Temba A. Nolutshungu
Tự do chính trị cùng với tự do kinh tế làm cho những điều kì diệu của con người sinh sôi nảy nở
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong tiểu luận này nhà kinh tế học Nam Phi, Temba A. Nolutshungu, rút từ lịch sử gần đây của đất nước ông sự khác biệt giữa qui tắc đa số (giành được sau hàng chục năm đấu tranh chống lại sự độc chiếm quyền lực của nhóm thiểu số) với tự do và cho thấy tiềm lực giải phóng của tự do kinh tế.
Temba A. Nolutshungu là giám đốc Quĩ thị trường tự do ở Nam Phi. Ông giảng dạy chương trình kinh tế tại nhiều trường ở Nam Phi và thường xuyên viết bài cho báo chí Nam Phi. Ông từng là ủy viên Hội đồng kiến nghị Zimbabwe, tức một loạt đề xuất về chính sách giúp phục hồi Zimbabwe sau những thảm họa do Mugabe gây ra và được đệ trình lên thủ tướng Morgan Tsvangirai. Thời trẻ Nolutshungu từng là nhà hoạt động nổi tiếng trong Phong trào giác ngộ của người da đen Nam Phi.
_____________________________________________________________
Tháng 7 năm 1794, Maximilien Robespierre, một nhà cách mạng theo phái cộng hòa đồng thời là một nhà dân chủ cấp tiến và là người chống lưng cho Giai đoạn Khủng bố trong cách mạng Pháp – trong giai đoạn này đã có 40.000 công dân Pháp bị đưa lên đoạn đầu đài vì bị coi là “kẻ thù của nhân dân” – bị những người chống đối kết án tử hình. Trước khi chết ông đã nói với quần chúng một câu thường được người ta dùng để nịnh hót ông, nhưng nay lại gào lên đòi lấy máu ông. Câu ấy như sau: “Tôi đã mang đến cho các vị tự do, bây giờ các vị lại đòi cả bánh mì nữa”. Và Giai đoạn Khủng bố kết thúc ở đấy.
Đạo lí có thể rút ra ở đây là trong khi có thể có liên hệ nào đó giữa tự do chính trị và sự thịnh vượng kinh tế, nhưng chúng không phải là một.
Thịnh vượng kinh tế là kết quả của tự do. Ở Nam Phi, với tỉ lệ thất nghiệp được chính thức ghi nhận là 25,2% (không kể những người đã chán nản, không tiếp tục tìm kiếm công việc nữa), sự tách biệt giữa tự do chính trị và thịnh vượng kinh tế phản ánh khả năng xảy ra xung đột lớn – mối nguy còn gia tăng bởi những lời hứa hẹn về đủ kiểu lợi ích mà các chính quyền nối tiếp nhau vẫn nói với cử tri của họ.
Muốn giải quyết những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, cần phải làm rõ một số quan điểm sai lầm.
Tạo công ăn việc làm không phải là công việc của chính phủ. Chỉ có lĩnh vực tư mới tạo được việc làm ổn định. Công việc do chính phủ tạo ra là dựa vào tiền của người đóng thuế và được coi là công việc được trợ cấp. Vì là những công việc không ổn định cho nên chúng không tạo được hậu quả kinh tế tích cực. Khu vực tư nhân là khu vực tạo ra của cải chủ lực, còn khu vực nhà nước chỉ là khu vực tiêu thụ mà thôi.
Tiền là phương tiện trao đổi hàng hóa và dịch vụ cho nên nó phải liên quan tới và phản ánh được năng suất lao động. Năm 1991, khi tôi đến thăm Nga và Czechoslovakia hậu cộng sản, ở đâu tôi cũng nghe người ta nói câu chuyện tiếu lâm là công nhân giả vờ làm việc, còn chính phủ thì giả vờ trả lương cho họ. Nhu vậy là, theo ý tôi, khi nói về việc tạo công ăn việc làm, chúng ta chỉ cần tập trung vào khu vực tư nhân mà thôi.
Nhưng chúng ta chưa nói tới câu hỏi là phải áp dụng chính sách nào với doanh nghiệp tư nhân. Chính sách nào làm tăng, còn chính nào thì làm giảm năng suất lao động? Phải làm gì đây?
Xin xem xét những những nguyên tắc làm nền tảng cho một cuộc trao đổi đơn giản nhất giữa hai bên. Những vụ giao dịch đơn giản có thể sử dụng là thí dụ và đại diện cho nền kinh tế lớn hơn. Chúng có thể nói cho những người làm chính sách biết chính sách nào phù hợp với bản chất của con người vì con người là tác nhân then chốt trong nền kinh tế. Xin quay trở lại thời kì huyền sử với một người sống trong hang hốc, giỏi săn bắn nhưng không thông thạo trong việc sản xuất cung tên. Anh chàng này gặp một người làm cung giỏi và đồng ý đổi một phần thịt vừa săn được lấy vũ khí. Sau vụ đổi chác hai người đều cảm thấy hài lòng vì nghĩ rằng đã nhận được cái có giá trị lớn hơn là cái mà họ cho đi. Chẳng chóng thì chày người làm cung sẽ nhận ra rằng nếu chuyên tâm vào việc làm cung chứ không đi săn nữa thì anh ta có thể đổi cung lấy lông thú, thịt, ngà voi và những thứ khác. Đấy là anh ta tham gia kinh doanh. Anh ta sẽ phát đạt và tất cả khách hàng của anh ta cũng sẽ phát đạt vì họ đang sử dụng những chiếc cung tên hiệu quả cao hơn là những thứ do chính họ làm ra.
Điều quan trọng cần nói là trong kịch bản này không có ai sử dụng vũ lực hay lừa dối. Cũng không có sự tham gia của bên thứ ba. Không cần phải có người đưa ra luật lệ kiểm soát giao dịch gì hết. Luật lệ mà các bên tham gia giao dịch phải tuân thủ sẽ xuất hiện một cách tự phát. Họ tuân thủ như thể đấy là trật tự tự nhiên vậy. Đấy là điều mà sau này nhà kinh tế học đã quá cố, ông Friedrich Hayek, gọi là trật tự tự phát, và một phần của trật tự này là sở hữu tư nhân, được các bên tôn trọng.
Từ thí dụ đơn gian này người ta có thể suy ra rằng trong nền kinh tế hiện đại ngày nay, trong các nước mà chính phủ hạn chế can thiệp vào lĩnh vực kinh tế thì tốc độ phát triển kinh tế sẽ cao, đồng thời lợi ích về mặt kinh tế-xã hội cũng gia tăng tương ứng. Nói cách khác, nếu chính phủ thúc đẩy quyền tự do kinh tế của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và tạo điều kiện cho họ tham gia giao dịch không có lừa dối và ép buộc thì đất nước và nhân dân sẽ thịnh vượng. Đấy là con đường làm giảm thất nghiệp, cải thiện giáo dục và tạo ra hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Đây là những nguyên tắc căn bản, áp dụng cho tất cả các nền kinh tế, không phụ thuộc vào cái nôi văn hóa của nó. Huyền thoại về “tinh thần lao động” tồn tại dai dẳng đáng được giới phê bình quan tâm. Quan điểm này còn làm gia tăng những cách nghĩ theo kiểu rập khuôn là sắc dân này hay dân tộc này thì có tinh thần lao động, còn sắc dân kia hay dân tộc kia thì không có; và mở rộng ra: dân tộc nghèo, sắc dân nghèo là vì không có tinh thần lao động, còn dân tộc giàu, sắc dân giàu thành công hơn là vì có tinh thần lao động – đây là quan điểm rất nguy hiểm, đặc biệt là khi nó gắn với sắc tộc.
Trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, Tây Đức có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khi Đông Đức là khu vực thảm họa về kinh tế. Họ là người cùng một dân tộc, cùng nền văn hóa, thậm chí cùng gia đình trước khi bị Thế chiến II chia rẽ. Có thể nói tương tự như thế về hai nước Triều Tiên: miền Nam là một người khổng lồ về kinh tế, trong khi miền Bắc là địa ngục, tiếp tục ngửa tay xin viện trợ của nước ngoài. Họ cũng là người cùng một dân tộc, cùng một nền văn hóa. Và sự tương phản đến thế nào giữa Trung Hoa lục địa và Hồng Công – đấy là nói trước năm 1992, khi Đặng Tiểu Bình khởi động cuộc cải cách thị trường tự do, sau khi đã tuyên bố rằng làm giàu là vinh quang và mèo trắng hay mèo đen đều tốt, miễn là bắt được chuột. Một lần nữa, đây cũng là một giống người, một nền văn hóa và cùng một sự khác biệt một trời một vực về kinh tế. Sự khác biệt là do – lúc nào cũng thế - mức độ tự do mà các tác nhân kinh tế được hưởng.
Từ năm 1992, nhờ những cuộc cải cách thị trường quyết liệt nhất trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Và trái ngược lại, điều đáng buồn là, như Bertel Schmittc đã nói: “Hoa Kì lại nhặt được cuốn sách dạy về kinh tế xã hội chủ nghĩa mà Đặng Tiểu Bình đã nhanh trí vất đi”.
Khuôn khổ pháp lí và định chế, đặc biệt là mức độ tự do của những qui định điều tiết nền kinh tế, là yếu tố quyết định mức độ giàu có của đất nước cũng như của người dân của nó. Nói cách khác, mức độ tự do mà chính phủ dành cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế sẽ quyết định kết quả hoạt động của họ. Năm 1986, giáo sư Walter Williams – tác giả cuốn Cuộc chiến chống chủ nghĩa tư bản của Nam Phi (South Afriica’s War Against Capitalism) – đã tổng kết tất cả những vấn đề này bằng mấy từ như sau: “… Giải pháp cho các vấn đề của Nam Phi không phải là những chương trình đặc biệt, không phải là ra các văn bản pháp qui, không phải là bố thí, và cũng không phải là trợ cấp. Đấy là tự do. Bởi vì nếu bạn nhìn ra thế giới và nếu bạn tìm kiếm nhưng người giàu, những người biết làm ăn giỏi, bạn còn thấy xã hội, ở đó cá nhân có tương đối nhiều quyền tự do”.
Thị trường và đạo đức (Kì 15)
June Arunga
Chủ nghĩa tư bản và công lí
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong tiểu luận này, June Arunga kêu gọi đưa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do vào châu Phi và phản đối những người ngăn cản, không cho châu Phi dựa vào nền thương mại tự do để tham gia vào nền kinh tế thế giới. Bà ủng hộ thương mại tự do, và phê phán những người ủng hộ “khu vực thương mại” được lựa chọn, tức là khu vực cung cấp những khoản ưu tiên ưu đãi (và đôi khi vi phạm quyền sở hữu của người dân địa phương) cho các nhà đầu tư nước ngoài hay giới tinh hoa địa phương và phủ nhận quyền tự do thương mại hoặc quyền đầu tư trên cơ sở bình đẳng của những người khác. Bà kêu gọi tôn trọng quyền sở hữu của người dân châu Phi và chủ nghĩa tư bản tự do, không để cho những ưu tiên ưu đãi và các cơ sở độc quyền làm méo mó đi.
Kinh nghiệm của tôi là phần lớn – có thể đến 90% - bất đồng là do thiếu thông tin tại một trong hai phía. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi người ta chuyển từ không gian văn hóa này sang một không gian văn hóa khác. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của ngành thương mại ở châu Phi, giữa người châu Phi với nhau, sau một giai đoạn cách li kéo dài – đấy là do chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và sự thiếu hiểu biết lẫn nhau mà ra. Tôi nghĩ chúng ta phải hân hoan trước sự phát triển như thế của ngành thương mại. Một số người lo sợ trước sự phát triển của thương mại, tôi nghĩ họ cần có nhiều thông tin hơn.
Đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa và tôi nghĩ là chúng ta phải chào mừng nó. Nó giúp cho việc chuyển giao các kĩ năng, giúp người ta tiếp cận với công nghệ trên toàn thế giới và nhiều điều khác nữa. Nhưng nhiều người vẫn đứng bên ngoài quá trình này. Câu hỏi là: Tại sao? Năm 2002 tôi đã gặp ông Johan Norberg, một nhà kinh tế học Thụy Điển, tác giả cuốn sách có tính khai minh với tựa đề là Bảo vệ chủ nghĩa tư bản toàn cầu (In Defense of Global Capitalism), và tôi đã kinh ngạc trước cách xử lí thông tin của ông.
Ông không làm một việc đơn giản là gạt bỏ những người chống lại thương mại tự do. Không những thế, ông còn lắng nghe họ, xem xét quan điểm của họ và kiểm tra lại thông tin của họ. Khởi kì thủy, sự quan tâm đối với những tin tức có đầy đủ căn cứ đã làm ông hết lòng ủng hộ chủ nghĩa tư bản.
Tôi còn ngạc nhiên hơn trước cách suy nghĩ về tương lai của những người nghèo, tức là những người bị tác động nhiều nhất. Norberg đã đi khắp thế giới để hỏi người dân. Ông không nói với họ những việc họ nên nghĩ. Ông hỏi họ đang nghĩ gì. Bằng cách hỏi những người nghèo, những người được tạo cơ hội tham gia vào thương mại – như thương nhân hay người buôn bán nhỏ hoặc những người lao động trong các doanh nghiệp có tham gia vào lĩnh vực ngoại thương – ông phát hiện ra những sự kiện mà các quan chức giáo điều đã bỏ qua. Công việc trong nhà máy mới làm cho cuộc sống của bạn tốt lên hay xấu đi? Cái điện thoại cầm tay đầu tiên làm cuộc sống của bạn tốt lên hay xấu đi? Thu nhập của bạn tăng hay giảm? Bạn đi lại bằng phương tiện gì: đi bộ, đi xe đạp, đi mô tô hay ô tô? Bạn thích đi mô tô hay đi bộ? Norberg nhấn mạnh rằng cần phải xem xét những sự kiện xảy ra trong dân chúng. Ông hỏi những người dân tham gia vào nền thương mại toàn cầu xem họ nghĩ gì và liệu thương mại tự do có cải thiện được đời sống của họ hay không. Ông muốn nghe đánh giá của từng cá nhân.
Chúng ta phải hỏi chính phủ đang làm gì với chúng ta chứ không phải hỏi họ đang làm gì cho chúng ta. Chính phủ của chúng ta đang làm hại chúng ta: họ ăn cắp của chúng ta, họ ngăn chặn, không cho chúng ta buôn bán, và làm cho người nghèo càng nghèo thêm. Những nhà đầu tư ở địa phương không được phép cạnh tranh vì chế độ pháp quyền không tồn tại trong các nước nghèo. Có thể đấy là lí do làm cho họ trở thành những nước có thu nhập thấp – vì nhân dân không được chính phủ tôn trọng.
Chính phủ nhiều nước nghèo tìm cách lôi kéo “các nhà đầu tư ngoại quốc”, nhưng lại không cho dân chúng nước mình tham gia thương trường. Mở cửa thị trường và cạnh tranh cho dân chúng trong nước không nằm trong chương trình nghị sự của họ. Dân chúng địa phương có kiến thức và hiểu rõ khu vực của mình. Nhưng chính phủ các nước Phi châu của chúng ta lại ngăn chặn, không cho nhân dân nước mình tham gia thương trường nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại quốc hoặc những nhóm quyền lợi đặc biệt trong nước.
Thí dụ, những hạn chế nghiêm ngặt đã gây ra trở ngại rất lớn đối sự cạnh tranh của các công ty nội địa trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng và cung cấp nước uống, phớt lờ khả năng của nhân dân chúng ta, không để họ sử dụng những kiến thức tại chỗ về công nghệ, về sở thích của dân chúng và cơ sở hạ tầng tại chỗ. “Toàn cầu hóa” mà chỉ ưu tiên ưu đãi “các nhà đầu tư ngoại quốc”, trong khi các nhà đầu tư địa phương bị gạt ra và không được phép cạnh tranh là sai. Nếu “các đặc khu kinh tế” mà chính phủ dựng lên là để thu hút “các nhà đầu tư ngoại quốc” thì tại sao đa số người dân lại chẳng được lợi lộc gì? Tại sao chúng lại được coi là những khu vực ưu tiên ưu đãi đặc biệt chứ không phải là thành phần của sự tự do thương mại cho tất cả mọi người? Tự do thương mại phải là tự do cạnh tranh trong việc phục vụ người dân, chứ không phải là ưu tiên ưu đãi cho giới tinh hoa trong khu vực, những người không thích cạnh tranh hay ưu tiên ưu đãi cho những nhà đầu tư ngoại quốc, những người có thể gặp riêng các vị bộ trưởng.
Khi các công ty ngoại quốc được chính phủ ưu tiên ưu đãi thì đấy không phải là “thương mại tự do”, khi các công ty trong nước bị chính phủ ngăn chặn, không cho tham gia thương trường thì đấy cũng không phải là “thương mại tự do”. Thương mại tự do đòi hỏi chế độ pháp quyền cho tất cả và tất cả mọi người đều được tự do tham gia vào những hành động tự nhiên nhất: trao đổi tự nguyện.
Sự thịnh vượng của người châu Phi không phải xuất phát từ những khoản trợ giúp của ngoại quốc hay những đồng tiền do gian lận mà ra. Ở châu Phi, chuyện đó đã xảy ra quá nhiều rồi, nhưng nó không có ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của người nghèo. Kiểu “giúp đỡ” như thế chỉ làm gia tăng nạn tham nhũng và làm suy yếu chế độ pháp quyền mà thôi. Nó buộc chúng ta phải mua dịch vụ từ những người dân của đất nước viện trợ. Nó làm biến dạng các quan hệ thương mại. Nhưng tai họa nhất là: “viện trợ” làm cho chính phủ và nhân dân không còn liên hệ với nhau nữa vì người thanh toán các khoản chi tiêu của chính phủ nằm ở Paris, Washington hoặc Brussels, chứ không nằm ở châu Phi .
Quan hệ thương mại cũng có thể bị giới tinh hoa trong khu vực, những kẻ được giới chức chính trị ưu ái, làm cho méo mó hoặc mất tự do, chắc chắn là độc giả biết rõ lí do rồi. Quan hệ thương mại cũng có thể bị bóp méo bằng cách bảo đảm sự độc quyền, không cho cả những người cạnh tranh trong nước cũng như nước ngoài tham gia vào những lĩch vực nào đó. Hơn nữa, quan hệ thương mại có thể bị làm méo mó và mất tự do khi giới tinh hoa nước ngoài câu kết với chính phủ nước họ để được chính phủ nước nhận viện trợ giành cho những hợp đồng độc quyền thông qua những khoản viện trợ ràng buộc: cả công ty cạnh tranh trong nước lẫn nước ngoài đều không được tham gia vì thỏa thuận đã kí rồi. Tất cả những qui định này đều trói buộc thị trường và quyền tự do của chúng ta. Chúng ta buộc phải mua những hàng hóa hay dịch vụ với chất lượng và giá cả không chắc đã phải là tốt nhất vì chúng ta không có quyền tự do lựa chọn. Mất quyền tự do làm cho chúng ta cứ mãi ở vị trí kém cỏi và nghèo đói.
Chúng ta không bị cướp bóc vì giá thấp và chất lượng hàng hóa tốt. Chúng ta bị cướp mất cơ hội cải tiến, bị cướp mất cơ hội sử dụng đầu óc của chính mình, bị cướp mất cơ hội cải thiện hoàn cảnh của mình bằng chính năng lực và trí tuệ của mình. Về lâu dài, tội đó còn to hơn. Chủ nghĩa bảo hộ và đặc quyền đặc lợi không chỉ duy trì sự khánh kiệt nền kinh tế mà còn làm cho trí tuệ, lòng dũng cảm, tính cách, ý chí, lòng quyết tâm và lòng tự tin, không thể phát triển được.
Thông tin chính là cái chúng ta cần. Chúng ta phải nói chuyện với quần chúng nhân dân. Chúng ta cần phải kiểm tra lại các sự kiện. Trong đa số các trường hợp, đấy không phải là thông tin mật, nhưng ít người chịu quan tâm. Bằng chứng không thể chối cãi được là chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, tự do thương mại và bình đẳng trước pháp luật, tạo ra thành công kinh tế cho quần chúng nhân dân.
Điều chúng ta là cần chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, nó sẽ tạo ra không gian cho chúng ta thể hiện năng lực của mình. Nhà kinh tế học Peru, ông Hernando de Soto, đã chỉ rõ trong tác phẩm Điều kì diệu của tư bản (The Mystery of Capital) cách thức người nghèo biến “vốn chết” thành vốn “năng động” nhằm cải thiện cuộc sống của chính họ. Thiếu vốn không phải là sự kiện không thể tránh được. Ở châu Phi chúng ta có nhiều vốn, nhưng đa phần không được sử dụng nhằm cải thiện cuộc sống của chúng ta. Đấy là “vốn chết”. Chúng ta phải hoàn thiện quyền sở hữu của chúng ta để biến những đồng vốn nhàn rỗi thành “vốn năng động”, thành những đồng vốn tạo ra cuộc sống. Chúng ta cần phải có quyền sở hữu, nghĩa là chúng ta đòi tôn trọng quyền của chúng ta. Chúng ta đòi bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta đòi chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.
June Arunga là nữ doanh nhân và nhà sản xuất phim ở Kenya. Bà là người sáng lập và tổng giám đốc điều hành của hãng Open Quest Media LLC và đã thực hiện mấy dự án trong lĩnh vực viễn thông ở châu Phi. Bà đã sản xuất hai bộ phim tài liệu về châu Phi cho hãng BBC là Con đường của quỉ sứ (The Devil’s Footpath), nói về chuyến đi sáu tuần, dài 5.000 dặm, từ Cairo đến Cape Town, của bà; và Lên án ai? (Who’s to Blame?), nói về cuộc tranh luận/thảo luận giữa Arunga và cựu tổng thống Jerry Rawlings của Ghana. Bà thường viết cho trang mạng AfricanLiberty.org và là đồng tác giả cuốn Cuộc cách mạng của điện thoại di động ở Kenya (The Cell Phone Revolution in Kenya). Arunga tốt nghiệp khoa luật tại trường tổng hợp Buckingham (University of Buckingham), Anh quốc.
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
Trên mạng: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
Thị trường và đạo đức 16
Ludwig von Mises - Cơ sở kinh tế của tự do
Phạm Nguyên Trường dịch
Động vật hành động vì những thôi thúc bản năng. Chúng làm theo những xung động mạnh mẽ nhất và đòi đáp ứng ngay tại mỗi thời điểm. Chúng là những con rối của những ham muốn của chính chúng.
Con người khác loài vật ở chỗ biết lựa chọn giữa những phương án khác nhau. Con người điều chỉnh hành vi của mình một cách có cân nhắc. Con người có thể làm chủ được những xung động và ước muốn của mình, con người có đủ sức kìm nén những ước muốn mà để đáp ứng chúng thì phải hi sinh những mục tiêu quan trọng hơn. Nói ngắn: con người hành động, con người hướng tới những mục tiêu đã được lựa chọn. Đấy là điều chúng ta nghĩ trong đầu khi chúng ta tuyên bố rằng con người là một nhân vật đức hạnh, nhận vật tự chịu trách nhiệm cho nhân cách của mình.
Tự do là định đề của đức hạnh
Tất cả những học thuyết và những lời giáo huấn về đức hạnh, dù là dựa trên tín điều tôn giáo hay học thuyết thế tục, thí dụ như những người khắc kỉ, đều giả định rằng các cá nhân tự chủ về mặt đạo đức và vì vậy mà tất cả những học thuyết và lời giáo huấn đó đều viện đến lương tâm của mỗi cá nhân. Tất cả các học thuyết này đều giả định rằng cá nhân có quyền tự do lựa chọn giữa những phương án hành xử khác nhau và đòi hỏi rằng phải hành xử phù hợp với những qui tắc xác định, tức là phải hành xử theo các qui tắc đạo đức. Làm điều tốt, tránh xa điều xấu.
Rõ ràng là những lời cổ vũ và khuyên răn về đức hạnh chỉ có ý nghĩa khi ta nói với những người tự do mà thôi. Nói điều đó với những người nô lệ là việc làm vô nghĩa. Nói với người nông nô cái gì là tốt, cái gì là xấu cũng chẳng được ích lợi gì. Anh ta không được tự do lựa chọn cách hành xử của mình, anh ta bị buộc phải nghe theo mệnh lệnh của chủ. Thật khó có thể lên án anh ta nếu anh ta làm theo lệnh của chủ dù có thể bị những hình phạt cực kì tàn ác, đe dọa không chỉ anh ta mà cả người thân trong gia đình anh ta nữa.
Đấy là lí do vì sao tự do không chỉ là định đề chính trị mà còn là định đề quan trọng của mọi nền đạo đức, cả tôn giáo lẫn thế tục.
Cuộc đấu tranh cho tự do
Trong hàng ngàn năm, phần đông nhân loại hoàn toàn hay ít nhất là về nhiều mặt đã không được quyền lựa chọn giữa cái đúng và cái sai. Trong xã hội chia thành đẳng cấp của những ngày đã qua đó, những giai tầng bên dưới (đa phần dân chúng) thường bị hệ thống kiểm soát khắt khe ngăn chặn. Biểu hiện rõ ràng nhất của nguyên tắc này là quy chế của Đế chế La Mã, cho phép các ông hoàng và bá tước của đế chế có quyền quyết định trách nhiệm tôn giáo của những người dưới quyền họ.
Người phương Đông ngoan ngoãn qui thuận tình trạng này. Nhưng những người Thiên chúa giáo và hậu duệ của họ ở những vùng lãnh thổ hải ngoại chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho tự do. Họ đã xóa bỏ dần tất cả đặc quyền đặc lợi của các giai tầng và đẳng cấp và xóa bỏ những điều kiện bất lợi cho đến khi thiết lập được điều mà những nhà tiên khu của chế độ toàn trị cố gắng bôi nhọ bằng cách gọi đấy là hệ thống tư sản.
Uy thế của người tiêu dùng
Nền tảng kinh tế của hệ thống tư bản là kinh tế thị trường, trong đó người tiêu dùng là “thượng đế”. Người tiêu dùng, nghĩa là tất cả mọi người, quyết định – bằng cách mua hay không mua – cần sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao. Các doanh nhân - do tính toán lời lỗ - buộc phải tuân thủ mệnh lệnh của người tiêu dùng. Chỉ những doanh nghiệp cung cấp một cách tốt nhất và rẻ nhất những món hàng và dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua nhất mới có thể phát đạt được mà thôi. Những doanh nghiệp không đáp ứng được người tiêu dùng sẽ bị lỗ và cuối cùng phải ngừng kinh doanh.
Trong giai đoạn tiền tư bản người giàu là những người có những điền sản lớn. Họ hay tổ tiên của họ có được tài sản là do nhà vua – người mà nhờ họ giúp đỡ đã chiếm được đất nước và nô dịch được những người sống trên vùng đất đó – ban tặng (dưới dạng thái ấp hay đất phong). Những điền chủ quí tộc đó là những ông chủ thật sự, họ không cần người mua. Nhưng người giàu trong xã hội công nghiệp tư bản lại phụ thuộc vào thị trường. Họ kiếm được tài sản là do phục vụ người tiêu dùng tốt hơn những người khác và họ sẽ bị mất tài sản khi những người kia đáp ứng được ước muốn của người tiêu dùng tốt hơn hay rẻ hơn họ.
Trong nền kinh tế thị trường tự do, người chủ tư bản buộc phải đầu tư vào những ngành có thể phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Do đó, quyền sở hữu hàng hóa tư bản liên tục được chuyển vào tay những người biết cách phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất. Hiểu theo nghĩa này, trong nền kinh tế thị trường, tài sản tư nhân là một loại dịch vụ công cộng, buộc người chủ sở hữu phải sử dụng nó nhằm đáp ứng một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Đấy là cái mà các nhà kinh tế học hàm ý khi họ gọi kinh tế thị trường là nền dân chủ, trong đó từng đồng xu đều có quyền bỏ phiếu.
Khía cạnh chính trị của tự do
Chính phủ đại diện là hệ quả chính trị tất yếu của nền kinh tế thị trường. Phong trào tư tưởng xây dựng lên chế độ tư bản hiện đại cũng là phong trào đã đưa các quan chức được bầu thế chỗ cho chính quyền độc tài của những ông vua chuyên chế và những nhà quí tộc cha truyền con nối. Chính cái chủ nghĩa tự do tư sản vẫn bị người ta chê bai đó đã đem đến tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí và đặt dấu chấm hết cho những sự ngược đãi bất công đối với những người bất đồng.
Đất nước tự do là đất nước, trong đó mỗi công dân đều có quyền tự do sống theo ý mình. Người công dân được tự do cạnh tranh trên thương trường nhằm giành lấy những công việc mà anh ta ưa thích nhất và trên sân khấu chính trị thì giành lấy những chức vụ cao nhất. Anh ta phụ thuộc vào thiện ý của người khác như thế nào thì những người kia cũng phụ thuộc vào thiện ý của anh ta như thế ấy. Muốn thành công trên thương trường, anh ta phải làm cho người tiêu dùng hài lòng; muốn thành công trong lĩnh vực công, anh ta phải làm cho cử tri hài lòng. Hệ thống này đã đem đến cho những nước tư bản phương Tây, Mĩ, Australia mức độ gia tăng dân số chưa từng có trước đây và đem đến cho họ mức sống cao chưa từng thấy. “Người dân bình thường” được hưởng những thứ mà ngay cả những người giàu có nhất trong thời tiền tư bản cũng không dám mơ ước. Anh ta được hưởng những thành quả tinh thần của khoa học, của thi ca và nghệ thuật mà trước đây chỉ có nhóm tinh hoa trong số những người giàu có mới được tiếp cận mà thôi. Và anh ta được tự do thờ cúng theo lương tâm của mình.
Sự xuyên tạc của phái xã hội chủ nghĩa
Tất cả những sự kiện liên quan tới hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã bị các chính trị gia và người cầm bút tự dán lên mình nhãn mác của chủ nghĩa tự do xuyên tạc và bóp méo. Thế mà trong thế kỉ XIX chủ nghĩa tự do chính là trường phái tư tưởng đã đập tan chính quyền độc đoán của vua chúa và quí tộc và mở đường cho tự do thương mại và tự do kinh doanh. Theo những người biện hộ cho sự trở lại của chế độ chuyên chế thì tất cả những điều xấu xa đang làm bại hoại nhân loại đều từ những âm mưu nham hiểm của những nhà tư sản kếch xù mà ra, muốn đem lại của cải và hạnh phúc cho người dân lương thiện thì phải đặt những công ty này dưới quyền kiểm soát ngặt nghèo của chính phủ. Họ thừa nhận – mặc dù mới chỉ gián tiếp – rằng điều đó có nghĩa là chấp nhận chủ nghĩa xã hội, chấp nhận Liên Xô. Nhưng họ bảo là chủ nghĩa xã hội trong các nước phương Tây sẽ hoàn toàn khác với chủ nghĩa xã hội ở Nga. Và dù thế nào đi nữa thì đấy cũng là biện pháp duy nhất có thể áp dụng nhằm tước đoạt quyền lực của những công ty khổng lồ và ngăn chặn, không để chúng tiếp tục xâm phạm lợi ích của nhân dân.
Muốn chống lại trò tuyên truyền cuồng tín này thì phải nhắc đi nhắc lại sự thật là chính các doanh nghiệp lớn đã mang đến cho quần chúng mức sống cao chưa từng có. Những món hàng xa xỉ phẩm dành cho một số ít người giàu có có thể được những doanh nghiệp nhỏ sản xuất. Nhưng nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tư bản là sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Chính những người làm cho các công ty lớn lại cũng là những người tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra. Quan sát gia đình những người có thu nhập trung bình ở Mĩ, bạn sẽ thấy bánh xe của máy móc đang quay vì ai. Chính các công ty lớn đã làm cho người dân bình thường tiếp cận được với những thành tựu của công nghệ hiện đại. Năng suất lao động cao của nền sản xuất lớn làm cho mọi người đều được lợi.
Nói về “quyền lực” của doanh nghiệp lớn là việc làm ngu xuẩn. Biểu hiện chủ yếu nhất của chủ nghĩa tư bản trong tất cả các vấn đề kinh tế là quyền lực tối cao nằm trong tay người tiêu dùng. Tất cả các doanh nghiệp lớn đều phát triển từ một xuất phát điểm khiêm tốn, chúng lớn lên là nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng. Không có doanh nghiệp vừa và nhỏ nào có thể đưa ra những sản phẩm mà không người Mĩ nào muốn mua. Công ty càng lớn thì càng phụ thuộc vào thiện ý của người tiêu dùng. Chính ước muốn (có người nói là sự điên rồ) của người tiêu dùng đã thúc đẩy ngành sản xuất ô tô làm ra những chiếc xe to đùng và bây giờ lại buộc họ phải sản xuất những chiếc xe nhỏ hơn. Các cửa hàng và siêu thị phải thường xuyên điều chỉnh, thường xuyên đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi của người tiêu dùng. Qui luật căn bản nhất của thị trường là: khách hàng bao giờ cũng đúng.
Những người phê phán hoạt động kinh doanh và làm ra vẻ như nắm được những biện pháp cung cấp tốt hơn thực chất chỉ là kẻ ba hoa chích chòe vô công rồi nghề mà thôi. Nếu những người đó nghĩ rằng biện pháp của họ hoàn hảo hơn thì tại sao họ không tự mình đem ra thử? Ở đất nước này lúc nào cũng có những nhà tư sản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, họ sẵn sàng cung cấp vốn cho bất kì sáng kiến hữu lí nào. Xã hội bao giờ cũng muốn mua những món hàng tốt hơn hoặc rẻ hơn hoặc vừa tốt hơn vừa rẻ hơn. Trên thương trường, giá trị không phải là lời nói mà là việc làm. Nói không làm cho các “ông trùm tư bản” trở thành giàu có được, phục vụ những người tiêu dùng đã làm cho họ trở thành những người giàu có như thế.
Tích lũy tư bản làm cho mọi người đều được lợi
Hiện nay sành điệu là người phớt lờ sự kiện sau đây: tất cả sự tiến bộ về mặt kinh tế đều phụ thuộc vào quá trình tiết kiệm và tích lũy tư bản. Không một thành tựu tuyệt vời nào của khoa học và công nghệ có thể được đem ra áp dụng trong thực tiễn nếu số vốn cần thiết không được tích lũy sẵn từ trước. Điều cản trở những nước lạc hậu về kinh tế, không cho họ triển khai tất cả những lợi thế của những phương pháp sản xuất của phương Tây và vì vậy mà tiếp tục giam hãm nhân dân các nước đó trong cảnh bần hàn không phải là họ chưa làm quen với công nghệ mà là do đồng vốn ở đó không có hiệu quả. Khẳng định rằng vấn đề của các nước chưa phát triển là thiếu hiểu biết kĩ thuật, không có “know-how” là sai. Đa số các doanh nhân và các kĩ sư của họ đều tốt nghiệp tại những trường tốt nhất của châu Âu và Mĩ, những người này nắm được các môn khoa học ứng dụng. Nhưng họ bị trói chân trói tay vì thiếu vốn.
Một trăm năm trước, nước Mĩ thậm chí còn nghèo hơn các nước này. Chính “chủ nghĩa cá nhân thô lậu”, trong những năm trước khi có Chính sách mới (New Deal), không tạo ra những trở ngại trầm trọng cho những người có sáng kiến đã biến nước Mĩ thành đất nước giàu có nhất thế giới. Doanh nhân trở thành những người giàu có vì họ chỉ tiêu dùng một phần nhỏ lợi nhuận của mình và đầu tư trở lại phần lớn số tiền kiếm được. Đấy là cách họ làm cho mình và đồng thời làm cho những người khác cùng trở thành giàu có. Tích lũy tư bản làm cho năng suất lao động tăng lên và đồng lương cũng tăng lên theo.
Trong chế độ tư bản, lòng tham của từng doanh nhân riêng lẻ làm cho không chỉ anh ta mà tất cả những người khác đều được lợi. Có mối quan hệ hỗ tương giữa tài sản mà anh ta thu về thông qua việc phục vụ người tiêu dùng và số tư bản tích lũy được, và sự cải thiện điều kiện sống của những người làm công ăn lương, cũng là những người tiêu dùng. Quần chúng nhân dân, cả trong vai trò người làm công ăn lương lẫn người tiêu dùng đều muốn việc làm ăn luôn phát đạt. Đấy chính là tâm tư của những người theo trường phái tự do trước đây khi họ tuyên bố rằng trong nền kinh tế thị trường quyền lợi chân chính của tất cả các nhóm dân cư đều được điều hòa, hài hòa quyền lợi là hiện tượng giữ thế thượng phong.
Chế độ tập quyền đe dọa thịnh vượng kinh tế
Người công dân Mĩ sống và làm việc trong trạng thái tinh thần và đạo đức của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Điều kiện ở một số khu vực ở Mĩ vẫn còn kém xa so với dân cư những khu vực phát triển hơn, mà đây lại là phần lãnh thổ rộng lớn hơn. Nhưng tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng đáng lẽ đã xóa bỏ được những khu vực lạc hậu nhỏ bé này từ lâu nếu chính sách Kinh tế mới không làm chậm lại quá trình tích lũy tư bản, một phương tiện không thể thay thế được đối với sự cải thiện nền kinh tế.
Đã quen với những điều kiện của chủ nghĩa tư bản, người dân bình thường ở Mĩ coi việc doanh nghiệp mỗi năm đều tạo ra một điều gì đó mới mẻ và dễ dàng tiếp cận hơn là chuyện đương nhiên. Nhìn lại những năm trước đây của chính cuộc đời mình, người ta thấy rằng nhiều đồ đạc mà thời trai trẻ người ta chưa hề biết và nhiều thứ thời đó rất ít người được sử dụng thì nay đã trở thành thiết bị bình thường hầu như của mọi gia đình. Người ta tin tưởng rằng xu hướng đó sẽ vẫn còn giữ thế thượng phong trong tương lai. Người ta gọi nó một cách đơn giản là “Lối sống Mĩ” và không hề suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi: điều gì làm cho sự cải thiện liên tục như thế trở thành khả thi? Người ta không hề bận tâm về hoạt động của những tác nhân chắc chắn sẽ chặn đứng quá trình tích lũy tư bản mà còn có thể chẳng bao lâu nữa sẽ làm cho nó phân tán ra nữa. Người ta không phản đối những lực lượng (bằng cách gia tăng những khoản chi tiêu công, cắt giảm việc tích lũy tư bản và thậm chí còn mang ra dùng ngay một phần vốn đã được đầu tư vào doanh nghiệp và cuối cùng là gây ra nạn lạm phát) đang phá hoại ngay chính cơ sở của sự thịnh vượng về mặt vật chất của anh ta. Người ta không bận tâm tới sự phình ra của bộ máy nhà nước, mà ở đâu làm như thế thì cũng đều dẫn đến kết quả là tạo ra hoặc giữ lại những thứ mà người ta cho là cực kì xấu xa.
Không có tự do kinh tế thì không thể có tự do cá nhân
Đáng tiếc là nhiều người cùng thời với chúng ta không nhận thức được sự rằng sự phình lên của bộ máy nhà nước và đem quyền năng vô hạn của nhà nước thay cho nền kinh tế thị trường thì chắc chắn sẽ làm cho đạo đức của người ta thay đổi đến mức nào. Người ta nghĩ rằng hoạt động của con người chia thành hai lĩnh vực rõ ràng – một bên là lĩnh vực hoạt động kinh tế còn bên kia là lĩnh vực hoạt động được coi là phi kinh tế. Họ nghĩ rằng hai lĩnh vực này chẳng liên quan gì với nhau hết. Cái tự do mà chủ nghĩa xã hội xóa bỏ “chỉ là” tự do hoạt động kinh tế, còn tự do trong tất cả các lĩnh vực khác đều vẫn giữ nguyên không suy xuyển.
Nhưng đây không phải là hai lĩnh vực độc lập với nhau như học thuyết này nói. Loài người không bơi trên chín tầng mây. Mọi việc con người làm đều nhất định sẽ tác động tới lĩnh vực kinh tế hoặc vật chất và đều đòi hỏi người đó phải có đủ sức mạnh để có thể tác động tới những lĩnh vực này. Muốn sống sót người ta phải đổ mồ hôi sôi nước mắt và phải có cơ hội sử dụng một số tài sản vật chất hữu hình nào đó.
Nhiều người lầm lẫn khi cho rằng những sự kiện diễn ra trên thương trường chỉ liên quan đến khía cạnh kinh tế của đời sống mà thôi. Nhưng trên thực tế, giá cả trên thị trường phản ánh không chỉ “những mối quan tâm về mặt vật chất” như thức ăn, nhà ở và những tiện nghi khác, mà còn phản ảnh cả những mối quan tâm thường được gọi là tinh thần hay cao quí nữa. Theo hoặc không theo những điều răn của tôn giáo (hoàn toàn không làm một số việc nào đó hoặc không làm trong những ngày đặc biệt nào đó, giúp những người khốn khó, xây dựng hoặc sửa chữa nơi thờ phụng và nhiều việc khác nữa) là một trong những nhân tố quyết định việc cung cấp và nhu cầu về những loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau và vì vậy mà cũng quyết định giá cả và hành động của doanh nghiệp. Cái tự do mà nền kinh tế thị trường bảo đảm cho cá nhân không đơn giản chỉ là tự do “kinh tế”, tách biệt hẳn với những quyền tự do khác. Nó còn ngụ ý cả quyền tự do quyết định tất cả những vấn đề được coi là đạo đức, tinh thần hay trí tuệ nữa.
Bằng cách kiểm soát toàn diện và tuyệt đối tất cả các tác nhân của quá trình sản xuất, chế độ xã hội chủ nghĩa còn kiểm soát toàn bộ đời sống của cá nhân nữa. Chính phủ phân cho mỗi người một công việc cụ thể. Chính phủ quyết định được in và được đọc những loại sách báo nào, ai được hưởng thú vui viết lách, ai được quyền sử dụng phòng họp công cộng, được quyền phát ngôn và được quyền sử dụng tất cả các phương tiện thông tin liên lạc khác. Điều đó có nghĩa là những người nắm quyền điều khiển những công việc của chính phủ cũng là những người quyết định tối hậu tư tưởng nào, học thuyết nào, giáo lí nào thì được tuyên truyền còn tư tưởng nào, học thuyết nào, giáo lí nào thì không. Dù hiến pháp thành văn và được phổ biến có thể nói về tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và về việc không can thiệp vào các vấn đề tôn giáo thì trong chế độ xã hội chủ nghĩa, khi chính phủ không cung cấp những điều kiện vật chất cho việc thực hiện những quyền đó thì chúng chỉ là những ngôn từ chết mà thôi. Người nào nắm độc quyền toàn bộ phương tiện thông tin thì kẻ đó cũng nắm chắc trong tay mình trái tim và khối óc của tất cả những người khác.
Điều làm cho nhiều người hoàn toàn không nhận thức được những tính chất căn bản của hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng như những hệ thống toàn trị khác là ảo tưởng cho rằng hệ thống này sẽ được vận hành theo đúng như những gì họ nghĩ là đáng ao ước nhất. Trong khi ủng hộ chủ nghĩa xã hội, họ cho rằng đương nhiên là “nhà nước” lúc nào cũng sẽ làm cái mà họ muốn nó làm. Họ chỉ coi chế độ toàn trị kiểu đó mới là chủ nghĩa xã hội “chân chính”, “thực tế” hoặc “tốt đẹp”, đấy là chế độ mà những người cầm quyền tương thích với ý tưởng của chính họ. Tất cả những kiều khác đều bị họ coi là giả mạo hết. Điều đầu tiên họ chờ đợi ở bạo chúa là ông ta sẽ dẹp hết những ý tưởng trái ngược với ý tưởng của họ. Trên thực tế, tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội kiểu đó đều là những người bị ám ảnh bởi phức cảm độc tài hay toàn trị mà chính họ cũng không biết. Họ muốn chính phủ dùng vũ lực tiêu diệt hết những ý kiến và kế hoạch mà họ không đồng ý.
Ý nghĩa của quyền được bất đồng
Những nhóm ủng hộ chủ nghĩa xã hội khác nhau – dù họ có tự gọi là cộng sản, xã hội hay đơn giản là cải cách xã hội thì cũng thế - đồng ý với nhau về một cương lĩnh chính trị nòng cốt. Tất cả bọn họ đều muốn dùng bộ máy kiểm soát hoạt động sản xuất của nhà nước (hay như một số người thích gọi là kiểm soát của xã hội) thay thế cho kinh tế thị trường cùng với những người tiêu dùng đầy uy quyền của nó. Họ chia rẽ không phải vì những vấn đề về quản lí kinh tế mà vì đức tin tôn giáo hay ý thức hệ. Có những người xã hội chủ nghĩa Thiên chúa giáo (Tin lành hay Công giáo) và có những người xã hội chủ nghĩa vô thần. Mỗi một kiểu chủ nghĩa xã hội này lại cho rằng quốc gia xã hội chủ nghĩa đương nhiên là sẽ được dẫn dắt bởi những giáo huấn tôn giáo của họ hoặc phủ nhận bất kì giáo lí nào. Họ không bao giờ nghĩ đến khả năng là chế độ xã hội chủ nghĩa có thể được cai trị bởi những người thù địch với đức tin hay những nguyên tắc đạo đức của họ, những kẻ có thể coi nhiệm vụ của họ là sử dụng tất cả sức mạnh khủng khiếp của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm đàn áp tất cả những gì mà dưới con mắt của họ là sai lầm, mê tín dị đoan hay sùng bái ngẫu tượng.
Sự thật đơn giản là cá nhân chỉ được quyền tự do lựa chọn giữa điều mà họ coi là đúng và điều mà họ coi là sai khi họ độc lập về mặt kinh tế với chính phủ. Chính phủ xã hội chủ nghĩa có đủ sức mạnh làm cho bất đồng ý kiến trở thành bất khả thi, bằng cách kì thị những nhóm tôn giáo hay ý thức hệ mà họ không ưa và không cung cấp cho những nhóm này phương tiện vật chất cần thiết cho việc truyền bá và thực hành đức tin của họ. Hệ thống độc đảng, cũng là nguyên tắc chính trị của luật pháp xã hội chủ nghĩa, còn hàm ý một tôn giáo và một hệ thống đạo đức nữa.
Chính phủ xã hội chủ nghĩa nắm trong tay những phương tiện có thể được sử dụng nhằm tạo ra sự phục tùng nghiêm ngặt trên tất cả các mặt, chính phủ quốc xã gọi đấy là Gleichschaltung (phục tùng chính trị). Các nhà sử học đã chỉ ra rằng trong giai đoạn Cải cách[i], in ấn có vai trò quan trọng. Nhưng nếu tất các máy in đều do chính phủ dưới quyền Charles V của Đức hay những ông vua vương triều Valois của Pháp[ii] thì các nhà cải cách còn có cơ hội nào hay không? Tương tự như thế, nếu tất cả các phương tiện thông tin liên lạc đều nằm trong tay nhà nước thì Marx còn có cơ hội nào hay không?
Tất cả những người yêu chuộng tự do lương tâm đều phải kinh tởm chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên là tự do tạo điều kiện cho con người làm không chỉ việc tốt mà còn cả việc xấu nữa. Nhưng hành động được thực hiện dưới áp lực của một chính phủ có quyền lực vô giới hạn thì dù tốt đến đâu cũng chẳng có tí giá trị đạo đức nào.
Ludwig von Mises (1881-1973) là lãnh tụ nổi tiếng của trường phái kinh tế Áo. Ông giảng dạy và viết về lí thuyết kinh tế, lịch sử, nhận thức luận, chính quyền và triết lí chính trị. Ông có những đóng góp quan trọng trong lí thuyết kinh tế, trong đó có lí thuyết về quan hệ giữa lượng tiền lưu thông và giá cả, lí thuyết về chu kì kinh doanh… Mises là học giả đầu tiên công nhận rằng kinh tế học chỉ là một phần của môn khoa học lớn hơn về hành vi của con người mà Mises gọi là “nghiên cứu hành vi của con người”.
Bài này được đăng lần đầu trên tờ The Freeman, vào tháng 4 năm 1960, sau đó trở thành chương 1 cuốn: Tự do kinh tế và chủ nghĩa can thiệp (Economic Freedom and Interventionism - 1980). Trên mạng: http://mises.org/daily/5310
[i] Ý nói cải cách tôn giáo ở châu Âu thế kỉ XVI-XVII.
[ii] Charles V của Đức (1500–1558), theo Thiên chúa giáo, khủng bố những người dị giáo ở Hà Lan và chiến đấu chống lại đạo Tin lành trong các công quốc Đức. Trong giai đoạn trị vì của dòng họ Valois ở Pháp (1328–1589) đã xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, đấy là người tin lành, trong đó có người Huguenots, chiến đấu giành tự do thờ phụng.
Thị trường và đạo đức (Kì 17)
Ludwig von Mises - Nguyên nhân kinh tế của chiến tranh
Phạm Nguyên Trường dịch
Chiến tranh là định chế cổ xưa nhất của loài người. Từ thời thương cổ con người đã khao khát đánh nhau, giết chóc và cướp bóc lẫn nhau rồi. Tuy nhiên, công nhận sự kiện này không đưa ta đến kết luận rằng chiến tranh là hình thức không thể tránh được trong quan hệ giữa người với người và những cố gắng nhằm thủ tiêu chiến tranh là đi ngược lại bản chất của con người và vì vậy mà không tránh khỏi thất bại.
Vì mục đích tranh luận, chúng ta có thể công nhận luận đề của phái quân phiệt rằng con người được tự nhiên phú cho bản năng là đánh nhau và phá hoại. Nhưng những bản năng và xung lực thô sơ đó không phải là đặc điểm của con người. Con người đứng cao hơn tất cả các loài sinh vật khác vì có lí trí và có khả năng tư duy. Và lí trí của con người dạy họ rằng hợp tác và cộng tác trong hòa bình trên cơ sở phân công lao động có lợi hơn là xung đột vũ trang.
Tôi không muốn nhắc lại lịch sử của những cuộc chiến tranh. Chỉ cần nói rằng trong thế kỉ XVIII, tức là ngay tại ngưỡng cửa của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tính chất của chiến tranh đã khác xa với thời con người còn ăn lông ở lỗ rồi. Người ta không còn đánh nhau nhằm tiêu diệt hay bắt kẻ chiến bại làm nô lệ nữa. Chiến tranh đã trở thành công cụ của nhà cầm quyền và được tiến hành bằng những binh đoàn tương đối nhỏ, với những người lính chuyên nghiệp, đa phần là lính đánh thuê. Mục tiêu của chiến tranh là xác định xem vương triều nào có quyền cai trị đất nước hay một tỉnh nào đó. Những cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu trong thế kỉ XVIII là những cuộc chiến tranh đòi quyền thừa kế ngai vàng, đấy là những cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, ở Ba Lan, ở Áo và cuối cùng là cuộc chiến tranh giành quyền kế vị ở Bavaria. Người bình thường hầu như không để ý tới kết quả của những cuộc chiến tranh này. Họ chẳng quan tâm nhiều tới việc ai sẽ là người cai trị họ, ông hoàng dòng họ Habsburg hay Bourbon thì cũng thế mà thôi.
Nhưng những cuộc xung đột bất tận đó đã trở thành gánh nặng đối với loài người. Chúng là những chướng ngại nghiêm trọng đối những cố gắng nhằm mang lại sự phồn vinh ngày càng tốt đẹp hơn. Kết quả là, các nhà triết học và các nhà kinh tế học thời đó đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu nguyên nhân của chiến tranh. Sau đây là kết quả của những công trình nghiên cứu của họ:
Trong hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và kinh doanh tự do, khi nhà nước chỉ có một chức năng duy nhất là bảo vệ các cá nhân khỏi những hành động tấn công bằng vũ lực và lừa đảo đối với cuộc sống, sức khỏe và tài sản của họ, thì công dân của bất cứ nước nào cũng chẳng cần quan tâm đến việc đường biên giới của họ đi ngang qua những đâu. Không ai cần quan tâm đến việc nước họ to hay là nhỏ, có cần xâm chiếm thêm một tỉnh nữa hay là không. Việc xâm chiếm lãnh thổ sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì cho những người công dân bình thường.
Nhưng các ông hoàng và giới quí tộc cầm quyền thì lại khác. Mở rộng lãnh thổ tạo điều kiện cho họ tăng cường quyền lực và thu được nhiều thuế hơn. Đất đai xâm chiếm được mang lại lợi nhuận cho họ. Họ là những kẻ hiếu chiến, trong khi những người công dân bình thường lại là những người yêu chuộng hòa bình.
Như vậy là, những người theo trường phái tự do cổ điển kết luận rằng trong hệ thống kinh tế tự do (laissez faire) và chính quyền nhân dân, chiến tranh sẽ không còn. Chiến tranh sẽ chấm dứt vì không còn lí do nữa. Vì những người theo trường phái tự do thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX tin tưởng tuyệt đối rằng không gì có thể ngăn chặn được phong trào hướng đến tự do trong lĩnh vực kinh tế và dân chủ trong lĩnh vực chính trị cho nên họ cũng khẳng định rằng loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại hòa bình vĩnh viễn.
Họ khẳng định rằng muốn làm cho thế giới được hòa bình thì cần phải thực hiện tự do kinh tế, thương mại tự do và quan hệ hữu hảo giữa các dân tộc, chính phủ của dân. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai yêu cầu này: tự do thương mại cả nội thương lẫn ngoại thương và chế độ dân chủ. Sai lầm chết người của thời đại chúng ta là đã từ bỏ yêu cầu thứ nhất, cụ thể là thương mại tự do, và chỉ còn quan tân đến chế độ dân chủ mà thôi. Như vậy là, người ta đã lờ đi sự kiện là không được tự do kinh doanh, không có thương mại tự do và không có tự do kinh tế thì chế độ dân chủ cũng không tồn lại được lâu.
Tổng thống Woodrow Wilson tin tưởng tuyệt đối rằng muốn thế giới được hòa bình thì phải là cho nó trở thành dân chủ. Trong Thế chiến I người ta tin rằng chỉ cần tước quyền lực của dòng họ Hohenzollern và giới địa chủ quí tộc Đức là có thể giữ được nền hòa bình bền vững rồi. Tổng thống Wilson không nhận ra rằng trong thế giới của những chính phủ toàn trí toàn năng, lại đang ngày càng tăng cường sức mạnh, thì như thế vẫn chưa đủ. Trong cái thế giới mà sức mạnh của chính phủ càng ngày càng gia tăng thì vẫn còn đó nguyên nhân kinh tế của chiến tranh.
Chiến tranh xâm lược có mang lại lợi ích cho những công dân bình thường hay không?
Người theo chủ nghĩa hòa bình nổi tiếng ở Anh, ông Norman Angell, nhắc đi nhắc lại rằng chiếm đoạt lãnh thổ của người khác chẳng mang lại cho người công dân bình thường bất cứ lợi lộc nào. Chẳng có người công dân bình thường nào của Đức được lợi sau khi cuộc chiến Pháp-Phổ, diễn ra trong các năm 1870-1871, kết thúc và nước này sát nhập vùng Alsace-Lorraine vào Đức. Hoàn toàn đúng như thế. Nhưng đấy là giai đoạn của chủ nghĩa tự do truyền thống và tự do kinh doanh. Trong giai đoạn của chúng ta, khi chính phủ can thiệp vào kinh tế thì tình hình đã khác.
Xin lấy một thí dụ. Chính phủ các nước sản xuất cao su kí kết thỏa thuận thành lập liên minh nhằm tạo ra độc quyền trong lĩnh vực cao su tự nhiên. Họ buộc các đồn điền phải hạn chế sản xuất nhằm kéo giá cao su lên cao hơn mức giá trên thị trường tự do. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Các chính phủ trên khắp thế giới đã thi hành những chính sách tương tự với nhiều loại lương thực và nguyên vật liệu có tính chất quan trọng sống. Họ bắt buộc các nhà sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp phải tham gia các tập đoàn, kết quả là quyền kiểm soát đã chuyển từ các doanh nhân sang tay chính phủ. Đúng là một vài bước đi như thế đã gặp thất bại. Nhưng các chính phủ đó vẫn không từ bỏ kế hoạch. Họ đang cố gắng tìm cách cải tiến phương pháp và tin rằng sau Thế chiến II họ sẽ thu được nhiều thành công hơn.
Hiện nay người ta đang nói nhiều về nhu cầu kế hoạch hóa trên bình diện quốc tế. Nhưng những người trồng cao su, cà phê hay những loại hàng hóa khác lại chẳng cần kế hoạch hóa, cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế. Họ sản xuất những món hàng đó là vì đối với họ, đấy là cách kiếm sống tốt nhất. Kế hoạch hóa trong trường hợp này bao giờ cũng chỉ là những hành động của chính phủ nhằm hạn chế sản xuất và thiết lập độc quyền về mặt giá cả mà thôi.
Trong những điều kiện như thế, không thể nói rằng chiến tranh thắng lợi không mang lại cho nhân dân lợi lộc gì. Nếu các nước cần nhập khẩu cao su, cà phê, thiếc, ca cao và các loại hàng hóa khác có thể buộc chính phủ những nước sản xuất từ bỏ chính sách độc quyền thì họ sẽ cải thiện được tình hình kinh tế của các công dân của nước họ.
Đánh giá như thế không có nghĩa là biện hộ cho chiến tranh xâm lược và chinh phục. Nó chỉ chứng minh sự lầm lẫn của ông Norman Angell và những người theo chủ nghĩa hòa bình khác, tức là những người xây dựng luận cứ ủng hộ hòa bình của mình trên giả định ngầm rằng tất cả các nước vẫn còn gắn bó với những nguyên tắc của chế độ kinh doanh tự do.
Ông Norman Angell là đảng viên Đảng lao động Anh. Đảng này ủng hộ xã hội hóa[i] một cách triệt để nền kinh tế. Nhưng đảng viên Đảng lao động quá ngu dốt, đến mức không hiểu được xã hội hóa sản xuất nhất định sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và chính trị như thế nào.
Trường hợp nước Đức
Tôi muốn giải thích những hậu quả đó bằng cách sử dụng tình hình ở Đức.
Giống như tất cả các nước châu Âu khác, Đức là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên. Chỉ dựa vào nguồn lực trong nước, họ không thể nuôi ăn cũng như cung cấp quần áo mặc cho toàn thể dân chúng trong nước. Đức phải nhập một khối lượng lớn nguyên vật liệu và lương thực và phải thanh toán những khoản nhập khẩu rất cần thiết đó bằng cách xuất khẩu hàng công nghệ, đa số những món hàng này lại được chế tạo từ nguyên liệu nhập khẩu. Trong chế độ kinh doanh tự do, Đức đã tự thích ứng được với hoàn cảnh đó một cách cực kì xuất sắc. Sáu, bảy mươi năm trước, tức là trong những năm 1870 và 1880, Đức là một trong những nước thịnh vượng nhất thế giới. Các doanh nhân của họ đã biết xây dựng những nhà máy cực kì hiệu quả. Ngành công nghiệp Đức giữ vị trí đầu tầu trên lục địa châu Âu. Hàng hóa của họ giữ vị trí áp đảo trên thị trường thế giới. Sự thịnh vượng của người Đức – của tất cả các tầng lớp dân cư – gia tăng hàng năm. Chẳng có lí do gì để phải thay đổi cơ cấu của nền kinh tế Đức.
Nhưng đa phần các nhà tư tưởng và những nhà bình luận chính trị, các giáo sư do nhà nước bổ nhiệm, các lãnh tụ Đảng xã hội cũng như các quan chức chính phủ đều không thích hệ thống thị trường tự do. Họ gán cho nó nhãn hiệu “tư bản chủ nghĩa”, “tài phiệt”, “tư sản”, “Tây” và “Do Thái”. Họ than vãn trước sự kiện là chế độ kinh doanh tự do đã sát nhập nước Đức vào hệ thống phân công lao động quốc tế.
Tất cả các nhóm người đó và các đảng phái chính trị đều muốn nhà nước quản lí chứ không để kinh doanh tự do nữa. Họ muốn thủ tiêu động cơ lợi ích. Họ muốn quốc hữu hóa và đặt nó dưới sự chỉ huy của chính phủ. Việc đó có thể là tương đối đơn giản đối với đất nước có khả năng tự lực cánh sinh về mặt kinh tế. Nước Nga, chiếm đến một phần sáu diện tích mặt đất, có thể sống mà hầu như không cần nhập khẩu. Nhưng Đức thì khác. Đức không thể không nhập khẩu và vì vậy mà phải xuất khẩu hàng công nghiệp. Đấy chính là điều mà bộ máy quản lí quan liêu của chính phủ không thể làm nổi. Các quan chức chỉ có thể phát tài trong thị trường nội địa bị bế quan toả cảng mà thôi. Họ không biết cạnh tranh trên thị trường ngoại quốc.
Hiện nay phần lớn dân chúng nước Đức quốc xã muốn chính phủ kiểm soát công việc kinh doanh. Nhưng sự kiện là chính phủ kiểm soát kinh doanh và ngoại thương là những việc không tương thích với nhau. Xã hội xã hội chủ nghĩa phải nhắm đến sự tự cấp tự túc. Đây là đất sống của chủ nghĩa dân tộc có tính gây hấn – có thời được gọi Chủ nghĩa đại Đức, bây giờ gọi là chủ nghĩa xã hội quốc gia (quốc xã). Chúng ta là một dân tộc đầy sức mạnh, những người xã hội chủ nghĩa quốc gia nói như thế; chúng ta đủ sức đập tan tất cả các dân tộc khác. Chúng ta phải chinh phục tất cả các nước có nguồn tài nguyên cần thiết cho sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần tự cấp tự túc và vì thế chúng ta phải chiến đấu. Chúng ta cần Lebensraum (không gian sống) và Nahrungs freiheit (không lệ thuộc vào lương thực, thực phẩm).
Cả hai khái niệm này đều trỏ vào cùng một thứ - chinh phục những vùng đất đủ lớn và giàu tài nguyên để cho người Đức có thể sống với mức sống không kém hơn bất cứ dân tộc nào mà không cần ngoại thương. Ở nước ngoài người ta hiểu rõ thuật ngữ Lebensraum (không gian sống). Nhưng thuật ngữ Nahrungs freiheit (không lệ thuộc vào lương thực, thực phẩm) thì không. Freiheit là không lệ thuộc, Nahrungs freiheit nghĩa là không lệ thuộc vào việc buôn bán làm cho Đức phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Trong mắt những người quốc xã, chỉ sự “không lệ thuộc” như thế mới có ý nghĩa mà thôi.
Công sản và quốc xã thống nhất với nhau ở một điểm: dân chủ, tự do và chính phủ nhân dân được họ hiểu là chính phủ kiểm soát tòan bộ công việc kinh doanh. Gọi là hệ thống xã hội chủ nghĩa hay cộng sản hoặc kế hoạch hóa không phải là điều quan trọng. Dù gọi là gì thì hệ thống này cũng đòi hỏi phải tự cấp tự túc về mặt kinh tế. Trong khi nước Nga, nói chung là có thể sống tự cấp tự túc về mặt kinh tế thì Đức không thể làm như thế được. Vì vậy mà nước Đức xã hội chủ nghĩa phải tiến hành chính sách Lebensraum hay Nahrungs freiheit, nghĩa là chính sách xâm lược.
Cộng sản và quốc xã thống nhất với nhau rằng thực chất của cái mà họ gọi là thi hành chương trình kiểm soát của chính phủ đối với công việc kinh doanh cuối cùng sẽ phải dẫn tới kết quả là bác bỏ sự phân công lao động trên bình diện quốc tế. Theo triết lí của quốc xã thì chỉ có một kiểu quan hệ quốc tế phù hợp – đấy là chiến tranh. Những người lãnh đạo của họ lấy làm tự hào khi trích dẫn những lời tuyên bố của Tacitus. Gần hai ngàn năm trước, nhà sử học người La Mã này nói rằng người Đức lấy làm xấu hổ khi phải lao động nặng nhọc mới kiếm được những thứ có thể kiếm được bằng giết chóc. Không phải vô tình mà vào năm 1900 Kaiser Wilhelm II đã kêu gọi binh sĩ của mình bắt chước rợ Hung. Mấy từ đó chứa đựng cả một chính sách có chủ ý.
Phụ thuộc vào nhập khẩu
Đức không phải là nước duy ở châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu. Châu Âu – chưa kể Nga – có dân số gần 400 triệu người, gấp hơn ba lần dân số nước Mĩ. Nhưng châu Âu không sản xuất được bông, cao su, cùi dừa khô, cà phê, trà, đay và không có nhiều kim loại quan trọng khác. Ngoài ra, họ còn rất thiếu những sản phẩm như len, cỏ khô nuôi gia súc, gia súc, thịt, da và nhiều loại lương thực.
Năm 1937 châu Âu chỉ khai thác được 56 triệu thùng dầu thô, trong khi Mĩ sản xuất được những 1.279 thùng. Đấy là chưa nói, hầu như tất cả dầu thô của châu Âu đều nằm ở Romania và miền Đông Ba Lan. Nhưng cuộc chiến hiện thời dẫn đến kết quả là những vùng này đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng sống còn của nền kinh tế châu Âu. Nhưng khi chính phủ kiểm soát kinh doanh thì xuất khẩu là việc làm bất khả thi.
Sự thật trần trụi là như thế, ngôn từ hoa mĩ của những người theo đường lối xã hội chủ nghĩa không thể nào thay đổi được nó. Muốn sống, người châu Âu phải bám lấy cơ chế tự do kinh doanh, một cơ chế đã được thử thách trong một thời gian dài. Lựa chọn khác là chiến tranh và chinh phục. Người Đức đã thử làm như thế hai lần và cả hai lần họ đều thất bại.
Nhưng các nhóm có ảnh hưởng chính trị nhất ở châu Âu không nhận thức được nhu cầu của tự do kinh tế. Ở Anh, Pháp và Italy cũng như ở một vài nước nhỏ hơn người ta đang cổ động cho việc chính phủ kiểm soát hoàn toàn hoạt động kinh doanh. Chính phủ các nước đó hầu như đã bịt tai, nhắm mắt trước nguyên tắc tự do kinh tế. Đảng lao động Anh và những người vẫn còn gọi đảng mình một cách sai lần là Đảng tự do coi cuộc chiến tranh này không chỉ là cuộc chiến đấu cho nền độc lập của nước họ mà còn coi nó là cuộc cách mạng nhằm thiết lập quyền kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động kinh doanh nữa. Đảng thứ ba ở Anh, tức là Đảng bảo thủ, nói chung vẫn có cảm tình với những chủ trương như thế. Người Anh muốn thắng Hitler, nhưng họ rất muốn du nhập những phương pháp quản lí kinh tế của ông ta vào đất nước mình. Họ không ngờ rằng chủ nghĩa xã hội nhà nước ở Anh sẽ mang lại tai họa cho quần chúng nhân dân. Anh phải xuất khẩu hàng công nghiệp để mua nguyên vật liệu và thực phẩm của nước ngoài. Giảm xuất khẩu nhất định sẽ làm mức sống của nhân dân Anh giảm theo.
Tình hình ở Pháp, Italy và đa phần các nước châu Âu khác cũng tương tự như tình hình ở Anh.
Bằng việc cung cấp cho người tiêu dùng các nhu yếu phẩm khác nhau – chính phủ xã hội chủ nghĩa sẽ trở thành quốc chủ. Người công dân buộc phải nhận những gì chính phủ ban cho. Nhưng ngọai thương thì khác. Người tiêu dùng ngoại quốc chỉ mua nếu chất lượng và giá cả món hàng hấp dẫn được họ. Trên đấu trường quốc tế nhằm giành quyền phục vụ người tiêu dùng ngoại quốc, chủ nghĩa tư bản đã chứng minh được tính hiệu quả và khả năng thích ứng vượt trội. Mức độ thịnh vượng kinh tế và nền văn minh ở châu Âu thời trước chiến tranh không phải là kết quả hoạt động của các cơ quan và đại diện của các chính phủ. Nó là thành tựu của hệ thống kinh doanh tự do. Những chiếc máy ảnh và hóa chất của Đức, những bộ trang phục, mũ và nước hoa của Paris, những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ và túi da của Vienna không phải là sản phẩm của các xí nghiệp do nhà nước kiểm soát. Chúng là sản phẩm của các doanh nhân, những người làm việc không mệt mỏi nhằm cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm của họ. Không người nào dám cả gan nói rằng những cơ quan của chính phủ sẽ thay thế một cách thành công các doanh nhân.
Nền thương mại quốc tế do các doanh nhân thực hiện là công việc cá nhân giữa các công ty tư nhân của các nước khác nhau. Nếu có bất đồng thì đấy cũng chỉ là xung đột giữa các công ty tư nhân mà thôi. Chúng không tạo ra xung đột trong quan hệ chính trị giữa các quốc gia với nhau. Chúng chỉ liên quan tới ông Meier và ông Smith nào đó mà thôi. Nhưng nếu ngoại thương trở thành công việc của chính phủ thì những xung đột như thế sẽ biến thành các vấn đề chính trị ngay lập tức.
Giả sử chính phủ Hà Lan thích mua than của Anh chứ không thích mua than từ vùng Ruhr của Đức. Lúc đó những người dân tộc chủ nghĩa ở Đức có thể nghĩ: “Một nước nhỏ hành xử như vậy mà chịu được à? Năm 1940 Đế chế thứ ba chỉ cần bốn ngày là đã đè bẹp được lực lượng võ trang của Hà Lan rồi. Phải ra tay một lần nữa! Lúc đó chúng ta có thể dùng tất cả những sản phẩm của Hà Lan mà chả mất đồng nào”.
Phân chia nguồn lực một cách “công bằng”
Xin xem xét yêu cầu nổi bật của những tên xâm lược quốc xã và phát xít nói về cách phân chia mới và công bằng những nguồn lực tự nhiên trên địa cầu. Trong chế độ tự do kinh doanh, người không trồng cà phê mà muốn uống thì phải trả tiền. Dù đấy có là người Đức, người Italy hay người của nước cộng hòa Colombia thì anh ta vẫn phải làm cho đồng bào mình một số việc nào đó, anh ta phải kiếm được tiền và dùng một phần tiền để trả cho món cà phê mà anh ta thích. Còn đất nước không sản xuất được cà phê trong vùng biên giới lãnh thổ của mình thì điều đó có nghĩa là họ phải xuất khẩu hàng hóa hay nguồn lực để lấy tiền thanh toán cho món cà phê mà họ nhập. Nhưng các ngài Hitler và Mussolini lại không thích cách giải quyết như thế. Điều họ muốn là thôn tính lãnh thổ nước xuất khẩu cà phê. Nhưng công dân của Colombia hay Brazil lại không muốn trở hành nô lệ của cả nước Đức quốc xã lẫn nươc Italy phát xít, thế là xảy ra chiến tranh.
Thí dụ đáng chú ý nữa là ngành trồng bông. Hơn một trăm năm qua, một trong những ngành công nghiệp chủ yếu của châu Âu là kéo sợi và sản xuất hàng may mặc. Châu Âu không trồng được một cân bông nào. Khí hậu không thích hợp. Nhưng nguồn cung bao giờ cũng đủ, ngoại trừ giai đoạn 1860, tức là những năm nội chiến ở Mĩ, khi cuộc xung đột làm gián đoạn việc cung cấp bông từ những bang miền Nam. Các nước công nghiệp ở châu Âu đã mua được đủ bông không chỉ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn cho nhu cầu xuất khẩu khá lớn các sản phẩm về bông nữa.
Nhưng trong những năm ngay trước Thế chiến II tình hình đã thay đổi hẳn. Số lượng bông được bán trên thị trường thế giới vẫn còn rất lớn. Nhưng hệ thống kiểm soát ngoại thương mà phần lớn các nước ở châu Âu áp dụng đã ngăn chặn, không cho thương nhân mua bông để sản xuất nữa. Hitler đã làm cho ngành dệt may suy tàn bằng cách hạn chế sản xuất và buộc họ phải sa thải phần lớn công nhân trong ngành này. Hitler không quan tâm tới số phận của những người công nhân mất việc. Ông ta đưa họ tới những nhà máy sản xuất đạn dược.
Tôi đã chỉ ra rằng trong thế giới của tự do thương mại và tự do kinh doanh thì nguyên nhân kinh tế của chiến tranh sẽ không còn đất sống nữa. Trong thế giới đó việc xâm chiếm các vùng đất và thuộc địa sẽ chẳng mang lại cho người công dân bình thường bất cứ lợi lộc gì. Nhưng trong thế giới của các chế độ toàn trị, nhiều người có thể tin rằng thôn tính những vùng lãnh thổ giàu tài nguyên có thể cải thiện được sự thịnh vượng về mặt vật chất của họ. Những cuộc chiến tranh trong thế kỉ XX chắc chắn là những cuộc chiến tranh kinh tế. Nhưng đấy không phải là do chủ nghĩa tư bản gây ra như những người xã hội tìm cách thuyết phục chúng ta. Các chính phủ muốn có quyền năng vô hạn –được quần chúng, bị bộ máy tuyên truyền trong nước làm cho rối trí, ủng hộ - trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế, là nguyên nhân gây ra những cuộc chiến tranh này.
Ba kẻ xâm lược chính trong cuộc chiến tranh này là nước Đức quốc xã, nước Italy phát xít và đế quốc Nhật bản sẽ không thực hiện được mục đích của họ. Họ đã bị đánh bại và chính họ cũng đã biết như thế. Nhưng trong tương lai họ có thể lại thử làm như thế một lần nữa, vì hệ tư tưởng toàn trị sai lầm của họ không biết bất kì biện pháp cải thiện điều kiện vật chất nào khác, ngoài chiến tranh. Những người có tư tưởng toàn trị cho rằng chinh phục là phương tiện chính trị hữu hiệu duy nhất đối với những mục tiêu kinh tế của họ.
Tư duy kinh tế
Tôi không nói rằng tất cả các cuộc chiến tranh của tất cả các dân tộc và trong mọi thời đại đều là có nguyên nhân kinh tế, nghĩa là đều là do ước muốn làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của những người bại trận mà ra. Chúng ta không cần phải nghiên cứu nguyên nhân sâu xa của những cuộc thập tự chinh hay những cuộc chiến tranh tôn giáo trong các thế kỉ XVI và XVII. Điều tôi muốn nói là: trong thời đại của chúng ta, tất cả các cuộc chiến tranh lớn đều là kết quả của tư duy kinh tế.
Chắc chắn không thể gọi Thế chiến II là chiến tranh giữa người da trắng và da màu rồi. Vế mặt sắc tộc, người Anh, người Hà Lan và người Na Uy chẳng khác gì người Đức; người Pháp và người Ý thì cũng thế; người Trung Quốc chẳng khác gì người Nhật. Đấy không phải là cuộc chiến giữa người Công giáo và người theo đạo Tin lành. Nói cho cùng, người Công giáo và người Tin lành có mặt trên cả hai bên chiến tuyến. Đấy cũng không phải là cuộc chiến giữa chế độ dân chủ và chế độ độc tài. Đòi hỏi của một số nước thành viên Liên hiệp quốc (đặc biệt là Nga Xô) để được gọi là “dân chủ” là đòi hỏi rất đáng ngờ. Mặt khác, Phần Lan (liên minh với Đức quốc xã) lại là nước có chính phủ được bầu theo lối dân chủ.
Lí lẽ của tôi cho rằng những cuộc chiến tranh trong thời gian gần đây là do động cơ kinh tế không phải là lời biện hộ cho chính sách xâm lược. Dùng chính sách xâm lược và chiếm đóng làm phương tiện kinh tế nhằm tranh giành lợi ích kinh tế là thất sách. Ngay cả trong ngắn hạn có thu được thành công “về mặt kĩ thuật” thì trong dài hạn nó cũng không đạt được mục đích mà bọn xâm lược nhắm tới. Nền công nghiệp hóa hiện đại không cho phép đặt vấn đề xây dựng hệ thống xã hội mà bọn quốc xã gọi là “Trật tự mới”. Chế độ nô lệ không phải là giải pháp của các xã hội cộng nghiệp. Nếu bọn quốc xã chiến thắng được kẻ thù của mình thì chúng sẽ phải phá hủy nền văn minh và đưa nhân loại trở lại thời kì ăn lông ở lỗ. Chúng không thể nào xây dựng được Trật tự mới vĩnh cửu, như là Hitler từng hứa.
Như vậy là, vấn đề chính là làm sao tránh được những cuộc chiến tranh mới. Câu trả lời không phải là xây dựng Hội quốc liên mạnh hơn, cũng không phải là thành lập Tòa án quốc tế hữu hiệu hơn, thậm chí cũng không phải là thành lập lực lượng Cảnh sát quốc tế. Nhiệm vụ thực sự là làm cho tất cả các dân tộc – hay chí ít cũng là những dân tộc động người nhất thế giới – trở thành những dân tộc yêu chuộng hòa bình. Muốn được như thế thì phải quay lại với chế độ kinh doanh tự do.
Muốn loại bỏ chiến tranh thì phải loại bỏ nguyên nhân của chiến tranh.
Thần tượng lớn nhất của thời đại chúng ta là nhà nước. Nhà nước là định chế xã hội cần thiết, nhưng không được thần thánh hóa nó. Nó không phải là thần thánh, nó chỉ là sản phẩm của những con người hữu sinh hữu tử mà thôi. Nếu chúng ta biến nó thành thần tượng thì chúng ta sẽ phải hiến dâng cho nó những thế hệ thanh niên của chúng ta trong những cuộc chiến tranh trong tương lai.
Muốn giữ được nền hòa bình bền vững thì xây dựng văn phòng và tòa án cho Hội quốc liên ở Geneva, thậm chí xây dựng lực lượng cảnh sát quốc tế là chưa đủ. Việc cần làm là thay đổi hệ tư tưởng chính trị và quay trở lại với hệ thống kinh tế thị trường tự do.
Đây là phần chính bài giảng của Ludwig Von Mises (1881-1973) ở quận Cam, California vào tháng 10 năm 1944.
Ludwig von Mises (1881-1973) là lãnh tụ nổi tiếng của trường phái kinh tế Áo. Ông giảng dạy và viết về lí thuyết kinh tế, lịch sử, nhận thức luận, chính quyền và triết lí chính trị. Ông có những đóng góp quan trọng trong lí thuyết kinh tế, trong đó có lí thuyết về quan hệ giữa lượng tiền lưu thông và giá cả, lí thuyết về chu kì kinh doanh… Mises là học giả đầu tiên công nhận rằng kinh tế học chỉ là một phần của môn khoa học lớn hơn về hành vi của con người mà Mises gọi là “nghiên cứu hành vi của con người”.
Nguồn: http://mises.org/daily/2949
[i] Từ xã hội hóa ở đây được hiểu khác với quan niệm của ta hiện nay. Nó có nghĩa là quốc hữu hóa hay tập thể hóa chứ không phải là tư nhân hóa -ND.
Thị trường và đạo đức (Kì 18)
Adam B. Summers - Đầu tư công và đầu tư tư
Phạm Nguyên Trường dịch
Các chính khách thường lấy làm tự hào khi nói trước công chúng rằng chúng ta phải “đầu tư” cho chương trình này hay chương trình kia – đấy có thể là chương trình giáo dục, y tế, hay các dự án cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thí dụ như cây cầu không dẫn đến đâu, hoặc dự án tốn đến 50 triệu dollar cho khu rừng mưa nhiệt đới có mái che ở bang Iowa; dự án 3,4 triệu dollar để làm đường ngầm cho rùa đi bên dưới đường cao tốc ở bang Florida; 1,8 triệu dollar để nghiên cứu mùi thối và quản lí phân rác hoặc hàng triệu dollar cho những công trình nghiên cứu khác nhau về thói quen giao phối của loài sâu xương rồng, loài chim cút Nhật Bản, loài chuột chũi Bắc cực và loài sóc ở Nam Phi. Tất cả những khoản chi tiêu đó đều là những vụ ăn cướp trắng trợn, tôi phải xin lỗi mà nói như thế. “Đầu tư” cho một số dự án hay cương lĩnh chính trị nghe có vẻ hay hơn là nói: “Tôi muốn đánh thuế bạn để cho các chính khách và quan chức của chúng ta ở Washington, D.C. [hay thủ đô tiểu bang hoặc tòa thị chính của bạn], có thể tiêu tiền của bạn cho bất kì thứ gì mà chúng tôi nghĩ là tốt cho bạn [hoặc cho những người đóng góp cho chiến dịch của chúng tôi].”
Trong Thông Điệp Liên Bang đầu năm nay Tổng thống Obama có nói rằng chính phủ liên bang phải giúp kích thích kinh tế bằng cách “đầu tư” vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có công việc xây dựng, làm đường sắt cao tốc, giáo dục, nghiên cứu y sinh, “năng lượng sạch” và thậm chí cả Internet tốc độ cao nữa. Nhưng “đầu tư” chỉ là uyển ngữ để nói về việc chi tiêu nhiều hơn cho chương trình nuôi thú cưng mà thôi. Vì nó sẽ chỉ làm cho nền kinh tế trì trệ thêm chứ không thể nào hồi phục được vì bản chất của đầu tư công là tiêu tốn của cải, khác hẳn với đầu tư tư nhân là tạo ra của cải. Những người đóng thuế bỏ qua sự khác biệt này là tự làm hại mình vậy.
Hình thức đầu tư của tổng thống Obama hứa hẹn “tạo ra không biết bao nhiêu là chỗ làm việc cho đồng bào của chúng ta”, nhưng ông không dừng lại để hỏi xem lấy đâu ra tiền để trả cho những chỗ làm việc mới đó. Một ngày nào đó khoản tiền nhất định phải được lấy từ “những người đồng bào khác” của chúng ta, bằng cách tăng thuế hoặc bằng cách vay mượn mà sau này họ sẽ phải trả [một việc sẽ chỉ làm hại nền kinh tế trong tương lai hoặc trì hoãn quá trình phục hồi kinh tế mà thôi]. Đương nhiên là lấy tiền của những người đóng thuế để tài trợ cho những chỗ làm mới đó cũng có nghĩa là lĩnh vực tư sẽ có ít tiền đầu tư hơn cho những chỗ làm mới và cho việc phát triển công việc kinh doanh.
Sự khác nhau chủ yếu giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư là lĩnh vực công không thể tạo ra của cải, nó chỉ có thể dịch chuyển nguồn lực từ nhóm người này sang nhóm người khác [dĩ nhiên là sau khi đã bị “ngắt ngọn” nhằm phục vụ cho quyền lợi của những người tài trợ cho chiến dịch và cấp dưỡng cho bộ máy quan liêu bất tài]. Trong lĩnh vực tư, chỗ làm việc tăng thêm – và sự phát triển kinh tế nói chung – xảy ra khi các công ty làm ra được những thứ mà người tiêu dùng coi là có giá trị. Trong lĩnh vực công, tăng trưởng xuất hiện khi chính phủ tước đoạt được tiền của người dân và những khoản đầu tư được rót những lĩnh vực mà các chính khách mong muốn.
Khoản “đầu tư” của chính phủ vào lĩnh vực năng lượng xanh đã tạo ra công ty Solyndra Inc. là một thí dụ. Tháng 5 năm ngoái tổng thống Obama đến thăm Fremont, một công ty sản xuất tấm pin mặt trời có trụ sở ở California đã chụp và cho công bố rộng rãi một bức ảnh chụp nhân dịp này nhằm quảng bá nó như một loại hình doanh nghiệp mà ngài tổng thống cho rằng đất nước cần phải đầu tư. Và đấy chính là điều chính phủ đã làm. Tháng 9 năm 2009 chính quyền thông báo rằng đã tài trợ cho Solyndra 535 triệu dollar từ quĩ cho vay do những người đóng thuế lập ra để cung cấp tài chính cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời mới. Tháng 6 năm sau, tức là đúng một tháng sau chuyến thăm của ngài tổng thống, công ty này đã hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và một tháng sau đó giám đốc điều hành cũng rời bỏ công ty. Tháng 11 năm 2010 công ty thông báo rằng đã bỏ kế hoạch mở rộng nhà máy ở Fremont [nhà máy theo kế hoạch sẽ thuê mướn hàng ngàn lao động] và thậm chí phải đóng cửa một nhà máy khác ở East Bay, làm gần 200 công nhân nữa mất việc làm. Đấy là một khoản đầu tư.
Ném qua cửa sổ những đồng tiền “tốt” sau khi đã mất những đồng tiền “chẳng ra gì”
Sự kiện đó cũng không ngăn được tổng thống Obama đi thăm một công ty năng lượng xanh khác, chỉ hai ngày sau khi ông đọc thông điệp liên bang nhằm quảng bá cho những lợi ích mà những khoản đầu tư vào ngành công nghệ này chắc chắn sẽ mang lại. Trong suốt chuyến đi tới công ty năng lượng tái tạo có tên là Orion Energy Systems ở Manitowoc, bang Wisconsin, Obama cứ phàn nàn rằng Mĩ thậm chí đã tụt hậu trong lĩnh vực đầu tư so với ngay cả những nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hơn: “Trung Quốc đang đầu tư và họ đã giải quyết được những khó khăn của thị trường năng lượng mặt trời, một phần là vì chúng ta đã tụt hậu. Chúng ta tiến không đúng với năng lực của mình. Những công việc đáng ra có thể được làm ở đây thì lại bị đưa ra ngoại quốc”. Trong khi, trong hai chục năm qua Trung Quốc đã tiến được những bước dài theo hướng nền kinh tế mở thì chế độ cộng sản khó có thể là mô hình chính sách kinh tế cho người khác theo. Sự phát triển của Trung Quốc là do quá trình tự do hóa kinh tế chứ không phải là do những quyết định tùy tiện của giới tinh hoa cầm quyền, nhưng những thành tố chỉ-huy-và-kiểm-soát của nền kinh tế kế hoạch hóa còn sót lại ở Trung Quốc lại dường như được Obama coi là mô hình lí tưởng. Đấy là tín hiệu không hay cho tự do kinh tế và phát triển ở Mĩ.
Chính phủ chưa bao giờ tỏ ra đặc biệt giỏi giang trong việc lựa chọn những người thành đạt về kinh tế. Thí dụ, hãy xem những “khoản đầu tư” của chính phủ vào Amtrak[i], từ ngày thành lập vào năm 1971 công ty này chưa bao giờ có lời, thậm chí trong 40 năm hoạt động đã bị lỗ tới 35 tỉ dollar; hay Công ty bưu chính (Portal Service[ii]) năm ngoái đã lỗ tới 8,5 tỉ và sẽ lỗ thêm 6,4 tỉ nữa vào năm nay.
Đầu tư của chính phủ thất bại không chỉ đơn giản là vì lãnh đạo tồi (mặc dù đây chắc chắn là một đặc điểm thường gặp và không thể giải quyết được) mà chủ yếu là vì trong lĩnh vực công không thể xác định được giá trị. Không có hệ thống giá cả thị trường cho nên không có tiêu chuẩn đánh giá lỗ lãi. Như Mises viết trong tác phẩmHành vi của con người (Human Action): “Không có cái gọi là giá cả bên ngoài thị trường. Giá cả không phải là cơ cấu nhân tạo”. Trong tác phẩm Bộ máy quan liêu(Bureaucracy) ông còn viết thêm: “Quản lí hành chính quan liêu là quản lí những công việc không thể kiểm soát được bằng các tính toán kinh tế”.
Giá trị
Trong nền kinh tế thị trường tự do, giả cả được quyết định bằng qui luật cung cầu, bằng sự lựa chọn của người tiêu dùng, bằng sự khác nhau về kiến thức và đánh giá thông tin trên thương trường và chấp nhận rủi ro của doanh nhân. Người tiêu dùng càng ưa thích một món hàng hay dịch vụ nào đó thì họ càng sẵn sàng trả giá cao hơn và sẽ đẩy giá lên.
Trong lĩnh vực chính trị “giá trị” – tức là một chương trình cụ thể nào đó của chính phủ cần tiêu bao nhiêu tiền – được quyết định bởi sức mạnh và ảnh hưởng của các chính trị gia, các quan chức và những nhóm quyền lợi có thể tìm cách bòn rút tiền thuế của người dân và chia nhau theo ý của những nằm trong các giới tinh hoa đó. Ở đây, thậm chí hầu như không có một cái gì đó tương tự như cạnh tranh trong việc cung cấp những dịch vụ đó và như vậy là có rất ít sáng kiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ hoặc giảm giá thành. Vì không có tín hiệu giá cả giúp phát hiện sở thích của người dân trước món hàng hay dịch nào đó cho nên cũng không thể có một cơ chế phù hợp nhằm xác định xem những chương trình đó có hữu ích hay thỏa mãn được nhu cầu của cử tri hay không.
Không có cơ chế giá cả thị trường thực sự thì làm sao ta có thể nói một khoản đầu tư nào đó là có lời? Và làm thế nào tránh được những khoản đầu tư không có lời? Nếu một chương trình nào đó của chính phủ có vẻ như đã thành công thì sẽ lập tức có những cuộc vận động nhằm xin thêm đầu tư. Còn nếu thất bại thì người ta sẽ bảo rằng cần tăng gấp đôi đầu tư để cho nó thành công.
Đầu tư tư nghĩa là tự chịu rủi ro với hi vọng là sẽ có lời trong tương lai, còn “đầu tư” công nghĩa là lấy và tiêu tiền của người khác nhằm nhằm thực hiện ý tưởng của bạn về việc những người kia nên sống như thế nào hoặc nhằm thỏa mãn những nhóm quyền lực giúp bạn được bầu lại trong lần bầu cử tới. Đầu tư tư đòi hỏi phải hoãn chi tiêu trong ngày hôm nay để có thể [hi vọng thế] thu được nhiều tiền hơn trong tương lai, trong khi “đầu tư” công là chi tiêu ngay ngày hôm nay.
Đáng tiếc là chính phủ liên bang không học được những bài học mà lịch sử đã cố gắng dạy cho chúng ta về việc tài trợ cho doanh nghiệp và gia tăng việc làm viển vông. Sự dốt nát thể hiện rõ nhất khi các chính khách phản ứng trước một đợt suy thoái trầm trọng. Toa thuốc do nhà kinh tế học John Maynard Keynes đưa ra là “kích thích” nền kinh tế thông qua những khoản chi tiêu của chính phủ và tạo công ăn việc làm. Mặc dù điều đó có nghĩa là chiến đấu với vấn đề nợ công ngập đầu ngập cổ bằng cách vay thêm tiền. Như Robert Higgs, một nhà bình luận trên trang Freeman và là cộng tác viên cao cấp chuyên ngành kinh tế chính trị học tại Viện nghiên cứu độc lập (Independent Institute), đồng thời là tác giả cuốn Khủng hoảng và quái vật Leviathan (Crisis and Leviathan), đã nói: “Người say bét nhè nào cũng hiểu được biện pháp khắc phục suy thoái này”.
Một thập kỉ mất mát
Trong những năm 1990 và những năm sau đó người ta biết rằng Nhật Ban đã gặp khủng hoảng tài chính khi bong bóng tài sản trong lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán – do chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương hồi những năm 1980 hâm nóng – nổ tung và giá cả sụt giảm nhanh chóng. Phản ứng của chính phủ và sai lầm của chính sách làm cho nền kinh tế bị tê liệt và cuối cùng đã dẫn đến một loại vụ suy thoái. Nhật Bản đi theo đơn thuốc của trường phái Keynes – kết quả thật là thảm hại – và cho đến nay đất nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Trong những năm 1990 Nhật Bản đã thông qua 10 gói kích thích tài chính, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực công. Khi một kế hoạch xây dựng không hoạt động [ý là nó không đưa nền kinh tế trở lại giai đoạn phát triển nhanh như trước] thì người ta lại tung ra một kế hoạch khác. Tổng cộng, trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2008 chính phủ Nhật đã chi khoảng 6,3 ngàn tỉ dollar cho những dự án liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Song những kế hoạch này đã không khôi phục được nền kinh tế mà còn đưa đất nước vào một núi nợ nần, cản trở sự phục hồi kinh tế trong suốt nhiều năm trời, dẫn đến một giai đoạn có thể gọi là “Thập Kỉ Mất Mát” của Nhật Bản.
Công việc xây dựng trong những dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng của chính phủ là những việc làm không ổn định và không thể làm cho kinh tế phát triển được. Nợ công cao ngất trời, thất nghiệp tăng gấp đôi và nền kinh tế tiếp tục trì trệ. [Chuyện này nghe có vẻ quen quen?]. Gavan McCormack, giáo sư sử học chuyên về lịch sử châu Á và Thái bình dương ở Trường Đại học tổng hợp quốc gia Úc, viết trong tác phẩm Chân không của sự giàu có Nhật Bản (The Emptiness of Japanese Affluence)như sau: “Lĩnh vực xây dụng, trong một số khía cạnh nào đó, cũng na ná như tổ hợp công nghiệp quân sự thời chiến tranh lạnh ở Mĩ [Liên Xô thì cũng thế], nó hút hết tài sản của đất nước, tiêu thụ mà chẳng mang lại hiệu quả gì, nó phát triển nhanh như những tế bào ung thư và sinh ra cả khủng hoảng kinh tế lẫn phá hủy môi trường”.
Đại khủng hoảng
Ngay cả trong giai đoạn Đại khủng hoảng - thường được viện dẫn như là thí dụ rõ ràng về việc chính phủ tạo ra việc làm để giúp đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế - chương trình chi tiêu cực kì lớn của tổng thống Roosevelt – thực ra lại có gốc rễ từ thời chính quyền của tổng thống Hoover – cũng không kích thích được nền kinh tế. Mặc cho tất cả những khoản chi tiêu đó và mặc cho tất cả những chương trình tạo công ăn việc làm đó, tỉ lệ thất nghiệp vẫn rất cao. Trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, tỉ lệ thất nghiệp chỉ cao hơn 3% một chút. Năm 1933, tức là giữa lúc có những khoản chi tiêu lớn và những dự án lớn, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên đến 25%. Thậm chí sau những năm thực hiện Chính sách kinh tế mới (New Deal) tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức 15% hoặc hơn và kéo dài đến tận năm 1940. Mãi đến Thế chiến II tỉ lệ thất nghiệp mới trở về với mức một con số [và đấy là do hàng triệu người đã nhập ngũ].
Đấy là lí do v́ sao năm 1939 Henry Morgenthau – bộ trưởng tài chính dưới thời tổng thống Roosevelt – đã viết một câu làm người ta phải ngạc nhiên:
Chúng ta tìm cách tiêu tiền. Chúng ta đang tiêu nhiều hơn bất kì gian đoạn nào khác trước đây, nhưng không ăn thua. Và tôi đang có một niềm đam mê, nếu tôi sai… thì ai đó có thể ngồi vào ghế của tôi. Tôi muốn thấy đất nước này thịnh vượng. Tôi muốn thấy đồng bào có việc làm. Tôi muốn thấy đồng bào được ăn uống tốt hơn. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ giữa được lời hứa… Tôi xin nói rằng sau tám năm chính phủ này cầm quyền chúng ta vẫn có tỉ lệ thất nghiệp cao như lúc ban đầu… Và một món nợ khổng lồ phải thanh toán! (Nhật kí của Morgenthau, thư viện tổng thống Roosevelt)
Sự kiện là những cuộc suy thoái kinh tế - thậm chí những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn – không nhất thiết phải diễn ra khốc liệt hoặc kéo dài đến như thế. Đấy là do chính sách của chính phủ đã ngăn chặn những áp lực tự nhiên và sáng kiến của thị trường nhằm thanh lọc những khoản đầu tư và những quyết định kinh tế sai lầm và trở lại với con đường phát triển ổn định. Như Murray Rothbard viết trong lời giới thiệu lần xuất bản thứ ba tác phẩm Cuộc đại khủng hoảng của nước Mĩ(America’s Great Depression), của ông như sau:
Trước khi có những can thiệp mạnh mẽ của chính phủ hồi những năm 1930, tất cả vác vụ suy thoái đều diễn ra trong một thời gian ngắn. Thí dụ, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong năm 1921 cũng đã kết thúc một cách nhanh chóng, đến nỗi bộ trưởng thương mại, ông [Herbert] Hoover – mặc dù là người theo xu hướng can thiệp - đã không thuyết phục được tổng thống Harding can thiệp ngay, trong thời gian người ta còn đang thuyết phục Harding thì khủng hoảng đã chấm dứt và sự phồn vinh đã quay trở lại rồi. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 năm 1929 thì Herbert Hoover – lúc này đã là tổng thống – can thiệp nhanh và mạnh đến mức quá trình điều tiết của thị trường bị tê liệt, và Chính sách kinh tế mới của Hoover-Roosevelt đã gây ra suy thoái trong nhiều lĩnh vực và kéo dài, chúng ta chỉ thoát ra được là nhờ Thế chiến II. Laissez-faire – chính phủ dứt khóat không can thiệp – là chính sách duy nhất có thể bảo đảm được cho sự phục hồi một cách nhanh chóng trong bất kì cuộc khủng hoảng thiếu nào.
Sau hơn hai mươi lăm năm và hàng ngàn tỉ dollar được tung ra để cứu các ngân hàng và ngành công nghiệp ô tô, cũng như các gói kích thích và sự can thiệp của Cục dự trữ liên bang, nền kinh tế Mĩ vẫn chuyển động một cách chậm chạp và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 9%. Theo giám đốc Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke thì đáng lẽ chỉ cần bốn đến năm năm là thị trường lao động đã có thể “trở lại tình trạng bình thường” được rồi. Nếu không từ bỏ chính sách can thiệp của chính phủ thì có vẻ như Mĩ đang tiến dần đến Thập Kỉ Mất Mát của chính mình.
Nợ liên bang lên đến 14 ngàn tỉ dollar và thiếu hụt hàng năm hơn 1 ngàn tỉ đang làm giảm năng suất lao động và ngăn chặn sự phát triển của nền kinh tế. Đây là lúc chúng ta học những bài học đã lặp đi lặp lại trong quá khứ rằng các khoản chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là khi những khoản tiền đó được dùng để kích thích nền kinh tế, đơn giản chỉ là những khoản đầu tư có hại mà thôi.
Nguồn: Tạp chí The Freeman số tháng 7/8 năm 2011
[i] Amtrak là Công ty vận chuyển hành khách bằng xe lửa của chính phủ, được thành lập vào tháng 5 năm 1971.
[ii] Công ty bưu chính (Postal Setvice) là công ty của chính phủ chuyên làm dịch vụ bưu chính trong nội bộ nước Mĩ.
Thị trường và đạo đức (Kì 19)
Vernon Smith - Cải thiện đời sống của con người thông qua toàn cầu hóa
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong tiểu luận này, nhà kinh tế học, giải Nobel kinh tế Nernon Smith, truy nguyên sự gia tăng của cải của nhân loại thông qua việc mở rộng thị trường và giải thích vì sao chủ nghĩa tư bản toàn cầu lại cải thiện được đời sống của con người.
Vernon Smith là giáo sư kinh tế ở trường Đại học Chapman ở California (Chaman University in California) và là người mở đường trong lĩnh vực “kinh tế học thực nghiệm”. Ông tập trung nghiên cứu thị trường tư bản và thị trường hàng hóa, sự xuất hiện của bong bóng tài sản, chu kì kinh doanh, tài chính, kinh tê học những nguồn lực tự nhiên và sự phat triển của các định chế thị trường. Năm 2002 ông được trao giài Nobel kinh tế vì “đã khẳng định những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm như là phương tiện trong việc phân tích kinh tế theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cứu cơ chế thị trường thay thế”. Ông đã công bố nhiều bài trên những tạp chí hàn lâm về kinh tế học, lí thuyết trò chơi, rủi ro và là tác giả cuốn Những bài viết về kinh tế học thực nghiệm (Papers in Experimental Economics) vàMặc cả và hành vi trên thương trường: những bài viết về kinh tế học thực nghiệm (Bargaining and Market Behavior: Essays in Experimental Economics). Smith còn là một giáo sư nổi tiếng trên thế giới và ông đã triển khai những chương trình nhằm áp dụng kinh tế học thực nghiệm không chỉ nhằm nhận thức thấu đáo những qúa trình diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà còn để giảng dạy các nguyên lí kinh tế học nữa.
Tiểu luận này là một phần bài nói tại Những cuộc gặp mặt buổi tối tại Quĩ giáo dục kinh tế học[1] trong tháng 9 năm 2005.
Thông điệp của tôi hôm nay là một thông điệp đầy lạc quan. Đấy là thông điệp về sự trao đổi và thị trường, tức là những hiện tượng giúp chúng ta tham gia vào những nhiệm vụ và kiến thức chuyên môn hóa. Chuyên môn hóa chính là bí mật của của toàn bộ quá trình hình thành tất cả các loại của cải và là cội nguồn duy nhất của sự cải thiện một cách ổn định đời sống của nhân loại. Đấy là bản chất của quá trình toàn cầu hóa.
Khó khăn là ở chỗ tất cả chúng ta đồng thời hoạt động trên hai thế giới trao đổi chồng lấn lên nhau. Thứ nhât, chúng ta sống trong thế giới của những trao đổi mang tính cá nhân và xã hội trên cơ sở những tiêu chuẩn có đi có lại và được mọi người chia sẻ trong những nhóm, gia đình và cộng đồng nhỏ hẹp. Câu nói “Tôi mang ơn anh/chị” là câu nói phổ biến trong nhiều ngôn ngữ, thể hiện lòng biết ơn vì đã được người khác dành cho những điều kiện thuận lợi. Từ thời nguyên thủy, trao đổi giữa các cá nhân với nhau đã tạo điều kiện cho việc chuyên môn hóa công việc (săn bắn, hái lượm và làm công cụ) và làm cơ sở cho việc gia tăng năn suất lao động và của cải. Quá trình phân công lao động như thế đã tạo điều kiện cho con người di cư đến tất cả các khu vực trên thế giới. Như vậy là, quá trình chuyên môn hóa đã diễn ra rất lâu trước khi thị trường chính thức xuất hiện.
Thứ hai, chúng ta sống trong thế giới của thị trường trao đổi phi cá tính, nơi thông tin và hợp tác phát triển từ từ thông qua việc mua bán giữa những người không quen biết và ở cách xa nhau. Trong những trao đổi mang tính cá nhân, chúng ta thường có xu hướng làm lợi cho người khác. Nhưng trên thương trường ta thường không nghĩ như thế vì mỗi người đều tập trung chú ý vào lợi ích của chính mình. Nhưng các cuộc thí nghiệm có kiểm soát, được tiến hành trong phòng thí nghiệm của chúng tôi lại chứng tỏ rằng những cá nhân không muốn hợp tác trong những trao đổi cá nhân lại tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trong thị trường lớn hơn. Tuy không có chủ ý, nhưng trong giao dịch trên thương trường họ cũng tìm cách tối đa hóa lợi ích chung của cả nhóm. Vì sao? Vì quyền sở hữu mà ra. Trong trao đổi cá nhân, luật lệ phát sinh từ sự sự đồng thuận của các bên tham gia. Còn trong trao đổi trên thị trường phi cá tính, luật lệ - thí dụ như quyền sở hữu, cấm lấy mà không bồi hòan - được ghi trong khuôn khổ mang tính định chế. Do đó, hai thế giới của quá trình trao đổi họat động tương tự như nhau: bạn phải cho rồi mới được nhận.
Nền tảng của sự thịnh vượng
Thị trường hàng hóa và dịch vụ - nền tảng của sự hình thành của cải – quyết định mức độ chuyên môn hóa. Trong những thị trường đã được tổ chức, người sản xuất biết tương đối chính xác chi phí sản xuất, còn người tiêu dùng thì dự đóan được số lượng hàng hóa có giá trị sẽ được cung cấp. Những họat động liên tục diễn ra trên thương trường đó là những họat động có hiệu quả không thể tưởng tượng nổi, thậm chí ngay cả trong những quan hệ thị trường vô cùng phức tạp với rất nhiều lọai hàng hóa được mua bán.
Thông qua các thí nghiệm về thị trường, chúng tôi còn phát hiện ra rằng, nói chung, người ta không công nhận là có một mô hình nào đó có thể tiên đóan được giá mua bán cuối cùng và số lượng hàng hóa mà họ sẽ mua và bán. Trên thực tế, hiệu quả của thị trường không đòi phải có đông người tham gia, không đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin, phải có hiểu biết về kinh tế học hay lí thuyết đặc biệt nào. Nói cho cùng, người ta đã buôn bán từ rất lâu, trước khi xuất hiện các nhà kinh tế học, tức là trước khi có những người nghiên cứu các tiến trình của thị trường. Chúng ta chỉ cần biết là khi nào thì ta có nhiều tiền, khi nào có ít tiền và liệu chúng ta có cơ hội thay đổi hành động của mình hay không.
Thị trường hàng hóa và dịch vụ rất đa dạng về chất lượng – đa dạng về khẩu vị, về tài khéo léo, về kiến thức và nguồn lực tự nhiên, đa dạng về đất đai và khí hậu. Nhưng đa dạng mà không được tự do trao đổi thì cũng vẫn nghèo đói. Không có ai – thậm chí được phú cho một cách dư giả một tài khéo hoặc một nguồn lực – có thể phát đạt mà không cần buôn bán. Thị trường tự do làm cho chúng ta phụ thuộc vào những người chúng ta không biết, không đánh giá cao, thậm chí không hiểu nữa. Không có thị trường chúng ta chỉ là những kẻ nghèo đói, đáng thương, thô lỗ và ngu ngốc mà thôi.
Thị trường đòi hỏi phải cùng nhau tôn trọng luật lệ của sự tương tác xã hội và trao đổi kinh tế. Không có ai nói hay hơn là David Hume cách đây hơn 250 năm – chỉ có ba điều luật của tự nhiên: quyền sở hữu, chuyển nhượng theo thỏa thuận và thực hiện lời hứa. Đấy là những nền tảng căn bản của trật tự làm cho thị trường và sự thịnh vượng trở thành khả thi.
Những điều luật của tự nhiên do Hume đưa ra là xuất phát từ những điều răn có từ thời thượng cổ: không ăn cắp, không thèm muốn tài sản của hàng xóm và không làm chứng dối. Ăn cắp làm mất tài sản và làm cho người ta không còn muốn tái sản xuất nữa. Ham muốn tài sản của người khác có thể dẫn đến tình trạng tái phân phối của cải bằng vũ lực, và như vậy sẽ không khuyến khích người ra sản xuất nữa. Làm chứng dối làm suy yếu cộng đồng, phá họai lòng tin vào ban lãnh đạo, phá họai lòng tin của nhà đầu tư, đe dọa lợi nhuận trong dài hạn và làm cho người ta khó trao đổi với nhau, mà đấy lại là những cái nuôi dưỡng tình người hơn cả.
Chỉ có thị trường mới cung cấp được hàng hóa
Sự phát triển kinh tế có liên hệ trực tiếp với với hệ thống kinh tế và chính trị tự do, các hệ thống này lại được nâng đỡ bởi chế độ pháp quyền và quyền sở hữu tư nhân. Các chế độ kế hoạch hóa tập trung mạnh, dù bất cứ ở đâu, cũng đều không có khả năng cung cấp hàng hóa. Nhưng, như chúng ta thấy, có rất nhiều thí dụ về việc các chính phủ, cả lớn lẫn nhỏ (từ Trung Quôc đến New Zealand và Ireland), đã tháo gỡ, ít nhất là một số trở ngại đối với tự do kinh tế. Những nước này đã chứng kiến một sự phát triển kinh tế ngoạn mục sau khi đơn giản là để cho người dân tự tìm cách cải thiện cuộc sống của chính mình.
Trung Quốc đã tiến khá xa theo hướng tự do kinh tế. Cách đây vài năm Trung Quốc đã sửa đổi hiến pháp, cho phép người dân sở hữu, mua và bán tài sản tư nhân. Tại sao? Một trong những vấn đề mà chính phủ Trung Quốc phải giải quyết là người dân mua và bán tài sản ngay cả khi những giao dịch đó không được chính phủ công nhận. Điều đó đã khuyến khích các quan chức địa phương lấy tiền của những người buôn bán phạm pháp. Công nhận quyền sở hữu tài sản là chính phủ trung ương tìm cách cắt đứt nguồn gốc tham nhũng của bộ máy hành chính địa phương mà trung ương không thể theo dõi và kiểm soát được. Theo tôi, sự thay đổi về hiến pháp như thế là biện pháp thực tiễn nhằm ngăn chặn hiện tượng tham nhũng tràn lan và sự can thiệp chính trị vào quá trình phát triển kinh tế.
Mặc dù thay đổi này không phải là kết quả của chính sách nhắm tới tự do, nhưng nó có thể mở đường cho quá trình hướng tới một xã hội tự do hơn. Lợi ích trực tiếp: 276 trong số 500 công ty được tạp chí Fortune xếp hạng đang đầu tư vào khu vực dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở gần Bắc Kinh, trên cơ sở những điều khoản thuê đất có nhiều ưu đãi và kéo dài những 50 năm của chính phủ Trung Quốc.
Ireland cho ta thấy một nguyên tắc là không cần là nước lớn vẫn có thể trở thành giàu có, đấy là nhờ tự do hóa chính sách kinh tế của chính phủ. Trong quá khứ, Ireland từng là nước xuất khẩu người. Điều đó chỉ làm lợi cho Mĩ và Anh, những nước tiếp nhận nhiều người nhập cư có đầu óc sáng láng, trốn chạy khỏi những điều kiện làm cùn mòn cuộc sống ở quê hương của họ. Chỉ mới cách đây hai thập kỉ Ireland còn nằm trong cảnh nghèo đói của thế giới thứ ba, nhưng nay đã vượt qua nước mẹ trước đây về thu nhập tính theo đầu người và trở thành tay chơi có hạng ở châu Âu. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ireland đã nhảy từ 3,8% trong những năm 1980 lên 7,8% trong những năm 1990. Gần đây Ireland đã đứng thứ 8 về tổng thu nhập tính theo đầu người, trong khi Anh đứng thứ 15. Bằng cách khuyến khích đầu tư trực tiếp (kể cả đầu tư mạo hiểm - venture capital) và thúc đẩy dịch vụ ngân hàng và công nghệ thông tin, Ireland đã đảo ngược được hiện tượng chảy máu chất xám – thanh niên bắt đầu quay trở về quê hương.
Thanh niên trở về là vì tự do kinh tế ở quê nhà đã tạo ra nhiều cơ hội mới. Họ là hình mẫu của những doanh nhân “dám nghĩ, dám làm”, những người không chỉ làm ra của cải và cải thiện cuộc sống cho đất nước mình mà còn cho cả Mĩ cũng như các nước khác trên thế giới nữa. Câu chuyện của những người đó cho thấy người ta có thể sửa chữa chính sách sai lầm của chính phủ nhằm tạo ra những cơ hội kinh tế, và những cơ hội này có thể làm đảo ngược một cách ngoạn mục quá trình chảy máu chất xám.
Không có gì phải sợ
Quan trọng nhất của quá trình thay đổi, phát triển và cải thiện kinh tế là tạo điều kiện cho công việc của ngày hôm qua đi theo công nghệ của ngày hôm qua. Cản trở các công ty trong nước tìm kiếm nguồn gia công ở bên ngoài đâu có ngăn chặn được những công ty cạnh tranh nước ngoài làm việc đó. Thông qua gia công, các công ty cạnh tranh nước ngoài có thể hạ giá thành sản phẩm, sử dụng những khoản tiết kiệm được để hạ giá bán và nâng cấp công nghệ và thu được ưu thế to lớn trên thương trường.
Một trong những trường hợp gia công được nhiều người biết nhất là việc đưa, sau Thế chiến II, ngành dệt may của bang New England về miền Nam nhằm lợi dụng giá lao động rẻ ở các bang miền Nam. (Và như được dự liệu từ trước, lương ở các bang miền Nam gia tăng và cuối cùng ngành này phải chuyển sang nguồn gia công giá thấp ở châu Á).
Nhưng New England vẫn có nhiều việc làm. Công việc dệt may được thay thế bằng những ngành công nghệ kĩ thuật cao: thông tin điện tử và công nghệ sinh học. Kết quả là New England thu được lãi ròng cực lớn, mặc dù bang này đã mất ngành công nghiệp mà trước đây là quan trọng. Năm 1965 Warren Buffett giành được quyền kiểm soát công ty Berkshire-Hathaway, một trong những công ty dệt may đang suy tàn ở bang Massachusetts. Ông đã sử dụng khoản tiền mặt to lớn nhưng đang giảm dần của công ty để đầu tư vào những dự án chưa được mọi người đánh giá cao. Những dự án này đã tạo được thành công vang dội, và 40 năm sau công của Buffett đã có vốn trên thương trường là 113 tỉ dollar. Sự chuyển hóa như thế cũng đang diễn ra với K-Mart và Sears Roebuck. Chẳng có gì là vĩnh viễn: khi các doanh nghiệp cũ suy tàn thì nguồn lực của nó được chuyển cho những doanh nghiệp mới.
Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia (The National Bureau of Economic Research) vừa đưa ra báo cáo về đầu tư ở trong nước cũng như ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia Mĩ. Báo cáo cho thấy rằng cứ một dollar đầu tư ở nước ngoài thì có ba dollar rưỡi được đầu tư ở trong nước. Điều đó chứng minh rằng đầu tư ở nước ngoài và đầu tư trong nước tỉ lệ thuận với nhau: cái này tăng thì cái kia cũng tăng. Theo đánh giá của McKinsey và Công ty (McKinsey and Company) thì mỗi một dollar mà các công ty Mĩ thuê gia công ở Ấn Độ sẽ mang về cho Mĩ 1,14 dollar. Nhà đầu tư và người tiêu dùng được hưởng một nửa món lợi đó, phần lớn số còn lại được dùng cho việc tạo công ăn việc làm mới. Ngược lại, ở Đức mỗi Euro đầu tư ra nước ngoài chỉ mang về 80% lợi ích cho nền kinh tế trong nước, đấy chủ yếu là do những công nhân Đức mất việc rất khó tìm việc làm vì chính phủ ban hành quá nhiều luật lệ về vấn đề này.
Tôi tin tưởng rằng khi Mĩ vẫn là nước giữ vị trí số một trên thế giới về khả năng cải tiến thì chẳng có gì phải sợ việc tìm nguồn gia công ra nước ngoài, mà chỉ sợ là các chính khách sẽ tìm cách ngăn chặn quá trình này mà thôi. Theo Viện kinh tế thế giới (Institute for International Economics), trong giai đoạn 1999-2003 đã có thêm hơn một trăm mười lăm ngàn việc làm trong lĩnh vực phần mềm máy tính với mức lương cao, trong khi đó chỉ có bảy mươi ngàn việc làm bị mất do tìm được nguồn gia công ở nước ngoài mà thôi. Trong lĩnh vực dịch vụ tình hình cũng tương tự như thế, ở đây đã có thêm mười hai triệu chỗ làm mới trong khi chỉ có mười triệu chỗ làm cũ là bị xóa bỏ. Phát triển kinh tế chính là công nghệ thay đổi nhanh chóng và công việc cũ được thay bằng những công việc mới, tất cả chỉ có thế mà thôi.
Bằng cách tìm nguồn gia công ở nước ngoài, các doanh nghiệp Mĩ tiết kiệm được tiền để đầu tư cho những ngành công nghệ mới và chỗ làm việc mới nhằm giữ được vị thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Đáng tiếc là chúng ta không thể hưởng lợi mà không phải chịu đau do quá trình chuyển đổi gây ra. Thay đổi bao giờ cũng gây đau đớn. Những người mất việc và phải tìm việc mới bị đau. Những người mạo hiểm đầu tư vào những ngành công nghệ mới và thua lỗ bị đau. Nhưng lợi nhuận mà những người chiến thắng thu được lại tạo ra những khối tài sản to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Những khoản lợi nhuận này, đến lượt chúng, lại thông qua những quá trình tìm kiếm và kinh nghiệm cạnh tranh học được mà trở thành vững chắc thêm.
Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng mới. Nó là từ hiện đại nhằm mô tả quá trình di chuyển của con người trong thời cổ đại, một từ thể hiện sự tìm kiếm việc cải thiện điều kiện sống của con người thông qua trao đổi và mở rộng sự chuyên môn hóa ra toàn thế giới. Đấy là một từ mang tinh thần hòa bình. Ông Frederic Bastiat, một nhà kinh tế học vĩ đại người Pháp, đã nói một câu đầy trí tuệ rằng nếu hàng hóa không đi qua biên giới thì binh lính sẽ đi qua.
[1] The Foundation for Economic Education. www.fee.org.
Thị trường và đạo đức (Kì cuối)
Mario Vargas Llosa - Nền văn hóa của tự do
Phạm Nguyên Trường dịch
Những cuộc công kích hiệu quả nhất nhằm chống lại quá trình tòan cầu hóa thường lại không phải là những cuộc công kích liên quan tới kinh tế học. Mà là những cuộc công kích về mặt xã hội, đạo đức, và trên hết là lĩnh vực văn hóa. Những luận cứ này từng nổi lên trong những vụ lộn xộn ở Seattle vào năm 1999 và lại vang lên ở Davos, ở Bangkok, và Prague trong thời gian gần đây. Họ nói như sau:
Sự biến mất của các đường biên giới quốc gia và giới quyền uy trên thế giới gắn bó với thương trường sẽ giáng những đòn chí tử vào nền văn hóa khu vực và quốc gia, vào truyền thống, thói quen, truyền thuyết và tập tục, tức là những thứ quyết định bản sắc văn hóa của đất nước và khu vực. Vì đa số các nước và các khu vực trên thế giới không đủ sức chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa từ các nước đã phát triển – mà cụ thể là từ siêu cường Mĩ – nước chắc chắn sẽ mở đường cho các công ty đa quốc gia cực kì lớn, nền văn hóa Bắc Mĩ cuối cùng sẽ buộc người ta phải chấp nhận nó, nó sẽ định ra tiêu chuẩn cho thế giới và xóa sổ sự đa dạng của những nền văn hóa khác nhau. Theo cách này, tất cả các dân tộc, chứ không chỉ các dân tộc nhỏ và yếu, sẽ đánh mất bản sắc, sẽ đánh mất tâm hồn mình và chỉ còn các thuộc địa trong thế kỉ XXI – những thây ma hay những hình nộm được làm theo những tiêu chuẩn văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới, đấy là chủ nghĩa thực dân mà ngòai việc cai trị thế giới bằng đồng vốn, sức mạnh quân sự và kiến thức khoa học của nó, còn áp đặt cho người ta ngôn ngữ, cách tư duy, niềm tin, thú vui và ước mơ của nó nữa.
Cơn ác mộng hay là điều hoang tưởng theo nghĩa tiêu cực về một thế giới mà do tòan cầu hóa đang đánh mất dần sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ, đang bị Mĩ xâm lược về mặt văn hóa không chỉ là địa hạt của các chính trị gia tả khuynh, luyến tiếc Marx, Mao hay Che Guevara. Cơn mê sảng về việc bị ngược đãi – do lòng thù hận người khổng lồ Bắc Mĩ mà ra – còn được thể hiện rõ ở cả những nước đã phát triển và những dân tộc có nền văn hóa cao, được cả các nhóm tả, trung dung và hữu khuynh chia sẻ nữa.
Khét tiếng nhất là nước Pháp, ở đây chúng ta thường thấy chính phủ tung ra những chiến dịch nhằm bảo vệ “bản sắc văn hóa Pháp”, một nền văn hóa được cho là đang bị quá trình tòan cầu hóa đe dọa. Một lọat các nhà tri thức và chính trị gia Pháp lo lắng về khả năng là cái vùng đất từng sinh ra Montaigne, Descartes, Racine, và Baudelaire – và đất nước đã có một thời gian dài từng là người đưa ra tiếng nói cuối cùng về thời trang, tư duy, nghệ thuật, ẩm thực và về tất cả những lĩnh vực tinh thần khác – có thể bị những McDonald’s, Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, rock, rap, và phim ảnh của Hollywood, quần bò, bánh sneakers, áo T-shirts xâm lấn. Nỗi sợ này đã dẫn tới, thí dụ, những khỏan tài trợ rất lớn của Pháp cho ngành công nghiệp điện ảnh và đòi hỏi các rạp chiếu bóng phải chiếu một số lượng phim trong nước và hạn chế nhập phim Mĩ. Nỗi sợ này còn là lí do vì sao các chính quyền địa phương ban hành những quy định xử phạt nặng những băng rôn quảng cáo làm ô uế ngôn ngữ của Molière bằng những từ ngữ tiếng Anh. (Mặc dù, nếu nhìn vào vỉa hè các đường phố ở Paris thì thấy rằng những quy định như thế cũng không được người ta tôn trọng cho lắm). Đấy là lí do vì sao José Bové, một điền chủ có thái độ bài xích các món ăn tạp nham (ngụ ý thức ăn nhanh của Mĩ – ND) đã trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Pháp. Và việc ông ta bị bắt giam ba tháng trong thời gian gần đây có vẻ như chỉ làm cho ông ta nổi tiếng thêm mà thôi.
Nhưng tôi tin rằng luận cứ chống tòan cầu hóa như thế là không thể chấp nhận được, chúng ta phải công nhận rằng nó ẩn chứa một sự thật không thể bác bỏ được. Trong thế kỉ này, cái thế giới chúng ta sống sẽ kém sinh động và không có nhiều màu sắc như là cái thế giới mà chúng ta đã bỏ lại phía sau. Những buổi lệ hội, đồ trang sức, phong tục, nghi lễ, nghi thức và tín ngưỡng, tức là những thứ đã tạo cho nhân lọai sự khác biệt mang màu sắc dân tộc và văn hóa dân gian, đang dần dần biến mất hoặc sẽ thu mình vào trong những nhóm thiểu số, trong khi phần lớn xã hội từ bỏ chúng và chấp nhận những thứ khác, phù hợp hơn với thời đại của chúng ta. Tất cả các nước trên thế giới đang trải qua quá trình này, nhanh chậm khác nhau, nhưng đấy không phải là do tòan cầu hóa. Mà đấy là do quá trình hiện đại hóa, tòan cầu hóa là kết quả chứ không phải là nguyên nhân. Có thể khóc than, dĩ nhiên là như thế, rằng quá trình này đang diễn ra và có thể nuối tiếc về cuộc sống của một thời đã qua, mà với những tiện nghi của ngày hôm nay dường như đấy là cuộc sống vui vẻ, độc đáo và đầy màu sắc. Nhưng đây là quá trình không thể nào tránh được. Những chế độ tòan trị như Cuba hay Bắc Hàn sợ rằng mở cửa sẽ là tự sát, họ tìm cách bế quan tỏa cảng, ban hành đủ thứ quy định kiểu cấm đóan và chỉ trích hiện đại hóa. Nhưng ngay cả những nước đó cũng không ngăn cản được sự thẩm thấu một cách từ từ của quá trình hiện đại hóa và nó sẽ gặm nhấm dần cái gọi là bản sắc văn hóa của họ. Về lí thuyết, một đất nước có thể giữ được bản sắc của mình, nhưng với điều kiện là họ phải sống trong tình trạng cô lập hoàn toàn, chấm dứt mọi trao đổi với các dân tộc khác và thực hiện một nền kinh tế tự cấp tự túc – giống như một vài bộ lạc ở châu Phi hay những bộ lạc sống trong rừng già Amazon vậy. Bản sắc văn hóa dưới hình thức như thế sẽ đưa xã hội trở lại với cách sống của thời tiền sử.
Đúng là hiện đại hóa làm cho nhiều lối sống truyền thống không thể tồn tại được. Nhưng đồng thời nó lại mở ra cơ hội và làm cho cả xã hội tiến những bước quan trọng về phía trước. Đấy là lí do vì sao khi có cơ hội tự do lựa chọn quần chúng lại ủng hộ hiện đại hóa mà không hề có chút lưỡng lự nào, đôi khi họ còn phản đối điều mà các nhà lãnh đạo hay những người nệ cổ ủng hộ.
Những luận điệu nhằm chống lại toàn cầu hóa và ủng hộ bản sắc văn hóa tiết lộ cho ta thấy quan niệm tĩnh về văn hóa, một quan niệm không có cơ sở lịch sử. Nền văn hóa nào đã từng giữ mãi bản sắc và không thay đổi theo thời gian? Muốn tìm được những nền văn hóa như thế, chúng ta phải thâm nhập vào những cộng đồng tôn giáo ma thuật nguyên thủy và nhỏ bé, tức là những cộng đồng sống trong hang hốc, thờ thần sấm và thú dữ; và vì tính chất nguyên thủy như thế mà họ càng ngày càng dễ bị bóc lột và hủy diệt. Tất cả những nền văn hóa khác, nhất là những nền văn hóa có quyền được gọi là hiện đại và sống động đều tiến hóa đến mức mà chúng chỉ còn là cái bóng mờ của nền văn hóa từng hiện diện cách đây vài ba thế hệ mà thôi. Sự tiến hóa này thể hiện rõ nhất ở các nước như Pháp, Tây Ban Nha và Anh, nơi đã diễn ra những thay đổi cực kì ngoạn mục và sâu sắc đến mức Marcel Proust, Federico García Lorca, hay Virginia Woolf khó mà có thể coi đây là những xã hội nơi họ đã ra đời – những xã hội mà tác phẩm của họ đã có đóng góp rất lớn trong việc làm cho chúng thay da đổi thịt.
Khái niệm “bản sắc văn hóa” là khái niệm nguy hiểm. Từ quan điểm xã hội thì đấy có thể chỉ là quan niệm nhân tạo và đáng ngờ, nhưng từ viễn cảnh chính trị thì nó đe dọa ngay thành tựu quí giá nhất của nhân loại: quyền tự do. Tôi không phủ nhận rằng những người nói cùng một ngôn ngữ, sinh ra và sống trên cùng một vùng lãnh thổ, phải giải quyết những vấn đề giống nhau, theo những phong tục và tôn giáo như nhau, có những đặc điểm như nhau. Nhưng tính chất chung đó không bao giờ có thể xác định được đầy đủ đặc tính của từng người, nó chỉ xóa bỏ hoặc đẩy tất cả những tính chất và đặc điểm đơn nhất, tức là những đặc điểm làm người nọ khác biệt với người kia, xuống hàng thứ yếu mà thôi. Quan niệm bản sắc, khi không được áp dụng cho từng cá nhân riêng biệt, là một quan niệm đã được đơn giản hóa và phi nhân tính, nó là sự trừu tượng hóa mang tính ý thức hệ và tinh thần tập thể của tất cả những gì là độc đáo và sáng tạo trong mỗi con người, của tất cả những gì không được áp đặt bởi di sản, nơi sinh hay áp lực xã hội. Mà sự thật là, bản sắc xuất phát từ khả năng của con người trong việc chống lại những ảnh hưởng đó và phản công lại với chúng bằng những hành động tự do theo sáng kiến của riêng mình.
Khái niệm “bản sắc tập thể” là khái niệm hưu cấu mang tính ý thức hệ và là nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều nhà nhân chủng học và nhân loại học cho rằng ngay cả các cộng đồng cổ xưa nhất cũng không có bản sắc tập thể. Những thói quen và phong tục được nhiều người chia sẻ có thể là những điều tối cần thiết đối với việc bảo vệ cả nhóm người, nhưng sự cách biệt về khả năng sáng tạo và sáng kiến giữa các cá nhân – điều kiện để họ tách biệt khỏi nhóm – bao giờ cũng khá lớn, và khi các cá nhân được thử thách theo những khả năng của riêng họ thì những khác biệt của từng người sẽ lấn át những đặc tính chung, chứ không chỉ là những thành tố ngoại vi của tập thể nữa. Toàn cầu hóa mở rộng một cách căn bản khả năng của tất cả các công dân trên hành tinh này, nó tạo điều kiện cho họ thông qua những hành động tự nguyện mà tạo dựng bản sắc văn hóa của riêng mình, phù hợp với sở thích và động cơ thầm kín của họ. Bây giờ người công dân không phải lúc nào cũng phải - như trong quá khứ và ở nhiều nơi hiện nay – tôn trọng bản sắc nhưng trên thực tế là làm cho họ mắc kẹt vào trại tập trung không thể nào thoát ra được – đấy là bản sắc được áp đặt lên mỗi người thông qua ngôn ngữ, dân tộc, nhà thờ, thói quen của vùng đất nơi họ ra đời. Theo nghĩa này thì ta phải hoan nghênh toàn cầu hóa vì nó mở rộng một cách đáng kể chân trời cho tự do cá nhân.
Hai lịch sử của cùng một lục địa
Châu Mĩ Latin có thể là thí dụ tốt nhất của những thủ đoạn và sự phi lí của việc cố tình thiết lập bản sắc tập thể. Cái gì có thể là bản sắc văn hóa của châu Mĩ Latin? Phải đưa những gì vào cái tập hợp những tín điều, phong tục, truyền thống, thói quen và những câu chuyện cổ tích để thể hiện rằng khu vực này có một tính cách duy nhất, không ai có và không chuyển nhượng được? Lịch sử của chúng ta được trui rèn trong những cuộc tranh luận trí tuệ - đôi khi quyết liệt – nhằm tìm cho ra đáp án cho câu hỏi đó. Đáp án nổi bất nhất là đáp án của những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm[i] đưa ra trong cuộc đấu trí với những người ủng hộ văn hóa bản địa và có ảnh hưởng trên khắp lục địa ngay từ những năm đầu thế kỉ XX.
Đối với những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm như José de la Riva Agüero, Victor Andrés Belaúnde, và Francisco García Calderón thì Mĩ Latin hình thành khi – nhờ quá trình phát hiện và chinh phục – nó gặp ngôn ngữ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chấp nhận Thiên chúa giáo và trở thành một phần của nền văn minh phương Tây. Những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm không coi thường những nền văn hóa tiền-Tây Ban Nha, nhưng họ coi đấy chỉ là một lớp chứ không phải là cốt lõi của hiện thực xã hội và lịch sử, phải nhờ ảnh hưởng của phương Tây mà nó mới hoàn thiện được bản chất và tính cách của mình.
Mặt khác, những người ủng hộ văn hóa bản địa lại cực lực bác bỏ những lợi ích mà có người cho rằng người châu Âu đã mang tới Mĩ Latin. Theo họ, bản sắc của chúng ta có nguồn gốc và linh hồn trong nền những nền văn hóa và văn minh tiền-Tây Ban Nha, quá trình phát triển và hiện đại hóa của nó đã bị kìm hãm bằng bạo lực và là đối tượng của kiểm duyệt, đàn áp và đẩy ra ngoài lề không chỉ trong suốt ba thế kỉ thuộc địa mà còn cả sau này, tức là sau khi có chế độ cộng hòa nữa. Theo những tư tưởng gia ủng hộ văn hóa bản địa thì “Biểu hiện Mĩ” (tên một tác phẩm của José Lezama Lima) nằm ở tất cả những biểu hiện mang tính văn hóa – từ ngôn ngữ bản xứ tới đức tin, nghi lễ, nghệ thuật và tập tục của nhân dân – nhằm chống lại sự áp chế về mặt văn hóa của phương Tây và còn tồn tại cho đến ngày nay. Ông Luis E. Valcárcel, một nhà sử học nổi tiếng của Peru, thậm chí còn khẳng định rằng cần phải đốt bỏ tất cả các nhà thờ, các nhà tu và tượng đài theo phong cách kiến trúc thuộc địa vì chúng thể hiện tinh thần “bài-Peru”. Chúng là những kẻ giả hình, là sự phủ nhận bản sắc nguyên thủy của châu Mĩ, một bản sắc có nguồn gốc hoàn toàn bản địa. Và ông José María Arguedas, một trong những tiểu thuyết gia độc đáo nhất của Mĩ Latin đã xây dựng được – trong những câu chuyện cực kì duyên dáng và đầy tinh thần phản kháng – bản anh hùng ca về tàn tích của nền văn hóa Cuechua trong dãy núi Andes, mặc dù đã bị phương Tây chẹn họng và làm cho méo mó đi.
Những người thân Tây Ban Nha cũng như những người ủng hộ văn hóa bản địa đã viết được những tác phẩm lịch sử tuyệt vời và những cuốn tiểu thuyết đầy tinh thần sáng tạo, nhưng nếu xét theo bối cảnh của chúng ta ngày hôm nay thì cả hai học thuyết này đều là những học thuyết mang tính bè phái, giản lược và sai lầm. Không bên nào đủ sức nhồi nhét sự đa dạng đang gia tăng của châu Mĩ Latin vào những khuôn khổ ý thức hệ của họ, và cả hai bên đều sặc mùi phân biệt chủng tộc. Hiện nay ai còn dám tuyên bố rằng chỉ có những cái mang “phong cách Tây Ban Nha” hoặc “da đỏ” mới có quyền đại diện hợp pháp cho Mĩ Latin? Thế mà hiện nay những cố gắng nhằm trui rèn và phân lập “bản sắc văn hóa” đặc thù của chúng ta vẫn được tiếp tục thực hiện với lòng nhiệt tình chính trị và tri thức đáng lẽ nên dành cho những công việc xứng đáng hơn. Tìm cách áp đặt bản sắc văn hóa cho quần chúng nhân dân cũng chẳng khác gì nhốt họ vào tù và không cho họ được hưởng một trong những quyền tự do quý giá nhất – đấy là quyền lựa chọn: họ muốn thành người như thế nào, và bằng cách nào? Châu Mĩ Latin không có một mà có nhiều bản sắc văn hóa, không có bản sắc nào có thể tuyên bố là hợp pháp hơn hay trong sạch hơn những bản sắc khác.
Dĩ nhiên là Mĩ Latin bao hàm trong nó cả thế giới tiền-Tây Ban Nha lẫn các nền văn hóa của nó, những nền văn hóa đó còn giữ được sức mạnh xã hội đáng kể ở các nước như Mexico, Guatemala, và các nước vùng Andes. Nhưng Mĩ Latin c̣n là rất đông người nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với truyền thống của năm thế kỉ ở sau lưng, sự hiện diện và hành động của họ có ý nghĩa quyết định trong việc định hình những đặc điểm hiện nay của châu lục. Và chả lẽ Mĩ Latin không phải là một phần của châu Phi, châu lục đã đến bến bờ của chúng ta cùng với châu Âu hay sao? Không phải sự hiện diện của châu Phi đã tạo ra làn da, âm nhạc, khí chất và xã hội của chúng ta hay sao? Những thành tố mang tính xã hội, sắc tộc và văn hóa làm nên Mĩ Latin đã liên kết chúng ta với hầu như tất cả các khu vực và các nền văn hóa trên thế giới. Chúng ta có nhiều bản sắc văn hóa đến nỗi tưởng như chẳng hề có một bản sắc nào hết. Thực tế đó – trái ngược với niềm tin của những người dân tộc chủ nghĩa – là tài sản quí báu nhất của chúng ta. Đấy cũng là phẩm chất tuyệt vời, làm cho chúng ta cảm thấy mình là những công dân đầy đủ tư cách trong thế giới toàn cầu hóa này.
Giọng điệu địa phương, lan tỏa toàn cầu
Sợ Mĩ hóa toàn bộ hành tinh là hoang tưởng mang tính ý thức hệ chứ không phải là thực tế. Dĩ nhiên là không nghi ngờ gì rằng cùng với quá trình toàn cầu hóa, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ phổ biến trong thời đại của chúng ta, cũng như tiếng Latin trong thời Trung Cổ vậy. Nó sẽ còn tiếp tục vươn lên vì đấy là phương tiện không thể thiếu được trong giao dịch và thông tin quốc tế. Nhưng điều đó có nghĩa là tiếng Anh nhất thiết sẽ phát triển, sẽ gây thiệt hại cho các ngôn ngữ lớn khác hay không? Hòan tòan không. Trên thực tế, ngược lại mới đúng. Sự xóa nhòa các đường biên giới và thế giới ngày càng tương thuộc lẫn nhau hơn đã và đang khuyến khích các thế hệ trẻ học và đồng hóa với những nền văn hóa khác, đấy không chỉ là sở thích mà còn là điều cần thiết, vì nói được vài thứ tiếng và thích ứng một cách dễ dàng trong những nền văn hóa khác nhau đã trở thành yếu tố quyết định cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Hãy xem xét trường hợp tiếng Tây Ban Nha. Nửa thế kỉ trước những người nói tiếng Tây Ban Nha là cộng đồng hướng nội, chúng ta cho rằng mình chẳng có mấy cơ hội ở bên ngoài biên giới ngôn ngữ truyền thống. Hiện nay tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ năng động và có nhiều người dùng, nó đã chiếm được những thành tựu ban đầu hay thậm chí những vùng đất rộng lớn trên cả năm châu lục. Sự kiện là có từ hai mươi lăm đến ba mươi triệu người nói tiếng Tây Ban Nha ở Mĩ là nguyên nhân vì sao hai ứng viên tổng thống Mĩ gần đây - thống đốc Texas là George W. Bush và phó tổng thống Al Gore – tiến hành vận động tranh cử không chỉ bằng tiếng Anh mà còn dùng cả tiếng Tây Ban Nha nữa.
Có bao nhiêu triệu thanh niên nam nữ trên khắp hòan cầu đã và đang phản ứng lại những thách thức của tòan cầu hóa bằng cách học tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Quan thọai, tiếng Quảng Đông, tiếng Nga hay tiếng Pháp? May thay, xu hướng này sẽ gia tăng trong những năm sắp tới. Đấy là lí do vì sao cách bảo vệ tốt nhất nền văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta là nỗ lực quảng bá chúng trên khắp thế giới chứ không phải cứ vờ vịt tìm cách làm cho nó miễn nhiễm với sự đe dọa của tiếng Anh. Những người đưa ra những biện pháp như thế là những người nói rất nhiều về văn hóa, nhưng đấy là những kẻ dốt nát, họ đang che dấu ý định thật sự của mình: chủ nghĩa dân tộc. Đấy không phải là họ đang tranh luận về những xu hướng phổ quát của văn hóa, đấy là những cách nhìn thiển cận, lầm lẫn, biệt lập, mà những người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa tìm các áp đặt lên đời sống văn hóa. Bài học tuyệt vời nhất mà văn hóa dạy cho chúng ta là nó không cần những quan chức hay các chính trị viên bảo vệ, cũng không cần che chắn sau song sắt hay dùng lực lượng hải quan để cách li nhằm giữ cho nó sống và đơm hoa kết trái; ngược lại, những cố gắng như thế chỉ làm cho nó khô kiệt hoặc trở thành tầm thường mà thôi. Văn hóa phải sống một cách tự do, phải thường xuyên va chạm với những nền văn hóa khác. Điều đó sẽ làm cho nó luôn luôn đổi mới, luôn luôn tái tạo, làm cho nó tiến hóa và thích ứng với dòng chảy liên tục của cuộc đời. Ngày xưa tiếng Latin đã không giết chết tiếng Hy Lạp; ngươc lại, sự độc đáo và chiều sâu trí tuệ của nền văn hóa Hy Lạp đã thẩm thấu vào nền văn minh La Mã và nhờ nó mà những bản trường ca của Homer và triết lí của Plato và Aristotle mới vươn ra khắp thế giới. Tòan cầu hóa không xóa bỏ các nền văn hóa khu vực, trong không gian bao la của cả hòan vũ, tất cả những gì có giá trị và đáng sống trong những nền văn hóa khu vực sẽ tìm thấy những mảnh đất màu mỡ để có thể đơm hoa kết trái.
Điều đó đã diễn ra trên khắp châu Âu. Đặc biệt đáng ghi nhận là ở Tây Ban Nha, ở đây những nền văn hóa địa phương đang tái xuất hiện với một sức mạnh đặc biệt. Dưới chế độ độc tài của tướng Francisco Franco, những nền văn hóa địa phương bị đàn áp và buộc phải sống trong vòng bí mật. Nhưng cùng với sự trở về của chế độ cộng hòa, sự đa dạng của nền văn hóa đã được cởi trói và được tự do phát triển. Ở những khu vực tự trị, văn hóa địa phương càng phát triển mạnh, đặc biệt là ở Catalonia, Galicia, và xứ Basque; các khu vực khác ở Tây Ban Nha cũng đều như thế cả. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta không được đánh đồng sự hồi sinh của văn hóa khu vực – một hiện tượng tích cực và làm cho đời sống ngày càng phong phú thêm – với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc sẽ tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền văn hóa của tự do.
Trong tác phẩm nổi tiếng: Góp phần định nghĩa văn hóa (Notes Towards the Definition of Culture) xuất bản năm 1948, T.S. Eliot đã dự đóan rằng trong tương lai, nhân lọai sẽ được chứng kiến sự phục hưng của những nền văn hóa địa phương và khu vực. Lúc đó, đấy là một lời tiên đóan quá táo bạo. Nhưng tòan cầu hóa có vẻ như sẽ làm cho nó trở thành hiện thực trong thế kỉ XXI và chúng ta nên vui mừng vì chuyện đó. Sự phục sinh của những nền văn hóa nhỏ bé, mang tính khu vực sẽ trả lại cho nhân lọai sự đa dạng trong cách thể hiện và hành vi mà cuối thế kỉ XVII và đặc biệt là trong thế kỉ XIX các quốc gia-dân tộc đã từng hủy bỏ nhằm tạo ra cái gọi là bản sắc văn hóa. (Sự kiện này đã dễ dàng bị lãng quên hay chúng ta tìm cách lãng quên vì những ẩn ý mang tính đạo đức sâu sắc của nó). Các nền văn hóa dân tộc thường được trui rèn trong máu lửa, nó cấm đóan giảng dạy và xuất bản các tác phẩm viết bằng thổ ngữ hay cấm đóan thực hành các tôn giáo và tục lệ khác biệt với những tôn giáo và tục lệ được quốc gia-dân tộc coi là lí tưởng. Bằng cách đó, các quốc gia-dân tộc tại nhiều nước trên thế giới đã áp đặt nền văn hóa ưu trội lên các nền văn hóa địa phương, văn hóa địa phương bị đàn áp và bị lọai bỏ khỏi đời sống chính thức. Nhưng, trái ngược với những cảnh báo của những người sợ tòan cầu hóa, không dễ gì xóa bỏ một nền văn hóa – dù nó có nhỏ đến đâu – nếu đằng sau nó là một truyền thống phong phú và có những người thực hành nó, dù là thực hành một cách bí mật. Và hôm nay, nhờ có sự suy yếu của quốc gia-dân tộc, chúng ta mới được nhìn thấy sự tái xuất hiện của những nền văn hóa đã từng bị lãng quên, bị đẩy ra bên lề và vị bóp nghẹt và thể hiện một đời sống năng động trong sự hài hòa vĩ đại của hành tinh tòan cầu hóa này.
Mario Vargas Llosa là tiễu thuyết gia và trí thức nổi tiếng thế giới. Năm 2010 ông được trao giải Nobel văn chương vì “những thành tựu trong việc mô tả cơ cấu của quyền lực và những hình tượng sắc bén về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá nhân con người”. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: Bữa tiệc của con dê (The Feast of the Goat), Cuộc chiến của ngày tận thế (The War of the End of the World), Cô Julia và người viết kịch bản (Aunt Julia and the Scriptwriter), Cô gái không ra gì (The Bad Girl), Cuộc đời thực của Alejandro Mayta (The Real Life of Alejandro Mayta), và nhiều cuốn khác.
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/