Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Chết bởi Trung Quốc

Tin liên quan:Chết bởi Trung Quốc 4

-Nguồn: - Chết bởi Trung Quốc (Death by China) – 16 chương sách của Peter Navarro và Greg Autry - 28.12.2011

VRNs (28.12.2011) – Sài Gòn – Tháng 6 năm 2011 vừa qua, hai vị giáo sư thuộc Đại Học UC Irvine, Tiểu Bang California là Tiến sĩ Peter Navarro và Tiến sĩ Greg Autry đã xuất bản quyển sách viết về Trung Quốc. Tựa đề của quyển sách “Death by China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action (Chết Bởi Trung Quốc – Đối đầu với Con Rồng – Lời kêu gọi hành động toàn cầu) đã lôi cuốn rất nhiều sự quan tâm của độc giả và hiện là một trong 10 quyển sách viết về Trung Quốc được đánh giá cao hiện nay.

Death By China (Chết Bởi Trung Quốc) gồm có 16 chương, dày hơn 300 trang, đúc kết từ những nghiên cứu, phỏng vấn và khảo sát của hai tác giả tại nhiều thành phố, công xưởng ở Trung Quốc trong hơn hai năm qua, về những tham vọng của Bắc Kinh đang muốn thu tóm Thế giới và Nhân loại vào trong tay, qua những thủ đoạn “hắc ám”.
Ngoài chuyên môn về kinh tế, hai tác giả rất quan tâm về các vấn đề xã hội, nhất là đời sống của những dân tộc Tây Tạng, Nội Mông, Urghur đang bị đảng Cộng sản Trung Quốc khống chế hiện nay. Nhờ vậy mà những phân tích của tác giả về các hiểm họa của Trung Quốc không chỉ thuần túy trên mặt kinh tế, khoa học, quân sự mà còn liên hệ đến các thủ đoạn tiêu diệt tiềm lực đối kháng của các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc hiện nay.
Bên cạnh 16 chương sách, hai tác giả đã nhờ nhà phản kháng Trung Quốc Đường Bạch Kiều (Tang Baiqiao) viết Lời Mở Đầu và Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher viết Lời Bạt.
Ông Đường Bạch Kiều là một cựu sinh viên đã tham gia trong biến cố Thiên An Môn năm 1989. Sau mấy năm ở tù, ông đã được thả và trốn sang Hồng Kông; từ đó ông được can thiệp xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào năm 1992, hiện sống tại Nữu Uớc. Ông Đường cho rằng, những nội dung trong tập sách “Chết Bởi Trung Quốc” là những sự thật về một Trung Quốc ác độc: Một mặt thì giai cấp cai trị ở Bắc Kinh tiếp tục đàn áp dã man những tiếng nói của nhân dân Trung Quốc; mặt khác họ tuôn tràn ra thế giới bên ngoài những sản phẩm độc hại và nguy hiểm, hạ giá thành xuống rẻ mạt và bán phá giá để tiêu diệt nền kinh tế Phương Tây, và nhanh chóng trang bị những vũ khí lợi hại nhất nhờ vào hệ thống gián điệp tối tân của họ.
Ông Đường viết: “Tôi cũng có thể hiểu tại sao những sự kiện hiển nhiên thức tỉnh và những sự thật thô bạo này có thể đi ngược với kinh nghiệm cá nhân của chính bạn. Khi đi du lịch Trung Quốc, bạn có thể đã ngồi trên một du thuyền tiện nghi dọc theo sông Dương Tử, quyến rũ vì những người lính đất nung, đi bộ hớn hở dọc theo Vạn Lý Tường Thành, hay say mê với Cẩm Thành. Thậm chí bạn còn có thể là một giám đốc điều hành một công ty Hoa Kỳ tại Thượng Hải hay Thẩm Xuyên, kiếm được nhiều tiền và được chiêu đãi với những bữa ăn thịnh soạn, không nhìn thấy cái gì khác ngoài bầu trời xanh và những đại lộ màu vàng phía trước. Tiếc thay, đa số người Mỹ không bao giờ nhìn thấy mặt trái của Trung Quốc và dân tộc Trung Quốc đã trả giá ra sao cho những “tiến bộ” này qua ô nhiễm môi sinh, tham ô, bất công xã hội, vi phạm nhân quyền, thực phẩm nhiễm độc và nghiêm trọng nhất là sự suy đồi đạo đức trong linh hồn của họ.”
Trong Lời Bạt ở cuối tập sách, Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher đã nhắc đến thời kỳ mà quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ coi như tốt đẹp nhất là từ năm 1978 đến năm 1988. Từ tháng 6 năm 1989 trở đi, sau biến cố Thiên An Môn, Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi và mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên bất thường, do những ứng xử quá “yếu” của các chính quyền Bush Cha, Clinton, Bush Con và cả ông Obama hiện nay. Dân biểu Dana Rohrabacher cho rằng các vị Tổng thống nói trên và cả lãnh tụ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã vấp phải một sai lầm cơ bản là đã đối xử với các lãnh đạo Bắc Kinh, giống như và nhiều lúc “trịnh trọng” hơn cả đối với những người bạn dân chủ gắn bó với nước Mỹ từ Nhật Bản và Âu Châu; trong khi đó trên thực tế, Bắc Kinh là chế độ hung ác không thua gì Ahmadinejad của Iran hoặc Gadhafi của Libya, tàn bạo không thua gì Nga dưới thời Stalin.
Dân Biểu Dana Rohrabacher cho rằng: “Tôi có thể xác định với bạn rằng nếu Tổng thống Ronald Reagan còn là Tổng thống ngày hôm nay, ông sẽ đối đầu lại chế độ toàn trị tại Bắc Kinh như ông đã từng làm đối với Liên Xô.  Sẽ không bao giờ có “tối huệ quốc” và cũng không thể để ngân sách của chúng ta lệ thuộc vào sự tài trợ từ Trung Quốc. Sẽ nhanh chóng xét xử gián điệp Trung Quốc, mạnh mẽ cấm vận chống lại chiến tranh tin học của Trung Quốc và không khoan nhượng cho những hành động vụ lợi như thao túng tiền tệ chẳng hạn.  Đồng thời sẽ bày tỏ nhiều lần sự phẫn nộ ngoại giao đối với việc Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của Liên Hiệp Quốc để thu tóm được các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng từ những quốc gia bất hảo. Và giống như ông Ronald Reagan đòi hỏi ông Gorbachev “phá đổ bức tường” và tuyên bố với nhân dân Trung Quốc rằng “chúng tôi đứng về phía các bạn, không phải bên phía đàn áp các bạn”. Và ông sẽ bảo đảm với các công  nhân Hoa Kỳ rằng: “Chúng tôi sẽ không chuyển công ăn việc làm của quý vị đến Quảng Châu để sản phẩm được chế tạo rẻ hơn bởi nô lệ lao động, trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, vi phạm bản quyền trắng trợn và đồng nhân dân tệ bị hạ thấp.”
Chết bởi Trung Quốc đã diễn ra như thế nào?
Trong 16 Chương, tác giả “Death By China” đã dành Chương 1 trình bày tổng quát về những hiểm họa mà Bắc Kinh đang gây ra cho nhân loại, trong đó có một phần trách nhiệm của Hoa Kỳ. Từ Chương 2 cho đến Chương 15, tác giả đã giúp cho người đọc nhìn thấy những chính sách hắc ám của Trung Quốc từ sản xuất hàng hóa độc hại bừa bãi chỉ để kiếm lợi nhuận, khống chế đồng tiền, cạnh tranh bất chính, xâm thực Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh cho đến những thủ đoạn chạy đua vũ trang, bành trướng quân sự, tung gián điệp và tin tặc để ăn cắp kỹ thuật Phương Tây… Chương 16 là phần mà tác giả đề nghị một số giải pháp tẩy chay Trung Quốc để cứu lấy hành tinh, trước khi nó bùng nổ vì những phế phẩm mà các nhà máy Trung Quốc đã thải ra một cách bừa bãi trong quá trình sản xuất ô nhiễm.
Chương 1: Chết Bởi Trung Quốc: Không Phải Là Chỉ Trích Trung Quốc Mà Là Sự Thật.
Chết Bởi Trung Quốc, theo tác giả Peter Navarro và Greg Autry thì đây là một nguy cơ rất thực mà giờ đây tất cả chúng ta phải đối mặt khi quốc gia đông nhất thế giới, và chẳng bao lâu nữa nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang nhanh chóng biến thành sát thủ tàn độc nhất hành tinh. Trong chương này, tác giả nhấn mạnh đến năm vấn đề:
Thứ nhất, hàng hóa Trung Quốc sản xuất không an toàn cho người tiêu dùng. Những doanh nhân vô lương tâm Trung Quốc đang làm tràn ngập thị trường thế giới với một loạt những sản phẩm, thức ăn, thuốc men không gây chết người thì cũng làm mục xương, gây ung thư, dễ cháy, nhiễm độc. Trong đồ chơi trẻ em, những sản phẩm nguy hiểm này bao gồm từ vòng tay, dây chuyền và đồ chơi nhiễm chất chì cho đến những quần áo ngủ dễ cháy, nhiễm độc. Trong các tiệm thuốc, quý vị có thể tìm thấy tất cả các loại thuốc và cách chữa trị ở những tiệm gần nhà hay trên mạng, nhưng đó là sản phẩm giết người – từ aspirin nhiễm độc, Lipitor nhái, Viagara giả có chứa độc tố strychnine cho đến thuốc heparin phá thận và thuốc bổ chứa độc tố arsenic. Ngoài ra, những đồ ăn nhập khẩu từ Trung Quốc như cá, trái cây, thịt hay rau cải có thể nói là bị tẩm đủ thứ kháng sinh bị cấm, vi khuẩn thối rữa, kim loại nặng hay thuốc trừ sâu rầy bất hợp pháp.
Thứ hai, Trung Quốc đang giết chết hạ tầng sản xuất Hoa Kỳ và Thế Giới. Với thủ đoạn trợ cấp xuất khẩu ào ạt và trái phép, giả mạo sở hữu trí tuệ  và giữ hối xuất đồng Nhân Dân Tệ luôn luôn thấp hơn thị trường hầu giành ưu thế xuất khẩu, Trung Quốc đang hủy diệt hạ tầng sản xuất khi cướp đi hàng triệu công việc làm trong các ngành sản xuất của Hoa Kỳ. Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, các ngành may mặc, dệt và đồ gỗ tại Hoa Kỳ đã giảm xuống chỉ còn một nửa – chỉ riêng công việc của ngành dệt giảm 70%. Những ngành công nghiệp quan trọng khác tại Hoa Kỳ như hóa chất, giấy, thép và bánh xe đã bị suy giảm tương tự, trong khi đó, việc làm trong ngành sản xuất máy vi tính và điện tử cao cấp đã tụt xuống hơn 40%. Ngoài việc, Trung Quốc sản xuất những mặt hàng rẻ tiền, cấp thấp như  giày dép, đồ chơi, hàng tiểu công nghệ, quần áo… Trung Quốc còn đang chiếm lấy thị trường của nhiều ngành công nghiệp thu nhập cao còn lại của Hoa Kỳ – từ xe hơi và không gian cho đến những dụng cụ y khoa tối tân.
Thứ ba, Trung Quốc đang hình thành những thuộc địa tại Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh. Để vận hành cỗ máy sản xuất, Trung Quốc đã phải dùng một nửa xi măng của thế giới, gần một nửa lượng thép, một phần ba lượng đồng, và một phần ba lượng nhôm. Hơn nữa, vào năm 2035, nhu cầu dầu của chỉ riêng Trung Quốc sẽ vượt qua tổng số dầu sản xuất hiện nay cho toàn thế giới. Để nắm trong tay những nguyên liệu này, Trung Quốc đã với tay đến các xứ Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh,  hợp tác với những tên lãnh đạo độc tài sát nhân để khai thác và biến thành thuộc địa riêng. Khắp Châu Phi, và Châu Mỹ La Tinh, nhãn hiệu thực dân thế kỷ 21 của Trung Quốc luôn luôn bắt đầu với sự mặc cả độc địa gồm: những khoản cho vay hậu hĩnh, lãi xuất thấp để xây dựng hạ tầng đổi lấy nguyên liệu và sự xâm nhập thị trường nội địa. Một khi nước đó cắn phải miếng mồi thực dân này, thay vì dùng lao động tại chỗ, Trung Quốc sẽ mang vào đội quân to lớn gồm cả kỹ sư và công nhân của họ để xây dựng đường cao tốc, đường sắt, hải cảng và hệ thống viễn thông. Tất cả những hạ tầng này trên thực tế là để phục vụ cho việc khai thác mỏ và vận chuyển nhiên liệu để chở ngược về lại Trung Quốc. Trung Quốc sau đó sẽ bán lại thành phẩm vào thị trường các nước này – đè bẹp những ngành công nghiệp địa phương, đẩy cao tỷ lệ thất nghiệp và đẩy các thuộc địa mới của Trung Quốc lún sâu hơn vào đói nghèo.
Thứ tư, Trung Quốc đang gây ô nhiễm cho chính người dân Trung Quốc và các quốc gia khác. Vì đặt nặng vào nền kinh tế sản xuất để xuất khẩu nên bầu trời chung quanh khu vực nhà máy tại Trung Quốc luôn luôn bao phủ một tầng mây đen như là tấm vải trắng tẩm thuốc độc. Hơn 70% sông hồ của Trung Quốc đều ở vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí một du thuyền chạy dọc theo sông Dương Tử, bên trên đập Tam Hiệp, cũng thấy được vùng này, một thời được xem là bảo vật cổ kính nhất nước, nơi mà Mao đã từng tắm năm 1961 nhưng nay hầu như không còn thấy chim hay các dấu vết của các loài thủy sinh. Ngoài ra, khi các nhà máy Trung Quốc sản xuất ào ạt những sản phẩm để chất đầy lên các kệ của những tiệm bán hàng hóa trên thế giới những không khí ô nhiễm cực kỳ độc hại của Trung Quốc đã bay hơn 600 dặm theo các luồng gió xoáy đến Bangkok, Sydney, California, vứt xuống dọc đường những chất thải độc hại. Ngày nay, phần lớn mưa a-xít ở Nhật và Hàn Quốc là “Made in China”, trong khi số lượng hạt bức xạ mỗi ngày mỗi gia tăng được tìm thấy trong không khí ở những thành phố phía Tây như Los Angeles xuất phát từ các nhà máy của Trung Quốc.
Thứ năm, thế giới và nhất là Hoa Kỳ đã làm ngơ cho Trung Quốc thao túng. Tình trạng gây nguy hiểm của Trung Quốc hiện nay là do chính những công ty lớn của Hoa Kỳ như Catepillar, Cisco, GM. Microsoft… đã hoàn toàn đồng lõa với các chính sách của Trung Quốc. Vì chủ trương hẹp hòi nhằm tìm kiếm tối đa lợi nhuận nên nhiều lãnh đạo công ty Mỹ đã đứng về phía hàng ngũ đối tác Trung Quốc ủng hộ chính sách lái buôn và bảo hộ mậu dịch của Bắc Kinh gây nguy hại cho ngành sản xuất Hoa Kỳ. Chịu trách nhiệm về những điều xảy ra nói trên chính là hai tổng thống George W Bush và Barack Obama. Trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Bush, Hoa Kỳ đã chuyển nhượng cho Trung Quốc hàng triệu việc làm. Tổng thống Barack Obama, trong lúc tranh cử năm 2008, đã hứa hẹn nhiều lần sẽ kiên quyết chấm dứt hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc; nhưng khi lên cầm quyền thì nhiều lần làm ngơ các tác hại của Trung Quốc vì muốn Trung Quốc tiếp tục tài trợ cho thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ.
Đoàn Hùng

 -Chết bởi Trung Quốc (2): Thực phẩm, hàng dỏm và hàng rẻ - 29.12.2011

VRNs (29.12.2011) – Sài Gòn – Chương 2: Chết Bởi Thức Ăn và Thuốc Uống Độc Hại Của Trung Quốc.
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất về Thủy sản cho Hoa Kỳ, cung cấp then chốt về thịt gà và chiếm 2/3 lượng trà thế giới đang dùng, cung cấp hơn 60% nước táo đặc, 50% tỏi và những số lượng đáng kể về mọi thứ từ lê đóng hộp và nấm đóng hộp đến mật ong thường và mật ong chúa.
Trung Quốc còn là nơi sản xuất 70% pennicillin của thế giới, 50% aspirin và 33% Tylenol. Các công ty dược phẩm Trung Quốc cũng chiếm lĩnh nhiều thị trường thế giới về kháng sinh, enzyme, acid amino, thuốc bổ. Trung Quốc còn chiếm lĩnh đến 90% thị trường thế giới về Vitamin C, đóng vai trò hàng đầu trong việc sản xuất Vitamin A, B12 và E, bên cạnh những thành tố gốc trong các thuốc mutivitamins.
Những thực phẩm và dược phẩm nói trên của Trung Quốc mang đầy chất độc. Đó là lý do tại sao thực phẩm và thuốc men của Trung Quốc luôn luôn bị nêu tên đầu bảng trong số những món bị chận lại ở các cửa khẩu và thu hồi bởi Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ và Cơ quan an toàn Thực phẩm Âu Châu. Tác giả đã liệt kê một số những vụ án liên quan đến việc gian thương Trung Quốc đầu độc người tiêu dùng như sau:
Thứ nhất là vụ bỏ chất Melanine trong sữa. Chất Melanine thực sự là một hóa chất có giá trị – khi nó không được lén lút bỏ vào thức ăn. Nếu bỏ chất melanine vào trong thức ăn cho gà, chó mèo, sữa, hay sữa bột trẻ em thì nó phá hủy hai trái thận nhanh hơn bất kỳ thứ gì khác. Sở dĩ gian thương Trung Quốc cho melanine vào trong thực phẩm vì số lượng nitrogen cao trong melanine sẽ làm tăng chỉ số chất đạm (protein). “Sự giả mạo protein của Trung Quốc” như thế, nhằm đánh lừa những nhân viên kiểm tra thực phẩm về độ protein trong các thực phẩm. Vì melanine rẻ hơn protein rất nhiều, pha chế thêm melamine sẽ mang lại nhiều tiền cho bọn tội phạm. Năm 2008 có gần 300 ngàn trẻ em Trung Quốc bị bệnh và sáu trẻ em chết vì 22 hãng sữa Trung Quốc âm mưu bỏ chất melanine vào sữa nước và sữa bột trẻ em.
Thứ hai là vụ bỏ chất Heparin vào thức ăn. Chất Heparin là một hoạt chất chống đông máu rất phổ thông trong những vụ giải phẫu và chuyền máu cũng như lọc thận, được tinh chế từ màng nhờn của ruột heo. Để tăng lời, gian thương Trung Quốc đã bỏ thêm vào heparin một chất có hoạt tính tương tự như heparin nhưng nguy hiểm chết người, đó là chất chondroitin sulfate với nồng độ sulfate quá tải, đưa đến những phản ứng trầm trọng có thể giết người như hạ áp huyết, thở rút, nôn mửa và tiêu chảy. Điều đáng ghê sợ là tà chất này rất giống heparin khiến việc điều tra tạp chất heparin rất khó khăn; tà chất này lại rẻ gấp 100 lần với giá trung bình $9 một pound so với heparin $900 một pound. Lòng tham vô đáy của gian thương khiến họ đã trộn tới 50% hóa chất giả này trong thuốc heparin bán trên thị trường. Cho tới nay, thuốc heparin của Trung Quốc đã giết hằng trăm người Mỹ và làm hằng ngàn người trọng thương.
Thứ ba là thức ăn Trung Quốc bị ô nhiễm trầm trọng. Sự ô nhiễm môi trường với các chất thải độc địa ngấm sâu vào đất đai, nước uống, không khí … khiến Trung Quốc – cái nôi sản xuất của thế giới và cũng là môi trường ô nhiễm tệ nhất hoàn cầu – biến thành địa điểm xuất cảng những thức ăn và sản phẩm nhiễm độc tố đủ loại từ chì, chất hóa học, thuốc trừ sâu bọ, kim loại, thủy ngân….. Ví dụ Hoa Kỳ nhập khẩu nước táo từ Trung Quốc mỗi năm lên đến 500 triệu gallons có chứa độc tố arsenic, một chất kim loại nặng có thể tạo ung thư  nằm trong đất trồng táo tại Trung Quốc. Hoặc  những loại trà nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa chất chì vì bọn gian thương Trung Quốc đã trải lá trà ra trên sàn một nhà kho vĩ đại rồi lái xe truck lên trên để khói thải từ ống bô của xe làm trà mau khô hơn. Vì Trung Quốc dùng xăng có chì, không có cách nào hữu hiệu hơn để biến những lá trà xanh thành một loại vũ khí giết người hàng loạt. Ngoài ra, gian thương Trung Quốc còn làm gạo plastic bán cho những người dân làng nghèo đói Trung Quốc: Theo một giới chức của Hiệp Hội Tiệm Ăn Trung Hoa thì “ăn ba chén cơm gạo này sẽ tương đương với việc nuốt nguyên một bịch ny lông”.
Chương 3:Chết Bởi Hàng Dỏm, Hàng Rẻ Tiền Của Trung Quốc.
Hàng hóa của Trung Quốc có một đặc điểm chung là giá rẻ (người ta hay nói đùa là giá rẻ hơn bèo). Chính vì giá rẻ nên người ta không cần cân nhắc, so đo giá cả khi mua và vì thế theo tác giả đã xảy ra rất nhiều tai nạn cho người tiêu thụ như:
-Bạn gãy cổ khi một cái dè tồi trên xe đạp rơi vào bánh xe và ném bạn qua tay lái.
-Đứa con trai của bạn đang chơi bóng chày và bị một quả bóng rơi ngay trên “mũ an toàn” – cái mũ vỡ tan tành khi bị quá bóng rơi trúng; đầu cháu bị thương tích.
-Một người khách ngồi xem trận đấu Super Bowl bị phỏng tay vì cái Remote TV bị bốc cháy trong tay.
-Nhà người láng giềng của bạn bị cháy rụi vì cái quạt bị chạm điện.
-Người bạn thân nhất của bạn bị thương khi điện thoại di động trong túi phát nổ và bắn mảnh vào tim.
Sở dĩ gian thương Trung Quốc không quan tâm đến yếu tố an toàn cho người tiêu thụ và các nhà sản xuất Trung Quốc không sợ bị trừng phạt vì có bị kiện ra tòa họ cũng được nhà nước Bắc Kinh bao che và nhất là rất khó theo đuổi một vụ kiện đòi bồi thường tại Hoa Kỳ hay tại Trung Quốc. Ngoài ra, cán bộ kiểm phẩm an toàn của Trung Quốc đã bị mua từ trên cao xuống đến thấp. Đây là bộ máy tham ô và tồi bại nhất thế giới. Tác giả đã nêu ra một số tai hại gây ra bời những hàng dỏm của Trung Quốc như sau:
Thứ nhất là vụ tường tiền chế (Drywall) của Trung Quốc. Bọn gian thương Trung Quốc đã pha vào thạch cao những tro phế thải từ các nhà máy Trung Quốc chạy bằng than có nồng độ lưu huỳnh cao, để sản xuất ra tường tiền chế bán sang Hoa Kỳ. Chất độc lưu huỳnh trong tường tiền chế của Trung Quốc không những làm không khí trong nhà ngửi giống như trứng thối và tấn công hệ thống khí quản, mà chất ga lưu huỳnh rất mạnh nên còn làm xói mòn các đường ống, và làm hỏng các máy móc và hệ thống quạt, sưởi, điều hòa không khí, biến nữ trang bằng bạc thành màu đen, và giết chết chó mèo trong nhà. Tường tiền chế làm từ Trung Quốc đã được phát hiện trong khoảng 100 ngàn căn nhà mới tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ.
Thứ hai là vụ chì trong đồ chơi trẻ con.  Chất chì cho vào sơn làm khô rất nhanh và do đó làm giảm đáng kể chi phí sản xuất. Chì cũng là chất có giá thành thấp và mềm dẻo hơn thay thế cho các kim loại đắt tiền hơn như niken và bạc trong các sản phẩm như đồ trang sức và nữ trang rẻ tiền. Nhưng, chất chì tấn công trẻ con khốc liệt vì bộ óc và cơ thể đang phát triển của chúng rất nhạy cảm dù với lượng tương đối nhỏ của kim loại nặng. Chỉ từ những lượng chì rất nhỏ, trẻ con có thể bị những thương tổn không thể hồi phục được, mà trong cuộc sống sau này chúng sẽ sinh ra bất cứ thứ bệnh gì, từ rối loạn thiếu sự tập trung và tính hiếu động thái quá, cho đến hành xử tội phạm, phình não, và hư hoại cơ quan trọng yếu.
Thứ ba là chất độc Cadmium trong đồ chơi trẻ em. Chất cadmium là một chất độc hại khủng khiếp. Chất này có thể sinh ra ung thư, sinh ra các phản ứng hô hấp rất nghiêm trọng như viêm phổi độc tính và đau phổi. Cadmium cũng có thể hút mật độ của các tỷ trọng chất khoáng (mineral) ra khỏi xương, do đó gây ra cơn đau xương sống và khớp trầm trọng trong khi làm tăng các rủi ro gãy xương; và có thể gây ra rối loạn hoạt động thận dẫn đến hôn mê. Gian thương Trung Quốc dùng chất này sơn lên trên các đồ trang sức bán cho trẻ em vì khó phát hiện hơn chì và làm màu sắc óng ả.  Trong năm 2010, Walmart đã bị phát giác việc bán các vòng/dây chuyền cho trẻ em có pha cadmium, được sản xuất để mô phỏng các nhân vật trong bộ phim Disney Công Chúa và Chú Ếch.
Thứ tư là lừa bịp chất lượng. Bên cạnh việc sử dụng chất độc trong sản phẩm, các gian thương Trung Quốc còn nổi tiếng trên thế giới là “hàng dỏm”, tức hàng thiếu chất lượng. Sự lừa bịp chất lượng này diễn ra bằng cách ở giai đoạn đầu, công ty sản xuất Trung Quốc chế tạo ra một loạt hàng mẫu đúng chất lượng theo yêu cầu của công ty Mỹ. Thế là công ty Mỹ hài lòng và đã ký hợp đồng sản xuất với công ty Trung Quốc với một khối lượng sản phẩm nhất định trên cơ sở hàng tuần hoặc hàng tháng vì giảm giá thành đến 50%. Sau đó, nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu thay thế các nguyên vật liệu hay các bộ phận bằng những thứ phẩm chất kém như là một phương cách gia tăng lãi suất. Bớt một chút chỗ này, cạo một tý chỗ kia; nhưng không bao giờ bớt quá nhiều trong một lần để khỏi bị phát hiện. Thí dụ về một trường hợp “cắt xén” liên quan tới vỏ bánh xe đã gây tai nạn chết người tại Hoa Kỳ khiến hàng chục triệu vỏ xe đã bị thu hồi.
Đoàn Hùng


Chết bởi Trung Quốc (3): Tiêu huỷ sản xuất, thao túng tiền tệ, Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc - 30.12.2011

VRNs (30.12.2011) – Sài Gòn – Chương 4: Chết Bởi Thủ Đoạn Hủy Diệt Hạ Tầng Sản Xuất Của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã trở thành một cường quốc tài chánh và thương mại toàn cầu. Nhưng kinh tế gia Paul Krugman, khôi nguyên giải Nobel Kinh Tế cho rằng Trung Quốc đã không hành xử như những nền kinh tế lớn khác. Ngược lại, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách con buôn, duy trì thặng dư mậu dịch cao một cách giả tạo. Và trong thế giới suy thoái ngày hôm nay, chính sách đó, nói trắng ra, là chính sách săn mồi.
Suốt nhiều thập niên qua, ngồi trên lưng con ngựa gỗ tự do mậu dịch, một Trung Quốc “săn mồi” đã đánh cắp hàng triệu công việc sản xuất Hoa Kỳ ngay trước mắt của chúng ta. Nếu không bị đánh cắp thì tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ đã thấp hơn 5%, ngân sách Hoa Kỳ đã ổn định, và quốc gia một thời an bình này đã nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn bất kỳ viễn tượng nào mà chúng ta có thể hình dung. Tác giả đã đưa ra một số lý do dẫn đến hệ quả nói trên.
Thứ nhất là làm nền sản xuất của Hoa Kỳ chết dần mòn. Trong một thập niên vừa qua, Hoa Kỳ mất ít nhất là 10 triệu công ăn việc làm, điều này đã dẫn đến một số hệ quả làm suy yếu nền sản xuất. 1/ Trong vai trò khởi động, những công việc sản xuất đã tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn đối với các ngành dịch vụ. Cứ mỗi một Mỹ Kim của thành phẩm, Hoa Kỳ tạo ra gần một Mỹ Kim rưỡi trong những dịch vụ liên quan đến xây dựng, tài chánh, bán lẻ và giao thông. 2/Những công việc sản xuất cũng trả lương nhiều hơn – nhiều hơn nhiều – đặc biệt là đối với phụ nữ và các sắc dân. Mãi lực mạnh hơn của tầng lớp công nhân này đã là một kích thích quan yếu cho phần còn lại của nền kinh tế. 3/Hạ tầng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích những phát minh kỹ thuật mà Hoa Kỳ cần để đẩy nền kinh tế của mình trong dài hạn. Khi những nhà sản xuất bỏ sang Trung Quốc, họ mang theo những ngân khoản nghiên cứu và phát triển – và mang đi cả khả năng phát minh của Hoa Kỳ…
Thứ hai là Trung Quốc dùng 8 thủ đoạn để phá hủy hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ. 1/Thiết lập một mạng lưới trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp; 2/Thao túng và duy trì hối xuất thấp của đồng nhân dân tệ; 3/Giả mạo trắng trợn, vi phạm bản quyền và công khai đánh cắp kho tàng tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ; 4/Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến họ sẵn sàng đánh đổi sự thiệt hại môi trường to lớn với một chút lợi nhuận qua lợi thế cắt giảm chi phí sản xuất; 5/Coi thường những tiêu chuẩn về sức khoẻ và an toàn cho công nhân; 6/Hạn ngạch thuế quan bất hợp pháp và hạn chế xuất khẩu đối với những nguyên liệu thô chủ chốt từ A đến Z – từ antimon đến kềm (zinc) – như một thủ thuật nhằm tăng cường kiểm soát ngành luyện kim của thế giới và ngành công nghiệp nặng; 7/Thi hành những thủ đoạn phá giá để loại các đối thủ nước ngoài trong những thị trường tài nguyên chính yếu và sau đó khống chế người tiêu thụ; 8/Áp dụng “Chính sách bảo hộ Vạn Lý Tường Thành” – để ngăn chận những doanh nhân ngoại quốc không được xây dựng cơ xưởng trên đất Trung Quốc.
Tám thủ đoạn hủy diệt công việc do Trung Quốc tiến hành, không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến sự trì trệ kinh tế tại Nhật Bản, khủng hoảng tài chánh tại Châu Âu, và hỗn loạn dân sự tại Mexico. Thủ đoạn này của Trung Quốc phát sinh từ chính sách con buôn và bảo vệ thị trường nội địa của Trung Quốc nhằm thống lĩnh thị trường thế giới, lãnh đạo sản xuất và muốn thế giới Tây Phương phải phục quị kinh tế đối với Thiên Triều.
Chương 5:Chết Bởi Sự Thao Túng Tiền Tệ Của Trung Quốc
Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố tình “neo” đồng nhân dân tệ (yuan) đối với đồng Mỹ Kim ở một hối xuất cố định thấp hơn giá trị thật. Để hiểu tại sao điều này đã làm  suy thoái nền kinh tế Hoa Kỳ, điều cốt yếu cần hiểu là nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng đều bị chi phối bởi bốn yếu tố: tiêu thụ (Consumption – C), đầu tư kinh doanh (business Investment – I), chi tiêu công (Goverment spending – G) và tổng mậu dịch (net export = xuất khẩu – nhập khẩu). Biểu thị bằng toán học, Tổng sản lượng quốc gia GDP = C + I + G + (X-M).
Động lực tăng trưởng sau cùng – tổng mậu dịch – là quan trọng nhất khi chúng ta bàn về thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ lâm vào thâm hụt mậu dịch kinh niên với Trung Quốc, điều đó làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ [GDP giảm khi (X-M) mang dấu âm]. Nhịp độ tăng trưởng chậm hơn này, kế đến, sẽ kéo giảm số lượng công việc làm mà Hoa Kỳ tạo ra.
Dĩ nhiên, khi kinh tế Hoa Kỳ chịu đựng sự tăng trưởng chậm và thất nghiệp cao thì Trung Quốc được hưởng kết quả ngược lại. Con Rồng vươn lên trong khi Hoa Kỳ suy thoái. Trong chương này, tác giả đã nêu lên ba vấn đề lớn:
Thứ nhất là kích thước thâm thủng mậu dịch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu xét trên kích thước tuyệt đối (absolutue size), Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu tới 1tỷ Mỹ Kim hằng ngày. Nếu xét trên kích thước tương đối (relative size), thâm thủng mậu dịch Trung – Mỹ thật đáng kinh ngạc: Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng số thâm thủng mậu dịch hàng năm về hàng hóa của Hoa Kỳ với thế giới và hơn 75% nếu không tính những nhập khẩu dầu hỏa. Nếu Hoa Kỳ muốn giảm tổng thể thâm thủng mậu dịch để gia tăng tốc độ tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm hơn, điểm khởi đầu tốt nhất là phải cải tổ chính sách tiền tệ với Trung Quốc. Tầm ảnh hưởng thực tế của việc lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ, điều này cũng làm người ta điên đầu. Hơn một thập niên qua, sự thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã lấy mất gần 0.5% tỷ lệ tăng trưởng của Tổng sản lượng nội địa (GDP) hàng năm.
Thứ hai là Trung Quốc đã tấn công Hoa Kỳ như thế nào. Trung Quốc dọa sẽ bán sạch 800 tỷ Mỹ Kim trái phiếu mà Hoa Kỳ đang nợ họ, nếu Hoa Thịnh Đốn áp dụng biện pháp trừng phạt. Nếu điều này xảy ra, đồng Mỹ Kim sụp đổ và chắc chắn gây thiệt hại lớn cho thị trường địa ốc và có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái hơn. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đem quỹ dự trữ ngoại hối 2000 tỷ Mỹ Kim của họ mua quyền kiểm soát của những đại công ty Hoa Kỳ được liệt kê trên Chỉ Số Dow Jone của thị trường chứng khoán, bao gồm cả những đại công ty Microsoft, Exxon và Walmart, và vẫn còn dư tiền để mua đứt trên 50% cổ phần – tức quyền quyết định – của Apple, Intel và Ford. Chính khối lượng tích lũy ngoại hối khổng lồ đó bây giờ cho phép đảng Cộng sản Trung Quốc đủ sức đe dọa “tấn công” hệ thống tài chánh Hoa Kỳ. Trong thực tế, đã có chứng cứ rõ ràng rằng một Chú Sam khúm mún đã bắt đầu dâng hiến cho Trung Quốc ít nhất một vài chủ quyền chính trị của Mỹ do nguy cơ có thật của phương án tấn công tài chánh từ phía Trung Quốc.
Thứ ba là thế kẹt của Hoa Kỳ. Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm mất chủ quyền chính trị của Mỹ, nó còn làm người Mỹ tự sa vào “cái chết từ sự tiêu hoang”. Việc Trung Quốc bỏ tiền mua công khố phiếu của Hoa Kỳ chính là đã giúp các chính khách Hoa Kỳ tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách khổng lồ. Sự kiện Trung Quốc giúp Hoa Kỳ tài trợ các chương trình như những kế hoạch kích thích tài chánh hàng loạt và việc in tiền dễ dàng của Ngân khố Hoa Kỳ không phải là sự mỉa mai nho nhỏ. Tựu trung, phần lớn bởi vì mức thâm thủng mậu dịch xuất huyết của Hoa Kỳ với Trung Quốc mà những chính trị gia Hoa Kỳ cảm thấy cần tiếp tục bơm hơi cho nền kinh tế với chi tiêu thâm thủng, thậm chí cả trong khi Hoa Kỳ tiếp tục lún ngày một sâu vào nợ nần với một chế độ độc tài toàn trị đang bòn rút cạn kiệt từ các nhượng bộ của Hoa Kỳ.
Chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc, trong thực tế,  không chỉ làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ mà nó còn đe dọa xé nát hệ thống kinh tế toàn cầu và khung điều hành tự do mậu dịch. Vấn đề là ở chỗ: bất cứ khi nào đồng đô la giảm so với các loại tiền khác như euro, real, won hay yen – một chuyện xảy ra khá thường xuyên ngày nay – thì đồng yuan cũng rớt giá theo. Sự rớt giá của đồng yuan so với các đồng tiền khác lại cung cấp cho chính sách bảo hộ của Trung Quốc một lợi thế lớn hơn đối với những đối thủ cạnh tranh khắp thế giới, từ Âu Châu và Brazil đến Nhật và Nam Hàn.
Qua tất cả những điều này – và bất chấp những lời kêu gọi từ các định chế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới yêu cầu Trung Quốc tăng giá tiền tệ – Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn nhất chống lại việc cải tổ. Đường lối cứng rắn này bắt đầu ngay trên thượng tầng của giới lãnh đạo Trung Quốc; như một câu ngạn ngữ nói: “Cá ươn từ trên đầu xuống”.
Chương 6:Chết Bởi Sự Phản Bội Của Những Công Ty Hoa Kỳ.
Không có vấn đề danh dự đối với bọn cướp – và không có lòng yêu nước trong hàng ngũ những công ty Mỹ. Đó là thông điệp rõ ràng mà những công ty như GE, Caterpillar, và Evergreen Solar đang gửi đến nhân dân Hoa Kỳ trong những ngày gần đây, khi họ đóng cửa những nhà máy ở Hoa Kỳ để mở những công xưởng mới, tráng lệ, hiện đại trên xứ Con Rồng. Khi xuất nguồn sang Trung Quốc, các tập đoàn này không những tiếp tay xô đẩy quốc gia của mình xuống vực thẳm, mà còn đang ký những bản án tử hình cho chính tương lai của công ty mình. Trước đây không có tình trạng này.
Khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập WTO và bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ để tấn công hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ, những giới lãnh đạo các xí nghiệp Hoa Kỳ đã sát cánh với công nhân để phản đối kịch liệt những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc. Nhưng bây giờ, sau một thập niên, Liên minh Công – Thương của Hoa Kỳ đã chết, các chủ công ty và những tổ chức “Hoa Kỳ” như là Hội Nghị Bàn Tròn Doanh Nhân, Hiệp Hội Quốc Gia Chế Tạo và Phòng Thương Mại Hoa Kỳ biến thái từ những nhà phê bình gắt gao sang những kẻ bênh vực ngoan ngoãn cho chính sách lái buôn và bảo hộ của Trung Quốc vốn đang lũng đoạn nền kinh tế và công nhân Hoa Kỳ.
Sở dĩ các công ty Hoa Kỳ đứng về phía Trung Quốc vì hai lý do: Thứ nhất là khai thác mạng lưới tinh xảo qua trợ cấp xuất khẩu phi pháp của Trung Quốc, các chủ nhân Hoa Kỳ có thể sản xuất hàng rẻ hơn tại Trung Quốc, và nếu họ không làm thế thì những kẻ cạnh tranh của họ cũng sẽ làm. Thứ hai là các công ty Hoa Kỳ sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để bán cho 1.3 tỷ người tiêu dùng ngay tại thị trường Trung Quốc. Nhưng để bán được hàng hóa tại thị trường Trung Quốc, các công ty Hoa Kỳ phải chấp nhận ba điều kiện bảo hộ như được nêu trong chính sách của Trung Quốc được gọi là “sáng tạo bản địa” (Indigenous Innovation).
Điều kiện bảo hộ thứ nhất đòi hỏi thiểu số sở hữu (minority ownership), tức là những công ty Hoa Kỳ phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc và cổ phần không được chiếm quá 49% vốn xí nghiệp. Điều kiện này có nghĩa là công ty Hoa Kỳ mất quyền kiểm soát xí nghiệp.
Điều kiện bảo hộ thứ hai là các công ty Hoa Kỳ phải chuyển giao công nghiệp – tức tài sản trí tuệ của họ cho các đối tác Trung Quốc như một điều kiện gia nhập thị trường. Hệ quả thực tế của tình trạng này là đã giúp tán phát những công nghệ khác nhau, không chỉ cho đối tác Trung Quốc trực tiếp tham gia, mà còn cho chính quyền Trung Quốc và các đối thủ Trung Quốc có tiềm năng cạnh tranh khác.
Điều kiện thứ ba là bắt buộc các công ty phải xuất khẩu những cơ sở nghiên cứu và phát triển cho Trung Quốc. Đây là thủ đoạn bất chính nhất trong số tất cả những thủ đoạn vì không khác gì bán đi hạt ngô giống của Hoa Kỳ. Nếu nghiên cứu và phát triền được thực hiện ở Trung Quốc chứ không phải trên đất Mỹ thì đoán xem nước nào sẽ chiếm ưu thế trong việc tạo ra công ăn việc làm mới?
Tại điểm này, người ta thấy rõ ràng là tại sao bất kỳ công ty nào của Hoa Kỳ cũng đều từng bước rơi vào vòng tự hủy diệt khi chấp nhận ba điều kiện bảo hộ của Trung Quốc về sáng tạo bản địa (Indigenous Innovation). Khi một công ty Hoa Kỳ chuyển giao quyền tự trị của mình, chuyển giao những kỹ thuật và khả năng phát triển những kỹ thuật tương lai của mình, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi những công ty Trung Quốc “tiêu hóa” (digest) được những kỹ thuật này và sử dụng chúng để cạnh tranh dễ dàng với những công ty Hoa Kỳ – không chỉ trên đất Trung Quốc, mà còn trên thị trường thế giới.
Dựa trên một số những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra để “bắt chẹt” các công ty Hoa Kỳ đầu tư trên đất Trung Quốc, hai tác giả đã truy tìm một số những câu chuyện “dở khóc, dở cười” của 4 công ty Hoa Kỳ đang làm ăn trên đầt Tàu: Westinghouse (tập đoàn ngây thơ nhất); General Electronic (tập đoàn bị bệnh tâm thần); Catepillar (tập đoàn tiêu biểu nhất về nạn nhân ăn phải bả lái buôn của Trung Quốc) và Evergreen Solar (tập đoàn đã từng là Hy Vọng Xanh Vĩ Đại của chính quyền Obama, và bây giờ đang là một hỡi ôi về sự thất bại của các chính trị gia Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các thương vụ của chúng ta trước sự xâm lấn của Trung Quốc).
Đoàn Hùng



-Chết bởi Trung Quốc (7): Làm sao sống được với Trung Quốc? - 03.01.2012-VRNs (03.01.2012) – Sài Gòn – Chương 16: Làm Thế Nào Sống Còn và Thịnh Vượng Với Trung Quốc.
Thay đổi trong quan hệ Mỹ Trung chỉ có thể khởi đi từ quần chúng (grassroots). Vì thế, mục tiêu hàng đầu của chúng ta là phải thông tin cho mọi công dân trên thế giới biết về phạm vi bao la của những đe dọa mà một Trung Quốc đang vươn lên đặt ra cho tất cả chúng ta. Một khi nhân  loại đã nhận thức đầy đủ về “Vấn nạn Trung Quốc” (China Problem), thì sự cần thiết của một loại thay đổi chính trị ôn hòa phải diễn ra tại Trung Quốc với những áp lực cải cách đến từ Hoa Thịnh Đốn, Bá Linh, Tokyo, Sao Paulo và nhiều thủ đô khác khắp thế giới. Muốn như vậy, chúng ta cần phải có một số nỗ lực sau đây:
Để Tránh Thảm Họa Hàng Dỏm và Thuốc Độc
Hiện tại có quá nhiều hàng dỏm, hàng rẻ và chất độc Trung Quốc tràn ngập các kệ hàng bán lẻ ở  mọi nơi và toàn là những thứ giết người. Dưới dây là một số bước cụ thể mà tất cả chúng ta đều có thể làm để bảo vệ chính mình.
1/ Hãy thay đổi thái độ – “Rẻ” không phải luôn luôn là rẻ nhất.
2/ Tìm Nhãn – Sau đó đọc nó một cách cẩn thận.
3/ Lấp các lỗ hổng trên mạng ảo về “xứ sản xuất”.
4/ Đòi hỏi ghi “Xứ Sản Xuất” của những vật liệu trên nhãn hiệu.
5/ Hãy cho những cửa tiệm bán lẻ mà bạn ưa chuộng biết bạn không thích đồ Trung Quốc.
6/ Hãy coi chừng những món hàng đắt tiền từ Trung Quốc nhưng mang hiệu “Ngoại quốc”.
7/ Cải cách những sai lầm để quy trách nhiệm cho Trung Quốc và những kẻ trung gian của họ.
Để Giải Giới Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm Của Trung Quốc
Nếu Trung Quốc từ chối dẹp bỏ những vũ khí hủy diệt việc làm của họ – tức những vũ khí vi phạm nguyên tắc tự do mậu dịch – thì Tổng Thống và Quốc Hội sẽ không có chọn lựa nào hơn là hành động. Đó là:
1/ Thông qua Đạo Luật Mậu Dịch Tự Do và Công Bằng Của Hoa Kỳ.
2/ Hợp tác và phối hợp toàn cầu là khẩu hiệu:
3/ Sứ mạng thao túng tiền tệ bí mật.
4/ Nhận thức những rủi ro thực sự cho các công ty từ việc xuất nguồn sản xuất sang Trung Quốc.
5/ Hãy theo gương Dan DiMicco của Nucor Steel, đừng theo gương Jeffrey Immet của GE.
6/ Chấm dứt cưỡng bách chuyển giao công nghệ  và không tặc chương trình nghiên cứu & phát triển của Hoa Kỳ.
7/ Chấm dứt kiểm duyệt, một hình thức rào cản mậu dịch phi thuế quan.
8/ Cấm những doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc mua lại những xí nghiệp tư nhân.
9/ Chúng ta cần một Tổng thống có đầu óc và can đảm.
Soạn Một Đường Lối Cứng Rắn Với Gián Điệp và Chiến Tranh Mạng Với Trung Quốc
Trung Quốc điều khiển một hệ thống gián điệp hiếu chiến nhất và những lữ đoàn tin tặc đỏ của họ thường xuyên tấn công vào những hệ thống vi tính cá nhân, xí nghiệp và chính quyền trên thế giới. Chúng ta phải nhận ra những mối nguy hiểm rõ ràng hiện nay và các hình thức khác nhau của “chiến tranh không khói súng”, và đứng lên đối phó với chúng.
1/ Tăng cường nỗ lực phản gián với Trung Quốc.
2/ Quyết liệt truy tố và trừng phạt gián điệp Trung Quốc.
3/ Tăng cường kiểm tra những du khách Trung Quốc và chiếu khán.
4/ Tuyên bố cuộc tấn công mạng là hành vi chiến tranh – và cần đáp ứng phù hợp.
5/ Thiết lập “Cái Ngắt Điện Sát Thủ Trung Quốc” cho mạng Internet.
6/ Kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt gián điệp và ăn cắp.
Đương Đầu và Đối Phó Với Mối Đe Dọa Quân Sự Đang Lên Của Trung Quốc.
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đang tài trợ cho sự leo thang quân sự thậm chí còn nhanh hơn nữa của Trung Quốc. Đó là một sự tích lũy đa phương của bộ máy chiến tranh gồm không quân, lục quân, hải quân, mạng vi tính và không gian chẳng bao lâu sẽ đe dọa ngôi bá chủ toàn cầu của quân đội Hoa Kỳ. Chúng ta phải nhận thức và đối diện với đe dọa này:
1/ Chúng ta không thể áp đảo được Trung Quốc bằng sức mạnh công nghiệp.
2/ Chúng ta không thể để bị lừa vào một cuộc chạy đua vũ trang và cái “Bẫy Reagan”.
3/ Phải đánh giá thành thực những lỗ hổng của chúng ta.
4/ Chúng ta phải giải giới những vũ khí hủy diệt việc làm của Trung Quốc nếu muốn ngăn chận sự vũ trang khổng lồ của Trung Quốc.
Đối Phó Với Con Rồng Thực Dân
Chận đứng làn sóng thực dân Trung Quốc chắc chắn sẽ không dễ dàng. Nhưng cũng giống như mọi  cuộc hành trình bắt đầu với một bước nhỏ, ít nhất có một số bước mà chúng ta có thể làm ngay để đáp ứng thách thức toàn cầu này của Trung Quốc.
1/ Ngăn chận ngay việc lạm dụng quyền phủ quyết Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc.
2/ Tái cấu trúc sứ mạng ngoại giao với trọng tâm đối kháng lại Trung Quốc.
3/ Gửi Thông Điệp Hoa Kỳ ra khắp thế giới.
4/ Thay thế tiếng Pháp và Đức bằng tiếng Quan Thoại ở các trường Trung Học.
Chấm Dứt Tai Họa Trung Quốc Trên Trung Quốc
Chúng ta cần một “cuộc cách mạng Hoa Lài” ở Trung Quốc – ôn hòa hay không – hoặc để giải phóng nhân dân Trung Quốc khỏi sự cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc hay để bắt buộc lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc nới lỏng sự độc tài toàn trị của họ trên đất nước đông dân nhất hoàn cầu này.
1/ Khôi phục nhân quyền như một yêu tố của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.
2/ Giải tư, không đầu tư.
3/ Hạn chế xuất khẩu những công cụ kiểm duyệt Internet.
Đối Phó Thách Thức Không Gian với Trung Quốc
Sự cạnh tranh để thiết lập một bá chủ trên không gian có thể có tác động lớn lao đến thế hệ tương lai của chúng ta. Muốn bảo đảm rằng con cháu chúng ta tránh khỏi cơn ác mộng “ngủ dưới ánh sáng của mặt trăng cộng sản”, chúng ta phải nhanh chóng hành động. Với một chương trình không gian công cộng của Hoa Kỳ đang rối loạn và khủng hoảng ngân sách, chúng ta cần những tư tưởng mới táo bạo.
1/ Nâng cao lợi thế công nghiệp tư nhân để giảm giá thành.
2/ Thúc đẩy giáo dục STEM bao gồm Khoa học, Kỹ thuật, Kỹ Sư và Toán
3/ Hãy chinh phục Mặt Trăng trước Trung Quốc.
Vài suy nghĩ của người giới thiệu
Sau khi đọc qua 16 chương tóm lược nói trên, nhắm mắt lại quý vị sẽ nghĩ đến điều gì? Có lẽ nhóm từ “thật kinh khủng” phần nào đã biểu hiện tâm trạng của đa số chúng ta khi biết một số sự thật đàng sau sự phát triển của Trung Quốc từ năm 1978 cho đến nay.
Nếu chúng ta thán phục sự vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ trong 3 thập niên, thì chúng ta cũng phải rùng mình trước những con người sẵn sàng hủy diệt mọi thứ, kể cả việc đánh đổi không khí, nước và đất của họ, sinh mạng của hàng triệu sinh linh và biết bao thế hệ để lấy tiền và giành một phần thị trường thế giới lớn hơn.
Không những thế, sống bên cạnh xứ láng giềng khổng lồ mang đầu óc bành truớng bá quyền, chúng ta không thể không lo lắng về những thủ đoạn thực dân của Bắc Kinh. Sự lấn chiếm biên giới qua cuộc chiến đẫm máu vào năm 1979 và nhất là những xung đột trên Biển Đông cho chúng ta thấy rõ ý đồ xâm lăng và thực dân của Trung Quốc đối với nước ta không bao giờ giảm mà càng ngày càng hung hăng, lộ liễu.
Chúng ta không thể không quan tâm và lo lắng khi hàng giả của Trung Quốc đang tràn ngập và khống chế thị trường Việt Nam. Theo Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, 90% hàng giả trên thị trường nội địa có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong năm 2011, Tổng Cục Hải Quan đã tịch thu được nhiều số lượng hàng giả gồm điện thoại di động, rượu, mũ bảo hiểm, nước giải khát tăng lực đóng lon, xe gắn máy, dầu nhớt, mỹ phẩm, kể cả thuốc tây cũng là hàng giả hàng nhái. Rất nhiều sản phẩm điện như công tơ, ăng ten, tivi, bình ắc qui, ổ cắm điện do Trung Quốc sản xuất.
Qua những số liệu nói trên, rõ ràng là những thủ đoạn hắc ám của gian thương Trung Quốc không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ mà cả Việt Nam với những kích thước khác nhau. Chúng ta không nên tiếp tục thờ ơ coi như không có gì mà phải ý thức và hành động như hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry đã kêu gọi trong lời sau cùng của tập sách “Death by China” như sau:
“Đã từ lâu, chúng ta ở Phương Tây đã chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc phát triển bằng một sự kỳ diệu nhằm biến đổi một chế độ độc tài dã man thành một quốc gia dân chủ tự do và cởi mở. Chúng ta đã chờ đợi qua vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, qua những chiến dịch diệt chủng ở Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương, qua sự phát triển bộ máy tuyên truyền tinh vi nhất thế giới và qua hệ thống kiểm duyệt Internet khắt khe; qua sự phát tán một làn sóng những sản phẩm nguy hiểm giết người vào thị trường thế giới, qua sự lũng đoạn hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ, qua sự ô nhiễm toàn bộ những tài sản chung của thế giới, qua những vụ tấn công liên tục do một hệ thống gián điệp tinh vi trên những mục tiêu quân sự và kỹ nghệ, và qua sự trổi dậy của một lực lượng quân sự viễn chinh năm chiều (không, lục, hải, vi tính, không gian) có khả năng rồi đây sẽ tiến hành những tuyên bố chủ quyền phi lý về lãnh thổ khắp thế giới – và chắc chắn cả trong không gian, một ngày nào đó.
Chúng ta không nên chờ đợi thêm nữa. Thật vậy, đã đến lúc tất cả chúng ta phải đối đầu với Trung Quốc – ngay cả khi chúng ta đang trực diện với hy vọng sai lầm rằng Trung Quốc đang trổi dậy hòa bình bất chấp mọi dữ kiện đều chứng minh ngược lại.”
Đoàn Hùng
Mùa Giáng Sinh – 25.12.2011
VRNs xin cám ơn tác giả Đoàn Hùng đã bỏ nhiều công sức giúp giới thiệu tác phảm quan trọng này đến quý độc giả. Xin tiếp tục cộng tác với chúng tôi.-----

Tổng số lượt xem trang