Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ 27.03.2012
Một liên minh cơ hội trở thành một quan hệ chiến lược
Đặc biệt trong năm bầu cử của Mỹ, những vấn đề nhân quyền sẽ thử thách sức chịu đựng của sự tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - hai cựu thù giờ dường như đang là những người bạn thân.
Các quan chức từ Hà Nội và Washington dạo này thường xuyên gặp gỡ nhau. Ai nghe qua những tiếp xúc song phương này có thể cho rằng những khó chịu của hai thế hệ trước vốn được người Việt gọi là “cuộc chiến tranh chống Mỹ” chỉ là một chướng ngại nhỏ trên con đường tiến tới tình thân.
Thật thế, các quan chức hai bên có vô số chuyện để bàn. Họ đang nhắm vào một danh sách dài về những quyền lợi chung bao gồm thương mại song phương đang bùng nổ, sự hợp tác quân sự giữa hai bên, việc Hoa Kỳ hậu thuẫn những dự án về y tế công, giáo dục và bảo vệ môi trường cũng như một cam kết có thể dẫn đến việc chuyển nhượng kỹ thuật hạt nhân của Hoa Kỳ.
Khi sự chúc tụng bắt đầu sau một ngày thương lượng, đã có những liên hệ đầy hớn hở về “những thành tựu nổi bật” trong mối hợp tác giữa Hà Nội và Washington.
Có hai mục tiêu khiến Hà Nội tái cam kết với Hoa Kỳ:
- Khả năng của chính quyền trong việc giữ nguyên sự tăng trưởng kinh tế lâu dài cho người dân Việt Nam dựa dẫm một cách quan trọng trên sự dễ dàng truy cập thị trường và vốn đầu tư của Hoa Kỳ, và
- Hợp tác quân sự của Hoa Kỳ sẽ khiến Trung Quốc thận trọng khi theo đuổi việc mở rộng tham vọng của mình trên biển Đông.
Mối quan hệ kinh tế song phương đang được phát triển kể từ đầu thập niên 1990, khi sự sụp đổ của Liên Sô đã kéo sập bức màn kinh tế “xã hội chủ nghĩa” ngày càng yếu kém của Việt Nam. Quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ được thiết lập vaà năm 1996, và hiệp ước thương mại song phương được ký kết vào giữa năm 1999.
Tuy nhiên, hiệp ước thương mại này đã không được Bộ Chính trị thông qua cho đến hơn một năm sau. Trước hết, giới bảo thủ phải được thuyết phục để từ bỏ nghi ngờ đối với động cơ của Mỹ - đặc biệt là việc nghi ngờ Hoa Kỳ hậu thuẫn Việt Nam đi vào “cuộc cách mạng chính trị hoà bình” theo mô hình Đông Âu. Chướng ngại này đã vượt qua. Đến năm 2007, với sự dẫn dắt của người Mỹ và với thành phần đổi mới thống trị đảng và nhà nước, Hà Nội đã thương lượng để được vào Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tuy nhiên, WTO đã không là liều thuốc bổ mà những người cách tân mong muốn. Với sự kiên quyết của giới bảo thủ trong Đảng Cộng sản đầy quyền lực, Hà Nội tiếp tục nuông chiều một hệ thống doanh nghiệp nhà nước béo phì và thiếu hiệu quả. Hệ quả nghịch lý này đã vắt cạn lợi nhuận mà người Việt trông đợi từ quá trình toàn cầu hoá.
Chính sách bế tắc trong việc cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước có thể giúp giải thích quyết định đầy ngạc nhiên của chính phủ Việt Nam trong việc cùng Hoa Kỳ ngồi vào bàn thương thảo của “Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương” (TPP). Những đối tác khác trong TPP là Singapore, New Zealand, Brunei, Chile, Malaysia, Úc, Peru và sớm sẽ có thêm Nhật, Hàn Quốc, Canada, Mễ và Đài Loan - nhưng rõ ràng là không có Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia kém phát triể nhất trong nhóm.
Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương được xem như là bàn đạp để bước đến Thoả thuận Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương và một “khuôn mẫu của thế kỷ 21” trong đó đòi hỏi các thành viên phải đồng ý tự do trao đổi nông nghiệp và dịch vụ, tháo bỏ hạn ngạch và tăng cường việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Trong khi thoả thuận TPP đang được thiết lập, Hà Nội chắc chắn sẽ hưởng lợi qua việc hàng hoá xuất khẩu truy cập dễ dàng vào các thị trường của các nước phát triển. Tuy nhiên, để đổi lại, họ phải bắt buộc phải chấm dứt những nghịch lý trong chính sách đối với thị trường trong nước, chuyên nuông chiều các doanh nghiệp nhà nước và phải giải quyết những quan ngại về quyền lao động cũng như bảo vệ tài sản trí tuệ. Đây có thể chính là chủ đích của giới cải cách, tức là họ có thể hy vọng dùng hiệp ước mở cửa thị trường để thúc đẩy một thoả hiệp về chính sách đối với việc cải cách cơ cấu trong nước.
Sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một hiện tượng mới lạ hơn, nó là mấu chốt của chiến lược toàn cầu hoá quốc phòng của Việt Nam. Hà Nội cũng theo đuôi những quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với các nước láng giềng châu Á, Úc, Nhật, Ấn, Pháp và Nga. Hà Nội hy vọng rằng những mối quan hệ này sẽ củng cố thêm khả năng đứng vững trước sự lấn lướt của Trung Quốc tại những khu vực biển đang bị tranh chấp. Đương nhiên không phải là họ muốn tham chiến. Giới lãnh đạo Hà Nội tôn trọng sức mạnh của Trung Quốc - và trên nền tảng giữa hai đảng cộng sản - đánh giá cao tình hữu nghị với Trung Quốc miễn là nước này ngừng trò uy hiếp.
Quyết tâm không nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền hàng hải của Việt Nam rất phù hợp với quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn những hạn chế tự do đi lại trên những tuyến hàng hải ở vịnh Malacca/biển Đông. Lầu Năm Góc đã hăng hái tăng cường những cuộc tập trận quân sự với Việt Nam, nhắm vào việc tìm kiếm cứu hộ, an ninh biển và hỗ trợ thiên tai. Có những chuyến tàu viếng thăm được đăng tin rầm rộ cũng như những trao đổi tình báo quân sự thầm lặng. Tuy nhiên, trước sự thất vọng của Hà Nội, Washington đã từ chối đề nghị bán những loại vũ khí quân sự hiệu nghiệm.
Thái độ của chính quyền Việt Nam trước vấn đề nhân quyền sẽ vẫn là gánh nặng trong quan hệ Việt - Mỹ. Có một thế hệ người Mỹ gốc Việt thông tường chính trị vốn không những lưu tâm đến những vấn đề này mà còn đủ sức đóng góp vài lá phiếu. Đặc biệt là trong năm bầu cử ở Mỹ, việc Hà Nội đàn áp những người đối lập trong nước có thể thọc chiếc gậy vào trong việc thương lượng song phương về an ninh và thương mại.
Hà Nội không nên ngạc nhiên về việc này. Các quan chức Hoa Kỳ từ Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton trở xuống đều nhấn mạnh rằng việc Việt Nam đàn áp “những tiêu chuẩn toàn cầu về nhân quyền” đang cản trở việc thắt chặt hơn quan hệ hai bên. Các Thượng Nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman đã nói rõ khi họ đến thăm Hà Nội hôm tháng Hai. Việt Nam “muốn có một danh sách dài về vũ khí quốc phòng, [nhưng]... điều này sẽ không xảy ra ngoại trừ thành tích nhân quyền của họ khá hơn.”
Mối liên hệ giữa thành tích nhân quyền và lối vào thị trường Hoa Kỳ của Việt Nam thì không trực tiếp mấy. Trong khi việc bán vũ khí cho Việt Nam cần phải có sự chấp thuận cụ thể của Quốc hội, chắc chắn là Quốc hội sẽ khó mà từ chối hợp tác một khi Hiệp ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Tuy thế, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị yếu thế trước hàng loạt những điều khoản và nghị quyết mà Quốc hội có thể đính kèm trong những dự luật có thể có trong tương lai, trong đó bao gồm một hiệp ước đầu tư và một thoả thuận giám sát việc chuyển nhượng kỹ thuật điện hạt nhân.
Có rất nhiều cách để vấn đề nhân quyền trở thành điều kiện trong hướng đi của Hoa Kỳ. Ví dụ như ngày 20 tháng Ba, Việt Nam đã bị từ chối bởi một uỷ ban do Quốc hội Hoa Kỳ thiết lập nhằm theo dõi việc các quốc gia đối xử ra sao với các vấn đề tự do tín ngưỡng. Uỷ ban này đã đề nghị Việt Nam được đưa vào danh sách “các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt,” cùng loại với những nước như Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran và Sudan. Viện dẫn cụ thể, nó các buộc rằng Việt Nam “có những vi phạm mang tính hệ thống đối với tự do tôn giáo và tín ngưỡng” trong năm 2011.
Việt Nam đã ra khỏi danh sách đen về tự do tín ngưỡng của Hoa Kỳ từ năm 2006. Việc quay lại danh sách này không bắt buộc chính quyền Hoa Kỳ phải cấm vận Việt Nam - nhưng cũng là một lý do tiện lợi cho Quốc hội từ chối những điều mà Hà Nội muốn từ Hoa Kỳ.
Liệu cáo buộc của uỷ ban này sẽ khiến Việt Nam thay đổi thái độ? Chắc chắn sẽ không bằng con đường rõ ràng - Hà Nội thường ngoan cố khi bị áp lực. Rất hiếm hoặc không có khả năng chính quyền Cộng sản sẽ biểu lộ sự nhân nhượng hơn đối với những ai đòi hỏi dân chủ đa đảng hoặc những ai nhấn mạnh quyền được tự do tín ngưỡng, thành lập các nghiệp đoàn lao động mà không có sự đồng ý của chính quyền. Đây là nền tảng của vấn đề “ổn định xã hội” của chính quyền. Cho dù cải cách hay bảo thủ, các lãnh đạo Hà Nội vẫn cho rằng trong vấn đề sống còn của chính quyền, việc giữ vững quyền chuyên chế độc tài của Đảng thì quan trọng hơn so với bất kỳ mối quan hệ chiến lược hoặc hiệp ước thương mại nào.
Trung Quốc cũng có thể là một vấn đề. Một đe doạ khác đối với tình hữu nghị chín muồi giữa Washington và Hà Nội là việc Trung Quốc can thiệp nhiều thêm vào quá trình khai thác dầu mỏ và khí đốt dọc theo bờ biển dài của Việt Nam. Hai lần trong mùa xuân năm ngoái, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã quấy nhiễu các tàu thăm dò đang làm việc cho Petro Việt Nam và một công ty dầu Philippine. Những sự kiện này đã gây ra một làn sóng biểu tình yêu nước tại Việt Nam và thôi thúc Hà Nội tìm kiếm những quan hệ chiến lược với các nhân vật khác trong khu vực.
Các nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng những khiêu khích vào mùa xuân năm ngoái có thể là những khởi xướng không được cho phép do những phần tử tìm cách bảo vệ tuyên bố chủ quyền khó hiểu của Trung Quốc trên vùng biển Đông kéo dài cho đến Singapore. Thật hay không, rõ ràng là có một thành phần không nhỏ tại Bắc Kinh đang không muốn những quốc gia khác khai thác nguồn dầu mỏ và khí đốt (vẫn chưa tìm ra) mà họ cho là của riêng Trung Quốc.
Các công ty dầu hoả lớn đã được cảnh báo rằng nếu họ muốn kiếm phần từ Trung Quốc, họ nên biến khỏi Việt Nam. Công ty BP của Anh đã sang chuyển các cơ sở ở Việt Nam từ năm 2010, và đầu năm nay công ty dầu lớn thứ hai ở Hoa Kỳ là Conoco-Phillips đã cổ phần trị giá 1 tỉ Mỹ kim của mình tại Việt Nam cho một công ty Pháp. Tuy nhiên, Exson-Mobil lại nói rằng họ vẫn muốn khai thác một mỏ dầu vừa khám phá ngoài bờ biển miền trung Việt Nam.
Các hoạt động thăm dò đang tăng cường vào mùa xuân. Thêm những sự kiện tương tự năm ngoái sẽ gây áp lực khiến Washington phải can thiệp. Chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng đến nền chính trị trong nước của Hoa Kỳ.
Công việc của các nhà ngoại giao là không những phải hiểu được các đối tác nước ngoài nói gì mà còn là vì sao, để giữ vững được cái đầu lạnh đối với các khả năng, và trên hết, không đánh giá quá cao những đề xuất khi báo cáo lại với các ông chủ chính trị của mình. Nếu các nhà ngoại giao làm được điều này, cả Hà Nội và Washington cần xem lại giá trị trong việc khai thác sự nồng thắm trong quan hệ của mình trong một thời gian - ít nhất là cho đến cuối năm. Cả hai bên đều không nằm trong tư thế để tiến xa hơn nữa. Thử thách hiện thời là giữ nguyên những gì đã đạt được, đứng vững trước áp lực, và không bị lôi kéo bởi ảo tưởng và/hoặc buộc tội nhau.-Theo:-Việt Nam và Hoa Kỳ: một cặp đôi kỳ cục
-------