Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Đến lượt kinh tế Trung Quốc suy thoái ?

Ngân hàng TQ và đe dọa nợ khó đòiNgân hàng Trung Quốc và đe dọa nợ khó đòi - Reuters-Nguyễn Xuân Nghĩa - Thanh Hà RFI Paris ngày 20111004

 Trung Quốc mắc "Hội chứng Hy Lạp"  






Bắc Kinh liên tục hối thúc khu vực đồng euro giải quyết khủng hoảng nợ công nhưng nhà nước và các chính quyền địa phương Trung Quốc đang mang nợ chồng chất, tương đương với gần 70 % GDP. Ngành ngân hàng Trung Quốc bị đe dọa khủng hoảng vì nợ khó đòi. Kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu khi tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu chựng lại và đến lượt Bắc Kinh bị vỡ bong bóng đầu cơ địa ốc?
Tuần trước tham dự hội nghị quốc tế về tài chính tại Luân Đôn chủ tịch quỹ đầu tư Trung Quốc đã mạnh dạn tuyên bố: "Bắc Kinh không thể mua lại nợ có mức độ rủi ro cao của bất kỳ một quốc gia thành viên nào trong khối euro nếu như lãnh đạo châu Âu không thông báo rõ ràng về đường lối giải quyết khủng hoảng". Cùng lúc nhiều qua quan nghiên cứu tài chính quốc tế nêu lên lo ngại tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc bắt đầu hụt hơi. Thêm vào đó, bản thân Trung Quốc cũng đang vướng phải «hội chứng Hy Lạp».



Cơn sốt địa ốc Trung Quốc - Reuters
Lo ngại nợ công chồng chất 


Theo thẩm định của ngân hàng Anh, Standard Chartered nợ công của Trung Quốc hiện lên tới 28 000 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 3 200 tỷ euro và tương đương 68 % tổng sản phẩm nội địa. Đáng lo ngại hơn cả là ngành ngân hàng Trung Quốc đang nắm trong tay đến 9 000 tỷ nhân dân tệ nợ khó đòi. Khoản tiền tương đương với 22 % GDP của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc ¾ các khoản chi tiêu công cộng là do các chính quyền địa phương tài trợ và chủ yếu giới lãnh đạo dồn tiền vào khu vực địa ốc. Đối với tư nhân, mua nhà luôn là giải pháp tối ưu để đề phòng lạm phát. Nhưng điều gì sẽ xảy tới đối với các công ty nhà nước, với giới ngân hàng khi giá nhà đất chựng lại như trong sáu tháng gần đây -kể cả tại một số thành phố lớn của Trung Quốc- và đe dọa tiềm tàng «vỡ bong bóng địa ốc» ngày thêm rõ nét ?

Theo thống kê chính thức, hiện tại nợ công tại các cấp vùng lên tới 1 250 tỷ euro, tương đương với 20 % của cải làm ra và 80 % khoản nợ khổng lồ này do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi biết rằng, khối nợ công hơn 1200 tỷ euro vừa nêu, trên trên thực tế có thể cao hơn gấp đôi so với thống kê chính thức.

'Theo nhận xét của giáo sư đại học Northwestern, Chicago, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, ông Victor Shil do các công ty nhà nước được các ngân hàng quá ưu đãi nên rủi ro nợ khó đòi của giới ngân hàng lại càng cao.

Một tiếng nói uy tín khác từ viện nghiên cứu kinh tế độc lập Unirule tại Bắc Kinh cũng cho rằng: Trung Quốc đang lâm "hội chứng Hy Lạp". Tình trạng nợ nần tại quốc gia châu Á này còn nguy ngập hơn cả so với ở Hoa Kỳ và châu Âu bởi lẽ các tỉnh thành Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh nghèo và kém phát triển đã dễ dàng được cấp tín dụng để mở mang kinh tế. Vốn được dồn cho các công ty doanh nghiệp nhà nước nhưng các đơn vị đó lại làm ăn kém hiệu quả.

Cuối năm ngoái, chính quyền trung ương vì lo ngại nợ công ở cấp địa phương vượt khỏi tầm kiểm soát đã cho tiến hành một cuộc kiểm toán và theo đó thì nhiều tỉnh thành đang bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Trong số đó phải kể đến đảo Hải Nam, thiên đường du lịch của các nhà tỷ phú đỏ Trung Quốc.

Tác dụng phụ của các biện pháp chống lạm phát

Bên cạnh hồ sơ nóng bỏng là nợ công, Trung Quốc còn đang phải đau đầu giải quyết lạm phát trong viễn cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo dự phóng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tăng trưởng trong năm nay và sang năm sẽ chỉ ở vào khoảng 9 % do tác động dây chuyền từ các khó khăn của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Lạm phát thì vẫn cao hơn từ 2 đến 3 điểm so với mục tiêu được Bắc Kinh đề ra.

Từ mùa thu 2010 Trung Quốc liên tục siết lại chính sách tiền tệ, giới hạn mức cấp tín dụng để «hạ nhiệt giá cả» trên thị trường, kể cả trong lĩnh vực địa ốc. Trong 9 tháng đầu năm 2011, ngân hàng trung ương đã ba lần tăng lãi suất chỉ đạo. Với nguồn tín dụng «hạn hẹp» hơn, các doanh nghiệp tư nhân khó đi vay tiền hoặc phải trả lãi với giá có khi lên tới 70 %.

Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ phải đóng cửa. Theo báo chí chính thức Trung Quốc tại Ôn Châu, từ đầu năm tới nay đã có 80 ông chủ phải chạy trốn vì không còn tiền trả cho nhân viên và cũng không thể trả nợ ngân hàng. Còn theo hiệp hội các doanh nghiệp tư nhân tại chỗ thì đã có khoảng 1/3 các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ phải tuyên bố phá sản.

Đành rằng còn quá sớm để cho rằng đến lượt kinh tế Trung Quốc bị « khủng hoảng » nhưng đối với một đất nước mà phải nuôi sống gần 1,5 tỷ nhân khẩu thì chỉ cần cỗ máy kinh tế chạy chậm lại là cũng đủ để các lãnh đạo ở Bắc Kinh đau đầu. Đe dọa khủng hoảng nợ công và của ngành ngân hàng càng gia tăng áp lực lên một chính quyền sắp chuyển giao quyền lực cho một thế hệ mới.

Đâu là những nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc bắt đầu tỏ dấu hiệu mệt mỏi và đâu là hậu quả đối với bản thân xứ này cũng như với phần còn lại của thế giới? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên.


Đau đầu vì lạm phát - Reuters

Dấu hiệu đình trệ


Từ nhiều năm nay rồi, các trung tâm nghiên cứu kinh tế rồi đến các tập đoàn đầu tư quốc tế đã bắt đầu e ngại một kịch bản suy trầm tại Trung Quốc. Tình hình đã trở thành rõ rệt hơn từ hai tuần qua, khiến cho những nơi dự báo lạc quan nhất đều đồng ý là kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh và lạc quan nên bảo rằng hạ cánh nhẹ nhàng. Bi quan hơn thì đoán là hạ cánh nặng nề nghĩa là suy thoái, hoặc tan tành, tức là khủng hoảng.

Thật ra, người ta có nhiều chỉ dấu của sự đình trệ. Có giá trị "tiên báo", thì có thị trường cổ phiếu Thượng Hải lẫn các cổ phiếu loại Đỏ của Hoa lục trên thị trường Hang Seng tại Hong Kong. Cũng thuộc loại tiên báo thì có chỉ số mua hàng công nghiệp gọi tắt là PMI là đơn đặt hàng sẽ sản xuất và trao đổi sau này. Chỉ số ấy của Trung Quốc đã mấp mé mức báo động là dưới 50. Hoặc sự suy sụp của thị trường thương phẩm, bên trong có kim loại tiêu biểu là đồng, mất giá 26%, là sản phẩm được Trung Quốc đầu cơ rất mạnh nên thổi lên bong bóng. Thông thường thì từ sáu đến chín tháng sau các chỉ dấu ấy, kinh tế có thể bị suy giảm.

Mặt khác, người ta cũng có loại chỉ dấu gọi là "hậu kiểm", là thống kê kinh tế của giai đoạn đã qua : sự co cụm của xuất khẩu, là đầu máy kinh tế số một của Trung Quốc, một nước lệ thuộc nhiều nhất vào xuất cảng, trong khi hai thị trường nhập cảng mạnh nhất là Mỹ và châu Âu đều điêu đứng. Mà năm tới, hai khối này còn chật vật hơn nên sẽ gieo họa cho Trung Quốc.

Vì dân số quá đông, lãnh đạo Bắc Kinh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quãng 8% thì mới tạo đủ việc làm cho thành phần dân chúng đến tuổi lao động, dưới mức đó là có loạn. Theo dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thì vì hiệu ứng kinh tế Âu-Mỹ, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới chỉ còn khoảng 4-5%. Nếu có bơm thêm tiền kích thích thì cũng khó vượt qua 6,5%. Rủi ro bất ổn xã hội vẫn có.

Tăng trưởng giả tạo của Trung Quốc

Trong đợt tổng suy trầm toàn cầu năm 2008 khi sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ còn là 6,8% vào quý bốn năm 2008 rồi 6,1% vào quý một năm 2009. Hãy tạm chấp nhận con số biểu kiến ấy dù thực tế lại còn bi đát hơn vậy. Khi thấy đà sản xuất suy sụp, lãnh đạo xứ này đã đối phó bằng ba loạt biện pháp. Thứ nhất là yểm trợ xuất khẩu còn mạnh hơn trước; thứ hai là trợ cấp hoặc hăm dọa các doanh nghiệp là không được thải người dù cho sản xuất hết có lời hoặc bị lỗ và đáng bị phá sản; thứ ba, quan trọng nhất là ào ạt tăng chi cho các dự án địa phương và bơm tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Ban hành vào cuối năm 2008, lượng tiền khổng lồ này đã lên tới 1.300 tỷ đô la  tín dụng và 586 tỷ tăng chi, so với sản lượng kinh tế chỉ có khoảng 5.000 ngàn tỷ. Nhờ vậy mà trong khi cả thế giới "kêu la" vì khủng hoảng, kinh tế Trung Quốc tự hồi phục mạnh nhất với đà tăng trưởng hơn 10% vào năm ngoái. Nhưng đó là thành tích của kẻ uống thuốc bổ và tiếp nước biển để chạy băng đồng. Chẳng thể chạy mãi như vậy.

Trung Quốc luôn chủ trương phát triển kiểu Đông Á nghĩa là lấy xuất cảng làm đầu máy mà không nâng mức tiêu thụ nội địa để tìm lực đẩy của mình. Chiến lược ấy đã phá sản từ vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998. Mà lại là chiến lược Đông Á với màu sắc Trung Quốc, là trung ương không điều động được địa phương, và các tỉnh duyên hải tiếp tục theo đuổi chiến lược hướng ngoại, tức là tiếp tục xuất cảng bằng mọi giá. Hậu quả là cả triệu doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng để sản xuất cho rẻ, bán dưới giá thành, hầu vẫn có công là tạo ra việc làm và tránh động loạn. Cũng màu sắc Trung Quốc đó đã dẫn tới hai mối nguy có thể bùng nổ khi kinh tế suy trầm, là nạn lạm phát và bong bóng đầu cơ. Muốn giải trừ nguy cơ suy trầm thì càng dễ gây lạm phát; muốn ngăn ngừa lạm phát nay đã quá 6% thì có thể làm bóng bể!

Hậu quả khi kinh tế Trung Quốc bị chựng lại

Xứ nào cũng có thể bị nạn suy trầm hoặc thậm chí suy thoái kinh tế. Khi chuyện ấy xảy ra, tại các nước có dân chủ thì chính quyền thất cử, như ta đã thấy tại Nhật từ năm 1993 đến nay. Tại Hoa Kỳ hay Âu Châu mình cũng thấy có tranh luận chính trị, thậm chí biểu tình chống hàng ngoại quốc, chống di dân, đòi gia tăng trợ cấp thất nghiệp, v.v...

Tại Trung Quốc thì đặc tính chính trị của hệ thống này khiến suy thoái kinh tế lan rộng thành động loạn xã hội và dội ngược lên thành khủng hoảng chính trị. Vì khủng hoảng chính trị cũng có nghĩa là khủng hoảng của chế độ và đảng cầm quyền, lãnh đạo sẽ càng khó ứng phó.

Cụ thể thì vì yêu cầu kích thích kinh tế của mấy năm qua hàng loạt doanh nghiệp rồi ngân hàng có thể phá sản khiến thất nghiệp sẽ gây loạn. Song song, nhiều chính quyền địa phương bị vỡ nợ vì lập ra công ty đầu tư địa phương để vay tiền ngân hàng kích thích kinh tế. Ly kỳ nhất là chính quyền hiện không biết rằng các khoản nợ ấy là bao nhiêu và bị ung thối đến cỡ nào. Năm tới lại có Đại hội đảng để chuyển giao quyền lực từ thế hệ thứ tư qua thế hệ thứ năm, suy trầm hay suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến nhiều chọn lựa nhân sự rất cực đoan bảo thủ sau này.

Nhiều nước sẽ khó bán hàng cho Trung Quốc hơn, nhất là các nước Đông Á và các nước xuất cảng thương phẩm nguyên nhiên vật liệu. Suy trầm vì vậy có thể là tổng suy trầm toàn cầu, đợt hai. Đồng thời, nhiều xứ khác, trong đó có Việt Nam, sẽ phải ngốn hàng ế ẩm của Trung Quốc, qua cả cửa khẩu lẫn biên giới. Đó là khó khăn kinh tế , rất dễ dẫn tới chiến tranh mậu dịch như người ta đã thấy hôm 03/10/11 tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Nhưng cũng vì suy trầm kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc cần thị uy với bên ngoài để ve vuốt tự ái dân tộc bên trong hầu giảm bớt sự bất mãn của quần chúng. Cho nên, ngoài những khó khăn kinh tế, người ta còn nên chờ đợi thách đố về ngoại giao và an ninh xuất phát từ Trung Quốc.
Đến lượt kinh tế Trung Quốc suy thoái ?

Đến lượt kinh tế Trung Quốc suy thoái ?

Tổng số lượt xem trang