tại sao anh bảo tôi bỏ là bỏ làm sao? Tôi buồn bã trả lời, " Tôi biết rồi, nhưng xin anh bỏ Huế dùm tôi, đó là lệnh trên, không bỏ là không được." Kết quả là tướng Thi thi hành lệnh bỏ Huế, và dồn quân đến cửa Thuận An để tàu Hải quân chở lính về Đà Nẵng.
Trong khoảng thời gian từ 13 đến 18 tháng 3, hàng đêm tôi gọi điện thoại cho Thủ tướng Khiêm và báo cáo mọi biến chuyển, từ công việc hành chánh đến quân sự.. Tình hình khó khăn, địch tấn công mà lại thêm cái lệnh " phải rút càng sớm càng tốt " lan truyền rỉ rả cho nên binh sĩ và công chức hết sức xôn xao. Tôi báo cáo mọi việc và xin thủ tướng ra quan sát tình hình. Sáng 19 tháng 3 năm 1975, Thủ tướng Khiêm đến, tôi cho tập họp tất cả các vị tư lệnh sư đoàn, tỉnh trưởng, thị trưởng, bộ tham mưu và các trưởng phòng sở hành chánh để thủ tướng nói chuyện. Trước khi thủ tướng đến, tôi đã nói chuyện với anh em có mặt tại hôm đó rằng tình hình khẩn trương, anh em phải nói lên sự thật đang xảy ra trong thực tế tại nơi này để thủ tướng biết rõ tình hình mà giải quyết cấp thời, chứ đừng có giữ thái độ " trình thưa dạ bẩm" trong lúc này nữa. Phải thẳng thắn mà nói lên sự thật. Nhưng sau khi thủ tướng nói chuyện xong đến phần thắc mắc thì cũng có ai nói gì cả. Tôi rất buồn vì anh em không chịu nghe lời tôi để nói cho thủ tướng biết những sự thật về tình hình hiện tại. Duy chỉ có một mình Đại tá Kỳ, tình trưởng Quảng Trị, có hỏi một câu, " Thưa thủ tướng, trong mấy ngày vừa qua, có một số công chức đã tự ý bỏ nhiệm sở, không đến làm việc, thế thì phải dùng biện pháp gì để trừng phạt những người đó? Câu hỏi thật hay nhưng thủ tướng không trả lời và nói lảng sang chuyện khác. Vì thủ tướng làm sao nói được khi lệnh trên đã muốn giải tán Quân Đoàn 1 và Quân khu 1 càng sớm càng tốt.
Đúng ngày 22 tháng 3 năm 1975, tôi được lệnh rút sư đoàn Dù và sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến về giữ Nha Trang. Ngày 29 tháng 3 năm 1975, Cộng quân tràn vào Đà Nẵng với những trận giao tranh nhỏ. Tôi được chiến hạm HQ 404 đưa về Sài Gòn. Trên tàu cũng có một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Khi tàu đang chạy ngoài khơi, Tổng thống Thiệu liên lạc yêu cầu tôi ra tái chiếm Đà Nẵng? Lính tráng đã phân tán mỗi người một nơi. Cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát, làm sao tôi có thể làm chuyện tái chiếm đó được ( tái chiếm Đà Nẵng) ?Sau đó tôi được lệnh cho hạm trưởng ghé tàu vào Cam Ranh, bỏ hết Thủy Quân Lục Chiến xuống, rồi chỉ cho một mình tôi về Sài Gòn. Tôi không chịu mặc dù lúc đó tàu đã cập bến Cam Ranh rồi.
Tôi nhờ hạm trưởng gọi về bộ Tổng tham mưu xin cho anh em Thủy Quân Lục Chiến được về Sài Gòn tĩnh dưỡng, nghĩ ngơi cùng tôi. Còn không thì tôi sẽ ở lại Cam Ranh và đi theo anh em Thủy Quân Lục Chiến để cùng nhau chiến đấu. Sau đó, Sài Gòn bằng lòng cho tàu chở tất cả về Sài Gòn.
Về đến Sài Gòn, tôi được bổ nhiệm vào Bộ Tư Lệnh Hành Quân lưu động ở Bộ Tổng Tham Mưu. Khi vào đây tôi gặp phó đề đốc Hồ văn Kỳ thoại ( tư lệnh Hải Quân vùng 1 Duyên Hải) và Chuẩn tướng Nguyễn văn Khánh ( tư lệnh sư đoàn 1 không Quân) và Trung tướng Thi thì bị phạt quản thúc về tội bỏ Huế. Tôi không hiểu vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vây. Họ đâu có tội gì, họ chỉ thi hành theo đúng lệnh mà lại bị phạt thì quả thật là bất công. Tướng Thi thật sự là một người chống lại việc bỏ Huế. Lúc trước khi nghe tôi cho biết là tồng thống đã ra lệnh bỏ Huế thì tướng Thi đã trả lời thẳng với tôi rằng, " Xã ấp còn tốt quá mà bỏ chạy là sao?" Vậy mà bây giờ ông lại bị phạt giam quản thúc. Những vị tướng như tướng Thi bị phạt oan uổng trong khi họ còn xứng đáng hơn gấp mấy trăm lần những ông tướng phè phỡn ở Sài Gòn.
Hôm sau trong buổi họp tại Bộ Tổng tham Mưu, tôi có nói rằng, " Việc phạt tướng Thi cùng hai tướng Thoại và Khánh và không đúng, họ chỉ là thuộc cấp của tôi, họ chỉ làm theo chỉ thị của tôi mà thôi. Họ không có tội gì cả, nếu có phạt thì xin phạt tôi đây này." Phòng họp lặng ngắt. Đại tướng Viên nhìn qua tướng Trần văn Đôn. Tướng Đôn mới đi Pháp về, mới đảm nhận chức tổng trưởng quốc phòng. Có thể vì vậy nên tướng Đôn mới không biết là Tổng thống Thiệu đã trực tiếp ra lệnh cho tôi bỏ Huế, nên tướng Đôn mới đề nghị phạt tướng Thi vì đã bỏ Huế để rút lui. Mà Tổng thống Thiệu lại không dám nói sự thật với tướng Đôn, và chỉ ký lệnh phạt. Sau đó, tướng Lê nguyên Khang buột miệng nói với giọng giận dữ, " Anh em chúng tôi không có tội tình mẹ gì cả! " Tiện đây, tôi cũng xin nói về trường hợp của tướng Thoại và tướng Khánh. Với chức tư lệnh trong tay, có hàng ngàn lính, hàng trăm chiến hạm lớn nhỏ, nhưng tội nghiệp thay, sau khi hỗn loạn, tướng Thoại đã bị bỏ quên, không ai chở đi khỏi bộ tư lệnh ở Tiên Sa, và ông đã phải đi bộ qua dãy núi phía sau bờ biển. May nhờ có một chiếc tàu nhỏ của Hải Quân mà anh em trên tàu lúc đó cũng còn giữ kỷ luật, khi họ thấy Đề đốc Thoại ở đó, họ liền ghé vào chở tướng Thoại đi chứ nếu không thì cũng chẳng biết sau này sẽ ra sao. Còn tướng Khánh , tư lệnh sư đoàn 1 Không Quân, đã không đủ nhiên liệu để bay xa mà phải đáp trực thăng tại một bãi cát ở Sơn Trà rồi lội ra tàu. Cũng may lúc đó gặp tàu HQ 404 và đã cùng tôi về Sài Gòn."
Lời trần tình của tướng Trưởng như thế cũng đã quá rõ ràng và đầy đủ. Những lệnh bất nhất từ Sài Gòn do Thiệu đưa ra không phải là do Thiệu bối rối mà là một sự tính toán tinh vi để giật sập Quân Đoàn 1 mà tướng tài giỏi Ngô quang Trưởng đành phải bó tay, không xoay sở gì được.
Không những đánh giặc giỏi, tướng Ngô quang Trưởng lại là một người cực kỳ thanh liêm, được sự quý mến của dân và quân dưới quyền, ông không bao giờ dính dáng vào những chuyện tham nhũng xấu xa như những tướng lãnh khác. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thật hãnh diện khi có những tướng lãnh vừa cầm quân hay vừa thanh liêm như Ngô quang Trưởng, Nguyễn khoa Nam. Nếu Mỹ không bỏ cuộc thì vùng 1 do tướng Trưởng nắm và vùng 4 do tướng Nam chỉ hay sẽ không bao giờ thất thủ trước quân đội Cộng sản.
Rõ ràng là lệnh giật sập miền Trung là do từ Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, có điều câu hỏi đặt ra ở đây là Thiệu giật sập miền Trung là do nghe lệnh của Mỹ hay tự ý một mình hành động?
Có người còn cho rằng Thiệu bị " tháu cáy " lúc giật sập Quân đoàn 1 và 2 vì Thiệu tưởng khi để mất vùng 1 và 2, chính phủ Mỹ sẽ xúc động và viện trợ khẩn cấp nhiều hơn, không ngờ Mỹ quyết định bỏ rơi luôn Miền Nam. Và vì lý do đó mà Thiệu lên truyền hình chửi rủa Mỹ thậm tệ vào ngày 21 tháng 4 năm 1975 khi Thiệu biết mình bị " tháu cáy" trong ván bài cân não với Mỹ. Dù sao đây cũng chỉ là một sự phỏng đoán. Hy vọng với thời gian sẽ có nhiều tài liệu được công bố thì mới biết được chuyện Thiệu có bị " tháu cáy" hay không?
Trước khi vùng 1 thất thủ, thì ở vùng 2, toàn bộ Quân đoàn 2 đóng tại Pleiku được lệnh di tản về Tuy Hòa bằng liên tỉnh lộ số 7. Đại tá Lê khắc Lý, tham mưu trưởng Quân đoàn 2, sau này ra hải ngoại có lên một đài phát thanh và kể chuyện lại rằng, khi nhận được lệnh rút quân, một tướng lãnh của quân đoàn 2 là tướng Cẩm đã nhận xét với ông, " Thôi rồi, bàn cờ đã sắp xếp xong, chẳng còn gì để nói chuyện đánh đấm nữa." Một thiếu tá pháo binh bày tỏ sự tức giận với ông Lý, " Súng đạn còn đầy đủ, quân lính còn đông, sao lại bỏ chạy như thế này." Chuyện kể của tham mưu trưởng Quân đoàn 2 Lê khắc Lý cho thấy khi Quân đoàn 2 được lệnh rút từ Pleiku về Tuy Hòa thì coi như số phận của Quân đoàn 2 cũng được sắp xếp xong cho phù hợp với kế hoạch giật sập vùng 1 và vùng 2 của Sài gòn.
Ông Thiệu giật sập vùng 1 và vùng 2 với dụng ý gì? Phải chăng là tạo sự xúc động trong chính trường Mỹ để quốc hội Mỹ viện trợ khẩn cấp để cứu miền Nam hay còn vì một lý do nào khác? Ông tự ý hành động hay làm theo lời của Mỹ? Có phải Mỹ muốn ông Thiệu giật sập miền nam càng sớm càng tốt để thế giới khỏi trong thấy thêm những cảnh thương tâm do chiến tranh gây ra để rồi lên án Mỹ thêm? Nếu ông một mình tự ý hành động, phải chăng đây là hành động " tái phối trí " và " di tản chiến thuật " để co cụm lại sức lực quân đội miền Nam nhằm đối phó với cuộc tổng tấn công của cộng sản? Nếu hành động theo lời Mỹ thì tại sao ngày 21 tháng 4 năm 1975 ông lên đài truyền hình chửi Mỹ thậm tệ, nào là bất tín, nào là bội ước, thất hứa, để rồi sau đó vài ngày ông và gia đình được Mỹ " bồng" ra ngoại quốc một cách nhẹ nhàng êm thắm. Liệu chuyện chửi Mỹ có phải là một vở kịch mà ông đóng quá hay không? Những câu hỏi này chỉ có Mỹ và ông Thiệu mới có thể trả lời nhưng ông Thiệu và Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ trả lời những bí mật đen tối của lịch sử này. Lúc cùng gia đình đi phi cơ tới Đài Loan, được báo chí hỏi về trách nhiệm của ông trước sự hấp hối của miền Nam, Tổng thống Thiệu trả lời: " Đó là tất cả tôi có thể làm cho quê hương của tôi!" Lời nói vô liêm sỉ này của Thiệu được Trần văn Trà, thượng tướng của Việt Cộng, nhắc lại trong hồi ký " Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm " và phê bình lời nói trên của Nguyễn văn Thiệu như sau, " Đó là khẩu khí của một tên tổng thống ngụy quyền !"
Cách đây mấy năm lúc được Đài radio Bolsa của Việt Dzũng phỏng vấn nhân ngày 30 tháng 4. Ông Thiệu không dám để cho Việt Dzũng tự ý hỏi mà bắt Việt Dzũng phải đưa cho ông những câu hỏi trước rồi ông chọn câu hỏi mà trả lời. Phải chăng ông ngại là sẽ có những câu hỏi bất ngờ sẽ làm ông lúng túng khi trả lời và không khéo sẽ làm lòi ra cái tội giật sập miền Nam của ông ?. Có điểm cần lưu ý thêm là ông Thiệu đã giật sập luôn Tổng đoàn Bảo An của Phật giáo Hòa Hảo trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, đây là một lực lượng chống cộng quyết liệt tại miền Tây. Điều này càng chứng tỏ âm mưu giật sập miền Nam của Nguyễn văn Thiệu quá sức rõ ràng. Thiệu giật sập miền Nam theo lệnh Mỹ hay giật sập miền Nam theo sự suy tính của mình và với mục đích gì thì phải cần thêm thời gian và tài liệu được công bố mới có thể trả lời được câu hỏi hóc búa này.
Trong cuốn " Đại thắng mùa xuân " của Đại tướng cộng sản Văn tiến Dũng, mặc dù huênh hoang khoe tài chỉ huy quân sự của y nhưng y cũng tiết lộ thêm là khi mở đầu trận đánh vào Ban-Mê-Thuộc vào ngày 10 tháng 3 năm 1975, bộ chính trị của Đảng cộng sản cũng chỉ tiên liệu rằng cũng phải mất 2 năm 1975 và 1976 mới dứt điểm được miền Nam. Không ngờ sau trận Ban-Mê- Thuộc, quân Cộng Sản tới đâu thì quân Cộng Hòa đã chạy trước rồi, thành ra thời gian tiên liệu chiến thắng miền Nam trong vòng 2 năm thì thu ngắn lại còn 55 ngày. Sự ngỡ ngàng của Văn tiến Dũng đã phần nào nói lên sự giật sập quân đội miền Nam có tính toán của chính quyền Nguyễn văn Thiệu. Quân đội cộng sản chỉ khựng lại ở mặt trận Xuân Lộc vì ở đây sư đoàn 18 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Lê minh Đảo đã được lệnh đánh và đã cầm chân ngay 3 sư đoàn Bắc quân. Và khi quân đội miền Bắc muốn tiến mau hơn nữa thì ăn ngay mấy trái bom hút không khí CBU làm kinh hoàng cán binh cũng như cấp lãnh đạo cộng sản tại mặt trận. Mỹ muốn dằn mặt bộ đội cộng sản là họ cần thì giờ để di tản số người Mỹ còn lại ở Saigòn. Cho nên mặt trận Xuân Lộc cứ dằng dai cho đến khi Mỹ rút gần hết số nhân viên ở Sài gòn thì mới " được lệnh " thất thủ.
Không phải đợi đến những ngày cuối tháng 4 toàn dân miền Nam mới thấy được bộ mặt tồi bại, xấu xa, hèn hạ và vô liêm sĩ của Nguyễn văn Thiệu. Gần mười năm ăn trên ngồi trốc trong dinh Độc Lập, khi giặc đến gần kề thì cùng gia đình và tài sản thu tóm được trong những năm cầm quyền lên phi cơ và ca bài " Được làm vua, thua chạy trước." Trong thời chiến tranh Việt Nam, báo chí Mỹ phanh phui là Thiệu cùng với đàn em là Trung tướng Đăng văn Quang, đã buôn bán Bạch phiến làm giàu. Thứ trùm ma túy như Thiệu thì làm gì mà có chuyện yêu nước thương dân. Gặp thời loạn lạc, làm cai thầu chống cộng, Thiệu chỉ có một việc duy nhất là vơ vét cho đầy túi tham mà thôi. Đến khi quốc gia hưng vong thì lòi ngay ra bản chất ti tiện hèn nhát, đúng là " có cháy nhà " mới " lòi mặt chuột " Nguyễn văn Thiệu. Phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ cũng chẳng có gì khá hơn, trong cuốn hồi ký " Việt Nam máu lủa quê hương tôi" , cựu thiếu tướng Đỗ Mậu đã chỉ ra rằng ông Kỳ và bà chị ruột là Nguyễn thị Lý đã buôn lậu thuốc phiện từ Lào về bán. Đúng là hai gương mặt cai thầu chống cộng do Mỹ dựng nên là Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao Kỳ chẵng có tay nào sáng sủa, toàn là thứ buôn lậu ma túy.. Phải đợi tới những ngày cuối tháng 4 năm 1975 mới thấy rõ tư cách hèn kém của hai tay này. Bỏ quân, bỏ dân leo phi cơ mà chạy không một chút liêm sĩ và danh dự của người lãnh đạo. Thiệu và Kỳ sẽ còn bám víu quyền lực nếu ngày nào còn viện trợ của Mỹ mà thôi. Công tâm mà nói, đúng ra vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Nguyễn cao Kỳ tính làm một cuộc đảo chánh chính phủ Dương văn Minh mới thành lập để đối đầu với Bắc quân. Dĩ nhiên là người Mỹ biết chuyện đó và trùm CIA ở Saigòn lúc đó là ông Polgar đã cảnh cáo Kỳ là không được lộn xộn, Kỳ nghe như thế thì riu ríu vâng lời vì đã nhiều năm làm việc với người Mỹ, Kỳ hiểu rằng nếu cứng đầu, bướng bỉnh cãi lại Mỹ thì chỉ mang họa vào thân.
Trước đây khi ép buộc Tổng thống Thiệu ký hiệp định Paris vào tháng 1 năm 1973, Tổng thống Nixon cũng gửi nhiều bức thư cho Thiệu, cảnh cáo xa gần là Thiệu là nên nghe lời Mỹ mà ký, chứ nếu không thì sẽ chịu số phận thê thảm của Tổng thống Diệm. Những lời hù dọa úp mở này đã có kết quả: Nguyễn văn Thiệu đồng ý ký vào hiệp định Paris dù bản thân Thiệu cũng biết đây là hiệp định bán đứng miền Nam cho Cộng sản . ( Xin đọc kỹ cuốn sách " Hồ sơ mật Dinh Độc Lập " của Nguyễn tiến Hưng để coi lại những bức thư mà Nixon viết cho Thiệu nhằm thuyết phục và hăm dọa Thiệu ký ). Trùm xịa Polgar không muốn Kỳ đảo chánh để đối đầu với Bắc quân vì làm như thế là cản trở chuyện giật sập miền nam của Mỹ thế thôi.
Vào khoảng năm 1977, lúc đang còn ở Anh quốc, khi được những ký giả hỏi về tình cảnh của những người Việt đi vượt biển thì Nguyễn văn Thiệu trả lời một câu bạc bẽo, bất cận nhân tình và cạn tàu ráo máng với đồng bào Việt Nam như thế này: " Tôi không có dính dáng gì đến họ cả "( I have nothing to do with them). Cuộc đời của Nguyễn văn Thiệu được coi là một cuộc đời tốt số: vợ đẹp, con ngoan, quyền thế, giàu có nhưng Nguyễn văn Thiệu có một chỗ ngồi khá buồn trong lịch sử, đó là :thùng rác của lịch sử. Đối với những kẻ việt gian bán nước hại dân như Thiệu, thiết tưởng không còn chỗ ngồi nào sạch sẽ hơn dành cho ông ta.
Miền nam sụp đổ năm 1975, nhân dân miền Nam đau đớn đã đành, thế nhưng ở tại miền Bắc, có một người tù tên Nguyễn chí Thiện đã tỏ bày những tình cảm đau đớn, uất hận như sau:
Thật ra Mỹ quốc mới lập quốc mới trên 200 năm, dân lập nghiệp toàn là dân tha hương tứ xứ, ăn ở theo lối " ăn xổi ở thì" thì làm sao nước Mỹ gây dựng nổi một truyền thống ăn ở theo lối thủy chung, trước sau như một được. Hy vọng dần dà qua ngày tháng người Mỹ sẽ nhận ra rằng có những điều danh dự, tính thủy chung bè bạn, sự tự trọng của một quốc gia còn quí giá hơn nhiều những lợi nhuận nhất thời trước mặt. Không xây dựng được một uy tín thì trước sau gì cũng thất bại trên mặt trận ngoại giao và sẽ dẫn đến những thất bại khác. Đầu óc thực dụng của Mỹ chỉ thành công trong thời gian hiện tại và đôi khi sẽ gây mầm nguy hại về lâu về dài. Sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam là một bài học nhục nhã và người Mỹ sẽ tiếp tục bị thất bại nếu không rút tỉa ra những sai lầm nghiêm trọng mà họ đã phạm trong chiến tranh Việt Nam. Điều cần nhất là Mỹ phải hiểu rõ những điều điện văn hóa, nhân sinh của một nước trước khi dính líu đến nước đó. Mỹ thất bại với Việt Cộng là vì đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của Việt Cộng, đã không làm tròn vai trò đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa mà chỉ muốn độc đoán điều hành mọi chuyện, kể cả chuyện đưa quân Mỹ vào miền Nam làm mất chính nghĩa của miền Nam mà Tổng Thống Ngô đình Diệm lúc còn đương quyền đã cực lực phản đối. Người lính Mỹ mắt xanh mũi lõ có mặt trên đất nước Việt Nam có lẽ cũng không khác gì hình ảnh của lính Pháp viễn chinh ngày xưa. Thêm vào đó, Mỹ không muốn tìm một người lãnh đạo quốc gia có tư cách để cùng chống cộng vì những người này đôi khi xung khắc với đường lối của Mỹ, cho nên Mỹ chỉ muốn tìm tay sai để sai bảo cho dễ và những tên tay sai thì thường mất tư cách, tham nhũng, làm suy yếu tiềm năng chống cộng. Viện trợ của Mỹ trước đây đổ vô miền Nam như đổ vô cái thùng không đáy vì tệ nạn tham nhũng mà đứng đầu là vua tham nhũng Nguyễn văn Thiệu. Thượng bất chánh thì hạ tắc loạn, toàn miền Nam trở thành những ổ tham nhũng khắp mọi ngành làm tiêu hao sinh lực trong chuyện chống cộng. Phó tổng thống Trần văn Hương hồi đó cũng đã than thở về chuyện tham nhũng một cách cay đắng, " Diệt hết tham nhũng thì lấy ai ra mà làm việc." Miền Nam ngày xưa sụp đổ phần nào cũng vì tệ nạn tham nhũng và Việt Nam bây giờ cũng chẳng có gì khá hơn. Câu nói của cộng sản " Người người thi đua, ngành ngành thi đua " trở thành " Người người tham nhũng, ngành ngành tham nhũng" . Mức độ tham nhũng bây giờ còn khủng khiếp hơn trăm ngàn lần ngày xưa, đến nỗi cộng sản phải thú nhận chuyện tham nhũng trở thành quốc nạn. Cộng sản rồi cũng sẽ sụp đổ một phần nào cũng do quốc nạn này. Quả thật, nếu không học những bài học của lịch sử thì sẽ phải lập lại những vết xe đổ của lịch sử và cộng sản Việt Nam hôm nay sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát vì những lỗi lầm của chế độ miền Nam mà họ đã đánh ngã.
Sau khi miền Nam sụp đổ năm 1975, có nhiều dư luận tìm cách đưa ra những nguyên nhân khiến Mỹ bỏ rơi Nam Việt Nam. Một trong những lý lẽ đưa ra là Mỹ, sau khi bắt tay được với Trung Cọng mà điển hình cho chuyện này là chuyến công du Trung Cộng của Tổng thống Nixon nên Mỹ không còn quan tâm đến chủ thuyết Domino ở Đông nam Á nữa. Hơn nữa, thị trường thương mại của 1 tỉ người Trung quốc sẽ béo bở hơn nhiều so với 17 triệu dân miền Nam Việt Nam. Đây cũng là một cách giải thích nhưng chuyện Mỹ quyết định rút khỏi miền Nam đã được nói rõ trong hồi ký của Tổng thống Nixon trong hồi ký của ông. Lúc ông Nixon đang làm tổng thống thì trung bình quân Mỹ thiệt hại chừng 400 người mỗi tuần. Có lần tờ báo Life đã đăng hình 400 người lính Mỹ thiệt mạng trong một tuần ở chiến cuộc Việt Nam và điều này làm cả nước Mỹ xúc động lớn lao. Mạng Mỹ bao giờ cũng có giá hơn mạng Việt Nam, máu của Việt Nam bao giờ cũng rẻ hơn máu Mỹ. Ngày xưa, trong thời gian đánh Pháp, Hồ chí Minh có tuyên bố với báo chí ngoại quốc rằng, " Nếu mười người Việt Nam chết đi để lấy mạng một binh sĩ Pháp thì cuối cùng rốt cuộc Pháp cũng sẽ là phía thua trận. " Chuyện người Việt Nam chết bao nhiêu trong chiến tranh là chuyện không đáng quan tâm đối với những nhà lãnh đạo Bắc bộ phủ nhưng số tổn thất sinh mạng của lính Mỹ dần dà trở nên một sự mất máu mà Pháp trước đây và Mỹ ngày nay không thể chịu đựng nổi. Phong trào phản chiến ngày càng lan rộng khắp nước Mỹ, nhân tâm càng ly tán. Rồi lại còn trên 500 tù binh Mỹ đang mỏi mòn trong tù ngục tại Bắc Việt. Cao điểm trong chuyện biểu tình phản chiến là chuyện vệ binh quốc gia bắn chết 4 sinh viên tại đại học Kent làm cả nước Mỹ xôn xao, xúc động . Lãnh tụ đa số của thượng viện Mỹ lúc đó là Thượng nghị sĩ Mike Mansfield đến gặp Tổng thống Nixon và nói " Tổng thống phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ không thể chịu đựng thêm được nữa. " Ghi nhận lời nói của lãnh tụ đa số thượng viện Mansfied, ông Nixon quyết định chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Ông kêu gọi Bắc Việt trở lại hòa đàm Paris. Cộng sản làm cao không nhân nhượng. Ông Nixon quyết định dùng pháo đài bay B52 dội bom suốt 12 ngày đêm vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1972. Hà Nội thấm đòn bom B52, bắn tiếng với Mỹ xin hòa đàm trở lại. Và thế là hiệp định hòa bình Paris năm 1973 ra đời. Mỹ chỉ muốn rút khỏi Việt Nam " trong danh dự " và họ đã hoàn thành nguyện ước. Hiệp định Paris năm 1973 được coi như bản văn Mỹ bán đứng miền Nam cho Cộng Sản. Tổng thống Thiệu thấy rõ điều ấy, lúc đầu dùng dằng không chịu ký, nhưng rồi dưới áp lực của Mỹ , Thiệu cũng đành ký với hy vọng mong manh rằng Mỹ sẽ giữ lời hứa tái can thiệp trở lại nếu cộng sản vi phạm hiệp định. Tất cả những chuyện này có trình bày rõ trong cuốn sách " Hồ sơ Dinh Độc Lập" ( The Palace File) của tiến sỹ Nguyễn tiến Hưng, một tổng trưởng của Tổng thống Thiệu. Sau khi hiệp định ký xong, Mỹ lấy được tù binh về thì cộng sản tiến hành ngay cuộc tổng tiến công để chiếm lấy miền nam vì chúng biết rằng Mỹ không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Lúc Trần văn Trà ra Hà Nội họp để chuẩn bị cuộc tổng tấn công, Phạm văn Đồng nhận xét như thế này " Bây giờ có cho kẹo Mỹ cũng không trở lại Việt Nam nữa." ( 1). Phạm văn Đồng đã nhận xét đúng. Lúc cộng sản đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long là nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ. Mỹ bất động không phản ứng và chuyện này làm cho Hà Nội thêm vững niềm tin trong chuyện mở ra chiến dịch tiến chiếm miền Nam.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một cơn đại hồng thủy đối với nhân dân miền Nam. Cả miền Nam vỡ tung ra như một đàn ong vỡ tổ, gia đình nào cũng tan tác, đau thương. Mấy trăm ngàn sĩ quan và viên chức hành chánh miền Nam chết dần chết mòn trong những trại tù tập trung cải tạo tàn ác của cộng sản. Hai mươi lăm năm trôi qua đủ để cho người miền Nam thấy rõ bản chất thâm độc, lưu manh của bạo quyền Hà Nội. Nhưng dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc dễ bị khuất phục. Những hoạt động chống đối âm ỉ vẫn tiếp tục và cho đến giờ phút này thì Phật giáo Hòa Hảo đã coi như tuyên chiến với Cộng Sản. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã mổ bụng phản đối bạo quyền. Máu tranh đấu của người dân Việt đã đổ, hy vọng sự đứng dậy tranh đấu của Phật giáo Hòa Hảo là cái mồi lửa châm vào thùng thuốc súng đã nén lại trong 25 năm qua để rồi có thể nổ tung và đốt cháy bạo quyền trên toàn quốc. Chế độ đàn áp của cộng sản đến giờ phút này dường như không còn hiệu quả trong chuyện trấn áp quyền sống, quyền tự do của con người. Càng đàn áp thì lại càng rút ngắn thời gian cai trị của bạo quyền. Khi người dân hết tin chính quyền thì chính quyền dứt khoát phải đổ, vấn đề bây giờ là chuyện thời gian mau hay chậm thế thôi. Bùa phép, mưu ma chước quỷ của cộng sản đến giờ này không còn hiệu nghiệm vì nói chung tâm thức của bộ đội và cán bộ ngày càng rã rời tê liệt đến mức không còn huy động vào chuyện đàn áp được nữa. Ai cũng thấy rõ kẻ thù của dân tộc là những tên đầu nậu nằm tại Bắc bộ phủ chứ không phải là thành phần dân tộc đang tranh đấu.
Cụ Phan bội Châu, một nhà đại văn hào cách mạng cả cuộc đời lo chuyện cứu nước, lúc về tuổi xế chiều, đã căn dặn lại cho quốc dân, " Vọng ngoại tắc tử " , đừng bao giờ mong mỏi người ngoại quốc đến cứu nước mình. Miền nam vì hoàn cảnh nghiệt ngã, đã phải dựa vào sự viện trợ của Mỹ để tồn tại, rốt cuộc c ũng bị Mỹ bỏ rơi một cách không thương tiếc và cuối cùng bị bức tử một cách đau đớn vì nhu cầu quyền lợi của Mỹ. Trong công cuộc đánh đổ cộng sản để cứu nước hôm nay, chuyện tranh thủ những lực lượng quốc tế là chuyện cần làm, nhưng không vì thế mà trở thành tay sai của những thế lực ngoại bang, vì làm như thế chúng ta sẽ trở thành một Lê chiêu Thống thứ hai, đi làm chuyện " cõng rắn cắn gà nhà", làm hại quê hương và đồng bào. Công tác ngoại vận không thể biến thành sự nô lệ các thế lực ngoại bang mà lịch sử dân tộc Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Và khi thấy rõ sự nguy hại của nó thì phải tránh bằng mọi giá. Trong thời điểm bây giờ, phải tận lực để theo đuổi chuyện đánh đổ cộng sản ở quê hương, đừng có ngồi mà trông ngóng Mỹ nói riêng và các nước Tây phương nói chung bật " đèn xanh , đèn đỏ". Ngồi đó mà trong ngóng ngoại bang bật " đèn xanh, đèn đỏ" chỉ càng tỏ lộ thêm " tâm thức nô lệ" mà thôi. Còn mang tâm thức nô lệ hèn kém này trong người thì ngày quang phục quê hương sẽ còn xa xôi diệu vợi.
Miền nam mất là một vết thương đau đớn của chúng ta ( Miền nam ơi từ buổi tiêu tan. Ta sống trọn vẹn ngàn cơn thác loạn (2) ). Vết thương đau theo thời gian rồi cũng sẽ lành. Sự đau thương than khóc giờ đây đã nhường lại cho sự khôn ngoan tỉnh táo để tìm ra những phương cách nhằm quật ngã bạo quyền đang trên bờ vực thẳm. Mỗi người dân Việt, trong cũng như ngoài nước, đều phải đổ sức, đổ công, đổ máu vào cuộc chiến đấu quyết liệt cuối cùng này để quê hương Việt Nam còn có một ngày mai.
Cuộc đời rồi ai cũng phải chết, nếu được chết đễ gỡ xích xiềng cho đồng bào ruột thịt, cho tổ quốc có một tương lai tươi sáng thì chuyện chết không phải là một chuyện phải ngại ngần. Bóng tối u ám, chết chóc của chủ nghĩa cộng sản đã bao trùm lên quê hương Việt Nam thương đau đã trên nửa thế kỷ, ngày đồng bào vùng lên một mất một còn với bạo quyền cộng sản là ngày vầng dương lại ló dạng trên đất nước thương yêu.
Những tia nắng le lói đầu ngày đó sẽ là những niềm hy vọng trào dâng trong lòng mỗi người Việt Nam sau bao tháng năm đau thương, tàn lụi....
(2) Trich từ bài thơ " Vì ấu trĩ " của Nguyễn chí Thiện
(Việt Báo)-
--
-
-
-
-
--Minh oan cho ông Nguyễn Văn Thiệu
Thế là cuối cùng thì ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đã được giải oan. Số vàng (16 tấn) ông để lại Việt Nam, nhưng chính quyền mới thì đem bán số vàng đó. Vậy mà bao nhiêu năm qua, người ta tuyên truyền rằng ông cựu tổng thống VNCH đem 16 tấn vàng ra nước ngoài! Sự việc nói lên một lần nữa rằng những tuyên truyền dối trá rồi cũng sẽ có ngày được chứng minh là dối trá.
Thời đó (1975) 16 tấn vàng trị giá khoảng 120 triệu USD (hay 300 triệu USD hiện nay). Rất nhiều báo chí, phía VNCH cũng như phía cộng sản, thời đó đều cho rằng ông Thiệu đã đem 16 tấn vàng ra nước ngoài và sống cuộc sống xa hoa. Đến năm 2006, ngay cả đài BBC cũng đưa tin như thế, và họ dẫn từ một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Anh. Biết bao nhiêu lời nguyền rủa ông Thiệu trong suốt 20 năm. Người ta cáo buộc rằng ông ăn cắp tiền của quốc dân để sống cuộc đời sung sướng ở hải ngoại. Ngạc nhiên thay, ông cũng chẳng có đính chính gì trên báo về những cáo buộc đó. Ông là một trong những lãnh đạo VNCH rất kín tiếng khi ra nước ngoài.
Nhưng theo ông Huỳnh Bửu Sơn (hiện còn ở Việt Nam), người từng trực tiếp giữ chìa khoá hầm vàng thời đó, nói rõ rằng số vàng đó để lại nguyên vẹn cho chính quyền mới tiếp quản (2). Thật ra, khi tôi google thì thấy có một video clip mà trong đó ông Nguyễn Văn Thiệu đã khẳng định rằng ông không đem theo 16 tấn vàng ra nước ngoài (3). Nay thì chúng ta đã rõ là số vàng đó được chuyển ra ngoài Bắc, và chính quyền mới đem đi bán (1) để làm gì thì chưa ai biết.
Đây là minh oan thứ 2 cho ông Thiệu. Lúc tôi mới ra ngoài này, ông Thiệu bị cộng đồng người Việt nguyền rủa dữ lắm vì trong một bài phỏng vấn trên báo Đức về thảm nạn người vượt biển ông nói “Tôi không có dính dáng gì đến họ”. Nhưng mãi đến khi ông Nguyễn Tiến Hưng xuất bản cuốn sách “Tâm tư Tổng thống Thiệu” thì tôi mới biết câu nói chính xác của ông Thiệu là “I have nothing to do FOR them” (tôi không làm được gì cho họ), chứ không phải “I have nothing to do WITH them” (tôi không có dính dáng gì đến họ) như anh kí giả Đức viết. Sau này, đích thân anh kí giả Đức xin lỗi là anh nghe tiếng Anh không tốt, nên để cho ông Thiệu bị hàm oan 20 năm trời. Hàm oan chỉ vì chữ FOR và WITH. (Tiếng Anh phải nói là … lợi hại).
Người ta, ngay cả báo chí trước 1975, nói rằng ông Thiệu tham nhũng. Nhưng thú thật nhìn lại thì chẳng thấy ông tham nhũng cái gì. Ngay cả cái nhà của gia đình ông Thiệu (ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) xem ra rất bình thường chứ chẳng có gì nổi trội (4-5). So với các quan chức ngày nay thì ông Thiệu xem ra rất liêm chính.
Nghĩ lại, và một cách công minh, chính quyền VNCH thật ra là một chính quyền khá tốt. Cái chính quyền đó đã xây dựng được những hạ tầng cơ sở kinh tế đáng phục trong điều kiện chiến tranh, đã tạo được một nền móng tam quyền tương đối tốt, đã gầy dựng được một hệ thống giáo dục rất tốt, đã cố gắng giữ toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trớ trêu thay, như John McCain nói, “the wrong guys won the war”, và số phận của VNCH cũng chỉ đến thế. Đến khi chính quyền mới tiếp quản thì mọi sự đều thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Cho đến nay, cái chiều hướng xấu thêm vẫn chưa chấm dứt. Những “minh oan” như thế này rất cần thiết để người thế hệ sau có cái nhìn công tâm hơn về thành tựu của chế độ VNCH.
Như chúa Jesus từng nói "The truth will set you free" (sự thật sẽ giải phóng bạn). Hi vọng rằng nhân ngày "giải phóng" những sự thật như thế này (1) sẽ giải phóng những ai còn bị trói buộc bởi cái vòng nô lệ của tuyên truyền và dối trá.
‘Muốn người ta biết Ninh Thuận có một tổng thống’ Nguoi Viet Online
NINH THUẬN (NV) - “Muốn khi người ta đến Ninh Thuận thì cũng biết là hồi xưa có một ông tổng thống cũng là dân Ninh Thuận.”
Ngôi nhà cũ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ở vùng biển Ninh Thuận. (Hình: Internet)
Ông Võ Ðại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, nói với báo Người Việt như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại vào hôm 20 Tháng Chín, 2012, về việc tỉnh này muốn trùng tu căn nhà cũ của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thành nơi đón du khách.
“Tư nhân và người Việt Nam ở hải ngoại đều có thể đầu tư để trùng tu căn nhà này kinh doanh du lịch.” Ông Võ Ðại cho biết thêm.
Trước đó, hôm 12 Tháng Chín, ông Võ Ðại ký một chỉ thị yêu cầu “Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch phối hợp với huyện Ninh Hải nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu làm điểm tham quan du lịch.”
Văn bản nói rằng, phải được hai cơ quan trên báo cáo lại cho nhà cầm quyền tỉnh trước ngày 20 Tháng Chín năm 2012.
Căn nhà cũ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nằm sát bãi biển xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, là nơi ông và gia đình trú ngụ trong mỗi chuyến nghỉ mát, thăm quê trước đây. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, căn nhà này bị tịch thu.
Chỉ thị này cũng đề cập đến hai căn nhà cũ của ông Hoàng Ðức Nhã và ông Trần Ðình Thống mà nhà cầm quyền đã cấp cho cán bộ trú ngụ sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Ông Hoàng Ðức Nhã là em họ và cũng là bí thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, bộ trưởng Thông Tin Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH. Còn ông Trần Ðình Thống là cựu công chức VNCH.
Người Việt đã tìm cách liên lạc với bà quả phụ cố TT Nguyễn Văn Thiệu thông qua một người thân cận với bà, và được biết là bà không muốn trả lời về việc này.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Người Việt với ông Võ Ðại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận.
Người Việt (NV): Thưa ông, nguyên do gì mà ông lại có quyết định muốn biến ngôi nhà của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành một điểm du lịch?
Ông Võ Ðại (VÐ): Thật ra thì ba ngôi nhà này, hai cái kia thì xuống cấp, còn một cái này (nhà cố TT Nguyễn Văn Thiệu) vẫn còn được. Cho nên quan điểm của tỉnh là muốn giao ba ngôi nhà này lại cho địa phương để họ quản lý để làm thành các công trình công cộng chứ không nó xuống cấp trầm trọng.
Riêng hai căn nhà kia thì tôi đã giao cho thôn rồi để biến thành nhà mẫu giáo hay trụ sở thôn, hay hội người cao tuổi.
Ðối với căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu thì người dân và khách du lịch hay đến hỏi thăm, nên nếu xã hội hóa được, doanh nghiệp nào đứng ra làm thì nhà nước sẽ cho thuê để tự bỏ vốn liếng ra đầu tư làm, nhưng đến nay thì Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch chưa có báo cáo lại cho tỉnh.
NV: Với tư cách cá nhân là một người dân Ninh Thuận, ông có suy nghĩ gì về cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu?
VÐ: Không, không có suy nghĩ gì. Mình cũng là dân Ninh Thuận thôi, nên nhà ông Nguyễn Văn Thiệu thì là nhà trước đây ông sinh sống ở đó, cũng là nhân dân thôi. Cũng muốn khi người ta đến Ninh Thuận thì cũng biết là hồi xưa có một ông tổng thống cũng là dân Ninh Thuận.
Vấn đề đặt ra chỉ là, người dân đến Ninh Thuận cũng hiếu kỳ vì biết Ninh Thuận có một tổng thống, nên người ta đến xem muốn biết ngôi nhà đó như thế nào. Việc đó là việc của người dân. Còn quan điểm của nhà nước, của tỉnh là nếu nhu cầu tham quan mà mình biến điểm này thành một điểm du lịch được, thì nên làm.
NV: Người thân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có còn liên quan gì đến ngôi nhà này nữa không?
VÐ: Không còn liên quan nữa. Thời gian vừa rồi thì có cho một vài hộ ở trong đó để giữ nhà thôi. Nhà đó giờ do nhà nước quản lý.
NV: Thưa ông, người dân địa phương có quan tâm đến quyết định này không?
VÐ: Người dân bình thường! Vì việc này nếu xã hội hóa, một doanh nghiệp đứng ra thực hiện việc này, dân địa phương vẫn bình thường. Chứ để ba căn nhà này cho những gia đình đang ở giữ thì nó xuống cấp.
Ông Võ Ðại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận. (Hình: Cổng TTÐT Ninh Thuận)
NV: Vậy tư nhân có được thuê căn nhà đó để kinh doanh du lịch không?
VÐ: Ðược. Tại vì nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu không phải là một di sản văn hóa, nên nhà nước sẽ không đầu tư vào đó. Người dân đến Ninh Thuận để du lịch thì thường đến đó xem vì ai cũng biết nơi này có một ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu. Nên nếu một doanh nghiệp nào có tiền, nhà nước sẵn sàng cho thuê nhà đó để đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương.
NV: Còn nếu người Việt ở hải ngoại muốn về đầu tư thì sao?
VÐ: Ðược chứ. Vẫn chấp nhận chứ. Bất cứ một doanh nghiệp nào muốn về đầu tư phát triển kinh tế thì là một chuyện bình thường.
NV: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này!
-----------
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
-Cận cảnh nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu hồi nhỏ (ĐV 17-9-12) (ĐVO) Ngôi nhà của phụ mẫu thân sinh ra ông Nguyễn Văn Thiệu nằm trong một ngõ nhỏ, quanh co giữa làng chài thôn Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Trên núi Đá Chồng có ba tảng đá lớn chồng lên nhau có hình thù rất dữ tợn đặt tên là núi Mặt Quỷ. Cách núi Mặt Quỷ khoảng 1 cây số, ở chóp Bắc núi Đá Chồng, có một tảng đá lớn hình tam giác nhọn, màu đất sét, chiều ngang cỡ 6 m, cao 3m nhìn giông giống như cái dao, nên được gọi tên là hòn Đá Dao, các thầy phán là “yểm mệnh” của Thiệu.
Dân xứ này có câu nói “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao” và cho rằng sở dĩ Nguyễn Văn Thiệu thăng quan, tiến chức, phát quang lộ mặc dù nhà gần chân núi Mặt Quỷ là nhờ hòn Đá Dao. Tin lời các quân sư “chiêm tinh gia” nên nhân chuyến hồi hương vinh quy bái tổ, vợ chồng Thiệu mang theo các sự phụ cao nhân về để trấn, yểm giữ long mạch núi Đá Chồng để bảo vệ linh khí cho Thiệu về sau.
Âm dương bài bố đầy đủ, Nguyễn Văn Thiệu và vợ là bà Nguyễn Thị Mai Anh yên tâm, ngủ ngon và tin tưởng đến mức gửi trọn tiền đồ quốc gia cho những lời phán truyền sấp ngửa. Thế nhưng, đến đầu năm 1975, khi quân Giải phóng đã đánh chiếm tỉnh Phước Long vận mệnh Nguyễn Văn Thiệu cũng đến lúc tàn.
Nhà cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ trở thành điểm du lịch
-Nhà cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ trở thành điểm du lịchSGTT.VN - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại vừa chỉ đạo: giao sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ninh Hải nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu làm điểm tham quan du lịch và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.9.2012.
Theo thông báo của văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, đó là một trong những nội dung được kết luận, chỉ đạo sau cuộc họp của UBND tỉnh với các sở ngành liên quan và UBND huyện Ninh Hải nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến ba căn nhà của quan chức chế độ cũ (gồm các ông Nguyễn Văn Thiệu, Hoàng Đức Nhã và Trần Đình Thống) tại huyện Ninh Hải.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã thống nhất giao UBND huyện Ninh Hải quản lý ba căn nhà, đất của những người kể trên theo quy định, đồng thời định hướng bố trí sử dụng làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng dân cư địa phương. Sở Xây dựng Ninh Thuận được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát, tham mưu hoàn tất thủ tục pháp lý trong tháng 9.2012 để Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng ba căn nhà, đất trên đảm bảo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh tại làng Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), làm tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH), tại miền Nam Việt Nam từ năm 1967 – 1975. Sau đó ông cùng gia đình sống lưu vong ở nước ngoài và qua đời tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Ngôi nhà cũ của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu tại khu vực bãi biển ở huyện Ninh Hải vốn là nơi để ông và gia đình nghỉ mát mỗi khi ông về quê.
Đối với ngôi nhà cũ của ông Hoàng Đức Nhã (em họ của ông Nguyễn Văn Thiệu, làm bí thư kiêm tham vụ Báo chí của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ năm 1968. Sau đó ông làm tổng trưởng Dân vận và chiêu hồi của chính phủ VNCH từ 4.1973; định cư ở Mỹ từ sau tháng 4.1975) và ngôi nhà cũ của ông Trần Đình Thống (một quan chức của chính quyền cũ trước 1975) tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải hiện nay đang được bố trí cho hai hộ dân ở. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã giao UBND huyện Ninh Hải khẩn trương nghiên cứu, đăng ký bổ sung cho hai hộ vừa nêu để được hỗ trợ giải quyết nhà ở theo chính sách của chương trình 167 (nếu đủ điều kiện) hoặc có phương án khác bố trí di dời để hai hộ này giao lại hai căn nhà đang ở cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng... Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại, căn nhà của ông Hoàng Đức Nhã đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư sống xung quanh, ông yêu cầu UBND huyện Ninh Hải chủ trì, cùng các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và thống nhất lập phương án xử lý kịp thời, đúng quy định.
TRÚC NAM SƠN
-Nhà cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ trở thành điểm du lịch
Huong Hoa Lai-
Đọc để thấy người bạn Đồng Minh ném đá dấu tay như thế nào.
Ngày 29-9 năm nay đã là ngày giỗ thứ 14 của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cho tới trước khi chết Ông vẫn cúi đầu nhận chịu trách nhiệm đã làm cho mất nước,
Bùi anh Trinh
* Ngày 29-9 năm nay đã là ngày giỗ thứ 14 của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cho tới trước khi chết Ông vẫn cúi đầu nhận chịu trách nhiệm đã làm cho mất nước, một lỗi lầm quá to lớn mà cá nhân một người không thể nào gánh vác. Nếu có một người nào đó đứng ra nhận chịu thì quả là vô lý, thế nhưng Ông Nguyễn Văn Thiệu đã làm.
Ⅰ – PHẢI CHĂNG MỸ BỎ RƠI?
Kể từ ngày lập quốc, nước Mỹ thực sự sụp đổ vào năm 1975 với 3 triệu cựu chiến binh tại chiến trường Việt Nam, 58 ngàn người đã chết, và 3.000 quân nhân còn mất tích. Xã hội Mỹ phân hóa trầm trọng với tranh cãi đổ lỗi cho nhau.
Chính vì vậy mà những người quân nhân VNCH không bao giờ động chạm tới nỗi đau của người bạn chiến đấu Mỹ, họ đã làm hết sức của họ rồi, họ đã phải chết tới 58.000 người và đã hao tốn 300 tỉ USD, lại còn phải nuôi 3 triệu cựu chiến binh Mỹ mà người nào cuộc đời cũng tan nát do bị khủng hoảng, bị thất bại vì không thể trở lại trường để làm lại cuộc đời.
Hai chữ “Bỏ Rơi” là do BBC và RFI dùng để xoa dịu sự oán hận của người Việt sau khi Mỹ cắt ông tiếp huyết cho VNCH. “Bỏ Rơi Đồng Minh” khác với “Phản Bội Đồng Minh”. Bỏ Rơi có nghĩa là tôi thích thì tôi giúp, khi thấy mệt mõi quá thì tôi không giúp nữa. Còn Phản Bội là phỉnh gạt, lừa đảo. Cho nên người Mỹ muốn nhận là họ Bỏ Rơi VNCH còn hơn là nhận Phản Bội VNCH.
Ⅱ – Frank Snepp, THÁNG 3 NĂM 1973.
Năm 1968 anh sinh viên Frank Snepp quyết định làm đơn xin đầu quân vào CIA để tránh khỏi phải đi lính và chiến đấu tại VN. Năm 1969 Snepp bắt đầu làm viêc tại chi nhánh CIA tại Sài Gòn trong tư thế một nhân viên mới vào nghề. Năm 1971 ông trở về Trung tâm CIA tại Mỹ với nhiệm vụ phân tích những tin tức thu thập từ báo chí của Bắc Việt.
Đến năm 1972 ông bị đày đi VN vì tội đã báo trực tiếp cho Tòa Bạch Ốc một thông tin ông đọc được trên báo của Hà Nội mà không qua các xếp lớn của CIA. Nhiệm vụ lần thứ hai của Frank Snepp tại Việt Nam là đọc báo và nghe đài phát thanh của CSVN và VNCH để trình cho Polgar, trưởng CIA tại Sài Gòn, những tin nào mà ông ta thấy đáng quan tâm.
Sau biến cố 1975 Frank Snepp quyết định viết thành sách về những gì ông chứng kiến trong vai trò một nhân viên CIA làm việc tại VN trong giai đoạn Hoa Kỳ cuốn cờ ra khỏi Việt Nam. Nhờ đó ông nhanh chóng trở thành nhân chứng sống duy nhất dám tiết lộ những bí mật mà một nhân viên CIA không được phép tiết lộ.
CIA đã đưa ông ra tòa vì ông đã hành động trái với lời tuyên thệ khi ông bước chân vào tổ chức CIA. Tòa án đã phán quyết Frank Snepp không bị tội tiết lộ bí mật nghiệp vụ nhưng cũng quyết định cho thu hồi quyển sách “Decent Interval” của Frank Snepp. Tuy nhiên phán quyết này chỉ có hiệu lực hình thức bởi vì cả thế giới đều đã đọc Decent Interval.
CIA đã đưa ông ra tòa vì ông đã hành động trái với lời tuyên thệ khi ông bước chân vào tổ chức CIA. Tòa án đã phán quyết Frank Snepp không bị tội tiết lộ bí mật nghiệp vụ nhưng cũng quyết định cho thu hồi quyển sách “Decent Interval” của Frank Snepp. Tuy nhiên phán quyết này chỉ có hiệu lực hình thức bởi vì cả thế giới đều đã đọc Decent Interval.
Theo Frank Snepp thì mọi chuyện đều bắt đầu từ khi ký kết Hiệp Định Paris. Rồi 3 tháng sau khi ký kết Hiệp Định, Tổng Thống Nixon cử Martin làm đại sứ Mỹ tại VN thay Bunker. Frank Snepp mô tả vai trò của Đại sứ Martin: “Mỹ buộc phải bỏ khỏi Việt Nam trong tư thế đường hoàng, và muốn tạo được ấn tượng như vậy thì cần phải có một chuyên gia về ảo thuật và kịch nghệ mà Martin thuộc vào hạng sư phụ. (Trang 75, nguyên văn: “The United States was obliged to crawl out of Vietnam standing up, and to foster that illusion required the kind of conjuring and stagecraft at which Martin so adept”). Như vậy màn kịch bỏ rơi Việt Nam đã được lên giàn từ tháng 4 năm 1973.
Ⅲ – Nixon THẤT HỨA VỚI Liên Xô, THÁNG 8 NĂM 1974.
Năm 1974 giữa năm, Tổng Thống Mỹ Nixon đệ trình Quốc Hội Mỹ bản dự thảo hiệp ước giao thương giữa Mỹ và Liên Xô. Đến lúc này Quốc Hội Mỹ mới biết rằng đây là cái giá mà Nixon đã trả cho việc Liên Xô ngưng cung cấp vũ khí cho Hà Nội và ép Hà Nội phải ký hiệp ước ngưng bắn 1973. Dĩ nhiên khi đưa ra trước Quốc hội, Nixon tin rằng sẽ được thông qua dễ dàng vì lợi ích chung của cả hai nước, nhất là từng bước giải quyết chiến tranh lạnh là điều mà dân chúng Hoa Kỳ mong chờ.
Tuy nhiên ông đã tính lầm, Quốc Hội Mỹ đoán rằng còn nhiều cái giá khác nữa giữa Nixon và Liên Xô, Trung Quốc, Hà Nội vào năm 1972. Vì vậy Quốc Hội bác bỏ thẳng thừng hiệp ước thương mại Xô – Mỹ để buộc Nixon phải lòi ra những thỏa thuận khác. Dĩ nhiên là Nixon không đưa ra, ông dùng đặc quyền hành pháp để từ chối.
Vì vậy Quốc Hội có một cách khác để moi ra những gì mà Nixon đã cam kết với LX, TQ và Hà Nội vào năm 1972; đó là cách lợi dụng vụ Watergate để triệu tập một Ủy ban điều tra đặc biệt về sai phạm của Nixon trong vụ nghe lén, nhờ đó công tố viên của ủy ban điều tra có quyền bắt Nixon phải đưa ra tất cả những cam kết ngầm với Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa và cả Hà Nội.
Nixon chỉ còn có cách từ chức để né tránh Ủy ban điều tra bởi vì ông và Kissinger đã có những thỏa thuận mật với đối phương mà không xin phép Quốc Hội. Một khi ông từ chức thì những cam kết của ông trở thành vô hiệu lực. Quốc Hội sẽ không còn cớ để truy xét.
Sau khi Nixon từ chức thì Quốc Hội Hoa Kỳ cho thông qua đạo luật cấm HK buôn bán với các nước Cộng Sản vào cuối năm 1974 (Đạo luật Jackson-Vanik). Sự trở mặt của Quốc Hội Mỹ đã khiến Liên Xô tức giận bởi vì những cam kết của Nixon khi ông ta viếng thăm Liên xô vào năm 1972 đã không được thi hành. Vì vậy, cuối năm 1974, Đại Tướng Kulikov của Liên Xô đến Hà Nội để xúi Hà Nội đưa quân đánh chiếm Miền Nam, Liên Xô sẽ cung cấp vũ khí và chiến phí.
Ⅳ – HÀ NỘI CAY ĐẮNG.
Theo như 7 mục, 23 điều khoản của Hiệp Định Paris thì Hà Nội ngưng bắn vô điều kiện, trao trả cho Mỹ 591 tù binh Mỹ vô kiện, trao trả tù binh VNCH để đổi lại VNCH trao trả 28 ngàn tù binh Bắc Việt. Trong khi đó Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không phải từ chức, 38 ngàn tù chính trị của mặt trận GPMN vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Đặc biệt là “ngưng chiến da beo”, nghĩa là quân đội CSVN vẫn ở trên rừng và quân đội VNCH kiểm soát thành thị và thôn quê Nam Việt Nam. Biên giới hai miền Nam Bắc vẫn được tôn trọng theo như Hiệp Định Geneve 1954.
Nhìn bề mặt của Hiệp Định Paris quá vô lý cho nên giới quan sát quốc tế thừa biết bên trong phải có một mật ước riêng. Quả nhiên sau này vào năm 1977 Tổng Thống Jimmy Cater của Mỹ xác nhận có một mật ước riêng đằng sau Hiệp Định Paris được Nixon ký với Hà Nội 4 ngày sau khi ký kết Hiệp Định Paris 1973. Vào tháng 10 năm 1988 Hà Nội cho công bố toàn văn bản mật ước Nixon & Phạm Văn Đồng.
Theo đó thì Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho Bắc Việt 3,25 tỉ USD và viện trợ phát triển kinh tế cho Hà Nội 1,5 tỉ USD. Trong vòng 30 ngày sau khi người tù binh HK cuối cùng rời khỏi VN thì hai bên sẽ thiết lập xong hệ thống viện trợ tái thiết, và trong vòng 60 ngày sau đó thì lập xong hệ thống viện trợ phát triển kinh tế.
Bản mật ước do đích thân Kissinger mang tới Hà Nội cho Phạm Văn Đồng ký nhận. Từ đó Lê Duẩn ngày đêm trông chờ món tiền của Kissinger và đến cuối năm 1974, Liên Xô cử tướng Kulikov sang Hà Nội xúi Lê Duẩn đánh chiếm Miền Nam thì có nghĩa là Hiệp Định Paris coi như tờ giấy lộn. Rốt cuộc Hà Nội biếu không 591 tù binh Hoa Kỳ mà chẳng nhận được đồng nào, suốt 10 năm chiến đấu gian khổ, hằng triệu người chết, hằng chục tỉ đô la nợ chiến phí… đến nay chỉ còn là con số không (sic).
Bản mật ước do đích thân Kissinger mang tới Hà Nội cho Phạm Văn Đồng ký nhận. Từ đó Lê Duẩn ngày đêm trông chờ món tiền của Kissinger và đến cuối năm 1974, Liên Xô cử tướng Kulikov sang Hà Nội xúi Lê Duẩn đánh chiếm Miền Nam thì có nghĩa là Hiệp Định Paris coi như tờ giấy lộn. Rốt cuộc Hà Nội biếu không 591 tù binh Hoa Kỳ mà chẳng nhận được đồng nào, suốt 10 năm chiến đấu gian khổ, hằng triệu người chết, hằng chục tỉ đô la nợ chiến phí… đến nay chỉ còn là con số không (sic).
Tướng Kulikov xúi Hà Nội phát động chiến tranh trở lại nhưng Lê Duẩn và tập đoàn lãnh đạo CSVN thực sự trắng mắt. Dân chúng Miền Bắc đã kiệt sức, trong 5 năm nhà nước đã đóng cửa tất cả 18 trường đại học và cao đẳng, bòn vét nhân lực đến độ phải gọi lính ở tuổi 16, tại Miền Bắc chỉ còn một trời đàn bà góa… thì lấy đâu để gây chiến tranh trở lại.
*(Theo hồi ký của tướng CSVN Hoàng Văn Thái thì cho tới năm 1974 Hà Nội đã động viên đến 16% dân số, không thể nào động viên thêm được nữa. Trong khi Miền Nam là 5,88%)
*(Theo hồi ký của tướng CSVN Hoàng Văn Thái thì cho tới năm 1974 Hà Nội đã động viên đến 16% dân số, không thể nào động viên thêm được nữa. Trong khi Miền Nam là 5,88%)
Ⅴ – HẾT ĐẠN VÀ HẾT NHIÊN LIỆU.
Bắt đầu từ năm 1975 Đại Tướng Cao Văn Viên viết tường trình cho Ngũ Giác Đài về những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam nhưng đến năm 1983 mới được in thành sách với tựa đề “The Final Collapse” và hai mươi năm sau, 2003 The Final Collapse được nhà nghiên cứu sử Nguyễn Kỳ Phong dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa”. Trong sách có kèm theo những chú giải mới nhất của Đại Tướng Cao Văn Viên. “Một sự thực không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6 năm 1975…” (Tài liệu của Ngũ Giác Đài: Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong trang 136).
Năm 1974 tháng Giêng, theo tài liệu của CIA: “Từ cuối tháng 12-1973 đến đầu tháng Giêng 1974 Tướng John Murray và ban tham mưu của ông đã làm việc ngày đêm để cố gắng tìm đáp số cho bài toán viện trợ quân sự. Nhưng mỗi lần họ tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề thì lại phát sinh một vấn đề khác mà kết quả cũng chỉ đưa tới bí lối” (Frank Snepp, Decent Interval, trang 95).
Tướng John Murray là Tư Lệnh cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Ông đến Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973, sang đầu năm 1974 ông và Bộ Tham Mưu Hoa Kỳ tại Việt Nam phải tính toán sổ sách về viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam trong nửa cuối 1974 và đầu năm 1975. Tuy nhiên Ngũ Giác Đài đã cho ông biết trước là có thể dưới 700 triệu đô la nhưng theo các chuyên viên tham mưu của John Murray thì 700 triệu chỉ đủ giữ được Vùng 4.
Tướng John Murray là Tư Lệnh cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Ông đến Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973, sang đầu năm 1974 ông và Bộ Tham Mưu Hoa Kỳ tại Việt Nam phải tính toán sổ sách về viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam trong nửa cuối 1974 và đầu năm 1975. Tuy nhiên Ngũ Giác Đài đã cho ông biết trước là có thể dưới 700 triệu đô la nhưng theo các chuyên viên tham mưu của John Murray thì 700 triệu chỉ đủ giữ được Vùng 4.
Năm 1974 cũng theo Frank Snepp, ngày 16-8 John Murray họp buổi họp chót với Đại Tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng), Tướng Đồng Văn Khuyên (Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận) và một số tướng lãnh của Bộ TTM. John Murray khuyên Tướng Viên nên liệu cơm gắp mắm, gấp rút lên kế hoạch sẵn sàng bỏ Vùng 1, Vùng 2 và cả Vùng 3 để về cố thủ Vùng 4. Tuy nhiên “Tướng Viên lẫn Tướng Khuyên đều nói rằng lên kế hoạch về quân sự thì được, nhưng về mặt chính trị thì không thể nào thi hành nổi”. Sau buổi họp này thì John Murray giải ngũ, trở về Hoa Kỳ.
Năm 1974 tháng 5, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch của VNCH) thì ông đã tình cờ trông thấy bản kế hoạch “Cắt Đất Theo Lượng Viện Trợ” của Murray nằm trên bàn của Tổng Thống Thiệu vào tháng 5 năm 1974, nghĩa là 2 tháng trước khi Nixon từ chức. Như vậy Murray chính là tác giả của kế hoạch bỏ Vùng 1, Vùng 2 vào năm 1975, một kế hoạch mà cho tới 40 năm sau người ta vẫn cho là sáng kiến (tối kiến) của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sự thực Tổng Thống đã bị báo chí Mỹ cố tình gieo tiếng oan mà lúc đó Ông không thể lên tiếng thanh minh.
Năm 1974, ngày 24-12: Theo hồi ký của Đại Tá Phạm Bá Hoa “Ngày 24-12-1974, lúc quân CSVN đang tấn công Phước Long sang ngày thứ 10; một buổi tiệc mừng Giáng Sinh được Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu, tổ chức trên lầu của Câu lạc Bộ trong BTTM”. Khách tham dự gồm có Tướng Smith (Chỉ Huy Trưởng cơ quan quân sự HK tại VN; Tướng Quân Y Phạm Hà Thanh; Tướng Công Binh Nguyễn Văn Chức; Đại Tá Phạm Kỳ Loan (Tổng Cục Phó Tiếp Vận); Đại Tá Phạm Bá Hoa (Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận); Đại Tá Pelosky (Phụ Tá của Tướng Smith); Trung Tá Nguyễn Đình Bá (Chánh Văn Phòng của Tướng Khuyên).
Thiếu Tướng Smith tiết lộ rằng: “Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có kế hoạch với ngân khoản dự trù hơn 300 triệu đollar để di tản sang Hoa Kỳ khoảng 40 ngàn sĩ quan và gia đình, nhưng thời gian thì chưa rõ” (Phạm Bá Hoa, Đôi Dòng Ghi Nhớ, Bản in lần 4, trang 264). Khi sách của Phạm Bá Hoa phát hành thì tất cả các nhân vật trong bữa tiệc đều còn sống mạnh khỏe nhưng không ai phản đối, kể cả Tướng Smith; chứng tỏ chuyện này hoàn toàn có thật.
Như vậy là kịch bản bỏ rơi Miền Nam đã được lên giàn trước khi mất Phước Long chứ không phải là sau khi mất Ban Mê Thuột.
Người ta đã tính toán sẵn kế hoạch để cho VNCH sụp đổ trước tháng 6 năm 1975, kể cả ước tính trước ngân sách chi dụng cho kế hoạch.
Thiếu Tướng Smith tiết lộ rằng: “Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có kế hoạch với ngân khoản dự trù hơn 300 triệu đollar để di tản sang Hoa Kỳ khoảng 40 ngàn sĩ quan và gia đình, nhưng thời gian thì chưa rõ” (Phạm Bá Hoa, Đôi Dòng Ghi Nhớ, Bản in lần 4, trang 264). Khi sách của Phạm Bá Hoa phát hành thì tất cả các nhân vật trong bữa tiệc đều còn sống mạnh khỏe nhưng không ai phản đối, kể cả Tướng Smith; chứng tỏ chuyện này hoàn toàn có thật.
Như vậy là kịch bản bỏ rơi Miền Nam đã được lên giàn trước khi mất Phước Long chứ không phải là sau khi mất Ban Mê Thuột.
Người ta đã tính toán sẵn kế hoạch để cho VNCH sụp đổ trước tháng 6 năm 1975, kể cả ước tính trước ngân sách chi dụng cho kế hoạch.
Năm 1975, ngày 7-1: Phản ứng của Mỹ sau khi mất Phước Long là: “Nhà Trắng nói rằng: Tổng Thống Ford không có ý vi phạm những điều cấm chỉ (của Quốc Hội) về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam” (Hồi ký của Tướng CSVN Hoàng Văn Thái, trang 161). Khi vừa nghe tin này Phạm Văn Đồng tuyên bố: “Cho kẹo quân Mỹ cũng không dám trở lại VN”(trang 146).
Ngay sau khi nhận được tin, Lê Duẩn chỉ thị cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái lên kế hoạch tiến chiếm miền Nam: “Một tháng sau chiến thắng Phước Long, ngày 5 tháng 2, anh Văn Tiến Dũng lên đường vào Tây Nguyên” (Hoàng Văn Thái, trang 172).
Ngay sau khi nhận được tin, Lê Duẩn chỉ thị cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái lên kế hoạch tiến chiếm miền Nam: “Một tháng sau chiến thắng Phước Long, ngày 5 tháng 2, anh Văn Tiến Dũng lên đường vào Tây Nguyên” (Hoàng Văn Thái, trang 172).
Ngày đó cơ quan USIS của CIA tung tin quân VNCH thua tại Phước Long là do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cố tình bỏ Phước Long để thử xem phản ứng của Mỹ. Sở dĩ CIA đổ cho Nguyễn Văn Thiệu là để Quốc Hội Mỹ có cớ biểu quyết ngưng viện trợ quân sự cho VNCH.
Ⅵ – Và TÌNH HÌNH THỰC SỰ VÀO THÁNG 3 NĂM 1975:
-Tuần đầu của tháng 3 năm 1975. Trong một cuộc họp đầu tuần của Bộ Ngoại Giao HK, Kissinger đã giải thích hành động viện trợ “Lấy Có” cho Cam Bốt: “Chính Phủ Lon Nol đang trên đà sụp đổ, đây là nguyên do chính khiến chúng ta phải tiếp tục viện trợ để cho sau này không ai có thể trách chúng ta vô trách nhiệm”. (Frank Snepp, Decent Interval, trang 175). *(Nguyên văn: “…he say, the Lon Nol Government was on the brink of collapse, it was essential to keep open the aid pipeline so no one could later blame the United States for the disaster”).
– Ngày 7-3-1975, Kissinger chỉ thị cho các viên chức Ngoại Giao HK trước khi ông ta lên đường đi Trung Đông: “Hãy làm mọi cách để Quốc Hội tiếp tục duy trì viện trợ (Lấy Có) cho Cam Bốt và Việt Nam. Không phải để cứu vãn hai nước đó, mà vì không thể nào cứu vãn được hai nước đó” (Frank Snepp, Decent Interval trang 176). *(Nguyên Văn: Do every thing possible to ensure that Congress lived up our aid commitments to Cambodia and Vietnam- not because the two countries were necessarily salvageable, but precisely because they might not be).
Hai ngày sau khi Kissinger nói câu này thì Văn Tiến Dũng ra lệnh tấn công Ban Mê Thuột.
Hai ngày sau khi Kissinger nói câu này thì Văn Tiến Dũng ra lệnh tấn công Ban Mê Thuột.
Kissinger không muốn thiên hạ nghĩ rằng Việt Nam sụp đổ do không còn viện trợ. Và với mức độ viện trợ nhỏ giọt thì đến ngày 30-6-1975 quân đội VNCH sẽ không còn Gạo và không còn Đạn (Tài Liệu The Final Collapse của Đại Tướng Cao Văn Viên). Vì thế Kissinger mong cho Quân đội VNCH tự tan rã trước khi hết Gạo và Đạn trước tháng Sáu năm 1975. Lúc đó thiên hạ sẽ nghĩ rằng Quân Đội Sài Gòn đã thua chạy trước sức tiến công vũ bão của quân Hà Nội.
Ⅶ – THẾ BẮT BUỘC của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Năm 1975 ngày 11-3, một ngày sau khi mất Ban Mê Thuột. Theo Đại Tướng Cao Văn Viên “Ngày 11-3 Tổng Thống Thiệu mời các Tướng Khiêm, Viên, Quang ăn sáng tại Dinh Độc Lập và sau đó trình bày ý định muốn cắt bỏ bớt lãnh thổ cho vừa với mức viện trợ quân sự của HK vào năm 1975”. Tướng Viên ghi lại cảm nghĩ của ông lúc đó: “Quyết định của Tổng Thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như Tổng Thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó, và bây giờ ông chỉ thổ lộ cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng…”
*“… Tổng Thống Thiệu phác họa sơ: …Một vài phần đất quan trọng đang bị Cộng Sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi gía…Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại…” (Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong, trang 129-131).
“Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ không có một phản ứng nào … . Một thực tế gần như hiển nhiên là Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến tiếp tục và biểu quyết viện trợ để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với Hoa Kỳ cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc” (trang 132).
*“… Tổng Thống Thiệu phác họa sơ: …Một vài phần đất quan trọng đang bị Cộng Sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi gía…Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại…” (Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong, trang 129-131).
“Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ không có một phản ứng nào … . Một thực tế gần như hiển nhiên là Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến tiếp tục và biểu quyết viện trợ để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với Hoa Kỳ cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc” (trang 132).
Các đoạn trích dẫn trên đây đã giải thích vì sao Tổng Thống Thiệu phải bỏ Vùng 1 cũng như Vùng 2. Và vì sao Tướng Viên không nhiệt tình tham gia kế hoạch của Tướng Thiệu.
Cuối cùng, sau 30-4-1975 Mỹ mở chiến dịch đổ tội làm mất nước cho Tổng Thống Thiệu để cho người ta không oán hận Mỹ đã bỏ rơi VNCH. Giờ đây đã 40 năm trôi qua, nếu người Mỹ không lên tiếng giải oan cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, thì cũng nên trả lại sự thật cho lịch sử.
Mai Luong chuyển
-Hòa bình của nấm mồ
Tuesday, 28 April 2015 16:11-Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979 - Phạm Thị Hoài dịch
Nguyễn Văn Thiệu và Henry Kissinger
Spiegel: Thưa ông Thiệu, từ 1968 đến 1973 Hoa Kỳ đã nỗ lực thương lượng hòa bình cho Việt Nam. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Henry Kissinger, trưởng phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ đã dùng nhiều trang để miêu tả việc ông, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đã chống lại những nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho một cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm, với hàng triệu nạn nhân và dường như là một cuộc chiến để "bóp nát trái tim Hoa Kỳ". Vì sao ông lại cản trở như vậy?
Nguyễn Văn Thiệu: Nói thế là tuyệt đối vô nghĩa. Nếu tôi cản trở thì đã không có Hiệp định Hòa bình năm 1973 – mặc dù, như ai cũng biết, đó không phải là một nền hòa bình tốt đẹp; hậu quả của nó ở Việt Nam là chứng chỉ rõ ràng nhất. Kissinger đại diện cho chính sách và lợi ích của chính phủ Mỹ. Là Tổng thống Nam Việt Nam, bổn phận của tôi là bảo vệ những lợi ích sống còn của đất nước tôi.
Tôi đã nhiều lần chỉ ra cho Tổng thống Nixon và TS Kissinger rằng, đối với một cường quốc như Hoa Kỳ thì việc từ bỏ một số vị trí không mấy quan trọng ở một quốc gia bé nhỏ như Nam Việt Nam không có gì đáng kể. Nhưng với chúng tôi, đó là vấn đề sinh tử của cả một dân tộc.
Spiegel: Kissinger không phủ nhận rằng cuối cùng ông cũng đồng ý. Nhưng ông ấy cũng nói rằng phải đàm phán lâu như vậy vì ông cản trở nhiều, rằng ông đồng ý với các đề xuất của Mỹ chỉ vì ông chắc mẩm rằng đằng nào thì Hà Nội cũng sẽ bác bỏ.
Nguyễn Văn Thiệu: Không đúng như vậy. Để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 30 năm, người ta cần nhiều thời gian hơn là hai, ba ngày hay hai, ba tháng. Tôi hiểu rõ rằng đối với người Mỹ đã đến giúp chúng tôi, đây là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của họ. Có lẽ vì thế mà họ vội vã như vậy. Nhưng điều chúng tôi cần là một nền hòa bình lâu dài.
Spiegel: Kissinger có ý cho rằng ông không thực sự muốn ký kết một thỏa thuận về hòa bình, đúng ra ông ngầm mong phía miền Bắc cũng sẽ cứng đầu như ông. Kissinger viết rằng ông đồng ý với nhiều đề xuất từ phía Mỹ - trong tinh thần sẵn sàng không tuân thủ, chỉ vì trong thâm tâm ông không tin rằng hòa bình sẽ được ký kết. Có phải là trong khi đàm phán, ông đã bịp, với hy vọng là sẽ không bao giờ phải ngửa bài lên?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Sao lại có thể nói là một dân tộc đã chịu đựng bao nhiêu đau khổ suốt 30 năm lại muốn kéo dài cuộc chiến? Kissinger muốn xúc tiến thật nhanh mọi việc để Mỹ có thể rút quân và tù binh Mỹ được thả. Mà có lẽ mục đích của chính phủ Mỹ cũng là cao chạy xa bay. Họ thì có thể bỏ chạy. Nhưng chúng tôi thì phải ở lại Nam Việt Nam.
Chúng tôi có quyền chính đáng để đòi hỏi một hiệp định hòa bình toàn diện. Không phải là vài ba năm hòa bình, rồi sau đó lại 30 năm chiến tranh.
Nguyễn Văn Thiệu và Richard Nixon tại cuộc họp ở Midway 1969
Spiegel: Vậy tại sao ông lại đi trước cả người Mỹ và tự đề nghị Hoa Kỳ rút quân trong cuộc họp tại đảo Midway ở Thái Bình Dương tháng Sáu 1969, theo tường thuật của Kissinger?
Nguyễn Văn Thiệu: Trước khi họp ở Midway, việc chính phủ Mỹ dự định rút quân đã không còn là điều bí mật. Cho phép tôi nhắc để các ông nhớ lại, tin tức về việc Mỹ sẽ rút một số quân đã loan khắp thế giới, trước cuộc họp ở Midway. Vì sao? Theo tôi, chính phủ Mỹ muốn thả bóng thăm dò, tiết lộ thông tin trước cho báo chí và đẩy chúng tôi vào sự đã rồi.
Spiegel: Tức là ông đã nắm được tình hình?
Nguyễn Văn Thiệu: Đúng thế. Cuộc họp ở Midway nhằm hai mục đích. Thứ nhất, cho hai vị tân tổng thống cơ hội làm quen và bàn về đề tài Việt Nam. Điểm thứ hai đã vạch rất rõ là bàn về việc rút những toán quân Mỹ đầu tiên. Tôi đã không hình dung sai điều gì và đã làm chủ tình thế. Không có gì phải lo lắng, và tôi đã rất vững tâm.
Spiegel: Khi đề xuất Mỹ rút quân, ông có thật sự tin rằng Nam Việt Nam có thể chiến đấu một mình và cuối cùng sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến mà hơn 540.000 lính Mỹ cùng toàn bộ guồng máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ không thắng nổi không? Chuyện đó khó tin lắm.
Nguyễn Văn Thiệu: Không, đề xuất đó không phải của tôi. Tôi chỉ chấp thuận. Tôi chấp thuận đợt rút quân đầu tiên của Mỹ, vì Tổng thống Nixon bảo tôi là ông ấy gặp khó khăn trong đối nội và việc rút quân chỉ mang tính tượng trưng. Ông ấy cần sự ủng hộ của dư luận và của Quốc hội. Nhưng tôi cũng bảo ông ấy rằng: Ông phải chắc chắn rằng Hà Nội không coi việc bắt đầu rút quân đó là dấu hiệu suy yếu của Hoa Kỳ.
Spiegel: Và ông không nghĩ đó là khởi đầu của việc rút quân toàn bộ?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi đã hình dung được rằng, đó là bước đầu tiên để cắt giảm quân số. Nhưng không bao giờ tôi có thể nghĩ Mỹ sẽ rút hẳn và bỏ rơi Nam Việt Nam. Tôi đã trình bày với Tổng thống Nixon rằng việc cắt giảm quân số sẽ phải tiến hành từng bước, như khả năng chiến đấu và việc tiếp tục củng cố Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho phép – tương ứng với những viện trợ quân sự và kinh tế có thể giúp Nam Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình.
Quan trọng hơn, tôi đã bảo ông ấy phải yêu cầu Hà Nội có một hành động tương ứng đáp lại. Phía Mỹ đồng ý với tôi ở mọi điểm; về một sự rút quân từng bước và của cả hai phía...
Spiegel: ... và mang tính tượng trưng?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi hiểu rõ rằng cuộc chiến ở Việt Nam cũng là một vấn đề đối nội của Hoa Kỳ. Và Tổng thống Nixon giải thích rằng ông ấy cần một cử chỉ tượng trưng để giải quyết vấn đề đó. Trước đó một tuần tôi đến Seoul và Đài Loan, tôi đã nói với Tổng thống Park Chung Hee và Tổng thống Tưởng Giới Thạch rằng tôi hy vọng việc rút quân sắp bàn với Tổng thống Nixon ở Midway chỉ là một sự cắt giảm quân số mang tính tượng trưng. Song tôi cũng lưu ý rằng nếu Hoa Kỳ muốn rút hẳn thì chúng tôi cũng không thể ngăn cản. Vậy thì đề nghị họ rút quân từng bước, đồng thời viện trợ để củng cố một quân đội Nam Việt Nam hùng mạnh và hiện đại, có thể thay thế người Mỹ, sẽ là hợp lý hơn. Không bao giờ tôi đặt giả thiết là lính Mỹ sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn.
Spiegel: Mỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc và Tây Đức mà.
Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng chúng tôi là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chúng tôi bảo họ rằng, chúng tôi cần vũ khí và viện trợ, nhưng nhiệt huyết và tính mạng thì chúng tôi không thiếu.
Spiegel: Ông đánh giá thế nào về tình thế của ông khi ấy? Vài tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird vừa đưa ra một khái niệm mới: "Việt Nam hóa chiến tranh". Trước đây người Mỹ chỉ nói đến việc "phi Mỹ hóa" cuộc chiến. Cái khái niệm mới ấy đã thể hiện rõ dự định rút khá nhanh của người Mỹ rồi, đúng không?
Nguyễn Văn Thiệu: Khi đến Sài Gòn vào tháng Bảy 1969, ông Nixon đã nhắc lại rằng ông ấy cần được sự hậu thuẫn của dư luận trong nước Mỹ. Tôi hiểu ông ấy. Nhưng ông ấy không hề tuyên bố rằng việc rút quân là một lịch trình mang tính hệ thống do sáng kiến của Mỹ. Ông ấy chỉ nói với tôi về những khó khăn trong nước, ở Mỹ, và đề nghị tôi giúp. Ông ấy bảo: "Hãy giúp chúng tôi giúp ông." Tôi đáp: "Tôi giúp ông giúp chúng tôi." Trong lần họp mặt đó, chúng tôi lại tiếp tục bàn về việc rút quân từng bước.
Spiegel: Nhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể?
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Và ông Nixon lại hứa rằng việc rút quân của Mỹ sẽ phải đi đôi với những hành động tương ứng của Bắc Việt và phải phù hợp với khả năng phòng thủ của Nam Việt Nam cũng như phải phù hợp với việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam.
Spiegel: Ở thời điểm đó ông có nhận ra rằng nếu thấy cần thì Mỹ cũng sẽ sẵn sàng đơn phương rút quân không?
Nguyễn Văn Thiệu: Có, tôi đã ngờ. Nhưng lúc đó tôi vẫn rất vững tâm và tin tưởng vào đồng minh lớn của chúng tôi.
Spiegel: Có lẽ ông tin thế là phải. Cuốn hồi ký của Kissinger cho thấy khá rõ rằng chính phủ Nixon không thể dễ dàng "đình chỉ một dự án liên quan đến hai chính phủ, năm quốc gia đồng minh và đã khiến 31,000 người Mỹ phải bỏ mạng, như thể ta đơn giản chuyển sang một kênh TV khác."
Rõ ràng là người Mỹ muốn thoát khỏi Việt Nam bằng con đường đàm phán. Chỉ trong trường hợp cần thiết họ mới muốn đơn phương rút quân. Ông có đưa ra yêu sách nào liên quan đến những cuộc thương lượng giữa Washington và Hà Nội không?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh và quyết tâm chấm dứt nó qua đàm phán. Chúng tôi yêu cầu những kẻ xâm lăng đã tràn vào đất nước của chúng tôi phải rút đi. Tất cả chỉ có vậy.
Spiegel: Ông đã oán trách rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975 chủ yếu là do sau Hiệp định Paris, miền Bắc vẫn được phép đóng quân tại miền Nam. Ông khẳng định rằng mình chỉ chấp nhận sự hiện diện đó của miền Bắc trong quá trình đàm phán, còn sau khi ký kết thì Hà Nội phải rút quân. Nhưng Kissinger lại khẳng định trong hồi ký rằng ông thừa biết việc Hà Nội sẽ tiếp tục trụ lại ở miền Nam, và cho đến tận tháng Mười 1972 ông cũng không hề phản đối những đề xuất của phía Mỹ liên quan đến điểm này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đó là một lời nói dối hết sức vô giáo dục của Kissinger, rằng tôi chấp thuận cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam. Nếu ngay từ đầu tôi đã chấp thuận như Kissinger nói thì lúc ông ấy cho tôi xem bản dự thảo, trong đó không có điều khoản nào về việc rút quân của Bắc Việt, tôi đã chẳng phản đối quyết liệt như thế.
Điểm then chốt nhất mà tôi dốc sức bảo vệ, từ đầu cho đến khi kết thúc đàm phán, chính là yêu cầu Hà Nội phải rút quân. Tôi đã tuyên bố rõ với Kissinger là nếu không đạt được điều đó thì không có ký kết.
Sau nhiều ngày tranh luận gay gắt, cuối cùng ông ta bảo: "Thưa Tổng thống, điều đó là không thể được. Nếu được thì tôi đã làm rồi. Vấn đề này đã đặt ra ba năm trước, nhưng phía Liên Xô không chấp nhận." Tôi hiểu ra rằng chính phủ Mỹ đã nhượng bộ trước yêu sách của Liên Xô, và đó là nỗi thất vọng lớn nhất của tôi.
Spiegel: Có lẽ Liên Xô không thể làm khác, vì Hà Nội không chấp nhận coi Nam Việt Nam là một quốc gia khác, và một thời gian dài họ còn phủ nhận việc họ đã đưa quân đội chính quy vào miền Nam.
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã chiến đấu hơn 20 năm và học được rằng, đừng bao giờ tin lời Nga Xô và Hà Nội. Bắc Việt đóng quân ở cả Lào, Campuchia và Nam Việt Nam, tôi tin rằng một người mù cũng nhìn ra điều đó. Muốn chấm dứt chiến tranh thì chúng ta phải nhìn vào hiện thực chứ không thể chỉ nghe lời kẻ địch.
Spiegel: Ông có lập luận như thế với Kissinger không?
Nguyễn Văn Thiệu: Tất nhiên, và với cả Tướng Haig nữa. Tôi bảo ông ấy thế này: "Ông Haig, ông là tướng, tôi là tướng. Ông có biết một hiệp định hòa bình nào trong lịch sử lại cho phép kẻ xâm lăng tiếp tục đóng quân tại lãnh thổ mà nó xâm lược không? Ông có cho phép Liên Xô vào Hoa Kỳ đóng quân rồi tuyên bố rằng ông đã ký kết thành công một hiệp định hòa bình với Liên Xô không?"
Spiegel: Ông ấy trả lời sao?
Nguyễn Văn Thiệu: Ông ấy không trả lời được. Mà trả lời thế nào cơ chứ, chuyện đó hoàn toàn vô lý. Còn gì mà nói nữa.
Spiegel: Nhưng Kissinger thì có câu trả lời trong hồi ký. Ông ấy viết rằng khó mà bắt Hà Nội rút quân, vì họ hoàn toàn không sẵn sàng từ bỏ trên bàn đàm phán những thứ mà họ không mất trên chiến trường. Nhưng ông ấy cũng nói rằng trong Hiệp định Paris có một điều khoản không cho phép xâm lấn. Ông ấy đi đến kết luận rằng "lực lượng miền Bắc sẽ tự nhiên tiêu hao sinh lực và dần dần biến mất."
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi thấy chính phủ Mỹ và đặc biệt là TS Kissinger không hề rút ra được bài học nào khi phải đàm phán với cộng sản, sau những kinh nghiệm đau thương năm 1954 giữa Pháp và cộng sản Việt Nam và từ Chiến tranh Triều Tiên. Họ cũng không học được gì từ những cuộc đàm phán về Lào và Campuchia và cũng không nắm bắt được là nên xử sự thế nào với cộng sản và cần phải hiểu chiến lược và chiến thuật của cộng sản ra sao.
Tức là ta lại phải trở về với vấn đề rằng, vì sao TS Kissinger, người đại diện cho một quốc gia lớn và tự cho mình là nhà thương thuyết giỏi giang nhất, lại có thể tin rằng quân Bắc Việt đóng tại miền Nam sẽ không xâm lấn. Sao ông ấy có thể tin như vậy cơ chứ?
Ông ấy đủ sức kiểm soát từng tấc đất trên biên giới của Campuchia, và của Lào, và của Nam Việt Nam à? Dù có cả triệu nhân viên quốc tế giám sát, chúng tôi cũng không bao giờ có thể khẳng định là đã có đủ bằng chứng rằng không có xâm lấn. Sao ông ấy lại có thể tin những gì Bắc Việt nói. Ông ấy có thể tin lời cộng sản, nhưng chúng tôi thì không. Vì thế mà tôi đã cương quyết đòi Bắc Việt phải rút quân. Nếu họ thực sự muốn hòa bình thì họ ở lại miền Nam làm gì?
Spiegel: Vậy Kissinger nói sao?
Nguyễn Văn Thiệu: Còn nói gì được nữa? Ông ấy và chính phủ Mỹ chỉ muốn chính xác có một điều: rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt và đảm bảo việc trao trả tù binh Mỹ. Họ bảo chúng tôi là họ mong muốn một giải pháp trong danh dự, nhưng sự thực thì họ chỉ muốn bỏ của chạy lấy người. Nhưng họ lại không muốn bị người Việt và cả thế giới kết tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là thế kẹt của họ.
Spiegel: Kissinger viết rằng, ngay sau Chiến dịch Xuân-Hè 1972 của Hà Nội, các bên dường như đã đổi vai. Hà Nội đột nhiên muốn đàm phán trở lại, còn Sài Gòn thì muốn đánh cho đến khi giành toàn thắng.
Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn vô nghĩa! Ông TS Kissinger hiểu thế nào là chiến thắng? Bắc Việt đã đem chiến tranh vào miền Nam. Chúng tôi yêu cầu họ phải rút quân. Thế là chiến thắng hay sao? Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt tự coi mình là tù binh của miền Nam. Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt bồi thường cho tổn thất chiến tranh. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi Bắc Việt giao nộp lãnh thổ. Tôi chưa bao giờ đòi có chân trong chính phủ ở Hà Nội. Vậy ông Kissinger hiểu thế nào về chiến thắng và toàn thắng?
Spiegel: Về vấn đề rút quân của miền Bắc, 31 tháng Năm 1971 là một ngày quan trọng. Kissinger cho biết là khi đó, trong các cuộc họp kín, Mỹ đã đưa ra yêu cầu hai bên cùng rút quân. Trong hồi ký, ít nhất ba lần TS Kissinger viết rằng không những ông được thông báo trước, mà ông còn chấp thuận.
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không bao giờ chấp thuận việc rút quân đơn phương. Từ cuộc họp ở Midway, tôi luôn luôn yêu cầu rút quân từng bước và cả hai bên cùng rút. Hoa Kỳ đã thay đổi lập trường và tìm cách ép chúng tôi, với những chiến thuật mà họ thường sử dụng, bằng cách huơ thanh gươm Damocles trên đầu tôi, chẳng hạn họ đem công luận Mỹ ra đe tôi, họ bảo: "Hình ảnh của ông tại Hoa Kỳ hiện nay rất tồi tệ!" Hoặc: "Quốc hội muốn cắt giảm viện trợ." Vân vân. Họ áp dụng đúng những chiến thuật đã biết, tiết lộ thông tin cho báo giới và đặt tôi trước sự đã rồi.
Nếu tôi từ chối, công luận sẽ quay ra chống tôi: "Ông ta đòi quá nhiều, ông ta sẽ không bao giờ cho Mỹ được rút, ông ta sẽ không bao giờ cho tù binh Mỹ được trở về." Thế là tôi luôn phải chấp thuận. Không phải tự nguyện, mà miễn cưỡng. Tôi phản đối làm sao được, khi lần nào họ cũng bảo rằng: "Ông mà chống thì sẽ bị cắt viện trợ."
Spiegel: Kissinger viết rằng trước bất kỳ một quyết định dù dưới hình thức nào, phía Mỹ cũng hỏi ý kiến ông trước.
Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, họ hỏi ý kiến tôi, nhưng chắc chắn không phải là để nghe tôi nói "Không", nếu đó là những quyết định phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Họ ưa gây sức ép hơn, và đạt được gần như mọi thứ bằng cách đó.
Spiegel: Bây giờ Kissinger cay đắng chỉ trích về Chiến dịch Hạ Lào năm 1971. Ông ấy viết rằng, ông đã đồng ý rằng chiến dịch này nhất định phải thực hiện trong mùa khô. Vậy ý tưởng đó ban đầu là của ai?
Nguyễn Văn Thiệu: Của người Mỹ. Trước đó khá lâu, chúng tôi từng có ý định thực hiện, nhưng không đủ khả năng tiến hành một mình. Đến khi phía Mỹ đề xuất thì chúng tôi sẵn sàng đồng ý, để sớm chấm dứt chiến tranh. Chiến dịch đó do liên quân Việt-Mỹ thực hiện và được vạch ra rất rõ ràng: Chúng tôi tác chiến tại Lào, còn phía Mỹ thì hỗ trợ tiếp vận từ Việt Nam và từ biên giới.
Spiegel: Vì sao? Vì Quốc hội Mỹ có luật cấm quân đội Mỹ xâm nhập lãnh thổ Lào?
Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, tôi tin là vậy. Nhưng cũng vì chúng tôi không có đủ phương tiện để tiếp tế cho binh lính, và nhất là để cứu thương binh ra ngoài. Việc đó chỉ có thề thực hiện bằng trực thăng, và chỉ phía Mỹ mới có đủ trực thăng. Không có họ thì không đời nào chúng tôi đồng ý thực hiện chiến dịch tại Lào.
Spiegel: Kissinger viết rằng quân của ông gặp khó khăn khi yêu cầu không quân hỗ trợ, vì gần như không có báo vụ viên nói được tiếng Anh.
Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn không có vấn đề gì với việc hỗ trợ của không quân. Đôi khi không có thì chúng tôi cũng không lo lắng; chúng tôi có thể dùng pháo binh. Vấn đề là: trong ba ngày mở đầu chiến dịch, phía Mỹ đã mất rất nhiều phi công trực thăng. Vì thế mà họ chần chừ, không bay đúng thời điểm và ở quy mô cần thiết. Điều đó thành ra một vấn đề lớn với quân lực Nam Việt Nam.
Spiegel: Tinh thần binh lính bị suy sụp?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi không đem được binh lính tử trận và thương binh ra ngoài. Không phải chỉ tinh thần binh lính, mà cả tiến độ của chiến dịch cũng bị ảnh hưởng.
Spiegel: Kissinger nêu ra một lý do khác. Rằng ông đã lệnh cho các sĩ quan chỉ huy phải thận trọng khi tiến về hướng Tây và ngừng chiến dịch nếu quân số tổn thất lên tới 3000. Kissinger viết rằng nếu phía Mỹ biết trước điều đó thì không đời nào họ đồng ý tham gia chiến dịch này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đối với một quân nhân, định trước một tổn thất về quân số là điều phi lý. Nếu TS Kissinger nói thế thì ông ấy thật giàu trí tưởng tượng. Chúng tôi chỉ có thể tiến về phía Tây trong giới hạn mà trực thăng cứu viện có thể bay đến. Kissinger bảo là chúng tôi đã rút quân mà không báo cho phía Mỹ. Làm sao chúng tôi có thể triệt thoái trên 10,000 quân mà họ không hay biết gì?
Spiegel: Tức là ông đã thông báo cho họ?
Nguyễn Văn Thiệu: Ồ, tất nhiên. Để tôi kể cho ông nghe một câu chuyện. Hồi đó tờ Time hay tờ Newsweek có đăng bức hình một người lính Nam Việt Nam đang bám vào càng một chiếc trực thăng cứu viện. Bên dưới đề: "Nhát như cáy". Tôi chỉ cười. Tôi thấy nó tệ. Không thể ngăn một người lính lẻ loi hành động như vậy được. Nhưng báo chí lại kết tội lính Nam Việt Nam là hèn nhát và đồng thời giấu biến sự thật về tinh thần chiến đấu sút kém của phi công trực thăng Mỹ trong chiến dịch này.
Spiegel: Một điểm gây rất nhiều tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam là vấn đề ngưng bắn. Theo cuốn hồi ký của Kissinger thì ngay từ mùa Hè 1970 chính phủ Mỹ đã thống nhất về việc sẽ đề xuất một thỏa thuận ngưng bắn tại các chiến tuyến hiện có. Kissinger khẳng định rằng ông không chỉ chấp thuận mà còn ủng hộ đề xuất này.
Nguyễn Văn Thiệu: Đúng như vậy, tôi cũng cho rằng ngưng bắn phải là bước đầu tiên để đáp ứng một hiệp định hòa bình. Nhưng ngưng bắn ngay lập tức – và tôi xin nhắc lại: ngay lập tức – thì tôi không bao giờ đồng ý với Kissinger. Tôi bảo, chúng ta phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc này. Không thể thực hiện ngưng bắn trước khi tính kỹ việc ai sẽ giám sát việc ngưng bắn, nếu ai vi phạm thì hậu quả sẽ thế nào, hai bên sẽ đóng quân ở đâu, vân vân.
Spiegel: Kissinger viết: "Khi đó chúng tôi vẫn tưởng rằng chúng tôi và Thiệu cùng đồng hành hợp tác." Phía Mỹ đã không hiểu rằng ông đem những "chiến thuật né tránh" mà "người Việt thường áp dụng với người ngoại quốc" ra dùng.
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi là một nước nhỏ, gần như mọi thứ đều nhờ ở một đồng minh lớn và vẫn tiếp tục phải xin viện trợ dài hạn của đồng minh đó, không bao giờ chúng tôi lại cho phép mình dùng những thủ đoạn nào đó.
Spiegel: Khi Mỹ đã rút, còn Hà Nội thì được phép tiếp tục đóng quân ở miền Nam, chắc ông phải thấy là ông đã thua trong cuộc chiến này?
Nguyễn Văn Thiệu: Không hẳn, nếu chúng tôi tiếp tục được sự trợ giúp cần thiết từ phía Mỹ, như chính phủ Mỹ đã hứa khi chúng tôi đặt bút ký hiệp định. Ngay cả khi ký, tôi đã coi đó là một nền hòa bình tráo trở.
Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể chống lại bất kỳ sự xâm lăng nào của Bắc Việt. Vì hai lý do: Chúng tôi có lời hứa chắc chắn bằng văn bản của Tổng thống Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng quyết liệt, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Spiegel: Mặc dù ông ấy không hề cho biết sẽ phản ứng bằng cách nào.
Nguyễn Văn Thiệu: Thứ hai, chúng tôi được đảm bảo là sẽ có đủ viện trợ quân sự và kinh tế cần thiết để chống Bắc Việt xâm lược. Nếu chính phủ Mỹ thực lòng giữ lời hứa thì chiến tranh có thể kéo dài, nhưng miền Nam sẽ không bị Bắc Việt thôn tính.
Spiegel: Về điều này thì ông và Kissinger ít nhiều đồng quan điểm. Ông ấy viết rằng chiến lược toàn cục có thể sẽ thành công, nếu Mỹ đủ khả năng hành động trước bất kỳ một vi phạm nào của Hà Nội và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho miền Nam. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Kissinger quy lỗi cho vụ Watergate, vì sau đó Tổng thống Mỹ không còn đủ uy tín. Ông có nghĩ rằng vụ Watergate thực sự chịu trách nhiệm, khiến tất cả sụp đổ không?
Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không phải là người Mỹ. Tôi không muốn quét rác trước cửa nhà người Mỹ. Nhưng nếu người Mỹ giữ lời hứa thì đó là sự cảnh báo tốt nhất, khiến Bắc Việt không tiếp tục xâm lăng, và chiến tranh có thể sẽ dần chấm dứt.
Spiegel: Nếu Hoa Kỳ giữ lời thì theo ông, hiệp định hoàn toàn có thể thành công?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi cho là như vậy.
Spiegel: Như vậy về tổng thể, Hiệp định Paris không đến nỗi tồi?
Nguyễn Văn Thiệu: Đó chắc chắn không phải là một hiệp định có lợi cho chúng tôi. Nó tráo trở. Nhưng đó là lối thoát cuối cùng. Ông phải hiểu rằng chúng tôi đã ký kết, vì chúng tôi không chỉ có lời hứa của chính phủ Mỹ như tôi đã nói, mà hiệp định đó còn được mười hai quốc gia và Liên Hiệp Quốc đảm bảo.
Spiegel: Trong cuốn hồi ký, TS Kissinger có những bình luận rát mặt về khá nhiều chính khách đầu đàn. Nhưng riêng ông thì bị ông ấy dành cho những lời hạ nhục nhất. Tuy đánh giá cao "trí tuệ", "sự can đảm", "nền tảng văn hóa" của ông, nhưng ông ấy vẫn chú tâm vào "thái độ vô liêm sỉ", "xấc xược", "tính vị kỷ chà đạp" và "chiến thuật khủng khiếp, gần như bị ám ảnh điên cuồng" trong cách ứng xử với người Mỹ của ông. Vì thế, cuối cùng Kissinger nhận ra "sự phẫn nộ bất lực mà người Việt thường dùng để hành hạ những đối thủ mạnh hơn về thể lực". Ý kiến của ông về những khắc họa đó thế nào?
Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không muốn đáp lại ông ấy. Tôi không muốn nhận xét gì về ông ấy. Ông ấy có thể đánh giá tôi, tốt hay xấu, thế nào cũng được. Tôi muốn nói về những điều đã xảy ra giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hơn.
Spiegel: Hay ông đã làm gì khiến ông ấy có cái cớ để viết về ông với giọng coi thường như thế?
Nguyễn Văn Thiệu: Có thể ông ấy đã ngạc nhiên vì gặp những người quá thông minh và mẫn cán. Có thể cũng do cái phức cảm tự tôn của một người đàn ông hết sức huênh hoang. Có thể ông ấy không tin nổi là người Việt đối thoại với ông ta lại địch được một người tự coi mình là vô cùng quan trọng.
Để tôi kể thêm một câu chuyện nữa: Ở đảo Midway tôi thấy buồn cười, vì thật chẳng bao giờ tôi có thể hình dung là những người như vậy lại tệ đến thế. Chúng tôi, gồm ông Nixon, ông Kissinger, phụ tá của tôi và tôi, gặp nhau ở nhà một sĩ quan chỉ huy hải quân ở Midway. Ở đó có ba chiếc ghế thấp và một chiếc ghế cao. Ông Nixon ngồi trên chiếc ghế cao.
Spiegel: Như trong phim Nhà độc tài vĩ đại của Chaplin? Hitler cũng ngồi trên một chiếc ghế cao để có thể nhìn xuống Mussolini, ngồi trên một chiếc ghế thấp hơn.
Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng tôi vào góc phòng lấy một chiếc ghế cao khác, nên tôi ngồi ngang tầm với Nixon. Sau buổi gặp đó ở Midway, tôi nghe bạn bè người Mỹ kể lại rằng Kissinger đã rất bất ngờ vì Tổng thống Thiệu là một người như vốn dĩ vẫn vậy.
Spiegel: Trong hồi ký, Kissinger phàn nàn là đã bị cá nhân ông đối xử rất tệ; ông bỏ hẹn để đi chơi trượt nước. Nixon còn quá lời hơn. Theo Kissinger thì Nixon đã gọi ông là "đồ chó đẻ" (son of a bitch) mà Nixon sẽ dạy cho biết "thế nào là tàn bạo".
Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không thể cho phép mình đáp lại những lời khiếm nhã, thô tục đó của Nixon, vì tôi xuất thân từ một gia đình có nề nếp.
Nếu tôi không tiếp TS Kissinger và Đại sứ Bunker thì đơn giản chỉ vì chúng tôi chưa chuẩn bị xong để tiếp tục đàm thoại. Họ đã cần đến 4 năm, vậy vì sao lại bắt tôi trả lời ngay lập tức trong vòng một tiếng đồng hồ? Có lẽ họ sẽ hài lòng, nếu chúng tôi chỉ biết vâng dạ. Nhưng tôi không phải là một người chỉ biết vâng dạ, và nhân dân Nam Việt Nam không phải là một dân tộc chỉ biết vâng dạ, và Quốc hội của chúng tôi không phải là một Quốc hội chỉ biết vâng dạ. Mà tôi phải hỏi ý kiến Quốc hội.
Spiegel: TS Kissinger viết rằng thái độ của ông với ông ấy chủ yếu xuất phát từ "lòng oán hận độc địa".
Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi chỉ bảo vệ lợi ích của đất nước tôi. Dĩ nhiên là đã có những cuộc tranh luận nảy lửa, nhưng thái độ của tôi xuất phát từ tinh thần yêu nước của tôi.
Spiegel: Kissinger viết rằng ông ấy hoàn toàn "thông cảm với hoàn cảnh bất khả kháng" của ông. Ông có thấy dấu hiệu nào của sự thông cảm đó không?
Nguyễn Văn Thiệu: Không, tôi không thấy. Tôi chỉ thấy duy nhất một điều, đó là áp lực từ phía chính phủ Mỹ.
Spiegel: Kissinger viết rằng ông không bao giờ tham gia vào các buổi thảo luận về chủ trương chung. Ông ấy bảo rằng ông chiến đấu "theo kiểu Việt Nam: gián tiếp, đi đường vòng và dùng những phương pháp khiến người ta mệt mỏi hơn là làm sáng tỏ vấn đề", rằng ông "chê bai mọi thứ, nhưng không bao giờ nói đúng vào trọng tâm câu chuyện".
Nguyễn Văn Thiệu: Hãy thử đặt mình vào tình thế của tôi: Ngay từ đầu tôi đã chấp nhận để chính phủ Mỹ họp kín với Hà Nội. Kissinger bảo là đã thường xuyên thông báo cho tôi. Vâng, tôi được thông báo thật – nhưng chỉ về những gì mà ông ấy muốn thông báo. Nhưng tôi đã tin tưởng rằng đồng minh của mình sẽ không bao giờ lừa mình, không bao giờ qua mặt tôi để đàm phán và bí mật bán đứng đất nước tôi.
Các ông có hình dung được không: vỏn vẹn bốn ngày trước khi lên đường đến Hà Nội vào tháng Mười 1972, ông ấy mới trao cho tôi bản dự thảo mà sau này sẽ được chuyển thành văn bản hiệp định ở Paris, bằng tiếng Anh? Chúng tôi phải làm việc với bản dự thảo tiếng Anh này, từng điểm một.
Và bản dự thảo đó không phải do Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ soạn ra, mà do Hà Nội cùng Hoa Kỳ soạn ra. Các ông có thể tưởng tượng được điều đó không? Lẽ ra, trước hết phía Mỹ nên cùng chúng tôi thống nhất quan điểm về những điều kiện đặt ra cho hiệp định, và sau đó, nếu Bắc Việt có đề nghị gì khác thì Kissinger phải trở lại hội ý với chúng tôi. Nhưng ông ấy không hề làm như vậy.
Thay vào đó, ông ấy cùng Bắc Việt soạn ra các thỏa thuận rồi trình ra cho tôi bằng tiếng Anh. Các ông có thể hiểu cảm giác của tôi khi cầm văn bản của hiệp định hòa bình sẽ quyết định số phận của dân tộc tôi mà thậm chí không buồn được viết bằng ngôn ngữ của chúng tôi không?
Spiegel: Nhưng cuối cùng ông cũng có bản tiếng Việt?
Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi cương quyết đòi bản tiếng Việt, đòi bằng được. Mãi đến phút cuối cùng ông ấy mới miễn cưỡng chấp nhận. Sau đó chúng tôi phát hiện ra rất nhiều cái bẫy. Tôi hỏi Đại sứ Bunker và Kissinger, ai đã soạn bản tiếng Việt. Họ bảo: một người Mỹ rất có năng lực thuộc International Linguistics College tại Hoa Kỳ cùng với phía Hà Nội. Nhưng làm sao một người Mỹ có thể hiểu và viết tiếng Việt thành thạo hơn người Việt. Và làm sao một người Mỹ có thể ứng đối bằng tiếng Việt với cộng sản Bắc Việt giỏi hơn chính chúng tôi? Đồng minh mà như thế thì có chân thành và trung thực không?
Spiegel: Một số quan chức cao cấp ở Hoa Kỳ từng nhận định rằng thực ra Kissinger chỉ cố gắng đạt được một khoảng thời gian khả dĩ giữa việc Mỹ rút quân và sự sụp đổ tất yếu của Nam Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Kissinger bác bỏ quan niệm đó. Ý kiến của ông thì thế nào?
Nguyễn Văn Thiệu: Bất kể người Mỹ nói gì, tôi tin rằng mục đích cuối cùng của chính phủ Mỹ là một chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam.
Spiegel: Nhưng Kissinger đưa ra cả một loạt điểm để chứng minh rằng không phải như vậy.
Nguyễn Văn Thiệu: Chính phủ Mỹ tìm cách ép chúng tôi phải đồng ý. Để họ có thể hãnh diện là đã thoát ra được bằng một "thỏa thuận danh dự". Để họ có thề tuyên bố ở Hoa Kỳ rằng: "Chúng ta rút quân về nước, chúng ta đảm bảo việc phóng thích tù binh Mỹ." Và ở ngoài nước Mỹ thì họ nói rằng: "Chúng tôi đã đạt được hòa bình cho Nam Việt Nam. Bây giờ mọi chuyện do người dân Nam Việt Nam định đoạt. Nếu chính phủ liên hiệp biến thành một chính phủ do cộng sản chi phối thì đó là vấn đề của họ. Chúng tôi đã đạt được một giải pháp danh dự."
Spiegel: Kissinger viết như sau: "Nguyên tắc mà chúng tôi tuân thủ trong các cuộc đàm phán là: Hoa Kỳ không phản bội đồng minh."
Nguyễn Văn Thiệu: Ông cứ nhìn miền Nam Việt Nam, Campuchia và toàn bộ Đông Dương hiện nay thì biết. Khi tranh luận với các đại diện chính phủ Mỹ về hiệp định hòa bình, chúng tôi thường có ấn tượng rằng họ không chỉ đóng vai, mà thực tế là đã biện hộ cho ác quỷ.
Spiegel: Có bao giờ ông thấy một chút gì như là biết ơn đối với những điều mà người Mỹ đã làm để giúp nước ông không? Trong cuốn sách của mình, Kissinger viết rằng: "Biết công nhận những cống hiến của người khác không phải là đặc tính của người Việt."
Nguyễn Văn Thiệu (cười): Về những điều mà Kissinger viết trong cuốn sách của ông ấy thì tôi cho rằng chỉ một người có đầu óc lộn bậy, chỉ một người có tính khí tởm lợm mới nghĩ ra được những thứ như vậy. Trong cuốn sách đó ông ấy còn tỏ ý sợ người Việt sẽ đem những người Mỹ còn sót lại ra trả thù, sau khi Washington bỏ rơi chúng tôi. Không bao giờ chúng tôi làm những điều như thế, không bây giờ và không bao giờ.
Spiegel: Cá nhân ông có cảm thấy một chút hàm ơn nào với họ không?
Nguyễn Văn Thiệu: Hết sức thực lòng: Nếu chính phủ Mỹ không phản bội, không đâm dao sau lưng chúng tôi thì nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn họ. Có lần, sau khi chúng tôi tranh luận rất kịch liệt về một văn bản trong hiệp định, một số thành viên trong chính phủ của tôi bảo rằng, nếu Kissinger lập công với miền Nam như ông ta đã lập công với miền Bắc thì may mắn biết bao. Tôi bảo họ: nếu ông ấy thương lượng được một nền hòa bình thực sự với Hà Nội thì miền Nam sẽ dựng tượng ông ấy, như MacAthur ở Nam Hàn. Nhưng đáng tiếc là đã không như vậy. Nhìn vào những hậu quả của nền hòa bình ấy: trại tập trung cải tạo, nạn đói, nhục hình tra tấn, hàng ngàn thuyền nhân bỏ mạng trên biển, và một cuộc diệt chủng tàn bạo hơn, hệ thống hơn và hoạch định hơn cả ở Campuchia, tôi nghĩ tốt nhất là người Mỹ nên tự đánh giá những điều mà ông Nixon và ông Kissinger đã gây ra cho miền Nam Việt Nam. Kissinger không có gì để tự hào về nền hòa bình mà ông ấy đã đạt được. Đó là hòa bình của nấm mồ.
Spiegel: Xin cảm ơn ông Thiệu đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
(Nguồn: "Die Amerikaner haben uns verraten", tạp chí Spiegel số 50/1979. Những người thực hiện: Engel, Johannes K., Lohfeldt, Heinz P.)-
-Một Bí Ẩn Cần Tiết Lộ Trong Chuyện Bức Tử Miền Nam Năm 1975
27/04/2015 Tác giả :Trần Viết Đại Hưng (Cập nhật hóa 03/04/2005)
Miền nam Việt Nam đã mất vào tay cộng sản đến nay cũng đã hơn 25 năm. Biết bao nhiêu cuốn sách đã viết để nói lên sự thất trận của miền nam. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là tại làm sao một quân đội gồm một triệu quân binh hùng tướng mạnh như thế lại có thể sụp đổ chỉ trong vòng có 55 ngày. Có phải quân cộng sản miền Bắc quá tài giỏi chăng? Chắc chắn là không phải như vậy, quân miền Nam đã đương đầu ngang ngửa với miền Bắc trong suốt bao nhiêu năm trời. Quân đội miền Nam đã từng tái chiếm tỉnh Quảng Trị từ tay Bắc quân, từng giữ vững An Lộc trong khi bị mỗi ngày từ 8000 đến 10000 trái đạn pháo, thế thì tại sao miền Nam lại sụp đổ quá mau chóng trong trận chiến năm 1975. Phải chăng có một âm mưu bức tử miền Nam? Câu hỏi này đã có nhiều người nói đến nhưng chưa ai trưng ra được bằng chứng cụ thể về chuyện bức tử miền nam. Bài viết này nhằm tiết lộ một bí mật lịch sử nhằm trả lời cho câu hỏi đó.
Tôi đến Mỹ năm 1980 . Tình cờ đi thuê phòng ở gia đình một người Việt Nam trong vùng Los Angeles thì gặp được người chủ nhà người Nam tên HTH. Ở chung nhà với nhau anh có kể cho tôi nghe chuyện anh ra khỏi Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975 như thế nào và những lời anh kể đúng là chứng liệu lịch sử giúp người Việt nhìn lại biến cố 1975 với tất cả những sự thật trần trụi, phũ phàng của nó.
Anh H kể rằng lúc Đà Nẵng bị tràn ngập thì anh tìm cách đi xà lan ra khơi để cặp vào tàu lớn.(Anh vốn là một thanh tra hành chánh, đang làm công việc thanh tra tại Đà nẵng vào những ngày chiến trận sôi động tại Đà Nẵng.) Lúc lên tàu thì anh gặp được Trung tướng Ngô quang Trưởng đang ở trên tàu. Theo như anh nghe lại những người trên tàu kể lại là lúc tướng Trưởng lên tàu, ông bị ngất xỉu. Ông được một bác sĩ quân y tên Ngô quang Nghiêm chích cho một mũi thuốc khỏe và tướng Trưởng tỉnh lại. Lúc gặp anh H bạn tôi trên tàu, tướng Trưởng có nói một câu như thế này " Tôi không ngờ tình tình chính trị đi nhanh hơn tình hình quân sự." Có thể giải thích câu nói này một cách đầy đủ là " Sự sụp đổ quá nhanh chóng của vùng 1 là do sự dàn xếp chính trị chứ tình hình quân sự không thể nào diễn tiến tồi tệ đến như vậy". Tướng Trưởng hiện nay định cư tại Virginia và Bác sĩ Ngô quang Nghiêm hiện đang ở tiểu bang Texas. Ai muốn tìm hiểu sự trung thực của câu chuyện kể trên, xin liên lạc để kiểm chứng với tướng Trưởng và Bác sĩ Nghiêm.
Trung tướng Ngô quang Trưởng là một trong những tướng lãnh giỏi và xuất sắc nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tài nghệ dụng binh của ông đã để lại những câu chuyện trở thành huyền thoại. Năm 1968, cộng sản chiếm thành phố Huế trong vòng 25 ngày. Ông Trưởng lúc ấy đóng tại đồn Mang Cá tại Huế. Những cuốn sách của Cộng sản xuất bản sau 1975 nói về trận đánh Huế cho biết Cộng sản đã nhiều lần cho quân xung phong để chiếm cho được đồn Mang cá do Ngô quang Trưởng chỉ huy nhưng lần nào cũng thất bại và bị thiệt hại nhân mạng khá nhiều. Ông Trưởng giữ vững đồn Mang Cá cho đến khi thành phố Huế được quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm trở lại.
Đại tướng Mỹ Norman Schwarzkopf, một anh hùng của Mỹ trong trận chiến vùng vịnh với Saddam Hussein, sau khi về hưu có viết một cuốn hồi ký tên " It does not take a hero " ( Không cần có một anh hùng) kể lại cuộc đời binh nghiệp của ông từ nhỏ cho đến khi ông về hưu. Ông không quên nhắc đến tướng Ngô quang Trưởng với sự thán phục về tài điều khiển hành quân của tướng Trưởng . ( Lúc qua Việt Nam, tướng Schwarzkopf là thiếu tá, làm cố vấn cho Đại tá Ngô quang Trưởng). Trong cuốn hồi ký có những đoạn đề cập đến Tướng Trưởng như sau:
" ...Colonel Ngo Quang Truong was General Dong's chief of staff. He did not look like my ideas of a military genius: only five feet seven, in his midforties, very skinny, with hunched shoulders and a head that seemed too big for his body. His face was pinched and intense, not at all handsome, and there was always a cigarette hanging from his lips. Yet he was revered by his officers and troops- and feared by those North Vietnamese commanders who knew his ability. Any time a particular tricky operation came up, Dong put him in commamnd. ( Trang 122)
" Tạm dịch : Đại tá Ngô Quang Trưởng là tham mưu trưởng của tướng Đống ( Dư quốc Đống). Ông ta không giống hình ảnh một thiên tài quân sự mà tôi thường nghĩ đến : cao chỉ 5 bộ 7 ( chừng 1m70), ở lứa tuổi giữa bốn mươi, rất ốm, với lưng gù và có cái đầu dường như quá to so với thân hình của ông. Gương mặt ông nhăn nhúm và rắn rỏi, không đẹp trai tí nào cả, và trên miệng ông luôn có điếu thuốc lá nằm ở đó. Thế mà ông được những viên chức và binh lính của ông kính nể - và làm kinh sợ những cấp chỉ huy của miền Bắc, những người biết khả năng của ông. Bất cứ khi nào có một chuyện hành quân mưu mẹo đặc biệt nào đó xảy ra, Đống đặt ông vào nhiệm vụ chỉ huy).
" ....Simply by visualizing the terrain and drawêing on his experience fighting the enemy for fifteen years, Truong showed an uncanny ability to predict what they were going to do."
( Trang 123)
" ... Chỉ đơn giản hình dung ra địa thế và moi lại kinh nghiệm chiến đấu chống kẻ thù trong mười lăm năm, Trưởng đã chứng tỏ khả năng kỳ lạ của ông trong chuyện tiên đoán chúng sẽ làm gì."
" I'd never heard anything like this at West Point. I was thinking, " What's all this about eight o'clock and eleven o'clock? How can he schedule a battle that way?" But i also recognized the outline of his plan: Truong had reinvented the tactics Hannibal had used in 217 B.C when he enveloped and annihilated the Roman legions on the banks of Lake Trasimene."
( Trang 123)
" Tôi chưa từng nghe thấy điều gì như thế này tại trường võ bị West Point. Tôi nghĩ " Cái gì mà 8 giờ và 11 giờ thế này ? Ông ta sắp xếp trận đánh kiểu gì đây? " Nhưng tôi cũng nhận ra được nét đại cương của kế hoạch của ông : Trưởng đã tái sáng chế ra cái chiến thuật mà Hannibal đã dùng vào năm 217 trước Công Nguyên khi ông bao vây và tiêu diệt quân đoàn La Mã trên những bờ hồ Trasimene."
Những lời ca ngợi của đại tướng Schwarzkopf về tướng Trưởng nói trên đủû để xác định tướng Trưởng là một thiên tài quân sự. Tướng Ngô Quang Trưởng cũng chính là người chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm lại thành phố Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Thế thì vùng 1 sao lại mất quá dễ dàng vào tay cộng sản trong tháng 3 năm 1975. Nhìn lại tình tình lúc đó thì rõ ràng tướng Trưởng đã lọt vào một " mê hồn trận " do Saigòn đề ra khiến ông không còn chủ động để điều binh khiển tướng được nữa. Những lệnh bất nhất từ Sài gòn đưa ra như bảo giữ Huế rồi lại ra lệnh bỏ Huế, bảo giữ Đà Nẵng rồi lại ra lệnh bỏ Đà Nẵng. Những lệnh quái gỡ như thế đã trói tay thiên tài quân sự Ngô Quang Trưởng và kết quả là vùng 1 đã mất vào tay Cộng Sản mà quân đội miền Nam tại vùng 1 chưa có dịp để đánh trận nào cả. Với con mắt của người chỉ huy quân sự chuyên nghiệp, tướng Trưởng đã nhìn thấy rất rõ âm mưu giật sập miền Trung của Sàigòn cho nên ông mới thốt ra câu nói " Tôi không ngờ tình hình chính trị đi nhanh hơn tình hình quân sự"với anh bạn tôi.
Mấy năm trước đây, báo chí Việt ngữ hải ngoại có tìm gặp Trung tướng Ngô quang Trưởng để tìm hiểu về chuyện tan rã của quân đoàn 1 vào tháng 3 năm 1975, tướng Trưởng đã thẳng thắn kể lại những chuyện xảy ra đối với quân đoàn 1 do ông chỉ huy. Những lời kể của ông được nghệ sĩ Lê bá Chư ghi lại trong bài viết mang tên " Vì sao tôi bỏ quân đoàn 1" có nội dung như sau:
" Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp, tôi vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp tổng thống và thủ tướng ( Trần thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra, không có ai khác. Thường lệ, khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầy đủ mặt các vị tư lệnh quân đoàn và tư lệnh các quân binh chủng khác. Lần này, thì chỉ có một mình tôi thôi. Tôi thắc mắc lo lắng. Nhưng khi Tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông là phải rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi. Thật ra, lúc đó tình hình tại Huế, Quảng Ngãi, và Đà nẵng tuy có hơi nặng nề vì địch tấn công liên tiếp, tuy nhiên tôi đủ sức chống giữ và sẽ tăng cường Sư đoàn Dù cùng với Thủy Quân Lục Chiến ra những vùng đó để lấy lại ưu thế. Tôi trình bày cặn kẽ những ý kiến cũng như dự định của tôi lên tổng thống và thủ tướng nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di bất dịch là: Phải rút Quân đoàn 1 càng sớm càng hay.
Trở ra quân đoàn 1, tôi cho triệu tập tất cả các vị tư lệnh sư đoàn, tỉnh trưởng, tiểu khu trưởng, và các sĩ quan tham mưu quân đoàn để họp. Thái độ khác thường của tôi làm các sĩ quan trong buổi họp hôm đó có vẻ nghi ngờ, thắc mắc. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ hỏi sơ qua tình hình và nói vu vơ quanh quẩn. Chứ làm sao tôi có thể ra lệnh thẳng khi chỉ với một mình tôi là tư lệnh quân đoàn mà thôi. Vì vậy cuộc họp hôm đó cũng chẳng mang lại kết quả nào như ý tôi mong muốn. Lệnh của Tổng thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân đoàn 1 vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân đoàn 2 vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc lộ 22 làm ranh giới. Việt Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên.
Cái sai lầm của Trung ương là không cho các thuộc cấp biết ý định của mình. Nghĩa là các vị tư lệnh các quân binh chủng, tổng bộ trưởng, tư lệnh sư đoàn v..v đã không biết gì về lệnh rút quân của Quân đoàn 1 và 2 cả. Lệnh này chỉ có tổng thống, thủ tướng, Đại tướng Cao văn Viên, tôi ( tư lệnh Quân doàn 1), và tư lệnh Quân đoàn 2 ( tướng Phạm văn Phú) biết mà thôi. Do đó thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa tham mưu và các cấp, không có kế hoạch rút quân đàng hoàng, lệnh đột ngột không có cả thì giờ để xếp đặt kế hoạch, gây hoang mang cho binh sĩ, nhất là khi gia đình họ cũng không được bảo vệ đúng mức thì làm sao tránh khỏi hoang mang? Ai cũng lắng nghe tin tức thân nhân ở bên ngoài doanh trại. Thêm vào đó, tin tức Ban mê Thuộc, Pleiku, Kontum bị chiếm, Huế bỏ ngỏ, dân chúng Huế chạy vào Đà Nẵng ngày một đông gây cảnh xáo trộn kinh hoàng cho dân Đà Nẵng. Rồi sau đó là Chu Lai bị áp lực nặng. Tôi ra lệnh cho tướng Trần văn Nhựt rút Sư đoàn 2 từ Chu Lai ra trấn tại Lý Sơn ( Cù Lao Ré) để kiểm soát đường biển, sợ địch ra chiếm đóng thì đường biển sẽ bị khó khăn. Trong khi đó, cảnh hỗn loạn đã xảy ra phần lớn do dân chúng hốt hoảng từ chỗ này sang chỗ khác làm cho binh sĩ nao núng và cũng chạy theo thân nhân. Mở miệng ra lệnh cho họ rút quân, trong khi mới hôm qua, tuyên bố với lòng dạ sắt đá, nói cứng rắn với anh em là quyết giữ để không mất một tấc đất ở vùng 1 là một chuyện thật khó làm.
Sau đó tôi suy nghĩ kỹ hơn và quyết định gọi Đại tướng Cao văn Viên nhờ xin tổng thống Thiệu cho tôi được dùng mọi cách để giữ Huế và vùng 1. Làm sao tôi có thể bỏ Huế và vùng 1 ? Làm sao tôi bỏ được vùng đất sỏi đá này khi bao nhiêu chiến hữu của tôi đã đổ máu để gìn giữ ? Nhất là trong vụ Mậu Thân, máu anh em đã đổ nhiều.
Tổng thống Thiệu rung động, chấp thuận cho tôi giữ Huế. Sáng 18 tháng 3 năm 1975, tôi ra Huế gặp tướng Lâm quang Thi ( tư lệnh phó Quân đoàn 1) vốn là người đang chỉ huy tại Huế. Tôi chỉ thị: Giữ Huế cho thật vững. Chiều hôm đó về đến Đà Nẵng, tôi nhận được một lệnh do Đại tướng Cao văn Viên thừa lệnh tổng thống yêu cầu tôi " bỏ Huế". Lệnh đó làm cho tôi chết lặng người. Vì mới buổi sáng nay ở Huế, tôi đã ra lệnh cho tướng Thi giữ Huế. Bây giờ đột nhiên được lệnh bỏ thì tôi biết ăn nói làm sao với tướng Thi và anh em binh sĩ đây. Nhưng tôi vẫn phải đành thi hành theo lệnh trên. Tôi gọi điện thoại thông báo lệnh bỏ Huế cho tướng Thi. Tướng Thi trả lời ngay, " Ở Huế bây giờ xã ấp phường khóm tốt quá, đâu đâu tình hình cũng tốt cả, mà tại sao anh bảo tôi bỏ là bỏ làm sao? Tôi buồn bã trả lời, " Tôi biết rồi, nhưng xin anh bỏ Huế dùm tôi, đó là lệnh trên, không bỏ là không được." Kết quả là tướng Thi thi hành lệnh bỏ Huế, và dồn quân đến cửa Thuận An để tàu Hải quân chở lính về Đà Nẵng.
Trong khoảng thời gian từ 13 đến 18 tháng 3, hàng đêm tôi gọi điện thoại cho Thủ tướng Khiêm và báo cáo mọi biến chuyển, từ công việc hành chánh đến quân sự.. Tình hình khó khăn, địch tấn công mà lại thêm cái lệnh " phải rút càng sớm càng tốt " lan truyền rỉ rả cho nên binh sĩ và công chức hết sức xôn xao. Tôi báo cáo mọi việc và xin thủ tướng ra quan sát tình hình. Sáng 19 tháng 3 năm 1975, Thủ tướng Khiêm đến, tôi cho tập họp tất cả các vị tư lệnh sư đoàn, tỉnh trưởng, thị trưởng, bộ tham mưu và các trưởng phòng sở hành chánh để thủ tướng nói chuyện. Trước khi thủ tướng đến, tôi đã nói chuyện với anh em có mặt tại hôm đó rằng tình hình khẩn trương, anh em phải nói lên sự thật đang xảy ra trong thực tế tại nơi này để thủ tướng biết rõ tình hình mà giải quyết cấp thời, chứ đừng có giữ thái độ " trình thưa dạ bẩm" trong lúc này nữa. Phải thẳng thắn mà nói lên sự thật. Nhưng sau khi thủ tướng nói chuyện xong đến phần thắc mắc thì cũng có ai nói gì cả. Tôi rất buồn vì anh em không chịu nghe lời tôi để nói cho thủ tướng biết những sự thật về tình hình hiện tại. Duy chỉ có một mình Đại tá Kỳ, tình trưởng Quảng Trị, có hỏi một câu, " Thưa thủ tướng, trong mấy ngày vừa qua, có một số công chức đã tự ý bỏ nhiệm sở, không đến làm việc, thế thì phải dùng biện pháp gì để trừng phạt những người đó? Câu hỏi thật hay nhưng thủ tướng không trả lời và nói lảng sang chuyện khác. Vì thủ tướng làm sao nói được khi lệnh trên đã muốn giải tán Quân Đoàn 1 và Quân khu 1 càng sớm càng tốt.
Đúng ngày 22 tháng 3 năm 1975, tôi được lệnh rút sư đoàn Dù và sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến về giữ Nha Trang. Ngày 29 tháng 3 năm 1975, Cộng quân tràn vào Đà Nẵng với những trận giao tranh nhỏ. Tôi được chiến hạm HQ 404 đưa về Sài Gòn. Trên tàu cũng có một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Khi tàu đang chạy ngoài khơi, Tổng thống Thiệu liên lạc yêu cầu tôi ra tái chiếm Đà Nẵng? Lính tráng đã phân tán mỗi người một nơi. Cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát, làm sao tôi có thể làm chuyện tái chiếm đó được ( tái chiếm Đà Nẵng) ?Sau đó tôi được lệnh cho hạm trưởng ghé tàu vào Cam Ranh, bỏ hết Thủy Quân Lục Chiến xuống, rồi chỉ cho một mình tôi về Sài Gòn. Tôi không chịu mặc dù lúc đó tàu đã cập bến Cam Ranh rồi.
Tôi nhờ hạm trưởng gọi về bộ Tổng tham mưu xin cho anh em Thủy Quân Lục Chiến được về Sài Gòn tĩnh dưỡng, nghĩ ngơi cùng tôi. Còn không thì tôi sẽ ở lại Cam Ranh và đi theo anh em Thủy Quân Lục Chiến để cùng nhau chiến đấu. Sau đó, Sài Gòn bằng lòng cho tàu chở tất cả về Sài Gòn.
Về đến Sài Gòn, tôi được bổ nhiệm vào Bộ Tư Lệnh Hành Quân lưu động ở Bộ Tổng Tham Mưu. Khi vào đây tôi gặp phó đề đốc Hồ văn Kỳ thoại ( tư lệnh Hải Quân vùng 1 Duyên Hải) và Chuẩn tướng Nguyễn văn Khánh ( tư lệnh sư đoàn 1 không Quân) và Trung tướng Thi thì bị phạt quản thúc về tội bỏ Huế. Tôi không hiểu vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vây. Họ đâu có tội gì, họ chỉ thi hành theo đúng lệnh mà lại bị phạt thì quả thật là bất công. Tướng Thi thật sự là một người chống lại việc bỏ Huế. Lúc trước khi nghe tôi cho biết là tồng thống đã ra lệnh bỏ Huế thì tướng Thi đã trả lời thẳng với tôi rằng, " Xã ấp còn tốt quá mà bỏ chạy là sao?" Vậy mà bây giờ ông lại bị phạt giam quản thúc. Những vị tướng như tướng Thi bị phạt oan uổng trong khi họ còn xứng đáng hơn gấp mấy trăm lần những ông tướng phè phỡn ở Sài Gòn.
Hôm sau trong buổi họp tại Bộ Tổng tham Mưu, tôi có nói rằng, " Việc phạt tướng Thi cùng hai tướng Thoại và Khánh và không đúng, họ chỉ là thuộc cấp của tôi, họ chỉ làm theo chỉ thị của tôi mà thôi. Họ không có tội gì cả, nếu có phạt thì xin phạt tôi đây này." Phòng họp lặng ngắt. Đại tướng Viên nhìn qua tướng Trần văn Đôn. Tướng Đôn mới đi Pháp về, mới đảm nhận chức tổng trưởng quốc phòng. Có thể vì vậy nên tướng Đôn mới không biết là Tổng thống Thiệu đã trực tiếp ra lệnh cho tôi bỏ Huế, nên tướng Đôn mới đề nghị phạt tướng Thi vì đã bỏ Huế để rút lui. Mà Tổng thống Thiệu lại không dám nói sự thật với tướng Đôn, và chỉ ký lệnh phạt. Sau đó, tướng Lê nguyên Khang buột miệng nói với giọng giận dữ, " Anh em chúng tôi không có tội tình mẹ gì cả! " Tiện đây, tôi cũng xin nói về trường hợp của tướng Thoại và tướng Khánh. Với chức tư lệnh trong tay, có hàng ngàn lính, hàng trăm chiến hạm lớn nhỏ, nhưng tội nghiệp thay, sau khi hỗn loạn, tướng Thoại đã bị bỏ quên, không ai chở đi khỏi bộ tư lệnh ở Tiên Sa, và ông đã phải đi bộ qua dãy núi phía sau bờ biển. May nhờ có một chiếc tàu nhỏ của Hải Quân mà anh em trên tàu lúc đó cũng còn giữ kỷ luật, khi họ thấy Đề đốc Thoại ở đó, họ liền ghé vào chở tướng Thoại đi chứ nếu không thì cũng chẳng biết sau này sẽ ra sao. Còn tướng Khánh , tư lệnh sư đoàn 1 Không Quân, đã không đủ nhiên liệu để bay xa mà phải đáp trực thăng tại một bãi cát ở Sơn Trà rồi lội ra tàu. Cũng may lúc đó gặp tàu HQ 404 và đã cùng tôi về Sài Gòn."
Lời trần tình của tướng Trưởng như thế cũng đã quá rõ ràng và đầy đủ. Những lệnh bất nhất từ Sài Gòn do Thiệu đưa ra không phải là do Thiệu bối rối mà là một sự tính toán tinh vi để giật sập Quân Đoàn 1 mà tướng tài giỏi Ngô quang Trưởng đành phải bó tay, không xoay sở gì được.
Không những đánh giặc giỏi, tướng Ngô quang Trưởng lại là một người cực kỳ thanh liêm, được sự quý mến của dân và quân dưới quyền, ông không bao giờ dính dáng vào những chuyện tham nhũng xấu xa như những tướng lãnh khác. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thật hãnh diện khi có những tướng lãnh vừa cầm quân hay vừa thanh liêm như Ngô quang Trưởng, Nguyễn khoa Nam. Nếu Mỹ không bỏ cuộc thì vùng 1 do tướng Trưởng nắm và vùng 4 do tướng Nam chỉ hay sẽ không bao giờ thất thủ trước quân đội Cộng sản.
Rõ ràng là lệnh giật sập miền Trung là do từ Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, có điều câu hỏi đặt ra ở đây là Thiệu giật sập miền Trung là do nghe lệnh của Mỹ hay tự ý một mình hành động?
Có người còn cho rằng Thiệu bị " tháu cáy " lúc giật sập Quân đoàn 1 và 2 vì Thiệu tưởng khi để mất vùng 1 và 2, chính phủ Mỹ sẽ xúc động và viện trợ khẩn cấp nhiều hơn, không ngờ Mỹ quyết định bỏ rơi luôn Miền Nam. Và vì lý do đó mà Thiệu lên truyền hình chửi rủa Mỹ thậm tệ vào ngày 21 tháng 4 năm 1975 khi Thiệu biết mình bị " tháu cáy" trong ván bài cân não với Mỹ. Dù sao đây cũng chỉ là một sự phỏng đoán. Hy vọng với thời gian sẽ có nhiều tài liệu được công bố thì mới biết được chuyện Thiệu có bị " tháu cáy" hay không?
Trước khi vùng 1 thất thủ, thì ở vùng 2, toàn bộ Quân đoàn 2 đóng tại Pleiku được lệnh di tản về Tuy Hòa bằng liên tỉnh lộ số 7. Đại tá Lê khắc Lý, tham mưu trưởng Quân đoàn 2, sau này ra hải ngoại có lên một đài phát thanh và kể chuyện lại rằng, khi nhận được lệnh rút quân, một tướng lãnh của quân đoàn 2 là tướng Cẩm đã nhận xét với ông, " Thôi rồi, bàn cờ đã sắp xếp xong, chẳng còn gì để nói chuyện đánh đấm nữa." Một thiếu tá pháo binh bày tỏ sự tức giận với ông Lý, " Súng đạn còn đầy đủ, quân lính còn đông, sao lại bỏ chạy như thế này." Chuyện kể của tham mưu trưởng Quân đoàn 2 Lê khắc Lý cho thấy khi Quân đoàn 2 được lệnh rút từ Pleiku về Tuy Hòa thì coi như số phận của Quân đoàn 2 cũng được sắp xếp xong cho phù hợp với kế hoạch giật sập vùng 1 và vùng 2 của Sài gòn.
Ông Thiệu giật sập vùng 1 và vùng 2 với dụng ý gì? Phải chăng là tạo sự xúc động trong chính trường Mỹ để quốc hội Mỹ viện trợ khẩn cấp để cứu miền Nam hay còn vì một lý do nào khác? Ông tự ý hành động hay làm theo lời của Mỹ? Có phải Mỹ muốn ông Thiệu giật sập miền nam càng sớm càng tốt để thế giới khỏi trong thấy thêm những cảnh thương tâm do chiến tranh gây ra để rồi lên án Mỹ thêm? Nếu ông một mình tự ý hành động, phải chăng đây là hành động " tái phối trí " và " di tản chiến thuật " để co cụm lại sức lực quân đội miền Nam nhằm đối phó với cuộc tổng tấn công của cộng sản? Nếu hành động theo lời Mỹ thì tại sao ngày 21 tháng 4 năm 1975 ông lên đài truyền hình chửi Mỹ thậm tệ, nào là bất tín, nào là bội ước, thất hứa, để rồi sau đó vài ngày ông và gia đình được Mỹ " bồng" ra ngoại quốc một cách nhẹ nhàng êm thắm. Liệu chuyện chửi Mỹ có phải là một vở kịch mà ông đóng quá hay không? Những câu hỏi này chỉ có Mỹ và ông Thiệu mới có thể trả lời nhưng ông Thiệu và Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ trả lời những bí mật đen tối của lịch sử này. Lúc cùng gia đình đi phi cơ tới Đài Loan, được báo chí hỏi về trách nhiệm của ông trước sự hấp hối của miền Nam, Tổng thống Thiệu trả lời: " Đó là tất cả tôi có thể làm cho quê hương của tôi!" Lời nói vô liêm sỉ này của Thiệu được Trần văn Trà, thượng tướng của Việt Cộng, nhắc lại trong hồi ký " Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm " và phê bình lời nói trên của Nguyễn văn Thiệu như sau, " Đó là khẩu khí của một tên tổng thống ngụy quyền !"
Cách đây mấy năm lúc được Đài radio Bolsa của Việt Dzũng phỏng vấn nhân ngày 30 tháng 4. Ông Thiệu không dám để cho Việt Dzũng tự ý hỏi mà bắt Việt Dzũng phải đưa cho ông những câu hỏi trước rồi ông chọn câu hỏi mà trả lời. Phải chăng ông ngại là sẽ có những câu hỏi bất ngờ sẽ làm ông lúng túng khi trả lời và không khéo sẽ làm lòi ra cái tội giật sập miền Nam của ông ?. Có điểm cần lưu ý thêm là ông Thiệu đã giật sập luôn Tổng đoàn Bảo An của Phật giáo Hòa Hảo trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, đây là một lực lượng chống cộng quyết liệt tại miền Tây. Điều này càng chứng tỏ âm mưu giật sập miền Nam của Nguyễn văn Thiệu quá sức rõ ràng. Thiệu giật sập miền Nam theo lệnh Mỹ hay giật sập miền Nam theo sự suy tính của mình và với mục đích gì thì phải cần thêm thời gian và tài liệu được công bố mới có thể trả lời được câu hỏi hóc búa này.
Trong cuốn " Đại thắng mùa xuân " của Đại tướng cộng sản Văn tiến Dũng, mặc dù huênh hoang khoe tài chỉ huy quân sự của y nhưng y cũng tiết lộ thêm là khi mở đầu trận đánh vào Ban-Mê-Thuộc vào ngày 10 tháng 3 năm 1975, bộ chính trị của Đảng cộng sản cũng chỉ tiên liệu rằng cũng phải mất 2 năm 1975 và 1976 mới dứt điểm được miền Nam. Không ngờ sau trận Ban-Mê- Thuộc, quân Cộng Sản tới đâu thì quân Cộng Hòa đã chạy trước rồi, thành ra thời gian tiên liệu chiến thắng miền Nam trong vòng 2 năm thì thu ngắn lại còn 55 ngày. Sự ngỡ ngàng của Văn tiến Dũng đã phần nào nói lên sự giật sập quân đội miền Nam có tính toán của chính quyền Nguyễn văn Thiệu. Quân đội cộng sản chỉ khựng lại ở mặt trận Xuân Lộc vì ở đây sư đoàn 18 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Lê minh Đảo đã được lệnh đánh và đã cầm chân ngay 3 sư đoàn Bắc quân. Và khi quân đội miền Bắc muốn tiến mau hơn nữa thì ăn ngay mấy trái bom hút không khí CBU làm kinh hoàng cán binh cũng như cấp lãnh đạo cộng sản tại mặt trận. Mỹ muốn dằn mặt bộ đội cộng sản là họ cần thì giờ để di tản số người Mỹ còn lại ở Saigòn. Cho nên mặt trận Xuân Lộc cứ dằng dai cho đến khi Mỹ rút gần hết số nhân viên ở Sài gòn thì mới " được lệnh " thất thủ.
Không phải đợi đến những ngày cuối tháng 4 toàn dân miền Nam mới thấy được bộ mặt tồi bại, xấu xa, hèn hạ và vô liêm sĩ của Nguyễn văn Thiệu. Gần mười năm ăn trên ngồi trốc trong dinh Độc Lập, khi giặc đến gần kề thì cùng gia đình và tài sản thu tóm được trong những năm cầm quyền lên phi cơ và ca bài " Được làm vua, thua chạy trước." Trong thời chiến tranh Việt Nam, báo chí Mỹ phanh phui là Thiệu cùng với đàn em là Trung tướng Đăng văn Quang, đã buôn bán Bạch phiến làm giàu. Thứ trùm ma túy như Thiệu thì làm gì mà có chuyện yêu nước thương dân. Gặp thời loạn lạc, làm cai thầu chống cộng, Thiệu chỉ có một việc duy nhất là vơ vét cho đầy túi tham mà thôi. Đến khi quốc gia hưng vong thì lòi ngay ra bản chất ti tiện hèn nhát, đúng là " có cháy nhà " mới " lòi mặt chuột " Nguyễn văn Thiệu. Phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ cũng chẳng có gì khá hơn, trong cuốn hồi ký " Việt Nam máu lủa quê hương tôi" , cựu thiếu tướng Đỗ Mậu đã chỉ ra rằng ông Kỳ và bà chị ruột là Nguyễn thị Lý đã buôn lậu thuốc phiện từ Lào về bán. Đúng là hai gương mặt cai thầu chống cộng do Mỹ dựng nên là Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao Kỳ chẵng có tay nào sáng sủa, toàn là thứ buôn lậu ma túy.. Phải đợi tới những ngày cuối tháng 4 năm 1975 mới thấy rõ tư cách hèn kém của hai tay này. Bỏ quân, bỏ dân leo phi cơ mà chạy không một chút liêm sĩ và danh dự của người lãnh đạo. Thiệu và Kỳ sẽ còn bám víu quyền lực nếu ngày nào còn viện trợ của Mỹ mà thôi. Công tâm mà nói, đúng ra vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Nguyễn cao Kỳ tính làm một cuộc đảo chánh chính phủ Dương văn Minh mới thành lập để đối đầu với Bắc quân. Dĩ nhiên là người Mỹ biết chuyện đó và trùm CIA ở Saigòn lúc đó là ông Polgar đã cảnh cáo Kỳ là không được lộn xộn, Kỳ nghe như thế thì riu ríu vâng lời vì đã nhiều năm làm việc với người Mỹ, Kỳ hiểu rằng nếu cứng đầu, bướng bỉnh cãi lại Mỹ thì chỉ mang họa vào thân.
Trước đây khi ép buộc Tổng thống Thiệu ký hiệp định Paris vào tháng 1 năm 1973, Tổng thống Nixon cũng gửi nhiều bức thư cho Thiệu, cảnh cáo xa gần là Thiệu là nên nghe lời Mỹ mà ký, chứ nếu không thì sẽ chịu số phận thê thảm của Tổng thống Diệm. Những lời hù dọa úp mở này đã có kết quả: Nguyễn văn Thiệu đồng ý ký vào hiệp định Paris dù bản thân Thiệu cũng biết đây là hiệp định bán đứng miền Nam cho Cộng sản . ( Xin đọc kỹ cuốn sách " Hồ sơ mật Dinh Độc Lập " của Nguyễn tiến Hưng để coi lại những bức thư mà Nixon viết cho Thiệu nhằm thuyết phục và hăm dọa Thiệu ký ). Trùm xịa Polgar không muốn Kỳ đảo chánh để đối đầu với Bắc quân vì làm như thế là cản trở chuyện giật sập miền nam của Mỹ thế thôi.
Vào khoảng năm 1977, lúc đang còn ở Anh quốc, khi được những ký giả hỏi về tình cảnh của những người Việt đi vượt biển thì Nguyễn văn Thiệu trả lời một câu bạc bẽo, bất cận nhân tình và cạn tàu ráo máng với đồng bào Việt Nam như thế này: " Tôi không có dính dáng gì đến họ cả "( I have nothing to do with them). Cuộc đời của Nguyễn văn Thiệu được coi là một cuộc đời tốt số: vợ đẹp, con ngoan, quyền thế, giàu có nhưng Nguyễn văn Thiệu có một chỗ ngồi khá buồn trong lịch sử, đó là :thùng rác của lịch sử. Đối với những kẻ việt gian bán nước hại dân như Thiệu, thiết tưởng không còn chỗ ngồi nào sạch sẽ hơn dành cho ông ta.
Miền nam sụp đổ năm 1975, nhân dân miền Nam đau đớn đã đành, thế nhưng ở tại miền Bắc, có một người tù tên Nguyễn chí Thiện đã tỏ bày những tình cảm đau đớn, uất hận như sau:
Khi Mỹ chạy, bỏ miền Nam cho cộng sảnMiền Nam chiến đấu chống Cộng sản trong suốt 21 năm ( 1954-1975) . Miền nam được sự hỗ trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, tiếc rằng Mỹ không đóng vai trò một đồng minh tin cẩn, nhiệt thành mà Mỹ là hiện thân của một ông chủ thô bạo, thô bỉ, tiền hậu bất nhất để rồi mới đưa đến thảm kịch 30 tháng 4. Tổng thống Nixon trong những cuốn sách của ông đã có lần nhắc lại lời nói của một vài lãnh tụ của những nước ở Đông nam Á đã có một nhận định phũ phàng cay đắng về Mỹ : " Thà là kẻ thù của Mỹ hơn là bạn của Mỹ." Nếu chúng ta đánh giá Cộng sản là bọn " lừa thầy phản bạn" thì cũng có thể nói Mỹ là một thứ " phản bạn lừa thầy ". Cứ xem chuyện Mỹ bỏ rơi Nam Việt Nam và chuyện Mỹ đá Đài Loan ra khỏi Liên hiệp Quốc để dành chỗ cho Trung Cộng thì mới thấy người ta phê phán Mỹ bằng những danh từ bẩn thỉu, tàn tệ nhất cũng không có gì là quá đáng.
Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than
Giữa tù lao, bệnh hoạn, cơ hàn
Thơ vẫn bắn, và thừa dư sức đạn!
Vì thơ biết một ngày mai xa xôi nhưng sáng lạn
Không giành cho thế lực yêu gian
Tuyệt vọng dẫu lan tràn
Hy vọng dẫu tiêu tan
Dân nước dẫu đêm dài ai oán
Thơ vẫn đó, gông cùm trên ván
Âm thầm, thâm tím,kiên gan
Biến trái tim thành " chiếu yêu kính"
giúp nhân gian
Nhận rõ nguyên hình cộng sản
Tất cả suy tàn, sức thơ vô hạn
Thắng không gian, và thắng cả thời gian
Sắt thép quân thù năm tháng rỉ han!
Khi Mỹ chạy (1975)
Thật ra Mỹ quốc mới lập quốc mới trên 200 năm, dân lập nghiệp toàn là dân tha hương tứ xứ, ăn ở theo lối " ăn xổi ở thì" thì làm sao nước Mỹ gây dựng nổi một truyền thống ăn ở theo lối thủy chung, trước sau như một được. Hy vọng dần dà qua ngày tháng người Mỹ sẽ nhận ra rằng có những điều danh dự, tính thủy chung bè bạn, sự tự trọng của một quốc gia còn quí giá hơn nhiều những lợi nhuận nhất thời trước mặt. Không xây dựng được một uy tín thì trước sau gì cũng thất bại trên mặt trận ngoại giao và sẽ dẫn đến những thất bại khác. Đầu óc thực dụng của Mỹ chỉ thành công trong thời gian hiện tại và đôi khi sẽ gây mầm nguy hại về lâu về dài. Sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam là một bài học nhục nhã và người Mỹ sẽ tiếp tục bị thất bại nếu không rút tỉa ra những sai lầm nghiêm trọng mà họ đã phạm trong chiến tranh Việt Nam. Điều cần nhất là Mỹ phải hiểu rõ những điều điện văn hóa, nhân sinh của một nước trước khi dính líu đến nước đó. Mỹ thất bại với Việt Cộng là vì đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của Việt Cộng, đã không làm tròn vai trò đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa mà chỉ muốn độc đoán điều hành mọi chuyện, kể cả chuyện đưa quân Mỹ vào miền Nam làm mất chính nghĩa của miền Nam mà Tổng Thống Ngô đình Diệm lúc còn đương quyền đã cực lực phản đối. Người lính Mỹ mắt xanh mũi lõ có mặt trên đất nước Việt Nam có lẽ cũng không khác gì hình ảnh của lính Pháp viễn chinh ngày xưa. Thêm vào đó, Mỹ không muốn tìm một người lãnh đạo quốc gia có tư cách để cùng chống cộng vì những người này đôi khi xung khắc với đường lối của Mỹ, cho nên Mỹ chỉ muốn tìm tay sai để sai bảo cho dễ và những tên tay sai thì thường mất tư cách, tham nhũng, làm suy yếu tiềm năng chống cộng. Viện trợ của Mỹ trước đây đổ vô miền Nam như đổ vô cái thùng không đáy vì tệ nạn tham nhũng mà đứng đầu là vua tham nhũng Nguyễn văn Thiệu. Thượng bất chánh thì hạ tắc loạn, toàn miền Nam trở thành những ổ tham nhũng khắp mọi ngành làm tiêu hao sinh lực trong chuyện chống cộng. Phó tổng thống Trần văn Hương hồi đó cũng đã than thở về chuyện tham nhũng một cách cay đắng, " Diệt hết tham nhũng thì lấy ai ra mà làm việc." Miền Nam ngày xưa sụp đổ phần nào cũng vì tệ nạn tham nhũng và Việt Nam bây giờ cũng chẳng có gì khá hơn. Câu nói của cộng sản " Người người thi đua, ngành ngành thi đua " trở thành " Người người tham nhũng, ngành ngành tham nhũng" . Mức độ tham nhũng bây giờ còn khủng khiếp hơn trăm ngàn lần ngày xưa, đến nỗi cộng sản phải thú nhận chuyện tham nhũng trở thành quốc nạn. Cộng sản rồi cũng sẽ sụp đổ một phần nào cũng do quốc nạn này. Quả thật, nếu không học những bài học của lịch sử thì sẽ phải lập lại những vết xe đổ của lịch sử và cộng sản Việt Nam hôm nay sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát vì những lỗi lầm của chế độ miền Nam mà họ đã đánh ngã.
Sau khi miền Nam sụp đổ năm 1975, có nhiều dư luận tìm cách đưa ra những nguyên nhân khiến Mỹ bỏ rơi Nam Việt Nam. Một trong những lý lẽ đưa ra là Mỹ, sau khi bắt tay được với Trung Cọng mà điển hình cho chuyện này là chuyến công du Trung Cộng của Tổng thống Nixon nên Mỹ không còn quan tâm đến chủ thuyết Domino ở Đông nam Á nữa. Hơn nữa, thị trường thương mại của 1 tỉ người Trung quốc sẽ béo bở hơn nhiều so với 17 triệu dân miền Nam Việt Nam. Đây cũng là một cách giải thích nhưng chuyện Mỹ quyết định rút khỏi miền Nam đã được nói rõ trong hồi ký của Tổng thống Nixon trong hồi ký của ông. Lúc ông Nixon đang làm tổng thống thì trung bình quân Mỹ thiệt hại chừng 400 người mỗi tuần. Có lần tờ báo Life đã đăng hình 400 người lính Mỹ thiệt mạng trong một tuần ở chiến cuộc Việt Nam và điều này làm cả nước Mỹ xúc động lớn lao. Mạng Mỹ bao giờ cũng có giá hơn mạng Việt Nam, máu của Việt Nam bao giờ cũng rẻ hơn máu Mỹ. Ngày xưa, trong thời gian đánh Pháp, Hồ chí Minh có tuyên bố với báo chí ngoại quốc rằng, " Nếu mười người Việt Nam chết đi để lấy mạng một binh sĩ Pháp thì cuối cùng rốt cuộc Pháp cũng sẽ là phía thua trận. " Chuyện người Việt Nam chết bao nhiêu trong chiến tranh là chuyện không đáng quan tâm đối với những nhà lãnh đạo Bắc bộ phủ nhưng số tổn thất sinh mạng của lính Mỹ dần dà trở nên một sự mất máu mà Pháp trước đây và Mỹ ngày nay không thể chịu đựng nổi. Phong trào phản chiến ngày càng lan rộng khắp nước Mỹ, nhân tâm càng ly tán. Rồi lại còn trên 500 tù binh Mỹ đang mỏi mòn trong tù ngục tại Bắc Việt. Cao điểm trong chuyện biểu tình phản chiến là chuyện vệ binh quốc gia bắn chết 4 sinh viên tại đại học Kent làm cả nước Mỹ xôn xao, xúc động . Lãnh tụ đa số của thượng viện Mỹ lúc đó là Thượng nghị sĩ Mike Mansfield đến gặp Tổng thống Nixon và nói " Tổng thống phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ không thể chịu đựng thêm được nữa. " Ghi nhận lời nói của lãnh tụ đa số thượng viện Mansfied, ông Nixon quyết định chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Ông kêu gọi Bắc Việt trở lại hòa đàm Paris. Cộng sản làm cao không nhân nhượng. Ông Nixon quyết định dùng pháo đài bay B52 dội bom suốt 12 ngày đêm vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1972. Hà Nội thấm đòn bom B52, bắn tiếng với Mỹ xin hòa đàm trở lại. Và thế là hiệp định hòa bình Paris năm 1973 ra đời. Mỹ chỉ muốn rút khỏi Việt Nam " trong danh dự " và họ đã hoàn thành nguyện ước. Hiệp định Paris năm 1973 được coi như bản văn Mỹ bán đứng miền Nam cho Cộng Sản. Tổng thống Thiệu thấy rõ điều ấy, lúc đầu dùng dằng không chịu ký, nhưng rồi dưới áp lực của Mỹ , Thiệu cũng đành ký với hy vọng mong manh rằng Mỹ sẽ giữ lời hứa tái can thiệp trở lại nếu cộng sản vi phạm hiệp định. Tất cả những chuyện này có trình bày rõ trong cuốn sách " Hồ sơ Dinh Độc Lập" ( The Palace File) của tiến sỹ Nguyễn tiến Hưng, một tổng trưởng của Tổng thống Thiệu. Sau khi hiệp định ký xong, Mỹ lấy được tù binh về thì cộng sản tiến hành ngay cuộc tổng tiến công để chiếm lấy miền nam vì chúng biết rằng Mỹ không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Lúc Trần văn Trà ra Hà Nội họp để chuẩn bị cuộc tổng tấn công, Phạm văn Đồng nhận xét như thế này " Bây giờ có cho kẹo Mỹ cũng không trở lại Việt Nam nữa." ( 1). Phạm văn Đồng đã nhận xét đúng. Lúc cộng sản đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long là nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ. Mỹ bất động không phản ứng và chuyện này làm cho Hà Nội thêm vững niềm tin trong chuyện mở ra chiến dịch tiến chiếm miền Nam.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một cơn đại hồng thủy đối với nhân dân miền Nam. Cả miền Nam vỡ tung ra như một đàn ong vỡ tổ, gia đình nào cũng tan tác, đau thương. Mấy trăm ngàn sĩ quan và viên chức hành chánh miền Nam chết dần chết mòn trong những trại tù tập trung cải tạo tàn ác của cộng sản. Hai mươi lăm năm trôi qua đủ để cho người miền Nam thấy rõ bản chất thâm độc, lưu manh của bạo quyền Hà Nội. Nhưng dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc dễ bị khuất phục. Những hoạt động chống đối âm ỉ vẫn tiếp tục và cho đến giờ phút này thì Phật giáo Hòa Hảo đã coi như tuyên chiến với Cộng Sản. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã mổ bụng phản đối bạo quyền. Máu tranh đấu của người dân Việt đã đổ, hy vọng sự đứng dậy tranh đấu của Phật giáo Hòa Hảo là cái mồi lửa châm vào thùng thuốc súng đã nén lại trong 25 năm qua để rồi có thể nổ tung và đốt cháy bạo quyền trên toàn quốc. Chế độ đàn áp của cộng sản đến giờ phút này dường như không còn hiệu quả trong chuyện trấn áp quyền sống, quyền tự do của con người. Càng đàn áp thì lại càng rút ngắn thời gian cai trị của bạo quyền. Khi người dân hết tin chính quyền thì chính quyền dứt khoát phải đổ, vấn đề bây giờ là chuyện thời gian mau hay chậm thế thôi. Bùa phép, mưu ma chước quỷ của cộng sản đến giờ này không còn hiệu nghiệm vì nói chung tâm thức của bộ đội và cán bộ ngày càng rã rời tê liệt đến mức không còn huy động vào chuyện đàn áp được nữa. Ai cũng thấy rõ kẻ thù của dân tộc là những tên đầu nậu nằm tại Bắc bộ phủ chứ không phải là thành phần dân tộc đang tranh đấu.
Cụ Phan bội Châu, một nhà đại văn hào cách mạng cả cuộc đời lo chuyện cứu nước, lúc về tuổi xế chiều, đã căn dặn lại cho quốc dân, " Vọng ngoại tắc tử " , đừng bao giờ mong mỏi người ngoại quốc đến cứu nước mình. Miền nam vì hoàn cảnh nghiệt ngã, đã phải dựa vào sự viện trợ của Mỹ để tồn tại, rốt cuộc c ũng bị Mỹ bỏ rơi một cách không thương tiếc và cuối cùng bị bức tử một cách đau đớn vì nhu cầu quyền lợi của Mỹ. Trong công cuộc đánh đổ cộng sản để cứu nước hôm nay, chuyện tranh thủ những lực lượng quốc tế là chuyện cần làm, nhưng không vì thế mà trở thành tay sai của những thế lực ngoại bang, vì làm như thế chúng ta sẽ trở thành một Lê chiêu Thống thứ hai, đi làm chuyện " cõng rắn cắn gà nhà", làm hại quê hương và đồng bào. Công tác ngoại vận không thể biến thành sự nô lệ các thế lực ngoại bang mà lịch sử dân tộc Việt Nam trong mấy chục năm vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Và khi thấy rõ sự nguy hại của nó thì phải tránh bằng mọi giá. Trong thời điểm bây giờ, phải tận lực để theo đuổi chuyện đánh đổ cộng sản ở quê hương, đừng có ngồi mà trông ngóng Mỹ nói riêng và các nước Tây phương nói chung bật " đèn xanh , đèn đỏ". Ngồi đó mà trong ngóng ngoại bang bật " đèn xanh, đèn đỏ" chỉ càng tỏ lộ thêm " tâm thức nô lệ" mà thôi. Còn mang tâm thức nô lệ hèn kém này trong người thì ngày quang phục quê hương sẽ còn xa xôi diệu vợi.
Miền nam mất là một vết thương đau đớn của chúng ta ( Miền nam ơi từ buổi tiêu tan. Ta sống trọn vẹn ngàn cơn thác loạn (2) ). Vết thương đau theo thời gian rồi cũng sẽ lành. Sự đau thương than khóc giờ đây đã nhường lại cho sự khôn ngoan tỉnh táo để tìm ra những phương cách nhằm quật ngã bạo quyền đang trên bờ vực thẳm. Mỗi người dân Việt, trong cũng như ngoài nước, đều phải đổ sức, đổ công, đổ máu vào cuộc chiến đấu quyết liệt cuối cùng này để quê hương Việt Nam còn có một ngày mai.
Cuộc đời rồi ai cũng phải chết, nếu được chết đễ gỡ xích xiềng cho đồng bào ruột thịt, cho tổ quốc có một tương lai tươi sáng thì chuyện chết không phải là một chuyện phải ngại ngần. Bóng tối u ám, chết chóc của chủ nghĩa cộng sản đã bao trùm lên quê hương Việt Nam thương đau đã trên nửa thế kỷ, ngày đồng bào vùng lên một mất một còn với bạo quyền cộng sản là ngày vầng dương lại ló dạng trên đất nước thương yêu.
Những tia nắng le lói đầu ngày đó sẽ là những niềm hy vọng trào dâng trong lòng mỗi người Việt Nam sau bao tháng năm đau thương, tàn lụi....
Lawndale, một sáng đầu xuân lành lạnh trung tuần tháng 4 năm 2002
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
(1) Hồi ký " Kết thúc cuộc chiến 30 năm"của Trần văn Trà TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
(2) Trich từ bài thơ " Vì ấu trĩ " của Nguyễn chí Thiện
(Việt Báo)-
--
-
-
-
-
--Minh oan cho ông Nguyễn Văn Thiệu
Thế là cuối cùng thì ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đã được giải oan. Số vàng (16 tấn) ông để lại Việt Nam, nhưng chính quyền mới thì đem bán số vàng đó. Vậy mà bao nhiêu năm qua, người ta tuyên truyền rằng ông cựu tổng thống VNCH đem 16 tấn vàng ra nước ngoài! Sự việc nói lên một lần nữa rằng những tuyên truyền dối trá rồi cũng sẽ có ngày được chứng minh là dối trá.
Thời đó (1975) 16 tấn vàng trị giá khoảng 120 triệu USD (hay 300 triệu USD hiện nay). Rất nhiều báo chí, phía VNCH cũng như phía cộng sản, thời đó đều cho rằng ông Thiệu đã đem 16 tấn vàng ra nước ngoài và sống cuộc sống xa hoa. Đến năm 2006, ngay cả đài BBC cũng đưa tin như thế, và họ dẫn từ một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Anh. Biết bao nhiêu lời nguyền rủa ông Thiệu trong suốt 20 năm. Người ta cáo buộc rằng ông ăn cắp tiền của quốc dân để sống cuộc đời sung sướng ở hải ngoại. Ngạc nhiên thay, ông cũng chẳng có đính chính gì trên báo về những cáo buộc đó. Ông là một trong những lãnh đạo VNCH rất kín tiếng khi ra nước ngoài.
Nhưng theo ông Huỳnh Bửu Sơn (hiện còn ở Việt Nam), người từng trực tiếp giữ chìa khoá hầm vàng thời đó, nói rõ rằng số vàng đó để lại nguyên vẹn cho chính quyền mới tiếp quản (2). Thật ra, khi tôi google thì thấy có một video clip mà trong đó ông Nguyễn Văn Thiệu đã khẳng định rằng ông không đem theo 16 tấn vàng ra nước ngoài (3). Nay thì chúng ta đã rõ là số vàng đó được chuyển ra ngoài Bắc, và chính quyền mới đem đi bán (1) để làm gì thì chưa ai biết.
Đây là minh oan thứ 2 cho ông Thiệu. Lúc tôi mới ra ngoài này, ông Thiệu bị cộng đồng người Việt nguyền rủa dữ lắm vì trong một bài phỏng vấn trên báo Đức về thảm nạn người vượt biển ông nói “Tôi không có dính dáng gì đến họ”. Nhưng mãi đến khi ông Nguyễn Tiến Hưng xuất bản cuốn sách “Tâm tư Tổng thống Thiệu” thì tôi mới biết câu nói chính xác của ông Thiệu là “I have nothing to do FOR them” (tôi không làm được gì cho họ), chứ không phải “I have nothing to do WITH them” (tôi không có dính dáng gì đến họ) như anh kí giả Đức viết. Sau này, đích thân anh kí giả Đức xin lỗi là anh nghe tiếng Anh không tốt, nên để cho ông Thiệu bị hàm oan 20 năm trời. Hàm oan chỉ vì chữ FOR và WITH. (Tiếng Anh phải nói là … lợi hại).
Người ta, ngay cả báo chí trước 1975, nói rằng ông Thiệu tham nhũng. Nhưng thú thật nhìn lại thì chẳng thấy ông tham nhũng cái gì. Ngay cả cái nhà của gia đình ông Thiệu (ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) xem ra rất bình thường chứ chẳng có gì nổi trội (4-5). So với các quan chức ngày nay thì ông Thiệu xem ra rất liêm chính.
Nghĩ lại, và một cách công minh, chính quyền VNCH thật ra là một chính quyền khá tốt. Cái chính quyền đó đã xây dựng được những hạ tầng cơ sở kinh tế đáng phục trong điều kiện chiến tranh, đã tạo được một nền móng tam quyền tương đối tốt, đã gầy dựng được một hệ thống giáo dục rất tốt, đã cố gắng giữ toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trớ trêu thay, như John McCain nói, “the wrong guys won the war”, và số phận của VNCH cũng chỉ đến thế. Đến khi chính quyền mới tiếp quản thì mọi sự đều thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Cho đến nay, cái chiều hướng xấu thêm vẫn chưa chấm dứt. Những “minh oan” như thế này rất cần thiết để người thế hệ sau có cái nhìn công tâm hơn về thành tựu của chế độ VNCH.
Như chúa Jesus từng nói "The truth will set you free" (sự thật sẽ giải phóng bạn). Hi vọng rằng nhân ngày "giải phóng" những sự thật như thế này (1) sẽ giải phóng những ai còn bị trói buộc bởi cái vòng nô lệ của tuyên truyền và dối trá.
====
(1) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150410/thuong-vu-dac-biet-ban-vang/731957.html
(2) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-case-of-16-tons-gold-of-south-vn-nn-01052015155936.html
********
Thương vụ đặc biệt: bán vàng!Những đoạn liên quan đến việc bán 40 tấn vàng trong cuốn sách Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam |
Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lữ Minh Châu đã trả lời câu hỏi này: “Nó đã được bán ra quốc tế trong tổng số hơn 40 tấn vàng để giải quyết những vấn đề khó khăn cấp bách của quốc gia, trong đó có miếng ăn của người dân”.
Đến nay những người trong cuộc vẫn còn nhớ rất rõ thương vụ đặc biệt này.
Qua kênh Liên Xô
“Chuyến hàng đầu tiên rời Hà Nội ngày 1-12-1979, số lượng 101 hòm, nặng 4.455kg... Sau đó là những hợp đồng giao vàng tái chế, vay mượn, cầm cố bán vàng với số lượng hơn 40 tấn, thu được trên 500 triệu USD”- đó là một đoạn trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Dễ, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, được ghi lại trong cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương VN.
Trao đổi trực tiếp với người viết, ông Dễ tâm sự sau năm 1975 VN rất cần ngoại tệ để giải quyết những nhu cầu cấp bách của quốc gia như mua lương thực, nguyên liệu, trả nợ quốc tế đến hạn phải trả... Đặc biệt là miếng ăn của người dân thiếu hụt đến mức phải ăn trực tiếp cả hạt bo bo chưa kịp xay xát, loại lúa mì, lúa mạch phẩm cấp thấp. Các lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ đều phải dành nhiều thời gian chạy gạo cho thấy tình hình hết sức khẩn cấp...
Để tháo gỡ các vấn đề này, nội lực nông nghiệp trong nước lúc ấy không đáp ứng nổi, đòi hỏi phải trông ra nguồn lương thực quốc tế. Nhưng có mua nợ thì cũng phải trả, và lấy ngoại tệ ở đâu ra? Giải pháp khả thi nhất bấy giờ là bán vàng lấy ngoại tệ. Tuy nhiên, thương vụ đặc biệt này hoàn toàn không đơn giản như nhiều người nghĩ, kể cả một số cán bộ cấp cao. Bởi nguồn vàng của miền Nam thì có nhưng lại “kẹt” ở xuất xứ của VN cộng hòa, nhất là lại đang trong giai đoạn cấm vận gay gắt của Mỹ.
Cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương ghi lại: “Kho vàng lúc ấy như sau: ngoài số vàng không đáng kể của miền Bắc (đơn vị tạ), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận vàng của chính quyền Sài Gòn và vàng của các nguồn khác. Cơ cấu của kho vàng rất không “đồng bộ”: vàng thỏi của Anh mỗi thỏi nặng 12,7kg, vàng thỏi của Mỹ mỗi thỏi nặng 10kg. Các thỏi đều có mã riêng, nhãn hiệu, xuất xứ. Ngoài vàng thỏi còn có các loại vàng lá Kim Thành, các loại vàng vụn (kể cả nhẫn, vòng, kiềng)".
"Ban đầu những người có trách nhiệm đều nghĩ đơn giản: ta có vàng, đem bán lấy ngoại tệ, việc đó đâu có khó. Nhưng ngay tại phiên giao dịch đầu tiên có tính chất thăm dò với Liên Xô, các bạn Liên Xô cho biết hàng hóa trên thị trường vàng quốc tế phải là những thỏi vàng chuẩn của Anh, Mỹ hoặc Liên Xô. Các loại vàng thỏi Anh, Mỹ... có xuất xứ tại VN không thể tiêu thụ trên thị trường vì có quá nhiều rủi ro do chính sách cấm vận của Mỹ đối với VN”.
Nhắc lại thế bí này, ông Dễ kể VN và Liên Xô đã bàn bạc với nhau và thống nhất phải tái chế vàng theo tiêu chuẩn của Liên Xô, mỗi thỏi 1kg. Khoảng cuối năm 1979, theo lệnh của Chính phủ và sự ủy nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank ký với Liên Xô các hợp đồng tái chế vàng, vay mượn cầm cố vàng và tiêu thụ vàng trên thị trường thế giới.
“Liên Xô lúc ấy rất thân thiện, giúp đỡ VN. Tôi bay sang đó liên tục và thường chỉ có món quà duy nhất là mấy chai Nếp Mới mà họ gọi là vodka VN” - ông Dễ nhớ phía Liên Xô cung cấp các hòm thép tiêu chuẩn ngân hàng của họ. Việc chuyên chở vàng được thực hiện bằng máy bay thương mại Liên Xô, nhưng quá trình thực hiện được bảo mật để hành khách không được biết loại hàng đặc biệt này.
Ông Nguyễn Duy Lộ, người tham gia thương vụ đặc biệt 40 tấn vàng năm 1979 - Ảnh: Q.V. |
Những kiện hàng bí mật trên Aeroflot
Là người tham gia nhiệm vụ này ở đoạn trong nước, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Duy Lộ cũng không quên: “Ông Dễ phụ trách đoạn ở Liên Xô. Còn tôi là thành viên hội đồng kiểm kê quốc gia lo những việc trong nước như kiểm kê số lượng vàng, đóng hòm theo tiêu chuẩn và niêm phong. Vàng từ kho ngân hàng được bảo mật chở ra sân bay Nội Bài. Công tác bảo vệ rất kín. Tôi kiểm tra niêm phong, hoàn tất thủ tục xong mới chuyển ra máy bay của Hãng hàng không Liên Xô. Ngay cả nhân viên sân bay cũng ít người được biết loại hàng đặc biệt này”.
Khi các hòm vàng được đưa lên máy bay, ông Nguyễn Văn Dễ lúc ấy là phó tổng giám đốc Vietcombank có nhiệm vụ trực tiếp theo chuyến bay của Hãng hàng không Aeroflot. Ông được cấp hộ chiếu ngoại giao đi Liên Xô bất cứ lúc nào cũng được để lo đàm phán, ký kết hợp đồng giao hàng, tái chế vay cầm cố bằng vàng, bán hàng với Ngân hàng Ngoại thương Liên Xô. Máy bay hạ cánh, ngân hàng phía Liên Xô có xe bọc thép đón sẵn. Họ không mở hòm, kiểm đếm số lượng vàng trong đó mà chỉ niêm phong rồi tiếp tục chuyển về kho bảo mật.
Nhiều năm sau, ông Dễ vẫn nhớ rất chi tiết: “Tất cả khoảng hơn 40 tấn, trong đó có 16 tấn vàng thỏi tiếp quản của ngân hàng VN cộng hòa, còn lại là các loại vàng khác nhau từ những nguồn khác. Ngay sau chuyến đầu tiên chuyển đi 4.455kg trong 101 hòm vào ngày 1-12-1979, Chính phủ VN đã gửi công hàm đến Liên Xô đề nghị vay 100 triệu USD để dự phòng thanh toán nợ đến hạn trong khi chưa có nguồn thu xuất khẩu”.
Chính ông Dễ được Bộ Ngoại giao ủy nhiệm ký hợp đồng vay ngoại tệ này. Phía Liên Xô đồng ý cho vay, nhưng phải theo thông lệ thương mại quốc tế vì họ cũng không có ngoại tệ dư thừa, phải huy động từ thị trường tự do.Theo đó, VN chỉ có thể được vay với điều kiện thế chấp bằng chính số lượng vàng chuyển sang Liên Xô. Hiệp định vay 100 triệu USD thế chấp bằng vàng đã hoàn tất vào khoảng tháng 3-1980.
“Sở dĩ VN phải vay nóng ngoại tệ như vậy bởi lượng vàng chuyển sang tái chế ở Liên Xô không kịp đem ra thị trường bán, trong đó có Thụy Sĩ. Các nhu cầu cấp bách của quốc gia gồm cả vấn đề nóng bỏng lương thực cho người dân đòi hỏi phải có ngoại tệ ngay. Sau đó VN dùng tiền bán vàng trả lại cho Liên Xô”.
Hầu như tháng nào ông Dễ cũng bay sang Liên Xô. Hơn 40 tấn vàng được chuyển đi nhiều đợt. Nhiệm vụ bảo vệ của VN chỉ đảm trách đến khi đưa lên máy bay Liên Xô, sau đó thuộc trách nhiệm của họ. Khoảng năm 1988, Vietcombank đã chuyển về nước lại khoảng 2,7 tấn vàng còn gửi tại Liên Xô do tình hình bất ổn của họ. Đặc biệt, khoảng 5,7 tấn vàng gửi tại Ngân hàng Thụy Sĩ cũng được VN chuyển về Tiệp Khắc. Họ đã bán giúp để VN lấy ngoại tệ sử dụng cho nhu cầu quốc dân. Trước khi Tiệp Khắc gặp biến động chính trị, khoảng 500kg vàng VN còn lại ở nước họ cũng được chuyển kịp thời về nước.
Năm 1979, chở 40 tấn vàng đi bán để giải quyết khó khăn cấp bách và để mua gạo. Nhưng 10 năm sau, năm 1989, VN đã nhập vàng về, gấp 4 lần số chở đi bán.Và một đề xuất của bộ trưởng thương mại mà lúc ấy nhiều người cho là “bị điên”: VN xuất khẩu gạo!
NINH THUẬN (NV) - “Muốn khi người ta đến Ninh Thuận thì cũng biết là hồi xưa có một ông tổng thống cũng là dân Ninh Thuận.”
Ngôi nhà cũ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ở vùng biển Ninh Thuận. (Hình: Internet)
Ông Võ Ðại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, nói với báo Người Việt như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại vào hôm 20 Tháng Chín, 2012, về việc tỉnh này muốn trùng tu căn nhà cũ của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thành nơi đón du khách.
“Tư nhân và người Việt Nam ở hải ngoại đều có thể đầu tư để trùng tu căn nhà này kinh doanh du lịch.” Ông Võ Ðại cho biết thêm.
Trước đó, hôm 12 Tháng Chín, ông Võ Ðại ký một chỉ thị yêu cầu “Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch phối hợp với huyện Ninh Hải nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu làm điểm tham quan du lịch.”
Văn bản nói rằng, phải được hai cơ quan trên báo cáo lại cho nhà cầm quyền tỉnh trước ngày 20 Tháng Chín năm 2012.
Căn nhà cũ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nằm sát bãi biển xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, là nơi ông và gia đình trú ngụ trong mỗi chuyến nghỉ mát, thăm quê trước đây. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, căn nhà này bị tịch thu.
Chỉ thị này cũng đề cập đến hai căn nhà cũ của ông Hoàng Ðức Nhã và ông Trần Ðình Thống mà nhà cầm quyền đã cấp cho cán bộ trú ngụ sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Ông Hoàng Ðức Nhã là em họ và cũng là bí thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, bộ trưởng Thông Tin Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH. Còn ông Trần Ðình Thống là cựu công chức VNCH.
Người Việt đã tìm cách liên lạc với bà quả phụ cố TT Nguyễn Văn Thiệu thông qua một người thân cận với bà, và được biết là bà không muốn trả lời về việc này.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Người Việt với ông Võ Ðại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận.
Người Việt (NV): Thưa ông, nguyên do gì mà ông lại có quyết định muốn biến ngôi nhà của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành một điểm du lịch?
Ông Võ Ðại (VÐ): Thật ra thì ba ngôi nhà này, hai cái kia thì xuống cấp, còn một cái này (nhà cố TT Nguyễn Văn Thiệu) vẫn còn được. Cho nên quan điểm của tỉnh là muốn giao ba ngôi nhà này lại cho địa phương để họ quản lý để làm thành các công trình công cộng chứ không nó xuống cấp trầm trọng.
Riêng hai căn nhà kia thì tôi đã giao cho thôn rồi để biến thành nhà mẫu giáo hay trụ sở thôn, hay hội người cao tuổi.
Ðối với căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu thì người dân và khách du lịch hay đến hỏi thăm, nên nếu xã hội hóa được, doanh nghiệp nào đứng ra làm thì nhà nước sẽ cho thuê để tự bỏ vốn liếng ra đầu tư làm, nhưng đến nay thì Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch chưa có báo cáo lại cho tỉnh.
NV: Với tư cách cá nhân là một người dân Ninh Thuận, ông có suy nghĩ gì về cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu?
VÐ: Không, không có suy nghĩ gì. Mình cũng là dân Ninh Thuận thôi, nên nhà ông Nguyễn Văn Thiệu thì là nhà trước đây ông sinh sống ở đó, cũng là nhân dân thôi. Cũng muốn khi người ta đến Ninh Thuận thì cũng biết là hồi xưa có một ông tổng thống cũng là dân Ninh Thuận.
Vấn đề đặt ra chỉ là, người dân đến Ninh Thuận cũng hiếu kỳ vì biết Ninh Thuận có một tổng thống, nên người ta đến xem muốn biết ngôi nhà đó như thế nào. Việc đó là việc của người dân. Còn quan điểm của nhà nước, của tỉnh là nếu nhu cầu tham quan mà mình biến điểm này thành một điểm du lịch được, thì nên làm.
NV: Người thân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có còn liên quan gì đến ngôi nhà này nữa không?
VÐ: Không còn liên quan nữa. Thời gian vừa rồi thì có cho một vài hộ ở trong đó để giữ nhà thôi. Nhà đó giờ do nhà nước quản lý.
NV: Thưa ông, người dân địa phương có quan tâm đến quyết định này không?
VÐ: Người dân bình thường! Vì việc này nếu xã hội hóa, một doanh nghiệp đứng ra thực hiện việc này, dân địa phương vẫn bình thường. Chứ để ba căn nhà này cho những gia đình đang ở giữ thì nó xuống cấp.
Ông Võ Ðại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận. (Hình: Cổng TTÐT Ninh Thuận)
NV: Vậy tư nhân có được thuê căn nhà đó để kinh doanh du lịch không?
VÐ: Ðược. Tại vì nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu không phải là một di sản văn hóa, nên nhà nước sẽ không đầu tư vào đó. Người dân đến Ninh Thuận để du lịch thì thường đến đó xem vì ai cũng biết nơi này có một ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu. Nên nếu một doanh nghiệp nào có tiền, nhà nước sẵn sàng cho thuê nhà đó để đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương.
NV: Còn nếu người Việt ở hải ngoại muốn về đầu tư thì sao?
VÐ: Ðược chứ. Vẫn chấp nhận chứ. Bất cứ một doanh nghiệp nào muốn về đầu tư phát triển kinh tế thì là một chuyện bình thường.
NV: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này!
-----------
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
****************
Nhà của thân mẫu ông Nguyễn Văn Thiệu tại làng Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận |
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại vừa chỉ đạo sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ninh Hải nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu làm điểm tham quan du lịch và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/9 tới.Theo lời kể của người dân địa phương, ông Thiệu là người rất mê tín. Tháng 3/1971, sau khi đắc cử ghế Tổng thống Sài Gòn, ông Thiệu đã đưa vợ con về thắp hương mộ tổ, gom mồ mả của dòng họ..để tạ ơn tổ tiên. Đồng thời, vợ chồng ông cho sửa sang chùa Trùng Sơn trên đỉnh núi và Văn Thánh miếu ở lưng chừng núi Đá Chồng nằm giữa hai xã Khánh Hải và Văn Hải.
Bên tay trái của căn nhà có ngọn núi nhỏ, dưới chân núi có chùa và sóng nước, khá đẹp. |
Núi mặt quỷ ở Ninh Hải, Ninh Thuận |
Theo lời kể của một số người dân trong làng, hồi nhỏ ông Thiệu và bạn bè đi học qua con sông này bằng đò rất vất vả, nên luôn mơ ước có cây cây cầu cho trẻ em đi học dễ dàng. Sau khi lên làm Tổng thống, ông liền cho làm một cây cầu bê tông thay cho bến đò. Do năm tháng, cầu cũ đã xuống cấp nên mới đây Nhà nước đã làm cây cầu mới bên cạnh cầu cũ. |
Dân xứ này có câu nói “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao” và cho rằng sở dĩ Nguyễn Văn Thiệu thăng quan, tiến chức, phát quang lộ mặc dù nhà gần chân núi Mặt Quỷ là nhờ hòn Đá Dao. Tin lời các quân sư “chiêm tinh gia” nên nhân chuyến hồi hương vinh quy bái tổ, vợ chồng Thiệu mang theo các sự phụ cao nhân về để trấn, yểm giữ long mạch núi Đá Chồng để bảo vệ linh khí cho Thiệu về sau.
Gian giữa của căn nhà có treo bức hoành phi "Đức Lưu Quang" |
Để "yếm" long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ, ông Thiệu lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công, án chóp phía bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu. Công trình hoàn tất, một trung đội biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ.
Nhà nghỉ mát của Tổng thống Thiệu trên bãi biển Ninh Chữ |
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh tại làng Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), làm tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH), tại miền Nam Việt Nam từ năm 1967 – 1975. Sau đó ông cùng gia đình sống lưu vong ở nước ngoài và qua đời tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Ngôi nhà cũ của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu tại khu vực bãi biển ở huyện Ninh Hải vốn là nơi để ông và gia đình nghỉ mát mỗi khi ông về quê. |
Nhà cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ trở thành điểm du lịch
-Nhà cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ trở thành điểm du lịchSGTT.VN - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại vừa chỉ đạo: giao sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ninh Hải nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý và sử dụng căn nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu làm điểm tham quan du lịch và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.9.2012.
Theo thông báo của văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, đó là một trong những nội dung được kết luận, chỉ đạo sau cuộc họp của UBND tỉnh với các sở ngành liên quan và UBND huyện Ninh Hải nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến ba căn nhà của quan chức chế độ cũ (gồm các ông Nguyễn Văn Thiệu, Hoàng Đức Nhã và Trần Đình Thống) tại huyện Ninh Hải.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã thống nhất giao UBND huyện Ninh Hải quản lý ba căn nhà, đất của những người kể trên theo quy định, đồng thời định hướng bố trí sử dụng làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng dân cư địa phương. Sở Xây dựng Ninh Thuận được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát, tham mưu hoàn tất thủ tục pháp lý trong tháng 9.2012 để Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng ba căn nhà, đất trên đảm bảo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh tại làng Tri Thuỷ, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), làm tổng thống chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH), tại miền Nam Việt Nam từ năm 1967 – 1975. Sau đó ông cùng gia đình sống lưu vong ở nước ngoài và qua đời tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ). Ngôi nhà cũ của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu tại khu vực bãi biển ở huyện Ninh Hải vốn là nơi để ông và gia đình nghỉ mát mỗi khi ông về quê.
Đối với ngôi nhà cũ của ông Hoàng Đức Nhã (em họ của ông Nguyễn Văn Thiệu, làm bí thư kiêm tham vụ Báo chí của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ năm 1968. Sau đó ông làm tổng trưởng Dân vận và chiêu hồi của chính phủ VNCH từ 4.1973; định cư ở Mỹ từ sau tháng 4.1975) và ngôi nhà cũ của ông Trần Đình Thống (một quan chức của chính quyền cũ trước 1975) tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải hiện nay đang được bố trí cho hai hộ dân ở. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã giao UBND huyện Ninh Hải khẩn trương nghiên cứu, đăng ký bổ sung cho hai hộ vừa nêu để được hỗ trợ giải quyết nhà ở theo chính sách của chương trình 167 (nếu đủ điều kiện) hoặc có phương án khác bố trí di dời để hai hộ này giao lại hai căn nhà đang ở cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng... Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại, căn nhà của ông Hoàng Đức Nhã đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư sống xung quanh, ông yêu cầu UBND huyện Ninh Hải chủ trì, cùng các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và thống nhất lập phương án xử lý kịp thời, đúng quy định.
TRÚC NAM SƠN
-Nhà cũ của ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ trở thành điểm du lịch