Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Biệt động Sài Gòn: Người ở lại

-Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) và nhà báo Mỹ Don Luce gặp nhau tại TPHCM. Ảnh do nhân vật cung cấp
Khi chúng tôi viết loạt bài này, đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu, SN 1931), thủ lĩnh biệt động Sài Gòn, đang bệnh nặng. Ông và đồng đội đã viết nên những trang sử oai hùng, góp phần đem lại thắng lợi cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc
Từng được mệnh danh là “Tướng biệt động Sài Gòn” hay “Thủ lĩnh F100”, đến bây giờ, giữa dòng chảy âm thầm của cuộc sống, ông Tư Chu vẫn là mắt xích quan trọng kết nối các gia đình và thành viên biệt động Sài Gòn ngày trước.

Đội quân tinh nhuệ

Ông tiếp chúng tôi tại nhà (phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM). Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, hiền hậu ấy, ít ai biết rằng sinh mạng của ông từng được Mỹ và chính quyền chế độ cũ treo giá đến 2 triệu USD sau sự kiện chấn động Mậu Thân 1968. Ông là Nguyễn Đức Hùng, còn được biết đến với tên gọi Tư Chu, bí danh Ba Tam, một “trùm biệt động” chỉ huy lực lượng cảm tử đặc biệt tinh nhuệ với chỉ 88 con người xung trận mà đã làm điên đảo Sài Gòn và rúng động cả thế giới vào lúc bấy giờ.

Việc chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân 1968 thật ra đã được bắt đầu từ mùa thu năm 1964. Để đón lấy thời cơ chiến lược tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào cuối giai đoạn chiến tranh đặc biệt, Trung ương Cục miền Nam đã vạch ra “Kế hoạch X”, nội dung thực hiện một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong các đô thị trên toàn miền Nam, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định. Cùng thời gian này, Trung ương đã điều động đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam để trực tiếp lãnh đạo, chuẩn bị cho kế hoạch này. Việc thành lập Đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, phiên hiệu F100, nằm trong kế hoạch đó.
Sứ mệnh lịch sử

Điều gì đã khiến Tư Chu được cấp trên lựa chọn làm thủ lĩnh đội quân đặc biệt tinh nhuệ F100 ? Có lẽ là từ bản lý lịch của ông. Xuất thân từ thành phần cùng khổ, 8 tuổi đã phải xa gia đình, 10 tuổi bắt đầu cuộc sống tự lập, 14 tuổi trở thành công dân đất Sài Gòn - Gia Định, người thanh niên quê Hà Tĩnh này đã sớm nếm trải mùi đời tủi nhục, cùng cực của dân nghèo thành thị, nỗi căm phẫn bi thương của một người dân mất nước.

Tư Chu tìm đến với cách mạng như một lẽ tất yếu. Bắt đầu từ việc tham gia đoàn quân cướp chính quyền trong mùa thu tháng Tám 1945, kế đến là chỉ huy đơn vị biệt động thành 2766 trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn…, rồi ông tập kết ra Bắc, được đưa đi học ở trường quân sự nước ngoài và về nước rồi trở vào Nam trong đoàn cán bộ quân sự đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam mang tên Phương Đông 1 vào năm 1961. Ông tiếp tục được giao phụ trách việc nắm tình hình địch trong nội đô, phục vụ trực tiếp cho yêu cầu chiến đấu. Chỉ trong vòng một năm, ông đã xây dựng được một lực lượng gồm hơn 300 cán bộ, cơ sở, hoạt động suốt từ địa bàn quận 8 vào đến nội thành Sài Gòn.

Năm 1965, ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Bí thư Khu ủy, đã đề cử với Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn ông Tư Chu vào vị trí chỉ huy trưởng lực lượng biệt động đặc biệt F100 khi lực lượng này bắt đầu được thành lập. Trước khi vào trận Mậu Thân 1968, F100, với hơn 200 người được biên chế trong 13 đội, dưới sự chỉ huy của ông Tư Chu đã đánh những trận vang dội vào các mục tiêu đầu não của quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Thử thách đáng nhớ !



Ông Tư Chu có một người đồng chí khá đặc biệt, đó chính là vợ ông - bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ), một cán bộ giao liên trong lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Thời điểm ông đang căng óc chỉ đạo đội hình biệt động ém quân, tập kết vũ khí tại các kho ở nội thành để đánh 9 mục tiêu quan trọng trong Tết Mậu Thân 1968 cũng là lúc bà Nhỏ bồng bế đứa con trai 2 tuổi đi làm nhiệm vụ hướng dẫn cán bộ biệt động xâm nhập nội thành để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Vợ chồng ông phải gửi lại 2 đứa con (5 tuổi và 7 tuổi) cho 2 cơ sở nuôi để tiếp tục hoạt động cách mạng. Nhưng một cán bộ bị bắt, không chịu nổi đòn roi tra tấn đã khai ra nơi nuôi giấu 2 đứa con của ông bà. Địch bắt được, quyết lấy đó làm cái cớ để chiêu hàng vợ chồng “tên Việt cộng đầu sỏ”.


Bà Nhỏ nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang ở Hố Bò (Tây Ninh). Đồng chí Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) hay tin đã quyết định giữ tôi lại, không cho về vì sợ địch đánh 2 đứa nhỏ rồi dụ dỗ chiêu hồi, tôi chịu không nổi sẽ ra hàng. Khi nghe 2 con bị bắt như vậy, tôi khóc không ra nước mắt, trong bụng cũng chết điếng luôn. Đồng chí Tư Ánh có đề xuất bắt một lính Mỹ để trao đổi nhưng sự việc không thành. Sau đó thì có một cơ sở của biệt động lên báo cáo, ông xã tôi mới đưa tấm hình của cháu Huy (con trai đầu) cho một nhà báo Mỹ để anh ta đăng bài lên án tụi nó rằng bắt con nít là vô nhân đạo. Từ đó, tin con tôi bị bắt được loan đi khắp thế giới”.


Vị ân nhân mà bà Tư Nhỏ nhắc đến chính là Don Luce - cựu phóng viên tờ Washington Post (Mỹ). Vào thời điểm đó, Don Luce đã được lãnh đạo Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lựa chọn để tiếp cận, nhờ can thiệp nhằm tạo dư luận, gây áp lực giải thoát cho 2 đứa trẻ. Giờ đây, sau hơn 40 năm, gặp lại “những con tin của chiến tranh” (từ dùng của Washington Post) mình đã cứu ngày ấy, Don Luce không khỏi xúc động: “Thật tuyệt vời khi được gặp lại những đứa trẻ ngày ấy. Giờ đây, các em đã trưởng thành và đã là những người đàn ông thật sự”.


Với ông Tư Chu, sự kiện Mậu Thân 1968 không chỉ là một sự thử thách của thù nước, tình nhà mà còn là đỉnh cao trong đời hoạt động biệt động của mình với những ký ức không thể nào quên và không được phép quên…

Xứng danh anh hùng

Tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho đại tá Nguyễn Đức Hùng trên giường bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) vào ngày 3-1-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xúc động nói: “Đến hôm nay, vinh dự này mới được trao đến tay anh. Có thể nói đây là một thiếu sót của chúng tôi, trách nhiệm này chúng tôi xin nhận. Cầu mong anh luôn khỏe để an hưởng tuổi già và chứng kiến sự phát triển của đất nước mà các thế hệ cha anh, trong đó có lực lượng biệt động Sài Gòn, đã xây bằng xương máu”.





Kỳ tới: Những trận đánh vang dội-Theo:Biệt động Sài Gòn
Biệt động Sài Gòn: Những trận đánh vang dội
Trận đánh Tết Mậu Thân 1968 đã trở thành sự kiện bi tráng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chỉ với 88 con người, 5 cánh quân biệt động thành đã làm rúng động Sài Gòn và dư luận thế giới


Theo đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), lực lượng biệt động khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ra đời từ thời kháng chiến chống Pháp, bắt nguồn từ những đội vũ trang, tự vệ của người dân ở khu vực này từ thời tiền khởi nghĩa và Nam Bộ kháng chiến.


Nhưng chính thức ra đời thì phải kể đến chuyến mạo hiểm vào thành thị sát của Khu trưởng Nguyễn Bình. Và đi liền với đó là quyết định hợp nhất các nhóm vũ trang trong nội đô để thành lập Ban Công tác thành vào tháng 3-1946.


Trải qua suốt thời kỳ 9 năm chống Pháp, lực lượng này không ngừng được kế tục và phát triển, trở thành nỗi kinh hoàng và khiếp sợ của thực dân, tay sai bán nước.


Truyền thống hào hùng


Lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từng bước lớn mạnh và trưởng thành hơn về nhiều mặt. Kể từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương mở đường cho cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân trên toàn miền Nam, các lãnh đạo cuộc kháng chiến đã luôn chú trọng, phát triển lực lượng vũ trang nội đô, đặc biệt là qua 2 hội nghị quân sự quan trọng của Quân khu Sài Gòn - Gia Định được tổ chức trong tháng 9 và tháng 10-1961.


Đến năm 1963, 4 đơn vị biệt động cấp quân khu được thành lập, gồm 65, 67, 69 và bộ phận trinh sát hoạt động ở nội thành. Một năm sau, thành lập thêm các đội 66, 68. Biệt động cấp quân khu được thành lập, đánh dấu bước phát triển trong quy mô và hiệu quả của trận chiến trong nội đô với những chiến công vang dội.


Điển hình là trận đánh rạp chiếu bóng Kinh Đô dành riêng cho sĩ quan Mỹ, trận đánh mìn hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, trận đánh chìm tàu quân sự US Card tại cảng Sài Gòn, trận đánh vào khách sạn Caravelle và cư xá Brink. Và Mậu Thân 1968 chính là đỉnh cao chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.


Kế hoạch X


Ông Tư Chu hồi tưởng: “Để chuẩn bị cho “kế hoạch X”, ngay từ năm 1965, ông đã được cấp trên giao điều nghiên 25 mục tiêu. Nhưng đến trước thời điểm xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân 1968, con số này được rút xuống còn 9 mục tiêu. Lực lượng F100 - Đoàn Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định cũng được giải thể, tổ chức lại thành 3 cụm biệt động: 6-7-9, 3-4-5 và 1-2-8.


Ông đảm nhiệm vai trò Phó Tư lệnh Phân khu 6 kiêm chỉ huy trưởng lực lượng biệt động trong sự kiện Mậu Thân. Các đơn vị biệt động được lệnh tập kích, đánh chiếm và giữ mục tiêu chờ lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng để tăng cường sức đề kháng tại chỗ, bảo đảm giữ được 1 giờ, tạo điều kiện cho các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu tiến vào chiếm giữ mục tiêu. Bộ Chỉ huy tiền phương 2 đã chỉ đạo chuyển các đơn vị biệt động cho các phân khu…

Những chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong một lần họp mặt giữa thời bình. Ảnh do ông Tư Chu cung cấp



Bà Nguyễn Thị Nhung, trinh sát Cụm Biệt động 2 đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy, kể: “Khoảng một tháng trước đó, tôi được giao nhiệm vụ chuyển vũ khí xuống, cất giấu ở hầm nhà một cơ sở gần Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Vũ khí gồm 4 cây B40, 5 thùng đạn AK, súng ngắn... Tôi được phân công đúng giờ thì tới điểm hẹn, lên xe, vào thành và đến cất tại một địa chỉ được quy định làm kho vũ khí ở nội thành. Thật may mắn là kho vũ khí này không bị hư hỏng khi vào trận”. Mũi tấn công Đại sứ quán Mỹ cũng gặp phải những chuyện không thể ngờ tới.


Chiếc xe chở quân từ Củ Chi vào nhà cơ sở trong nội thành để ém quân. Các chiến sĩ biệt động vừa bước chân vào nhà đã nghe tiếng tri hô “cướp! cướp!” nên buộc phải lên xe “tẩu thoát” ngay sau đó. Lý do là anh chủ nhà đã không thông báo cho vợ biết trước về sự hiện diện của các chiến sĩ biệt động. Còn chiếc xe chở một lượng lớn vũ khí của cánh Ba Báo thì đụng phải một tay anh chị, bồi thường số tiền lớn mới đi được...


Bi tráng


Giờ G đã điểm (2 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán, tức ngày 31-1-1968). Các đội trưởng sau thời gian căng thẳng, dõi mắt nhìn đồng hồ nhích từng giây từng phút đã phát lệnh tấn công. Toàn bộ các chiến đấu viên ở 5 mục tiêu đồng loạt xung phong. Khắp Sài Gòn rung chuyển dữ dội bởi tiếng B40, tiếng bộc phá và các loại súng đồng loạt khai hỏa.


Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, 11 chiến sĩ biệt động do Năm Lộc chỉ huy chia làm 2 mũi tấn công chớp nhoáng chiếm được mục tiêu chỉ sau 15-20 phút. Đại tá Đặng Xuân Tẻo, chính trị viên Đội 4 biệt động, nhớ lại: “Nhiệm vụ của đội là đánh chiếm và giữ đài phát thanh trong vòng 2 giờ, đồng thời phát đi lời hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó sẽ có đại quân đến tiếp nhận. Nhưng tụi tôi giữ cho tới 4 giờ sáng vẫn không thấy đại quân mình tới. Chỉ thấy lực lượng của địch phản công rất quyết liệt”.


Cùng lúc đó, 2 xe du lịch chở 15 chiến sĩ đội 11 biệt động do Ba Đen chỉ huy cũng nhanh chóng áp sát mục tiêu Đại sứ quán Mỹ. Tiếng bộc phá nổ dữ dội, đánh sập một mảng tường bao...


Ở hướng mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu ngụy, dù 1 trong 2 xe chở lực lượng biệt động bị nổ lốp phải hành quân bộ nhưng cả hai đội 8 và 9 biệt động, với quân số 24 người do Ba Phong dẫn đầu, đã kịp thời hợp đồng tác chiến, tấn công vào mục tiêu đã định trước. Ngô Bá Chính, chiến đấu viên Cụm Biệt động 2 đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy, nhớ lại: “Vì hỏa lực mình mạnh quá, B40 mà nện vô thì lô cốt chịu không nổi, mình chiếm được cổng. Nhưng bố phòng của địch quá dày đặc nên khi mình vô trong thì đụng phải hỏa lực rất mạnh bắn trả”.


Hướng Dinh Độc Lập, một tràng AK hạ gục những tên lính gác cổng, 14 chiến sĩ Đội 5 biệt động do Ba Thanh chỉ huy tiến về phía trước. Khối bộc phá lâu ngày ẩm mốc không nổ khiến đội hình lâm vào thế bất lợi. Anh em không thể tiến sâu vào mục tiêu do địch phản kích dữ dội. Đội 5 phải rút vào ngôi nhà cao tầng ở hướng đối diện và cố thủ trên tầng 3…


Cuộc đối đầu đã diễn ra ác liệt giữa lực lượng biệt động với đối phương đông gấp trăm lần. Giữ mục tiêu trong nhiều giờ liền nhưng lại không có quân tiếp viện, sự hy sinh của các anh gần như là tất yếu…


Kỳ tới: Người ở lại
Đạo diễn Lê Phong Lan


--Người ở lại


Ước nguyện của những cựu biệt động thành là mong được tôn vinh xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của mình và các đồng đội


Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) cho rằng nỗi ưu tư lớn nhất của anh em biệt động ngày trước chính là việc giải thể đơn vị này ngay sau ngày đất nước giải phóng do yêu cầu xây dựng quân đội. Vì không còn “danh bạ quân đội”, không còn tổ chức để chăm lo, thực hiện công tác thời hậu chiến nên chính sách công nhận và đền ơn đáp nghĩa với anh em vẫn còn nhiều thiếu sót.


Ngày giỗ đặc biệt



Mùng 6 Tết Nguyên đán hằng năm, những người còn lại của lực lượng biệt động F100 tinh nhuệ ngày ấy lại quây quần bên nhau tại nhà ông Tư Chu ở phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM để dự lễ giỗ chung, tưởng nhớ những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ông Tư Chu, thủ lĩnh của F100, lần lượt điểm danh từng người một, xem ai còn, ai mất, giống như năm xưa, ông từng điểm quân trước giờ ra trận.


Tham dự lễ giỗ đặc biệt này còn có cả những người thân, gia đình các liệt sĩ - những anh hùng đã ngã xuống trong mùa Xuân năm ấy. Họ đến đây để được sống lại hồi ức về những người thân yêu nhất, để được nghe các bậc cha anh kể lại những giờ phút sau cùng của người thân. Tô Thị Mai Hương, con gái liệt sĩ Tô Hoài Thanh, tâm sự rằng chỉ có ở đây, chị mới cảm thấy ba mình hiện diện và còn có các cô, các chú nhớ đến sự hy sinh thầm lặng mà oanh liệt của ba.


Và mỗi khi nghe các cô chú buột miệng thốt lên “con giống ba con quá” là chị lại tủi thân, nghẹn ngào. Hương không lưu giữ được mảnh ký ức nào về khuôn mặt ba mình bởi khi ấy còn quá nhỏ. Chị và người em trai Tô Hoài Sơn lại phải xa ba mẹ ngay từ tấm bé, ở với những người mẹ nuôi, ba nuôi cho đến tận lúc trưởng thành để ba mẹ đi kháng chiến.


Thời tuổi trẻ, đã có lúc vì không hiểu chuyện, chị đã từng giận mẹ, trách mẹ sao bỏ mình ở lại. Còn mẹ chị, bà Võ Thị Cúc, lại không thôi nỗi day dứt, nuối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ chồng mình lần cuối cùng trước lúc ông hy sinh. Lúc đó, bà vì phải nhận chuyến công tác quân báo đặc biệt nên đã không về kịp theo lời đã hẹn.
Chị Võ Thị Huyền Nga (bí danh Lê Thị Hồng Quân) trong ngày giỗ tập thể
biệt động Sài Gòn tại nhà đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu). Ảnh: TFS



Bà Nguyễn Thị Lớp, vợ liệt sĩ Trần Văn Lém (Bảy Lớp, tham gia mũi tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn trong trận Mậu Thân), cứ nhớ mãi lời dặn dò của chồng trước ngày đi chiến dịch. Lúc đó, bà đang mang thai đứa con thứ ba. Chồng bà bảo: “Bây giờ, một là bà về quê. Hai là bà trở về Sài Gòn, tôi gửi cho ở.


Phần tôi đi không cần gì hết, chỉ cần bà nuôi giùm 2 đứa con với cái bào thai trong bụng là được rồi. Hễ tôi về kịp thì tôi cho người rước mấy mẹ con về ăn Tết, còn hễ tôi chưa rước thì vẫn ở đó, đừng có về”. Ngày mùng 2, súng nổ ran ở hướng nội đô, lòng dạ bà Lớp như lửa đốt, linh cảm có chuyện chẳng lành xảy ra với chồng.


Chừng khi cầm tờ báo Time trên tay, trong đó có đăng tấm hình tướng cảnh sát ngụy Nguyễn Ngọc Loan bắn chồng bà ngay trên đường phố Sài Gòn, bà chết lặng nhưng vẫn không tin chồng mình đã mất. Dù cái thai mỗi ngày một lớn, bà vẫn lặn lội về tận đơn vị cũ của chồng để hỏi thăm tin tức. Rồi chiến dịch mùa Xuân 1975 thắng lợi, bộ đội về rộn ràng khắp đường phố, đứa con nhỏ chạy theo, níu lấy chân các chú mà hỏi: “Mấy chú ơi, ba con về chưa? Ba con có về với mấy chú không?”, bà nghe mà nghẹn ngào, không cầm được nước mắt…


Chuyện một nữ biệt động


Trong lễ giỗ biệt động gần đây nhất mà người viết bài này được dự, có một nhân vật khá đặc biệt. Chị là người thắp nén hương sau cùng và đứng thật lâu trước bàn thờ các anh. Chị tên là Võ Thị Huyền Nga, bí danh Lê Thị Hồng Quân, một nữ biệt động thành năm xưa... Sau đợt 1 chiến dịch Mậu Thân, để bổ sung quân số kịp thời cho đợt 2, đơn vị chị - đội nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định, được gấp rút tăng quân, biên chế thành Tiểu đoàn Lê Thị Riêng (tên nữ chiến sĩ vừa hy sinh trong đợt 1).


Trong trận chiến sinh tử ấy, anh Hà Văn Tiết, chị Sáu Xuân kịp hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” trước lúc hy sinh. Còn lại một mình, dù khắp người đã bị thương nhưng Hồng Quân vẫn kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Sau đó thì em Quang, một đoàn viên 15 tuổi, làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí trong đơn vị, đã vượt qua làn đạn bắn rát của địch để đến bên chị thông báo vũ khí đã cạn sạch. Và em nhất định ở lại bên người chỉ huy Hồng Quân của mình đến giờ phút cuối cùng của chiến trận. Hai chị em bị bắt và tra tấn dã man.


Nhớ về người đồng đội nhỏ tuổi ấy, chị lại không cầm được nước mắt. Cái khoảnh khắc thân hình Quang bé nhỏ quằn quại bởi những đòn thù tra tấn dã man mà dứt khoát không khai báo một lời và tiếng hát tranh đấu hào hùng của em vang lên trước giờ phút chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng còn mãi in sâu trong tâm thức chị, suốt đời không quên.


Ngày nào cũng nhớ đồng đội

Mỗi lần đi ngang Hội trường Thống Nhất, ông Tư Chu và những chiến sĩ biệt động năm xưa nay còn sống chợt thấy chạnh lòng. Đồng đội họ đã anh dũng ngã xuống nơi đây khi tuổi đời còn rất trẻ để làm nên trận đánh mùa Xuân 1968 oanh liệt. Ông tâm sự: “Ngày nào tôi cũng nhớ đến đồng đội cũ. Hầu hết anh em đã chết trong Tết Mậu Thân và các chiến dịch. Lịch sử và đất nước đã đánh giá cao về họ. Nhiều người đã được ghi công nhưng vẫn còn rất nhiều người mang bí số, bí danh, các cơ sở chưa được ai biết đến”.


Vì tính chất đặc thù của biệt động nên không ai được biết tên thật hay thông tin cá nhân về đồng đội của mình. Do đó, đến tận bây giờ, nhiều người hy sinh đã gần nửa thế kỷ mà vẫn cứ mãi là liệt sĩ vô danh.


Ngay đến cả ông Tư Chu, người thủ trưởng của họ, cũng chỉ biết đến họ qua những bí danh, bí số. Nhiều người đã ngã xuống mà không tìm được hài cốt. Và trách nhiệm của người ở lại là đi tìm, xác minh nhân thân và ghi công cho những anh hùng thầm lặng đó.
Đạo diễn Lê Phong Lan-----

Tổng số lượt xem trang