Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Câu chuyện “bị bắt cóc, mang về Việt Nam”

Trường hợp Ðại Ðức Thích Trí Lực

Hà Tường Cát/Người Việt

[2004] Ba công điện ngoại giao viết trong Tháng Ba và Tháng Sáu, 2004, từ Tòa Tổng Lãnh Sự và Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trình bày chi tiết liên quan đến ông Phạm Văn Tưởng, tức Ðại Ðức Thích Trí Lực.
Công điện cuối Tháng Ba, 2004, do Tổng Lãnh Sự Emi Lynn Yamauchi viết, mở đầu bằng đoạn tóm lược: “Phạm Văn Tưởng, nguyên là đại đức Thích Trí Lực, gặp tổng lãnh sự và các viên chức tổng lãnh sự quán trong 2 giờ hôm 30 Tháng Ba 2004, bốn ngày sau khi ra khỏi nhà tù. Nhà sư trước kia thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) xem ra có vẻ mạnh khỏe và tinh thần tốt, nao nức thảo luận về hoạt động trong quá khứ và chương trình tương lai của ông.”

Ông Tưởng trốn qua Cambodia đầu năm 2002, xin tị nạn ở Tòa Ðại Sứ Mỹ và đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp chứng chỉ tị nạn. Tháng Bảy năm ấy ông bị nhân viên an ninh Việt Nam bắt cóc đem về nước và sau gần 20 tháng giam giữ được đưa ra tòa ngày 12 Tháng Tư 2004. Tòa tuyên án 20 tháng tù nhưng trừ thời gian đã bị giữ, được trả tự do nửa tháng sau, ngày 26 Tháng Ba 2004.

Gặp gỡ người Mỹ

Ông hoàn toàn không sợ hậu quả việc đến thăm tổng lãnh sự vì đã báo trước cho công an địa phương về chuyến thăm viếng. Các viên chức an ninh đã báo cho biết là sẽ có người của chính phủ Hoa Kỳ đến tiếp xúc ông ngay sau khi được phóng thích. Họ cũng nói là Cao ủy Tị nạn cũng muốn hỏi chuyện ông về vấn đề tị nạn, tuy nhiên ông chưa nghe gì từ UNHCR. Ông dứt khoát với ý muốn được tái định cư cùng gia đình ở Hoa Kỳ.
Trong cuộc gặp gỡ, được dàn xếp theo chỉ thị của tổng lãnh sự, ông Tưởng, tức Ðại Ðức Thích Trí Lực, cung cấp thêm những thông tin về phiên tòa ngày 12 Tháng Ba để bổ túc những chi tiết đã được chính phủ Việt Nam công bố. Phiên tòa kéo dài hai giờ sau ba lần hoãn kể từ 25 Tháng Bảy 2003. Ông Tưởng theo kịp với những thay đổi ấy và được cung cấp bản sao tất cả những hồ sơ liên quan đến vụ án. Ông không được thuê luật sư nhưng gia đình được dự phiên xử kín.
Theo đại đức, tất cả những người khác có mặt trong phòng xử đều là viên chức tòa án hoặc công an. Chính quyền Việt Nam không đưa ra nhân chứng hay hồ sơ chứng cứ nhưng hỏi về hoạt động của bị can trong quá khứ ở Việt Nam và Cambodia. Ông từ chối đề nghị được nói lời tự biện. Trước phiên xử các giới chức an ninh đã khuyến cáo ông là họ sẽ tạo điều kiện dễ dãi cho việc tái định cư ở nước ngoài nếu ông Tưởng không nói ra hoàn cảnh bị bắt ở Cambodia và tình trạng giam giữ ở Việt Nam. Ông Tưởng đồng ý và bị kết án 20 tháng tù, có tính thời gian đã bị giữ (19.5 tháng). Do đó ông được tha về ngày 26 Tháng Ba.
Những lời ông Tưởng kể lại về những sự kiện đưa tới việc ông bị cưỡng bách hồi hương Tháng Bảy năm 2002 phù hợp với tin tức do Văn Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế của GHPGVNTN tại Paris đã phổ biến ở hải ngoại. Lý do ông trốn khỏi Việt Nam là vì chán nản với việc bị công an thường xuyên theo dõi và bị từ chối quyền chọn nơi cư trú sau khi mãn án bản án năm 1997 xử 30 tháng tù với tội danh tham gia vào một chương trình cứu trợ lũ lụt bất hợp pháp của GHPGVNTN do Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ tổ chức. Ngoài án tù, ông Tưởng bị 5 năm quản chế hành chánh sau khi được phóng thích và bị trục xuất khỏi chùa Pháp Vân vào thời gian ấy.
Không được đi tu, ông Tưởng rời khỏi GHPGVNTN, lấy vợ năm 1999 và có một đứa con sinh năm 2002.

Trốn sang Cambodia và quy chế tị nạn

Ông cũng nói có ý định đi tu trở lại năm 2001 nhưng bị công an ngăn trở. Ngay cả sau khi hết thời hạn quản chế hành chánh vào Tháng Hai năm 2002, việc theo dõi và quấy nhiễu vẫn tiếp tục. Thất vọng với tình trạng ấy, ông Tưởng trốn sang Cambodia với Ðại Ðức Thích Tâm Văn thuộc GHPGVNTN và đến Phnom Penh ngày 19 Tháng Tư năm 2002.
Ngay sau khi đến Cambodia, ông Tưởng và Ðại Ðức Thích Tâm Văn xin tị nạn ở tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh mà theo lời ông Tưởng, hai người đã được nồng nhiệt tiếp nhận. Họ được hướng dẫn cách thức xin hưởng quy chế tị nạn với UNHCR. Ðại diện UNHCR Goran Rosen phỏng vấn ông Tưởng ngày 31 Tháng Năm 2002 và cấp một chứng chỉ tị nạn tạm thời ngày 3 Tháng Sáu 2002. Ông nhận được chứng chỉ tị nạn chính thức (#610) của bà Elizabeth Karten, giám đốc UNHCR ở Cambodia, ngày 28 Tháng Sáu 2002. Rosen và sara Colm, đại diện Human Rights Watch có mặt khi ông Tưởng nhận chứng chỉ tị nạn. Nhưng ông không được ở trại tị nạn của người Việt Nam, dành riêng cho dân thiểu số từ Tây nguyên. Thay vào đó, được UNHCR trợ cấp $85 một tháng và được cho số điện thoại để có thể gọi khi có chuyện khó khăn.
Trong thời gian ở Cambodia, hầu hết thời gian ông Tưởng dùng để viết thư cho những người ủng hộ GHPGVNTN ở Hoa Kỳ, Australia, Pháp. Thỉnh thoảng họ gởi tiền giúp ông chi dụng và trả tiền bưu phí. Ông Võ Văn Ái thuộc Phòng Thông Tin Phật Giáo là một trong những người cung cấp trợ giúp tài chính. Ông Tưởng cũng gởi thư về Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ và Hòa Thượng Thích Huyền Quang nhưng không chắc là thư đến nơi vì không nhận được hồi âm. (Ông nói rằng tại Phnom Penh không có nhà sư nào thuộc GHPGVNTN.)
Mặc dầu hầu hết những thư gởi đi đều phê phán chính quyền Việt Nam về nhân quyền và tự do tín ngưỡng, ông Tưởng xác định là không bao giờ chủ trương lật đổ chính quyền Việt Nam. Ngày 26 Tháng Sáu 2002, ông gởi một báo cáo cho Human Rights Watch về những vi phạm nhân quyền đối với tù chính trị tại Việt Nam. Ông nói với các viên chức lãnh sự quán Hoa Kỳ là những thư này không được trình ra trước phiên tòa nhưng tin rằng chính quyền Việt Nam đã biết được những thư ấy. Cho tới thời gian cuối trong tù, các viên chức nhà tù vẫn chỉ thị ông viết lại những tài liệu ấy bằng ký ức càng xác thực càng tốt.
Ít tuần lễ trước khi bị bắt, ông Tưởng nghe đồn là công an Việt Nam ở Phnom Penh đang chú ý đến mình. Thực tế các viên chức Việt Nam đã phỏng vấn Thích Tâm Văn nhiều lần. (Ghi chú: Theo Tưởng, UNHCR mau chóng cho Thích Tâm Văn quy chế tị nạn một ngày sau khi ông Tưởng bị bắt và rồi đã được tái định cư ở Hoa Kỳ).

Bị an ninh Việt Nam bắt cóc

Ngày 25 Tháng Bảy 2002 khoảng 7 giờ tối, trong khi ông Tưởng đang đi mua hàng gần nơi cư trú ở Phnom Penh thì một toán an ninh Việt Nam và Cambodia tới bao vây đẩy lên xe (bảng số 2475 và hai chữ Khmer), bị còng tay và đánh. Ông cho rằng nhiều người trong số này là Việt Nam vì họ nói với ông bằng tiếng Việt. Mặc dầu ông Tưởng phản đối cho rằng mình được đặt dưới sự bảo vệ của UNHCR, công an vẫn tịch thu thẻ tị nạn và chở ông tới một đồn “cảnh sát quốc tế”. Từ đó ông được đưa lên một xe du lịch tới một đồn cảnh sát khác và qua đêm với tay bị còng. Sáng hôm sau, chiếc xe đầu tiên chở ông đến cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh, chờ các viên chức Việt Nam đến bắt giữ đem về nhà tù số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Hồ Chí Minh. Ông Tưởng nói rằng biên bản bắt giữ đầu tiên nói là ông bị bắt ở biên giới, sau đó sửa lại là bị bắt tại tỉnh Tây Ninh “trong lúc trốn khỏi đất nước để chống chính quyền”.
Trong 5 tháng đầu ông Tưởng ở trong tù, nhà tù này là nơi giam giữ một số trong 155 bị can vụ án Năm Cam và các tù nhân thường bị nhốt chung trong một phòng. Khu C nơi ông bị giam có 15 phòng đặc biệt 9 mét vuông có lỗ thông gió rất nhỏ và không có ánh sáng bên ngoài lọt vào. Với các cửa khóa, ông Tưởng nói là môi trường này giống như cái lò đậy nắp. Tiếng ồn không ngớt từ đường phố bên ngoài ngay sát bờ tường càng làm cho điều kiện sống nơi đây là không chịu đựng nổi. Tù nhân được ra ngoài nhận đồ ăn đem vào phòng nhưng không được phép nói chuyện với nhau trong ít phút ngắn ngủi ấy.
Ông Tưởng biết là có một số tù nhân danh tiếng khác trong trại giam này kể cả cháu của Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế.
Mỗi tuần một lần, tù nhân được mua thực phẩm hay nhu yếu phẩm khác bằng tiền gia đình gởi vào. Gia đình ông Tưởng không biết ông bị bắt giam cho tới gần một năm nên không gởi tiền. Khi ông nhận ra rằng mình có khẩu phần nhiều hơn người khác, ông đề nghị được thay thế phần phụ trội đó bằng tiền mặt và ban quản trại chấp thuận cấp cho ông mỗi tháng 90,000 đồng (khoảng 6 dollars).
Trong khi vẫn được các viên chức trại tù đối xử tử tế, ông luôn luôn bị hỏi về các hoạt động ở Cambodia, đặc biệt là bản báo cáo ngày 26 Tháng Sáu cho Human Rights Watch. Ông chỉ được gặp gia đình một lần trong suốt 20 tháng tù, vào ngày 22 Tháng Tám 2003.
Công điện đưa ra nhận xét của Hoa Kỳ về trường hợp của Ðại Ðức Thích Trí Lực, rằng ông “có thể bị khép tội gián điệp - theo định nghĩa của chính quyền Việt Nam, là cung cấp thông tin cho nước ngoài, đổi lấy tiền”.
Và rằng, “xét qua những sự kiện kể trên, mặc dầu chính quyền Việt Nam không đáp ứng đầy đủ những nguyên ắc căn bản về tự do tín ngưỡng và quy trình xét xử, vẫn có những trường hợp họ ‘hành xử đúng’ và khác với luật lệ của họ.”
Công điện do đại sứ Raymond Burghardt viết hồi trung tuần Tháng Ba còn có cả phần “Gợi ý trả lời báo chí,” dành cho giới ngoại giao Hoa Kỳ. Cụ thể, công điện đặt ra các câu hỏi “giả thiết,” và câu trả lời gợi ý.
Câu hỏi 1: Phản ứng của quý vị như thế nào với bản án của Phạm Văn Tưởng, cựu tu sĩ thuộc GHPGVNTN?
Trả lời 1: Chúng tôi rất tiếc là tính chất khép kín của hệ thống tư pháp Việt Nam khiến cho khó xác định được những sự kiện trong những trường hợp cá nhân. Ðiều này tạo ra hoài nghi về tính cách công bằng trong việc xét xử ông Tưởng và cam kết của chính phủ Việt Nam về sự trong sáng cho những vụ án khác. Chúng tôi thúc đẩy chính phủ Việt Nam để cho UNHCR tiếp xúc với ông Tưởng và cho ông được tái định cư như một người tị nạn nếu ông ta mong muốn.
Câu hỏi 2: Quý vị có nhận định gì về vụ ông Tưởng biến mất ở Phnom Penh năm 2002 và việc ông bị bắt sau đó ở biên giới?
Trả lời 2: Chúng tôi xin để các chính phủ Cambodia và Việt Nam cũng như đại diện UNHCR trình bày chi tiết của vụ việc.
____
Liên lạc tác giả: HaTuongCat@nguoi-viet.com

Ghi chú:
Các công điện được sử dụng trong bài này:
Former UBCV monk Thich Trí Lực; relieved at his release, eager to resettle
Conviction of Pham Van Tuong, AKA Thich Tri Luc
Former UBCV monk to pursue immigrant visa after resettling in in Sweden
-Nguồn:
Câu chuyện “bị bắt cóc, mang về Việt Nam”


-------

Tổng số lượt xem trang