Ảnh minh họa (Nguồn Internet)-Dù mất mấy ngày trời, cộng với rất nhiều cuộc gọi, phóng viên Đại Đoàn Kết cũng không thể kết nối được với lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng như quan chức tỉnh (có di tích Vịnh Hạ Long) để thực hiện một cuộc trò chuyện về một sự kiện đang được mọi người dân quan tâm: bình chọn Kỳ quan thiên nhiên mới mà Vịnh Hạ Long đang là một ứng cử viên.
Có quan chức mở máy nghe (nhưng viện cớ bận họp, hẹn buổi khác gọi lại, lúc khác gọi lại vẫn họp...), có người thì được gọi nhiều lần vẫn không thấy nghe máy... Phải chăng né tránh báo chí, né tránh dư luận là một trong những bệnh thường xuyên của các "công bộc của dân”? Vấn đề càng nóng, càng đang được dư luận đang quan tâm, đang bức xúc thì càng hay được né dưới các hình thức: Hoặc đùn đẩy trách nhiệm, hoặc đổ tội cho 2 chữ "nhạy cảm”, hoặc là đang bận...
Câu chuyện phóng viên Đại Đoàn Kết gặp phải tuần qua chỉ là một trong số nhiều trường hợp lâu nay báo chí thường gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Cơ chế hiện nay là lãnh đạo tập thể nên nhiều khi không thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu, thường là né tránh dư luận. Nhiều bộ, ngành có cơ chế người phát ngôn nhưng lại cũng chỉ trả lời báo chí khi nào được cấp trên chỉ thị.
Né báo chí thực chất chỉ là một trong những biểu hiện không dám chịu trách nhiệm của quan chức. Rõ ràng là những lĩnh vực họ phải chịu trách nhiệm quản lý, vậy thì không họ thì ai sẽ phải nói với công luận những điều dư luận đang quan tâm? Không muốn "ra mặt”, không muốn "lên tiếng”, không muốn "xuất hiện” trước báo chí vì người ta ngại phải đối mặt với công luận. Và một khi làm lãnh đạo mà còn chưa dám chịu trách nhiệm cá nhân thì người ta còn "né”. Trong một nền hành chính công minh bạch, mọi công chức nhà nước có trách nhiệm đều sẵn sàng đối thoại với công luận.
Việc khó khăn trong tiếp cận với quan chức có trách nhiệm của cả ngành du lịch và địa phương có Vịnh Hạ Long của phóng viên Đại Đoàn Kết đáng tiếc thay lại xảy ra vào thời điểm câu chuyện "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” đã bắt đầu được thổi lên ngọn lửa của hy vọng trong lòng dư luận nhân dân về một thế hệ lãnh đạo mới. Xã hội đang đòi hỏi và mong chờ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cho nên dư luận công bằng và rạch ròi đang sẵn sàng ủng hộ những con người như thế.
Đó là một Bộ trưởng Vương Đình Huệ mạnh mẽ trong tuyên bố sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ lãi trong lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu và điện: "Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”.
Đó là một Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình gây ấn tượng bởi: Sẽ đưa lãi suất về 17-19% trong vòng hai tháng kể từ ngày nhậm chức.
Đó là một Bộ trưởng Đinh La Thăng với hàng loạt hành động "dám làm, dám chịu trách nhiệm” mà nếu "sợ mất ghế tôi đã không làm như vậy”...
Xã hội đang đòi hỏi cách thể hiện trách nhiệm cá nhân rõ ràng và minh bạch như vậy. Nhưng muốn làm được như vậy người ta phải có tri thức và bản lĩnh.
Tri thức để khi quyết định phải có cơ sở để chứng minh quyết định ấy là đúng và sẽ đạt hiệu quả tích cực.
Bản lĩnh để một khi đã quyết định làm thì dám chịu trách nhiệm cá nhân.
Có những việc cần đem ra lấy ý kiến nhân dân, ý kiến tập thể, lại có những việc đòi hỏi người đứng đầu quyết đoán và hướng quần chúng làm theo để tạo sức mạnh tập thể. Muốn vậy dấu ấn cá nhân phải lớn, trách nhiệm cá nhân phải cao mới khiến mọi quyết định không thể là sự tùy tiện và duy ý chí.
Ngọn lửa hy vọng về một thế hệ lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm đang được đốt lên. Mong rằng nó sẽ có sức lan tỏa. Đã đến lúc những người được dân cử nhận các trọng trách phải biết dùng tri thức và bản lĩnh của mình để quyết định các vấn đề, họ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Khi người ta đã dám chịu trách nhiệm cá nhân thì sẽ chấm dứt việc quan chức đùn đẩy trách nhiệm, né tránh dư luận trước các vấn đề được người dân quan tâm.
Cẩm Thúy