Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau

-- (3):Rosatom là gì? THỤC QUYÊN - Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau
Sáng ngày 31/10/2011 lễ ký hiệp định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra  với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Theo nguồn tin VOA/ Bloomberg từ tháng 6/2010,  ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân ,đã loan tin công ty nga Rosatom được chọn lựa để " giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên"Tại hội thảo quốc tế ĐHN lần thứ 4 diễn ra cuối năm 2010 tại Hà Nội, PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cũng loan báo tương tự. Ngoài ra VOA còn cho biết đồng thời Việt Nam cũng  đã ban hành qui định cấm việc xử dụng, tàng trữ hay mua bán các loại nguyên liệu và thiết bị hạt nhân và cấm đưa thông tin sai lệch về vấn đề này.



Theo nguồn tin chính thức của Rosatom,thỏa thuận ngày 31/10/2011  đã được ký kết bởi Tổng Giám đốc của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga ROSATOM, Sergey Kirienko, và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của nước CHXHCN Việt Nam Vũ Huy Hoàng.

Các công ty con của Rosatom là ATOMSTROYEXPORT sẽ phụ trách quá trình xây dựng nhà máy và ROSENERGOATOM  sẽ chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên và hỗ trợ kỹ thuật khi nhà máy hoạt động. Trung tâm điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận,với tên gọi NINH THUẬN 1, bắt đầu xây dựng vào năm 2014, đi vào hoạt động năm 2020, với một số vốn  ước tính vào khoảng 8 tỷ đôla.

Thỏa thuận  định rõ :

-chủ đầu tư  là EVN , Tập đoàn điện lực Việt Nam

-nhà thầu là công ty JSC Atomstroyexport trực thuộc Rosatom ,

-và đối tượng xây là 2 lò phản ứng hạt nhân (LPƯ), mỗi LPƯ có công suất 1200MW, sử dụng công nghệ  của Nga cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, theo phương thức "chìa khóa trao tay", sẵn sàng sử dụng.

Tập đòan điện lực VN (EVN) đã xác nhận tình hình triển khai dự án xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 như sau:

31/10/2010: Ký Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác xây dựng NM ĐHN trên thổ Việt Nam.

21/11/2011: Ký Hiệp định tài trợ lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NM ĐHN Ninh Thuận 1 và vay tín dụng xuất khẩu của LB Nga để xây dựng NM ĐHN trên lãnh thổ VN, giữa Chính phủ VN và LB Nga.

21/11/2011: Ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NM ĐHN Ninh Thuận 1 ,thuộc dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, giữa Tập đoàn Điện lực VN và Liên danh tư vấn gồm CTCP mở “E4 Group”- LB Nga, CTCP mở JSC KIEP và Công ty TNHH LLC EPT và ... .....Không chỉ phối hợp truyền thông với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Nga, EVN còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp với chính quyền sở tại, chủ động tuyên truyền đến người dân trong vùng, nhằm cung cấp cho công chúng những kiến thức cơ bản về điện hạt nhân, .....cũng như  EVN đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân.

Những ký kết cho thấy lòng cương quyết đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân của chính phủ Việt nam trong thời điểm mà trên tòan thế giới, khi  nói tới "Năng lượng hạt nhân" là nghĩ và nhắc tới "Thảm họa Chernobyl" và"Thảm họa Fukushima".Thêm vào đó,trong bối cảnh nguy cơ khủng bố hạt nhân và phóng xạ ,tăng cao kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2011, thì vấn đề an toàn lẽ dĩ nhiên là mối lo hàng đầu về phía người dân Việt.

Tại Diễn đàn “Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul 2012”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến ngày 27/12/2011 khẳng định VN luôn coi bảo đảm an toàn, an ninh là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển, ứng dụng năng lượng hạt nhân. Theo dõi tin tức báo chí VN thì sự bảo đảm an tòan hạt nhân này hòan tòan dựa trên những lời tuyên bố của chính phủ Nga và những người đại diện Tập đòan Rosatom, người bán món hàng "nhà máy điện hạt nhân" cho VN.

Trên nguyên tắc,trước khi quốc hội và chính phủ VN  lấy quyết định và ký kết vay  Nga 10Tỷ USD với "lãi xuất ưu đãi"như Sergey A. Boyarkin - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom- tuyên bố hôm 9/2/2012 ,để du nhập công nghệ năng lượng hạt nhân, một nguồn năng lượng chứa đựng nhiều tiềm năng nguy hiểm vào Việt Nam, một quốc gia chưa có hạ tầng và nhân lực thích hợp , thì theo đúng lương tâm và tinh thần trách nhiệm chính phủ đã phải tối thiểu điều tra kỹ lưỡng về công ty được giao trọng trách cung cấp món hàng này?

Nhưng nguyên tắc tối thiểu đó có thật tình được tuân thủ hay không?

Rosatom là gì ?

Kế thừa Bộ Kỹ thuật và Công nghiệp Hạt nhân trước đây của Liên Xô  (chịu trách nhiệm nhà máy ĐHN Chernobyl) Bộ Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga  hay MinAtom , được thành lập ngày 29/1/1992  sau khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết tan rã (25/12/1991)

Sau này Bộ Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga được tái cơ cấu thành Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang vào ngày 9/3/2004.

Tháng 11 năm 2007,theo đạo luật của nghị viện Nga và được tổng thống Nga Putin ký vào đầu tháng 12, cơ quan này chuyển thành tập đòan nhà nước   "Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga "ROSATOM

MinAtom/ Rosatom   được liên tiếp điều khiển bởi Jewgeni Olegowitsch Adamow từ  1998 tới  2001   bị  Putin cách chức vì tình nghi hối lộ.

Tiếp theo là  Alexander Jurjewitsch Rumjanzew (2001–2005).

Và từ 2005  Sergei Wladilenowitsch Kirijenko

Hòan tòan khác với tiêu chuẩn thế giới, Tập đòan năng lượng Rosatom là một cơ quan khổng lồ,có  thẩm quyền về cả sự ứng dụng dân sự cũng như quân sự của năng lượng nguyên tử tại Nga. Do đó Rosatom điều khiển tất cả những trung tâm nghiên cứu,học viện,và cả các công ty liên quan đến sản xuất,thiết kế và bảo trì vũ khí hạt nhân. Ngòai ra còn chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân và  việc xử lý chất thải. Rosatom là tổng hợp của tất cả những công ty lớn nhỏ liên quan đến nguyên tử tại Nga, trong đó có

-Rosenergoatom, tổng hợp các nhà máy điện hạt nhân của Nga

-Techsnabexport,  xuất khẩu vật liệu và nhiên liệu hạt nhân cho  các nhà máy điện hạt nhân

-Atomstroiexport,  xây cất các nhà máy điện hạt nhân bên trong và bên ngoài nước Nga

-Atomergoprojekt  làm dự án thiết kế những nhà máy điện hạt nhân như AES-91 và AES-92

-Atomenergomash xây cất lò phản ứng hạt nhân

-TWEL sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Công ty này sở hữu và khai thác các mỏ uranium.

Những công ty con của TWEL sản xuất nhiên liệu hạt nhân(thí dụ công ty chi nhánh  Maschsawod tại  Elektrostal ),hoặc xây và cung cấp dịch vụ bảo trì những cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp hạt nhân.    

Biết  rõ thế đứng độc quyền,cơ cấu, và trách nhiệm của Rosatom trong nền công nghệ hạt nhân nước Nga cho phép chúng ta tìm hiểu những gì đang xảy ra tại Nga và tình trạng nền công nghệ của nước này , để đánh giá đúng mức công ty được chính phủ VN chọn lựa đối tác kinh doanh với EVN tại Ninh Thuận 1, và lường trước tình trạng chủ động cũng như  chủ quyền thực sự tại đây.

Tổng thống Medvedev hãnh diện vì nền công nghệ hạt nhân Nga. Thật vậy sao?

Ngày 08/10/2010  dưới tựa đề "Tổng thống Medvedev hãnh diện vì nền công nghệ hạt nhân Nga. Thật vậy sao?"

Tác giả Andrei Ozharovsky bình phẩm bản tin của Rosatom về lời tuyên bố của Medvedev, nhân dịp ông này đến thăm gian hàng triển lãm Nga tại World Expo 2010 ở Thượng Hải, bằng một bài viết vạch trần những vấn đề trầm trọng tìm được trong những tài liệu của viện Rostekhnadzor (Dịch vụ giám sát sinh thái, công nghiệp, và nguyên tử Liên bang Nga/  Russian Federal Service for Ecological, Industrial, and Atomic Supervision).

Theo viện này, một danh sách rất dài những vấn đề liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hạt nhân, những vấn đề chất thải phóng xạ, những  lò phản ứng hạt nhân ở độ tuổi đang" chờ ngừng hoạt động" , những sự cố không hiếm xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Nga.... cần được quan tâm đặc biệt.

Những lỗi lầm trong qúa trình hoạt động của những NMĐHN là do những nguyên nhân cơ bản như quản lý yếu kém, sai sót trong tổ chức bảo trì, các khuyết tật sản xuất, và lỗi thiết kế. Các lò phản ứng mới lại đang được xây dựng với những vật liệu đã bị đánh giá là giả mạo hoặc không được kiểm nhận,cộng thêm "trình độ không đủ,  kiến thức yếu kém của nhân viên về các chỉ tiêu liên bang , các quy tắc, tài liệu thiết kế, và quy trình công nghệ sản xuất thiết bị".

Theo báo cáo của viện Rostekhnadzor, năm 2009, trong số những sự cố xảy ra tại các NMĐHN có 30 lần là do lỗi điều hành, ít hơn 2008 được chín lần.Tác giả Ozharovsky mai mỉa, có thể vì vậy mà tổng thống Medvedev có quyền hãnh diện,nhưng theo lô gíc , khi biết được những thiếu sót về quản lý và trong việc tổ chức bảo trì thì phải đưa đến cố gắng khắc phục.Tuy nhiên, những báo cáo bởi Rostekhnadzor năm này qua năm khác cho tới nay không đưa tới một cải thiện nào. Còn về những khiếm khuyết  sản xuất và thiết kế thì vô phương cứu chữa. Một lò nguyên tử được thiết kế sai lầm hoặc gồm những bộ phận kém chất lượng thì trước sau cũng gây ra trục trặc.

Từ những trục trặc nhỏ có thể ém nhẹm được cho đến một thảm họa vô lường chỉ là một vấn đề may rủi Cũng theo báo cáo của Rostekhnadzor,năm 2009  những trục trặc kỹ thuật xảy ra nhiều nhất tại các NMĐHN  :

- Lò số  3  Nhà máy  Novovoronezh NPP (VVER-440) / 3 lần trục trặc

- Lò số  3  Nhà máy Kola NPP (VVER-440)/ 3 lần trục trặc

- Lò số  3  Nhà máy Leningrad NPP (RBMK)/ 6 lần trục trặc

- Lò số  1  Nhà máy  Smolensk NPP (RBMK)/ 3 lần trục trặc

Năm 2009 cũng có tổng cộng 18 lần trục trặc tại các nhà máy trên tòan quốc vì lý do lỗi hệ thống

Chín (9) sự cố tại các nhà máy  Smolensk NPP (3), Kalinin NPP (2), Leningrad (1), Balakovo(1), Bilibino(1), và Novovoronezh (1) phải cần đến xử dụng hệ thống bảo vệ khẩn cấp (activation of the emergency protection system)

Ngòai ra ,bản báo cáo nhắc tới hai thành qủa khám phá kịp thời 959 đơn vị " tăng cường bê tông" giả tại Nhà máy Rostov cũng như  những "đơn vị tăng cường bê tông"chưa được kiểm chứng được xử dụng tại nhà máy Leningrad NPP 2.

Trầm trọng hơn hết là Izhorskiye Zavody, nhà sản xuất hàng đầu các thiết bị kỹ thuật ĐHN  Nga, một trong những nhà cung cấp thiết bị chính cho các NMĐHN, đã bị bắt tại trận sản xuất chất lượng thấp , bị phạt vạ và có thể bị đóng cửa nếu còn tái phạm.

Theo tác giả Ozharovsky , bản báo cáo của viện Rostekhnadzor cho thấy rõ là những NMĐHN Nga an tòan đến mức độ nào, và đã giải đáp phần nào lý do tại sao Trung Hoa đã gởi trả nhiều tấn thiết bị thiếu chất lượng Rosatom định dùng để xây NMĐHN ở Tian-Wang.

Thiếu kiểm soát từ bên ngoài đưa đến nguy cơ tham nhũng cao tại  Rosatom

Bình luận về báo cáo chung ngày  26/11/2010  của Ecodefense và Transparency International Russia ( TIR Tổ chức minh bạch quốc tế Nga),Vladimir Slivyak viết:

Hiếm có ai còn  ngạc nhiên khi nghe tham nhũng rất phổ biến ở Nga ,nhưng khi nạn tham nhũng đã tràn tới nền công nghiệp hạt nhân với những tiêu chuẩn khắt khe phải có  để bảo đảm an toàn ,thì tình trạng đòi hỏi một sự giám sát đặc biệt nghiêm chỉnh.Lẽ dĩ nhiên cuộc khảo sát của TIR và Ecodefense đã gặp nhiều khó khăn vì họ không được truy cập tài liệu nội bộ của Rosatom và cũng không có thông tin về sự tiến triển của các dự án.

Tuy nhiên phân tích và so sánh luật pháp hiện hành với những quy định nội bô riêng của Rosatom  đủ cho thấy có những kẽ hở tạo nên những nguy cơ tham nhũng cao.

Với thế đứng đặc biệt của Rosatom, những hoạt động thương mại của tập đòan này không thuộc thẩm quyền của Luật Liên Bang Nga số 94 về những tiêu chuẩn đấu thầu.Tóm lại bản chất của Rosatom là "một nước trong một nước", tự trị và không bị kiểm soát bởi bất cứ ai khác hơn chính mình. Giải pháp cấp bách là  phải thay đổi luật lệ hiện hành để đặt Tập đoàn Rosatom dưới sự kiểm sóat hữu hiệu của cả chính phủ  lẫn công chúng Nga.

Rosatom trong cơn lốc tham nhũng.

Theo cơ quan truyền tin Russian International News Agency (RIA Novosti), ngày 20/7/2011 tòa án quận Ostankino (Moscow) đã cho phép bắt giữ cựu Phó tổng giám đốc Tập đòan Rosatom cho tới ngày 27/8 để điều tra về vụ nghi ngờ biển thủ 50 triệu Rúp (1,7 triệu USD). Đây là kết quả của một cuộc điều tra dài hạn về tình trạng tham nhũng trong mọi ngành của Rosatom, với kết qủa là cách chức 35 quản lý hàng đầu và hơn 200 nhân viên bị xử lý kỷ luật trong năm qua. Yevgeny Yevstratov bị cáo buộc lợi dụng quyền thế trong Rosatom và Atomflot để dính liú tới hai trường hợp biển thủ quy mô ngân quỹ thiết kế và xây cất NMĐHN Murmansk cũng như ngân quỹ dành cho nghiên cứu khoa học.

Cơ quan RAPSI (Russian legal information agency) ngày 21/10/2011 loan tin Transparency International Russia TIR có chương trình kiểm sóat mức hiệu qủa của các biện pháp phòng chống tham nhũng các tập đòan nhà nước Nga đã đưa ra.Yulia Tkachyova, cho biết TIR đã chọn lựa ngẫu nhiên 600 vụ mua hàng hóa của Rosatom để phân tích . Căn cứ theo những vi phạm được xác định, TIR đã đưa ra một danh sách các khuyến nghị. Ivan Ninenko, phó giám đốc TIR và Yelena Panfilova nhấn mạnh về tình trạng các tập đòan công ty quốc gia như Rosatom không phải chịu sự giám sát bởi các dịch vụ chống độc quyền Liên bang. 

"Theo quy định của pháp luật, những tập đòan quốc gia không bị kiểm soát từ ngoài, nên hệ thống phòng ngừa tham nhũng không hữu hiệu."

Ngày 27/2/2012 theo tin của tờ Hetq-Online ( báo xuất bản trực tuyến tại Yerevan/Armenia của Tổ chức báo chí phi chính phủ), Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB Russias Federal Security Service, hậu thân của KGB )đã bắt giữ Sergei Shutov, giám đốc đấu thầu của công ty ZiO-Poldolsk sau cuộc điều tra kéo dài từ tháng 12 năm trước. ZiO-Poldolsk là công ty duy nhất sản xuất máy phát điện hơi nước cho Rosatom để xử dụng trong những NMĐHN tại Nga  từ  năm 1952 ,cũng như cho những NMĐHN do Atomstroiprojekt xây tại hải ngọai.

Sergei Shutov bị cáo buộc thông đồng  với nhà cung cấp  A??? Industriya để mua thép có chất lượng kém  từ Ukraine với gía cao để chia tiền lời.Tổng giám đốc hãng này ,Dmitry Golubyov,cũng đã cùng lúc bị ngưng chức vì tội biển thủ công quĩ.Theo nguồn tin của FSB,chỉ một trừơng hợp số lượng thép thiếu chất lượng dùng cho NMĐHN Kozloduy  ở Bulgaria, đã đem về một lợi nhuận bất hợp pháp là  39 Triệu Rubles(1Triệu USD) cho ATOM-Industriya.

Zio-Podolsk trực thuộc Atomenergoprom , một công ty con của Tập đòan Rosatom. Tin Zio-Podolsk đã cung cấp những máy phát điện  dưới tiêu chuẩn từ năm 2007 là một đòn cực mạnh giáng vào uy tín của tập đoàn này.

Tin từ Sofia ngày 28/03/2012 cho biết chính phủ Bulgaria đã hủy bỏ kế hoạch đặt Rosatom xây NMĐHN Belene trên bờ sông Danube.

Các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng việc sử dụng vật liệu kém chất lượng có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân. Vladimir Slivyak, đồng chủ tịch của Ecodefence Nga đòi hỏi " Phải tức khắc ngưng xây cất khắp nơi và tiến hành kiểm tra quy mô các lò phản ứng sử dụng thiết bị do Zio-Podolsk cung cấp !"

Theo Tổ chức Bellona,một  tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế NGO có trụ sở tại Na Uy, những thiết bị dưới tiêu chuẩn đã được sử dụng không chỉ ở Nga mà còn xuất cảng qua các nhà máy hạt nhân  Bulgaria, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran, (do Rosatom xây cất).

Chủ tịch Frederic Hauge bày tỏ sự phẩn nộ vì theo ông một sự phạm pháp quy mô như vậy đòi hỏi  phải có ứng xử tức khắc để kiểm tra an tòan từng lò phản ứng một. Ông cũng tỏ ra rất thất vọng vì FSB và các công tố viên Nga không chịu công bố danh sách những NMĐHN trong và ngòai nước có thể bị ảnh hưởng. Số người bị bắt chỉ là những vật tế thần nhằm đánh bóng trở lại uy tín đã bị mất của Rosatom, trong khi những nguy hại vô lừơng lại không được thực sự cứu xét.

Một tuần lễ sau khi từ chối không bình luận, Rosatom và Atomenergomash cho ra một tuyên bố chung phủ nhận tin của FSB nhưng không dám phủ nhận tin công tố viện đã bắt giữ các quan chức của Zio-Podolsk và ATOM-Industriya. Trong khi đó, hai nhân viên khác của FSB vẫn xác nhận tin các đồng nghiệp của họ đưa ra lúc ban đầu cho Bellona.

Phát ngôn viên của Công tố viện Nga thì từ chối bình luận vì cuộc điều tra còn đang tiến hành.

"Nếu chính phủ Nga không điều tra sự phạm pháp này một cách nghiêm chỉnh, chúng tôi sẽ bắt buộc phải yêu cầu cộng đồng quốc tế nhận lãnh trách nhiệm đó", Frederic Hauge nói "Bellona sẽ tiếp tục hành động để làm sáng tỏ vấn đề này"

Tình hình đáng báo động trong các nhà máy điện hạt nhân ngay tại nước Nga

Theo báo Le Monde ngày 22/6/2011, một báo cáo bí mật của Rosatom cho tổng thống Dmitry Medvedev ngày 9/6/2011 về tình trạng những NMĐHN đã bị tiết lộ ra ngòai.

Theo đó,chương trình kiểm sóat các NMĐHN  Nga sau thảm họa Fukushima xác định 31 trường hợp sai sót nghiêm trọng về an tòan,bảo trì ,sửa chữa và giám sát, thể hiện tình trạng cực kỳ dễ bị lâm nguy của 11 trung tâm trong trường hợp thiên tai.

Yếu điểm đầu tiên là rủi ro động đất đã không được xem xét trong việc chọn địa điểm nhà máy điện, thường được xây trong thời Xô Viết. Và hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ( 32 lò đang hoạt động )- không được trang bị để tự động dừng lại trong trường hợp động đất. Trong thực tế, các nhà máy của Nga có thể không cần "sự giúp đỡ" từ mẹ thiên nhiên để sụp đổ,mà  vì tuổi cao, các tòa nhà ở các lò phản ứng cho thấy nhiều "dấu hiệu sụt lún và nghiêng từ từ".

Hệ thống làm mát bị đánh giá là không hòan hảo do vật liệu suy thóai và các mối hàn có khuyết điểm , có khả năng gây ra những vụ nổ tương tự như tại Fukushima-Daiichi.

Cuối cùng, báo cáo nêu ra thiếu sót nghiêm trọng trong việc chuẩn bị đội ngũ nhân viên đối phó các tình huống tai nạn khác nhau, chẳng hạn như lũ lụt, hỏa hoạn, bão hoặc động đất.

Tệ hại hơn hết,  Rosatom không lưu giữ tài liệu  để theo rõi về các sự cố và tai nạn trước đây, do đó không cho phép thành hình bất cứ một nổ lực cải thiện an toàn nào, hoặc dự báo về các vấn đề mới.

Đáng quan ngại nhất là hai nhà máy Leningrad và Kola nằm sát biên giới Phần Lan và Na Uy. Trong các nhà máy này (cùng thời với Chernobyl) nguy cơ tai nạn do thiên tai không chỉ là lý thuyết.

Năm 1990 một cơn bão lớn đã ngừng hệ thống điện cấp cứu chính của NM Kola , buộc Na Uy  phải can thiệp cung cấp những máy phát điện khổng lồ để đảm bảo vấn đề làm nguội lò phản ứng.

Năm 2006, mất điện cũng đã đe dọa gây vấn đề tương tự tại trung tâm hạt nhân Mayak.

Ole Reistad, một kỹ sư tại Viện Công nghệ và Năng lượng Na Uy bình luận :"Báo cáo này cho thấy những sự cố không bao giờ được Nga đề cập công khai, cũng không báo cáo quốc tế", Các nhà khoa học Na Uy mong rằng báo cáo bị tiết lộ này của Rosatom sẽ mở đầu cho sự thay đổi thái độ của Nga, thay vì chỉ chú trọng vào chương trình tuyên truyền về " cái gọi là an toàn" của nền công nghệ hạt nhân của mình.

Một "Fukushima Nga"  đang thành hình?

Trong bài viết ngày 22/3/2012 tờ The NewYork Times đã tường thuật : lời chào hàng mới nhất với một dư vị cay đắng của nền công nghiệp Nga là " Chúng tôi bán sự An Tòan rút kinh nghiệm từ Chernobyl" 

Tại Minsk,thủ đô Belarus, thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố " Tôi xin nhấn mạnh là chúng tôi có cả một kho kỹ thuật tân tiến để đảm bảo vững vàng và "vô tai nạn" cho sự vận hành các nhà máy hạt nhân".

Và tổng thống Nga Dmitri Medvedev, nhân một cuộc viếng thăm của thủ tướng Erdogan, đã  lớn tiếng bảo đảm an tòan cho NMĐHN tập đòan Rosatom nhận xây ở một vùng địa chấn hoạt động mạnh ,miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ .

Tại Việt Nam Sergey A. Boyarkin, phó tổng giám đốc Rosatom cũng hứa hẹn tương tự là sẽ bảo đảm được an tòan cho NMĐHN Ninh Thuận 1.

Dmitri Medvedev,Vladimir Putin,Sergey Boyarkin lẽ dĩ nhiên không nhắc tới bức thơ của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (National Anti-Corruption Committee NAC ) đang đốc thúc chính phủ phải khẩn cấp điều tra về những tham nhũng tệ đoan trong ngành công nghiệp hạt nhân Nga (độc quyền Tập đòan Rosatom)với những hậu qủa của nó,và lại càng không  muốn nhắc tới những sự cố không dấu được đang liên tiếp xảy ra tại các NMĐHN Nga, kể cả những trung tâm mới đang trong thời kỳ xây cất .

Điển hình là sự tự xụp đổ của tòa nhà đang xây tại trung tâm hạt nhân mới Leningrad NPP-2. ngày 17/7/2011 . Tổn phí để đập vỡ những mảnh bê tông tách khỏi 1200 tấn cốt sắt (thiếu chất lượng)bên trong để có thể di chuyển đem vứt ,được Rosatom hòan tòan giữ bí mật.

Ngòai ra,chủ tịch nhóm Eco-Defense , Vladimir Slivyak,cho biết trong số 32 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại Nga có 11 lò loại dùng tại  Chernobyl (sản xuất năm 1970). Một trong những lò này, ngay tại ngọai ô St. Petersburg ,vừa được phép kéo dài xử dụng thêm 15 năm ,tuy thủ tướng  Putin đã  không đáp ứng được đề nghị của giám đốc Rosatom Kirienko, cần một ngân quỹ 534 Triệu USD để chỉnh đốn và tăng biện pháp phòng bị an tòan cho những NMDHN cao tuổi tại Nga.

Bước qua năm 2012,nỗi ưu tư của những nhà họat động môi trường càng tăng với những sự cố mới nhất dồn dập tại Nga:

29-30/12/2011 cháy tầu ngầm hạt nhân  Yekaterinburg 

05/02/2012 cháy tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Moscow

23/02/2012 nổ tại trung tâm VNIIEF Sarov.

Mỗi lân như vậy, cách xử thế của Rosatom và chính phủ Nga luôn luôn là ém nhẹm tin tức, ngăn cấm dân và những ký gỉa không được đến gần địa điểm .Nhưng những tin được Rosatom hay cơ quan truyền thông chính phủ đưa ra thì không những chậm trễ, không chính xác,mà còn mâu thuẫn. Những tổ chức bảo vệ môi trường bị tuyệt đối nghiêm cấm mang máy đến đo rò rỉ phóng xạ.

Và lẽ dĩ nhiên không có người đo nên Rosatom có độc quyền khẳng định là không có rò rỉ và lớn tiếng bảo đảm an tòan.

Liệu nền công nghệ hạt nhân Nga với những NMĐHN qúa tuổi, cộng thêm căn bệnh tham nhũng trầm kha , có đang thành hình một Fukushima mới?  (Andrei Ozharovsky)

Với lương tâm và tinh thần trách nhiệm đối với những thế hệ con cháu , chúng ta ,tất cả những người Việt  ,dù sống trong nước hay tại hải ngọai, phải  quan tâm và lên tiếng cấp bách đặt vấn đề với nhà cầm quyền VN đương thời :

Họ không có quyền giao sinh mạng cả dân tộc cho Tập đòan Rosatom !

Ecodefense Russia là một tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế thành lập năm 1990 in Kaliningrad (Koenigsberg) Russia.

http://de.wikipedia.org/wiki/F%C3%B6derale_Agentur_f%C3%BCr_Atomenergie_Russlands

http://ecologie.blog.lemonde.fr/2011/06/22/situation-alarmante-dans-les-centrales-nucleaires-russes/

http://www.bellona.org/articles/articles_2010/Rostekh_report

http://www.bellona.org/articles/articles_2011/corruption_rosatom

http://www.nytimes.com/2011/03/23/business/energy-environment/23chernobyl.html?pagewanted=all

http://www.51voa.com/VOA_Standard_English/Russian-Support-for-Nuclear-Power-Weakens-as-Chernobyl-Anniversary-Nears-41225.html

http://www.bellona.org/articles/articles_2012/Alikhanov_fire

http://www.bellona.org/articles/articles_2012/sarov_explosion


-Hãy bảo vệ Việt Nam hôm nay cho mai sau:
28.12.2011 | Thục Quyên
Tôi là một người mẹ. Một người mẹ tầm thường như bao ngàn triệu người mẹ trên thế giới, sống với mối quan tâm hàng đầu là thương yêu con và bảo bọc cho con.
Trong tình trạng tranh cãi khốc liệt giữa những phe cổ võ và phe chống xử dụng năng lựơng nguyên tử, với những lý do phức tạp đôi bên đưa ra thì một người thừơng, khi muốn hiểu, sẽ có cảm tưởng rơi vào mê hồn trận, khó có hy vọng nhìn rõ vấn đề. Nhưng đối với những người làm cha mẹ chuyện trở nên rất đơn giản, khi kim chỉ nam cho mọi lựa chọn luôn luôn là sức khoẻ và sự an tòan của con cái. Mỗi khi một đứa bé có vấn đề sức khỏe hay gặp tai nạn thì cha mẹ làm gì? Chắc chắn chúng ta không mất thời giờ chần chờ mà tìm ngay đến sự giúp đỡ và những lời khuyên của một người bác sĩ.
Ở Đức nơi tôi sinh sống, tổ chức với tên gọi Ärzte in sozialer Verantwortung (Bác sĩ trong trách nhiệm xã hội) với hơn 7000 hội viên, là một thành viên của hiệp hội quốc tế IPPNW International Physicians for the Prevention of Nuclear War (Hiêp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân). IPPNW gồm 63 tổ chức Y sĩ của 63 quốc gia trên thế giới, được trao Giải Giáo dục Hòa bình của UNESCO năm 1984 và Giải Nobel Hòa bình năm 1985 vì đã thành công đáng kể trong sứ mạng phụng sự nhân lọai bằng cách truyền bá thông tin có thẩm quyền, tạo nên một nhận thức về những hậu qủa thảm khốc của chiến tranh nguyên tử.
Tôn chỉ họat động của IPPNW phản ảnh lời thề Hippocrates mà mọi y sĩ phải tuyên thệ trước khi ra nhận lãnh sứ mạng của mình trong xã hội:
- Tôi sẽ nhớ rằng đối tượng của tôi không phải là một biểu đồ sốt, một sự phát  triển ung thư, mà đối tượng của tôi là một con người bị bệnh, và tình trạng bệnh tật của người đó có thể ảnh hưởng cả đến gia đình và tình trạng kinh tế của họ. Muốn chăm sóc hòan hảo cho người bệnh thì trách nhiệm của tôi phải bao gồm cả các vấn đề liên quan này.
- Tôi sẽ làm mọi cách để ngăn ngừa bệnh, vì phòng ngừa quan trọng hơn chữa trị.
- Tôi sẽ nhớ rằng tôi mãi mãi là một thành viên của xã hội, mang tránh nhiệm đặc biệt đối với tất cả mọi người, khoẻ mạnh cũng như tật bệnh ...
Hiêp hội IPPNW được bác sĩ chuyên khoa tim Bernard Lown của Harvard School of Public Health (Trường Y tế công cộng Harvard) và bác sĩ Evgueni Chazov của USSR Cardiological Institute (Viện bệnh tim của Liên Xô) thành lập trong tháng 12 năm 1980. Với nhận định là trong cuộc sống chung của mọi người và mọi lòai, Y Khoa phải đóng góp vào trọng trách tạo dựng một cuộc sống xã hội, công bằng và có ý thức về môi trừơng, hiệp hội IPPNW đã xuất bản sách và cung cấp bài viết cho các tạp chí chuyên môn và các phương tiện truyền thông phổ biến khác, để đẩy mạnh chiến dịch vận động "cảnh báo y tế cho nhân lọai" về sự nguy hiểm của các cuộc chiến tranh hạt nhân.
Khi thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại Ukraine, đối mặt với sự bất lực gần như hòan tòan của Y khoa trước sự kêu cứu của các nạn nhân, IPPNW đã cương quyết mở rộng nhiệm vụ ban đầu của mình (là phòng ngừa chiến tranh hạt nhân) để bao gồm cả việc điều tra về những hiểm họa y tế cũng như môi trừơng tại các vùng đã bị tai nạn hạt nhân, các vùng sống chung quanh các nhà máy điện hạt nhân, cùng đảm nhiệm vai trò thông tin, giáo dục, để tăng sự hiểu biết công cộng về mối nguy hiểm thường trực có thể đưa đến hiểm họa.
Với kinh nghiệm rút tỉa từ 25 năm thảm họa chưa ngưng của Chernobyl, IPPNW Đức đã cộng tác với các hội quốc tế : EUROSOLAR (European Association for Renewable Energy) Hiệp hội Năng lượng tái tạo châu Âu và WISE International (World Information Service on Nuclear Energy) Dịch vụ thông tin thế giới về năng lượng hạt nhân để đẩy mạnh một chiến dịch thông tin có thẩm quyền về 8 dữ kiện xác thực liên quan đến năng lượng hạt nhân :
1. Năng lượng nguyên tử: Cạn nguồn
Tình trạng bế tắc chất uran chỉ còn đủ cho một vài thập kỷ nữa - vậy sau đó sẽ ra sao?
Năng lượng nguyên tử rồi cũng đi vào ngõ cụt giống như việc đốt các nhiên liệu hoá thạch còn lại rất hạn chế. Vì chất uran cần thiết để vận hành các nhà máy điện nguyên tử là một loại nguyên liệu thô hiếm. Giải pháp “Lò phản ứng tái sinh hạt nhân nhanh”, mà người ta kỳ vọng rằng có thể kéo dài thời gian sử dụng nguồn năng lượng dự trữ, đã bị thất bại bởi các lý do về kinh tế và kỹ thuật. Trong một vài thập kỷ nữa, ngành nguyên tử sẽ hết nhiên liệu. Do nguồn trữ lượng uran cũng như các nguồn trữ lượng khác như than và khí đốt tự nhiên sẽ được tiêu thụ hết một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn, cho nên về lâu dài con người chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của mình bằng các nguồn năng lượng tái sinh và bằng việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. (http://www.facts-on-nuclear-energy.info/1_dead_end.php?size=&l=vi&f=1145900314)
2. Năng lượng nguyên tử: Kẻ mạo danh!
Có thể từ bỏ không sử dụng điện hạt nhân trong việc cung cấp năng lượng. Nhằm nhấn mạnh vai trò của năng lượng nguyên tử, giới nguyên tử luôn đưa ra các dẫn chứng về sự đóng góp của năng lượng nguyên tử trong việc tạo ra điện năng. Nhưng khi người ta xem xét xem năng lượng nguyên tử đóng góp gì vào việc tiêu thụ năng lượng chung trên toàn thế giới thì người ta thấy rằng năng lượng nguyên tử hầu như không có ý nghĩa gì đối với nhu cầu về năng lượng của con người. Năm 2001, điện nguyên tử chỉ đáp ứng được 2,3% nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn thế giới. Phần đóng góp của các nguồn năng lượng tái sinh trong việc cung cấp năng lượng trên toàn thế giới ngày nay còn cao hơn nhiều. Con người có thể khước từ hoàn toàn năng lượng nguyên tử. Rủi ro từ các tai nạn hạt nhân, việc sản sinh ra chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao và các chi phí để xử lý chúng không tương xứng với nguồn năng lượng được tạo ra cho một khoảng thời gian ngắn ngủi. Năng lượng nguyên tử rất nguy hiểm và không cần thiết.
3. Năng lượng nguyên tử: Kỹ thuật có nhiều rủi ro
Mức rủi ro về thảm hoạ hạt nhân ở Châu Âu: 16%. Do những thiếu sót về mặt kỹ thuật và sự sai lầm của con người, ở mỗi nhà máy điện nguyên tử đều có thể xảy ra một tai nạn nghiêm trọng làm thải ra ngoài môi trường một khối lượng lớn chất phóng xạ. “Công trình nghiên cứu chính thức rủi ro ở các nhà máy điện nguyên tử của Đức - Giai đoạn B” cho thấy, xác suất thảm họa hạt nhân ở một nhà máy điện nguyên tử của Đức vận hành trong khoảng thời gian 40 năm là 0,1%. Trong khối liên minh Châu Âu hiện có trên 150 nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động. Xác suất cho một thảm họa hạt nhân ở Châu Âu là 16%. Tỉ lệ này cũng bằng với xác suất người ta đạt được khi chơi xúc xắc: ngay lần đầu tiên đã đạt 6 chấm. Trên toàn thế giới có khoảng 440 nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động. Xác suất cho một thảm hoạ hạt nhân trên toàn thế giới trong 40 năm là 40%. Thảm hoạ hạt nhân ở Chéc-nô-byl cho thấy một thảm hoạ hạt nhân có thể giết chết hàng vạn người.
4. Năng lượng nguyên tử: Kẻ sản xuất chất thải
Không ai muốn thừa hưởng di sản này. Tất cả các nhà máy điện nguyên tử đều chuyển hoá quặng uran thành chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao thông qua quá trình phân huỷ hạt nhận. Do phát ra phóng xạ, chất thải hạt nhân là một hiểm họa đối với cuộc sống con người. Do đó, nó cần phải được cất giữ chắc chắn tách biệt khỏi con người và động thực vật hàng trăm nghìn năm. Các nhà máy điện nguyên tử hoạt động từ khoảng 50 năm nay, nhưng cho đến nay vẫn không một ai biết cách cất giữ chắc chắn chất thải hạt nhân. Trên thế giới vẫn không tìm ra được cách thức chắc chắn để huỷ chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao từ các nhà máy điện nguyên tử. Chỉ một thời gian ngắn sử dụng năng lượng nguyên tử, đã để lại một gánh nặng chất thải hạt nhân trong một thời gian lâu dài gần bằng lịch sử của trái đất. Nếu như từ thời nguyên thuỷ con người đã có nhà máy điện nguyên tử, thì cho đến ngày nay chúng ta vẫn phải giám sát những chất thải hạt nhân từ thời đó.
5. Năng lượng nguyên tử: Hiểm hoạ bom nguyên tử
Năng lượng nguyên tử khuyến khích việc chạy đua vũ khí nguyên tử. Các quốc gia phát, minh chế tạo bom nguyên tử trong các thập kỷ qua ban đầu đều có một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, những chương trình hạt nhân dân sự này thường chỉ là một lớp ngụy trang cho mục tiêu quân sự. Các chương trình trên mở ra cho các quốc gia này cơ hội tiếp cận với các công nghệ và những hiểu biết cần thiết về việc chế tạo bom nguyên tử. Điều này cho thấy : Việc xuất khẩu và tiếp tục mở rộng công nghệ nguyên tử làm gia tăng đáng kể mối hiểm hoạ chạy đua sản xuất vũ khí nguyên tử.
6. Năng lượng nguyên tử: Thất bại về khí hậu
Năng lượng nguyên tử không thể cứu được bầu khí quyển. Giới nguyên tử thừa nhận rằng, người ta không thể thay thế than, dầu, khí đốt bằng các nhà máy điện nguyên tử. Để thay thế chỉ 10% năng lượng hoá thạch trong năm 2050 bằng điện nguyên tử, người ta sẽ phải xây dựng tới 1000 nhà máy điện nguyên tử mới (hiện nay trên thế giới có khoảng 440 nhà máy điện nguyên tử). Việc xây dựng các công trình này - tính trong trường hợp hoàn toàn có thể xây dựng được - sẽ kéo dài nhiều thập kỷ. Nguồn trữ lượng uran sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng thừa nhận không thể nhanh chóng mở rộng năng lượng nguyên tử để hạn chế được sự thay đổi khí quyển. Chúng ta có một giải pháp khác cho vấn đề này: Toàn cảnh năng lượng khác nhau trên thế giới cho thấy rằng vấn đề khí quyển chỉ được giải quyết thông qua các nguồn năng lượng tái sinh kết hợp với những kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
7. Năng lượng nguyên tử: Không có tác dụng tạo việc làm.
Tạo ra việc làm ư? Ngành năng lượng nhờ sức gió đã vượt lên trên ngành công nghiệp nguyên tử! Năng lượng nguyên tử là một ngành cần nhiều vốn - năng lượng tái sinh là một ngành cần nhiều lao động. Ví dụ ở Đức : Năm 2002, có khoảng 30.000 người làm việc trong ngành công nghiệp nguyên tử. Trong khi đó, chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng nhờ sức gió đã có hơn 53.000 người làm việc. Ngành năng lượng tái sinh nói chung đã bảo đảm được việc làm cho 120.000 người, mặc dù phần đóng góp của các ngành này vào việc cung cấp năng lượng còn thấp. Việc tiếp tục mở rộng, phát triển các ngành năng lượng tái sinh mỗi ngày sẽ tạo ra nhiều chỗ làm mới. Trong ít năm tới, việc mở rộng các ngành năng lượng tái sinh có thể sẽ tạo ra được hàng triệu chỗ làm mới trên phạm vi toàn thế giới.
8. Những giải pháp thay thế năng lượng nguyên tử
100% năng lượng từ mặt trời, gió, nước và các chất hữu cơ. Quốc hội Đức năm 2002 đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về năng lượng cho nước Đức, theo đó đến năm 2050 việc cung cấp năng lượng cho toàn nước Đức sẽ được thực hiện bằng các nguồn năng lượng tái sinh. Điều có thể thực hiện được ở Đức, một đất nước có diện tích nhỏ bé, mật độ dân số và năng lượng cao và mức sống của người dân cũng cao, thì cũng có thể thực hiện được ở khắp mọi nơi. Trong lúc đó, chính ngành năng lượng cũng thừa nhận rằng: Cho đến năm 2050, trên toàn thế giới năng lượng được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái sinh sẽ nhiều hơn lượng năng lượng tiêu thụ hiện nay của con người. Nhu cầu về năng lượng trên thế giới sẽ được đáp ứng thông qua sự kết hợp của các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời, các nhà máy điện nhờ sức gió và các hình thức sử dụng năng lượng hữu cơ khác. Để hạn chế sự gia tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới cần phải đưa vào vận hành các kỹ thuật sử dụng tiết kiệm năng lượng. Việc xây dựng nhanh chóng ngành năng lượng mặt trời trên thế giới là một bước đi quan trọng để tránh các cuộc chiến tranh giành giật các loại nguyên liệu hiếm như dầu mỏ, khí đốt và uran. (http://www.facts-on-nuclear-energy.info/8_alternatives.php?size=b&l=vi&f=2031 )
Cần đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử ! Đó là lời khuyên nhất quyết của IPPNW cho chúng ta, trong tinh thần bảo vệ sự sống và môi trường sống của nhữngthế hệ sau. Đó là lời khuyên của những y sĩ nhiều kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm, vì họ tự biết là Y Khoa sẽ bó tay, không thể bảo vệ chúng ta trước những căn bệnh hiểm nghèo do phóng xạ nguyên tử gây ra. Và họ không thể không lên tiếng báo động ngày hôm nay biết rằng sẽ phải khoanh tay bất lực ngày mai, nếu chúng ta để tai biến xảy ra rồi đưa con cháu tìm đến họ xin chữa trị.
Thục Quyên, BSNK
Network SaveVietnam's Nature--


---
Thục Quyên
Tôi là một người mẹ.
Và  giống như đối với tất cả những người cha  người mẹ trên thế giới, điều quan trọng nhất với tôi  là sức khỏe và tương lai của con tôi.
Tôi cũng là một người Việt sống tại Đức, nên trong khỏang 30 năm qua không những  tôi được đọc và nghe hàng ngày về sự tranh cãi giữa những khuynh hướng cổ võ cũng như chống điện hạt nhân, mà tôi còn được trực tiếp chứng kiến sự thay đổi,trưởng thành của nhận thức về sự nguy hiểm cũng như cái gía qúa đắt đỏ của điện hạt nhân,trong xã hội Đức.

Thảm họa Chernobyl (Ukraine)đã xảy ra cách đây 25 năm nhưng cho tới ngày hôm nay số người trẻ của Chernobyl bị ung thư tuyến giáp và ung thư máu vẫn tăng và các bậc cha mẹ của họ đang thống thiết kêu gọi, xin các hội từ thiện Đức đưa họ qua Đức chữa trị. Trong khi  đó, nước Nga hòan tòan dấu nhẹm tình trạng chất phóng xạ của nhà máy đổ nát vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng  (theo nghiên cứu mới nhất  của  NCRS,Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp).Đồng thời theo báo cáo tháng 4 /2011 vừa qua của Hiêp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân IPPNW, thì bên cạnh những hậu qủa tức thời ghi nhận năm 1986 ngay sau vụ nổ và những năm  kế tiếp, là những ảnh hưởng  lâu dài về y tế, bây giờ sau 25 năm đã hiện rõ.Nguyên do là những chất phóng xạ có chu kỳ bán rã chậm, đã ô nhiễm đất và nước,rồi thấm vào cây cỏ, sâu bọ, các giống nấm, và từ đó lẫn vào thực phẩm địa phương. Các bào thai và trẻ em là những đối tượng bị bệnh nặng nhất khi nhiễm phóng xạ vì các tế bào đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh.Do đó con số người bị bệnh thuộc thế hệ  hai sau Chernobyl cao hơn thế hệ  một và còn đang tiếp tục tăng thêm.
Thảm hoạ Chernobyl  đã  phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy bị nổ, lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Bang Xô Viết, Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh quốc và tới tận miền Đông Hoa Kỳ.Do đó,cũng theo báo cáo củaIPPNW và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, số tử vong trẻ sơ sinh,qúai thai và bệnh tật bẩm sinh tăng cao, không những ngay tại Ukraine mà cả tại những nước Âu Châu lân cận.

Một phần ba lãnh thổ Liên minh Châu Âu  bị ô nhiễm sau thảm họa Chernobyl (trích từ ORF.ON Science)

Phóng xạ là một hiểm họa không màu,không mùi, không vị, không biên giới, cho mọi lòai và kéo dài cho nhiều thế hệ. Đối diện với nó,con người vì không thấy,không ngửi không nếm, không sờ mó được nên bất lực, không đánh gía  được  chính xác tầm nguy hiểm của kẻ thù để biết nể sợ.
Tòan thế giới đã và đang sẵn sàng quên dần  Chernobyl thì thảm họa Fukushima ập đến,kéo dài cho tới ngày hôm nay mà chưa có giải pháp thích đáng.Fukushima, với ảnh hưởng tàn phá chưa thể lường được, đã đánh thức lương tri thế giới đối với những thế hệ tương lai. Tại Đức, số người phản đối kỹ nghệ điện hạt nhân tăng từ 73% trong năm 2005 lên 90%,đưa tới quyết định  của chính phủ Đức ngưng chương trình điện hạt nhân của họ.Theo sau Đức là Ý, Thụy sĩ,Bỉ,Thụy Điển, Tây Ban Nha, và một cuộc thămdò ý kiến của GlobeScan cho thấy khuynh hướng chống điện hạt nhân trên thế giới càng ngày càng mạnh,ngay  cả tại các nước từng ủng hộ điện hạt nhân như Pháp (số phản đối tăng từ 66% lên 83%) Nga (từ 61% lên 83%) và Nhật ( từ 76% đến 84%.). Đáng kể là Áo đã xây xong  nhà máy nhưng quyết định không xử dụng, và các nước Ái Nhĩ Lan, Cuba và Philippines (sau một cuộc trưng cầu dân ý) bỏ dở không xây tiếp. Phân tích cho thấy những quốc gia hoặc có kế họach,hoặc đã ra khỏi điện hạt nhân, đều là những quốc gia tự do,dân chủ, với dân trí cao. Người dân của các nước này có môi trường thích hợp để tìm hiểu,suy nghĩ và lựa chọn, nhờ ở trình độ gíao dục học đường  cũng như trình độ văn hóa, tự do, và tinh thần trách nhiệm của ngành thông tin. So sánh giữa Nga và Nhật là một bằng chứng rõ rệt:cùng là hai quốc gia trực tiếp bị thảm họa nguyên tử,với số lượng người dân chống điện nguyên tử gần như tương đương (83% và 84%), nhưng tinh thần dân chủ tại Nhật đã được thể hiện, và chính phủ Nhật đã phải tôn trọng ý muốn của dân để tuyên bố sẽ ra khỏi kỹ nghệ này. Phát triển thường được hiểu qua nghĩa hẹp là "phát triển kinh tế". Nhưng đối với những người làm cha mẹ,sức khoẻ và môi trường sống của con cái chúng ta phải là chính yếu. Để làm gì những phương pháp và công cụ kỹ thuật càng ngày càng tinh vi mong phục vụ cho sản xuất,  nếu thế hệ con cháu không tồn tại được vìnhững  phế  liệu, rác và chất độc đã phá họai môi trường sống của chúng? Không có vàng bạc của cải  nào cho đủ để mang lại sức khoẻ cho một con người đã bị khuyết tật hay đã bị trọng bệnh.Nếu không khí thở và nước uống ngày mai vì ô nhiễm mà trở thành nguyên do gây bệnh tật thì sự sống không còn nữa! Ai trong chúng ta, những  ông bà,cha mẹ, chú bác, cô dì, cũng  đều có chung tâm trạng mong muốn thế hệ con cháu mình được an tòan hạnh phúc,do đó trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay là bảo vệ môi trường sống, để cho những thế hệ tiếp nối một tương lai.
Việt Nam  có những nhà khoa học hay chuyên viên có khả năng và có nhiệt tâm với tương lai dân tộc đã lên tiếng báo động về vấn đề xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Riêng GS  Nguyễn Khắc Nhẫn, ròng rã từ  năm 2003,với vài chục bài viết cũng như trả lời phỏng vấn về vấn đề điện nguyên tử, cũng đã chỉ rõ tình trạng đi vào ngõ cụt của nền kinh tế điện hạt nhân trên thế giới ,và đồng thời nguồn năng lượng này còn là một hiểm họa vô lường cho những thế hệ mai sau của Việt Nam.
Dù giàu nghèo,những ông bà cha mẹ chú bác cô dì của Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ đất sống cho những thế hệ tiếp nối. Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta phải tích cực đóng góp bằng cách chú trọng đến vấn đề và tìm đủ mọi cách truyền thanh, truyền hình,liên lạc, chuyện trò... để thông tin đến mọi người, mọi giới.Tất cả chúng ta có bổn phận  và có quyền lo lắng,tìm hiểu và bảo vệ cho sự sống còn của con cháu mình.
Phóng xạ là một hiểm họa không màu,không mùi, không vị, không biên giới, cho mọi lòai và kéo dài ảnh hưởng lên nhiều thế hệ. Nhiễm độc phóng xạ từ Chernobyl đã bay qua tới Scandinavia, rác phóng xạ từ Fukushima đã tràn xuống Thái Bình Dương trước sự  chứng kiến bất lực của con người. Mọi biến cố xảy ra tại Ninh Thuận sẽ bao trùm cả Việt Nam, đó là điều chúng ta phải nhận định rõ ràng.
Thục-Quyên, BSNK


-

Tổng số lượt xem trang