Không tổ chức đón Tết, từ sáng mùng 1 Tết Nhâm Thìn, khoảng 800 tiểu thương chợ Bỉm Sơn đã đem chăn chiếu cùng con cái ra chợ nằm ngủ để giữ chợ. Hàng trăm người đóng quầy hàng phản đối việc UBND thị xã bán chợ cho tư nhân.
Sự việc xảy ra từ sáng ngày 23/1 (tức mùng 1 Tết Nhâm Thìn), tại chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Ngay từ sáng sớm, hơn 800 tiểu thương kinh doanh đã tập trung tại cổng chợ để phản đối việc UBND thị xã Bỉm Sơn bán lại chợ cho Công ty Đông Bắc nhưng không thông báo rõ ràng với người dân.
Các hộ kinh doanh tập trung tại cổng chợ Bỉm Sơn phản đối việc
UBND thị xã bán chợ.
Chợ Bỉm Sơn đã có từ rất lâu đời, do người dân đóng góp xây dựng. Ban đầu chợ chỉ là chợ lều, 3 cột, 4 cột dựng lên để kinh doanh, buôn bán, giao lưu với nhau. Năm 1989 thì chính quyền địa phương có chủ trương xây chợ Bỉm Sơn. Năm 1991, chợ Bỉm Sơn được đưa vào sử dụng chính thức. Các tiểu thương muốn thuê quầy để kinh doạnh phải đóng lệ phí từ 4,2 - 4,8 triệu đồng/quầy hàng (không quy định thời gian). Từ năm 1998, UBND thị xã Bỉm Sơn cho rằng chợ bị xuống cấp nên yêu cầu các hộ kinh doanh ký lại hợp đồng cố định 1 năm/lần/quầy, mức thu lệ phí của năm sau cao hơn năm trước và tùy vào mặt bằng của quầy hàng.
Đến năm 2007, UBND thị xã Bỉm Sơn có ý định chuyển nhượng chợ Bỉm Sơn cho công ty thuê và sửa lại chợ nhưng không thông báo rõ ràng cho các hộ kinh doanh. Sau khi các hộ kinh doanh trong chợ đứng lên đòi quyền lợi thì chính quyền địa phương đã hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng và tiếp tục để các tiểu thương kinh doanh, buôn bán.
Mang theo chăn, màn ra chợ ngủ "canh chợ".
Ngày 28/12/2011, UBND thị xã Bỉm Sơn có giấy mời 17 hộ đại diện (các tổ trưởng) kinh doanh cố định tại chợ, đại diện cho 800 hộ kinh doanh đến UBND phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn để nghe thông báo về việc UBND thị xã cho Công ty Đông Bắc thuê lại mặt bằng chợ Bỉm Sơn để nâng cấp, xây dựng chợ mới, đồng thời triển khai làm chợ tạm để di chuyển các hộ kinh doanh ra chợ tạm.
Không đồng tình cho 17 hộ kinh doanh đầu ngành đi họp, 800 tiểu thương tại chợ Bỉm Sơn đóng cửa hàng rồi kéo nhau lên UBND phường cùng dự cuộc họp. Tại buổi họp này, các hộ kinh doanh chỉ được nghe UBND thị xã Bỉm Sơn thông báo đã bán chợ cho Công ty Đông Bắc trong vòng 50 năm và đang triển khai xây dựng lại chợ, không có sự bàn bạc, thỏa thuận giữa chính quyền và các hộ kinh doanh về việc bán chợ, từ đó gây bức xúc cho 800 hộ kinh doanh.
Đến ngày 9/1/2012, UBND thị xã Bỉm Sơn tiếp tục có thông báo với các hộ kinh doanh tại chợ đến đăng ký lại hợp đồng với công ty Đông Bắc và chỉ gia hạn trong 7 ngày. Nếu hộ kinh doanh nào không đăng kí hợp đồng lại sẽ không được kinh doanh tại chợ và tháo gỡ các quầy hàng. Sự việc này đã gây bức xúc, bất bình cho các tiểu thương nên họ quyết định đóng cửa chợ, kéo nhau ra chợ ăn ngủ, không cho tháo gỡ quầy hàng.
Chị Phạm Thị Mơ, một hộ kinh doanh trong chợ, bức xúc: “Chúng tôi buôn bán ở chợ Bỉm Sơn được 20 năm nay, nếu UBND thị xã có chủ trương mở rộng hay xây dựng lại chợ theo mô hình mới, chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng trước khi thực hiện cần phải họp dân để thông báo sự việc và cho chúng tôi tham gia ý kiến chứ. Đằng này, UBND thị xã đã tự ý cho công ty Đông Bắc thuê lại mặt bằng với thời hạn 50 năm nhưng không thông báo cho dân, khiến chúng tôi thấy bất bình quá”.
Bà Lê Thị Giang cũng cho hay, từ ngày mùng 1 Tết, hơn 800 tiểu thương đã đồng loạt kéo nhau ra chợ để phản đối việc UBND thị xã cho doanh nghiệp khác thuê lại chợ mà không thông báo cho dân, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của hơn 800 hộ dân.
Ngày 29/1, UBND thị xã Bỉm Sơn triệu tập cuộc họp với 800 hộ kinh doanh tại UBND phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn để bàn bạc và đối thoại trực tiếp với các hộ kinh doanh.
Một hộ kinh doanh trong chợ Bỉm Sơn nói: “Các hộ kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn chỉ yêu cầu 2 điều: Thứ nhất là UBND thị xã Bỉm Sơn không được bán lại chợ Bỉm Sơn cho Công ty Đông Bắc. Chúng tôi đồng ý xây dựng lại chợ, nhưng hãy để cho thị xã và các hộ kinh doanh phối hợp, kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng lại chợ chứ không được bán cho doanh nghiệp khác.
Thứ 2 là chúng tôi không đồng tình với hành động của UBND thị xã Bỉm Sơn khi bán lại chợ Bỉm Sơn mà không thông báo cho các hộ kinh doanh mà tự ý quyết định, chúng tôi cần lời giải thích từ phía chính quyền. Nhưng đến nay, chính quyền vẫn im lặng trước ý kiến của dân. Vậy thì “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở đâu cơ chứ”.
Kết thúc cuộc họp ngày 29/1, vẫn chưa có sự nhất trí, đồng thuận giữa chính quyền thị xã Bỉm Sơn và các hộ kinh doanh trong chợ. “Sau khi kết thúc cuộc họp, chúng tôi yêu cầu chính quyền đọc biên bản cuộc họp nhưng họ bảo không đủ thẩm quyền, quyết định cuối cùng sẽ thông báo vào chiều ngày 29/1, nhưng đến nay vẫn chưa thấy”, chị Hà nói.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện mô hình quản lý chuyển đổi từ mô hình Nhà nước sang mô hình doanh nghiệp, trong đó các hộ kinh doanh chưa hiểu hết chủ trương này, chúng tôi đang tuyên truyền vận động các hộ về mô hình chuyển đổi từ Nhà nước sang doanh nghiệp. Nhưng các hộ kinh doanh chưa đồng ý, họ muốn tạm thời như thế đã. Nhưng trong chủ trương của tỉnh năm 2011 phải chuyển đổi hai chợ, trong đó có chợ này nên địa phương làm chương trình chuyển đổi mà người dân thì chưa đồng tình”.
Về phản ánh của các tiểu thương cho rằng UBND thị xã Bỉm Sơn không thông báo cho các hộ mà bán lại cho doanh nghiệp, ông Dũng cho biết: “Chủ trương này thực hiện từ năm 2007, cũng đã có công ty vào nhưng vì khó khăn nên người ta cũng thôi, chúng tôi đã chọn nhà đầu tư mới. Chúng tôi đã bàn giao cho họ và họ đã làm xong cuôi các thứ, hiện nay đang vướng chỗ đó (người dân phản đối chủ trương - PV), chúng tôi đang tiếp tục vận động các hộ dân kinh doanh trong chợ. Còn về phía doanh nghiệp đã làm xong chợ tạm, nhưng bà con chưa chịu nên vẫn chưa triển khai được”.
Lan Anh - Duy Tuyên
(Dân trí)
(Dân trí)
-Ban quản lý chợ thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Bóp chẹt tiểu thương lấy tiền để đâu?
Ban quản lý (BQL) chợ bỏ ngoài sổ sách gần 300 quầy hàng để biển thủ nguồn thu; đặt ra nhiều khoản lệ phí để thu vô tội vạ; đe dọa không cho các hộ kinh doanh tiếp tục làm ăn tại chợ khi tiểu thương phản ứng hoặc chậm nộp tiền...
Đó chỉ là một phần sự thật tại chợ Bỉm Sơn - một trung tâm mua bán lớn ở phía bắc tỉnh Thanh Hóa. Bức xúc, hơn 870 hộ tiểu thương đã đồng loạt đóng quầy hàng, kéo về UBND thị xã Bỉm Sơn để phản đối những việc làm của BQL chợ.
Sáng 7.7, có mặt tại chợ Bỉm Sơn vào giờ cao điểm, nhưng trước mắt chúng tôi là một cảnh trống vắng, không người mua bán, trái hẳn với không khí sôi động thường nhật ở đây. Khi phát hiện có phóng viên Thanh Niên, hàng trăm tiểu thương đã vây lấy, tranh nhau phản ánh những bức xúc trước những việc làm tùy tiện của BQL chợ.
Bước đầu tìm hiểu và qua phản ảnh của người dân, chúng tôi được biết: chợ Bỉm Sơn hiện có 870 quầy kinh doanh, mua bán quần áo, đồ dùng gia đình, hàng điện tử, thực phẩm, rau quả (trong khi đó BQL chỉ lập danh sách báo cáo với chính quyền thị xã số hộ kinh doanh chưa đến 550 hộ). Theo hợp đồng, tùy theo vị trí, diện tích thuê nhiều hay ít, các hộ kinh doanh phải nộp từ 550.000 - 1.400.000đ/quầy/năm (có hóa đơn chứng từ đầy đủ).
Nhưng ngoài số tiền phải nộp theo hợp đồng, các hộ còn phải nộp thêm "phí chợ" từ 95.000đ - 600.000đ/tháng/quầy. Chưa kể mỗi tháng, từng quầy đều phải đóng nhiều khoản lệ phí khác mà tiểu thương cũng chẳng nhớ nổi là khoản gì và tất cả những khoản thu trên đều không hề có chứng từ hóa đơn, hoặc bất cứ một thứ giấy tờ gì để lại. Thêm vào đó việc thu tiền điện, tiền vệ sinh cũng hết sức bát nháo. Hầu hết các hộ đều có công-tơ riêng, nhưng chưa bao giờ họ biết được mỗi tháng mình sử dụng hết bao nhiêu điện, chỉ biết người của BQL (không phải người của chi nhánh điện) mang danh sách đến thu tiền từng hộ (theo cảm tính) mà không có chứng từ hóa đơn gì cả.
BQL có 22 lao động hợp đồng và một số lao động đóng bảo hiểm. Lương của người lao động trước đây từ 500.000 đến 700.000đ/tháng; từ tháng 3.2007 đến nay tăng lên 1 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó BQL lại báo cáo với chính quyền thị xã là thu nhập của mỗi lao động là 2.000.000đ/tháng.
Ông Trần Văn Hào, chủ hộ kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn - được bà con tiểu thương cử làm "người phát ngôn" - phản ánh: "Theo tính toán chưa đầy đủ, mỗi năm BQL chợ thu của bà con tiểu thương trên dưới 2,3 tỉ đồng (sự việc diễn ra đã hơn chục năm qua) trong khi đó thực tế BQL chỉ nộp vào ngân sách nhà nước và chi lương cho người lao động khoảng từ 700 - 800 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại được sử dụng vào việc gì? UBND thị xã Bỉm Sơn có biết hay không?"...
Qua điều tra của Thanh Niên, thực tế nguồn thu ở chợ Bỉm Sơn hằng năm khá lớn và việc tùy tiện đặt ra nhiều kiểu thu để "cắt cổ" tiểu thương lấy tiền bỏ ngoài sổ sách, chi tiêu không minh bạch là có thật. Việc làm này kéo dài trong nhiều năm và theo chúng tôi có dấu hiệu phạm pháp. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Thanh Hóa cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ.
Cao Ngọ - Ngọc Minh
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
--Bãi thị phản đối chuyển đổi chợ
TP - Nhiều ngày qua, hàng chục hộ kinh doanh ở chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã ngừng kinh doanh, buôn bán tập trung trước các cổng chợ để phản đối phương án chuyển đổi chợ.
Tiểu thương tập trung trước cổng chợ phản đối những điều họ cho là chưa hợp lý Ảnh: H.L . |
Nhiều người bày tỏ lo ngại việc chính quyền giao cho một công ty xây, quản lý chợ sẽ khiến các tiểu thương mất đi quyền làm chủ một phần chợ, nơi họ vẫn gắn bó nhiều năm nay.
Chợ Bỉm Sơn được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1991. Có hơn 700 hộ dân chủ yếu ở Bỉm Sơn thuê quầy hàng kinh doanh tại đây. Gần đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có đề án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý một số chợ trong tỉnh.
Thực hiện đề án này, ngày 22-12-2011, UBND thị xã Bỉm Sơn ra quyết định bàn giao chợ Bỉm Sơn cho Tổng Cty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc để đầu tư, kinh doanh và quản lý.
Với các tiểu thương, đa số họ chưa thống nhất với phương án chuyển đổi việc quản lý, đầu tư, quản lý chợ nên nhiều hộ kinh doanh đã tập trung trước các cổng chợ phản đối Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc khi đơn vị này khởi công xây dựng chợ.
Các hộ dân cho rằng, họ chưa thống nhất với phương thức chuyển đổi chủ thể quản lý từ UBND thị xã sang doanh nghiệp. Đa số họ đều thể hiện sự bất bình trước việc doanh nghiệp được giao quản lý, xây dựng chợ đã đưa ra mức giá cho thuê quầy.
Một tiểu thương nói: Doanh nghiệp không tính toán để đưa ra được mức giá cho thuê quầy cụ thể là thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, tiểu thương gắn bó hàng chục năm với chợ Bỉm Sơn không được bàn bạc khi thực hiện chủ trương giao cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và quản lý chợ ...
Mong muốn của đa số tiểu thương là được đóng góp kinh phí để xây dựng chợ, để đảm bảo rằng sau khi chợ được xây, họ không phải là người chỉ đơn thuần thuê lại địa điểm từ doanh nghiệp để kinh doanh, tránh những rủi ro bị ép giá, nâng giá bất hợp lý…
Sáng 29-1-2012, lãnh đạo UBND thị xã Bỉm Sơn tổ chức buổi trao đổi, trả lời kiến nghị của các hộ kinh doanh trong chợ. Tuy nhiên, đến ngày 30-1, các hộ kinh doanh vẫn không đồng ý, họ tiếp tục tập trung trước các cổng chợ phản đối việc khởi công chợ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn nói: Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương chuyển đổi quản lý chợ. Các kiến nghị của các hộ kinh doanh sẽ được tiếp thu, chúng tôi sẽ phối hợp với nhà đầu tư trả lời dân cụ thể.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-2 đến ngày 6-2-2012, các hộ kinh doanh phải di chuyển sang chợ tạm để phía nhà đầu tư tháo dỡ chợ cũ, khởi công xây chợ mới.
Hoàng Lam-Phản đối cho thuê lại chợ, 800 tiểu thương ăn Tết tại quầy
Hơn 800 tiểu thương tại chợ Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã đem chăn, màn, giường chiếu cùng con cái ra chợ dựng lều nằm ngủ để giữ quầy hàng, phản đối việc giao chợ một công ty quản lý mà họ không được tham gia ý kiến.
> Bãi thị ở trung tâm mua sắm hạng sang
> Tiểu thương chợ Đông Kinh bãi thị vì tăng giá thuê quầy
Cuối năm 2011, UBND thị xã Bỉm Sơn thông báo cho Công ty Đông Bắc thuê lại mặt bằng chợ trong vòng 50 năm và triển khai xây dựng lại chợ mới. Không đồng tình với phương án mà chính quyền đưa ra, 800 tiểu thương đã đóng cửa hàng rồi kéo nhau lên ủy ban phường phản ứng gay gắt.
Bắt đầu từ sáng sớm ngày 23/1 (tức 1/1 Tết âm lịch), hơn 800 tiểu thương kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, tập trung tại cổng chợ để phản đối việc UBND thị xã cho Công ty Đông Bắc thuê lại chợ nhưng không thông báo với người dân.
Nhiều hộ kinh doanh đã mang chăn màn, giường chiếu và con cái ra chợ nằm để phản ứng suốt những ngày tết vừa qua. Ảnh: Lê Hoàng. |
Chị Phạm Thị Mơ, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Bỉm Sơn phản ánh, nhiều người buôn bán ở chợ Bỉm Sơn từ hơn 20 năm nay. Nếu UBND thị xã có chủ trương mở rộng hay xây dựng lại chợ theo mô hình mới, người dân rất ủng hộ, nhưng trước khi thực hiện cần phải họp để các tiểu thương tham gia ý kiến. "Đằng này, UBND thị đã tự ý cho công ty Đông Bắc thuê lại mặt bằng với thời hạn 50 năm nhưng không thông báo cho dân, khiến chúng tôi rất bất bình”, chị Mơ nói.
Ngày 9/1/2012, UBND thị xã Bỉm Sơn có thông báo với các hộ kinh doanh tại chợ đến ký lại hợp đồng với công ty Đông Bắc và chỉ ra hạn trong 7 ngày. Nếu hộ kinh doanh nào không đăng kí hợp đồng lại sẽ không được kinh doanh tại chợ nữa và sẽ cho tháo gỡ các quầy hàng. Toàn bộ số tiểu thương ở chợ đã quyết định đóng cửa sạp hàng rồi kéo nhau ra cổng chợ phản đối. Họ dựng lều ăn ngủ tại chợ để ngăn không cho tháo gỡ quầy hàng.
Bà Lê Thị Giang cho hay, việc UBND thị xã cho doanh nghiệp khác thuê lại chợ mà không thông báo cho dân, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đời sống của hơn 800 hộ dân. Các tiểu thương đồng ý xây dựng lại chợ nhưng hãy để cho thị xã và các hộ kinh doanh cùng phối hợp tham gia xây dựng lại chứ không được cho doanh nghiệp khác thuê lại.
Ngày 29/1, UBND thị xã Bỉm Sơn triệu tập cuộc để bàn bạc và đối thoại trực tiếp với các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp chính quyền và người dân vẫn chưa có sự đồng thuận ý kiến. Hiện tại, 800 tiểu thương tại chợ Bỉm Sơn vẫn tiếp tục phản đối.
Các tiểu thương căng băng rôn để phản đối chủ trương bán chợ Bỉm Sơn. Ảnh: Lê Hoàng. |
Chợ Bỉm Sơn được đưa vào sử dụng từ ăm 1991. Khi đó, các tiểu thương muốn thuê quầy để kinh doanh thì phải đóng lệ phí từ 4,2 - 4,8 triệu đồng mỗi quầy hàng (không quy định thời gian).
Năm 2007, thị xã Bỉm Sơn có ý định giao chợ Bỉm Sơn cho một công ty nước ngoài thuê và sửa lại chợ. Tuy nhiên, sau khi các hộ kinh doanh trong chợ phản ứng, chính quyền địa phương đã hủy bỏ kế hoạch.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết, thị xã đang triển khai chuyển đổi từ mô hình quản lý từ Nhà nước sang mô hình doanh nghiệp. "Tuy nhiên, các hộ kinh doanh chưa hiểu hết chủ trương này. Chúng tôi đang tuyên truyền vận động các hộ nhưng các hộ kinh doanh chưa đồng ý”, ông Dũng nói.
Lê Hoàng---