-"Đối thoại thay đối đầu" - khơi thông dòng chảy hội nhập Khi nói về quá trình hội nhập của Việt Nam mà bỏ qua sáng kiến "Jakarta Cocktail" là một điều đáng tiếc, bởi đó chính là sự khơi thông của dòng chảy hội nhập. Nghĩa gốc của từ "cocktail" là đuôi con gà trống, lông có nhiều màu khác nhau. Tức là "Jakarta Cocktail" là một sáng kiến để giúp các phái Campuchia, cũng như hai khối nước khác nhau về thể chế chính trị là ASEAN và Đông Dương, có thể ngồi lại được với nhau.
LTS: Khái niệm "học để hiểu nhau", như Tuần Việt Nam đã đặt vấn đề từ đầu, khi nói về hành trình Việt - Mỹ nói riêng, và tiến trình hội nhập của Việt Nam nói chung, đã được làm rõ một phần qua lời kể và những phân tích của một số nhân chứng mà tác giả loạt phỏng vấn này có điều kiện gặp gỡ, trao đổi.
Đó là cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Sài Gòn Lương Văn Lý, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote, hay cựu Đại tá Lục quân Mỹ Andre Sauvageot.
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này của Tuần Việt Nam xin được giới thiệu thêm một câu chuyện khác, từ một góc nhìn khác, của một đại diện giới truyền thông.
Đó là cựu phóng viên quay phim chuyên trách đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam và hãng Thông tấn Thomson Reuters, ông Nguyễn Văn Vinh - người có may mắn có mặt trong những sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam, cũng như có dịp trao đổi, phỏng vấn những nhân vật quan trọng liên quan đến tiến trình hội nhập này.
- Phóng viên Huỳnh Phan: Là phóng viên đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam trong suốt hơn hai mươi năm, chuyên đi theo các vị lãnh đạo trong các sự kiện đối ngoại và quốc tế quan trọng, theo ông, cái mốc quan trọng nhất đánh dấu việc Việt Nam chủ động thoát khỏi thế bị bao vây cấm vận để hội nhập và phát triển là vào thời điểm nào? Liệu có phải Đại hội Đảng VI (12.1986)?
- Cựu phóng viên Nguyễn Văn Vinh: Vào mùa xuân năm 1983, tại Hội nghị Cấp cao Ba nước Đông Dương tại Viên Chăn (Lào). Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố sẽ dần rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, và hoàn tất vào cuối năm 1989.
Phóng viên Nguyễn Văn Vinh đang tác nghiệp tại một sự kiên đối ngoại. |
Tuyên bố trong nội bộ ba nước hay ra toàn thế giới?
Ra thế giới chứ. Bởi tôi còn nhớ là hãng sản xuất chương trình truyền hình NDN (Nihon Denpa News) của Nhật Bản đã khai thác đầy đủ những thông tin liên quan đến hội nghị này.
Hơn nữa, bộ phim nhựa 16 li, màu, dài 25 phút với tựa đề "Viên Chăn - khi tiếng nói lịch sử cất lên", do Đài THVN chúng tôi làm, sau khi phát ở Việt Nam cũng được gửi ra nước ngoài chiếu.
Chính nhờ cái quyết định quan trọng ở Viên Chăn mà sau này mới có việc Indonesia gợi ý tổ chức "Tiệc rượu Jakarta", khi Ngoại trưởng Mochtar Kusumaatmadja thăm Việt Nam cuối tháng 7.1987. Đó cũng là xuất phát điểm của xu hướng "đối thoại thay đối đầu" trong khu vực.
Câu nói "đối thoại thay cho đối đầu" bắt đầu xuất hiện từ thời điểm nào, trong dịp nào?
Tôi nghĩ tinh thần đó bắt đầu từ năm 1983, khi Việt Nam lần đầu tiên tuyên bố sẽ rút quân khỏi Campuchia. Một cái nút đã được mở. Còn câu chữ chính thức được thể hiện trong văn kiện là sau Đại hội Đảng VI.
Tại sao lại có có chủ trương đó của Việt Nam? Do ảnh hưởng của những biến động ở Đông Âu?
Không phải. Câu chuyện Đông Âu và Liên Xô chỉ rộ lên vào nửa cuối của những năm '80.
Tôi nghĩ quyết định đó của Việt Nam xuất phát từ thực tiễn của mình. Việt Nam ở thế bị bao vậy về kinh tế, bị cô lập về chính trị, , khó khăn đủ đường. Và để phá thế bị bao vây, cô lập đó, không còn giải pháp nào ngoài việc dùng đối thoại thay cho đối đầu, đầu tiên là Đông Nam Á, rồi sau đó với các nước khác, như Trung Quốc, hay Mỹ.
Tại sao lại gọi là "Tiệc rượu Jakarta"?
Việc dịch ra tiếng Việt của cụm từ "Jakarta Cocktail" là "Tiệc rượu Jakarta" đã không nhấn mạnh được cái ý nghĩa mang tính biểu tượng của sáng kiến này. Thực ra, nghĩa gốc của từ "cocktail" là đuôi con gà trống, có nhiều màu lông khác nhau. Tức là "Jakarta Cocktail" là một sáng kiến để giúp các phe phái đối địch, hoặc bất đồng, ở Campuchia, cũng như hai khối nước ASEAN và Đông Dương, khác nhau về thể chế chính trị, có thể ngồi lại được với nhau, để bàn về giải pháp hoà bình cho Campuchia.
Vào cuối tháng 7.1988, đại diện bốn phái của Campuchia gồm Hoàng thân Ranariddh, Sonsann, Khieu Samphan và Hunsen đã gặp nhau, theo hình thức bàn tròn. Kết thúc cuộc gặp đó, ngày hôm sau, nhóm các nước ASEAN và nhóm ba nước Đông Dương gặp nhau tại JIM1 (The First Jakarta Informal Meeting). Đó là bước đầu tiên của tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia một cách toàn diện.
Sang năm 1989 lại tổ chức tiếp JIM2. JIM2 đã có tiến bộ, tập trung cho giải pháp về Campuchia, sau khi Việt Nam hoàn tất việc rút quân (9.1989). Từ đó mới có tổng tuyển cử 1991, và UNTAC vào Campuchia.
Ông tham dự cả JIM1 và JIM2?
Đúng vậy. Nhưng tôi chỉ còn giữ được những thước phim về JIM1, khoảng hai phóng sự mỗi cái dài mười mấy phút. Hồi đó, phóng viên nước ngoài đưa tin đông lắm, chờ kín bên ngoài phòng họp. Còn tôi may có thẻ "delegate" của đoàn Việt Nam nên mới vào được bên trong từ rất sớm, và quay được tất cả.
Ai là nhân vật được báo giới săn đón nhiều nhất tại hội nghị đó?
Tất nhiên là Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch - một tâm điểm. Người ta coi ông là đầu mối chủ yếu để gỡ mọi rắc rối. Tuy vấn đề Campuchia được đặt ra là chính, nhưng ai cũng hiểu là phải giải quyết vấn đề của Việt Nam.
Hơn nữa, lúc đó Đông Nam Á có cái gì đáng quan tâm đâu, ngoài câu chuyện Campuchia và mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương với các nước ASEAN sẽ được giải quyết thế nào.
Tôi đi theo chuyên cơ cùng ông Thạch, và chứng kiến ông bị vây ngay từ sân bay lúc xuống. Ông tổ chức họp báo ngắn ngay tại sân bay, nói rõ nội dung và ý nghĩa của cuộc gặp.
Ông đánh giá thế nào về sáng kiến "Jakarta Cocktail" và kết quả của JIM1 và JIM2?
Theo tôi, khi nói về quá trình hội nhập của Việt Nam, trước hết với Đông Nam Á, mà bỏ qua sáng kiến "Jakarta Cocktail" với hai sự kiện JIM1 và JIM2 là một điều đáng tiếc. Bởi đó chính là sự khơi thông của dòng chảy hội nhập, và sự mềm dẻo trong quan hệ mới được bắt đầu từ đó. Việt Nam quan hệ với Đông Nam Á là để tháo ngòi nổ, khiến cho việc quan hệ Mỹ và Trung Quốc, dễ dàng hơn.
Tôi còn nhớ tại JIM1, ngoại trưởng Singapore, là một người gốc Ấn, đã thể hiện thái độ rất cứng rắn. Ông ta công kích Việt Nam rất mạnh, về đủ mọi vấn đề.
Trong khi đó, chủ nhà là Ngoại trưởng Ali Alatas, mới lên thay ông Mochtar, lại rất mềm mỏng, khéo léo. Sự lạc quan về triển vọng của "đối thoại thay đối đầu" của ông Alatas được thể hiện rất rõ trong cuộc phỏng vấn của Đài THVN do ông Tổng Giám đốc Phạm Khắc Lãm thực hiện.
Tôi nhớ là sang tới JIM2, ông Sihanouk đã được Tổng thống Suharto mời đến thăm Indonesia, nhằm tạo cơ hội cho ông gặp gỡ bên lề với các phái còn lại của Campuchia.
Lúc đó, Việt Nam phải định lượng được kết quả đối thoại đẩy lùi được đối đầu tới đâu trong quan hệ với các nước trong khu vực, rồi với Trung Quốc, hay Mỹ. Cả quyết định bình thường hoá quan hệ với ai trước là cả một bài toán khó. Tất nhiên, Việt Nam cuối cùng cũng đã có sự chọn lựa của mình.
Lúc đó, Việt Nam vẫn dựa vào Comecon (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), và quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc đầy sóng gió. Chiến tranh đã để hậu quả lớn hơn rất nhiều so với mọi người hình dung lúc đầu, trước hết bởi vì lý do dẫn tới cuộc chiến, thay vì giải quyết hoà bình. Tại sao lại dẫn tới chiến tranh, trong khi trước đó có cả một quá trình khá dài giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng lòng tin?
Rồi điều gì khiến Trung Quốc phải tuyên bố với thế giới là sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Thế còn họ, liệu có rút được bài học gì không, và bài học đó là cái gì?
Phóng viên Nguyễn Văn Vinh đang quay cảnh chuẩn bị cho JIM1, cuối tháng 7.1988, tại Indonesia. (Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngồi ở giữa). |
Ông vừa nhận xét rằng quan hệ với Đông Nam Á chính là tháo ngòi nổ để dễ dàng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tại sao, Việt Nam không bình thường hoá với ASEAN sớm hơn so với bình thường hoá với Trung Quốc?
Vấn đề vẫn là lòng tin. Họ vẫn theo dõi xem quan hệ Việt Nam với các nước lớn như Trung Quốc, Nga, hay Mỹ, như thế nào. Vả lại, Trung Quốc luôn chủ động đi trước chúng ta. Với Mỹ, với ASEAN, họ đều đi trước.
Vậy tại sao chúng ta lại không bình thường hoá quan hệ với ASEAN ngay sau khi thống nhất đất nước? Năm 1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có đi thăm một số nước Đông Nam Á cơ mà.
Nên nhớ rằng, trong suốt một quá trình dài, nỗi ám ảnh của Đông Nam Á là liệu những người cộng sản Việt Nam có tiếp tục "bành trướng", theo cách nói của họ, ở khu vực Đông Nam Á hay không. Chính vì vậy, sau khi Việt Nam thống nhất, họ đã có một chính sách khôn khéo là muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tôi theo dõi và thấy tiếc là chúng ta đã không nắm cơ hội này ngay từ lúc đó.
Tại sao? Hào quang chiến thắng?
Tôi nghĩ vậy. Lúc đó, Việt Nam, nói một cách hình tượng, như một thiếu nữ đến thì, xinh tươi, long lanh lắm. Ai mà chẳng muốn làm quen, làm thân.
Nhưng, ngoài hào quang chiến thắng, chúng ta phải nhớ rằng lúc đó cái chủ thuyết "Giải quyết câu hỏi ai thắng ai giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội" vẫn đang ngự trị. Vấn đề này được đưa vào sách giáo khoa, và vấn đề của hệ tư tưởng, của ý thức hệ, chứ không phải sự lựa chọn của xã hội, hay từng cá nhân nữa.
Rồi đến khi chúng ta đưa quân vào Campuchia thì thời cơ đã trôi qua. Và chúng ta lại phải khó khăn làm lại từ đầu.
Cô gái đó đã bắt đầu lỡ thì...?
(Cười lớn) Đây là anh nói chứ không phải tôi nói nhé.
Nhưng rất may là với việc gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam mới khẳng định niềm tin rằng bất kể chế độ chính trị thế nào vẫn có thể sống chung với nhau. Kể từ đó, chúng ta mới hiểu ra rằng ý thức hệ không quan trọng bằng lợi ích. Các quốc gia với những thể chế trịnh trị khác nhau phải kết nối với nhau để cùng tồn tại, và cùng phát triển.
Thế còn tiến trình bình thường hoá quan hệ với Mỹ được khởi động trước, nhưng tại sao lại đến đích sau, so với việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc?
Câu chuyện chọn bình thường hoá với Trung Quốc trước vẫn là câu chuyện ý thức hệ, hơn là câu chuyện lợi ích.
Còn với Mỹ thì hậu quả của cuộc chiến tranh vẫn còn đó. Lại còn cộng thêm hậu quả nặng nề của sự cấm vận kinh tế do Mỹ áp đặt nữa.
Hơn nữa, ưu tiên lớn nhất của Mỹ là giải quyết vấn đề POW/MIA, rồi mới đến những thứ khác.
Ông có đưa tin nhiều về POW/MIA không?
Hồi còn làm ở Đài THVN, tôi đi quay về MIA rất nhiều, đầu tiên là cuộc khai quật ở Yên Thường (Gia Lâm) năm 1986. Lần đó, có một đoàn truyền hình rất lớn của Mỹ tường thuật tại chỗ luôn.
Rồi liên quan đến POW, ngoài vụ tài liệu Nga, từ ảnh vệ tinh, hay nguồn tin tình báo, ở Mỹ có rất nhiều tin đồn rằng Việt Nam còn giam giữ nhiều phi công Mỹ. Họ còn đưa cả những bức ảnh có người nước ngoài chơi bóng bên Lào, và nói đó là tù binh Mỹ...
Việt Nam phải thể hiện sự hợp tác đến mức đã hứa với phía Mỹ rằng, nếu có nguồn tin nào từ phía Mỹ về một địa điểm nào đó nghi có người Mỹ còn sống, phía Việt Nam sẵn sàng cho đoàn Mỹ lên trực thăng đi ngay. Tôi đã theo một nhóm công tác của Mỹ lên Lạng Sơn vào khoảng 1990-1991 gì đó, vì có một nguồn tin mô tả rằng trên đó có người nước ngoài.
Nói chung lúc đó phía lãnh đạo Việt Nam có nhiều quyết định táo bạo lắm. Tôi đã chứng kiến TBT Nguyễn Văn Linh trả lời phỏng vấn Đài NHK (Nhật Bản) tại Văn phòng Trung ương Đảng năm 1987, khi được nhờ giúp họ quay. Trong buổi đó, ông Linh khẳng định rằng Việt Nam không có lý do gì để tiếp tục giam giữ người tù binh Mỹ cả.
Thậm chí, ông còn nói vui rằng một khi Mỹ đã treo giải thưởng một triệu USD cho ai tìm thấy người Mỹ mất tích còn sống, nếu còn thật và ông biết, ông cũng báo với phía Mỹ để lấy thưởng.
Tôi nghĩ đòi hỏi của phía Mỹ, một phần, cũng là một phép thử về lòng tin, xem Việt Nam có thực tâm bình thường hoá hay không, hay vẫn muốn giữ những con bài để mặc cả.
Họ đã có trải nghiệm về sự thất bại của nỗ lực bình thường hoá lần đầu tiên, vào những năm 1977-1978, phải không ạ?
Đúng. Nói cho cùng, cả hai bên đều chưa tin tưởng lẫn nhau, cùng do đã trải qua một cuộc chiến tranh với những tổn thất quá lớn cho cả hai phía.
Thử thách lòng tin luôn luôn là một vấn đề quan trọng trong mọi mối quan hệ.
(Còn tiếp...)
*Phần cuối cùng của bài phỏng vấn cựu Đại tá Lục quân Mỹ Andre Sauvageot về những hoạt động vận động hành lang của cá nhân ông cho tiến trình bình thường hoá quan hệ bang giao và giao thương Mỹ - Việt, đối với cả hai nhánh hành pháp và lập pháp của chính phủ Mỹ, sẽ được đăng vào một dịp khác, vì lý do kỹ thuật. Xin chân thành cáo lỗi với độc giả.
-Ngoại trưởng Thạch trong con mắt Đại tá Sauvageot -"Tôi hiểu chính trị nội bộ ở Mỹ, nên tôi đồng cảm với chính trị nội bộ ở Việt Nam. Chắc chắn, không chỉ người Mỹ bị ác cảm, mà cả những vị lãnh đạo Việt Nam đã dám đi tiên phong trong việc hợp tác với Mỹ trong vấn đề MIA. Phải nhìn xa trông rộng và có bản lĩnh, nhất là yêu nước thật sự, như ông Thạch, mới vượt qua được những rào cản như vậy" - Andre Sauvageot.
- Phóng viên Huỳnh Phan: Những đề xuất của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đối với phía Mỹ, trong cuộc gặp với ông Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Richard Armitage, là gì?
- Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot: Chẳng hạn, ông Thạch nói rằng hai nước phải thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của hai nước, trước việc một thế lực khác đang nổi lên, và ngày càng trở thành nguy cơ chung. Ông không nói rõ đó là thế lực nào, nhưng chúng tôi đều hiểu.
Hay ông nói Mỹ không nên chủ quan, và nên đa dạng hoá quan hệ. Nhất là có thêm bạn bè thì tốt hơn là kẻ thù.
Trong khi thảo luận với phía Mỹ, dù là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Armitage, Đại tướng Vessey, hay TNS Kerry, ông Thạch luôn thể hiện sự chủ động và tinh thần hợp tác.
Tôi nghĩ đây là một nỗ lực và bản lĩnh lớn, một sự nhìn ra trông rộng. Ông Thạch mong muốn đa dạng hoá quan hệ để giữ vững độc lập, tự do thật sự cho Việt Nam. Nhất là vì bối cảnh chính trị nội bộ ở Việt Nam cũng không mấy thuận lợi cho sự hợp tác đó. Tôi rất nể ông Thạch.
Tại sao ông biết rằng bối cảnh chính trị nội bộ của Việt Nam không thuận lợi cho vấn đề MIA?
Tôi còn nhớ, khi tôi ở Nhà khách Quân Đội, một người phụ nữ khi nghe tôi nói chuyện tiếng Việt với ai đó, hỏi tôi và biết tôi là người Mỹ, đã hỏi: "Tôi không hiểu là tại sao chính phủ Việt Nam tốn biết bao nhân lực và công sức để tìm kiếm những người Mỹ bị mất tích trong cuộc chiến tranh do chính họ gây ra? Họ lấy lòng người Mỹ để làm gì?"
Tôi hiểu chính trị nội bộ ở Mỹ như thế nào, nên tôi đồng cảm với vấn đề tương tự ở Việt Nam. Một người phụ nữ bình thường đã nói như vậy, thì những người có nhiều trải nghiệm trong cuộc chiến tranh, nhất là những người đã lãnh đạo cuộc chiến đó, chắc hẳn sẽ có cách nhìn như thế nào với người Mỹ. Chắc chắn họ không chỉ ác cảm với người Mỹ, mà cả với những vị lãnh đạo Việt Nam đã đi tiên phong trong việc hợp tác với Mỹ trong vấn đề MIA. Phải nhìn xa trông rộng và rất có bản lĩnh, như ông Thạch, mới vượt qua được những rào cản như vậy.
Là người giỏi tiếng Việt, ông có dịp nói chuyện với ông Thạch bên lề các cuộc đàm phán không?
Có chứ. Chủ yếu trong giờ giải lao. Có hai câu chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi.
Một lần, hồi còn ông Armitage, ông Thạch nói với tôi rằng, ông ý thức rõ ràng về những gì Mỹ đã gây ra cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh. Nhưng ông vẫn khẳng định rằng Mỹ đưa quân vào Việt Nam không phải theo cái mục đích mà người Pháp làm trước đó. Ông nói rằng Mỹ không muốn biến Việt Nam thành một thuộc địa, và không có ham muốn lãnh thổ. Mỹ xâm lược Việt Nam vì sợ sự bành trướng của Liên Xô và Trung Quốc xuống Đông Nam Á.
Ông Thạch quá giỏi, quá sáng suốt, tôi thầm nghĩ.
Lần thứ hai là vào tháng 8.1987, khi Đại tướng Vessey vào Việt Nam lần đầu, ông Thạch lại kéo riêng tôi ra nói chuyện, trong khi xơi nước.
Ông nói: "Tôi có nghe những phát biểu, và đọc những báo cáo của anh ở bên Mỹ. Anh tin rằng chúng tôi sẽ rút khỏi Campuchia kịp trước năm 1990."
(Ông nhận xét đúng, vì tôi đã phát biểu như vậy ở một số diễn đàn với quan chức chính quyền Mỹ.)
Ông hỏi thêm: "Tại sao anh tin mà chính quyền Mỹ lại không tin?"
Tôi nói: "Tôi tin vì tôi hiểu Việt Nam rõ hơn chính quyền Mỹ hiểu. Chính quyền Mỹ đã không hiểu Việt Nam trong thời gian chiến tranh, và bây giờ trong thời gian hậu chiến vẫn tiếp tục không hiểu. Tôi bảo quý vị tuyên bố điều đó cách đây 2 năm (1985) là rất khôn khéo. Từ đó, quân đội Việt Nam đánh Khmer Đỏ rất mạnh, vào tất cả mật khu kháng chiến của chúng. Và thời gian 5 năm là đủ để xây dựng chính quyền Hunsen đủ mạnh, và Việt Nam không còn bị sa lầy ở Campuchia nữa."
Tôi lại hỏi: "Ai đúng? Tôi hay chính quyền Mỹ? Bởi họ bảo rằng Việt Nam chỉ xạo thôi, chắc vẫn chiếm đóng Campuchia."
Ông Thạch nói: "Anh đúng một trăm phần trăm."
Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot (ngoài cùng bên phải) |
Ông có ngạc nhiên với câu trả lời của ông Thạch không?
Tôi không ngạc nhiên, vì tôi tin vào suy luận của mình. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là câu nói thêm của ông.
Ông nói: "Nhưng Trung Quốc không muốn chúng tôi rút khỏi Campuchia."
Tôi hỏi lại luôn: "Thưa Ngài, tôi thấy rất ngỡ ngàng khi nghe câu đó. Bởi, nếu tôi nhớ không nhầm, cuộc tấn công năm 1979 là trả đũa Việt Nam đã lật đổ Khmer Đỏ. Tôi thấy có vẻ mâu thuẫn."
Ông Thạch nói: "Không có gì mâu thuẫn cả. Họ muốn chúng tôi bị sa lầy vào Campuchia vô hạn định, bởi mục đích của họ là làm cho kinh tế của Việt Nam bị kiệt quệ. Họ có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu này, thông qua cấm vận kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi không dại gì mà mắc mưu họ. Chắc chắn đến thời điểm 1990, họ phải tìm cớ khác để gây sự với chúng tôi, bởi, lúc đó, chúng tôi đã rút khỏi Campuchia rồi."
Một tháng sau, tôi được mời tham dự một hội nghị của Heritage Foundation - một tổ chức thiên hữu - thảo luận về chính sách của Mỹ với Việt Nam. Hội nghị này được truyền hình trực tiếp đi toàn quốc.
Đến phần giải đáp thắc mắc, có người hỏi tôi là liệu Việt Nam có rút quân khỏi Campuchia như đã tuyên bố không. Mặc dù không xin phép trước ông Thạch về chuyện đó, nhưng thấy có cơ hội thuận lợi để cải thiện quan hệ Mỹ - Việt, tôi đã dịch luôn sang tiếng Anh từng câu từng chữ những gì ông Thạch nói với tôi, thay cho câu trả lời.
Tôi bảo với họ rằng cách đây một tháng, khi làm phiên dịch cho đoàn của Vessey, tôi có cơ hội gặp riêng Mr. Thạch, và ông nói như vậy.
Năm sau, theo ông Vessey vào Hà Nội, tôi gặp lại ông Thạch. Tôi có xin lỗi ông vì đã không xin phép ông trước.
Ông Thạch có bực mình không?
Ông cười, và nói "không sao".
Tôi tin rằng ông thấu hiểu người Trung Quốc. Và ông cũng hiểu rõ người Mỹ, nhất là biết làm cách nào thuyết phục người Mỹ tin vào quan điểm của Việt Nam.
Trong buổi hội thảo kỷ niệm 10 năm Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nói vui rằng "ông không hiểu tại sao những người, trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, từng là khách của Khách sạn Hilton (Nhà tù Hoả lò) sau này lại yêu mến Việt Nam nhất. Và ông Vũ Khoan dẫn ra trường hợp TNS John McCain, và Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Douglas Peterson, người cùng ngồi với ông trên bàn chủ toạ. Ông Vũ Khoan còn nói thêm rằng khi nào có điều kiện, ông phải tìm hiểu nguyên do.
Cùng là cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, như Đại sứ Peterson, rồi sát cánh với ông Peterson trong tiến trình bình thường hoá bang giao và giao thương Mỹ - Việt, ông có thể lý giải điều đó hay không?
Tôi xin kể với anh một câu chuyện, thay cho câu trả lời, bởi vì đây là một câu chuyện dài. Không khéo lại làm lạc đề câu chuyện của anh.
Lần đầu tiên tôi gặp ông Peterson là vào năm 1991, khi tôi đang làm trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Bangkok, phụ trách Đông Dương Sự vụ, có ghi trong danh thiếp. Thực ra, "Đông dương Sự vụ" chỉ là nguỵ trang thôi, vì, thực sự, trong công việc của tôi không có gì liên quan đến Lào hay CPC cả.
Lý do là vì Bộ Ngoại giao muốn giấu mọi người rằng họ quan tâm tới Việt Nam tới mức phải tuyển dụng một trợ lý đặc biệt về Việt Nam, để nghiên cứu về chính trị Việt Nam. Tôi đã nhận nhiều nhiệm vụ đặc biệt, kể cả đi theo các phái đoàn quốc hội Mỹ vào Hà Nội. Trong đó có đoàn của TNS John Kerry, Chủ tịch Tiểu ban đảm trách vấn đề POW/MIA, vào Hà Nội lần đầu vào năm 1991.
Trong buổi tiếp phái đoàn quốc hội Mỹ, trong đó có Hạ Nghị sĩ bang Florida Peterson, của TBT Đỗ Mười, tôi ngồi bên cạnh người trưởng đoàn để phiên dịch, còn Hà Huy Thông (hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội) dịch cho ông Đỗ Mười.
Đỗ Mười nói với Peterson: "Tôi thấy ông đã là khách của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cách đây một thời gian khá lâu."
Peterson đáp lại: "Thưa phải."
Đỗ Mười hỏi tiếp: "Trong thời gian ông bị giam giữ tại Hoà Lò, người ta đối xử với các ông như thế nào?"
Peterson nói: "I have survived (Tôi vẫn còn sống sót)."
Đỗ Mười cười: "Ông còn sống là rõ ràng. Vì sự có mặt của ông ở đây chứng tỏ điều đó. Câu hỏi của tôi là cách đối xử của chúng tôi với người Mỹ bị giam giữ như thế nào?"
Nói rồi, Đỗ Mười, lúc đó mặc áo cộc tay, đã chỉ ngay những vết sẹo trên cánh tay khi bị tra tấn trong nhà tù Thực dân Pháp tại Hoả Lò.
Rồi ông hỏi: "Thế ông, có vết sẹo nào không?"
Ông Peterson nói có một vết sẹo sau lưng, do bị thương khi máy bay rơi và bị bắt.
Đỗ Mười liền đòi xem, và Peterson, lúc đó mặc bộ vét và đeo cà vạt, đã ngạc nhiên hỏi lại, "Here, now (Tại đây, ngay bây giờ)?"
Đỗ Mười nói: "Đúng, tại đây và ngay bây giờ."
Thế là Peterson đành phải "vạch áo cho Đỗ Mười xem lưng".
Thế rồi, khi quay trở lại ghế của mình, Đỗ Mười lại nói: "Tôi vẫn muốn hỏi lại ông câu hỏi đó."
Peterson đáp lại: "Thưa Ngài, trong thời gian chiến tranh cả hai bên chúng ta gây ra nhiều điều cho nhau. Tôi muốn đề nghị với Ngài, hôm nay chúng ta không nói chuyện về quá khứ. Nguyện vọng của tôi là muốn hướng về phía trước, xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước."
Nghe tới đó, Đỗ Mười đứng dậy, rảo bước tới chỗ Peterson, và bắt tay ông, trước khi nói: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ông."
Liệu HNS Peterson có phải là người đầu tiên đưa ra cái tứ "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không", thưa ông?
Thực ra, trong những cuộc gặp trước đó của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch với phía Mỹ, tôi đã thấy toát ra điều này. Nhưng có lẽ ông Peterson là người đầu tiên, chí ít là từ phía Mỹ, nói ra điều này, trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.
Sau cuộc gặp, tôi đã gặp riêng Peterson, và nói rằng tôi rất mừng là trong phái đoàn quốc hội Mỹ có một người có tư tưởng tiến bộ như ông. Tôi nói với ông rằng tôi với ông cùng là cựu chiến binh, ông là không quân, tôi lục quân. Ông khác tôi là đã từng là tù binh, chịu khổ sở ở Hoả Lò, còn tôi thì không.
Tôi nói: "Tuy chúng ta cùng có quan điểm tiến bộ, nhưng tôi phục ông hơn. Bởi vì ông đã từng bị bắt, còn tôi chưa, và tôi không hiểu lập trường của tôi thế nào, nếu tôi cũng từng là tù binh."
Bắt đầu từ đó tôi có một mối quan hệ cá nhân với ông Peterson. Chúng tôi vẫn trao đổi ý kiến và nhận xét liên quan đến quá trình bình thường hoá bang giao Mỹ - Việt.
Lúc đó, cả tôi và ông Peterson không thể đoán nổi trong tương lai chúng tôi sẽ có quan hệ như thế nào. Bởi vì ông không hình dung là sẽ có một ngày ông sẽ là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ bang giao và giao thương giữa hai nước.
Và tôi cũng không hình dung được tôi sẽ là trưởng đại diện của General Electric, và hàng năm, kể từ năm 1997 đến 2002, luôn phải điều trần trước Quốc hội Mỹ để họ chấp thuận gia hạn thêm một năm việc miễn áp dụng Tu chính án Jackson-Vanik.
(Còn tiếp...)
- 4 đời Tổng thống với bình thường hóa bang giao Việt - Mỹ -"Phía Việt Nam đã phạm sai lầm, ít ra là trong năm 1977, khi cố yêu cầu phía Mỹ thực hiện điều 21 của Hiệp định Paris, bởi vì hiệp định này đã bị cả hai phía Việt Nam vi phạm. Vì vậy, không đời nào quốc hội Mỹ chấp nhận chuyện này. Và đòi hỏi của phía Việt Nam, trong nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Jimmy Carter, đã tạo cớ cho những người muốn chống lại bình thường hoá bang giao Mỹ - Việt" - Cựu Đại tá Lục quân Andre Sauvageot.
LTS: Năm 1964, có một đại uý trẻ của Lục quân Mỹ được cử sang Việt Nam với vai trò cố vấn cho một quận trưởng của Chế độ Việt Nam Cộng hoà.
Chín năm sau, khi Hiệp định Paris được ký kết, viên sĩ quan Mỹ này kiên quyết từ chối kéo dài sự phục vụ của mình ở Việt Nam, mặc dù, anh ta vẫn tiếp tục ở lại trong quân đội với một vai trò khác - sĩ quan huấn luyện tại một trung tâm huấn luyện ở Mỹ. Lý do viên sĩ quan này đưa ra là sự "cố đấm ăn xôi" của người Mỹ ở Việt Nam là vô nghĩa, và sự ủng hộ và kỳ vọng của Chính quyền Washington đối với Chế độ Việt Nam Cộng Hoà là không có cơ sở!.
Đó là Andre Sauvageot.
Người sĩ quan trẻ tuổi này sang Việt Nam với hai niềm tin. Thứ nhất là bổn phận của một người lính là phải sẵn sàng ra trận vì Tổ quốc. Thứ hai là ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ra toàn Việt Nam và Đông Nam Á!
Andre trở về Mỹ với một niềm tin bị đánh mất. "Chính quyền Mỹ lúc đó đã nói dối nhân dân Mỹ và những người lính như chúng tôi về nguy cơ bành trướng của những người cộng sản Bắc Việt, hoặc, họ đã nói dối cả chính mình", Andre nhận định.
Với nhận thức như vậy, Andre đã cố gắng góp sức mình vào việc hàn gắn và phát triển quan hệ giữa hai nước, từ vị trí chuyên viên Bộ Quốc phòng, Ngoại giao..., đến cương vị một nhà kinh doanh. Từ vị trí một phiên dịch xuất sắc cho các cuộc đàm phán quan trọng giữa hai phía về bình thường hoá, đến một chuyên gia phân tích chính trị sắc sảo.
Cựu Thứ trưởng Lê Văn Bàng, người đã khuyên Andre nên nhận lời mời của General Electric làm trưởng đại diện cho họ tại Việt Nam đầu năm 1993, để có cơ hội đóng góp vào việc cải thiện quan hệ giữa hai nước, đã nhận xét:
"Có những lúc, cuộc tranh luận về vấn đề POW/MIA, vào cuối những năm '80 rất căng thẳng, hai bên không thoả thuận được với nhau. Ông ấy (Andre Sauvageot), mặc dù chỉ là một phiên dịch, đã đứng ra dàn hoà hai bên, và làm cho không khí nó êm ái trở lại để đi đến kết quả. Sau này ông ấy nghiên cứu đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam và chuyển sang tiếng Anh, để giúp người Mỹ tại Mỹ hiểu rõ hơn lập trường của Việt Nam."
Tuần Việt Nam xin giới thiệu đánh giá về quá trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam qua bốn đời tổng thống Mỹ của ông Andre Sauvageot, với tư cách một nhân chứng, một chuyên gia phân tích và một cử tri.
- Phóng viên Huỳnh Phan: Theo Peter Arnett, cựu phóng viên chiến trường ở Việt Nam và cũng là người theo dõi quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ thời hậu chiến, Tổng Thống Jimmy Carter có quan điểm tiến bộ, còn Tổng Thống Ronald Reagan thì lại là người bảo thủ, trong quan hệ với Việt Nam. Theo Peter Arnett, quan điểm của chính quyền Reagan là không muốn có một Việt Nam mạnh. Và chỉ khi Tổng thống George W.H. Bush (cha) lên, chính quyền Mỹ mới nhận thức rằng ủng hộ cho Pol Pot là khuyến khích cho một tội ác dã man.
Là người tham gia gần như từ đầu vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, ông có chia sẻ nhận định này của nhà báo Peter Arnett hay không?
- Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot: Tôi đồng ý với nhận định đó, nhưng chỉ một nửa thôi, với cả ba người. Tôi bỏ phiếu cho Jimmy Carter một lần, Ronald Reagan 2 lần, và George Bush một lần.
Vậy chúng ta hãy bắt đầu từ Tổng thống Jimmy Carter. Tại sao ông bỏ phiếu cho ông ta?
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi quyết định không bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Cộng hoà của Richard Nixon nữa. Và tôi chọn Jimmy Carter vì tôi nghĩ ông thông minh, nhân đạo.
Tôi biết một số người trong Nhóm tư vấn của Tổng thống Carter trong thời gian chuyển giao quyền lực. Ngay khi Carter trúng cử tôi đã viết một báo cáo nêu lý do tại sao cần thiết lập bang giao với Việt Nam, nhằm giúp họ về lập luận để thuyết phục ông Carter. Họ thích, và phản ứng của Carter lúc đầu cũng tích cực.
Và phía Việt Nam cũng đã phạm sai lầm, trong năm 1977, và bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá.
Ông nói tới lập trường kiên quyết của phía Việt Nam buộc Mỹ phải thực hiện điều 21 của Hiệp định Paris?
Đúng. Bởi hiệp định này đã bị cả hai Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vi phạm. Mặc dù Việt Nam Cộng hoà vi phạm trước, và vi phạm nhiều lần, nhưng vi phạm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vi phạm lớn hơn và đã thành công. Đầu năm 1974, tôi đã cùng một Thiếu tướng của Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ sang Việt Nam điều tra chuyện này, và tôi có thể khẳng định nhận định nói trên.
Vì vậy, không đời nào quốc hội Mỹ chấp nhận chuyện thi hành nghĩa vụ tài chính này. Và đòi hỏi của phía Việt Nam, trong nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Carter, đã tạo cớ cho những người muốn chống lại bình thường hoá bang giao. Tôi đã nói rõ điều này với phía Việt Nam, kể cả một số người của Bộ Ngoại giao Việt Nam lẫn người dân mà tôi gặp, khi qua Hà Nội đầu năm 1982.
Và đến cuối năm 1978, khi Việt Nam từ bỏ yêu cầu này từ phía Mỹ, quan điểm của Tổng thống Carter đã quay ngược 180 độ.
Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot (ngoài cùng bên phải) và Thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng. |
Lý do chính, theo ông, vì sao?
Tôi theo dõi kỹ và thấy rằng quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia dưới thời Khmer Đỏ, được sự ủng hộ của Trung Quốc, ngày càng căng thẳng. Việt Nam cho đến thời gian đó đã kiên trì với nỗ lực chính trị và ngoại giao với Mao Trạch Đông, rồi Đặng Tiểu Bình, nhưng bất thành.
Và đỉnh điểm là đến cuối năm 1978, Khmer Đỏ cho quân vượt qua biên giới Việt Nam, giết hàng trăm dân thường vô tội.
Rồi sau khi Việt Nam đưa quân vào giải phóng Phnompenh vào 7.1.1979, Đặng Tiểu Bình đã bay sang Washington DC, họp với Cố vấn An ninh Brzezinski, để lấy sự ủng hộ của chính quyền Carter cho cuộc xâm lăng Việt Nam một tháng sau đó.
Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi họp với Đặng Tiểu Bình, Brzezinski đã tuyên bố với những tờ báo lớn của Mỹ như New York Times, hay Washington Post như sau: "China said they will teach Vietnam a lesson. I say it will an entire curriculum."
Anh thấy đấy, Trung Quốc chỉ nói là một bài học thôi, nhưng Brzezinski lại khẳng định rằng không chỉ như vậy, mà cả một khoá học, với biết bao nhiêu bài học. Tức là thể hiện sự ủng hộ Trung Quốc trừng phạt Việt Nam một cách lâu dài rồi còn gì.
Như vậy, ông cho rằng chính Brzezinski đã tác động khiến Tổng thống Carter thay đổi quan điểm với Việt nam?
Tôi chưa bao giờ được nói chuyện trực tiếp với Carter, nên tôi không dám khẳng định điều đó. Tôi chỉ nêu ra các sự kiện theo trình tự của nó thôi.
Thất vọng thứ hai của tôi, là lúc tôi sang Bộ Ngoại giao năm 1980, làm cố vấn chính trị và quân sự của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái bình dương Richard Holbrooke, một người bạn cũ của tôi từ thời Chiến tranh Việt Nam. Tôi đã hy vọng sang đó sẽ sát cánh cùng Holbrooke, người đàm phán 3 lần với Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền năm 1977 và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào mùa thu năm 1978 về bình thường hoá bang giao Mỹ - Việt, tiếp tục tiến trình này. Nhưng ông ấy cũng thay đổi 180 độ luôn. Ông ta lại tích cực vận động để cô lập hoá Việt Nam, nhằm ép Việt Nam rút khỏi Campuchia, và giữ ghế của Pol Pot ở Liên Hiệp Quốc.
Holbrooke có mấy lần mang theo tôi đi phiên dịch cho ông ta, khi gặp Đại sứ Việt Nam tại LHQ Hà Văn Lâu. Và tôi còn nhớ mãi một lần Đại sứ Hà Văn Lâu nói: "Mỹ cấu kết với Trung Quốc chống lại Việt Nam tại Campuchia."
Holbrooke phủ nhận: "Không. Chúng tôi không cấu kết với Trung Quốc, mà chúng tôi có quyền lợi song song với nhau."
Tôi hiểu ông bạn cũ và thủ trưởng của tôi, ông Holbrooke, nếu không chấp hành chỉ đạo của cấp trên thì sẽ bị sa thải. Nhưng, với Tổng thống Jimmy Carter thì tôi thất vọng hoàn toàn.
Đó là lý do ông bỏ phiếu cho Ronald Reagan của Đảng Cộng hoà?
Còn thêm một lý do nữa là khi Liên Xô đưa quân vào Afganistan, ông ta đã rất ngạc nhiên và thốt lên: "Tôi đã có sự cam kết của người lãnh đạo cao nhất của Liên Xô là không làm như vậy." Ngây thơ quá!
Ông thấy trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Reagan đã làm được gì, theo sự kỳ vọng của ông?
Tổng thống Reagan, với sự cố vấn của những người hiểu biết, rõ ràng tìm ra cách khai thông quan hệ với Việt Nam mà dư luận và quân đội có thể chấp nhận được. Bởi điều hấp dẫn nhất với người Mỹ lúc đó là kiểm điểm người Mỹ mất tích ở Việt Nam. Đó là một nhu cầu quốc nội mà không có bất cứ chính trị gia nào chống lại được.
Và nhiệm vụ của Richard Armitage là đạt được sự hợp tác của Việt Nam để kiểm điểm tới mức tối đa người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tôi được cử làm người phiên dịch cho ông Armitage trong cả 3 chuyến ông sang Việt Nam vào tháng 2.1982, tháng 2.1984 và tháng 1.1986.
Nhưng hay nhất là ông Armitage, ngay từ lần đầu sang Việt Nam tháng 2.1982, đã nghe hết và ghi chép lại những ý kiến của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, hay đại diện phía Việt Nam, khi họ muốn mở rộng vấn đề thảo luận, ra bên ngoài vấn đề MIA - chủ đề duy nhất ông Armitage được phép thảo luận. Thậm chí, ông Armitage sẵn sàng ngồi thêm sau giờ thảo luận chính thức, và trịnh trọng hứa với ông Thạch là sẽ báo cáo với Tổng thống Reagan.
Ông có tin rằng những điều ông Thạch đề xuất sẽ được ông Armitage báo cáo lên Tổng thống Reagan?
Tại sao không? Bởi nếu Tổng thống không quan tâm đến chuyện đó, ắt hẳn lần thứ hai, lần thứ ba, ông Armitage sẽ không chịu khó ngồi nghe ông Thạch mở rộng vấn đề đâu, mà sẽ từ chối luôn.
Đó chính là tiền đề quan trọng để Đại tướng John Vessey - đặc phái viên của Tổng thống Reagan - được phép mở rộng nội dung đàm phán, như tìm kiếm người Việt Nam mất tích, hay Operation Smile, đưa bác sĩ Mỹ sang mổ cho trẻ em khuyết tật (hàm ếch) của Việt Nam. Tất cả những chương trình đó nằm trong Vessey's initiaves (Những sáng kiến của Vessey).
Tôi nghĩ tất cả những nỗ lực khôn khéo này của chính quyền Reagan đã mở đường cho hai nước thêm xích lại gần nhau, mặc dù vẫn chưa thể bình thường hoá được.
Những nỗ lực đó của ông Reagan đã được người kế nhiệm tiếp tục như thế nào?
Thứ nhất, Tổng thống Bush tiếp tục giữ lại Tướng Vessey làm đặc phái viên, nhằm giữ đà quan hệ. Và điều lớn nhất ông làm được trong nhiệm kỳ của mình vào tháng 4.1992, ông đã ký sắc lệnh nới lỏng lệnh cấm vận, bằng cách cho phép công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cũng như cho phép tiếp thị và bán dược phẩm, nhu yếu phẩm, nông sản, và thiết bị y tế.
Nhưng điều tôi khiến tôi thất vọng là vào cuối nhiệm kỳ của mình, ông đã không bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Việt Nam. Lúc đó, ông không còn chịu sức ép nào nữa, bởi đã thất cử và chỉ làm nốt những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng. Tại sao lại không bỏ cấm vận luôn đi?
Ông nghĩ là vì lý do gì?
Tôi nghĩ là lý do cá nhân. Ông ta không muốn tạo thuận lợi cho người đã thắng ông trong cuộc bầu cử trước đó. Hãy để cho Bill Clinton tự xoay xở, chắc ông Bush đã nghĩ vậy.
Nhưng vì sao ông Bush lại không làm việc đó từ tháng 4 đến tháng 11? Hay vì ngại mạo hiểm? Bởi khả năng mất phiếu ủng hộ từ những người chống bỏ cấm vận, như một số tổ chức cựu binh, hay gia đình người Mỹ mất tích, là hoàn toàn có thể.
Tôi không nghĩ ra một giả thuyết khác hay hơn. Và tôi nghĩ, nếu ông tái đắc cử, việc đầu tiên ông Bush làm là sẽ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam. Chứ không phải chờ một năm nữa như Tổng thống Bill Clinton.
Tại sao?
Ông Bush thuận lợi hơn nhiều, bởi ông là anh hùng của nước Mỹ trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Còn ông Clinton đã bị mang tiếng trong không ít cử tri Mỹ là kẻ nhát gan, không dám sang chiến đấu ở Việt Nam, nên phản đối quân dịch. Đó là luận điệu tuyên truyền của phe ông Bush trong chiến dịch tranh cử năm 1992.
Còn ông đánh giá thế nào về hành động đó của ông Clinton?
Tôi không nghĩ ông Clinton nhát gan, mà ông sáng suốt thì đúng hơn. Bởi tôi chỉ nhận thức rằng đó là một cuộc chiến tranh vô nghĩa với người Mỹ chỉ sau 9 năm phục vụ tại Việt Nam.
Ông Clinton lại có thêm một cái khó nữa là khi ông chuẩn bị bỏ cấm vận thì lại nổi lên vụ tài liệu Nga liên quan tới giả thuyết rằng Việt Nam đã đưa phi công Mỹ bị bắt sang Nga. Tôi còn nhớ khi dịch cho phái đoàn quốc hội do TNS John Kerry dẫn đầu sang Hà Nội xác minh về câu chuyện này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đã phản ứng rất mạnh. Ông nói với TNS Kerry: "Đó là một âm mưu phá hoại."
Và trong hai nhiệm kỳ của mình ông đã làm được hai việc rất quan trọng: bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thương mại với Việt Nam. Tuy Hiệp định thương mại Mỹ - Việt phải chờ sang tới nhiệm kỳ của ông Bush con mới được Quốc hội phê chuẩn.
(còn tiếp...)-
-Ðòi hỏi quá găng, Việt Nam lỡ nhiều dịp bang giao với Mỹ-Cựu đại sứ Việt Nam Lê Văn Bàng thú nhận
HÀ NỘI (NV) - Nhất định buộc Mỹ phải bồi thường chiến tranh rồi mới chịu thiết lập bang giao. Mỹ không chịu. Tới khi muốn quá, nài nỉ xin được bang giao vô điều kiện thì bị lờ đi vì nước Mỹ có những tính toán khác.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn Lê Văn Bàng. (Hình: Tuần Việt Nam)Ðây là những điều được ông Lê Văn Bàng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn sau lên làm thứ trưởng Ngoại Giao, nghỉ hưu năm 2010, kể lại qua cuộc phỏng vấn của ký giả Huỳnh Phan trên báo điện tử Tuần Việt Nam.
Lỡ quá nhiều dịp vì các tính toán sai lầm của đám lãnh tụ Hà Nội cộng với hoàn cảnh của một nước nhỏ trên bàn cờ quốc tế, bởi vậy, đàm phát từ sau khi chiến tranh chấm dứt, mãi 20 năm sau Việt Nam mới thiết lập được bang giao với Mỹ.
Cuộc phỏng vấn ông Bàng được Tuần Việt Nam phổ biến trong hai ngày 6 và 7 tháng 12, 2011. Ông là một nhà ngoại giao có cơ hội tham dự từ đầu các cuộc đàm phán cho tới khi trở thành đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Hoa Thịnh Ðốn.
Bắt đầu đàm phán bang giao từ năm 1977 dưới thời Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter, Lê Duẩn là tổng bí thư đảng CSVN, ông Lê Văn Bàng nhìn nhận việc Việt Nam nhất định đòi Mỹ $3.25 tỉ USD viện trợ không hoàn lại trong 5 năm và khoảng $1 tỉ USD đến $1.5 tỉ USD viện trợ lương thực và hàng hóa “không ngờ đó lại là chỗ nghẽn trong đàm phán bình thường hóa giữa Việt Nam và Mỹ.”
Phía Hà Nội “kiên quyết đòi” khi viện dẫn điều 21 của bản Hiệp Ðịnh Paris và cả công hàm Tổng Thống Nixon gửi cho Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng năm 1973 đề cập đến viện trợ. Nhưng không ngờ lại bị ông Nixon “gài” ngược bằng lời rào đón trong công hàm là viện trợ “theo những quy định của hiến pháp” của mình.
Tổng Thống J. Carter thuộc đảng Dân Chủ nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, muốn thiết lập bang giao với Việt Nam nhưng “ông ta vấp phải một thách thức rất lớn từ phái Cộng Hòa trong Quốc Hội,” ông Bàng nói.
“Từ đầu tháng 5, 1977, khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán bình thường hóa ở Paris, Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam,” ông nói.
Sau đó, tình hình khu vực biến chuyển nhanh chóng và dồn dập.
“...nhất là sự căng thẳng với Trung Quốc, với việc cắt viện trợ và rút chuyên gia về nước, và Campuchia, khi chính quyền Khmer Ðỏ đã có các cuộc xâm phạm biên giới phía Tây Nam, lên tiếng đòi xem lại vấn đề phân định lãnh thổ giữa hai nước, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao”, ông nói. Cũng thời gian này, Việt Nam quyết định bám vào Nga hoàn toàn “chuẩn bị ký hiệp ước liên minh với Nga, cho phép hải quân của họ sử dụng Cam Ranh. Ðổi lại Liên Xô tăng viện trợ cho Việt Nam.” Ông nói Việt Nam chuyển hướng chiến lược nên nhu cầu đòi tái thiết từ viện trợ Mỹ “không còn quan trọng như trước nữa.”
Trước sức ép quá nóng từ phương Bắc, Hà Nội cử một phái đoàn đi Hoa Thịnh Ðốn vì “nếu không có luồng gió ôn hòa từ phía Tây thì căng lắm.”
Ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc này là thứ trưởng Ngoại Giao, được cử đi “sang đàm phán kín với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Holbrooke, chấp nhận bình thường hóa vô điều kiện.”
Tuy nhiên, đạt được thỏa thuận với ông Holbrooke rồi, “ông Thạch chờ suốt mà không có câu trả lời từ Bộ Ngoại Giao Mỹ.” Ông Bàng kể lại rằng: “Sự nhượng bộ của Việt Nam đã quá muộn, bởi, trong thời gian đó, đã có những biến chuyển mạnh mẽ của tình hình thế giới, và Mỹ không thể ứng xử như cũ. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc lúc đó là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.”
Ông Bàng xác nhận phía Việt Nam quá thèm bang giao với Mỹ đến độ cử vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thời đó là Trần Quang Cơ sang New York từ tháng 9, 1978 và “cố chờ” câu trả lời nên ở đó đợi đến tháng 1, 1979 (gần tới lúc Việt Nam bị Trung Quốc đánh dọc 6 tỉnh biên giới), hy vọng Mỹ thỏa thuận xong với Trung Quốc thì sẽ tính tới chuyện bang giao với Việt Nam nhưng vẫn không thấy gì.
Ông Bàng cho biết phía Việt Nam đã chuẩn bị người để mở đại sứ quán “đâu vào đấy” để mở sứ quán ngay sau khi ký kết bình thường hóa.
Theo ông Bàng, Mỹ tập trung vào “con bài” Trung Quốc, “dựa trên cơ sở sự bất đồng sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhằm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới giữa Mỹ và Liên Xô.” Bởi vậy, “đến thời điểm lãnh đạo Việt Nam thực sự mong muốn bình thường hóa ngay với Mỹ, phía Mỹ lại chưa muốn. Bởi, như vậy, họ khó thúc đẩy bình thường hóa và cải thiện quan hệ với Trung Quốc được.”
Ông Bàng cho rằng, trong nỗ lực thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ, “Việt Nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị ‘dập’ bất cứ lúc nào.”
Rồi đến cuối năm 1978 Việt Nam tấn công chiếm đóng Campuchia, thì “mọi mối tiếp xúc (đàm phán bang giao) hầu như bị cắt đứt,” ông nói.
Nước Mỹ tức giận nên “ngay cả vấn đề MIA/POW, một trong những lời hứa của ông Jimmy Carter với hiệp hội những gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh khi tranh cử, Mỹ cũng chẳng quan tâm nữa.”
Mãi tới khi kiệt quệ kinh tế, năm 1985 lạm phát lên tới 430% (theo tài liệu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), chế độ Hà Nội thấy không còn con đường nào khác ngoài việc “đổi mới” kinh tế để tự cứu mình khỏi thế bị bao vây, cô lập,” Mỹ mới có ý đối thoại trở lại.
Năm 1986, lạm phát Việt Nam là 453.5%, cuối năm, hai Nghị Sĩ Gary Hart và Richard Lugar đến Hà Nội, gặp ông Nguyễn Cơ Thạch.
“Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hóa là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.” Ông Bàng kể. Việt Nam vội vàng đồng ý nhưng “cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9, 1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.”
Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng không tin phía Việt Nam thành thật trong việc hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Thậm chí phải đưa một phái đoàn Mỹ tới một nhà tù ở Thanh Hóa bị nghi là còn giữ tù binh Mỹ để kiểm soát.
Tới thời TT Clinton, khi Mỹ đồng ý bỏ cấm vận Việt Nam năm 1993, lại “rộ lên chuyện tài liệu Nga.” Thời gian này, vì có tin tung ra từ Nga là tù binh Mỹ được CSVN gửi sang Nga, lại còn được đại tá tình báo Nga Kalugin xác nhận. Hà Nội phải giải thích, chứng minh vất vả mãi đến năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận hoàn toàn thì năm sau mới thiết lập được bang giao.
Bây giờ, sau những bước đi chậm chạm, Việt Nam đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa gỡ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam.
Khi gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp Liên Hiệp Quốc ngày 26 tháng 9, 2011, bà ngoại trưởng Mỹ vẫn đòi hỏi Hà Nội phải cải thiện nhân quyền để hai nước có thể tiến xa hơn nữa trong mối bang giao nhiều mặt. (TN)-
Việt nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị "dập" bất cứ lúc nào.
LTS: Có thể nói trong quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ Việt - Mỹ gần 4 thập kỷ qua, ông Lê Văn Bàng là người chứng kiến và tham gia ở các mức độ khác nhau hầu như từ đầu tới cuối.
Từ một chuyên viên theo dõi tình hình thực hiện Hiệp định Paris, theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị, đến vị trí phụ trách quan hệ của Vụ Bắc Mỹ.
Từ một trưởng phòng liên lạc, đại biện lâm thời, rồi trở thành đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.
Thôi chức thứ trưởng ngoại giao vào đầu năm 2008, ông lại tham gia dự án KX03 về chính sách đối ngoại của Đảng, trong đó phần của ông là quan hệ song phương Việt - Mỹ trong các mối tương quan song phương và đa phương khác.
Kể từ tháng 4. 2011, ở tuổi 64, ông lại tham gia vào một chương trình khác liên quan đến hai quốc gia nhiều duyên nợ này - dự án bệnh viện Việt - Mỹ.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu của trao đổi với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng về những dấu mốc trong tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, với cả những nỗ lực xích lại gần nhau và những hiểu lầm, những bước tiến và bước hụt, trong những bối cảnh lợi ích của hai bên tham gia tiến trình này bị tác động, chi phối bởi những lợi ích trong những mối quan hệ khác.
- Nhà báo Huỳnh Phan: Lần đầu tiên ông tiếp xúc với người Mỹ là khi nào?
- Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng:Đó là khi ông Henry Kissinger vào Hà Nội đầu năm 1973 (10.1-13.1), do ông Lê Đức Thọ mời, trước khi hai bên chính thức ký Hiệp định Paris vào 27.1.1973. Một dịp may bất ngờ đối với một nhân viên ngoại giao mới vào ngành được vài tháng như tôi (ông Lê Văn Bàng vào Bộ Ngoại giao tháng 10.1972, sau khi tốt nghiệp đại học ở Cuba, chuyên ngành tiếng Anh - TG).
Đoàn của ông Kissinger đến Nội Bài vào buổi tối. Khi đó, sân bay Nội Bài còn tung toé hết lên, chỉ được mỗi cái đường băng là tử tế. Tôi được giao toàn bộ nhóm phi công chuyên cơ, khoảng 20 người, làm hướng dẫn và phiên dịch cho họ.
Tuy vậy, tôi vẫn có hai kỷ niệm đáng nhớ về ông Kissinger.
Kỷ niệm thứ nhất là khi dẫn cả đoàn ông Kissinger đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật (ở đường Nguyễn Thái Học), nhân dân nghe tin có Kissinger đến, họ tập trung rất đông dưới sân bảo tàng biểu tình phản đối. Nhiều người còn cầm đá, cầm gạch, bịt chặt cửa không cho đoàn ra.
Tôi cảm thấy căng quá. Hà Nội vừa mới trả qua đợt tàn phá kinh khủng của B52 Mỹ suốt 12 ngày đêm mà. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng tôi cũng dẫn được đoàn Kissinger ra ngoài theo lối cửa sau, ra đường Cao Bá Quát.
Kỷ niệm thứ hai là khi dẫn ông tới Bảo tàng Lịch sử. Khi nghe dịch cái biển ghi 4 câu thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư", ông ấy nói luôn: "Đây là Điều khoản 1 của Hiệp định Paris (khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam)".
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng |
Ấn tượng của ông về ông Kissinger?
Trước đó, tôi cũng đọc nhiều về Kissinger, và, khi gặp, tôi cảm nhận ông quả là một người giỏi giang, uyên bác, và có nhiều mưu mẹo. Hơn nữa, đối đầu được với ông Lê Đức Thọ trên bàn đàm phán suốt 4 năm ròng chắc hẳn không phải tay vừa.
Ý ông muốn nói đến việc ông Kissinger đã khéo léo "đẩy" cam kết cụ thể phía Mỹ trong viện trợ giúp hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết thời hậu chiến ở Việt Nam (3,25 tỷ USD viện trợ không hoàn lại trong 5 năm và khoảng 1-1,5 tỷ USD viện trợ lương thực và hàng hoá), như ông Lê Đức Thọ đã kiên quyết đòi hỏi, sang bức công hàm của Tổng thống Richard Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngày 1.2.1973)?
Hơn nữa, trong bức công hàm này, Tổng thống Nixon còn gài thêm rằng "mỗi thành viên thực hiện theo những quy định của Hiến pháp của mình". Theo qui định của Hiến pháp Mỹ, có viện trợ không và viện trợ bao nhiêu là do bên lập pháp quyết định, chứ không phải bên hành pháp.
Đúng vậy. Và không ngờ đó lại là chỗ nghẽn trong đàm phán bình thường hoá giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm sau đó.
Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, phía Việt Nam đã chiến thắng khi buộc Mỹ phải ký hiệp định hoà bình và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, tiếp nhận một đất nước bị tàn phá vào thời điểm thống nhất đất nước, cộng với kinh tế ngày càng khó khăn những năm sau đó, yêu cầu kiên quyết của phía Việt Nam là Mỹ viện trợ để tái thiết, theo điều khoản 21 của hiệp định, là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter của Đảng Dân chủ lên nắm quyền (đầu năm 1977), và thể hiện mạnh mẽ mong muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ông ta lại vấp phải một thách thức rất lớn từ phái Cộng hoà trong Quốc hội.
Khi thấy vấn đề MIA/POW (người mất tích trong chiến tranh và tù binh) của Mỹ bị phía Việt Nam gắn với điều 21 của Hiệp định, và cả bức thư hứa hẹn của Tổng thống Nixon, những nghị sĩ Cộng hoà đã phản ứng rất mạnh. Đỉnh điểm là đầu tháng 5.1977, khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán bình thường hoá ở Paris, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam.
Có phải đó là lý do, trong chuyến đi một số nước châu Á vào tháng 7.1978, Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền đã tuyên bố với báo chí quốc tế là Việt Nam không yêu cầu thực hiện điều 21 của hiệp định nữa, hay không? Bởi trong ba vòng đàm phán trong năm 1977 ở Paris, do chính ông Phan Hiền làm trưởng đoàn, Việt Nam luôn coi việc thực hiện điều 21 là điều kiện tiên quyết để bình thường hoá.
Tôi nghĩ còn có thêm một lý do quan trọng khác nữa. Đến lúc đó, lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức được tình hình đã thay đổi quá nhiều, nhất là sự căng thẳng với Trung Quốc, với việc cắt viện trợ và rút chuyên gia về nước, và Campuchia, khi chính quyền Khmer Đỏ đã có các cuộc xâm phạm biên giới phía Tây Nam, lên tiếng đòi xem lại vấn đề phân định lãnh thổ giữa hai nước, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Việt Nam, lúc đó, đã đồng ý vào COMECON (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), chuẩn bị ký một hiệp ước đồng minh với Liên Xô, và cho phép hải quân của họ sử dụng Cảng Cam Ranh. Đổi lại, Liên Xô cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam.
Tức là đến thời điểm đó, lãnh đạo Việt Nam đã có sự chuyển hướng chiến lược. Và, như vậy, nhu cầu tái thiết từ viện trợ của Mỹ không còn quan trọng như trước nữa.
Tức là chính sức ép từ phía Bắc, và phần nào đó từ phía Tây Nam, đã khiến lãnh đạo Việt Nam quyết định phải nhanh chóng bình thường hoá vô điều kiện với Mỹ?
Đúng vậy. Trước sức nóng chủ yếu từ phương Bắc, nếu khộng có luồng gió ôn hoà từ phía Tây thì căng lắm. Và, vì vậy, vào tháng 9.1978, Việt Nam cử một trưởng đoàn mới là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang đàm phán kín với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Holbrooke, chấp nhận bình thường hoá vô điều kiện.
Thoả thuận xong với ông Holbrooke, ông Thạch chờ suốt mà không có câu trả lời từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Sự nhượng bộ của Việt Nam đã quá muộn, bởi, trong thời gian đó, đã có những biến chuyển mạnh mẽ của tình hình thế giới, và Mỹ không thể ứng xử như cũ. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc lúc đó là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Mike Morrow, người đầu tiên phỏng vấn được ông Nguyễn Cơ Thạch khi ông lên nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1980, có kể rằng, trong cuộc phỏng vấn đó, ông Thạch tiết lộ rằng ông đã nói thẳng với người đồng cấp Holbrooke rằng Mỹ không cần phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tức là có thể bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, rồi sau đó với Việt Nam.
Việc Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Trần Quang Cơ, người sang New York cùng ông Thạch hồi tháng 9.1978, còn cố chờ sang cả tháng 1.1979, tức là sau khi Mỹ đã ký thoả thuận xong với với Trung Quốc, càng khẳng định cho quyết tâm "còn nước còn tát" này của phía Việt Nam.
Đúng là Việt Nam đã thực sự hy vọng sẽ bình thường hoá được với Mỹ trong thời gian đó. Tôi còn nhớ là đã được Bộ Ngoại giao cử vào biên chế đại sứ quán tương lai, phụ trách mảng văn phòng. Tuy đại sứ chưa chọn, nhưng biên chế sứ quán thì đâu vào đấy. Tháng 12.1978, Bộ Ngoại giao Mỹ còn chuyển cho phía Việt Nam ảnh chụp toà đại sứ ở Washington D.C. của chính quyền Sài Gòn cũ nữa.
Tức là chúng ta đã tính đến việc lập ngay sứ quán khi thoả thuận bình thường hoá được ký kết.
Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn tiếp Đại sứ Lê Văn Bàng tại Lễ trình Quốc thư. |
Phóng viên kỳ cựu của hãng AP là Peter Arnett, người đã tháp tòng đoàn nghị sĩ Mỹ vào Hà Nội mùa hè năm 1976, đã nói rằng dưới thời Tổng thống Carter, Mỹ muốn cải thiện quan hệ của mình ở Trung Mỹ với việc trả kênh đào Panama cho nước này quản lý. Ông đã tập trung nhiều công sức và thời gian để thuyết phục Quốc hội phê chuẩn hiệp ước mà ông ký với Tướng Omar Torrijos vào tháng 9.1977, và vì vậy đã sao nhãng phần nào câu chuyện bình thường hoá với Việt Nam.
Ông có ý kiến gì về nhận định đó?
Tôi nghĩ ông ta hoàn toàn chính xác khi nói tới nỗ lực của Tổng thống Carter trong việc lấy lại hình ảnh và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Mỹ, và Mỹ La tinh nói chung. Bởi, sau Việt Nam, Mỹ thất thế cả về uy tín lẫn kinh tế, và Liên Xô đã tranh thủ mở rộng ảnh hưởng, rất mạnh. Họ vươn tay tới Angola, Mozambique, hay Ethiopia ở châu Phi, và nhất là Nicaragua - một quốc gia nằm ngay "sân sau" của Mỹ.
Nhưng quan trọng hơn, Mỹ đã phải tập trung vào "con bài" Trung Quốc, dựa trên cơ sở sự bất đồng sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhằm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới giữa Mỹ và Liên Xô.
Đến thời điểm lãnh đạo Việt Nam thực sự mong muốn bình thường hoá ngay với Mỹ, phía Mỹ lại chưa muốn. Bởi, như vậy, họ khó thúc đẩy bình thường hoá và cải thiện quan hệ với Trung Quốc được.
Tóm lại, Việt nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị "dập" bất cứ lúc nào.
Khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia cuối năm 1978, mọi mối tiếp xúc hầu như bị cắt đứt. Ngay cả vấn đề MIA/POW, một trong những lời hứa của ông Jimmy Carter với hiệp hội những gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh khi tranh cử, Mỹ cũng chẳng quan tâm nữa.
Thậm chí đến năm 1981, khi chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ một chuyến thăm cho ông Andrew Young, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và cựu cố vấn của Tổng thống Carter, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan vẫn không chấp thuận cho họ sang Việt Nam.
Mọi chuyện phải chờ đến năm 1985, Mỹ mới quay lại Việt Nam...
-Việt Nam với nước lớn hay chuyện lòng tin và lợi ích-
Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật, và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại rất khác nhau.
Tại sao ông lại cho rằng từ năm 1985 người Mỹ mới thực sự quan tâm lại tới Việt Nam?
Tình hình thế giới và khu vực từ lúc đó đã quá thay đổi.
Thứ nhất, sự đe doạ của Liên Xô không còn nữa, với việc ông Michail Gorbachev lên nắm quyền vào đầu tháng 3.1985, và tiến hành perestroika (cải tổ). Họ, một mặt, phải tập trung vào giải quyết vấn đề của chính mình, và, mặt khác, lại mở cửa với phương Tây, hoà dịu với Mỹ.
Thứ hai, cũng chính vì vậy, con bài Trung Quốc đối với người Mỹ cũng bị giảm giá trị theo. Đó là chưa nói sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến họ cũng gặp phải những vấn đề của mình, và trong quan hệ với Mỹ. Đỉnh điểm là sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khiến quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng.
Thứ ba, yếu tố khu vực cũng có sự tác động tích cực với tiến trình Việt - Mỹ. Các nước ASEAN tuy vẫn phản đối Việt Nam về chuyện đưa quân sang Campuchia, nhưng đã có những nỗ lực muốn giảm sự đối đầu trong khu vực để chuyển sang đối thoại. Bởi năm 1985 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra tuyên bố trước quốc tế là sẽ hoàn thành rút quân khỏi Campuchia trước năm 1990.
Chẳng hạn như sáng kiến "Jakarta Cocktail" (Tiệc rượu Jakar ta) của Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas giúp cho 4 phái kháng chiến Campuchia ngồi với nhau, và các nước Đông Dương và ASEAN gặp nhau không chính thức (JIM1 và JIM2)...
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bản thân trong nội bộ Việt Nam cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đại hội Đảng đã khẳng định quyết tâm mở cửa và hội nhập của Việt Nam để thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập.
Về đối ngoại, đây cũng là dấu mốc chính thức cho chủ trương đối thoại thay cho đối đầu - tiền đề cho quá trình bình thường hoá quan hệ, không chỉ riêng với Mỹ.
Nhưng tại sao phải mất tới 10 năm, với ba nhiệm kỳ tổng thống nữa (Reagan, Bush cha và Clinton), hai nước mới có thể chính thức hoàn tất việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao?
Cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI của Việt Nam, phía Mỹ có cử một đoàn do hai hai thượng nghị sĩ là Hart và Lugar dẫn đầu vào Việt Nam. Họ vào gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nói rằng tình hình khu vực thay đổi và phía Mỹ muốn đối thoại với Việt Nam. Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hoá là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.
Bộ trưởng Thạch hiểu câu chuyện, hiểu người Mỹ, và ông biết Việt Nam phải hợp tác tốt trong vấn đề POW/MIA thì Mỹ mới bỏ cấm vận kinh tế, trước khi bình thường hoá quan hệ.
Ông nói với phía Mỹ rằng đây là vấn đề nhân đạo nên hai bên cùng thể hiện thiện chí với nhau, và đề xuất mở hai diễn đàn: một diễn đàn về POW/MIA, và diễn đàn kia về việc giúp đỡ những người bị tàn tật trong chiến tranh với chân tay giả, xe đẩy... Phía Mỹ thấy có thể chấp nhận được, và OK ngay.
Phải nói ông hành động rất khôn khéo, vẹn cả đôi đường.
Nhưng cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9.1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.
Còn đối với vấn đề POW/MIA, trong Quốc hội Mỹ có nhiều nghị sĩ, nổi bật nhất là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Bob Smith, của bang New Hampshire, luôn dùng luận điểm này để chống bình thường hoá với Việt Nam. Ông Bob Smith này luôn nói là Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ, và điều này tác động đến lòng người ở Mỹ rất mạnh, nhất là đối với hiệp hội những gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh và một số tổ chức cựu binh Mỹ.
Tôi còn nhớ là sang đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W. Bush (cha), khoảng năm 1990-1991 gì đó, có một đoàn của Mỹ sang Việt Nam, và yêu cầu cho phép họ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không. Ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ, tôi không nhớ tên, nói: "Sau khi ăn cơm trưa ở Nhà khách Chính phủ, các ông đưa chúng tôi sang Sân bay Gia Lâm, có một trực thăng chuẩn bị sẵn ở đó. Lúc đó chúng tôi mới nói cần đi đâu."
Bộ trưởng Thạch lại quyết định ngay: Phải chấp nhận mới xây dựng được lòng tin. Lên máy bay, họ chỉ về phía Nam, đến một khu rừng ở Thanh Hoá, đến một cái trại giam tù binh thời chiến tranh, lán trại đã mục nát. Chúng tôi chỉ cho họ xem cỏ mọc dày hết cả lối đi, tức là đã lâu lắm rồi không có người qua lại, lúc đó họ mới tin.
Rồi sang thời của Tổng thống Bill Clinton, khi Việt Nam và Mỹ đã thoả thuận rằng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vào mùa hè năm 1993, và thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cơ quan liên lạc, sau chuyến đi của đặc phái viên tổng thống, cựu ngoại trưởng Edmund Musky vào tháng 4 năm đó, thì bên Mỹ lại rộ lên chuyện "tài liệu Nga".
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng |
Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 5.1993, nhóm làm phim của ABC News vào Việt Nam với mục đích xác minh lại câu chuyện đó, và yêu cầu gặp bằng được Trung tướng Trần Văn Quang. Phóng viên Jim Laurie nói với hai anh em hướng dẫn viên báo chí (thuộc Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao) rằng họ vừa ghé qua Moscow trước khi đến đây, và còn giơ cho chúng tôi xem bản "tài liệu Nga" đó.
Câu chuyện đầu đuôi thế nào nhỉ, thưa ông?
Một nhân vật chống Việt Nam rất mạnh tên là Stephen Morris, làm tại Đại học John Hopkins, đã tung ra bản tài liệu đó và nói rằng ông ta đã lấy được khi qua Moscow. Theo tài liệu này, Trung tướng Trần Văn Quang đã báo cáo với Bộ Chính trị Việt Nam liên quan đến những tù binh Mỹ được gửi sang Liên Xô.
Thế là Chính phủ Mỹ liền tập trung điều tra, yêu cầu gọi Tướng Quang và những người Nga có liên quan trả lời về nghi vấn này. Trong khi đó, Đại tá tình báo Nga Kalugin lại đổ thêm dầu vào lửa, khi phát biểu rằng vấn đề này là có thật.
Vì tài liệu đó mà cần thời gian xác minh, loại bỏ hiểu lầm. Nhưng chuyến đi của ông Musky coi như thất bại. Những gì mà cả hai chính phủ kỳ vọng đã bị vô hiệu hoá.
Tôi vẫn còn nhớ, đầu năm 1993, Bộ Ngoại giao đã cử tôi đi làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, với tâm thế là sẽ đi Washington D.C. để thành lập cơ quan liên lạc, và bàn giao nhiệm vụ ở LHQ cho người phó của tôi là ông Ngô Quang Xuân.
Và đến tháng 7.1993, Tổng thống Clinton chỉ tiến thêm được một bước nữa trong việc tiếp tục nới lỏng cấm vận, khi quyết định cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn việc thiết lập cơ quan liên lạc hai bên phải chờ thêm một năm rưỡi nữa (1.1995), sau khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế gần một năm trước đó (3.2.1994).
Công việc của ông với tư cách là Trưởng phòng Liên lạc, cho tới khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, và ông trở thành Đại biện Lâm thời?
Thì vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề POW/MIA. Ngoài ra là các vấn đề nhân đạo và giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh.
Chẳng hạn phía Mỹ đòi Việt Nam phải trả khoản tiền hơn 200 triệu USD do công dân Mỹ để lại ở Sài Gòn khi di tản vào tháng 4.1975, như nhà, ô tô, tài sản....
Chủ yếu là do họ tự kê khai và qui ra tiền thôi, nhưng đàm phán đi đàm phán lại, rút cục, chúng ta vẫn phải chấp nhận. Nhưng, đổi lại, phía Mỹ đã hứa dùng toàn bộ số tiền này để giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, và đưa vào quỹ học bổng Fulbright, mỗi năm chi đâu khoảng 6-7 triệu USD.
Món nợ của quá khứ đã trở thành khoản đầu tư cho tương lai.
Với tư cách là người tham gia từ đầu tới cuối tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ, và cũng là đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về tiến trình này?
Kể từ thời điểm bình thường hoá đến tận bây giờ, vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á đã đóng vai trò quyết định trong những quyết định lớn Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Dù quan hệ của họ với Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện, nhưng họ vẫn cần có thêm những mối quan hệ cho nặng đồng cân. Đó là lý do họ duy trì và củng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác, họ vẫn chủ trương mở rộng quan hệ với chúng ta, từ ngoại giao sang thương mại, giáo dục, và cả an ninh, quốc phòng nữa.
Nói tóm lại, Mỹ luôn tính tới Việt Nam trong việc đàm phán và quan hệ với các cường quốc khác.
Tuy nhiên, có thể quyết sách dựa trên lợi ích là vậy, nhưng giải quyết các vấn đề nội bộ lại là chuyện khác. Cho nên tuy Clinton muốn xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá, hay đạt thoả thuận thương mại song phương, ông vẫn cần những ông nghị sĩ cả hai đảng đứng đằng sau, nhất là những thượng nghị sĩ vốn là cựu binh John Kerry, hay John McCain, để hỗ trợ ông.
Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại khác nhau.
Giải mã về "Mr. American" Nguyễn Cơ Thạch
Tôi thấy ông mấy lần nhắc tới cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ấn tượng của ông như thế nào về vai trò của ông Thạch trong tiến trình này?
Nói đến tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, về phía Việt Nam, người đầu tiên phải nhắc đến là ông Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt là từ khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao. Đồng thời là Uỷ viên BCT và Phó Thủ tướng Chính phủ, ông có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông là người luôn chủ động tìm kiếm các kênh khác nhau để thúc đẩy tiến trình này.
Tôi còn nhớ giai đoạn 1987-1988, hai bên vẫn gặp nhau để bàn thảo những công việc liên quan tới POW/MIA, nhưng phía Mỹ yêu cầu không đưa vấn đề bỏ cấm vận vào chương trình làm việc. Họ không được phép của chính phủ Mỹ.
Ông Thạch bảo phải tìm thêm một kênh nữa để có thể nói chuyện về bỏ cấm vận và bình thường hoá. Thế là vào mùa thu năm 1988, ông đã viết thư cho ông William Sullivan, người đồng cấp với ông trong đàm phán Hiệp định Hoà bình Paris và ông vẫn giữ được quan hệ kể từ đó.
Ông Sullivan có sang London gặp Đại sứ Việt Nam tại đó. Rồi từ London, ông Thạch mời ông Sullivan sang đây, và họ có thể nói chuyện nhiều thứ, chứ không bị bó buộc như đối với trường hợp của đặc phái viên của Tổng thống, Đại tướng John Vessey.
Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, một tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề POW/MIA, cũng như xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, tất nhiên theo một cách riêng, đã ra đời theo sáng kiến của họ. Chị Ginny Foote là thư ký của ông Sullivan, còn tôi cũng ở vai thư ký của ông Thạch nên ngồi những cuộc như thế tôi biết rất rõ.
Ông là người khá gần gũi với ông Thạch trong công việc. Nét tính cách nào của ông Thạch khiến ông thấy ấn tượng nhất?
Hài hước. Ông nói nhiều câu mà người Mỹ ngỡ ngàng.
Chẳng hạn, có một đoàn Mỹ sang đây năm 1988, khi làm việc, thấy câu chuyện hơi căng thẳng, tự nhiên ông hỏi: Các ông có thuốc nổ không? Chúng tôi muốn nhập.
Họ hỏi lại nhập làm gì, và giải thích là việc đó không hề dễ dàng theo qui định của hệ thống pháp luật của Mỹ.
Ông bảo: Tôi muốn làm nổ tung mấy nhà máy in tiền của chúng tôi đi. Lạm phát cao quá!
Cả Mỹ, cả ta cười ồ lên. Không khí trao đổi tự nhiên dịu hẳn đi.
Khi ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ năm 1992, tôi nghe nói có nhà báo Mỹ nhận xét ông là "the right man of the wrong time" (con người đúng ở thời điểm sai). Ông nghĩ sao về nhận xét đó?
(Cười). Tôi nghĩ đã là lãnh đạo thì không thể đi ngang bằng, hoặc đi sau, so với những người còn lại trong đoàn người. Bởi như vậy thì làm sao thực hiện vai trò dẫn dắt được. Nhưng, ngược lại, cũng đừng đi nhanh quá mà anh bị mất hút đối với đám đông.
Ý ông là ông Thạch đi quá nhanh?
Cũng khó nói là ông Thạch đi quá nhanh, hay những người còn lại đi quá chậm. Chỉ có điều, nói một cách hình tượng, trên thực tế, khoảng cách giữa ông và mọi người là 10 mét, trong khi, trong sương mù, người ta chỉ nhìn rõ được 5 mét thôi.
Trong quan hệ với một nước khác, họ cứ đồn ông Thạch là Mr. America, nhưng hoàn toàn không phải. Ông là một người rất Việt Nam, nhưng sáng suốt biết chọn bước đi đúng đắn, có lợi cho mở cửa và đổi mới kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông.
-----