Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Hỡi bọn "phản động"! : Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp

--Phản hồi bài báo “Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp”  —   (Lê Nguyên Hồng).
Hiến pháp thể hiện công lý

Trước hết tôi – một người trong đại khối nhân dân, quốc tịch Việt Nam, số chứng minh nhân dân 060540498 do công an Yên Bái cấp ngày 24/5/2005 – xin có lời chào đích danh ông đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang. Cũng xin lỗi trước vì tôi đã mạo muội dịch hai từ TS của ông thành “tiến sĩ”, nếu đúng thì tôi xin chúc mừng ông là một người đã được “xóa mù tiến sĩ” như ai đó đã từng nói một cách hài hước.
Thưa ông tiến sĩ đại tá Quân đội. Bài báo có tựa đề“Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp” của ông đăng trên Báo Quân Đội Nhân Dân chủ nhật, ngày 23/10/2011 vốn không nêu đích danh một ai để ông chỉ trích. Tôi chỉ thấy ông gọi những trí thức, luật gia nào đó là mượn danh “nhân dân” để bóp méo, xuyên tạc các bản hiến pháp của Việt Nam (Miền Bắc trước đây và toàn quốc sau ngày 30/4/1975) như ông viết là: “Xuyên tạc tính đúng đắn của những văn bản đó”. Vì tôi là một trí thức và cũng đã có một số bài viết bình luận, nhận định về các bản Hiến pháp của Việt Nam, đăng trên một số trang Web và trên blog cá nhân của tôi. Nên tôi quyết định phản hồi lại bài báo của ông.
Mở đầu bài viết của ông, ông viết: “các thế lực thù địch mượn danh “nhân dân” để kích động chính nhân dân chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng ý chí, nguyện vọng của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2001”. Tôi đồng ý với ông về việc ông xác định chuyện sửa đổi, bổ xung hiến pháp là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng ý chí và nguyện vọng của người dân (ông viết là “toàn dân”) được thể hiện như thế nào? Thông qua bỏ phiếu, trưng cầu dân ý, hay hình thức nào mà ông nói là ý chí và nguyện vọng của toàn dân? Tôi chỉ thấy báo chí tuyên truyền đây là chủ trương lớn này nọ của Đảng và Nhà nước, chứ tuyệt nhiên chưa nghe đến chuyện lấy ý kiến nhân dân như thế nào, và làm thế nào để lấy được ý kiến “toàn dân” nếu không thông qua hình thức trưng cầu dân ý. Vậy xin được phép kết luận là ông nói sai sự thật ngay từ phần mở đầu bài viết.
Xin lấy ví dụ như việc sửa đổi hiến pháp năm 1996 ở Nam Phi và ở Thái Lan năm 1997. Ở Nam Phi, trước hết Quốc Hội giao cho các hội luật gia và các văn phòng luật trên toàn quốc soạn thảo dự thảo Hiến Pháp độc lập. Tòa án Hiến Pháp phải thành lập một Ủy Ban Lập Hiến của Quốc Hội. Ủy Ban này đã tiếp nhận tới 4 000 bản dự thảo hiến pháp khác nhau và có tới 250 000 bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp, để Ủy Ban Lập Hiến của Quốc Hội xem xét, đánh giá, và chọn lọc theo những tiêu chí riêng. Sau khi bản hiến pháp do Ủy Ban Lập Hiến định hình, được đưa ra trưng cầu dân ý lần 2 (trước đó 1 năm đã có cuộc trưng cầu dân ý lần1, thông qua việc người dân tự do gửi kiến nghị đề nghị sửa đổi các điều khoản A,B,C cụ thể của hiến pháp), và nó chỉ được áp dụng khi có sự đồng thuận của toàn dân.
Tại Thái lan, việc sửa đổi hiến pháp có hai giai đoạn, ban đầu Quốc Hội cũng tiếp nhận hàng ngàn các bản dự thảo hiến pháp của các luật gia. Sau đó họ công khai lấy ý kiến của dân bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo từ cấp thôn làng đến cấp tỉnh thành. Để đảm bảo việc tiếp nhận ý kiến toàn dân một cách minh bạch, Quốc Hội Thái Lan lúc đó đã yêu cầu những nhân viên tiếp nhận kiến nghị, photo toàn bộ văn bản của từng cá nhân, tổ chức gửi đến, sau đó trao lại bản chính và biên nhận cho chủ nhân. Việc làm đó đảm bảo rằng người dân sẽ có quyền kiện Quốc Hội, nếu ý kiến của họ có nhiều người ủng hộ mà không được đưa vào hiến pháp.

Sơ qua về 2 ví dụ trên từ việc sửa đổi hiến pháp của một nước Châu Phi mới bước ra từ nạn Apacthai, và một nước Đông Nam Á sống chủ yếu bằng nghề nông. Vậy thưa ông đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, chuyện chuẩn bị sửa đổi hiến pháp lần này ở Việt Nam có phải là nguyện vọng của toàn dân hay không? Chắc chắn là chưa thể nói rằng có. Theo ý kiến cá nhân tôi thì bản Hiến Pháp năm 1992 hiện nay ta đang dùng là không cần phải sửa đổi bất cứ điều gì cả. Chỉ cần chúng ta (nhà nước và nhân dân) hiểu cho đúng ngữ nghĩa của nó bằng cách có một Tòa Án Hiến Pháp và một hệ thống luật minh bạch, khoa học hướng dẫn thực thi hiến pháp là đủ. Ngay cả Điều 4 –điều mà mọi người ngộ nhận cho rằng nó khẳng định vị thế duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng Sản – cũng không phải vậy, nếu chúng ta có bản văn luật diễn dịch trọn nghĩa của Điều 4 ấy.

Trong bài viết của ông, ông lên án những người “mượn danh nghĩa nhân dân và dân tộc để đối lập nhân dân với nhà nước”. Câu này đúng một nửa, phần đầu thì rất khó hiểu vì ông không nêu đích danh ai đã “mượn” danh nhân dân, nhưng theo tôi hiểu thì ông ám chỉ một số trí thức, luật gia gốc Việt ở hải ngoại đã làm việc này. Thưa ông, người Việt ở nước ngoài hoàn toàn có quyền có 2 quốc tịch, một của Việt Nam và một của nước người đó đang thường trú. Ngay cả những cựu quân, cán, chính, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ có quốc tịch Việt Nam (Cộng Hòa), cũng chưa có ai hay văn bản nào tước đi quyền làm công dân Việt Nam của họ. Có chăng chỉ là ở một vài nước nhỏ còn có quy định 1 quốc tịch nên một số ít kiều bào mới phải tạm từ bỏ quốc tịch cũ của mình. Như vậy các vị trí thức, luật sư, luật gia người Việt ở nước ngoài hoàn toàn có quyền góp ý vào công việc chính trị, văn hóa xã hội của Việt Nam một cách hợp pháp.

Ở vế tiếp theo là “để đối lập nhân dân với nhà nước, với hệ thống chính trị và với Đảng ta hiện nay” là đúng hoàn toàn. Nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay không được dựng nên bằng bất kỳ một cuộc tổng tuyển cử nào. Hay ông và Đảng Cộng Sản của ông cứ bắt buộc phải cho rằng - dù chỉ là hình thức - nhưng có bầu cử Quốc Hội, bầu cử Hội đồng Nhân Dân và Quốc Hội chỉ định lập ra chính phủ, như vậy nếu suy luận là chính phủ do dân gián tiếp bầu ra thì tôi cũng tạm chấp nhận. Nhưng nhân dân chắc chắn không được bầu cử Đảng Cộng Sản nào từ năm 1945 đến nay. Trong khi đó Hiến Pháp lại ghi là đảng lãnh đạo (Điều 4) và tất cả các văn bản chính trị cấp nhà nước đều ghi là “đảng lãnh đạo”, quả thực tôi dám chắc, chính ông Nguyễn Văn Quang cũng chưa bao giờ được cầm trên tay lá phiếu để mà đi bầu Đảng lãnh đạo (Quốc Hội và Hội đồng Nhân Dân đều không có quyền chỉ định nhân sự Đảng như bổ nhiệm thủ tướng hay Chủ tịch nước). Vậy người dân chúng tôi có quyền đối lập với tất cả những ai đang chiếm quyền lãnh đạo đất nước mà họ không được bầu.
“Tạo dựng ý thức chính trị xây dựng một bản hiến pháp theo tinh thần đa nguyên-cái mà nhân dân ta đã nhận thức rõ và không chấp nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên” - đó là câu mà ông tiến sĩ đại tá viết. Xin được hỏi ông, nhân dân ta không chấp nhận ngay từ bản hiến pháp đầu tiên, vậy họ dùng hình thức nào để “không chấp nhận” như ông nói?
Nội các chính phủ của ông Hồ Chí Minh và do Quốc Hội khóa 1 ngày 3/11/1946 phê chuẩn, có nhiều trí thức không phải là đảng viên Đảng Lao Động, như các Bộ trưởng: Bộ Nội Vụ - Huỳnh Thúc Kháng, Bộ Giáo dục - Nguyễn Văn Huyên, Bộ Giao Thông Công Chính - Trần Đăng Khoa, Bộ Y Tế - Hoàng Tích Trí, Bộ Tư Pháp - Vũ Đình Hòe, Bộ Canh Nông - Ngô Tấn Nhơn, Bộ Cứu Tế - Chu Bá Phượng, Bộ Không Bộ - Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật.

Ngày 20/9/1955 - tức là tận 9 năm sau - Chính phủ của ông Hồ Chí Minh có những thay đổi, nhưng lúc này trong Chính phủ vẫn còn tới gần 10 người ngoài Đảng Lao Động như: Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa vv.., riêng ông Phan Kế Toại được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Lúc đó đã có bản hiến pháp năm 1946, vậy phải chăng ta nên lên án ông Hồ Chí Minh vì đã không làm theo ý dân, vì theo ông đại tá Nguyễn Văn Quang nói là nhân dân đã không chấp nhận tinh thần đa nguyên? Chưa kể đến việc Việt Nam có đa đảng (không kể Miền Nam) gồm Đảng Lao Động (tiền thân của Đảng Cộng Sản), Đảng Xã Hội, Đảng Dân Chủ, đến tận năm 1988 thì Đảng Cộng Sản mới bức tử hai đảng kia. Như vậy về điểm môn Sử của ông đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang là điểm liệt đấy nhé!
Ông đại tá viết câu “Hiến pháp của nhân dân Việt Nam bảo vệ các quyền chính đáng đó của họ”, tôi cho là đúng (ngoại trừ câu”Hiến pháp của nhân dân” vì nó chưa thuộc về nhân dân). Vấn đề ở đây là Hiến pháp viết như vậy nhưng cái Đảng Cộng Sản đang tự ý lãnh đạo nhân dân khi chưa được nhân dân đồng ý kia, nó cứ lập lờ không cụ thể hóa thành những bộ luật và các văn bản luật hướng dẫn nhà nước và nhân dân thực hiện. Tôi lấy ví dụ quyền phúc quyết của dân, hay quyền biểu tình, đã có từ các bản Hiến pháp năm 1946; 1959; 1980 đến Hiến pháp 1992; nhưng nó không có luật áp dụng, cho nên có mà lại không. Như vậy sửa hiến pháp mà làm gì?
Sau cùng, ông tiến sĩ đại tá viết: “Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ giữa các quyền đó, việc lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng đoàn ra sao là do nhân dân Việt Nam, Quốc hội Việt Nam quyết định”. Rất đúng! Nhưng ông viết thiếu, nếu không viết thêm sẽ vô nghĩa, vì ông đã không trao cho nhân dân cách thức, phương pháp nào để mà "quyết định". Cần phải viết thêm một đoạn nữa là: “Bằng con đường trưng cầu dân ý công khai và minh bach, đồng thời có các hệ thống văn bản luật và văn bản dưới luật hướng dẫn nhà nước và nhân dân thực hiện. Tất cả mọi văn bản luật, từ Hiến pháp trở xuống, nếu thông qua trưng cầu dân ý mà không được nhân dân chấp nhận thì cần phải bị loại bỏ”.
Tóm lại xin thất lễ ông đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, để đưa ra nhận xét: Ông là người không dũng cảm. Chỉ trích những ý kiến của người này người kia chung chung không dám nêu tên người cụ thể. Nói chuyện chính trị quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả một quốc gia mà lại hời hợt, giáo điều, bằng chứng đưa ra trái với sự thật lịch sử. Có vẻ như người nhầm lẫn là ông đại tá đã xóa mù tiến sĩ Nguyễn Văn Quang chứ không phải ai khác.

Lê Nguyên Hồng.

Phụ lục:



-– Ai là nhân dân dơ [giơ] tay lên! (Quê choa). – Lê Hoài Nguyên: NHỮNG VIÊN ĐẠN CỦA NHÂN DÂN (Quê choa).  – Kami: Về bài viết “Đừng nhầm lẫn từ ‘nhân dân’ trong hiến pháp”  (RFA’s blog).


-Hỡi bọn "phản động"! : Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp (QĐND 23-10-11) QDDND - Sau những thất bại liên tiếp trong âm mưu lôi kéo quần chúng nhân dân chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Hội đồng nhân dân các cấp và bầu các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị nước ta, các thế lực thù địch lại mượn danh “nhân dân” để kích động chính nhân dân chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng ý chí, nguyện vọng của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2001. 

Việc sửa đổi, bổ sung hay soạn thảo, ban hành một bản hiến pháp là một sự kiện chính trị trọng đại của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như của mỗi người dân vì Hiến pháp khẳng định đường hướng phát triển đi lên của dân tộc, cơ cấu tổ chức hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước, quyền hạn và nghĩa vụ của nhân dân với tính cách là công dân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, chế độ. Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực Nhà nước và là người thực hiện cuối cùng các quyết sách chính trị do chính mình định ra. Nhân việc Việt Nam sắp sửa đổi bổ sung hiến pháp, một số người nhân dân "trí thức", "luật gia" đã viện dẫn ngay chính văn bản gốc, có tính pháp lý đầu tiên của nước ta, để rồi xuyên tạc tinh thần, tư tưởng đúng đắn của những văn bản đó. Khi trích dẫn bản Hiến pháp năm 1946 của nước ta, họ luôn mượn từ “nhân dân”, “dân tộc” để đối lập nhân dân với Nhà nước, với hệ thống chính trị và với Đảng ta hiện nay.
Từ đó, họ xuyên tạc và bịa đặt Đảng ta đã “biển thủ”, “đánh cắp” hay “bắt cóc”, “cầm tù” bản Hiến pháp đó. Hành động xuyên tạc và bịa đặt đó nhằm kích động tư tưởng đa nguyên, tạo dựng ý thức chính trị xây dựng một bản hiến pháp theo tinh thần đa nguyên-cái mà nhân dân ta đã nhận thức rõ và không chấp nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên.

Giả danh nhân dân, mượn từ nhân dân và cũng lợi dụng nhân dân, nhưng những “luật sư”, “trí thức” đó đã cố tình “không hiểu” hoặc lờ đi cái bản chất sâu sắc nhất tạo nên khái niệm “nhân dân” hay “công dân” được xác định trong Hiến pháp 1946. Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định. Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định. Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Chính vì lẽ đó, ngay từ Lời nói đầu của bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946) đã xác định rõ danh từ “nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan”. Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc. Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc. Cho nên, không thể nhầm lẫn người lao động với kẻ áp bức, người yêu nước thương nòi với kẻ phản bội quyền lợi quốc gia dân tộc. Vậy nên có một lời khuyên, các vị "trí thức", "luật sư" kia hãy đọc kỹ và học lại những từ rất cơ bản đó ở “Lời nói đầu” của bản Hiến pháp; đừng cố tình bỏ qua, xuyên tạc và bịa đặt như vậy.
Sau khi nhân ta đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến vào năm 1945, trên đất nước ta còn có rất nhiều ngoại kiều, Pháp có, Anh có, Hoa có, Nhật Bản có, Bắc Phi có… và ngay cả những binh sĩ Pháp cũng có, nhưng họ là những người đã nhìn rõ bản chất của chế độ thực dân, đế quốc, phong kiến. Họ đã có lập trường đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân quyền của nhân dân các nước thuộc địa, đòi tự do cho các dân tộc bị áp bức, xâm lược. Chính vì lẽ đó, mà Hiến pháp của nhân dân Việt Nam mới bảo vệ các quyền chính đáng đó của họ, không chỉ vì phục vụ cho lợi ích của nhân dân các dân tộc đang bị áp bức đô hộ bởi thực dân, đế quốc trên toàn cầu, mà còn vì chính quyền lợi của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, Hiến pháp và pháp luật của nhân dân Việt Nam hiện nay cũng không ngăn cấm điều đó, miễn là những người có tư tưởng đấu tranh cho “dân chủ” và “tự do” ấy, không chống lại ý chí, luật pháp của nhân dân, quyền lợi của dân tộc Việt Nam, cũng như không chống lại lợi ích, luật pháp và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước mà nhân dân Việt Nam có quan hệ ngoại giao.
Một điều quan trọng họ nêu ra là nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết Hiến pháp của mình không? Với nền văn hiến Việt Nam, tri thức văn hóa của nhân dân Việt Nam, nhân tài Việt Nam và với một địa văn hóa, chính trị thuận lợi, nhân dân Việt Nam không chỉ biết kế thừa và phát triển những truyền thống tinh hoa của dân tộc trong lịch sử lập quốc, lập hiến, mà còn tiếp thu những tri thức tiên tiến nhất của thời đại để thiết lập nên Hiến pháp của mình. Nhân dân Mỹ, nhân dân Anh, hay nhân dân nước nào đi nữa đã tạo lập nên hiến pháp của mình thì nhân dân Việt Nam cũng tôn trọng họ, không can thiệp vào quyền tự quyết của nhân dân nước họ. Họ muốn chính thể, lập pháp, hành pháp và tư pháp ra sao, thành lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng phái như thế nào là công việc nội bộ của nhân dân nước họ. Vì lẽ đó, trong quan hệ quốc tế nhân dân Việt Nam cũng có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến của nhân dân Việt Nam; càng không được cả gan nhận mình là “nhân dân” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ giữa các quyền đó, việc lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng đoàn ra sao là do nhân dân Việt Nam, Quốc hội Việt Nam quyết định.
Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang

Báo QĐND chỉ trích dân biểu Mỹ Loretta Sanchez: Lại một góc nhìn sai lệch (QDND 16-10-11) -- Thôi, bỏ qua cho bả!  Bả đang bấn trí vì bị thủ quỹ lường gạt, cuỗm hết tiền tranh cử của bà ấy!


Tổng số lượt xem trang