Danh tánh vị chủ chăn tổng giáo phận Huế xuất hiện nhiều lần trong các công điện ngoại giao bị Wikileaks tiết lộ. Một trong những công điện sớm nhất có nhắc tới Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể là bức công điện đề ngày 28 tháng 1, 2008, khi Tiến Sĩ Scott Flipse, giám đốc điều hành Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam.
Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giáo phận Huế (phải) tại Đại Hội Song Nguyền Thế Giới Kỳ 3, tháng 2, 2007. (Hình: www.tthngdtg.net)
Ủy ban này, tên tắt là USCIRF, là một tổ chức độc lập do Quốc Hội lập ra để theo dõi tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Một trong những việc USCIRF làm là đề nghị nên đưa nước nào vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt, quen gọi là CPC.
Tại Huế, Tiến Sĩ Flipse gặp Tổng Giám Mục Thể và hỏi về tình hình tự do tôn giáo tại đây. Tổng Giám Mục Thể cho rằng mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo hội là ở định nghĩa thế nào là tự do tôn giáo. “Trong khi chính quyền cho rằng tự do thờ phượng là mục tiêu chính yếu, giáo hội Công Giáo cho rằng điều này bao gồm nhiều thứ nữa,” bức công điện viết. Tổng Giám Mục Thể nói ông hy vọng “với thời gian quan điểm hai bên sẽ lại gần với nhau”.
Vị tổng giám mục này nói “tình hình đã cải thiện mỗi năm, và hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng cho giáo hội một cách nhạy cảm và tôn trọng cách hành xử của người Á Ðông”. Ý ông nói là “bất cứ cách nào trực tiếp hơn, sẽ gây phản cảm cho giáo hội”.
Nêu thí dụ về tình hình giáo hội Công Giáo miền Trung, Tổng Giám Mục Thể cho biết “mặc dù tấn phong linh mục vẫn cần phải được chính quyền chấp thuận, nhưng sự chấp thuận này đã dễ dãi hơn, và cá nhân ông tấn phong 53 linh mục trong 10 năm ông ở tổng giáo phận”.
Quay sang trường hợp Linh Mục Lý, Tổng Giám Mục Thể gọi đó là “một trường hợp phức tạp”. Chính Giám Mục Thể sắp xếp để chuyển Linh Mục Lý đi sang xứ khác, nhưng, “rất tiếc, Cha Lý lại tiếp tục những hoạt động của ông ở xứ đạo mới, bất kể cảnh cáo của tổng giám mục là linh mục không được tham gia chính trị”.
Tổng Giám Mục Thể cũng nói ông không thiết tha đòi lại tài sản của giáo hội, vì “với giới hạn của chính quyền trong việc làm từ thiện, giáo hội cũng không có gì để sử dụng những bệnh viện và trường học cũ”.
Lúc đó, Tổng Giám Mục Thể cũng nói với USCIRF ông không biết gì về vụ tranh chấp đất của giáo hội ở Ðan viện Thiên An. Nhưng vài tháng sau, khi tham tán chính trị và nhân viên tổng lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn trở ra Huế ngày 29-31 tháng 3, 2004, Tổng Giám Mục Thể nêu lên vấn đề Ðan viện Thiên An.
Cuộc gặp gỡ đó được ghi lại trong công điện đề ngày 18 tháng 5. Trong đó, Tổng Giám Mục Thể cho biết có 107 héc ta đất của giáo hội ở Thiên An bị chính quyền lấy để xây khu vui chơi. Trong khi Tổng Giám Mục Thể cho rằng dự án này “cần đặt vấn đề về mặt môi trường,” ông cũng cho rằng cơ may mà giáo hội đòi lại miếng đất này là không bao nhiêu.
Cũng trong chuyến đi đó, khi gặp ban tôn giáo của tỉnh, phó trưởng ban này nói với đoàn ngoại giao Mỹ rằng vì đan viện mua miếng đất này vào thời Tổng Thống Diệm, nên miếng đất này “phải bị phân phối lại”.
Năm 2007, nhân viên tòa đại sứ và tòa lãnh sự Mỹ lại trở ra Huế. Tại đây, họ lại gặp Tổng Giám Mục Thể. Vị chủ chăn này vui mừng cho biết vào Giáng Sinh 2006, lần đầu tiên chính quyền cho phép một linh mục tới Quảng Bình để làm lễ.
“Trước đây, các linh mục phải lẻn vào Quảng Bình,” bức công điện giải thích.
Dù vậy, Tổng Giám Mục Thể cũng nói đến một vài trục trặc trong quan hệ với chính quyền. Ðại Chủng Viện Huế mỗi 2 năm chỉ được nhận 10 chủng sinh. Tổng giám mục nói ông yêu cầu tăng con số này lên 40, nhưng chính quyền chưa đồng ý.
Về tài sản giáo hội, Tổng Giám Mục Thể muốn xúc tiến từ tốn. Ưu tiên khi đó, ông cho biết, là làm sao cho chính quyền trả lại đất ở La Vang. (Ðiều này sau đó đã được thực hiện năm 2008.)
Năm sau đó, 2008, phó đại sứ Hoa Kỳ Virginia Palmer tới gặp Tổng Giám Mục Thể đúng ngày kỷ niệm 60 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ngày 8 tháng 12. Khi đó cũng là lúc cuộc tranh giành về đất của giáo hội tại giáo xứ An Bằng đang gay gắt. Tại đó, giáo xứ địa phương đang khẳng định chủ quyền đối với một miếng đất 600 mét vuông nơi đặt Thánh Giá và đài lễ.
Cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ, là tổng giám mục phụ tá Lê Văn Hồng. Hai vị này nói với phó đại sứ là chính quyền Việt Nam cần Vatican, và ngược lại. “Vatican muốn có quan hệ ngoại giao để giúp đỡ giáo dân, trong khi chính quyền Việt Nam muốn tăng uy tín quốc tế bằng cách gia nhập vào nhóm 177 nước có quan hệ với Tòa Thánh,” vị tổng giám mục nói.
Quay sang vụ An Bằng, Tổng Giám Mục Thể “ca ngợi nỗ lực của chính quyền tỉnh và địa phương làm việc với giáo hội để giải quyết tranh chấp tại An Bằng bằng cách trao đổi đất,” theo công điện đề ngày 19 tháng 12, 2008.
Tuy nhiên, cũng trong chuyến đi đó, khi Phó Ðại Sứ Palmer tới gặp Linh Mục Phan Văn Lợi, và Linh Mục Nguyễn Hữu Giải, chánh xứ An Bằng, thì hai vị này cho biết vụ An Bằng chưa giải quyết xong đâu cả, vì phía chính quyền vẫn chưa trao miếng đất mà họ nói họ đổi.
Vụ An Bằng còn kéo dài nhiều năm sau công điện này. Phải tới năm 2010, chính quyền mới cho phép giáo xứ An Bằng làm lễ trên miếng đất đó.
Công điện:
* “CIRFDEL surveys religious freedom in Vietnam : Catholics and UBCV Buddhists in Hue ,” 28/1/2004, từ Emi Lynn Yamauchi, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM. Loại bảo mật: Không bảo mật. http://wikileaks.org/cable/2004/01/04HOCHIMINHCITY76.html
* “Religious freedom makes slow progress in Hue ,” 18/5/2004, từ Sharon White, Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM. Loại bảo mật: Không bảo mật. http://wikileaks.org/cable/2004/05/04HOCHIMINHCITY673.html
* “Religious freedom conditions in Hue ,” 26/3/2007, từ Kenneth Chern, Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM. Loại bảo mật: Không bảo mật. http://wikileaks.org/cable/2007/03/07HOCHIMINHCITY270.html
* “Human rights and religious freedom in Hue ,” 19/12/2008, từ Michael Michalak, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Loại bảo mật: Không bảo mật. http://wikileaks.org/cable/2008/12/08HANOI1390.html