Lữ Giang
Trong cuộc nói chuyện mặt đối mặt giữa Kissinger và Chu Ân Lai ngày 20.6.1972 tại Bắc Kinh, Kissinger đã nói:
“Thời đại đó qua rồi. Và tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom Penh, Hà Nội hay Sài gòn.”
Chủ trương này của Hoa Kỳ đã đưa nước Mỹ thoát ra khỏi những bế tắc, nhưng đồng thời cũng đã biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế đứng thư hai trên thế giới.
Người Việt chống cộng đã từng chiến đấu với Mỹ 20 năm rồi bị Mỹ bỏ rơi, và đã sống trên đất Mỹ 36 năm, được đọc vô số tài liệu về chiến tranh Việt Nam do Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao và CIA giãi mã, nên mỗi lần có biến cố gì do Mỹ gây ra trên thế giới như vụ Afghanistan, vụ Iraq, vụ Pakistan, vụ Ai-cập, vụ Libya..., nhiều người đã nói với nhau: “Lịch sử lại tái diễn”!
Đảng CSVN đã từng là công cụ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ năm 1950 đến 1975, nên học được rất nhiều bài học thấm thía về chính sách bá quyền của Trung Quốc. Chỉ cần đọc tập “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” do nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1979, chúng ta cũng có thể thấy Đảng CSVN đã hiểu rõ bộ mặt thật của Đảng CSTQ như thế nào.
Bỏ qua chiến dịch tuyên truyền cho chuyến đi mới đây của Tổng Thống Obama, chúng ta phối hợp kinh nghiệm lịch sử để thử tìm hiểu xem rồi đây Anh Hai và Chú Ba sẽ tiếp tục hành động như thế nào ở Á Châu và Biển Đông và Đảng CSVN sẽ đối phó như thế nào.
CHUYỆN ANH HAI HỨA NĂM XƯA
Chúng ta nhớ lại, một tài liệu mật được Văn Khố An Ninh Quốc Gia (National Security Archive)của Hoa Kỳ công bố ngày 26.5.2006. cho biết mặc dầu đang mở cuộc oanh tạc Bắc Việt trong suốt mùa xuân và mùa hè 1972, Tổng thống Nixon đã đi đến kết luận: “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway.)
Nhưng trong các cuộc thương lượng với Tống Thống Thiệu sau đó, Tổng Thống Nixon vẫn tiếp tục đưa ra những lời cam kết bảo vệ VNCH!
Ngày 5.1.1973, Tổng Thống Nixon đã gởi cho Tổng Thống Thiệu lời cam kết như sau:
“Nếu ngài quyết định, và tôi tin tưởng ngài sẽ quyết định, tôi xin bảo đảm với ngài rằng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ ngài trong giai đoạn hậu chiến, và chúng tôi sẽ đáp ứng bằng toàn thể sức mạnh của Hoa Kỳ nếu như BV vi phạm Hiệp định.”
Mặc dầu có lời cam kết này Tổng Tống Thiệu còn tỏ ra do dự. Tổng Thống Nixon phải cử Tướng Haig đến Saigon với sứ mạng vừa hứa hẹn vừa đe dọa. Trong thông điệp trao cho Tổng Thống Thiệu ngày 14.1.1973, Tổng Thống Nixon lại cam kết:
“Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp bản Hiệp định bị vi phạm. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến những cam kết tiếp tục của chính phủ Hoa Kỳ với tự do và tiến bộ của VNCH.Tôi quyết định sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ kinh tế và quân sự cho VNCH.”
Tổng Thống Thiệu vẫn chưa chịu ký Hiệp định Paris và đòi sửa thêm một số điều khoản. Ngày17.1.1973, Tổng Thống Nixon lài bồi thêm một văn thư nữa và nói:
“Tự do và độc lập của nước VNCH vẫn luôn luôn là mục tiêu trọng đại trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt cuộc đời chính trị của tôi và trong bốn năm trời nay, tôi đã lãnh nhiều hậu quả trầm trọng, trong nước cũng như ngoài nước, vì theo đuổi những mục tiêu này.”
Sau đó, Tổng Thống Nixon doạ:
“Tôi quả quyết rằng việc từ chối ký bản Hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH.”
Trước những lời vừa cam kết vừa đe doạ này, Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh cho ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973, nhưng ông vẫn còn nghi ngờ. Ông muốn qua Mỹ gặp thẳng mặt Tổng Thống Nixon để“hỏi cho ra lẽ”.
Washington không muốn tiếp ông Thiệu tại thủ đô Washington như đã tiếp Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày xưa, mà đòi tiếp tại tư dinh Casa Pacifica của Tổng Thống Nixon ở San Clemente, NamCalifornia, giữa hai cá nhân của hai Tổng Thống với nhau mà thôi. Ngày gặp được định là 3.4.1973. Tổng Thống Thiệu đành chấp nhận điều kiện này.
Trong những buổi họp riêng, Tổng Thống Nixon đã nhắc lại những lời cam kết với Tổng Thống Thiệu trước khi ký hiệp định Paris. Nhưng ở nơi công khai, ông không hề nhắc lại những lời cam kết đó, chẳng hạn như “chúng tôi sẽ đáp ứng bằng toàn thể sức mạnh của Hoa Kỳ nếu như BV vi phạm Hiệp định”.
Tổng Thống Thiệu vốn có rất ít kinh nghiệm về chính trị và quân sự, lại độc đoán và làm việc thiếu khoa học. Ông thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, không cần biết “đồng minh” và địch thật sự đang muốn gì và làm gì. Vì thế, ông đã có những nhận định rất ngây thơ về những lời cam kết của Tổng Thống Nixon.
Sau này ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Cố Vấn Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu, kể lại ông Thiệu có nói lúc đó ông cảm thấy Nixon có thể vượt qua được những khó khăn và sẽ giữ lời hứa. Ông nói rằng hành động của 5 vị tổng thống kế tiếp chứng tỏ rằng Hoa Kỳ nói và giữ lời hứa. Ngay sau cuộc đại biểu tình ngày 15, (tháng 10) 1969 quy tập cả nữa triệu người để chống chiến tranh mà Nixon vẫn có thể tiến hành việc xâm nhập Cam Bốt hồi tháng 4 và tháng 5. 1970 mặc dầu với bản tu chính Cooper-Church cấm xử dụng ngân sách để đem quân chiến đấu Hoa Kỳ vào Cam Bốt, kể cả cố vấn, mà Nixon vẫn tiếp tục dội bom ở đó.
(Hồ Mật Dinh Độc Lập, Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, tr. 251, 258 – 259, 261, 282 và 292).
Vì không hiểu gì về nước Mỹ, ông Thiệu coi việc Tống Thống Nixon cho mở cuộc hành quân qua Cam-Bốt năm 1970 là một quyết tâm chống cộng của Tổng Thống Nixon, nhưng trong thực tế đó chỉ chiến dịch để tạo cái mà Kissinger gọi là “một khoảng cách vừa phải” (a decent interval), chuẩn bị cho việc bỏ miền Nam Việt Nam. Daniel Ellsberg, một phân tích gia về quân sự của Hoa Kỳ và là người cho phổ biến tập tài liệu Pentagon Papers, đã kể lại rằng Kissinger có nói với ông rằng sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam khoảng hai năm, miền Nam sẽ mất. Thời gian “khoảng hai năm” này được Kissinger coi là “khoảng cách vừa phải”. Nếu miền Nam mất sớm quá, Mỹ sẽ mất mặt. Vậy cần phải mở cuộc hành quân qua Cam-Bốt và Lào để làm cho Cộng quân suy yếu. Nếu Cộng quân muốn phục hồi lại để đánh chiếm miền Nam, phải mất ít nhất hai năm. Ấy thế mà Tổng Thống Thiệu lầm tưởng rằng đó là nỗ lực đánh bại Cộng quân của Nixon!
Tài liệu còn cho thấy, khi “khoảng cách vừa phải” đã đủ, Hoa Kỳ muốn cho VNCH chết sớm, để khỏi còn gây phiền hà cho Hoa Kỳ, họ đã đánh lừa Tường Thiệu rút khỏi Cao Nguyên và phiá bắc miền Trung. Tướng Thiệu vì quá yếu kém về quân sự, nên đã trúng kế Mỹ!
Trên đây là những lời hứa sau khi Anh Hai đã bán miền Nam cho Trung Quốc từ năm 1972.
ANH HAI NGÀY NAY: NÓI NƯỚC ĐÔI
Một số cơ quan truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại đã ca tụng chuyến công du Á Châu của Tổng thống Obama là “thành công mỹ mãn”. Nhưng một số nhà phân tích lại không nghĩ như vậy. Theo họ, ngoài việc ký hợp đồng bán cho Indonesia 230 máy bay Boeing 737 với trị giá lên tới gần 22 tỷ USD, Tổng Thống Obama chưa cho thấy Hoa Kỳ sẽ có những hành động cụ thể nào khả dĩ ngăn chận được chính sách bá quyền của Trung Quốc ở trong vùng về cả kinh tế lẫn quân sự.
Hôm 17.11.2011, phát biểu trước Quốc hội Úc ở Canberra, ông Obama nói rằng Mỹ đang tìm cách tạo dựng “một cơ cấu” kinh tế và an ninh tại Châu Á giúp giải quyết các tranh chấp và thúc đẩy quan hệ kinh tế, trên cơ sở những luật lệ mà Mỹ chấp nhận được.
1.- Về phương diện kinh tế
Tổng Thống Obama đưa ra chủ trương thành lập “Khu Mậu Dịch Tự Do xuyên Á Châu Thái Bình Duơng” và mở rộng Khu mậu dịch tự do hiện có giữa các nước ASEAN.
Chưa có thể xác định được tương lai của Khu Mậu Dịch Tự Do xuyên Á Châu Thái Bình Dương sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn đó không phải là chuyện dễ dàng.
“Khu Mậu Dịch Tự Do ASEAN” (ASEAN Free Trade Area - AFTA) đã được thành lập từ 1992 tạiSingapore, nhưng chỉ mới có 6 nước tham dự là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (gọi chung là ASEAN-6). Các nước kém phát triển hơn là Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện dự trù sẽ tham gia khu vực này vào 2015.
Ngày 1.1.2010, các nước ASEAN cũng đã ký với Trung Quốc một hiệp ước thành lập “Khu Mậu Dịch Tự Do ASEAN Trung Quốc” (ASEAN-CHINA Free Trade Area), được gọi tắt là AC-FTA hoặc CAFTA.
Nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, sau khi làm việc với khối ASEAN, đã nói lên những khó khăn của thị trường này. Ông viết:
“Cái khó hiện nay là có những nước rất giàu, hoặc có lực tài chính lớn vì đông dân; có nước lại rất nghèo và ít dân, khó có thể tham gia toàn bộ các cuộc họp, hay các hoạt động nhằm gắn bó các hoạt động của nhóm nước này."
Hiện nay, Trung Quốc đã ký kết riêng với từng nước ASEAN những hiệp ước thương mại riêng. Trong quá khứ, Mỹ cũng đã làm như vậy.
Với một cái nhìn tổng quát như vậy, chúng ta cũng có thể thấy “Khu Mậu Dịch Tự Do xuyên Á Châu Thái Bình Duơng” và “Khu Mậu Dịch Tự Do ASEAN” chưa đâu vào đâu cả.
2.- Về phương diện quân sự
Hôm 16.11.2011, khi đến viếng thăm Úc, Tổng Thống Obama đã tuyên bố tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Úc, khởi đầu là gởi 250 thủy quân lục chiến đến miền Bắc nước Úc từ 2012 và sẽ tăng dần lên đến 2.500. Ông nói: "Chúng tôi sẽ giữ vững khả năng đặc biệt nhằm thể hiện sức mạnh và đập tan các đe dọa cho hòa bình.”
Nhưng các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là một hành động trấn an, vì trong thực tế, việc lập thêm một căn cứ quân sự nhỏ bé như thế ở Úc không còn cần thiết nữa. Hôm 17.11.2011 Bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo đã thử thành công mẫu thiết kế mới của Vũ khí Siêu thanh Tân tiến (AHW) có khả năng tấn công các mục tiêu trên toàn thế giới chỉ trong chưa đầy một giờ. Đây là một thiết bị bay được thiết kế để di chuyển tầm xa trong bầu khí quyển của Trái Đất với tốc độ siêu thanh. Như vậy, nếu xẩy ra một trận chiến trên Biển Đông, Mỹ có thể dùng vũ khí này, không cần tới bộ binh.
SỰ TÍNH TOÁN CỦA TRUNG QUỐC
Với các biện pháp Tổng Thống Obama vừa đưa ra, Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào?
1.- Về vấn đề Biển Đông
Các viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc gặp bên lề hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN, Tổng Thống Obama nói với ông Ôn Gia Bảo rằng Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề an ninh hàng hải, quyền được tự do đi lại của các thương thuyền trên tuyến đường biển quan trọng trong vùng Biển Đông.
Về cuộc tranh chấp chủ quyền đang xảy ra giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam, Tổng Thống Mỹ nói rõ là Washington không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng tin tưởng vấn đề này phải được giải quyết bằng đường lối ôn hòa.
Trong thực tế, chúng ta chỉ biết có một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông vào ngày 8.3.2009. Lúc đó tàu thăm dò USNS Impeccable của Hải quân Mỹ đã tiến vào chỉ cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 120 hải lý. Năm con tàu của Trung Quốc áp sát tàu này và vẫy quốc kỳ Trung Quốc yêu cầu Mỹ rời khỏi vùng biển này. Ông Robert Gibbs, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc nói:"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trong vùng biển quốc tế và mong đợi Trung Quốc tuân theo luật hàng hải". Thật ra lúc đó tàu thăm dò của Mỹ đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của đảo Hải Nam, nên Mỹ chỉ phản đối lấy lệ.
Về tranh chấp chủ quyền các hải đảo trên Biển Đông, Trung Quốc đã hai lần xử dụng quân sự để chiếm đóng: Lần thứ nhất chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH vào ngày 19.1.1974 và lần thứ hai chiếm một phần của quần đảo Trường Sa ngày 14.3.1988. Mỹ không có phản ứng nào.
Chuyện khủng bố các tàu thăm dò và tàu đánh cá của Việt Nam và Philippines thỉnh thoảng lại xẩy ra. Có lẽ Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng các biện pháp này để ngăn cản không cho Việt Nam và Philippines khai thác các vùng mà Trung Quốc coi là thuộc chủ quyền của họ. Mỹ khó can thiệp được.
2.- Về vấn đề kinh tế
Sau các hành động và những lời tuyên bố của Tổng Thống Obama, hôm 18.11.2011 tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã đăng bài xả luận cảnh báo các nước láng giềng Á Châu về nguy cơ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế nếu các nước đó được Mỹ yểm trợ trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh. Dựa vào đâu để Trung Quốc đưa ra những lời đe dọa như thế?
Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì trên thế giới. Còn ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh. Thặng dư thương mại hiện nghiêng về phía ASEAN, chủ yếu nhờ vào xuất khẩu nguyên liệu và nhiên liệu vào Trung Quốc.
Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN đã tăng vọt trong những năm gần đây, từ mức 59,6 tỷ năm 2003 đã lên đến 192,5 tỷ USD năm 2008. Riêng Việt Nam, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,5 tỷ, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 15,7 tỷ. Tuy nhiên, các nhà phân tích Việt Nam lại cho rằng nhập khẩu thiết bị và hàng hóa của Trung Quốc rẽ hơn và chất lượng cũng tạm được, nên chấp nhận sự thâm hụt cán cân thương mại.
Cái mà một số nước ASEAN đang lo ngại là việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể ngập tràn thị trường nước họ một khi thuế nhập khẩu được dỡ bỏ. Trung Quốc đã từng tuồn hàng vào Việt Nam,bán với giá như cho để phá hoại nền kinh tế Việt Nam khi xẩy ra sự xích mích giữa hai nước. Đây cũng là một nổi lo sợ của một số nước ASEAN.
VẪN TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG ĐANG ĐI?
Sau những lời có vẻ đe dọa Trung Quốc, Tổng Thống Obama nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh và cải thiện mối quan hệ giữa hai siêu cường. Ông nói:
"Chúng tôi đã nhìn thấy rằng Trung Quốc có thể là một đối tác, từ giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cho tới ngăn chặn phổ biến vũ khí.
"Chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác với Bắc Kinh, bao gồm trao đổi thông tin nhiều hơn giữa hai quân đội nhằm tăng cường hiểu biết và tránh những tính toán sai lầm."
Về đầu tư và thương mại, Mỹ đang bám chặt thị trường Trung Quốc. Các công ty điện toán lớn của Mỹ như IBM, Aple, Dell, Intel..., đang có mặt tại Trung Quốc vì thị trường tiêu thụ ở đây quá lớn. Tuy nhiên, vì suy thoái kinh tế, Bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giảm xuống còn 1,03 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tức giảm 28%. Số lượng các công ty Mỹ thành lập tại Trung Quốc cũng giảm 3,85% xuống còn 475 công ty.
Đầu tư Trung Quốc vào Mỹ lại được coi là đang tăng kỷ lục. Tài liệu cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ nửa đầu năm 2010 đã tăng 360% so với cùng kỳ năm trước. Chính quyền nhiều bang như South Carolina và Texas đã thu hút tiền đầu tư từ Trung Quốc nhằm tạo việc làm cho người Mỹ.
Năm 2010. Mỹ đã nhập cảng của Trung Quốc đến 364,9 tỷ USD, và trong 6 tháng đầu năm 2011, là 218 tỷ USD. Như vậy năm nay số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể lên trên 400 tỷ USD. Điều cần lưu ý là số hàng Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ bao gồm cả các hàng do công ty Mỹ đầu tư và sản xuất tại Trung Quốc, như các công ty điện toán và Wal-Mart chẳng hạn.
Trong bài “America’s Pacific Century” đăng trên tạp chí Foreign Policy tháng 11, bà Ngoại Trưởng Hallary Clinton cho rằng với Trung Quốc, sự hợp tác giữa hai nước sẽ có lợi hơn là xung đột.
Như vậy, bên ngoài tuy nói mạnh để trấn an các nước trong vùng Nam Á Châu, bên trong Mỹ và Trung vẫn có quan hệ đối tác chặt chẽ như chủ trương Kissinger đã đưa ra cách đây gần 40 năm!
Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng đang có một chiến dịch thổi phồng các thắng lợi của Tổng Thống Obama để kích thích Đảng CSVN rời xa Trung Quốc và xích gần lại với Mỹ. Phối hợp với chiến dịch này còn có chiến dịch thúc đẩy các vụ đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền ở trong nước. Một chiến dịch khác cũng đang được phát động để kích động Hội Đồng Giám Mục VN tham gia "cuộc chiến" và biến thành công cụ của Mỹ thay thế cho Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đang suy tàn.Nhưng Tòa Thánh Vatican và Giáo Hội VN đã cảnh giác. Nhưng qua kinh nghiệm đau thương của VNCH và Libya, Đảng CSVN chỉ đi cầu viện quân sự với Nga và Ấn Độ chứ nhất định không đi cầu viện Mỹ. Nếu các nước ASEAN không thể giúp gì được và nước nào phải tự lo cho số phận nước đó, Đảng CSVN thà sống “hữu nghị” với Trung Quốc trong những điều kiện xấu hơn, chứ không đi vào con đường của VNCH, Cambodia và Libya. Đảng CSVN chưa tìm được một lối thoát nào khác.
Ngày 22.11.2011
Chuyện Anh Hai và Chú Ba
-------