Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Chi cục Thuế Q.1 lưu giữ trái phép trên 1.400 tỉ đồng tiền thuế?


(TNO) Ngày 3.10, nguồn tin của Thanh Niên Online cho biết, Tổng cục Thuế (thuộc Bộ Tài chính) vừa phát hiện trong vòng 5 năm, Chi cục Thuế Q.1 (thuộc Cục Thuế TP.HCM) đã thu 1.441 tỉ đồng nhưng không chuyển số tiền này vào tài khoản kho bạc nhà nước.
Theo kết quả xác minh ban đầu của đoàn kiểm tra Tổng cục Thuế, trong vòng 5 năm (từ 2007 đến tháng 7.2011), số tiền nói trên đã được Chi cục Thuế Q.1 đưa vào tài khoản tạm giữ của đơn vị mình. Nếu tính theo lãi suất ngân hàng, với thời gian Chi cục Thuế Q.1 lưu giữ 1.441 tỉ đồng trong 5 năm qua, ngân sách nhà nước bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Theo nội dung giải trình của Chi cục Thuế Q.1, nguyên nhân sự việc trên là do trong quá trình nộp thuế, các đơn vị có sự nhầm lẫn khi chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ hoặc các đơn vị nộp thuế nhưng không rõ mình phải nộp thuế vào các khoản mục nào.


Cũng theo giải trình của Chi cục Thuế Q.1, có thể do phía kho bạc tự hạch toán vào tài khoản tạm giữ của Chi cục Thuế Q.1 các khoản nộp mà không rõ mục lục ngân sách, không rõ cơ quan quản lý thu.
Kết luận của Tổng cục Thuế chỉ rõ: Nhiều doanh nghiệp đã nhầm lẫn chuyển vào tài khoản tạm giữ của Chi cục Thuế Q.1 và hành động này có lặp đi lặp lại (nhiều nhất là tháng 4.2010 đến 7.2011) nhưng nhóm này cũng chỉ “nhầm” ở con số dưới 300 tỉ đồng.
Theo đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuế, Ban lãnh đạo Chi cục Thuế Q.1, đội trưởng đội kê khai kế toán thuế, đội trưởng các đội kiểm tra đã thực hiện không đúng quy định về thời hạn chuyển tiền thuế truy thu, tiền phạt từ tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế.
Được biết, hiện Chi cục Thuế Q.1 nằm trong danh sách “Câu lạc bộ 1.000 tỉ” và nhiều năm nay, luôn được nêu gương là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu thuế.
Trần Duy


-Chi cục Thuế Q.1 lưu giữ trái phép trên 1.400 tỉ đồng tiền thuế?
--------------
-Bất thường
-Hàng loạt doanh nghiệp phá sản nhưng thu ngân sách vẫn cao. Việc tận thu của ngân sách trong những năm qua đã và đang dẫn đến hàng loạt các hệ lụy cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 9 tháng qua đã có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường. Điều bất thường là dù một số lượng không nhỏ doanh nghiệp chết, thu ngân sách 9 tháng vẫn ở mức cao, ước đạt 467.100 tỉ đồng, bằng 78,5% dự toán năm. Câu hỏi đặt ra là, nguồn thu cao nhờ đâu? Có 2 khả năng, hoặc số doanh nghiệp này không đóng một đồng thuế nào cho Nhà nước, hoặc khoản mất đi từ số này sẽ được tận thu ở nhóm còn lại. Nghĩa là, gánh nặng thuế đang được đặt lên vai các doanh nghiệp còn sống. Trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn như giá cả đầu vào tăng cao, lãi suất cao..., việc bị tận thu có thể đẩy các doanh nghiệp đến chỗ chết, hoặc phải trốn thuế. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi. Việc "vắt sữa quá mức" chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc chi dàn trải, thiếu hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, dẫn đến lạm phát, thâm hụt ngân sách...
Nhìn về lịch sử, có thể thấy, thu ngân sách của ta đã tăng liên tục trong nhiều năm. Nếu như những năm 1990, nguồn thu của ta chỉ chiếm 15 - 17% GDP, đến năm 2000 khoảng 20 - 22% GDP thì đến nay con số này đã lên tới 28 - 30% GDP. Trong khi tỷ lệ tương ứng của các nước đang phát triển là 15% - 17%, Trung Quốc khoảng 20%. Nghĩa là so với chính mình và so với các quốc gia trong khu vực, mức tăng của ta đều cao. Nguồn thu tăng đáp ứng được một phần chi tiêu nhưng lại không nuôi dưỡng được nguồn thu. Hay nói cách khác, việc biến tiết kiệm của doanh nghiệp thành nguồn thu của ngân sách nhà nước đã khiến doanh nghiệp bị kiệt quệ, không có sức đề kháng và luôn tìm cách để lách thuế. Thu tăng, đương nhiên chi phải tăng theo. Đây chính là nguyên nhân của việc đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả mà Chính phủ đã thừa nhận và đang nỗ lực cắt giảm đầu tư công để kiểm soát lạm phát.
Chúng ta đều biết, điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vốn. Ngay cả những doanh nghiệp lớn, vốn vẫn là yếu tố khiến họ bị thua thiệt tại sân nhà cũng như trên thị trường quốc tế. Thiếu vốn cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp dễ lao đao và luôn đòi hỏi được hỗ trợ, giúp đỡ khi kinh tế trong nước và quốc tế biến động. Vì vậy, chính sách phải theo hướng để doanh nghiệp tiết kiệm, tăng phần tái đầu tư. Thay vì tận thu, nên giảm thuế cho các doanh nghiệp tư nhân để họ dùng lợi nhuận tăng vốn chủ sở hữu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thu sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, chuẩn bị cho một bước ngoặt cạnh tranh mới khi kinh tế thế giới bước qua khủng hoảng.
Nghe có vẻ vô lý nhưng đã đến lúc phải giảm thu ngân sách. Bởi chỉ có giảm thu mới có thể giảm chi và mới đưa thâm hụt ngân sách về ngưỡng hợp lý cũng như không đặt gánh nặng thuế lên vai doanh nghiệp.
Nguyên Hằng

Về bài viết “bất thường” đăng trên báo Thanh Niên


Tổng số lượt xem trang