15.11.2008
Tác giả: Phi Lâm
Người dịch: Quốc Thanh
Ngày 3 tháng 12 năm 1960, Mao Trạch Đông hội kiến với Hồ Chí Minh-Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên phải là Hoàng Văn Hoan.
Lãnh đạo Việt Nam Hoàng Văn Hoan “đào thoát” tới Trung Quốc năm 1979
Năm 1979, giữa hai nước Trung-Việt xảy ra một sự kiện khiến cho tập đoàn Lê Duẩn đương quyền khi ấy ở Việt Nam bị bẽ mặt, cả thế giới phải kinh ngạc. Hoàng Văn Hoan – một trong những nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam đã đáp phi cơ từ Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) bay tới Bắc Kinh. Cho đến tận giờ, người ta vẫn gọi việc Hoàng Văn Hoan đến Trung Quốc là “Lãnh đạo cấp cao nhất của nước ngoài đào thoát tới Trung Quốc”.
Trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam có hai phái thân Xô và thân Hoa. Phái thân Hoa có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan… Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… thuộc phái thân Xô nắm hết quyền lực trong Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bị chết trận. Thượng tướng Chu Văn Tấn bị giam lỏng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị treo giò.
Hoàng Văn Hoan lúc này trong người cảm thấy khó chịu, vùng não luôn bị đau âm ỉ, bệnh viện ở Hà Nội kiểm tra nói: bị lao phổi. Nhưng lại chữa mãi vẫn không khỏi.
Ông sinh năm 1905 tại tỉnh Nghệ An (nay là tỉnh Nghệ Tĩnh[1]), Việt Nam. Tên thật là Trần Xuân Phong. Năm 1925 tham gia học lớp đào tạo thanh niên Việt Nam do Hồ Chí Minh mở ở Quảng Châu, sau đó làm công tác cách mạng ở các nước Thái Lan, Miến Điện, Campuchia… và ở Châu Âu, nói thành thạo tiếng Trung Quốc giọng Quảng Đông, viết được những bài thơ hay bằng chữ Hán.
Năm 1966, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc tụ họp quần chúng ở Quảng trường Ba Đình
Chính Hoàng Văn Hoan đã ý thức được rằng nếu ở lại trong nước thì không những chẳng làm được việc gì, mà bệnh của mình lại có thể còn bị nặng thêm. Ông lợi dụng dịp đi thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, với sự giúp sức của bạn bè và tình báo Trung Quốc, đã tới Bắc Kinh theo ngả Pakistan.
Ngày thứ ba tới Bắc Kinh, kết quả kiểm tra ở Bệnh viện 301 Giải phóng quân cho thấy thực ra trong người ông có một khối u dài 6cm, rộng 5cm, được chẩn đoán là bị ung thư phổi sắp đến giai đoạn cuối.
Năm 1979, tới Bắc Kinh, được đồng chí Đặng Tiểu Bình đón tiếp thịnh tình
Bệnh viện 301 áp dụng phương pháp Đông Tây y kết hợp, đầu tiên tiến hành xạ trị, tiếp đó dùng các bài thuốc Đông y quý để tiến hành liệu pháp Đông y. Nằm chữa trị ở bệnh viện được hơn 1 tháng, khối u đã nhỏ lại chỉ còn dài 5cm, rộng 4cm. Khối u nhỏ lại được nhanh như vậy có thể nói là hết sức có hiệu quả.
Bởi được trị liệu theo Đông Tây y kết hợp ở Bệnh viện 301, được dùng những bài thuốc Đông y vừa quý lại vừa đích thực có tác dụng kháng ung thư, cho nên Hoàng Văn Hoan đã hơn 70 tuổi vẫn sống tiếp được tới 15 năm nữa một cách đầy khỏe mạnh.
Hoàng Văn Hoan tới Trung Quốc không lâu, Việt Nam lần lượt tuyên bố hủy bỏ các chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…, xóa Đảng tịch Đảng cộng sản Việt Nam của ông. Ngày 26 tháng 6 năm 1980, bị chính quyền Việt Nam xử tử hình vắng mặt.
Với sự nỗ lực của Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, quan hệ Trung-Việt được khôi phục. Nhất là Nguyễn Văn Linh còn cho đưa cả người nhà của Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc, khiến cho Hoàng Văn Hoan được đoàn tụ với gia đình vào những năm cuối đời.
Tác giả đang viết: “Việt Trung hữu nghi, vạn cổ trường thanh”
Còn có một giả thuyết khác, khi các nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh… muốn khôi phục lại quan hệ bình thường với Trung Quốc, do qua kênh bình thường có chút khó khăn, nên con trai cả của Hoàng Văn Hoan đang làm việc tại Viện khoa học xã hội Việt Nam đã bí mật đến Sứ quán Trung Quốc để đẩy nhanh sự tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước. **
Mộ Hoàng Văn Hoan hình chữ nhật, sau mộ lập một tấm bia đá cao to, chính giữa bên trên có khảm bức di ảnh màu của Hoàng Văn Hoan, hai bên khắc nổi năm sinh năm mất “1905-1991”. Dưới di ảnh viết “Mộ đồng chí Hoàng Văn Hoan, nhà cách mạng lão thành Việt Nam, người bạn lâu năm được nhân dân Trung Quốc tôn kính”.
Hoàng Văn Hoan (1905-1991)
Lãnh đạo Đảng và chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sinh ở tỉnh Nghệ An. Năm 1926 tham gia lớp huấn luyện cách mạng do Hồ Chí Minh mở ở Trung Quốc, sau gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1928-1942, lần lượt hoạt động cách mạng ở Xiêm và Trung Quốc. Năm 1942, về nước triển khai đấu tranh vũ trang và tiến hành các hoạt động lập căn cứ địa. Năm 1945, được bầu làm Ủy viên trung ương, nhậm chức Bí thư Đảng ủy Khu giải phóng Việt Bắc, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 cùng năm, từng nhậm chức Thứ trưởng Bộ quốc phòng và Ủy viên chính trị toàn quốc Vệ quốc quân. Cuối năm 1946, nhậm chức Đại diện Liên khu 4 tại Chính phủ trung ương, lãnh đạo đấu tranh chống Pháp. Năm 1948, nhậm chức Đặc phái viên hải ngoại tại Chính phủ trung ương. Tháng 12 năm 1950, nhậm chức Đại sứ đầu tiên ở Trung Quốc, kiêm Đại sứ tại Triều Tiên, Mông Cổ. Tại “Đại hội 2” năm 1951 và “Đại hội 3” năm 1960 được bầu làm Ủy viên Trung ương. Hai lần, vào tháng 8 năm 1958 và tháng 9 năm 1960, được bầu làm Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng. Từ năm 1958, nhậm chức Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tháng 12 năm 1971, được bầu là Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc. Năm 1979, sau khi Việt Nam trắng trợn bài Hoa, vì phản đối tập đoàn Lê Duẩn… nên đã bị đánh và bức hại, để đấu tranh lại với những thế lực bài Hoa trong Đảng, vào tháng 7 bị bức phải rời Việt Nam gián tiếp chuyển tới Bắc Kinh, đã di cư tới Trung Quốc. Không lâu sau, Việt Nam lần lượt tuyên bố hủy bỏ các chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…, xóa Đảng tịch Đảng cộng sản Việt Nam của ông. Ngày 26 tháng 6 năm 1980, bị chính quyền Việt Nam xử tử hình vắng mặt. Là người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc, có tình cảm sâu nặng với nhân dân Trung Quốc. Đã làm rất nhiều công việc hữu ích để phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt. Đồng thời còn là một người “thông hiểu về Trung Quốc”, có nhiều nghiên cứu về văn hóa truyền thống Trung Quốc, đã viết nhiều bài thơ, câu đối bằng tiếng Hán trong đời. Trong thời gian bệnh nặng, các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước như Dương Thượng Côn, Trần Vân, Lý Tiên Niệm… đã lần lượt đến bệnh viện thăm và an ủi động viên.
Ngày 18 tháng 5 năm 1991 qua đời tại Bắc Kinh, hưởng thọ 86 tuổi. An táng tại Nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn Bắc Kinh. Tác phẩm để lại có “Hoàng Văn Hoan văn tập”.
Nguồn: www.tiexue.net *
Bản tiếng Việt © Việt sử ký 2012
[1] Chỗ này tác giả nhầm. Tỉnh Nghệ Tĩnh đã được tách ra lại thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từ năm 1991.- ND.
-
* Trang mạng được mở năm 2001, tiền thân là trang mạng mô phỏng chiến tranh thành lập năm 1999 tại Bắc Kinh; mạng www.tiexue.net có nội dung chủ yếu là về quân sự, cung cấp những thông tin thiết thực toàn diện và có giá trị. Qua vài năm phát triển, mạng www.tiexue.net đã phát triển thành mạng quân sự bằng tiếng Trung lớn nhất toàn cầu. (Nguồn: http://www.tiexue.net/) ** Xem: 76. TRƯỚC VÀ SAU CUỘC GẶP CẤP CAO TRUNG-VIỆT Ở THÀNH ĐÔ. Mời xem thêm: + Hồi ký Hoàng Văn Hoan: Giọt nước trong biển cả; + Hoàng Khoa Khôi: Đọc và Bình Luận “Giọt Nước Trong Biển Cả”-Hồi ký của Hoàng Văn Hoan (Dân luận), Phần 2; + Hoàng Văn Hoan (Wikipedia), + Số phận ông Hoàng Văn Hoan (BBC, 14/2/2009); + Nhìn lại nhân vật Hoàng Văn Hoan (BBC, 18/2/2009); + Tiến sĩ Balazs Szalontai: Hoàng Văn Hoan và vụ thanh trừng sau 1979 (BBC).
-Theo:Giải mật: vụ Hoàng Văn Hoan đào thoát sang Trung Quốc
-------