Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Nhà sàn dài của người Êđê đứng trước nguy cơ “xoá sổ”

-(Tamnhin.net) - Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê ở tỉnh Đắk Lắk là một trong những kiến trúc độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. 

Toàn cảnh nhà dài của người Ê đê Tây Nguyên (Ảnh: Internet)


Từ bao đời nay, ngôi nhà sàn dài của đồng bào Êđê đã đi vào truyền thuyết, sử thi, lời nói vần của đồng bào thế nhưng, trong “cơn lốc” đô thị hoá từ thành thị đến buôn làng, tình trạng nhà xây, nhà bê tông hoá ngày càng lấn lướt, những ngôi nhà sàn dài của đồng bào Êđê đang đứng trước nguy cơ “xoá sổ”.


Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê trước đây làm bằng nguyên liệu của núi rừng: khung nhà bằng gỗ, xương mái, sàn bằng tre nứa, vách bao quanh nhà bằng tre nứa đập dập, đan kết lại hoặc thưng bằng ván. Kích thước mỗi căn nhà dài phổ biến là: xà ngang dài từ 3,20 đến 3,40 mét; cột cao 3,60 đến 4 mét; lòng nhà rộng từ 4,5 đến 5,3 mét. Nhà dài nằm trong các buôn đều có đòn nóc nằm theo hướng Bắc – Nam , cửa ra vào và cầu thang lên xuống. Cầu thang có 7 bậc, được làm bằng gỗ tốt, chủ yếu là gỗ cẩm lai, gỗ hương, rộng từ 0,8 - 1,2 mét, phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà thượng tạc các hình mặt trăng lưỡi liềm, hai bầu vú tượng trưng cho sức sống, uy quyền của mẫu hệ. Bên trong nhà sàn dài là gian lớn, giáp với hiên nhà được dùng làm phòng khách, nơi tổ chức các sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng như đánh chiêng, các nghi lễ hàng năm, tiếp khách... Kế tiếp là các gian buồng riêng có bếp lửa của từng cặp vợ chồng; thông thường, mỗi nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê có từ 7 đến 9 cặp vợ chồng cùng chung sống...


Từ năm 1980 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc tách hộ (tách từ các hộ trong căn nhà sàn dài ra ở riêng), phát triển kinh tế vườn, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm những căn nhà sàn dài bị xâm hại. Đồng bào được tách hộ, tỉnh hỗ trợ vốn làm nhà và đa phần đồng bào xây dựng nhà cấp bốn theo kiểu của người Kinh. Trong vài năm trở lại đây, nhiều vùng, đồng bào dân tộc Êđê đầu tư phát triển sản xuất, nhất là thâm canh các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, mở trang trại chăn nuôi đại gia súc, thu nhập ngày càng cao, đời sống được nâng lên. Từ đó, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê phá bỏ dần những căn nhà sàn dài truyền thống mà thay vào đó là những ngô nhà cao tầng, biệt thự, trẻ em cũng dần“quên ” những ngôi nhà sàn dài. Không chỉ đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn làng của thành phố Buôn Ma Thuột mà ngay các buôn làng ở các huyện vùng sâu như Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Ana, Ma Đ’Rắk..., những căn nhà sàn dài truyền thống cũng dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây.


Mặt khác, theo phản ánh của đồng bào, việc làm nhà sàn dài bằng gỗ bây giờ tốn kém lắm, đắt hơn nhà xây, lại khó tìm mua gỗ nên tốt nhất là làm nhà xây, hoặc nhà xây “giả” nhà sàn. Thậm chí, Nhà văn hoá cộng đồng cũng được tỉnh đầu tư xây dựng bằng bê tông cốt thép, mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà sàn dài nhằm tạo không gian văn hoá, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp buôn làng. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 540/553 buôn của đồng bào Êđê và M’nông được đầu tư xây dựng Nhà văn hoá cộng đồng, với tổng nguồn vốn trên 60 tỷ đồng, bình quân mỗi căn từ 100 - 150 triệu đồng. Song, những ngôi nhà này không còn giữ được hồn cốt nhà dài gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê mà như đánh giá của những nhà văn hoá là “khô cứng, vô hồn”. Vì thế, nhiều đồng bào, đặc biệt là các già làng tỏ ra không hài lòng, không muốn đến sinh hoạt, nhiều Nhà văn hoá làm xong đành “đắp chiếu”.


Buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột) có cách làm hay, vẫn giữ được những ngôi nhà sàn dài mấy chục năm tuổi giữa lòng thành phố. Buôn có gần 100 hộ dân tộc Êđê, với trên 800 khẩu, chủ yếu sản xuất cà phê, dệt thổ cẩm, kinh doanh du lịch nên 90% số hộ có đời sống kinh tế khá, không có hộ thuộc diện nghèo. Trong cơn lốc của đô thị hoá ngày càng nhanh, để giải quyết chỗ ăn ở của nhiều cặp gia đình trẻ tách ra ở riêng nên đồng bào trong buôn xây dựng nhiều nhà ở mới như người Kinh. Trước tình hình đó, già làng Ama Hrin (người đã tạo lập ra buôn Akô Dhông) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân và thống nhất quy định: đồng ý để đồng bào làm nhà xây theo lối hiện đại nhưng phải làm phía sau ngôi nhà sàn dài truyền thống. Gia đình nào không chấp hành sẽ bị buôn làng xử phạt, dỡ bỏ. Từ đó, mọi người trong buôn ai cũng làm theo. Buôn Akô Dhông vẫn giữ được nguyên vẹn 53 ngôi nhà sàn dài truyền thống bên cạnh các ngôi nhà biệt thự, cao tầng hiện đại. Giờ đây, buôn Akô Dhông trở thành buôn văn hoá - du lịch độc đáo của thành phố Buôn Ma Thuột. Hàng ngày có đến hàng chục đoàn khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm các nghệ nhân đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế tác rượu cần, nhạc cụ dân tộc, tổ chức các nghi lễ cúng nhà mới, sức khoẻ, bến nước, đón khách, kết nghĩa anh em... Ông Ama Ben, người gắn bó với buôn làng hơn 50 mùa rẫy chia sẻ: Việc lưu giữ được những ngôi nhà sàn dài của cha ông quan trọng nhất là để thế hệ mai sau còn biết đến truyền thống của tổ tiên, của văn hoá nhà dài dân tộc mình.


Ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao- Du lịch tỉnh Đắk Lắk, người nhiều năm nghiên cứu về văn hoá dân tộc lo lắng: Nhà dài của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang kêu cứu. Nếu mất nhà dài thì cồng chiêng, các nghi lễ của đồng bào cũng không còn. Hiện nay, Ngành văn hoá tỉnh đang tiến hành điều tra thực trạng nhà sàn dài ở tất cả các buôn làng trên địa bàn để có kế hoạch bảo tồn. Để nhà sàn dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê trường tồn trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cần có cách làm bài bản, lâu dài, nhất là có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hoá, bản sắc ngôi nhà sàn dài truyền thống.


Quang Huy

Nhà sàn dài của người Êđê đứng trước nguy cơ “xoá sổ”

--


(Tamnhin.net) - Người bỏ cả chục năm công sức, cùng với số tiền cả trăm tỷ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà là anh Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh (trụ sở tại Hà Nội).

Theo lời bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ đẻ anh Lượng, chồng bà, cha anh Lượng, là liệt sĩ Nguyễn Minh Độ.

Năm 1964, ông Độ là Đại đội phó Đại đội Pháo cao xạ, đóng quân ở Cát Bà (Hải Phòng).

Ngày 6-8-1966, giặc Mỹ điên cuồng trút bom xuống Hải Phòng. Ông Độ đã cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt. Đại đội Pháo cao xạ đã bắn rơi một máy bay Mỹ.

Hàng cau rợp bóng vây quanh khu nhà thờ. 

Trong trận đánh ác liệt đó, ông đã bị thương ở chân. Khi y tá băng bó vết thương cho ông, ông đề nghị chăm sóc cho những đồng đội khác bị nặng hơn. Nhưng không ngờ, vết thương ở chân lại gây ra cái chết của người đại đội phó. Ông mất đi, để lại người vợ trẻ, và cậu con trai mới 18 tháng tuổi.

Dù đi bước nữa, nhưng bà Sáu vẫn nuôi Lượng ăn học tới nơi tới chốn. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh Lượng làm việc cho một cơ quan Nhà nước. Làm được vài năm, anh bỏ Nhà nước, lập doanh nghiệp, làm ăn như diều gặp gió.

Khi đã giàu có, anh nghĩ đến người cha liệt sĩ của mình. Về lại mảnh đất mà cha mẹ mình từng ở, sinh ra anh, anh nảy sinh ngay ý định làm một ngôi nhà thờ để tưởng nhớ đến cha. Ngôi nhà thờ đó phải độc đáo, ý nghĩa, mang đậm văn hóa Việt và trường tồn với thời gian.

Cổng vào nhà thờ. 

Có ý tưởng rồi, anh mời rất nhiều nhà phong thủy, địa lý về xem thế đất. Thế đất thì đẹp, nhưng diện tích lại quá nhỏ, có 10 thước, tức 240 mét vuông, chỉ đủ xây cái nhà thờ nhỏ, không làm được cảnh quan nào khác nữa.

Các thầy địa lý đều khuyên anh kiếm mảnh đất khác rộng rãi. Tuy nhiên, anh chỉ muốn dựng nhà thờ trên nền nhà cũ, trên chính mảnh đất mà người cha anh đã ra đi và mãi mãi không trở về.

Để thực hiện ý nguyện của mình, anh đã cực kỳ nhẫn nại, thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh cho anh.

Anh Lượng nhập cúp doanh nhân văn hóa. 

Từ mảnh đất 240 mét vuông, anh mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất anh gom được rộng tới 5000 mét vuông, nằm trên một thế đất vàng theo phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông.

Có mặt bằng rồi, anh Lượng tiến hành san đất. Một công trình kỳ công được anh tạo dựng suốt 10 năm trời, từ năm 1998 đến 2008 mới tạm hoàn thành.

Bà Sáu là người trông nom, quản lý quá trình xây dựng nhà thờ, nên bà thấy hết sự cầu kỳ, vất vả và tâm huyết của con trai.

Các kiến trúc sư khó tính cũng không thể chê được điểm gì.

Riêng cái hồ trước nhà thờ, anh Lượng đã đào bới, xây dựng đến lần thứ 3 mới xong. Lần đầu tiên anh làm hình elip, như quả trứng. Kè đá, xây tường xong, thấy không vừa mắt, anh lại ủi sạch và xây theo hình vuông. Thế nhưng, vài năm sau, thấy hình vuông không ổn, anh lại phá hồ xây thành hình bán nguyệt. Dưới mặt nước trong mát là hệ thống vòi phun nước, quanh hồ là hệ thống chiếu sáng. Chỉ cần bật công tắc, điện sẽ lung linh đủ màu, nước phun tung bọt trắng xóa.

Công trình tương đối cầu kỳ là… đắp núi. Phía cuối mảnh đất lại là 2 cái ao lớn. Để biến 2 cái ao đó thành quả đồi thoai thoải, gắn với sườn núi Chí Linh, anh phải đổ cả vạn khối cát. Tiếp đó, hàng ngàn xe tải chở cát, sỏi đổ lên trên, tạo ra độ cao cả chục mét so với nền cũ.

Khối đá 46 tấn đặt trong vườn để tạo cảnh. 

Khu vườn phía sau nhà thờ. 

Trên quả đồi đó, những cây đại thụ được trồng, tỏa bóng mát. Những bậc đá uốn lượn, cỏ mọc xanh rờn. Giữa khu đồi nhân tạo, anh Lượng đặt một tảng đá khổng lồ, nặng 46 tấn. Phải 3 chiếc cẩu mới đưa được hòn đá lên.

Cầu kỳ nhất là làm ngôi nhà thờ dát vàng. Ngôi nhà tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân.

Khi đã gom đủ lượng gỗ lim để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm, ăn dầm ở dề tại nhà anh đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng.

Thế nhưng, nhà thờ làm xong, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, vì nhà thì to, mà cột kèo, rui mè thì nhỏ, trông không hợp mắt, nên lại dỡ bỏ.

Sau nhiều lần xây dựng, dỡ bỏ, ngôi nhà thờ mới hoàn thành. 

Vì gỗ lim ở Việt Nam rất hiếm, ở Lào cũng không còn, vả lại cũng không có lim lớn, nên anh Lượng phải đặt mua tận Nam Phi. Thợ đẽo gọt các cây lim già, chỉ lấy lõi làm các các cột lớn.

Ngôi nhà do nhóm thợ Sơn Tây làm được dỡ bỏ, thay vào đó là đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long, ly, quy, phụng…

Để có được 49 cột gỗ lim lớn, ông Lượng phải mua tổng cộng 98 cây lim già khổng lồ. Tầng hầm 49 cột lim, mỗi cột lại tương ứng với một cột ở tầng trệt.

Công đoạn đánh bóng toàn bộ gỗ lim cũng rất cầu kỳ. Nhóm thợ không đánh bóng bằng giấy ráp, mà xoa bằng lá chuối lùn khô. Cứ xoa đi xoa lại vài chục lần, mất 6 tháng trời, thì gỗ lim lên màu đen bóng, màu rất tự nhiên.

Sau 3 lần làm đi làm lại, ông Lượng mới hài lòng với cái hồ bán nguyệt. 

Những viên gạch lát nền, ngói lợp mái cũng toàn đốt bằng rạ suốt 7 ngày đêm, chứ không phải bằng than, bằng gas, nên màu đẹp, bền. Loại gạch này có giá thành đắt gấp nhiều lần gạch thông thường.

Theo bà Sáu, anh Lượng thuê nhiều kiến trúc sư và làm theo các bản thiết kế. Tuy nhiên, cứ làm xong, hoặc đang làm giữa chừng, thấy không hợp, lại đập phá, làm lại hết. Công trình hoàn toàn là ý tưởng, là tâm huyết, là sự ám ảnh của anh về cha.

Sau 10 năm, đổ không biết bao nhiêu tâm huyết, tiền bạc, phải công nhận rằng, đây là một công trình đẹp, hài hòa, mang đậm văn hóa Việt. Kể cả các chuyên gia kiến trúc cũng khó tìm thấy khiếm khuyết.

Ngoài công trình nhà thờ rộng 5000 mét vuông, cũng phải nói thêm về khu vườn và khu mộ của liệt sĩ Nguyễn Minh Độ.

Những cây cảnh đắt tiền tô điểm cho vẻ cổ kính, sang trọng của nhà thờ. 

Cùng với việc xây dựng khu nhà thờ, anh Lượng mua thêm 4 ha đất ruộng lầy thụt để làm vườn, trồng đủ các loại cây. Trong khu vườn đó, anh dành 1 ha đất để dựng khuôn viên mộ cha mình. Anh Lượng không xây mộ cha hoành tráng, mà chỉ xây nho nhỏ. Nhưng xung quanh mộ là những hàng cam, bưởi sai trĩu trịt và cau tỏa bóng mát.

Những hàng cau trong vườn có thể nói là đệ nhất nước Việt. Khoảng 13 ngàn cây, hàng lối đều tăm tắp do các nghệ nhân trồng, tỉa tót, chăm sóc suốt nhiều năm. Hệ thống tưới tiêu trong vườn hoàn toàn tự động. Khu vườn đã đem lại bóng mát và vẻ đẹp bồng lai, chỉ với mục đích để linh hồn cha được an tịnh.

Anh Lượng không coi đây là công trình của riêng mình nữa, mà nó là công trình văn hóa của cả làng. Đêm rằm trăng sáng vằng vặc, các cụ ông quanh xóm tụ họp chơi cờ trong khuôn viên nhà thờ, trong vườn cây, các cụ bà ngồi hát giao duyên, nhai trầu bỏm bẻm, trẻ con nô đùa nơi vườn thượng uyển.

Cây tùng trị giá 4,6 tỷ đồng đặt bên hữu nhà thờ. 

Tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi đoán công trình thờ tự cha của anh Lượng không dưới trăm tỷ đồng. Nhưng tôi thấy rằng, đó không phải là sự lãng phí. Với trăm tỷ ấy, chỉ có thể mua được căn biệt thự không có gì đặc biệt ở Hà Nội. Nhưng với khu nhà vườn, nhà thờ tự độc đáo như thế này, thì có lẽ tìm cả nước cũng không ra.

Ngoài công trình trăm tỷ thờ cha mình, anh Lượng đã bắt đầu triển khai một công trình rất lớn cho xóm, đó là xây dựng chùa Mức.

Ngôi chùa này được làm toàn bằng gỗ lim, to gấp 3 lần nhà thờ cha anh. Hiện mặt bằng đã giải phóng, đã đền bù đất cho dân. Xưởng mộc, nhà ở cho công nhân đang được dựng lên. Dự tính, công trình này phải mất 10 năm mới hoàn thành và tốn kém có thể đến cả trăm tỷ đồng. Toàn bộ số tiền làm chùa do anh Lượng công đức và anh cũng là người trực tiếp xắn tay làm ngôi chùa này. Quả là một con người đặc biệt!


Theo VTC News
(Tamnhin.net) - Tôi thực sự choáng ngợp với thứ ánh sáng lấp lánh của vàng ròng hắt ra từ các hoành phi câu đối, cột kèo.
Một người con hiếu thảo, thương nhớ người cha liệt sĩ, chẳng biết báo đáp bằng cách nào, liền dựng ngôi nhà thờ hoành tráng và dát vàng cho nhiều hạng mục.

Về vùng đất cổ Chí Linh (Hải Dương), hỏi ngôi nhà thờ dát vàng, ai cũng biết và kể vanh vách về người dựng ngôi nhà độc đáo có một không hai. Đó là anh Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh.

Ngôi nhà có tới 49 cột gỗ lim. 

Con đường làng đổ bê tông đẹp đẽ, chạy uốn lượn dưới chân đồi, xuyên qua cánh đồng lúa bát ngát. Ngôi nhà thờ nằm ở cuối xã Tân Dân, dưới chân dãy núi Chí Linh.

Hàng cau vua cao lừng lững, to cả người ôm, rợp bóng hai bên đường dẫn vào ngôi nhà thờ mà cả huyện biết tiếng.

Phía trong chiếc cổng hoành tráng, to như cổng thành vào cung vua, phủ chúa, có một cái bốt, là nơi bảo vệ ngồi gác, như ở trụ sở doanh nghiệp, cơ quan lớn. Tuy nhiên, chả thấy ai ngồi gác trong cái bốt đó cả. Thế nên, tôi cứ tự nhiên đẩy cửa đi vào. Để đẩy được cánh cửa lim khổng lồ, dày đến 15cm, tôi phải ráng sức bình sinh.

Bà Sáu trong ngôi nhà thờ dát vàng. 

Bước qua chiếc cổng lớn với bức tường cao chất ngất, cả một không gian như trong cổ tích hiện ra trước mắt. Phải nói rằng, cảm giác như lạc vào cõi tiên, như thể cung vua, phủ chúa, chỉ có trong những bộ phim dã sử hoành tráng của Trung Quốc. Tôi trộm nghĩ, các nhà làm phim Việt Nam mà mượn quần thể kiến trúc này làm bối cảnh dựng phim lịch sử thì không kém phần tráng lệ.

Ngay trước tòa nhà chính, với mái ngói đỏ chót, là cái hồ bán nguyệt rất rộng, nước xanh ngằn ngặt.

Xung quanh hồ bán nguyệt là một vườn cây cảnh. Những gốc sanh, si, đa, đề cằn cỗi, vằn vện bám trên đá minh chứng cho tuổi đời cả trăm năm có lẻ.



Tôi chơi với giới đại gia chơi cây cảnh ở Việt Nam khá nhiều, cũng được chiêm ngưỡng vô số cây cảnh bạc tỷ, nên tôi có thể khẳng định rằng, dù có tìm đỏ mắt, cũng khó có thể thấy cây nào dưới bạc tỷ trong cái vườn thượng uyển bao quanh cái hồ bán nguyệt này.

Tôi lang thang trong vườn, thì thấy một người đàn bà lớn tuổi đi ra. Bà Nguyễn Thị Sáu, người trông nom, hương khói cho ngôi nhà thờ và cũng là mẹ đẻ của chủ nhân ngôi nhà thờ đặc biệt này.

Tính bà Sáu thật thà, chất phác. Tôi khen vườn cây toàn cây cảnh đẹp, bà Sáu mắng té tát: “Cha bố nhà nó! Không hiểu nó bỏ cả đống tiền ra để tha cây cối về làm gì. Cháu tính xem, mấy cái cây sanh si gì đó kia, toàn 3-4 tỷ một cây thôi. Chả ra sao cả. Sao dở hơi thế không biết!”.

 

Nói rồi, bà Sáu dẫn tôi đến phía sườn phải của ngôi nhà thờ và chỉ vào cây tùng cổ thụ trồng trong chậu. Theo bà Sáu, cây tùng này được con trai bà mua về với giá 4,6 tỷ đồng. Hiện con trai bà đang sai người săn tìm thêm cây tùng nữa, bao nhiêu tiền cũng mua, để đặt sườn trái nhà thờ cho cân xứng.

Tâm điểm của toàn bộ không gian rộng lớn là ngôi nhà thờ bằng gỗ, mái ngói đỏ chót. Trên nóc nhà chạm trổ rồng phượng chầu vào 3 chữ lớn “Phúc Trường Minh”, có nghĩa là hạnh phúc tỏa sáng mãi mãi.

Ngôi nhà khổng lồ này có tổng cộng 49 cột gỗ lim già, cột nào cột nấy to đến nỗi 1-2 người ôm mới xuể. Để chứng minh điều này, bà Sáu mở cửa để tôi xuống tầng hầm. Tôi đếm dưới tầng hầm thấy đủ 49 bệ đá. Cứ mỗi bệ đá kê một cột lim vọt từ tầng hầm lên tận mái nhà.

Ngôi nhà rộng mênh mông và vàng được dát khắp nơi.

Giữa mùa hè nóng rát, nhưng tầng hầm ngôi nhà thờ mát rượi như có điều hòa. Những vật dụng cổ kính, đắt tiền, khiến tầng hầm như một căn biệt thự sang trọng dưới lòng đất.

Không chỉ có 49 cột bằng gỗ lim, mà toàn bộ ngôi nhà, từ vì kèo, cửa vách, hoành phi, câu đối, những tiểu tiết nhỏ nhất cũng bằng gỗ lim. Không có bất cứ một thứ gỗ gì khác lạc vào ngôi nhà này và cũng không có sự hiện diện của vôi vữa, xi măng, những vật liệu của thời hiện đại.

Tôi bước chân vào ngôi nhà gỗ rộng thênh thang, được xây dựng theo lối cổ này. Bà Sáu bật điện lên. Tôi thực sự choáng ngợp với thứ ánh sáng lấp lánh của vàng ròng hắt ra từ các hoành phi câu đối, cột kèo.

  

Khắp nơi là những liễn đối dát vàng lấp lánh, bằng chữ nho, với nội dung ca ngợi một con người có công với nước, dù đã về bên kia thế giới, song vẫn để lại tiếng thơm lâu bền.

Những chiếc đỉnh, những hình rồng phượng, hoa lá chim muông trên khắp ngôi nhà, rồi những chiếc đao xếp thành hàng, võng lọng nằm im lìm đều toát ra màu vàng chóe, lấp lánh, cực kỳ thâm nghiêm, trang trọng. Riêng ban thờ tổ rất lớn, vàng dát kín mít, xuống đến tận chân đế.

Kể cả một số hạng mục ngoài trời cũng được dát vàng. 

Giữa gian ngoài cùng, có một lối đi vào hậu cung. Giữa gian hậu cung cực lớn, là một bàn thờ uy nghi vàng rực. Mọi chi tiết trong hậu cung này đều được dát vàng nguyên chất. Chỉ riêng bức tượng đặt trên bàn thờ, là liệt sĩ Nguyễn Minh Độ, chồng của bà Sáu, cha của anh Nguyễn Đức Lượng là được đúc bằng đồng.

Riêng tượng chân dung liệt sĩ Nguyễn Minh Độ thì được đúc bằng đồng. 

Tôi tham quan, ngắm nghía từng chi tiết dát vàng trong ngôi nhà thờ mất cả tiếng mà không hết. Tôi hỏi bà Sáu rằng, không biết anh Lượng phải tốn bao nhiêu lượng vàng để dát khắp ngôi nhà khổng lồ này, bà Sáu chỉ cười tủm tỉm mà rằng: “Tiền mua vàng thì có đáng bao nhiêu đâu, tiền công dát vàng mới tốn. Mấy chục nghệ nhân dát vàng giỏi nhất phải làm mấy năm trời mới xong mỗi việc dát vàng thôi đấy!”.


Theo VTC News

Tổng số lượt xem trang