Tom G. Palmer
Chữa bệnh kiếm lời và động cơ của lòng trắc ẩn
Phạm Nguyên Trường dịch
Tác giả tiểu luận này đưa ra suy nghĩ của mình, trên cơ sở trải nghiệm của chính ông trong quá trình điều trị bệnh đau lưng. Đây không phải là học thuyết xã hội, cũng không phải là đóng góp vào môn khoa học xã hội. Đây chỉ là một cố gắng nhằm làm rõ quan hệ giữa công việc kinh doanh và lòng trắc ẩn mà thôi. Chữa bệnh kiếm lời[i] chắc chắn là công việc khủng khiếp và phi đạo đức. Lúc nào tôi cũng nghe thấy người ta tấn công nó như thế. Thực vậy, tôi đang nghe thấy người ta tấn công các bệnh viện tư trên sóng của CBC (Hãng phát thanh & truyền hình Canada – ND). Khi các bác sỹ, y tá và những nhà quản lí bệnh viện chỉ nghĩ đến thu nhập thì lòng trắc ẩn sẽ được thay thế bằng tính ích kỉ nhẫn tâm, nhiều người nói như thế. Nhưng tôi vừa ngộ ra chuyện này sau khi phải đến hai bệnh viện – một bệnh viện tư nhân và cái kia là bệnh viện họat động phi lợi nhuận[ii] – để chữa bệnh đau lưng.
___________________________________________________________________
Gần đây tôi bị thóat vị đĩa đệm cột sống, đau không thể tưởng tượng nổi. Tôi đến gặp một chuyên gia tại một bệnh viện tư trong khu vục, ngay trong vòng một giờ đồng hồ ông ta đã sắp xếp cho tôi chụp MRI tại một phòng chụp X-quang tư nhân ở gần đó. Sau đó ông ta lại sắp xếp cho tôi tiêm thuốc tê để làm giảm viêm dây thần kinh cột sống, đấy chính là nguồn gốc của cơn đau. Tôi bị đau đến mức gần như không cử động được. Cái khoa chữa bệnh đau lưng tư nhân trong cái bệnh viện tư mà tôi đến chữa bệnh gồm tòan những bác sĩ và y tá cực kì tử tế và họ đã cư xử với tôi một cách nhẹ nhàng. Sau khi cô y tá giảng giải cho tôi thủ tục và chắc chắn là tôi đã hiểu rõ tất cả các qui định thì bà bác sỹ phụ trách việc tiêm thuốc tê tự giới thiệu, bà giảng giải từng bước một và sau đó mới tiến hành công việc với tính chuyên nghiệp cao và sự quan tâm thấy rõ đối với bản thân tôi.
Sau đó vài tuần. Tôi vẫn còn đau và yếu, nhưng đã khá hơn rất nhiều. Bà bác sỹ đề nghị tôi tiêm một mũi nữa. Thật không may là cái khoa chữa bệnh đau lưng lại đang chữa trị cho những người đã giữ chỗ trước suốt ba tuần lễ liền. Tôi không muốn chờ lâu và tôi gọi điện cho một vài bệnh viện nữa trong khu vực. Một bệnh viện công nổi tiếng và được đánh giá cao có thể tiếp nhận tôi sau hai ngày. Tôi vui mừng xin hẹn gặp bác sỹ sau hai ngày nữa.
Khi đến bệnh viện công, trước hết tôi hỏi chuyện mấy ông bà đã về hưu nhưng lại mặc những bộ đồng phục tình nguyện viên khá gọn gàng. Đấy rõ ràng là những người nhân đức, đúng như người ta có thể nghĩ về bệnh viện công. Sau đó tôi mới tập tễnh chống gậy đi vào khoa chữa trị đau lưng, rồi ngồi xuống bên cạnh một cái bàn. Một cô y tá đi ra, cô gọi tên tôi và sau khi tôi lên tiếng thì cô ngồi xuống bên cạnh tôi ngay trong phòng chờ đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra giữa đám đông những người lạ mặt như thế. May là cũng không có câu nào có thể làm người ta lúng túng. Tôi nhận thấy là những cô y tá khác cũng đang lên giọng hạ lệnh cho các bệnh nhân xung quanh. Một cô y tá bảo một bà rõ ràng là đang bị đau chuyển sang một cái ghế khác và sau khi bệnh nhân nói rằng nếu bà cứ được ngồi ở đấy thì tốt hơn, cô y tá đã chỉ tay vào cái ghế bên cạnh và gằn giọng: “Không. Ngồi sang kia!”. Khi cô y tá này tiến lại chỗ tôi, tôi nghĩ là ánh mắt của mình đã cho cô ta thấy rằng tôi không muốn bị đối xử như những học sinh trong trường giáo dưỡng. Cô ta không nói gì, chỉ lấy tay ra hiệu cho tôi đi vào phòng khám.
Vị bác sỹ điều trị bước vào. Không giới thiệu. Không tên tuổi. Không bắt tay. Ông ta nhìn hồ sơ của tôi, lầm bầm cái gì đó, rồi ông ta bảo tôi ngồi lên giường, và ông ta cởi quần áo của tôi ra. Tôi bảo ông ta rằng lần trước tôi được nằm nghiêng, tư thế đó tiện hơn vì ngồi rất đau. Ông ta bảo rằng thích tôi ngồi. Tôi trả lời rằng tôi thích nằm nghiêng. Ông ta nói rằng ngồi dễ làm hơn, điều đó đáp ứng cả quyền lợi của tôi lẫn của ông ta nên tôi đồng ý. Sau đó – không như bà bác sỹ trong bệnh viện tư – ông ta ấn mạnh mũi kim tiêm và tiêm đau đến nỗi tôi phải la lên. Sau đó ông ta rút kim, rồi ghi hồ sơ và biến mất. Cô y tá đưa cho tôi tờ giấy và chỉ lối cho tôi đi ra. Tôi trả tiền rồi biến.
Lợi nhuận và lòng trắc ẩn
Đấy là những kinh nghiệm nhỏ giúp ta so sánh bệnh viên tư và bệnh viện công. Nhưng nó có thể nói cho ta biết về động cơ vụ lợi và quan hệ của nó với lòng trắc ẩn. Không chỉ bệnh viện tư mới hấp dẫn những người tử tế và có lòng trắc ẩn vì những người tình nguyện già nua trong bệnh viện công chắc chắn cũng là những người tử tế và có lòng trắc ẩn. Nhưng tôi nghĩ rằng các bác sỹ và y tá làm việc trong khoa chữa bệnh đau lưng ở bệnh viện tư được khuyến khích thể hiện lòng trắc ẩn trong khi họ làm việc. Xét cho cùng, nếu cần chữa nữa hoặc nếu có người tham khảo ý kiến tôi thì tôi sẽ nghĩ đến bệnh viện tư. Nhưng tôi sẽ không quay lại hay khuyên ai tới bệnh viện công, tôi nghĩ rằng tôi biết lí do: các bác sỹ và y tá ở đó chẳng có lí do gì để muốn gặp tôi. Và tôi còn hiểu được vì sao bệnh viện công lại tiêm tôi nhanh như thế. Tôi ngờ rằng họ chẳng có mấy khách quay lại lần thứ hai.
Kinh nghiệm này không nói rằng lợi nhuận là điều kiện cần hay thậm chí điều kiện đủ để cho người ta thể hiện lòng trắc ẩn, nhân từ hay nhã nhặn. Tôi làm tại một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức này sống dựa vào sự ủng hộ của những nhà tài trợ. Nếu tôi không hoàn thành trách nhiệm thì họ sẽ không tài trợ cho công việc của tôi nữa. Chuyện là, tôi và các đồng nghiệp của tôi làm việc ở đây vì chúng tôi và những nhà tài trợ cùng có những mối quan tâm chung, cho nên công việc diễn ra một cách hài hòa. Nhưng khi nhà tài trợ, người làm công và “khách hàng” (dù đấy có là người bị đau hay nhà báo hoặc nhà giáo cần thông tin và kiến thức thì cũng thế) không chia sẻ những giá trị và mục tiêu như nhau – thí dụ như trong bệnh viện công bên trên - thì động cơ lợi nhuận sẽ hành động một cách quyết liệt nhằm làm cho những mục đích của họ trở thành hài hòa. Lợi nhuận kiếm được trong khuôn khổ pháp luật rõ ràng và có hiệu lực (khác với lợi nhuận của một tên ăn cắp có hạng) có thể làm cho người ta không còn lãnh đạm mà có lòng trắc ẩn. Muốn có lợi nhuận thì bác sỹ phải để ý tới quyền lợi của bệnh nhân bằng cách đặt ông ta hay bà ta vào vị trí của bệnh nhân, buộc họ phải tưởng tượng được những đau khổ của người khác và phải có lòng trắc ẩn. Trong nền kinh tế thị trường tự do, động cơ lợi nhuận có thể trở thành tên gọi khác của động cơ trắc ẩn.
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
Trên mạng: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
-
Thị trường và đạo đức (Kì 6) (Phạm Nguyên Trường)
Lord Griffiths of Fforestfach
Doanh nghiệp như là cộng đồng đạo đức
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong tư duy về quản lí, mãi thời gian gần đây người ta mới chú ý đến vai trò của “giá trị” trong việc giải thích sự thành công của doanh nghiệp. Ở Mĩ, đề tài này bắt đầu nổi lên từ hồi những năm 1970, sau một thập kỉ khi các doanh nghiệp Mĩ nhận thấy rằng vận may của họ đang giảm dần vì các công ty chế tạo ô tô và hàng điện tử Nhật đã xâm nhập vào thị trường Mĩ. Nó thúc giục cộng đồng doanh nghiệp Mĩ thực hiện những cuộc tự vấn lương tâm và đến lượt nó, việc này lại dẫn đến những công trình nghiên cứu, phân tích hiệu suất công tác trong các công ty Mĩ.
Kết luận được rút ra là nhân tố quan trọng trong việc lí giải sự thành công vượt bậc của một số doanh nghiệp là họ có một số giá trị chung: cụ thể là một tập hợp những tín điều và giá trị được tất cả các nhân viên trong tổ chức chia sẻ và đấy chính là nền tảng văn hóa của tổ chức đó. Công trình nghiên cứu sau đó, do Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) thực hiện, khẳng định vai trò quan trọng của các giá trị chung trong sự thành công của công ty, và đấy chính là nhân tố quan trọng dẫn tới những thay đổi lớn trong tư duy về quản trị hồi những năm 1980, người ta đã không còn chú trọng vào khoa học quản lí, lập kế hoạch và sản xuất hàng loạt nữa mà tập trung hơn vào người tiêu dùng, đóng góp của từng người lao động trong công ty và ý nghĩa của văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, đề tài về giá trị vẫn là đề mục chính trong chương trình nghị sự của các doanh nghiệp Mĩ và càng ngày càng giành được sự chú ý của các doanh nghiệp trong các nước khác.
Tôi xin khảo sát năm vấn đề về vai trò của các giá trị trong kinh doanh. Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là gì? Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không? Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu? Doanh nghiệp hoạt động như thế nào và làm sao áp dụng được tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội đa nguyên? Công ty tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?
Đấy là những câu hỏi mà tôi tin là và chắc chắn phải là mối quan tâm của ban quản trị tất cả các công ty cổ phần.
Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là gì?
Đấy là một tập hợp các giá trị, qui tắc hay nguyên tắc đạo đức, được coi là chuẩn, là giá trị tham khảo hay tiêu chuẩn cho tất cả những người làm việc trong công ty và kết quả là nó sẽ dẫn dắt và chi phối hành vi của họ. Điều đó không có nghĩa là một số hành vi nhất định được chấp nhận hay không được chấp nhận mà là một cái gì đó lớn hơn nhiều: cụ thể là những hành vi này được chia thành tốt hay xấu, đúng hay sai. Tiêu chuẩn đạo đức này là nguồn gốc của những đòi hỏi mang tính đạo đức đối với mỗi người và với nguyên vật liệu mà từ đó doanh nghiệp tạo ra đặc tính và văn hóa đặc trưng của họ. Tiêu chuẩn đó được hình thành từ những nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp hoặc điều lệ của doanh nghiệp và được củng cố bằng tuyên bố của chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành và những người nằm trong ban lãnh đạo. Đấy là nguyên tắc bắt buộc, nó làm cho doanh nghiệp có thể hoạt động như là một cơ thể thống nhất, thống nhất về quan điểm và hành động. Chính vì các doanh nghiệp tập trung chú ý vào việc thiết lập và giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức cho nên các doanh nghiệp hiện nay có thể và phải được coi là cộng đồng đạo đức.
Mỗi công ty có cách hiểu khác nhau về tiêu chuẩn đạo đức của công ty và cách thể hiện nó. Nhưng nghiên cứu điều lệ của nhiều công ty khác nhau ta thường thấy những chủ đề sau đây: liêm khiết, trong sáng, lương thiện và nói đúng sự thật, tôn trọng cá nhân con người vì đấy là những người có nhân phẩm, đối xử không thiên vị với mọi người, phục vụ một cách hoàn hảo, đặc biệt là trong quan hệ với khách hàng và trong phương thức lãnh đạo của những người có chức quyền, tầm quan trọng của sự hợp tác, trách nhiệm của công ty đối với môi trường, và cam kết ủng hộ những cộng đồng, nơi công ty đặt cơ sở sản xuất. Trên thực tế, những đề tài này xuất hiện với tần xuất cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, trong nhiều nước khác nhau, trên nhiều lục địa và nền văn hóa khác nhau đến mức chúng không còn là bộ sưu tập những giá trị rời rạc do các công ty riêng lẻ thu thập mà càng ngày càng trở thành những giá phổ quát.
Không trước thì sau, tất cả các tôn giáo đều ép môn đồ của họ “vào vòng cương tỏa”, tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh không phải là ngoại lệ. Tiêu chuẩn đạo đức tạo ra những yêu cầu cao, làm cho doanh nghiệp vượt lên trên những đòi hỏi thuần túy vể mặt pháp lí. Nó có thể buộc doanh nghiệp từ chối một vụ kinh doanh, buộc họ phải đầu tư nhiều vào lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, hoặc giải quyết vấn đề mà không cần cầu viện đến luật sư, tất cả những điều này đều có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới lợi tức ngắn hạn, nhưng đồng thời nó thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn đạo đức. Cho nên khi ông chủ tịch hay ông tổng giám đốc đứng dậy và tuyên bố rằng công ty của ông ta áp dụng tiêu chuẩn đạo đức thì có nghĩa là ông ta nói rằng đấy không chỉ là sự khác biệt trong cách thức kinh doanh mà còn xác định trên thực tế cách thức kinh doanh đó.
Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không?
Về nguyên tắc, câu trả lời là có: công ty có thể hoạt động với tiêu chuẩn đạo đức mà cũng có thể hoạt động mà không cần có ý thức về đạo lí hoặc trái với luân thường đạo lí. Nhưng công ty hoạt động trái với luân thường đạo lí sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ đã xung đột với luật pháp và với chính phủ. Thí dụ như tội phạm có tổ chức, hay công ty lảng tránh (chứ không phải trốn) cơ quan thuế vụ, hay công ty biết rõ là đang buôn bán những món hàng hoặc dịch vụ bị cấm như thuốc gây nghiện, buôn bán bào thai người, buôn bán trẻ con. Những công ty này không chỉ buôn bán những sản phẩm được coi là vô luân: họ còn tham gia vào những hoạt động mà kết quả chắc chắn sẽ là tống tiền, bạo lực và lừa đảo. Những người bị phát hiện đang điều hành những công ty như thế sẽ bị phạt tiền, bị truy tố và có thể bị bỏ tù. Công ty hoạt động trái với luân thường đạo lí có thể tồn tại trong ngắn hạn nhưng khó tưởng tượng được là làm sao mà nó lại có thể tồn tại được trong dài hạn.
Câu hỏi hấp dẫn hơn là liệu công ty có thể hoạt động mà không cần có ý thức về đạo lí? Mục tiêu duy nhất của công ty này là tối đa hóa lợi nhuận. Công ty có thể hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nhưng không quan tâm tới các nguyên tắc đạo đức. Họ có thể hỏi đường lối hoặc việc làm của họ là hợp pháp hay phi pháp, nhưng họ không hỏi là đúng hay sai. Đạo đức nằm bên ngoài phạm vi kinh doanh. Tiêu chuẩn lương thiện của họ có thể bắt nguồn từ thói vị lợi, tính liêm khiết của cá nhân có thể là không quan trọng, và cá nhân chỉ được đánh giá theo tỉ lệ đóng góp của anh ta mà thôi.
Công ty không có ý thức về đạo lí là công ty lạnh lùng, lãnh đạm và có môi trường làm việc thiếu an toàn. Nhân viên không có lòng trung thành. Khó mà có thể tin rằng nhân viên sẽ giữ lời hứa. Không ai tin ai. Việc lập hợp đồng kéo dài rất lâu, mệt mỏi và phức tạp. Thành lập công ty liên doanh là cả một cơn ác mộng vì không bên nào tin là bên kia nói thật. Chức năng kiểm toán nội bộ phải được tăng cường. Mức độ thận trọng để khỏi bi qui tội bất cẩn làm cho công việc trở thành vừa lâu vừa chán ngắt và là cản trở đáng kể đối với việc mua sắm. Luôn luôn xảy ra cãi vã, xung đột và tranh chấp. Bổn phận của các thành viên ban lãnh đạo đối với tương lai của công ty không rõ ràng. Người ta không thể nào biết được là liệu người đồng nghiệp có thể hiện đúng quyền lợi của anh/chị ta trong những vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hay không. Vì mang tiếng xấu như thế mà việc tuyển mộ nhân viên sẽ gặp khó khăn. Một trong những hậu quả của việc thiếu ý thức đạo lí là chi phí cao, thuật ngữ kinh tế học là “chi phí giao dịch” lớn đến mức công ty sẽ nhanh chóng nhận ra là nó ở thế bất lợi trước các đối thủ. Bernard Mandeville có thể đã miêu tả thành công nhất đặc điểm của nền kinh tế thiếu ý thức đạo đức trong tác phẩm Truyện ngụ ngôn về đàn ong: sự đồi bại của cá nhân và lợi ích của xã hội, (The Fable of the Bees:or Private Vices,Publick Benefits) xuất bản lần đầu vào năm 1714 và dựa vào bài thơ được công bố cách đó chín năm với nhan đề là Tổ ong lầm bầm hay kẻ bất lương trở thành người công chính,(The Grumbling Hive or Knaves turned Honest[1]). Trong khi mô tả một tổ ong đang phát triển như là ẩn dụ nói về một dân tộc thành công trong ngành thương mại là nước Anh thời đó, Mandeville chỉ ra rằng dối trá, ích kỉ và ham mê những trò trụy lạc là cội nguồn của sự thịnh vượng. Thương nhân, binh lính, luật sư, bác sĩ, chính khách, tất cả đều như thế hết:
Hàng triệu người ráng sức
Cung cấp cho nhau những trò trụy lạc và cảnh phù hoa.
Bằng cách tách thương mại khỏi đức hạnh (“Tôn giáo là một bên, còn thương mại là phía bên kia”), ông khẳng định rằng thái độ buông lung đối với thói xấu và tính ích kỉ của những con ong sẽ dẫn tới việc mở rộng quá trình phân công lao động, mở rộng thị trường và sự phát triển của ngành thương mại, làm cho mọi người đều được lợi. Vì vậy mà ông nhận xét về tổ ong như sau:
Chỗ nào cũng đầy tội lỗi
Nhưng tất cả đều được sống giữa thiên đường trên mặt đất
Vấn đề chỉ xuất hiện khi những kẻ bất lương cầu thần linh ban cho lòng trung thực và Chúa trời đã cho phép trả lời, kết quả thật là thảm khốc. Thói kiêu ngạo và xa hoa giảm dần, thương mại suy thoái, nghệ thuật và nghề thủ công bị lờ đi và qua việc giảm bớt tội lỗi mà đàn ong cũng lại nhận thấy rằng chúng đã đánh mất hết sự cao quí của mình. Đạo đức là:
Người ngu chỉ cố gắng
Làm ra tổ ong lớn và lương thiện
Hưởng thụ các tiện nghi của trần gian
Vinh quang trong chiến trận, nhưng sống đời an nhàn
Không có tội lỗi lớn là vô nghĩa
Không tưởng đã nằm sẵn trong đầu rồi
Cái không tưởng vô nghĩa mà ông nói tới chính là đức tính khiêm nhường và lòng nhân từ của Thiên chúa giáo, những đức tính mà sau khi đã rũ hết tội lỗi thì chỉ dẫn cả nước đến cảnh đói nghèo mà thôi. Không lấy gì làm ngạc nhiên là câu chuyện ngụ ngôn này đã tạo ra một vụ ồn ào và đã bị tòa án hạt Middlesex coi là có hại đối với xã hội. Ngay cả Adam Smith, được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức (Theory of Moral Sentiments[2]) cũng đã phê phán Mandeville vì phép ngụy biện của ông, coi đức hạnh đồng nghĩa với tiết dục và quan niệm hư vô chủ nghĩa của ông về đạo đức, không công nhận bất cứ tiêu chuẩn nào nhằm phân biệt đạo đức với phi đạo đức.
Có thể đặc điểm nổi bật nhất của cách tiếp cận mà không cần ý thức về đạo lí là ý kiến cho rằng kinh doanh chỉ cần quan tâm tới việc tối đa hóa lợi nhuận, ngoài ra không còn gì khác. Ban quan trị là do các cổ đông lựa chọn, cho nên phải tìm kiếm lợi nhuận cho họ và không được làm đại diện cho bất kì ai khác. Kinh doanh là kinh doanh, đức hạnh không có liên quan gì ở đây hết. Nhưng không chỉ Milton Friedman, trong tiểu luận nổi tiếng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gia tăng lợi tức của nó,(The Social Responsibility of Business is to Increase its Profits[3]), gợi ý rằng mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận: ông nói rằng những người lãnh đạo doanh nghiệp phải “điều hành doanh nghiệp phù hợp với nguyện vọng của họ, mà nguyện vọng này nói chung sẽ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, trong khi vẫn đáp ứng được những qui định căn bản của xã hội”, nhưng ngay sau đó – và đây là điều cực kì quan trọng – ông đã định nghĩa rõ rằng “các qui định căn bản của xã hội” bao gồm “cả những điều được thể hiện trong luật pháp lẫn những điều được thể hiện trong truyền thống đạo đức”, rõ ràng như vậy có nghĩa là việc theo đuổi lợi nhuận phải không được trái với các qui tắc văn hóa và tiêu chuẩn đạo đức.
Thứ ba là công ty hoạt động với các tiêu chuẩn đạo đức. Ban lãnh đạo công ty phải đưa ra những giá trị đặc thù của họ, mà đấy thường bao gồm tính trung thực, thật thà và tinh thần phục vụ: trình độ học vấn hoặc tay nghề, có khả năng hợp tác và đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, có tinh thần trách nhiệm với người khác, cả bên trong lẫn bên ngoài tổ chức. Có nhiều lí do để ban lãnh đạo quyết định phải đưa ra tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng, nhưng nếu những người lãnh đạo và nhân viên tin chắc rằng họ có những giá trị nội tại thì một trong những hậu quả của các tiếp cận này là trong công ty sẽ có mức độ tin cậy cao.
Trong công ty mà mọi người tin cậy lẫn nhau thì tinh thần đồng đội sẽ cao. Các qui định và điều lệ nội bộ sẽ không cần phải viết quá chi tiết. Việc thanh tra, kiểm toán nội bộ và giám sát sẽ không cần phải thực hiện một cách tràn lan. Phát biểu của những người lãnh đạo sẽ được mọi người hiểu đúng theo nghĩa đen. Những công ty như thế sẽ được coi là những người sử dụng lao động đáng quí, cho nên việc tuyển dụng người sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Giữa các công ty như thế cũng không cần những bản hợp đồng dài dòng và phức tạp. Tất cả đều là những lợi ích có được từ lòng tin, mà lòng tin là một trong những cái mà các nhà kinh tế học gọi là “tác nhân bên ngoài”. Chúng là những tài sản có giá trị kinh tế hữu hình và làm tăng năng suất của công ty, nhưng chúng không phải là hàng hóa có thể mua bán được trên thương trường.
Như vậy là công ty có tiêu chuẩn đạo đức phù hợp sẽ không chỉ giảm được chi phí giao dịch mà, cùng với thời gian, còn phát triển được văn hóa doanh nghiệp vững chắc, dựa trên cơ sở lòng tin, cho nên các tiêu chuẩn đạo đức sẽ làm cho doanh nghiệp có ưu thế về mặt cạnh tranh.
Cho nên về nguyên tắc ta có thể gật đầu khi trả lời câu hỏi: “Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không?”, nhưng trên thực tế thì câu trả lời như thế là hoàn toàn không đúng, đặc biệt là nếu doanh nghiệp muốn trở thành một tay chơi có trọng lượng và lâu dài trên thương trường.
Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu?
Cần khảo sát ba phương án: quyền lợi của chính doanh nghiệp, luân thường đạo lí phổ quát dựa trên cơ sở của chủ nghĩa nhân văn duy lí, hay tôn giáo thiên khải như Do Thái giáo, Hồi giáo hoặc Thiên chúa giáo.
Ý tưởng cho rằng công ty có thể tự tìm ra được những tiêu chí đạo đức cho mình là một ý tưởng hấp dẫn. Francis Fukuyama, trong tác phẩm Sự đổ vỡ vĩ đại (The Great Disruption) mới ra gần đây, viết rằng: “Lời khẳng định cho rằng đức hạnh, thí dụ như tính trung thực, cần thiết trong lĩnh vực thương mại, phải dựa vào tôn giáo mới tồn tại được, cuối cùng đã tỏ ra là vô nghĩa lí. Quyền lợi của chính doanh nhân là đủ để đảm bảo rằng tính trung thực (hay ít nhất là biểu hiện của tính trung thực) sẽ tiếp tục tồn tại[4]”. Ông còn biện luận rằng: “Công ty đòi hỏi nhân viên phải có lòng trung thực cao và lịch sự trong khi tiếp xúc với khách hàng hay công ty rút ngay lập tức những sản phẩm có khiếm khuyết khỏi quầy hàng hoặc người giám đốc tự giảm lương nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với người lao động trong giai đoạn suy thoái không chỉ thể hiện thái độ vị tha: mỗi hành động như thế đều làm cho người ta tin rằng đấy là công ty trung thực, khả tín, chất lượng và công bằng hay đơn giản là rất có lợi. Những đức tính tốt đó trở thành tài sản kinh tế và là tài sản cho nên nó được các cá nhân và công ty quan tâm tới những vấn đề mấu chốt tìm kiếm[5]”. Luận điểm này công nhận rằng tính trung thực, cũng như lòng tin và sự hợp tác, là đạo đức xã hội, góp phần nâng cao nguồn vốn xã hội của tổ chức. Fukuyama còn biện luận rằng không được coi nguồn vốn xã hội như là hàng hóa xã hội, mà thị trường tự do không thể cung cấp đủ. Phải nói đấy là món hàng hóa mà thị trường tư nhân sẽ cung cấp đúng số lượng mà các nhà quản trị công ty muốn cung cấp. Các công ty tư nhân thường xây dựng vốn xã hội bằng cách đầu tư vào giáo dục và dạy nghề cũng như đầu tư cho những chương trình nhằm nâng cao trình độ quản lí.
Nền tảng trí thức của cách tiếp cận như thế đã được Friedrich Hayek[6] xây dựng một cách cực kì vững chắc và rất hay được những nhà kinh tế học như Milton Friedman và Gary Becker sử dụng. Hayek khẳng định rằng kinh tế thị trường là thí dụ điển hình của cái mà ông gọi là trật tự tự phát: cụ thể, đấy là hệ thống phát triển không phải nhờ sự chỉ đạo tập trung hay sự bảo trợ của một người hoặc nhóm người, mà thông qua những kết quả không có chủ ý của những quyết định của vô số cá nhân, mỗi người trong số họ đều là những người theo đuổi lợi ích riêng thông qua việc trao đổi và hợp tác tự nguyện, thông qua thử và sai. Quá trình vận động tự phát này không những có thể được dùng để giải thích sự phát triển kinh tế mà còn có thể được dùng để giải thích sự phát triển của ngôn ngữ, tiền tệ, văn hóa, luật pháp, qui tắc xã hội, thậm chí cả phẩm hạnh và đạo đức nữa. Mặc dù trật tự tự phát phát triển thông qua những cá nhân đang theo đuổi lợi ích riêng của mình, nhưng các cá nhân vẫn phải theo những qui tắc chung chứ không thể hành động tùy ý được, còn các qui tắc lại cũng là sản phẩm của quá trình tiến hóa.
Kết quả là, đối với Hayek, đạo đức là khía cạnh quan trọng của trật tự xã hội: trên thực tế, trật tự xã hội không thể tồn tại mà không có “những qui tắc… hướng dẫn cá nhân hành động theo cách mà đời sống xã hội có thể tồn tại được[7]”. Nhưng những qui tắc này là kết quả của quá trình tiến hóa của văn hóa, tập trung vào “chọn lọc hoặc lựa chọn” các định chế và thói quen của nhóm. “Truyền thống văn hóa, nơi con người được sinh ra bao gồm một loạt những thói quen hay qui định về tư cách đang thịnh hành vì chúng làm cho nhóm người đó thành công nhưng lại không được chấp nhận vì người ta biết rằng chúng sẽ tạo ra những kết quả đáng mong muốn[8]”. Đồng thời Hayek lại coi thường những cố gắng nhằm gắn đạo đức với tôn giáo, với niềm tin vào Chúa trời, hoặc cho rằng đạo đức là nhất thành bất biến. Chìa khóa để hiểu đạo đức học của Hayek là đạo đức là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài về mặt văn hóa, một quá trình xảy ra trong trật tự tự nhiên, ở đó mỗi cá nhân theo đuổi quyền lợi riêng tư theo cách hiểu của mình. Như vậy nghĩa là, trật tự đạo đức trong triết học của Hayek, trong tính trọn vẹn của nó, là sản phẩm của những nỗ lực của con người và nhằm tránh mọi hiểu lầm có thể xẩy ra, ông dứt khoát bác bỏ nhu cầu phải có một cái gì đó bên ngoài trật tự tự nhiên để cho đạo đức bám vào. Kết quả là, đấy là hệ thống đạo đức hoàn toàn tương đối, không có những chân lí hay quan niệm cứng nhắc về đúng và sai. Sự khôi hài của các tiếp cận của Hayek là mặc dù ông bác bỏ mọi cơ sở của tôn giáo đối với trật tự đạo đức hiện tồn, nhưng ông lại công nhận ảnh hưởng quan trọng mà tôn giáo đã đóng trong việc hình thành những qui tắc mà ông đánh giá cao như thế. Trên thực tế, bằng bút pháp đặc trưng của mình ông đã vượt ra ngoài đường lối của mình và công nhận rằng có lỗi vì là người theo thuyết bất khả tri trước những người có đạo.
Nếu tính tư lợi là cơ sở của tiêu chuẩn đức hạnh thì nó lại đặt ra vấn đế là những tiêu chuẩn đó đáng tin cậy và vững chắc đến mức nào. Fukuyama khẳng định rằng có thể dựa váo tính tư lợi để bảo đảm rằng sự trung thực, hay ít nhất là, nói theo lời ông “biểu hiện của sự trung thực” sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng nhược điểm của lí lẽ của ông lại thể hiện rõ trong sự độc đáo của nó. Trước đó nhiều năm, C. S. Lewis đã hỏi rằng: “Có sự khác nhau giữa một người cho rằng trung thực là chính sách tốt nhất với một người trung thực hay không?” Ông tin, cũng như nhiều người sau đó đã tin, là có.
Nguyên nhân là, việc theo đuổi tư lợi có thể dẫn đến kết quả là công ty muốn giữ danh tiếng là trung thực, việc theo đuổi tư lợi có thể không dẫn tới cam kết là liêm khiết hay thật thà như là giá trị cao quí nhất của công ty, mọi người trong công ty phải thừa nhận và sẽ bị phán xử theo những tiêu chí đó. Lí do là hiển nhiên: có những trường hợp, khi trung thực không phải là mối quan tâm cao nhất của công ty, nếu sắc xuất bị phát hiện là rất thấp thì người ta sẽ dối trá miễn là danh tiếng của công ty không bị mất.
Hậu quả của việc theo đuổi biểu hiện của tính trung thực chứ không phải chính tính trung thực có thể dẫn tới sự thiếu liêm chính ngay tại cơ quan đầu não của công ty và ban quan trị có thể chấp nhận tiêu chuẩn kép. Ban lãnh đạo và ban quản lí cao cấp sẽ bị coi là những kẻ đạo đức giả. Khi dối trá càng ngày càng bị bỏ qua, và khi tiêu chuẩn kép được chấp nhận trên thực tế thì nhất định sẽ xảy ra những vụ tai tiếng. Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Nếu ban lãnh đạo công ty không tin vào sự tồn tại của những tiêu chuẩn tuyệt đối, tức là những tiêu chuẩn có giá trị tự thân và họ phải phục tùng, thì khó có thể hiểu được làm thế nào mà công ty có thể tiếp tục đưa trung thực vào trong những giá trị cốt lõi của nó. Tính cách lươn lẹo của con người, nơi ẩn trú của tính tự tư tự lợi, không thể là nền tảng để xây dựng những giá trị đạo đức lâu dài được. Cần phải có một cái gì đó lớn hơn tính tự tư tự lợi của những người lãnh đạo doanh nghiệp thì đức hạnh mới đứng vững được.
Cơ sở khác cho sự hình thành các tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là hình thức đạo đức toàn cầu dựa trên những giá trị chung của nhân loại, kết hợp với những quan niệm của các tôn giáo trên thế giới và truyền thống đạo đức. Cơ sở này công nhận rằng tôn giáo vẫn là một lực lượng mạnh mẽ nhưng cũng công nhận rằng đối với nhiều người thì phi tôn giáo có nghĩa là giải phóng khỏi mọi tín ngưỡng. Mặc dù phi tôn giáo cổ vũ người ta coi mình là người kế thừa chân chính và độc lập của tinh thần Khai sáng, nhưng vẫn có những động cơ thúc đẩy người ta hướng tới những tiêu chuẩn đạo đức căn bản và những hệ giá trị bắt buộc, dựa trên những giá trị chung của nhân loại, tức là những giá trị được nhiều người chấp nhận và công nhận như là tiêu chuẩn của hành vi. Mục tiêu của những người ủng hộ cách tiếp cận này là xây dựng một nền đạo đức mang tính toàn cầu, dựa trên những truyền thống tôn giáo lớn, nhưng đồng thời cũng được những người không có đạo ủng hộ.
Có thể nói giáo sư thần học Hans Kung ở trường đại học Tubingen là người say mê nhất dự án này, ông đã bỏ biết bao nhiêu thời gian và công sức để tìm cách phát triển một nền đạo đức toàn cầu mới, làm cơ sở cho xã hội toàn cầu và coi nền đạo đức đó là sự kết hợp những giá trị, tiêu chuẩn, thái độ, cần thiết nhất, tối thiểu nhất và chung nhất của nhân loại[9]. Hội đồng tôn giáo toàn cầu [The Council of the Parliament of the World’s Religions] họp ở Chicago vào năm 1993 – hội nghị đầu tiên trên thế giới – đã ra Tuyên bố về nền đạo đức toàn cầu. Tuyên bố này dựa trên hai nguyên tắc song hành là mọi người đều phải được đối xử một cách nhân đạo và hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình. Nó bao trùm lên tất cả các khía cạnh của đời sống, kể cả công việc kinh doanh và đòi hỏi phải thực hiện những cam kết chủ chốt như tôn trọng cuộc sống và trật tự kinh tế công bằng, dựa trên những nguyên tắc đặc biệt như tình đoàn kết, trung thực, lòng khoan dung và quyền bình đẳng. Mặc dù không đưa ra đạo đức đặc thù cho lĩnh vực kinh doanh, cách tiếp cận này rất gần với Qui tắc đạo đức được trình ra tại Diễn đàn kinh tế Davos [Davos management forum] vào năm 1970[10] và các Nguyên tắc Kinh doanh [Principles for Business] trong Caux Round Table (1980)[11], thậm chí có một số đặc điểm chung với Tuyên bố liên tôn giáo về Qui tắc đạo đức trong nền thương mại quốc tế[12] [interfaith Declaration on a Code for Ethics for International Business] ở St George’s House,Windsor, mặc dù tuyên bố này chỉ là tuyên bố của những người theo Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo mà thôi. Các điều khoản của cả ba bản tuyên bố này đều nhấn mạnh đến trách nhiệm trước các cổ đông và không chỉ cổ đông, mà còn nhấn mạnh những giá trị nền tảng như phẩm giá của con người, sự thật, công bằng, tôn trọng lẫn nhau, tinh thần phục vụ, điều độ và khiêm nhường. Nền đạo đức toàn cầu mà Kung dự kiến còn nhấn mạnh nhu cầu của một sự đồng thuận mới trên bình diện xã hội, đấy sẽ là một khế ước mới giữa lao động, nhà đầu tư và chính phủ.
Sức mạnh của cách tiếp cận đạo đức toàn cầu này là nó chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa thế tục, nó không chấp nhận những lời răn dạy xưa cũ và chủ nghĩa chính thống. Nó bao gôm tất cả, hiện đại và không mang trên mình gánh nặng của quá khứ. Nó được thiết kế một cách chuyên biệt cho nền kinh tế toàn cầu hiện đại. Vấn đề mà tôi đặt ra ở đây là động cơ. Nói một cách đơn giản nhất là vì sao người ta phải thực hành đạo đức toàn cầu? Mặc dù đấy là một công việc đầy thử thách, nhưng cuối cùng thì lập ra một nền đạo đức phù hợp, mang tính nhân bản và toàn diện cho công việc kinh danh, được cả những người có đạo cũng như những người không theo đạo nào chấp nhận, không phải là việc khó. Nhưng thiết kế ra nền đạo đức và đưa nó vào thực tiễn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tuyên bố liên tôn giáo đã thành thật công nhận rằng cuộc sống trên hành tinh của chúng ta, trong đó có cả công việc kinh doanh, không thể được cải thiện “trừ phi nhận thức của cá nhân có thay đổi[13]”. Đây là yêu cầu cấp bách. Do đó người ta đã hứa “làm việc nhằm chuyển hóa nhận thức của cá nhân và tập thể, nhằm đánh thức sức mạnh tinh thần của chúng ta thông qua tư duy, thiền định và cầu nguyện hay suy nghĩ một cách tích cực, nhằm cải tạo tâm hồn. Cùng nhau, chúng ta có thể rời núi lấp biển[14]”. Vấn đề của nền đạo đức toàn cầu là nó nhất định phải thấp hơn giá trị trung bình của cả tôn giáo lẫn phi tôn giáo. Và như thế, nó không thể và không bao giờ có thể trả lời được những vấn đề mà tôn giáo giải quyết, thí dụ như ý nghĩa của cuộc đời, hay cung cấp cho người ta những giá trị, qui tắc hay lí tưởng tuyệt đối làm tiêu chuẩn hành động hoặc tạo ra hi vọng dựa trên hiểu biết về lịch sử; hoặc lặp lại lời kêu gọi do Chúa toàn năng và yêu thương tất cả đã đưa ra cho mỗi người. Tuyên bố liên tôn giáo chỉ rõ rằng sống với nền đạo đức toàn cầu đòi hỏi phải chuyển hóa nhận thức, cải tạo tâm hồn, nhưng thật khó tưởng tượng làm sao có thể cải tạo nếu không có tôn giáo.
Lựa chọn thứ ba: tiêu chuẩn đạo đức là các tôn giáo độc thần mặc khải như Do Thái giáo, đạo Hồi hay đạo Thiên chúa. Một trong những sức mạnh của các tôn giáo này là tiêu chuẩn đạo đức được khắc trên đá và ghi trong những Kinh Sách. Mặc dù việc sử dụng những Điều Răn làm cơ sở của tiêu chuẩn đạo đức trong doanh nghiệp hiện đại có phát sinh một số phức tạp nhất định. Nhưng những Điều Răn không chỉ là hiện thân của một tập hợp mang tính khách quan của những giá trị đạo đức tuyệt đối mà còn kèm theo trách nhiệm phải tuân thủ luật đạo đức nữa. Đạo Do Thái-Thiên chúa giáo trong lịch sử từng là cơ sở cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ở Anh và Mĩ. Nhiều công ty mà tên gọi đã trở thành nổi tiếng khởi kì thủy đã gây được ảnh hưởng tôn giáo rất lớn như: Cadburys, Rowntrees, Barclays, Wedgwood, Unilever, Laing, đấy là chỉ kể một số mà thôi. Trong khi cách tiếp cận đạo đức theo lối tôn giáo có nhiều điểm chung với những cách tiệp cận triết học nhưng phi tôn giáo như thừa nhận ý thức bẩm sinh về trách nhiệm đạo đức, nhận thức mang tính trực giác về những tiêu chí đạo đức khác nhau, quan niệm về thế giới hoàn hảo và ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh cho mục tiêu đức hạnh, nhưng cách tiếp cận theo lối tôn giáo khác ở chỗ là đức hạnh có nguồn gốc tôn giáo. Trong Kinh Cựu Ước, thế giới và chúng ta, những người sống trên đó đều là một phần của trật tự được Chúa sáng tạo ra và đời sống đức hạnh là tuân theo điều luật và qui định đã được Chúa mặc khải cho người Do Thái, là những người mà Chúa kí giao kèo. Lời kinh, thí dụ như: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Rất ưa thích điều răn của Ngài!” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Cựu Ước. Trong Kinh Tân Ước, cơ sở để cá nhân hành xử theo những đòi hỏi đạo đức của Phúc âm là cuộc đời, sự chết và sự tái sinh của Jesus Christ. Vì vậy mà lời khuyên của Thánh Paul cho nhà thờ ở Ephesus: “Tôi nài khuyên anh em phải ăn ở cách xứng đáng với ơn kêu gọi mà anh em đã được gọi” (Thơ của Phao-Lồ gửi cho Ê-Phê-Sô), cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Tân Ước.
Mặc dù giữa ba tôn giáo độc thần nói trên có những khác biệt căn bản, nhưng học thuyết tôn giáo và đạo đức của cả ba đều có chung nền tảng và cả ba đều xây dựng đức hạnh trên cơ sở tôn giáo. Qui tắc đạo đức trong nền thương mại quốc tế là kết quả của quá trình tham vấn về đề tài được lấy ra từ bốn khía cạnh của học thuyết liên quan đến vấn đề kinh doanh. Một là nguyên tắc công bằng, thứ hai là tôn trọng lẫn nhau, “yêu người ta như mình tôi vậy”; thứ ba là tinh thần làm chủ, nghĩa là trách nhiệm của nhân loại trước sự sáng tạo của Chúa; và cuối cùng là tính trung thực hay là liêm chính, bao gồm tính thật thà và tinh thần trách nhiệm.
Sức mạnh của cách tiếp cận tôn giáo được thể hiện trong qui định pháp luật, thí dụ như Mười Điều Răn là một giá trị tuyệt đối, với những huấn thị cụ thể như “Ngươi phải” hoặc “Ngươi không được”. Các qui định đều rõ ràng và đưa ra biện pháp chế tài đối với hành vi của con người. Nó đã vượt qua thử thách của thời gian. Mặc dù trong những thế kỉ qua đã có nhiều thay đổi trong ngôn ngữ, văn hóa và cơ cấu kinh tế nhưng các tôn giáo mặc khải vẫn chứng tỏ được khà năng thích ứng vô song đối với những hoàn cảnh mới mà không cần thay đổi những đức tin nòng cốt.
Khiếm khuyết của cách tiếp cận tôn giáo là trong thế giới hiện đại hoặc hậu hiện đại ngày nay mà nó vẫn mang theo những quan niệm của thế giới xưa cũ. Đúng là vốn liếng đạo đức của truyến thống Do Thái giáo-Thiên chúa giáo đã bị chủ nghĩa thế tục bào mòn đáng kể, nhất là ở châu Âu, nhưng vẫn có thể nói rằng tôn giáo vẫn còn khá mạnh và trên thực tế trong mấy thập niên qua đã được tăng cường nhờ một loạt các xuất bản phẩm và những lời tuyên bố của các nhà thờ và lãnh tụ tôn giáo. Thí dụ, từ đầu những năm 1960 Đức Giáo hoàng đã công bố ít nhất là mười bốn thông tri có liên quan tới kinh doanh và các vấn đề kinh tế. Những lời tuyên bố về nến kinh tế Mĩ do Đức Tổng giám mục Mĩ đưa ra trong những năm 1980 và tuyên bố về khái niệm quyền lợi chung đối với đời sống kinh tể của những vị chủ chăn khác ở nước này trong những năm 1990 là những tài liệu có ảnh hưởng lớn. Ở Anh, báo cáo Đức tin trong các thành phố[15] của Lord Runcie, Tổng Giám mục ở Canterbury, công bố vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước đã khuấy động một cuộc tranh luận sôi nổi về sự công bằng của nền kinh tế thị trường và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Giáo sư Robert Fogel ở trường đại học Chicago [University of Chicago], người từng được giải Nobel về kinh tế học, trong tác phẩm đầy hấp dẫn: Lần thức tỉnh thứ tư [The Fourth Great Awakening[16]], đã khẳng định rằng từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 nước Mĩ đã chứng kiến một sự thức tỉnh mới về mặt tôn giáo – lần thức tỉnh thứ tư trong lịch sử nước này- và nó đã tạo ra một chương trình nghị sợ mới cho cuộc cải cách xã hội và chính trị, cả trên bình diện đạo đức lẫn tinh thần. Mặc dù ông không nói rõ, nhưng thật khó tưởng tượng làm sao mà phong trào đó lại không có ảnh hưởng đối với đời sống kinh tế. Mặc dù đã diễn ra quá trình thế tục hóa và sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng tôn giáo vẫn là lực lượng sống động ở Mĩ và do ảnh hưởng của các công ty Mĩ mà có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh trên toàn thế giới.
Rõ ràng là có nhiều câu trả lời cho câu hỏi thứ hai: “Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu?”. Muốn cho tiêu chuẩn đạo đức có ý nghĩa thì nó phải cụ thể và thực tế chứ không được mơ hồ và trừu tượng: nó phải mạnh mẽ, vượt qua được thử thách của thời gian, nó phải được coi là hợp tình hợp lí và thể hiện được trí tuệ. Nó phải ngăn chặn được những ảnh hưởng cực đoan và chế tài hiệu quả một số hành vi. Theo các tiêu chuẩn đó thì tôi ngờ là tính tư lợi khó có thể là nguồn gốc của tiêu chuẩn đạo đức có đủ sức mạnh để đứng vững và có đủ sức mạnh để có thể gây được ảnh hưởng đối với hành vi của người ta. Thêm thắt, che dấu và lừa dối bao giờ cũng có sức cám dỗ rất lớn. Nền đạo đức mang tính nhân bản toàn cầu khó có thể trở thành hiện thực vì nó đòi phải chuyển hóa nhận thức nhưng lại không đưa ra phương tiện để làm điều đó. Từ quan điểm này thì tôn giáo là lực lượng đầy sức mạnh. Các tôn giáo nói trên là những tôn giáo coi kinh doanh là một thiên hướng hay một chức phận, cho nên sự nghiệp kinh doanh được coi là phụng sự Chúa Trời, là cội nguồn mạnh nhất để từ đó ta có thể thiết lập, tìm thấy và khuyến khích những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối trong hoạt động kinh doanh.
Tiêu chuẩn đạo đức hoạt động như thế nào và làm sao áp dụng được tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội đa nguyên?
Muốn hoạt động được thì tiêu chuẩn đạo đức phải được đặt ra một cách rõ ràng. Kết quả là ngay khi được nhận vào làm mỗi người đã biết chính xác đây là tổ chức như thế nào và họ phải là gì để đáp ứng kì vọng của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn đạo đức như thế có thể được ghi rõ trong điều lệ hay mục tiêu của công ty, trong các nguyên tắc kinh doanh, thông qua chương trình huấn luyện và những bài phát biểu, trong báo cáo định kì hàng năm, và thông qua những hoạt động mà công ty tài trợ.
Khi đưa tiêu chuẩn đạo đức vào xã hội đa nguyên mà ta đang sống thì điều quan trọng là tiêu chuẩn đó phải được những người làm việc cho và đầu tư vào công ty chấp nhận. Dù công ty không phải là chế độ dân chủ, nhưng cũng không thể thiết lập được tiêu chuẩn đạo đức nếu nó không được những người làm việc trong đó đồng ý, dù không nói ra. Họ phải coi tiêu chuẩn đó là của chính mình. Nếu không thì tiêu chuẩn trở thành vô giá trị, hay tệ hơn, có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhưng chúng chỉ gây ra hỗn loạn thêm mà thôi. Nếu người lao động không chấp nhận tiêu chuẩn đó thì họ có thể bỏ đi và tìm việc trong công ty với tiêu chuẩn phù hợp hơn với họ. Tương tự như thế, nếu các cổ đông không chấp nhận tiêu chuẩn đó thì họ có thể bán cổ phiếu, nhưng tệ hơn nữa là họ cứ giữ cổ phiếu và vận động mọi người đứng lên chống lại những giá trị của công ty bằng cách gây khó khăn trong những cuộc họp cổ đông. Tình hình có thể còn xấu hơn nếu họ được người tiêu dùng ủng hộ bằng cách phản đối công khai, hay sẵn sàng mua ở những chỗ khác và bị cộng đồng nơi công ty đặt nhà máy phản đối thông qua các tiến trình chính trị. Nếu người ta phải chấp nhận những tiêu chuẩn mà công ty đặt ra thì họ phải nhìn thấy những mục tiêu thực tiễn của chúng: cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ tốt hơn, cải thiện chất lượng công việc được thuê làm bên ngoài, tôn trọng người lao động, giúp người lao động khi có khó khăn, tạo điều kiện và cải thiện cuộc sống trong nội bộ công ty.
Ban lãnh đạo công ty có vai trò quan trọng và đặc biệt trong việc giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức đã được công bố. Vai trò gương mẫu của ban lãnh đạo là tiếng nói đầy sức mạnh về sự gắn bó của công ty đối với những giá trị của họ, cho nên trước hết, các nhà lãnh đạo phải tự mình sống bằng tiêu chuẩn đó. Đặt ra tiêu chuẩn một cách hợp lí, làm rõ những nguyên tắc làm cơ sở cho nó và những đặc điểm của nó trong tất cả các lĩnh vực của đời sống công ty là những tác nhân quan trọng. Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện. Trong tác phẩm Đức dục (Ethics[17]), Aristotle đã làm rõ sự khác nhau giữa sự trong trắng về mặt trí tuệ và sự trong trắng về mặt đạo đức. “Sự trong trắng về mặt đạo đức đa phần là sản phẩm của thói quen và nói cho ngay là xuất phát từ tên của nó, với một ít thay đổi về hình thức, từ cái từ đó … Thiên hướng đạo đức của chúng ta được hình thành như là kết quả của những hoạt động đáp ứng… Vì vậy mà trong thời niên thiếu ta được huấn luyện thói quen này hay thói quen kia không phải là chuyện nhỏ: ngược lại, đấy là điều rất quan trọng thậm chí là quan trọng nhất”. Nhận thức sâu sắc như thế, mà cụ thể là hình thành thói quen là tác nhân quan trọng nhất trong việc phát triển hành vi mang tính đạo đức, liên quan đến việc nuôi dạy trẻ em, nhưng cũng liên quan đến việc thực hành những tiêu chuẩn đạo đức trong nội bộ công ty.
Điều đó cho thấy rằng thói quen thể hiện cách thức công ty giải quyết công việc hàng ngày là tác nhân quan trọng, vì người ta sẽ coi những thói quen này là những giá trị thực sự của công ty: sự tôn trọng của ban lãnh đạo đối với người lao động, chăm lo đối với việc phát triển tay nghề của người lao động, sự cởi mở của những người lãnh đạo các đơn vị trong khi trình bày kết quả công tác và ngân sách của họ, việc lựa chọn những người được thăng chức, cách thức thực hiện tiêu chuẩn đạo đức trong các chi nhánh của công ty, xử lí các nhà quản lí kém hiệu quả, sự cởi mở của ban lãnh đạo trước những ý kiến trái chiều .v.v.. Nếu các nhân viên thấy rằng công ty tôn trọng một cách nhất quán tiêu chuẩn do mình lựa chọn thì những hoạt động thường ngày mà người ta chứng kiến sẽ trở thành thói quen và củng cố thêm tiêu chuẩn của công ty; còn nếu không có sự nhất quán, không dám đối mặt với những trường hợp khó khăn, một số người không phải tuân thủ tiêu chuẩn, thì người ta cũng nhanh chóng nhận ra và một thói quen mới sẽ được hình thành, đến lúc nào đó nó sẽ làm mất giá tiêu chuẩn mà công ty tự đặt ra.
Trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn thì cả ban lãnh đạo công ty phải tham gia chứ không chỉ một mình ông giám đốc điều hành là có thể làm được. Muốn thiết lập được tiêu chuẩn thì phải có một nhóm các nhà lãnh đạo nòng cốt tận tụy ở cấp cao nhất, những người sẵn sàng bảo vệ tiêu chuẩn đó, đồng thời tất cả các cấp lãnh đạo trong tổ chức cũng phải sẵn sàng coi nó là ưu tiên hàng đầu. Điều đó sẽ có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với quá trình tuyển dụng và bố trí nhân viên của công ty. Một trong những tiêu chí của chính sách tuyển dụng là người được thuê mướn phải chấp nhận những giá trị đã được minh định rõ ràng: những người không thể hoặc sẽ không chấp nhận phải bị gạt ngay. Xin được nhấn mạnh một vấn đề: cân nhắc trong việc chuyển người trong khắp tổ chức để bảo đảm rằng những người thể hiện được nền văn hóa của công ty được đưa đến những vị trí mà họ có thể tạo được ảnh hưởng to lớn nhất đối với tổ chức. Mặt khác, tinh thần đồng đội sẽ bị tổn thất nặng nề nhất, nếu việc thăng chức trước hết dựa trên sự phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa mà không dựa trên khả năng hoàn thành nhiệm vụ của những cá nhân liên quan. Mặc dù không chứng minh được, nhưng tôi tin rằng cùng với thời gian, tiêu chuẩn đạo đức độc lập không chỉ là một điều gì đó tự bản thân nó là tốt đẹp mà còn có lợi cho cả cổ đông lẫn người lao động nữa. Tiêu chuẩn đó không bao giờ có thể thay thế được cho các biện pháp quản lí khác nhau như chiến lược, hệ thống, cơ sở hạ tầng hay những người lãnh đạo có tài. Nhưng cùng với thời gian, tính trung thực sẽ tạo ra niềm tin, người ta sẽ đáp ứng theo một cách khác khi được tôn trọng, chất lượng phục vụ cao sẽ tạo ra lòng trung thành của người tiêu dùng, và sẽ có ít khách hàng và nhân viên bỏ đi hơn. Công ty gắn bó với tiêu chuẩn sẽ cảm thấy rằng mỗi ngày làm việc đều là thử thách và ngày làm việc nào cũng là một ngày mới.
Công ty tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?
Mặc dù không phải lúc nào cũng được tín nhiệm, nhưng công ty kinh doanh hiện đại đã trở thành người đi đầu trong việc truyền bá các giá trị trong xã hội chúng ta. Nó chưa được tín nhiệm đúng mức là vì nhiều người thường đồng nhất công ty với việc tối đa hóa lợi nhuận hoặc tối đa hóa thu nhập của cổ đông, những giá trị được coi là kết quả của nạn độc quyền, các cartel và giá quá cao, mức đền bù quá đáng cho những người quản lí, những vụ bê bối tài chính và gây nguy hiểm cho môi trường - tất cả những điều đó đều bị coi là có hại cho quyền lợi của xã hội. Đây là đề tài phức tạp, không thể nói chi tiết ở đây được, nhưng những điểm sau đây là đặc biệt có ý nghĩa.
Thứ nhất, đa phần các công ty hiện nay đều có một tập hợp hiển ngôn các tiêu chuẩn thể hiện những quan điểm mạnh mẽ về mặt đạo đức, trong lĩnh vực công cộng và đòi hỏi dưới dạng những tiêu chuẩn hành động mà họ đặt ra cho tất cả các nhân viên của công ty. Thứ hai, cùng với sự suy giảm ảnh hưởng của nhà thờ và sự thất bại trong đời sống gia đình ở phương Tây, công ty đã trở thành cộng đồng càng ngày càng có vai trò quan trọng hơn vì người ta dành nhiều thời gian làm việc trong công ty, và thường thì những người làm việc cùng công ty cũng là nhóm quan trọng cho việc hình thành quan hệ ban bè. Thứ ba, công ty càng ngày càng có vai trò quan trọng cho những đóng góp từ thiện, cả bằng tiền mặt lẫn thông qua những chương trình hướng dẫn. Thứ tư, một phần là do thành tích và danh tiếng của lĩnh vực tư nhân vì sử dụng hiệu quả những nguồn lực sẵn có, nhưng một phần cũng vì sự tôn trọng các giá trị của công ty mà các công ty tư nhân đã được đề nghị điều hành một số định chế công cộng như các trường học kém chất lượng hoặc đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thực hiện công tác xã hội hay chăm sóc sức khỏe, những công việc mà cách đây vài thập kỉ không ai có thể nghĩ là các công ty sẽ đứng ra đảm nhận. Thứ năm, người ta có cơ hội thăng tiến thông qua những chương trình đào tạo và thực hiện trách nhiệm mà công ty giao cho họ. Thứ sáu, trong lĩnh vực đào tạo, khu vực công cộng càng ngày càng muốn làm việc với những đối tác trong lĩnh vực tư nhân nhằm triển khai các chương trình đào tạo và học tập suốt đời. Và thứ bảy, sự tập trung chú ý vào việc quản lí công ty một cách hiệu quả tại nhiều nước phương Tây kết hợp với những đòi hỏi mang tính pháp qui, yêu cầu công ty phải minh bạch hơn, tạo cho các công ty vai trò quan trọng trên trường quốc tế trong việc thúc đẩy những tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình trong những nước đang còn phải vật vã trong cuộc chiến đấu nhằm đưa ra các tiêu chuẩn như thế.
Kết luận
Quan niệm công ty kinh doanh như một cộng đồng đạo đức chỉ là một khía cạnh trong đời sống kinh tế mà thôi. Nó chưa phải là đề tài quan trọng trong chương trình nghị sự vì khó đo lường được tác động và ảnh hưởng kéo dài của nó. Nhưng nếu được quản lí tốt, việc xác lập một cách rõ ràng những tiêu chuẩn đạo đức trong nội bộ công ty có thể mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả những người có quan hệ với công ty đó.
Nguồn: http://www.iea.org.uk/publications/research/capitalism-morality-and-markets
Clarendon Press, 1924. Republished Liberty Press, Indianapolis 1988.
Reprinted in Ethical Theory and Business, T. Beauchamp and N. Bowie (eds.), En -
glewood Cliffs, New Jersey, Prentice Hall, 1988.
[5] Ibid, p. 256
Liberty, Friedrich Hayek, Chicago University Press, Chicago, vol. I, “Rules and
Order”, 1973, vol. II, “The Mirage of Social Justice”, 1978, vol. III, “The Political
Order of a Free People”, 1981.
[7] ibid, vol. I, p. 44.
[8] ibid, vol. I, p. 17.
[9] See in particular Hans Kung and Helmut Schmidt (eds.), A Global Ethic and Global Responsibilities: Two Declarations, SCM, London, 1993; Hans Kung (ed.), Yes to a Global Ethic, SCM, London, 1995; Hans Kung, A Global Ethic for Global Politics and Economics, SCM, London, 1997.
and Jews, Interfaith Foundation, October 1993.
Two Declarations, SCM, London, 1993, p. 31.
[14] ibid, p. 32.
[15] Archbishop of Canterbury’s Commission on Urban Priority Areas, Faith in the City, Church House Publishing, London, 1985.
Thị trường và đạo đức (Kì 7) (Phạm Nguyên Trường)
Robert A. Sirico
Văn hóa của đức hạnh, Văn hóa của thương trường
Phạm Nguyên Trường dịch
Dẫn nhập
Tôi chọn Văn hóa của đức hạnh, Văn hóa của thương trường làm chủ đề cho bài viết này vì quan hệ giữa chúng là tâm điểm của Viện Acton. Người ta thường coi văn hóa của thương trường và văn hóa của đức hạnh là những tập hợp giá trị “mềm” đối chọi nhau và đã lỗi thời và có lí do xác đáng để làm như thế. Những người tuyên xưng nền văn hóa của đức hạnh thường phê phán thị trường tự do vì nó hạ thấp đời sống của con người và biến con người thành Con người kinh tế [Homo economicus], nó chỉ có giá trị vì khả năng kiềm tiền hoặc khả năng sản xuất mà thôi.
Tôi cho rằng quan điểm phê phán như thế - rất thịnh hành trong giới hàn lâm và tăng lữ - là thiển cận, mặc dù nó xuất phát từ thực tiễn và là mối quan tâm chính đáng đối với phẩm giá của đời sống và ước muốn nâng cao nền văn hóa nhằm bảo vệ cá nhân con người trong tất cả những biểu hiện phức tạp của anh ta. Nó là thiển cận vì không đưa ra được những điểm khác biệt chủ yếu và quan trọng - mà tôi sẽ lần lượt thảo luận - và như vậy là nó loại bỏ cái có thể trở thành công cụ đầy sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng nền văn minh hướng vào sự bất tử và hướng vào tiềm năng của mỗi cá nhân con người.
Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại không tôn trọng phẩm giá của con người. Nhưng nếu ta coi những người có thể trở thành đồng minh của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại những lực lượng làm băng hoại phẩm giá của con người khi họ gặp khó khăn là do họ đã hiểu sai nền kinh tế thị trường thì đấy là một đại họa. Tôi tin rằng có thể sử dụng sự năng động của nền kinh tế thị trường nhằm củng cố văn hóa của đức hạnh. Sự tương tác, mâu thuẫn và sự hài hòa chung cuộc giữa văn hóa của thương trường và văn hóa của đức hạnh là những đề tài cần được tìm hiểu một cách căn cơ hơn.
Văn hóa của đức hạnh
Trước hết phải là rõ các định nghĩa. Văn hóa của đức hạnh là sự công nhận rằng đời sống của con người trên mặt đất không phải là thực tại tối hậu mà là thực tại áp chót (Evangelium Vitae, ch. 2)[1], và cuộc sống trên trần gian của chúng ta có mục đích vượt xa chính nó, mục đích là cuộc sống vĩnh hằng của chúng ta. Cuộc đời này chỉ là giả tạm, chỉ là giai đoạn chuyển tiếp đến cuộc sống vĩnh hằng, sao cho những gì có trong ta sẽ trở thành hạt giống cho sự sống đời đời. C. S. Lewis đã thể hiện một cách đầy thơ mộng như sau:
Không có ai là người bình thường. Bạn chưa bao giờ nói chuyện với một người hữu sinh hữu tử. Quốc gia, nền văn hóa, nền văn minh – tất cả đều là sinh tử; so với cuộc sống của chúng ta, chúng chỉ là phù du. Nhưng những người mà bạn chơi bời cùng, làm việc cùng, sống cùng, những người bạn khinh thường và bóc lột – tất cả đều là những nỗi kinh hoàng không bao giờ mất hay là sự tráng lệ bất tử … Kẻ đứng cạnh Thánh thể, hàng xóm của bạn là báu vật thiêng liêng nhất dành cho bạn[2].
Cuộc sống là món quà mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải giữ gìn cuộc sống với một trách nhiệm và sự cẩn trọng tối đa. Vì cuộc sống là quà tặng của Tạo Hóa cho nên nó mang theo giá trị linh thiêng ngay từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, và mỗi người đều có quyền có một đời sống được tôn trọng ở mức cao nhất, có thể. Vì vậy mà chúng ta phải chống lại những tôn giáo không thể hiện phẩm giá của con người vì chúng đe dọa ngay chính cơ sở của nền văn minh, chúng chống lại tự nhiên và phá hoại chính bối cảnh, mà trong đó người ta được hưởng những quyền của mình.
Bất kì qui tắc đạo đức nào mà cho phép, thí dụ như: giết người, diệt chủng, kể cả diệt chủng nhiễm sắc thể (chromosonal genocide) và những trò hề kinh tởm của bác sỹ Kevorkian ở Mĩ, đều là trái với nền văn hóa của đức hạnh. Bất kì qui định đạo đức nào mà cho phép sự xúc phạm đối với phẩm giá của con người, như chế độ nô lệ, cầm tù một cách bất công và làm điếm cũng đều là trái với nền văn hóa của đức hạnh. Ta có thể nói tương tự như thế về những hệ thống chỉ coi con người là phương tiện cho những mục đích cao hơn chứ không phải là những con người tự do với phẩm giá vốn có của mình (Evangelium Vitae, ch. 2).
Nền văn hóa của đức hạnh đấu tranh nhằm bảo vệ cá nhân con người, kể cả những người yếu đuối nhất và không có khả năng tự vệ nhất. Đấy là nền văn hóa của sự bảo bọc, của lòng khoan dung và hòa bình. Nó là câu trả lời “Có” cho câu hỏi của Kinh Thánh: “Tôi có phải là người bảo vệ của người anh em của tôi hay không?”. Nền đạo đức này quan tâm trước hết đến khía cạnh tinh thần, đồng thời còn chú ý đến cả chất lượng sống của con người nữa. Nó phải đấu tranh nhằm làm nhẹ bớt những nỗi khổ đau của con người và quan tâm đến việc phân bố một cách rộng rãi nhất, có thể, những nguồn lực của trái đất.
Văn hóa của đức hạnh và trật tự xã hội
Chỉ có trật tự xã hội đức hạnh – qui tắc hành xử của nó giữ cho xã hội không rơi vào hỗn loạn – mới có thể bảo vệ được phẩm giá của đời sống. Trật tự xã hội, như Russell Kirk nói[3], lớn hơn là luật pháp, mặc dù luật pháp được sinh ra từ đấy. Trật tự xã hội còn bao gồm cả phong tục, tập quán và đức tin của xã hội nữa. Muốn hiểu đúng nó thì chúng ta phải công nhận rằng xã hội dân sự gắn bó một cách không thể tách rời với tính cách của các cá nhân làm nên xã hội đó. Nếu xảy ra hiện tượng xuống cấp đạo đức, nghĩa là sự hỗn loạn trong tâm hồn của các cá nhân nằm trong xã hội đó, thì trật tự xã hội sẽ bị xấu đi.
Chúng ta có thể nung nấu trong lòng ước muốn cháy bỏng là phẩm giá của con người phải được thể hiện một cách rõ ràng trong các điều luật, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đôi khi tôi sợ rằng những cố gắng chính đáng của chúng ta nhằm bảo đảm rằng những điều luật khuyến khích nền văn hóa nhằm củng cố và tăng cường phẩm giá của con người được thông qua, thì sự chú ý của chúng ta đã bị đi chệch hướng, đã không hướng vào trách nhiệm căn bản hơn nhằm đảm bảo rằng tự thân nền văn hóa của chúng ta (bao gồm cả các qui tắc xã hội và những định chế trung gian) - là bối cảnh cho sự hình thành luật pháp – góp phần củng cố phẩm giá của đời sống của con người.
Thương trường khuyến khích nền hòa bình giữ người với người
Liệu những người tôn trọng đạo đức có được tự do lựa chọn một trong những hệ thống kinh tế hiện hữu nhằm thúc đẩy những giá trị của họ hay không? Tôi không tin là như thế. Thí dụ, ta hãy xem xét xem chủ nghĩa xã hội quan niệm về con người như thế nào. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mọi người và mọi tài sản đều là sở hữu của nhà nước, mọi hoạt động kinh tế đều nằm dưới quyền kiểm soát của tập thể. Điều này đã dẫn tới những hậu quả khủng khiếp. Thí dụ, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhà nước coi trẻ con như chúng vốn là trên thực tế: tiêu tốn nguồn lực của xã hội. Ludwig von Mises từng viết: “Không thể tưởng tượng được cộng đồng xã hội chủ nghĩa mà lại không có sự điều tiết một cách cưỡng bức sự phát triển dân số … ngay cả nếu cộng đồng xã hội chủ nghĩa có thể cho người ta “tự do luyến ái” thì nó cũng không thể nào cho người ta tự do sinh đẻ được[4]”.
Và ông đã nói đúng: mọi cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa đều dẫn đến những vụ cưỡng bức phá thai và hạn chế số nhân khẩu trong từng gia đình. Theo tôi, ưu việt lớn nhất của kinh doanh tự do là tính năng động đủ sức đáp ứng cho sự gia tăng một cách nhanh chóng dân số mà không bị nạn đói đe dọa. Chỉ có nền kinh tế tự do và sự gia tăng của cải mà nó mang lại mới có thể làm cho điều này trở thành khả thi mà thôi. Chủ nghĩa xã hội không thể nào làm được như thế.
Đặc điểm của thời đại ngày nay, xét về mặt kinh tế, là thu nhập gia tăng, niềm tin của người sản xuất và tiêu dùng tăng lên, cơ hội kinh doanh tăng, và sự phát triển đến kinh ngạc của công nghệ. Mặc dù các đảng phái đang tranh nhau xem ai là người đáng được khen vì những giai đoạn bùng nổ kinh tế như thế, nhưng thực ra lời khen đang hiện diện khắp nơi. Nguồn gốc của sự thịnh vượng hiện nay cũng như mãi mãi vẫn là nền kinh tế thị trường.
Thị trường không chỉ là khái niệm trừu tượng hay hệ thống sản xuất và phân phối. Thị trường còn là người dân, những người thực hành tiết kiệm và đầu tư, gánh chịu rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, quan sát thương trường và thực hiện những giấc mơ của mình. Trong hoạt động kinh tế, họ là những nhà sản xuất, những người công nhân và người tiêu dùng đang cùng nhau hợp tác trong một mạng lưới trao đổi quốc tế rộng lớn, trong đó những người sống cách xa họ nửa vòng trái đất, mà họ chẳng bao giờ gặp, mua sản phẩm của họ và làm ra những sản phẩm mà họ sử dụng.
Trong một thời gian dài, các nhà triết học đã tìm cách trả lời cho câu hỏi chủ yếu của lí thuyết xã hội: xây dựng xã hội như thế nào để có thể có một nền hòa bình giữa các dân tộc, dù họ là những người khác nhau? Sự thành công của nền kinh tế thị trường cung cấp cho ta một câu trả lời: họ trao đổi. Từ những vụ trao đổi đơn giản nhất cho đến những vụ trao đổi phức tạp nhất trên thương trường người ta đều làm một việc giống nhau: những người tự nguyện trao đổi với nhau – đây chính là bản chất của thị trường – nghĩa là họ đang làm công việc nhằm làm cho ai cũng đều được thỏa mãn.
Đấy được gọi là “Sự kì diệu của thương trường”. Không thể nào tưởng tượng nổi là hàng tỉ và hàng ngàn tỉ dollar trong quá trình trao đổi lại có thể đi khắp thế giới và đấy chính là nguồn gốc của sự thịnh vượng của gia đình chúng ta, vậy mà chúng ta chẳng cần để ý đến hoạt động của hệ thống này. Không có gì ngạc nhiên là cuối cùng thế giới đã nhận ra điều kì diệu của hệ thống hợp tác kinh tế toàn cầu. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy ý tưởng cho rằng nước nghèo sẽ càng nghèo hơn, còn nước giàu sẽ giàu thêm là sai. Sự thật là trừ những nước còn tiếp tục tiến hành thí nghiệm với nền kinh tế kế hoạch hóa như Cuba và Bắc Triều Tiên, các nước nghèo đang giàu lên (thí dụ như Argentina và Trung Quốc) trong khi một số nước giàu – do việc bành trướng các kế hoạch do trung ương lập ra – mà đã gặp khó khăn (thí dụ như Đức và Pháp). David Dollar và Aart Krasy, trong một báo cáo gần đây do Ngân hàng Thế giới xuất bản, đã chứng minh rằng kinh tế phát triển làm cho thu nhập của người nghèo gia tăng theo cùng tỉ lệ với tất cả những người khác[5].
Nhưng thương trường không hoạt động một cách tự động, thị trường không được gắn la bàn đạo đức để người ta theo, văn hóa thương trường cần phải có điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức, đấy là công nhận một số giá trị nền tảng. Những người tôn trọng thị trường cũng cần phải tôn trọng tính thiêng liêng của mỗi con người, tôn trọng sự phân phối một cách rộng rãi nhất tài sản, tôn trọng cơ hội rộng rãi nhất cho tính sáng tạo trong hoạt động kinh tế và vị trí cho mỗi người trong nền sản xuất của xã hội. Điều đó có nghĩa là phải đặc biệt quan tâm tới định chế cực kì quan trọng là sở hữu tư nhân, tự do kí kết hợp đồng, cạnh tranh và sáng kiến trong kinh doanh; cũng cần phải hiểu rằng những định chế này không phải là mục đích tự thân mà là những công cụ được sử dụng nhằm vinh danh đấng Hóa Công, nhằm theo đuổi đức hạnh và lợi ích chung, nghĩa là sử dụng những cơ hội rộng rãi và thuận lợi trong khuôn khổ an toàn, tự do và tinh thần công dân.
Thị trường là định chế mạnh mẽ nhất mà ta có thể tưởng tượng được nhằm làm cho sự thịnh vượng và tính hiệu quả trở thành khả thi, nhằm thực hiện việc tính toán và phối hợp các nguồn lực trong xã hội, và đương nhiên là những điều kiện tiên quyết này là yếu tố cần thiết trong việc giúp đỡ người nghèo vì hiệu quả là điều kiện tiên quyết của quá trình phân phối. Nhưng tính hiệu quả phải được gắn vào trong khuôn khổ xã hội vì nó không chỉ là lời và lỗ. Xã hội tự do đòi hỏi những nền tảng đạo đức ngay từ nguyên tắc căn bản của chúng: sự cống hiến, lòng nhân từ, tinh thần trách nhiệm, hướng tới tương lai và tinh thần hi sinh. Trái ngược với những khuôn mẫu do các phương tiện thông tin đại chúng dựng lên, người doanh nhân thành đạt hiểu rõ tất cả những tiêu chuẩn đó. Thành công trên thương trường xuất phát từ ước muốn phục vụ người khác, cả người tiêu dùng lẫn cổ đông; lợi nhuận bằng tiền có thể là động cơ hành động, nhưng tự bản thân, nó không thể là nền tảng của thắng lợi về mặt tài chính. Thị trường cạnh tranh buộc các doanh nhân lúc nào cũng phải nhìn ra bên ngoài và sẵn sàng phục vụ, nếu không họ sẽ mất thị phần.
Việc hướng ra bên ngoài như thế sẽ hình thành nên quan điểm xã hội của những doanh nhân thành đạt nhất; không phải ngẫu nhiên mà lĩnh vực từ thiện to lớn ở Mĩ lại do những người giàu có nhất trong xã hội tạo ra bằng cách hiến tặng tài sản của mình. Việc đóng góp cho quĩ từ thiện cũng gia tăng trong những giai đoạn kinh tế phát đạt. Đóng góp cho quĩ từ thiện là khẳng định rằng ích kỉ là không tốt, và cuối cùng thì tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu rộng lớn hơn của con người chứ không chỉ những thứ chúng ta bắt gặp trên thương trường.
Điều đặc biệt cần nhớ là mỗi người tham gia thị trường đều không phải là do áp lực mà là hành động một cách tự nguyện. Khi hành động của chúng ta mang lại lợi ích cho người khác thì mỗi người đều được lợi. Và ngược lại, nếu thị trường tỏ ra tàn nhẫn với bất kì một người nào đó thì nó cũng sẽ tàn nhẫn với kẻ coi thường nhu cầu và giá trị của cộng đồng và chỉ theo đuổi tư lợi một cách mù quáng. Như vậy là, thị trường và lòng vị tha là những thực thể gắn bó với nhau và có tác dụng tăng cường lẫn nhau, nhưng không phải là chỉ cho các ông chủ tư bản mà sự liên kết còn mở rộng phạm ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống lao động và trao đổi nữa.
Văn hóa của thương trường giúp chúng ta làm trọn ý Chúa
Văn hóa của đức hạnh buộc chúng ta phải ước mong rằng tất cả những người có thiên hướng hoạt động đều được phép làm như thế. Trong Sáng Thế Kí, Chúa đã kêu gọi gia đình nhân loại đến với điều có thể được gọi là thiên hướng kinh doanh – Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy rẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng (Sáng Thế Kí, 1: 28, Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, United Bibble Societies, bản in năm 1992 - ND) - một lời răn rõ ràng là phải làm việc và sáng tạo. Thị trường cung cấp cơ hội tốt nhất cho người ta sử dụng khả năng sáng tạo trời cho của họ và trở thành người tham gia vào công việc xã hội một cách trọn vẹn. Những rào cản về mặt pháp lí và những sáng kiến trái khoáy do chính phủ dựng lên đẩy người dân ra khỏi nơi làm việc; ngăn cản nhiều người, không cho họ hoàn tiện khả năng của mình và không thể trở thành một phần sống động của quá trình phân công lao động của xã hội.
Văn hóa của thương trường còn có thể củng cố văn hóa của đức hạnh bằng một con đường khác nữa. Thị trường tự do - sự hợp tác một cách có kỉ luật và tự phát giữa hàng triệu triệu tác nhân riêng lẻ - tạo ra sự cải thiện điều kiện vật chất của nhân loại. Nó đã tạo ra nền y khoa hiện đại, cung cấp điện năng, nước sạch và bây giờ là khả năng tiếp cận thông tin đến những thành phần dân cư rộng rãi nhất trên thế giới. Văn hóa thương trường thường được người ta mô tả như là “khả năng sống sót của những người phù hợp nhất”, trong đó đa số người hoặc là phải làm ra nhiều của cải hoặc là sẽ bị thương trường loại bỏ và trở thành thân tàn ma dại. Những người theo tư tưởng tập thể sẽ thuyết phục chúng ta rằng trên thực tế thị trường rất có hại đối với người nghèo. Nhưng sự thật là, nền kinh tế không bị chính trị nhúng mũi vào là phương tiện hiệu quả nhất trong việc sử dụng các nguồn lực và đáp ứng các nhu cầu của con người .
Để minh họa, tôi xin được trích dẫn một vài đoạn trong bài báo cuối cùng[6] của ông Julian Simon - một người bạn đã quá cố của tôi. Ông viết rằng mình đã tham dự một đám cưới và quan sát những người tham dự, từ những giám đốc các doanh nghiệp giàu có đến những người ăn mặc bình thường nhất. Ông nghĩ rằng cách đây hai trăm năm tổ tiên của mười chín trong số hai mươi người có mặt tại đó là những kẻ “vắt mũi chỉ đủ bỏ miệng”. Từ năm 1750 tất cả các chỉ số về điều kiện sống của người dân trong phần lớn các khu vực trên thế giới đã được cải thiện một cách đáng kể. Thí dụ như ở Anh, tuổi thọ trung bình lúc đó là khoảng 35, năm 1985 đa số dân Anh, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều sống đến khoảng 70 tuổi.
Simon chỉ ra rằng thị trường không chỉ mang đến cho chúng ta các công cụ và những món đồ tinh xảo, rằng sự phồn vinh là biểu tượng của sức mạnh chinh phục thiên nhiên nhằm mang lại lợi ích cho chúng ta. Nó còn - thông qua những ngành công nghệ do trời phú cho – cho phép chúng ta cải thiện và kéo dài cuộc sống nữa. Những khám phá làm người ta sửng sốt trong lĩnh vực y khoa rõ ràng là nhằm phục vụ con người.
Do sự gia tăng của những định chế thị trường mà những tiến bộ về mặt vật chất như thế không chỉ dành cho những dân tộc hiện đang giàu có. Theo tính toán của nhà kinh tế học Richard Easterlin[7], trong thập kỉ tới, thu nhập bình quân của các nước gọi là Thế Giới Thứ Ba sẽ bằng khoảng 80% thu nhập trung bình trên đầu người của Mĩ vào năm 1990. Còn trong xã hội của chúng ta, những người sống dưới mức nghèo khổ cũng có khẩu phần ăn khá hơn là tầng lớp quí tộc châu Âu thế kỉ XVIII. Trong suốt 100.000 năm nhân loại chỉ tìm được cách ăn đủ no, còn bây giờ vấn đế đối với đa số lại là làm sao ăn ít đi[8].
Sự phát triển của trao đổi tương đối tự do còn làm cho xã hội trở thành vô cùng năng động. Mô hình trước đây của phải tả - trong đó mỗi tác nhân kinh tế đều hoặc là người làm thuê, người chủ hay người nghèo – đã không đưa ra được bức tranh kinh tế chính xác nữa. Cách đây hai mươi năm, chỉ những người giàu có nhất mới đầu tư vào thị trường chứng khoán, còn hiện nay, một nửa giới trung lưu tham gia vào lĩnh vực này. Càng ngày càng có nhiều người có quyền sở hữu hơn. Nghĩa là lợi nhuận của công ty đã được dân chủ hóa. Hi vọng rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết sẽ lôi cuốn càng ngày càng đông người tham gia hơn.
Những vấn đề của thị trường
Nhưng thị trường cũng có một số vấn đề.
Thật bất hạnh và cực kì nguy hiểm là nhiều người lớn tiếng ủng hộ nhất cho thị trường đã không nhìn thấy nền tảng đức hạnh của tự do. Chúng ta phải gửi tới những người cho rằng xã hội có thể coi tài khoản ngân hàng là mối bận tâm chủ yếu thông điệp mạnh mẽ sau đây: trong nền kinh tế thị trường cũng còn cả những động cơ xấu xa nữa. Mục sư, Tiến sĩ Edmund Opitz nói như sau: “Thị trường còn cho thấy những người thiếu đạo đức, thể hiện trong suy nghĩ và hành động của họ - vì theo nghĩa rộng nhất của từ này – nó vẫn chỉ là thị trường mà thôi[9]”. Không phải tất cả các phương tiện kiếm tiền đều là đức hạnh cả, còn có những giá trị lớn hơn là lợi nhuận và sự thành công trên thương trường. Trong đó giá trị của cuộc sống phải giữ vị trí hàng đầu.
Như tôi đã nói, sự bùng nổ của các ngành công nghệ trong lĩnh vực y học góp phần nâng cao phẩm giá của con người. Chúng ta có những loại thuốc làm cho người ta sống lâu hơn, chúng ta có những biện pháp phẫu thuật có thể giúp cả những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ, chúng ta có những loại thuốc có thể làm dịu những cơn đau không thể nào chịu đựng nổi. Thị trường làm cho tất cả những tiến bộ như thế trở thành khả thi, tất cả đều nhằm nâng cao đời sống của con người.
Xin xem xét một trường hợp: Giáo sư Stephen Hawking. Cách đây ba mươi năm có thể ông đã phải nằm trong khu điều trị của bệnh việc của nhà nước, nhưng nhờ có công nghệ tiên tiến mà ông có thể trình bày trí tuệ và hiểu biết của mình (xin nói thêm là không phải tôi tán thành tất cả những điều ông nói) cho cử tọa rộng rãi trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ của công nghệ cũng lại xuất hiện những phương tiện có thể đe dọa chính cuộc sống. Khả năng tạo ra người bằng nhân bản vô tính là một trường hợp. Việc công nghệ có thể làm được một cái gì không có nghĩa là chúng ta phải làm cái đó, Acton từng nói: “Tự do mà chúng ta đang nói tới không phải là tự do muốn làm gì thì làm mà là tự do làm điều chúng ta nên làm”, cho nên tất cả những cố gắng của chúng ta đều cần phải được hướng dẫn bởi chữ “nên” huyền bí. Mục đích và tính chính đáng của công nghệ là nó phục vụ cộng đồng nhân loại. Nhưng nếu nhân bản vô tính con người đi quá xa ý nghĩa của nó đến mức là nhân loại có thể không còn là cha mẹ của những đứa con của mình nữa mà họ sẽ tạo ra chúng, và tất cả những gì chúng ta làm ra hay tạo ra đều là của chúng ta thì điều đó sẽ hạ thấp phẩm giá đời sống của con người và dẫm đạp lên quan niệm về tính bất khả xúc phạm nhân quyền và phẩm giá của con người.
Thị trường phải dựa trên cơ sở đạo đức của đời sống hay đạo đức của tôn giáo. Và trong khi những câu hỏi mang tính đạo đức về cuộc sống và sự chết chắc chắn không phải bao giờ cũng dễ hiểu, nhưng những câu hỏi này không xuất hiện trong chân không đạo đức vì nhiều người còn phải sống và chết với những nguồn lực giới hạn. Đức hạnh trong ngành y và công nghệ y học là những vấn đề khác nhau, và đạo đức phải thâm nhập vào công nghệ. Sự tiến bộ của công nghệ không chứa đứng trong nó nguyên lí đạo đức nội tại làm kim chỉ nam cho chính nó. Nếu đúng là nó cải thiện điều kiện sống của nhân loại thì nó phù hợp với đạo đức của cuộc đời, nó phải có tiêu chuẩn đạo đức khách quan làm kim chỉ nam.
Chủ nghĩa tiêu thụ
Chủ nghĩa tiêu thụ - được nhiều người coi là nền văn hóa do thị trường tạo ra – thì sao? Đây đúng là vấn đề nhức nhối. Nó phát sinh khi mục đích của cuộc đời là gom góp tài sản và những thú vui vật chất. Theo nghĩa này thì nó đúng là hình thức mới của lời báng bổ thánh thần xưa cũ. Nhưng xin nhớ rằng khi nói về chủ nghĩa tiêu thụ và sự sùng bái vật chất là chúng ta đang nói về những vấn đề của văn hóa chứ không phải những vấn đề của kinh tế học. Nói cho ngay, trong khi thị trường tạo ra nhiều sự cám dỗ thì nó cũng cung cấp cho chúng ta những biện pháp giúp khắc phục được chúng. Nó cung cấp cho chúng ta những phương tiện cụ thể nhằm giúp chúng ta hướng đến một đời sống vượt lên trên những mối lo lắng tại đây và lúc này. Thí dụ như cuộc cách mạng thông tin đưa đến cho chúng ta những cơi hội mới nhằm củng cố đức tin của chúng ta: qua mạng. Cũng cần nhớ rằng sáng kiến đã giúp chúng ta đọc Kinh thánh nữa: trước đây chỉ trong nhà thờ mới có những cuốn sách đắt tiền và đa số người trên 40 hay 50 tuổi không thể nào đọc được. Bây giờ đèn điện cho phép ta đọc ngay cả khi trời tối. Xin hãy suy nghĩ về sự kiện sau đây: đọc sách trước khi đi ngủ, một cái thú mà phần lớn ông bà tổ tiên của chúng ta không được hưởng vì không có điện và không có những cuốn sách hợp túi tiền.
Quảng cáo
Xin được nói đôi lời về quảng cáo như một chức năng của thị trường. Quảng cáo có thể được coi là một công cụ giáo dục, một phương tiện cạnh tranh hợp pháp và một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu. Nó đáng được bảo vệ. Nhưng người sử dụng cũng phải có tinh thần trách nhiệm. Thí dụ, không được khuyến khích người tiêu dùng coi tha nhân chỉ là những đối tượng. Xu hướng gợi dục thường được sử dụng trong lĩnh vực quảng cáo là một vấn đề. Nó khuyến khích người xem, thường là đàn ông, coi người đàn bà ăn mặc hở hang như là đối tượng - chỉ có thể xác mà không có linh hồn, coi thường nhân phẩm của người đó – mà không cần biết người phụ nữ ấy là ai. Đây có thể là nhận thức mới đối với chân lí trong giới quảng cáo! Xếp sang một bên sự kiện là đã có nhiều vụ kiện tụng về thuốc lá ở Mĩ, tôi cho rằng có lí do để lo lắng về những chiến dịch quảng cáo nhằm tung ra thị trường những sản phẩm có hại cho sức khỏe của thanh niên.
Một hai năm trước nhiều người đã lên tiếng phê phán gay gắt ngành công nghiệp thời trang dị hợm gọi là: “heroin look” [tạm dịch: Vẻ ngoài ma cô - ND]. Đấy là sử dụng một cách vô trách nhiệm quảng cáo nhằm lôi kéo người ta vào những con đường có hại cho chính cuộc sống. Thông tin là một chuyện, còn lôi kéo người ta vào những việc xấu xa lại là chuyện khác.
Cũng cần phải nói rằng thị trường không chỉ là mua và bán. Nó còn là thuyết phục về mặt đạo đức, là sự xúc phạm đối với xã hội, sự tẩy chay và bảo vệ nữa. Tất cả những điều đó đều có chức năng xã hội. Thí dụ, những người theo tôn giáo truyền thống tẩy chay những người quảng cáo khi họ tung ra những hình ảnh bất công về tôn giao là hoàn toàn hợp pháp và đúng đắn. Nói cho ngay, ta phải có trách nhiệm – và rất cần – sử dụng tiếng nói của họ trong xã hội tự do. Và những vụ phản đối chống lại những nhà quảng cáo sử dụng những kĩ thuật thiếu đạo đức đã làm cho ngành công nghệ thay đổi đột ngột cách tiếp cận của họ, bất ngờ tạo ra cái mà họ gọi là: “the happy look” [tạm dịch: Vẻ ngoài hạnh phúc]. Chỉ cần áp lực xã hội là ngành công nghiệp này, trong đa số trường hợp, đã từ bỏ những kĩ thuật hào nhoáng bề ngoài nhưng vô tích sự và tiếp thu cách tiếp cận thị trường gần gũi với cuộc đời hơn.
Tổng thống Mĩ, ông Bill Clinton, là một trong những người phê phán kiểu quấn áo “vẻ ngoài ma cô”, điều thú vị là lúc đó ông đã đưa ra những nhận xét rất thích hợp và rất có sức thuyết phục. Nền tảng triết lí của những nhận xét đó là gì? Cơ sở của nó là triết lí cộng đồng luận, một phong trào trí thức xuất hiện đúng vào giai đoạn cầm quyền của Clinton. Phong trào này – thu phục được cả những người tân tự do lẫn tân bảo thủ - khẳng định rằng hiện nay chúng ta thảo luận quá nhiều về quyền nhưng lại ít thảo luận về trách nhiệm. Chúng ta nghe nói về “xã hội phải có trách nhiệm gì với tôi”, nhưng không nghe thấy nói về trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội.
Phong trào này đã cung cấp cho đất nước biện pháp chỉnh lí hữu ích đúng vào lúc nó phải suy nghĩ về sự kết hợp kí quặc giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cá nhân. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đối với những giải pháp của triết lí cộng đồng luận. Nếu quan niệm đạo đức của họ đối với xã hội thúc giục chúng ta quan tâm hơn nữa đến lợi ích chung và ít đòi hỏi chính phủ phải làm cho cá nhân chúng ta hơn thì đấy là phong trào tốt. Nhưng nếu nó chỉ được sử dụng nhằm bao che cho sự can thiệp vào công việc kinh doanh của chúng ta, can thiệp vào đời sống cộng đồng và đời sống của gia đình chúng ta thì đấy là một phong trào nguy hiểm. Nhưng cần ghi nhận rằng đa số những vấn đề mà những người theo phái cộng đồng luận nêu ra đều là do sự can thiệp quá đáng của chính phủ vào hoạt động của xã hội vì chính phủ thường có xu hướng chia rẽ chứ không gắn kết con người lại với nhau.
Kết luận
Mặc dù chủ nghĩa xã hội - như một hệ thống kinh tế - đã thất bại, chúng ta vẫn thường nghe thấy người ta chê bai chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường vì những thất bại của chúng trong việc phục vụ quyền lợi của cộng đồng nhân loại. Một số thành tích của thị trường bị mang ra phê phán. Hệ thống lời và lỗ không phải là toàn bộ cộng đồng nhân loại, nhưng một số người ủng hộ thị trường lại nghĩ như thế. Thiếu ý thức văn hóa về những giá trị cao hơn là sự thịnh vượng về kinh tế thì văn hóa không thể phát triển trong dài hạn được. Muốn cho sự thịnh vượng về vật chất có ý nghĩa nào đó thì những giá trị như tính trung thực, lương thiện và lòng nhân hậu ngay từ khởi thủy phải xuất phát từ nền tảng đạo đức.
Điều thường bị người ta đánh giá thấp – vì phải suy nghĩ nghiêm túc thì mới hiểu được quan hệ nhân quả của nó – đấy là quan hệ trực tiếp giữa thành công trong lĩnh vực kinh doanh, sự thịnh vượng ngày càng gia tăng và những bước tiến đầy ấn tượng trong việc nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của con người.
Văn hóa của thương trường có thể củng cố văn hóa của đức hạnh. Thông điệp này cần được đem ra thảo luận công khai. Những người theo trường phái tự do cấp tiến phủ nhận điều này là đang làm những việc không có lợi cho nguyên tắc tự do kinh tế.
Đồng thời, chúng ta cũng phải giúp những trợ thủ của chúng ta, những người đang cổ vũ cho văn hóa của đức hạnh để họ hiểu rằng chúng ta không cỗ vũ cho chủ nghĩa tư bản chỉ biết đến lợi nhuận, tức là chủ nghĩa tư bản phó mặc con người cho những lực lượng kinh tế mù quáng và không ăn sâu bén rễ vào đạo đức nền tảng của cuộc đời, của con người và tài sản. Điều chúng ta đề nghị là một nền kinh tế tự do, tức là nền kinh tế đặt con người vào chính trung tâm của những hoạt động kinh tế đơn giản là vì con người là nguồn gốc của mọi sáng kiến kinh tế. Cho phép tôi được nói một cách dứt khoát rằng thị trường thấm đẫm những giá trị của tự do và đức hạnh là người trợ thủ cực kì cần thiết của trật tự xã hội tôn trọng phẩm giá của con người.
Tôi xin kết thúc ở đây với một vài trích dẫn của Alexis de Tocqueville và Lord Acton.
Tocqueville viết: “Chế độ chuyên chế có thể cai trị mà không cần đức tin, nhưng tự do thì không. …. Trong chế độ cộng hòa, tôn giáo còn cần thiết hơn các chế độ khác. Nếu những liên kết đạo đức không được củng cố khi những mối liên kết chính trị được buông lỏng ta thì làm sao xã hội không bị hủy diệt cho được?[10]”.
Còn Lord Acton thì tuyên bố: “Không có tôn giáo thì không nước nào có thể được tự do. Tôn giáo tạo ra và củng cố khái niệm về nghĩa vụ. Nếu không dùng nghĩa vụ thì phải dùng sự sợ hãi để kiềm chế người ta. Mà càng bị kiềm chế bằng sợ hãi thì càng ít tự do. Tinh thần trách nhiệm càng cao thì càng nhiều tự do hơn[11]”.
Nguồn: http://www.iea.org.uk/publications/research/capitalism-morality-and-markets
Publishing Co., 1980, p. 19.
[6] Julian Simon, “Simon Said: Good News! There Are Fewer Constraints With Each New Generation”, Washington Post, 22 February 1998, p. CO1
[7] Richard A. Easterlin, Growth Triumphant: The Twenty-first Century in Historical Perspective, The University of Michigan Press, Ann Arbor, MI, 1996.
[8] Simon, op cit.
[9] Edmund Opitz, Religion and Capitalism: Allies, Not Enemies, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, NY, 1992, p. 80.
[10] Alexis de Tocqueville, Democracy in America. trans. George Lawrence, ed. J.P.
Mayer, Harper Perennial, New York, 1988, p. 294.
[11] Lord Acton, Essays in Religion, Politics and Morality: Selected Writings of Lord Acton,