Thả tù, nới tôn giáo, hy vọng thoát khỏi danh sách
Ðông Bàn/Người Việt
[2004] Hà Nội yêu cầu Hoa Kỳ đừng đưa Việt Nam vào danh sách CPC (Danh Sách Các Quốc Gia Cần Ðược Quan Tâm Ðặc Biệt Về Tự Do Tôn Giáo), và để đạt được điều này, họ thực hiện một loạt hành động “nới lỏng” đối với một số tôn giáo, ngay trước khi Hoa Kỳ chuẩn bị đưa ra quyết định liên quan. Công điện ngày 13 Tháng Chín, 2004, do đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Michael Marine, viết, đã chứng tỏ điều ấy.
Công điện có đoạn: “Chính quyền Việt Nam xem việc thả 9 tù nhân nhân ngày Ðại Xá, cộng với việc thừa nhận 25 nhà thờ Tin Lành theo phái Phúc Âm ở Cao Nguyên Trung Phần, cộng với việc xem xét thêm việc thừa nhận 5 nhà thờ nữa trước cuối năm, cộng thêm việc đối xử tốt với ông Frank Jannuzi, nhân viên Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ, khi nhân vật này đến thăm Cao Nguyên Trung Phần, là ‘nỗ lực lớn,’ nhằm làm nhẹ tiến trình đưa Việt Nam vào danh sách CPC.”
Chính quyền Việt Nam cũng cảnh báo thêm, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo sẽ tạo “thất vọng lớn” cho lãnh đạo Hà Nội, “gây đau đớn trầm trọng” cho người dân Việt Nam, và “tạo ra vấn đề” trong mối quan hệ song phương Washington-Hà Nội.
Ông Nguyễn Ðức Hùng, phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao, kiêm vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, nói chuyện với đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, về “tiến bộ của Việt Nam đối với vấn đề tự do tôn giáo.” Ông Hùng viện dẫn chuyến thăm Cao Nguyên Trung Phần của ông Frank Jannuzi, và cho rằng chuyến thăm ấy cho thấy “nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đáp ứng thời khóa biểu của Jannuzi.”
Ông Hùng nói thêm, nhân ngày đại xá, Việt Nam thả thêm 9 tù nhân [tôn giáo] trong danh sách do Ðặc Sứ Handford trao cho Hà Nội. Ngoài ra, ông Hùng cũng nhấn mạnh là chính quyền địa phương tại khu vực Cao Nguyên Trung Phần đã thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng cho 25 chi nhánh Tin Lành Phúc Âm, và còn 5 chi nhánh nữa đang chờ được thừa nhận.
Cuộc nói chuyện của đại diện ngoại giao Hà Nội với phía ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam theo dõi sát tiến trình xét duyệt đưa vào danh sách CPC. Cụ thể, ông Hùng nói ông biết quyết định sẽ được đưa ra vào “Thứ Tư hoặc Thứ Năm,” và nếu Việt Nam bị vào CPC, bất kể những “thiện chí” đã làm, thì điều ấy “tạo thất vọng lớn cho lãnh đạo Việt Nam.”
Phía Hoa Kỳ đáp lời, mối quan hệ Mỹ-Việt Nam rộng hơn rất nhiều so với một vấn đề đơn lẻ, là tự do tôn giáo. Tuy nhiên, vẫn theo công điện, “Việt Nam có thể đạt được lợi thế hơn nếu cho phép thêm nhiều nhóm, kể cả các phái đoàn chính thức và các tổ chức tôn giáo, đến tìm hiểu. Ðiều này bao gồm cả việc cho phép các cơ quan phi chính phủ và cơ quan phát triển đến tìm hiểu trực tiếp tại khu vực Cao Nguyên Trung Phần.”
Ông Hùng trả lời, cá nhân ông hoàn toàn hiểu, là trong khi các quan điểm chính trị nội bộ của Hoa Kỳ ảnh hưởng lên các quyết định chính thức liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, Hoa Kỳ cũng “cần hiểu rằng các vấn đề này quan hệ chặt chẽ với sự phát triển xã hội và tôn giáo, và vì vậy [các vấn đề này] được giải quyết ở tốc độ chậm hơn chu trình chính trị của Mỹ.”
Ông Hùng lý luận: “Tập trung vào vấn đề tự do tôn giáo theo cách thức như thế này có thể khiến nâng cao một chuyện phụ lên thành chuyện chính và bỏ qua việc xem xét đến sự khác biệt văn hóa.”
“Một giải pháp sẽ cần phải được đối thoại, và cách tiếp cận cần được đặt trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải áp đặt quan điểm của một phía.” Ông Hùng nói tiếp, theo lời kể của công điện. “Hoa Kỳ cần quan tâm hơn đến tâm lý của người Châu Á. Mối quan hệ là đa diện, nhưng người Việt Nam có thể sẵn sàng dẹp bỏ hết mọi chuyện nếu mối quan tâm của họ không được tôn trọng.”
Công điện kết thúc bằng lời nhận định của Ðại Sứ Marine, rằng Hoa Kỳ “hoan nghênh cách thức họ đối đãi ông Jannuzi cũng như những tin tức liên quan đến 5 chi nhánh Tin Lành tại Cao Nguyên Trung Phần,” tuy nhiên, tin tức liên quan đến việc ân xá thì “ít ấn tượng hơn,” vì đây chỉ là một sự “tái sắp xếp các quyết định ân xá trước đây hơn là lời đáp trả trực tiếp với yêu cầu của Ðặc Sứ Hanford.”
Vẫn theo nhận định của Ðại Sứ Marine, trong những ngày đầu trở lại giao hảo với Hoa Kỳ, Việt Nam hình như quan tâm hơn đến các quyết định liên quan đến danh sách CPC. Tuy nhiên, những diễn tiến gần đây có thể đã thay đổi phương trình này. Ðã có những quan ngại, rằng các nhóm bảo thủ và dân tộc trong Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ sử dụng yếu tố CPC như “bằng chứng” cho thấy Washington nỗ lực thúc đẩy mạnh sự thay đổi chính trị tại Việt Nam bằng cách hỗ trợ các giá trị và tôn giáo “ngoại nhập.”
––––––––––
Liên lạc tác giả: DongBan@nguoi-viet.com
Công điện được sử dụng trong bài viết này:
MFA: Don’t Designate Vietnam CPC
Tác giả: Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Marine.
-Ngoại giao Mỹ hăm Việt Nam về tự do tôn giáo-
Ðỗ Dzũng/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Trong một lần viếng thăm Sài Gòn, Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ Arthur Gene Dewey hăm giới chức Việt Nam là tình trạng tự do tôn giáo tại Tây Nguyên chưa xứng đáng, nhất là vụ bắt bớ một số tín hữu Tin Lành tại Quận 11 mà ông nghe được trước khi trở về Hoa Kỳ.
Ông Arthur Gene Dewey, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách dân số, tị nạn và di dân, từ năm 2002 đến năm 2005. (Hình: US Department of State) |
Ðó là nội dung công điện ngoại giao do tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, bà Emi Lynn Yamauchi, chuẩn bị ngày 23 Tháng Tám, 2003, trước khi gởi về Washington, DC, vừa được trang web Wikileaks tiết lộ.
Theo bản công điện, ông Arthur Gene Dewey, đặc trách dân số, tị nạn và di dân tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, phàn nàn về tự do tôn giáo trong các cuộc họp với nhiều giới chức chính quyền Việt Nam tại Sài Gòn ngày 19 Tháng Tám, 2003, ba ngày sau khi ông đi thăm vùng Tây Nguyên.
Phía Việt Nam có mặt trong buổi họp với ông bao gồm đại diện Ủy Ban Tôn Giáo, Sở Ngoại Vụ và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.
Trong các cuộc họp với ba cơ quan này, ông Dewey đều mô tả thiếu tự do tôn giáo làm con người trở thành dân tị nạn. Ngoài ra, ông cũng nói với phía Việt Nam là “ông trở về Hoa Kỳ với một quan điểm lẫn lộn về khả năng người dân thực hành tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, mặc dù vị phụ tá ngoại trưởng Mỹ có khen ngợi điều mà ông gọi là những cố gắng tích cực của chính quyền tỉnh Lâm Ðồng cho ghi danh những giáo hội Tin Lành mới, “tình hình tại những nơi khác lại không được tích cực như vậy”.
Ông có nhắc tới vụ chính quyền Việt Nam thừa nhận giáo hội Southern Evangelical Church of Vietnam (SECV) và nói việc cho phép giáo hội này mở trường dạy giáo lý hồi Tháng Hai là một bước tích cực khác.
Trong những buổi họp này, ông Arthur Gene Dewey nêu chuyện xô xát trong vụ không thừa nhận một giáo hội “bất hợp pháp” tại Quận 11 trước đó một ngày.
Ông Dewey nói rất khó để ông hiểu làm thế nào mà Việt Nam có thể tự cho là có tự do tôn giáo khi công an hành động “một cách tàn bạo như vậy.”
Nhà ngoại giao Mỹ nói với giới chức Việt Nam là ông hy vọng trở lại Washington, DC, với cảm nhận là tình hình tại Sài Gòn nói chung là tích cực, nhưng không biết phải giải thích như thế nào sự việc xảy ra tại Quận 11.
Ông Dewey nhắc nhở ông Nguyễn Ngọc Sang, chủ tịch Ủy Ban Tôn Giáo Thành Phố, rằng “cả thế giới đang theo dõi (sự việc),” và hy vọng giới chức địa phương hiểu hậu quả suy nghĩ của cộng đồng quốc tế về hành động của họ.
Phụ Tá Ngoại Trưởng Dewey kêu gọi ông Sang vận động thả ngay hai mục sư nghe nói mới bị bắt và giải thích sự việc này với ông, trước khi ông rời Việt Nam tối hôm đó.
Chủ tịch Ủy Ban Tôn Giáo Thành Phố nói rằng ông rất tiếc chưa nghe bất cứ gì về chuyện này, nhưng hứa sẽ điều tra. Ông Sang cũng nói giới chức quận đôi khi báo cáo sự việc với thành phố khá chậm, và nói sẽ lấy làm tiếc nếu chuyện bắt hai mục sư thật sự xảy ra.
“Trong suốt buổi nói chuyện, ông Sang nhắc lại vụ hai mục sư Tin Lành nhiều lần, mặc dù ông Dewey không đòi hỏi, và có vẻ thực sự quan tâm đến sự việc,” bản công điện viết.
Ông Dewey mô tả ông Sang tự cho mình là một người có theo đạo với sự hiểu biết nhu cầu tinh thần của con người. Ông Sang tự hào khi nói với ông Dewey là ông có bàn thờ trong nhà, nhưng không bao giờ cho biết ông theo đạo nào.
Cũng trong buổi nói chuyện, ông Sang nhất quyết rằng một số tín đồ vi phạm luật pháp vì lợi dụng tự do tôn giáo để theo đuổi mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là công an địa phương có khi hành động quá tay bởi vì họ không hoàn toàn hiểu chính sách của chính phủ, theo lời kể của ông Dewey. Ông Sang có đề cập chuyện hai người dân mới đây bị phạt vì vi phạm chính sách tôn giáo của chính phủ, mặc dù không đưa ra chi tiết.
Rồi ông Sang nói với nhà ngoại giao Mỹ là ông vừa tổ chức tám buổi huấn luyện cho giới chức địa phương để họ hiểu như thế nào là thực hành tôn giáo. Những buổi huấn luyện này có sự hiện diện của tu sĩ Tin Lành và Công Giáo .
Nhưng ông Dewey lại nhận xét trong công điện: “Tuy nhiên, ông Sang là một người không nhất quán, nhất là khi ông nói về tình trạng của các giáo hội không được thừa nhận.”
Những giáo hội này, theo ông Dewey, nói chung là được để yên cho hoạt động, “nếu họ không làm gì ảnh hưởng tới sự đoàn kết dân tộc.”
“Tuy nhiên, tình trạng 'bất hợp pháp' của họ cũng có nghĩa là họ có thể bị đóng cửa hoặc bị tịch thu tài sản bất cứ lúc nào. Có nghĩa là 'tự do tôn giáo' của họ chỉ kéo dài cho tới khi họ vượt qua một lằn ranh giới hạn nào đó,” ông Dewey nhận xét.
Theo ông Dewey, ông Sang nói rằng Ủy Ban Tôn Giáo còn đang chờ sự đồng ý của Hà Nội để thừa nhận thêm một số giáo hội liên hệ với SECV, nhưng bảo đảm là những người này, trong khi đó, vẫn được hoạt động tôn giáo của họ. Ông Sang nói rằng ủy ban không phản đối việc SEVC in Kinh Thánh, và chỉ chú trọng đến “những cuốn sách kích động sự bất ổn định.”
Ông Sang cũng đưa ra một số thống kê về hoạt động tôn giáo tại Sài Gòn như có 2 triệu tín đồ, trong đó có 1 triệu người theo đạo Phật, 500,000 người theo Công Giáo và số còn lại theo đạo Hòa Hảo, Cao Ðài, Hồi Giáo, Ấn Ðộ Giáo và Bahai. Ông Sang cũng nói Việt Nam cổ vũ sự phát triển tôn giáo và nói thêm là lịch sử chiến tranh của Việt Nam làm cho chính quyền coi trọng tự do và đoàn kết dân tộc.
Nhà ngoại giao Mỹ đồng ý là có sự khác biệt giữa tín đồ và người làm chính trị, nhưng nhấn mạnh nhu cầu giảm thiểu giữa chính sách của chính quyền trung ương cho phép người dân thực hành tín ngưỡng và sự không đồng nhất trong việc thi hành chính sách này của chính quyền địa phương.
Ông Dewey cũng nhắc lại một cách rõ ràng là chính phủ Mỹ ủng hộ mạnh mẽ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhưng sự đa dạng tôn giáo là điểm mà Hoa Kỳ luôn coi trọng.
Theo bản công điện, những cuộc họp khác của ông Dewey đều tập trung những điểm tương tự như cuộc họp với ông Sang, trong đó, phía Việt Nam luôn đề cập sự tiến triển của tự do tôn giáo bằng cách nêu ra con số tín đồ gia tăng.
“Tất cả mọi người đều nói chung một 'câu thần chú' là tự do tôn giáo được tôn trọng, nhưng không phải với người có ý đồ chính trị,” bản công điện trích lời ông Dewey nói.
Ông Lê Quốc Hùng, giám đốc Sở Ngoại Vụ Thành Phố, còn đưa ra một “mốt mới” bằng cách so sánh sự ổn định để hấp dẫn đầu tư ngoại quốc với sự kiện là tôn giáo thường liên hệ với các lực lượng xâm lăng từ bên ngoài vào Việt Nam, ông Dewey được trích lời nói.
“Cũng giống như tất cả giới chức chính phủ Việt Nam, ông Hùng nhấn mạnh rằng có sự tiến bộ rõ rệt trong những năm qua, nhưng cân bằng tự do tôn giáo với an ninh và ổn định phải được làm 'từng bước một,'” ông Dewey nhận xét, theo công điện ngoại giao.
Link: http://wikileaks.org/cable/2003/08/03HOCHIMINHCITY770.html#
––
Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com-Nguồn:
Ngoại giao Mỹ hăm Việt Nam về tự do tôn giáo
-- RSF quan tâm Nguyễn Tiến Trung — (BBC).
-- Trong vòng 1 tháng, Thái Hà gởi đơn yêu cầu 3 lần — (Chuacuuthe). – Lm Giuse Nguyễn Văn Phượng tường trình việc dân phòng vào Nhà thờ Thái Hà gây hấn cho giáo hội (GX Thái Hà). – CSVN đã chọn nhầm đối thủ — (NVCL). – Thái Hà: Hội tụ những người yêu Công lý – Sự thật — (Chuacuuthe). – Cộng đồng giáo dân miền Đông Nam – Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hiệp thông với Thái Hà — (NVCL). - Vấn đề tôn giáo ở Á châu - (VietCatholic).
-----