Các tỉnh có số tàu cá và ngư dân bắt giữ nhiều nhất là Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và Bình Định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do một số cá nhân, tổ chức tự ý hợp đồng với cá nhân tổ chức nước ngoài bất hợp pháp để đưa tàu cá đi khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Trước tình trạng này, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tuyên truyền cho ngư dân về pháp luật của các nước lân cận, ranh giới vùng biển, các vùng biển chồng lấn với các nước.
Hữu Thông
Các vụ tàu cá, ngư dân bị bắt diễn biến phức tạp
---
Bủa lưới trúng... dầu thô, ngư dân mất tiền tỷ
Ba con tàu gặp... xui
Ông Nguyễn Văn Tính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ (Nha Trang), chủ chiếc tàu 900CV KH - 96057, cho biết: “Vào 17 giờ ngày 19.9, ba chiếc tàu đánh bắt xa bờ gồm tàu của tôi, tàu KH - 96336 và PY - 93377 đánh cá thuộc vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đống lưới dính dầu thô đen như hắc ín của ông Nguyễn Cu (Tuy Hòa, Phú Yên). |
Ba tàu thả 900 tấm lưới cản thành những dàn lưới song song với nhau, dài khoảng 10 hải lý. Đến 20 giờ cùng ngày, tài công trên tàu phát hiện có một mảng dầu dài hàng chục hải lý trôi trên biển. Cả ba tàu lập tức thu lưới nhưng không kịp. Nhưng lúc này, dầu thô dẻo như hắc ín đã dồn vo hơn một nửa số lưới của cả 3 tàu lại với nhau nên phải mất 10 giờ sau mới thu hết được lưới. Không thể đánh bắt thêm được nữa, 3 chủ tàu đành cho tàu về bờ khắc phục hậu quả”.
Ngày 21.9, vì lưới của cả ba tàu dính chặt vào nhau thành một khối nên các chủ tàu quyết định cho tàu ghé vào Hòn Tí (thị xã Cam Ranh) để gỡ. Sau đó, tàu KH - 96336 của ông Nguyễn Đình Chiến chạy về Nha Trang, hai tàu còn lại chạy về Cảng cá Đá Bạc (Cam Ranh).
Chiều 4.10, ông Võ Viết Nhân - Tổ trưởng Tổ điều độ Cảng cá Đá Bạc - xác nhận: Ngày 25.9, tàu cá KH - 96057 cập Cảng cá Đá Bạc, trong đó khoảng 2/3 số lưới bị dính dầu thô. Tàu có đề nghị được giặt lưới tại Cảng, nhưng Trưởng ban Quản lý Cảng đã không đồng ý. Đến ngày 27.9, tàu cá này đã rời cảng.
Bỗng dưng mất tiền tỷ
Kéo một tấm lưới đen sì, nặng trịch do dầu thô chất ở góc tàu, ông Nguyễn Cu (Tuy Hòa, Phú Yên) - chủ tàu cá PY - 93377, buồn rầu: Giá thị trường, mỗi tấm lưới cản kích thước 20x60m như thế này là 4,2 triệu đồng. Mỗi tàu có 300 tấm lưới thì bị dính dầu thô hết hơn 150 tấm. Nếu bỏ đi, mỗi tàu mất trắng 600 triệu đồng, mà gọi đồng nát đến họ cũng chê không thèm mua.
Dầu tràn từ mỏ Đại Hùng?
Theo các ngư dân, sự cố lưới dính dầu thô tràn trên biển là thuộc vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, gần giàn khoan của mỏ Đại Hùng (thuộc bồn trũng Trung Nam Côn Sơn). Được biết, mỏ dầu này đã hai lần để xảy ra sự cố tràn dầu, đó là vào ngày 18.2.1995 và ngày 11.5.2005 với hàng chục tấn dầu thô tràn ra biển. Tuy nhiên, lần tràn dầu này có phải là từ giàn khoan mỏ Đại Hùng không, các ngư dân không khẳng định.
Vì vậy, các chủ tàu nảy ra sáng kiến giặt lưới bằng dầu hỏa và xà bông. Ông Tính cho biết, đến sáng 4.10, ông mới giặt xong những tấm lưới cuối cùng. Trung bình mỗi tấm lưới tốn 25 lít dầu hỏa và 1 kg xà bông nên mỗi tàu phải tiêu tốn trên 150 triệu đồng.
Họ đổ dầu thô vào thúng chai nhựa composite giặt qua hai lần dầu thô, hai lần xà bông rồi mới giũ lại bằng nước. Họ phải huy động toàn bộ bạn biển, vợ con giặt trong 6 ngày liên tục mới xong đống lưới nhưng giặt xong lưới bị giòn khô và giảm chất lượng.
Ngoài thiệt hại về lưới, ba chủ tàu đánh bắt cá trúng… dầu thô còn mất trắng chi phí chuyến biển trị giá 150 triệu đồng/tàu. “Chúng tôi mất trên 1 tỷ bạc mà giờ không biết bắt đền ai …” – ông Nguyễn Đình Chiến than thở.
Mai Khuê