The American Interest Walter Russell Mead
Nguyễn Tâm dịch 19-11-2011
Dòng thác dồn dập các tuyên bố, những cuộc triển khai quân, một loạt các thỏa thuận và thông cáo từ Mỹ và các đồng minh khu vực trong tuần qua phải là một trong những cú sốc khó chịu nhất chưa từng xảy ra đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Mỹ đưa quân vào Úc, Úc bán uranium cho Ấn Độ, Nhật tăng cường các hoạt động quân sự và phối hợp chặt chẽ hơn với Philippines, Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Myanmar đang thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc và đang cố gắng tái hội nhập vào khu vực, Indonesia và Philippines tăng cường quan hệ quân sự sâu hơn với Mỹ: và tất cả mọi chuyện xảy ra chỉ trong một tuần.
Nếu điều đó vẫn không đủ, ý kiến của đa số các nước trong khu vực đã đồng ý thiết lập một khối thương mại mới (TPP) không bao gồm Trung Quốc, trong khi Mỹ, nước được hoan nghênh, đã đề nghị rằng các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng nên được giải quyết tại diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á— thay vì đàm phán song phương với từng nước nhỏ và yếu hơn, điều mà Trung Quốc mong muốn.Hiếm khi nào một cường quốc lại bị khiêu khích và xúc phạm đến như vậy. Hiếm khi nào có nhiều lằn ranh đỏ lại bị vượt qua đến thế. Hiếm khi nào có nhiều trường hợp bị mất mặt như vậy, mất mặt quá nhanh. Đây là đòn tấn công ngoại giao bất ngờ nhằm đảo ngược tình hình trong một thập kỷ qua, bàn tán về hiện tượng Mỹ đang “suy tàn” và từ bỏ can dự vào Châu Á, điều này cũng nhằm dập tắt huyền thoại mới chớm về “sự trỗi dậy không gì ngăn cản được của Trung Quốc”.
Thời điểm [mọi chuyện] xảy ra hết sức phù hợp. Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo, lúc mà các quyết định quan trọng khó có thể đưa ra một cách nhanh chóng. Tại Trung Quốc, nền kinh tế đang có dấu hiệu thiếu vững chắc trong khi thị trường bất động sản đang rớt giá hầu như khắp cả nước. Cuộc tấn công ngoại giao chớp nhoáng diễn ra rất nhanh trên rất nhiều mặt trận, với những cú đánh cực mạnh, liên tiếp và mau lẹ, đến nỗi Trung Quốc không thể triển khai cách đáp trả một cách chặt chẽ và hữu hiệu. Và bởi sự xuất hiện của ông Ôn Gia Bảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, vốn được lên kế hoạch từ lâu trước khi Trung Quốc mơ hồ biết được trận bão lửa sắp ập đến, không thể hủy bỏ hoặc thay đổi được lịch trình, Thủ tướng Ông Gia Bảo ở trong thế kẹt: phải tự mình phản ứng trước công luận về tất cả những vấn đề này trong lúc Trung Quốc bị mất thăng bằng và trước các cuộc tham vấn, suy nghĩ cân nhắc và thảo luận để có thể đưa ra cách đối phó hiệu quả.
Trong vị thế này, ông Ôn Gia Bảo đã hành động một cách thận trọng, có nghĩa là hành động càng ít càng tốt, với những lời phát biểu ôn hòa ở chốn công khai. Ông ta không hề đấm bàn (hoặc như cựu lãnh đạo Xô-viết Nikita Khrushchev, từng tháo giày ra nện lên bàn). Ông ấy cũng không nổi cơn thịnh nộ hoặc trách cứ các nước láng giềng, không đả kích sự kiêu căng và gây hấn của Mỹ. Ông ấy không phát biểu mang tính đe dọa nhưng cũng không từ bỏ yêu sách chủ quyền; và thậm chí còn tham dự một cuộc họp ngắn ngoài lịch trình với Tổng thống Obama.
Ảnh hưởng của cách phản ứng hạ giọng và bị động này (thực sự ông Ôn Gia Bảo không có sự lựa chọn nào khác) là củng cố cảm nhận ở Châu Á rằng Mỹ đã tái khẳng định vị thế siêu cường hàng đầu bằng cách thức rất thuyết phục. Mỹ đã hành động và nhận được sự ủng hộ khắp nơi, một cách ấn tượng, và Trung Quốc đã lùi bước.
Thực tế, đó là những gì đã xảy ra và những điều xảy ra mang tính quyết định, một chiến thắng ngoại giao mà bất cứ ai cũng nhìn thấy được. Cũng nên chúc mừng Tổng thống Obama cùng đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng rõ ràng đã và đang làm việc với nhau một cách hiệu quả, trong một chiến lược phức tạp và sâu sắc. Họ tránh làm rò rỉ thông tin, phối hợp hiệu quả với sáu nước khác và triển khai một loạt các công cụ sức mạnh. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, đây là sự trình làng của thời đại chính quyền Obama với kế hoạch được thai nghén và thực thi một cách hoàn hảo từ trước đến nay.
Cho đến giờ thì những người quan tâm đến bầu cử sẽ không thay đổi những động lực cơ bản của cuộc đua tái tranh cử [chức tổng thống Mỹ] đã được định hình, bởi lo ngại của cử tri về việc vận hành kinh tế yếu kém, nhưng hiệu ứng từ việc Tổng thống tái khẳng định vị thế siêu cường của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương sẽ củng cố nhận thức của công chúng rằng Tổng thống đã làm tốt hơn trong vấn đề chính sách đối ngoại. Ông Obama đã chứng tỏ bản lĩnh tổng thống ở Châu Á; điều này rất có ý nghĩa.
Nhưng khởi đầu thành công không có nghĩa sẽ là cuối cùng sẽ chiến thắng. Trong ván cờ lớn mới mẻ này, sự thí quân để mở đường của Mỹ tỏ ra vượt trội, nhưng Trung Quốc cũng đi được một nước cờ. Một mặt, tính chất, phạm vi và sự thành công từ các bước đi của Mỹ làm cho Trung Quốc khó có thể đáp trả tương xứng. Mặt khác, việc [Trung Quốc] bị bẽ mặt và tâm trạng thất vọng (và ở khía cạnh nào đó, là nỗi lo ngại) từ trong chính quyền và ngoài xã hội trên diện rộng, liên quan đến sự thụt lùi này, sẽ thúc ép Trung Quốc phải có hình thức phản ứng nào đó.
Trái với quan điểm phổ biến, thiếu suy nghĩ cho rằng, Mỹ đang “suy tàn”, Trung Quốc vẫn còn yếu kém và nghèo khổ hơn nhiều so với Mỹ, tuy nhiên chính sức mạnh của Trung Quốc chứ không phải vị thế siêu cường của Mỹ, là điều các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại nhất. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc gặp phải một nghịch lý khó chịu: Nếu Trung Quốc chấp nhận trật tự về sự trở lại của Mỹ ở Châu Á, Trung Quốc sẽ bị xem là yếu kém và bị buộc phải xuống “chiếu dưới” về vị thế chính trị. Còn nếu Trung Quốc công khai chống lại trật tự đó, sẽ làm các nước láng giềng lo lắng và chuyển sang gắn kết chặt chẽ hơn với chú Sam.
Thực tế này đã chế ngự phản ứng của Trung Quốc bằng nhiều cách, nhưng Trung Quốc không thể thụ động mãi. Trung Quốc phải suy nghĩ thận trọng về những lựa chọn và tìm cách sử dụng mọi yếu tố sức mạnh của họ để giáng đòn phản công chống lại Mỹ. Chờ xem Trung Quốc có bắt tay hợp tác mạnh hơn với Nga để hai cường quốc này tìm cách cho hợp lực chống lại Mỹ, làm cho Mỹ phải chịu lùi bước [ở một một số điểm nóng] như : Pakistan? Iran? Afghanistan? hay Palestine?
Trong khu vực, Trung Quốc cố gắng tách một hoặc nhiều nước khỏi hệ thống của Mỹ bằng cách kết hợp ảnh hưởng kinh tế và quan hệ chính trị. Trung Quốc tận dụng một thực tế rằng các cường quốc châu Á khác không muốn Mỹ nắm giữ vai trò thống trị, các quốc gia này có thể lo ngại Trung Quốc hơn là lo ngại Mỹ, nhưng mục tiêu của họ là giữ vững tối đa nền độc lập tự chủ, chứ không phải gia tăng sức mạnh của Mỹ.
Về lâu về dài, sự tuyên truyền, thuyết phục từ giới quân sự và những nhân vật theo đường lối cứng rắn đối với công chúng, rằng Mỹ chính là kẻ thù của Trung Quốc và theo đuổi việc ngăn chặn sự trỗi dậy tự nhiên của Trung Quốc, không chỉ mang tính chất bảo thủ hơn, nhiều quyền lực hơn; mà còn kéo theo những hệ lụy. Giới quan sát và ngoại giao nước ngoài thạo tin và đầy kinh nghiệm đã cảnh báo rằng quân đội [Trung Quốc], xét về nhiều mặt, đang có biểu hiện không phụ thuộc vào giới chính trị. Và một số người tin rằng, giống như giới quân phiệt Nhật hồi thập niên 1930, quân đội Trung Quốc hoặc những phe cánh trong quân đội có thể can dự vào những vấn đề quan trọng mà giới chính trị không thể đảo ngược. Những hòn đảo có thể bị xâm chiếm, những lá cờ được phất lên và những phát súng nổ vang.
Tất nhiên, bất kỳ lập luận của người Trung Quốc nào nhằm chống lại sự gia tăng ồ ạt tiềm lực quân sự sẽ rất khó có thể thắng. Với thế yếu rõ ràng [so với Mỹ], Trung Quốc không thể đi ngược lại lời kêu gọi chi tiêu quân sự nhiều hơn, cũng như tăng tốc phát triển khả năng hàng hải.
Nhiều người ở Trung Quốc (và kể cả những nơi khác) tin rằng, việc Trung Quốc nắm giữ phần lớn nợ của Mỹ sẽ tạo cho Trung Quốc quyền lực to lớn trong hệ thống quốc tế. Chuyên mục Via Meadia cho rằng đa phần những ý tưởng này là sai lầm, và bất cứ nỗ lực nào nhằm sử dụng các nguồn dự trữ này làm công cụ chính trị, có khả năng gây phương hại cho chính Trung Quốc hơn là cho Mỹ. Sau cùng, việc bán đổ bán tháo [lượng trái phiếu Mỹ] do Trung Quốc nắm giữ sẽ làm cho đồng Đô la Mỹ hạ giá — có nghĩa là, trước tiên Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn nặng về giá trị chứng khoán bán ra, kế đến là các sản phẩm của Trung Quốc trên thị trường Mỹ, và có thể ở thị trường Châu Âu, sẽ sụp đổ trong cơn bão lửa [khủng hoảng] kinh tế toàn cầu kế tiếp. Mỹ có khả năng sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này nhanh hơn và phát triển tốt hơn Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, niềm tin mạnh mẽ rằng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là một công cụ hữu ích, bằng cách này hay cách khác, có thể dùng để chiến thắng các quan điểm chính trị, và sẽ có áp lực rất lớn lên Bắc Kinh nhằm sử dụng lá bài này ngay khi có cơ hội đầu tiên. Điều này có ý nghĩa gì, trên thực tế, rất khó có thể nói, nhưng các chiến lược gia, giới điều hành ngân hàng và các nhà ngoại giao Mỹ cần lưu ý rằng Trung Quốc đang quan tâm đến việc dùng kho dự trữ ngoại tệ của mình làm vũ khí.
Một cuộc tranh luận gay gắt tại Trung Quốc thường cho ra nhiều quan điểm. Có người khuyên nên kiên nhẫn chịu đựng, nói rằng Trung Quốc không thể thắng trong cuộc giao tranh công khai với Mỹ, và rằng hy vọng duy nhất là gắn chặt với khái niệm “trỗi dậy hòa bình”: tránh mọi xung đột với Mỹ và các nước láng giềng, hành xử như một “đối tác có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế do Mỹ thiết lập, tập trung phát triển ngày càng giàu mạnh hơn cho đến khi nào các chiến lược thay thế có thể được xem xét. Theo ý kiến của tôi, đó là con đường khôn ngoan nhất của Trung Quốc.
Tất nhiên, những người khác sẽ lập luận rằng hệ thống quốc tế như đang tồn tại hiện nay, bị chi phối bởi sức mạnh Mỹ, là vũ khí trong tay quốc gia thù địch sâu nặng với Trung Quốc và chính phủ nước này. Và Mỹ sẽ không yên ổn cho đến khi nào Trung Quốc, giống như Nga, bị làm cho sa sút và suy kiệt. Họ (thật sự) nghĩ rằng, mục tiêu của Mỹ là lật đổ chính quyền cộng sản [Trung Quốc], rồi thay thế bằng những nhân vật lãnh đạo khác yếu kém— như Yeltsin của Nga—và sau đó “chia năm xẻ bảy” lãnh thổ Trung Quốc như cách thức Liên Xô đã tan rã. Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, và có lẽ nhiều hơn nữa sẽ bị chia tách cho đến khi Trung Quốc chỉ còn là một thành viên suy yếu và bất lực trong một trật tự ngày càng lạnh lùng của Mỹ. Hành động như một “đối tác có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế, chẳng khác nào tự thắt nút vào chiếc thòng lọng đang chờ treo cổ mình; Trung Quốc phải kháng cự lại ngay, và liên minh với bất cứ nước nào muốn chống lại sức mạnh của Mỹ như: Iran, Nga, Syria, Venezuela, Pakistan, thậm chí có thể với cả Al-Qaeda. Và thay vì cố gắng hỗ trợ cho hệ thống chủ nghĩa tư bản quốc tế, Trung Quốc nên làm những gì có thể, để làm cho các cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn và làm trầm trọng thêm những căng thẳng.
Tôi cho rằng con đường này sẽ dẫn đến tình trạng bế tắt về mặt chiến lược của Trung Quốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc có quá nhiều kinh nghiệm và am hiểu để khỏi bị dẫn vào con đường này. Giới quân đội và luồng dư luận của những người theo chủ nghĩa dân tộc có thể rất dễ bị dẫn vào con đường nói trên. Lực lượng này quá mạnh, không thể bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc; [cho nên Mỹ hãy] đợi một số trả đũa quá khích [từ Trung Quốc].
Mỹ đã thắng hiệp đầu tiên, nhưng cuộc chơi chỉ mới bắt đầu. [Từ nay trở đi,] chính quyền Obama và những người kế nhiệm sẽ phải giải quyết một cuộc đấu lâu dài, đương đầu với một đất nước đông dân nhất thế giới và một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Chính quyền Obama có thể đã không tính hết mọi phí tổn cho đường lối cứng rắn mới thực hiện ở Châu Á. Một điều là thật khó thấy được những khoản cắt giảm đáng kể sắp tới trong chi tiêu quốc phòng sau khi chúng ta đã thách thức Trung Quốc bước vào trận đấu liên quan đến tương lai Châu Á. Có thể hiện giờ không có nhiều sự kiện để củng cố luận điểm của Mỹ một cách hiệu quả trong khi giảm bớt khả năng lôi kéo của Trung Quốc, nhưng không có nhiều vấn đề để tranh luận vào lúc này.
Căn cứ vào thế trận hiện tại, việc [Mỹ] thực hiện triệt để chiến lược đề ra sẽ có tầm quan trọng không kém những bước đầu tiên; giờ là lúc Mỹ phải cố gắng tác động tình hình sao cho thuận lợi để Trung Quốc chấp nhận một thực trạng rằng, ít nhất trong ngắn hạn đến trung hạn, Trung Quốc không thể thay đổi được gì.
Nguồn : The American Interest
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm
(Toquoc)-Dư luận đề cập đến cuộc thảo luận về Biển Đông, cho thấy mối quan ngại chung về các yêu sách của Trung Quốc và thống nhất quan điểm.
Tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Tổng thống Mỹ Barack Obama và hầu như tất cả các nhà lãnh đạo tham dự đã trực tiếp đề cập đến những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và đặt phía Trung Quốc vào thế bị động.
Những cuộc trao đổi tại phiên họp EAS Bali
Theo quan chức giấu tên đi trên chuyên cơ Air Force One (của Tổng thống Mỹ), được phóng viên Jackie Calmes của Thời báo NewYork tường thuật lại, trước việc bị lãnh đạo của 16/18 nước nêu vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói thẳng rằng ông không muốn bàn vấn đề Biển Đông tại EAS. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng sẽ là “bất lịch sự” nếu không trả lời quan ngại của các nước láng giềng của Trung Quốc.
Phóng viên Jackie Calmes nhận định rằng việc nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về vấn đề này đã là một bước lùi mang tính chiến thuật của Trung Quốc. Tại Diễn đàn Khu vực Đông Nam Á năm 2010 tại Hà Nội, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã giận dữ bỏ ra ngoài. Tại hội nghị Bali lần này, phía Trung Quốc vẫn cho rằng EAS không phải là nơi thích hợp để nói về vấn đề Biển Đông.
Vẫn theo quan chức Mỹ nói trên, phiên họp kéo dài gần hai giờ đã diễn ra với nhiều kịch tính hơn hẳn so với các cuộc họp thông thường kiểu này. Trong số 18 nước có mặt tại EAS, chỉ có hai nhà lãnh đạo Campuchia và Myanmar không nêu vấn đề an ninh hàng hải. Khác với phiên họp trước đó, tại phiên họp ngày 19/11, các nguyên thủ chỉ được mang theo một cố vấn duy nhất, tạo điều kiện cho việc phát biểu một cách thẳng thắn hơn.
Quan chức này cho biết Tổng thống Obama đã “không vận động hành lang” các nhà lãnh đạo khác lên tiếng. Các nước đầu tiên phát biểu là Singapore, Philippines và Việt Nam, tiếp đó là Malaysia, Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Nga và Indonesia. Các nhà lãnh đạo đã khẳng định lại chủ trương về “giải pháp đa phương đối với các tuyên bố lãnh thổ xung đột nhau”. Sau khi các nhà lãnh đạo khác đã phát biểu, Tổng thống Obama đã thể hiện sự đồng tình khi nói: “Mặc dù không có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về phía nào, song chúng tôi có lợi ích lớn đối với vấn đề an ninh hàng hải nói chung và việc giải quyết vấn đề Biển Đông nói riêng - với tư cách là một cường quốc tại Thái Bình Dương, một quốc gia biển, một quốc gia có hoạt động thương mại và là nước đảm bảo an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Theo quan chức Mỹ, phản ứng của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là “tích cực vì ông đã không lớn tiếng đả kích, không dùng giọng điệu cứng rắn thường thấy của người Trung Quốc, đặc biệt trước công chúng”. Thủ tướng chỉ rõ, EAS không phải là nơi bàn về vấn đề này và khẳng định “Trung Quốc cố gắng đảm bảo các tuyến đường vận chuyển biển được an toàn và tự do”.
Trung Quốc lún sâu vào cục diện bị động về chiến lược
Mạng Bình luận Hòa Tấn của Trung Quốc ngày 13/11 đăng bài viết của Giáo sư Kim Xán Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng mong muốn của Trung Quốc duy trì quan hệ hữu hảo Trung-Việt là chân thành, đồng thời quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại Nam Hải (Biển Đông) cũng kiên định, nhận thức của cộng đồng quốc tế bên ngoài đối với hai dạng lập trường này của Trung Quốc cần phải rõ ràng.
Trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc năm 2011, vấn đề Trường Sa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Nam Sa, Việt Nam là một quốc gia có phản ứng nổi bật nhất. Rõ ràng, tranh chấp Nam Sa đã đưa tới những vấn đề khó khăn cho việc duy trì ổn định quan hệ Trung-Việt.
Đứng trước cục diện khó khăn của vấn đề Nam Hải, Đặng Tiểu Bình đề xuất ý tưởng “chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, đã trở thành phương châm nhất quán của Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề Nam Hải. Trên cơ sở đó, chính phủ Trung Quốc chủ trương thông qua phương thức đàm phán và hiệp thương hoà bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Nam Hải. Trong thực tiễn ngoại giao, những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán nhiều lần với các nước liên quan xung quanh vấn đề Nam Hải, các cơ chế đàm phán song phương Trung Quốc-Philippines, Trung Quốc-Việt Nam đã được hình thành; trong đối thoại Trung Quốc-ASEAN, vấn đề Nam Hải cũng trở thành chương trình nghị sự quan trọng trong thảo luận song phương.
Nhìn chung, hiệu quả chủ trương chính sách và thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc không rõ ràng, vấn đề Nam Hải không có xu hướng được giải quyết mà từng bước leo thang. Gần đây, các quốc gia xung quanh mạnh mẽ tuyên bố có chủ quyền tại Nam Hải, đồng thời tích cực lôi kéo các thế lực quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… can dự vào vấn đề này. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc ngày càng lún sâu vào cục diện bị động về chiến lược.
Trung Quốc cần phải có tư duy ngoại giao mới
Tạp chí Tuần tin tức Trung Quốc số ra gần đây đăng bài viết tổng hợp của tác giả Triệu Kiệt, cho rằng đứng trước “thế tiến công liên hợp” của ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ, Trung Quốc cần phải có tư duy ngoại giao mới để đối phó với tình hình mới đang diễn ra ở Nam Hải (Biển Đông).
“Vì sao vấn đề Nam Hải lại nóng lên như vậy? Hiển nhiên đó là do có người đang cố ý làm ầm ĩ lên. Có phải có một số ít người muốn khơi lên chuyện rắc rối? Có phải có thế lực ngoài khu vực đang tác động? Chuyện như vậy quả thực ai cũng đều biết cả”.
Tại cuộc họp báo ngày 10/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nhấn mạnh với các phóng viên trong và ngoài nước rằng vấn đề Nam Hải không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc nên không cần phải nhờ đến nước Mỹ nhắn lời cho các nước ở xung quanh Trung Quốc.
Tô Hạo, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Học viện Ngoại giao, Ủy viên Ủy ban Trung Quốc, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương phía Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của Tuần tin tức Trung Quốc cho rằng ASEAN muốn soạn thảo COC là hành động đơn phương, Trung Quốc coi trọng động hướng này của ASEAN, đồng thời thông qua các chuyên gia, cố vấn phát đi tiếng nói của mình.
Tuy nhiên, một chuyên gia nổi tiếng khác về vấn đề quốc tế là Vương Dật Châu, Phó viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh lại cho rằng COC không thể trở thành văn kiện pháp luật hữu hiệu. Về phía Trung Quốc, cũng cần thiết phải mở rộng phạm vi và mức độ nghiên cứu trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Một vấn đề cũ do lịch sử để lại, do các kiểu mắc mớ về lợi ích đã làm cho ngày càng có nhiều mâu thuẫn phức tạp “cắt không đứt, gỡ vẫn rối”. Các chuyên gia nhất trí cho rằng Trung Quốc là nước đang trỗi dậy cần phải có tư duy ngoại giao mới.
Nhiều học giả này cũng đều cho rằng Trung Quốc phải cần đến trí tuệ ngoại giao nhiều hơn nữa. Trong bài viết về “ngoại giao thực lực mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á”, Học giả về vấn đề quốc tế của Đan Mạch Johannes Schmidt cho rằng “Trung Quốc cần phải đảm bảo sao cho các nước thành viên ASEAN duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc chứ không phải với các nước mạnh hơn và giàu hơn, đồng thời phải thiết lập một cơ cấu khu vực ổn định”.
Về tư duy ngoại giao mới của Trung Quốc, người đề xướng lý luận về “can dự mang tính sáng tạo” Vương Dật Đơn cho rằng lý luận này cũng áp dụng thích hợp trong vấn đề Nam Hải như vậy. Liệu Trung Quốc có được sách lược giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp Nam Hải hay không, có điều khiển được xu hướng lớn ở Nam Hải một cách toàn diện hay không, đó sẽ là hòn đá thử vàng để xem việc “can dự sáng tạo” của Trung Quốc trong giai đoạn mới có đạt hiệu quả hay không. Vương Dật Đơn cho rằng trong vấn đề Nam Hải, Trung Quốc cần phân biệt lại cho rõ hơn loại hình và thực chất của vấn đề an ninh truyền thống và vấn đề an ninh phi truyền thống, phân biệt rõ các lĩnh vực và vấn đề khác nhau giữa đàm phán song phương và hiệp thương đa phương, xử lý vấn đề lớn bằng cách phân tầng và có phân biệt giữa các cấp độ khác nhau./.
QT-Nguồn: -Thế bị động của Trung Quốc tại EAS về Biển Đông - (TQ).- Tập trận tay ba Mỹ – Trung – Úc? — (BBC). - Cảnh sát biển VN cứu thủy thủ đắm tàu trên Biển Đông (Bee/AFP).- Hình ảnh các chiến hạm, tàu bảo đảm của Hải quân Việt Nam (GDVN).- Đà Nẵng: Cứu 35 ngư dân bị nạn trên biển về đất liền an toàn (DT).- Tăng cường hợp tác, phát triển mối quan hệ giữa Hải quân hai nước Việt Nam và Trung Quốc (QĐND).
-Ấn Ðộ không bỏ dự án dầu khí ở Việt Nam (Nguoi-Viet Online) - Ấn Ðộ bác bỏ thẳng thừng đòi hỏi của Bắc Kinh rằng công ty của Ấn Ðộ không được chen vào khai thác dầu khí ở biển Ðông.
-
- Biển Đông và chuyện trong phòng họp lãnh đạo Đông Á (VNN/New York Times).
- Bắc Kinh: Vấn đề Biển Đông càng đa phương càng rắc rối! nhưng song phương thì càng có lợi cho TQ (VTC).
- Nhật cam kết hỗ trợ Chương trình kết nối ASEAN (TTXVN).- Trung Quốc thử máy bay tàng hình lần 27(TP).
- Hàn Quốc tập trận lớn kỷ niệm ngày bị nã pháo (VNN/channelnewsasia).
- Iran: “Cấm vận là trò chơi đôi bên cùng mất mát” (TT/BBC, Reuters, AFP). – Anh, Canada áp đặt thêm trừng phạt Iran, Mỹ chuẩn bị bước kế tiếp — (VOA).- - Iran dọa ném Israel vào ‘thùng rác lịch sử’(VNE). – Iran: Trừng phạt là trò chơi không người thắng (DV). – Một loạt nước phối hợp dồn Iran vào chân tường (VNN/WSJ).
-------